Đặc sản biển Cần Giờ nổi tiếng bạn nên thử khi đến đây

Cần Giờ có những thủy đặc sản biển nổi tiếng như: địa sâm, vòm xanh, cá khoai, tôm sú, sò huyết, nghêu, cá mú, ghẹ, cua. thường tập trung ở các xã Long Hòa, xã Thạnh An, xã Lý Nhơn, xã Bình Khánh, xã An Thới Ðông, xã Tam Thôn Hiệp và thị trấn Cần Thạnh.

Con sâm đất – địa sâm Cần Giờ

Địa sâm hay còn có các tên gọi khác là con sâm đất, sá sùng là loài có nhiều ở các bãi đất cát pha bùn. Đào sâm đất là nghề kiếm thu nhập chính của nhiều lao động ở vùng ven rừng ngập mặn Cần Giờ

Theo tài liệu dược học cổ truyền, sâm đất vị mặn, tính lạnh, có công dụng bổ dưỡng phần âm và giải nhiệt, làm mát phổi, cải thiện công năng tỳ vị, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như nóng bốc ở tầng sâu bên trong hay sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm, ho khạc đờm nhiều do phế hư; tiểu đêm nhiều…

Còn theo dân gian, sâm đất có công dụng bổ thận, ích tinh, chữa yếu sinh lý, liệt dương. Sâm đất tươi được chế biến thành các món rán, xào, nướng hoặc nấu cháo cho người ốm bồi bổ sức khỏe. Hiện nay, tại các nhà hàng sâm đất là một đặc sản đắt tiền.

Địa sâm Cần Giờ

Để đào được con sâm đất thì dụng cụ lao động khá đơn giản. Người đi săn chỉ cần chuẩn bị một cây cuốc nhỏ hay xẻng, can nhựa hoặc thùng để đựng sản phẩm bắt được, nhang ung muỗi để tránh bị muỗi đốt. Đặc biệt, cuốc và xẻng luôn được người đi đào mài sắc để có thể đào sâu xuống nền đất.

Theo nhiều người đào sâm đất có kinh nghiệm, sâm đất nằm trong hang sâu dưới lớp đất bùn và rất nhanh, người đi săn phải thật nhanh tay mới bắt được. Ở những nơi mặt bùn có ụ lên vài lỗ nhỏ, nếu nhìn kỹ sẽ thấy vòi nhỏ thò ra thì hầu như lúc nào cũng có sâm đất. Việc đào bới ảnh hưởng đến rễ của các loại cây rừng, nên họ rất chú ý tránh khu vực cây con, tránh rễ cây, chỉ đào ở những nơi được cho phép.

Vòm xanh – Vẹm Cần Giờ

Theo người dân nơi đây, vẹm xanh không phải lúc nào cũng có. Do vẹm xanh được sinh trưởng tự nhiên, cho nên một năm chỉ có khoảng 2-3 đợt. Mỗi đợt đánh bắt chỉ kéo dài 5 -7 ngày, tùy vào lượng đánh bắt của người dân. Vẹm xanh có đặc tính sống bám vào một vật cố định như: gạch, đá ở mực nước sâu 6m – 10m. Màu sắc nổi bật nên vẹm xanh rất dễ quan sát và đánh bắt. Khó khăn nhất của việc đánh bắt vẹm xanh là phải “thạo” được thủy triều lên – xuống của nước biển. Lúc nước ròng, lộ ra phần đá, gạch – nơi vẹm xanh bám vào, do đó việc đánh bắt dễ dàng nhất.

Thời gian gần đây, ngư dân Cần Giờ đã tiến hành nuôi vòm xanh tuy nhiên nguồn giống vẫn còn ít nên hình thức nuôi vẹm hiện nay rất ít nuôi treo (giống nhân tạo) mà chủ yếu vẫn là nuôi cọc lấy giống từ tự nhiên.

Vẹm xanh Cần Giờ

Thịt vẹm có vị ngọt nhẹ, thơm ngon, bổ dưỡng, có thể ăn tươi, hấp, nướng, làm khô hoặc làm đông lạnh để xuất khẩu. Vỏ vẹm xanh có tầng xà cừ dày nên có thể chế tác thành nhiều mặt hàng mỹ nghệ. Vẹm còn được dùng để chế ra dầu vẹm xanh chữa bệnh xương khớp.

Vẹm xanh có tác dụng chống viêm tự nhiên, có lợi cho rối loạn khớp và nhiều bệnh viêm khác. Ngoài hàm lượng vitamin, vẹm xanh cũng rất giàu protein, khoáng chất, các enzyme, vitamin và GAGs (glycosaminoglycans) là các yếu tố quan trọng trong việc hình thành và sửa chữa sụn khớp.

Cá khoai Cần Giờ

Cá khoai Cần Giờ sống ở vùng nước lợ nơi cửa sông, bơi thành từng đàn. Cá khoai mình tròn, thon dài như củ khoai lang, không vảy, phần lưng và đuôi có màu phơn phớt xanh, miệng rộng, hàm răng sắc, thịt trắng trong, xương mềm và trong suốt. Nhiều nơi còn gọi cá khoai là cá cháo vì thịt cá mềm như cháo.

Trước đây mỗi lần đi biển thấy loài cá này không ai muốn đánh bắt mang về, vì thịt mềm và nhão như cháo rất khó chế biến. Giờ thì cá khoai là đặc sản, là món ăn khoái khẩu của không ít kẻ quê cũng như người thị thành. Để ăn một bữa cá khoai cho đã phải mất hai ba ngày lương. Cá khoai bị đánh bắt nhiều, cũng hiếm dần, số người ưa chuộng và thường mua về ăn đông lên, nên cá càng đắt.

Cá khoai Cần Giờ

Đối với các thực khách sành ăn thì món lẩu cá khoai là đặc sản nổi tiếng của Cần Giờ. Cá khoai sau khi được cắt bỏ phần đầu, vây, đuôi, rửa sạch thì đem ướp với nước mắm, gia vị. Nồi lẩu có cà chua, dứa, nấm… đang sôi, người ăn thả từng con cá khoai vào, nhúng kèm rau sẽ tạo nên món đặc sản mang vị thơm ngon, chua ngọt đậm đà.

Muốn chọn mua được cá khoai tươi ngon, người tiêu dùng cần biết, cá khoai được bán thành từng xâu, mỗi xâu từ 5 đến 10 con, đủ cho một nồi canh. Chọn mua những xâu cá khoai còn tươi, thân còn ánh lên những tia máu hồng li ti dọc theo thân, mắt thường có thể nhìn thấy được. Đem về rửa sạch, cắt riêng phần đầu, bỏ đi phần vây, khi mổ bụng gạt đi phần ruột cá nhưng phải nhớ giữ lấy phần dạ dày của cá, dạ dày của cá là phần ngon nhất nhì, nếu bỏ đi là chưa biết ăn cá khoai.

Để nấu bát canh cá khoai cho bữa cơm hàng ngày của gia đình, đầu tiên chặt thân cá làm 3 phần đem ướp với muối, gừng, nước mắm. Cho cá vào nấu chín nhớ đừng quấy đảo, nếu không thịt cá khoai sẽ bị nát ra như cháo. Cho một lượng nước sôi vừa đủ đun sôi trở lại và cho thì là và tỏi tươi. Cuối cùng, để dậy mùi hãy rắc thêm tiêu bắc hoặc ớt bột. Chỉ khi ấy bạn mới thấy vị thơm hòa hợp của nồi canh cá khoai lan tỏa và không thể lẫn với bất kỳ hương vị nào khác.

Nghêu Cần Giờ

Nghêu Cần Giờ béo mà không cát, Nghêu Cần Giờ vào thời gian tháng 9-10 phát triển lớn nhanh, béo mập và ngọt thịt. Từ tháng 11 trở đi, nhất là những tháng 2-3, nghêu lớn chậm và mặn thịt. Có lẽ do trúng mùa gió chướng, sóng rất mạnh làm ảnh hưởng nền đáy và nghêu phải vùi mình sâu hơn khiến nghêu hô hấp kém và khó thu lọc thức ăn tốt so với những lúc khác.

Nghêu Cần Giờ

Nếu bạn về thăm Cần Giờ, ra bãi biển hóng mát, bạn nhìn thấy rất nhiều hàng cọc cây cắm nhô trên biển, xin bạn đừng ngạc nhiên. Người ta cắm cọc phân ranh giới nuôi nghêu đấy bạn.

Huyện Cần giờ có nhiều tiềm năng lớn từ rừng, biển. Bạn đến hợp tác làm ăn hay tham quan nghỉ dưỡng chớ quên một loại thủy sinh vật nhỏ bé hàng ngày vùi mình trong cát biển lọc nước làm nên một thứ sản phẩm mang đầy hương vị biển khơi, mang lại giá trị thu nhập kha khá cho người nuôi và cũng mang lại cho bạn sự ngon miệng. Đấy là con nghêu Cần Giờ.

Cua Cần Giờ

Rừng Sác Cần Giờ có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, phong phú với hàng trăm loài động thực vật trên cạn lẫn thủy sinh, cua tự nhiên Cần Giờ sống nhiều trong các hang ở trong rừng ngập mặn. Ngoài cua tự nhiên thì cua cũng được nuôi nhiều tại Cần Giờ nên món đặc sản này tương đối phổ biến tại Cần Giờ.

Cua Cần Giờ

Cách chọn cua Cần Giờ ngon.

Đầu tiên, xem màu lớp da lụa (da non) giữa kẹt khuỷu (cùi chỏ) trên càng cua. Nếu lớp da này màu hồng đỏ hoặc hồng sậm thì cua nhiều thịt. Và bạn cần nhìn kỹ hơn: cua mới bắt thì lớp da này thẳng bóng, đó là cua mập. Ngược lại, cua cũ sẽ ốm do bị rọng lâu ngày, lớp da này nhăn nheo.

Rồi thử bóp yếm nếu cảm thấy cứng tay là cua chắc, ngược lại, bạn nghe mềm (phập phều) thì cua ít thịt (ốp). Cuối cùng là bóp phần đầu đùi của que dầm bơi, phía dưới mu. Bạn nhớ bóp vừa tay thôi, nếu bạn thấy cua giãy giụa toàn bộ que, càng thì cua còn khỏe (thịt ngon), ngược lại, cua đã yếu, sắp chết.

Cua cái so (chưa đẻ lần nào) được xem là ngon nhất trong hàng cua chắc. Yếm nó có màu ngà, cỡ 3 – 4 con/kg là đủ chuẩn. Riêng cua đực, cỡ 2 – 3 con/kg mới ngon. Song ngon nhớ đời là cua chuẩn bị lột (cua cốm, cua hai da), thịt cua nhiều, không chỉ ngọt đậm mà có hậu béo tựa sữa.

Cua tự nhiên vùng Cần Giờ thường chắc vào những ngày mùng mười, hai lăm âm lịch trong tháng. Từ thời điểm cua chắc chờ thêm 3 – 4 ngày nữa sẽ gặp cua cốm. Loại này, bạn đem nướng, hấp… đều ngon tuyệt.

Đặc biệt, bạn cũng đừng quên bỏ qua cua gạch son nếu may mắn gặp được loại này. Chọn cua gạch son (mang trứng) thì bạn nhìn màu gai trên mu: tính từ que chèo đếm ra, gai thứ 2 – 3 có màu bạc (màu sương) là cua đầy gạch, mu vun, hé yếm lên sẽ thấy gạch hồng bên trong. Mùa cua gạch từ cuối tháng 7 âm lịch đến tháng chạp, rộ vào khoảng rằm tháng 8 đến tháng 9.

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời