Đặc sắc Lễ hội Nghinh Ông ở Trần Đề

Hàng năm vào các ngày 21,22 và 23 tháng 3 âm lịch, bà con ngư dân ở làng biển Kinh Ba, huyện Trần Đề lại tổ chức Lễ hội Nghinh Ông, cầu mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân và du khách gần xa đã hội tụ về Lăng Ông để bắt đầu lễ hội. Trong lễ hội, nghi thức rước kiệu Nam Hải Tướng Quân được xem là lễ chính và được tổ chức công phu.

Nguồn gốc lễ hội Nghinh Ông Trần Đề

Lễ hội Nghinh Ông đã có từ năm 1955, tại Bãi Giá (trước đây thuộc xã Trung Bình, huyện Long Phú). Thời ấy, ngư dân đi biển phát hiện một xác cá ông to trôi dạt vào bờ. Dân địa phương đã vớt xác cá ông và lập miếu thờ cúng bằng tre lá đơn sơ. Từ năm 1983 đến nay, ngư dân làng này làm ăn phát đạt, mới dời Lăng Ông về thị trấn Trần Đề (Trần Đề). Dân làng đặt tên là Lăng Ông Nam Hải và thành lập Ban Trị sự có nhiệm vụ chăm sóc, bảo quản di tích Lăng Ông, thắp hương khói, thờ cúng. Hàng năm, cứ đến ngày 21-3 âm lịch, ngư dân làng cá Kinh Ba (Trần Đề) tổ chức lễ Nghinh Ông. Lễ hội này có một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân và là nét sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu

Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến qua nhiều thế hệ ngư dân địa phương, nhằm tôn vinh loài cá Ông mà ngư dân vùng biển còn gọi là “Nam Hải đại tướng quân”. Thế nên, cứ thường lệ, vào ngày 21 – 23 tháng ba âm lịch, toàn bộ dân làng đều góp sức, góp của để tổ chức ngày lễ long trọng của làng.

Thỉnh Ông về Lăng

Lễ Hội Nghinh Ông gồm có 02 phần chính là lễ rước và lễ tế truyền thống. Lễ rước kiệu tướng quân Nam Hải là nghi thức được tổ chức long trọng nhất, ngay từ sáng sớm hàng trăm tàu thuyền lớn, nhỏ trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ hộ tống tàu Chính ra biển thỉnh cá Ông. Tàu chính đựơc trang bị nhạc, trống, múa lân, kiệu, cờ, lọng, đồ cúng tế rất trang trọng. Đoàn tàu ra đến cửa biển, trống, kèn nổi lên, ngư dân cầu nguyện, cúng bái “ xin keo ” rồi quay trở về cảng, nơi có rất đông ngư dân đợi sẵn để đón ông về.

Lễ hội là dịp những nguời con xa xứ tìm về nguồn cội, nhớ về công ơn của các bậc tiền nhân đã khai làng, lập ấp. Hi vọng về tương lai tốt đẹp hơn. Bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên nói: “Quê mình ở đây, lớn lên có gia đình về huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Năm nào cúng Lăng tôi cũng về hết. Cầu cho gia đình được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt”.

Lễ hội Nghinh Ông huyện Trần Đề là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Việc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa lễ hội Nghinh Ông huyện Trần Đề vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân huyện Trần Đề, của người dân trong tỉnh mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời là một minh chứng sống động về sức sống mạnh mẽ của văn hóa địa phương trong dòng chảy chung của văn hóa Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để bạn bè trong nước và quốc tế hiểu biết nhiều hơn, sâu rộng hơn về nét đẹp văn hóa vùng đất cảng biển Trần Đề nói riêng và vùng đất Sóc Trăng nói chung

Lễ hội Nghinh Ông huyện Trần Đề không chỉ thể hiện đời sống tâm linh của người dân địa phương trong lao động đánh bắt hải sản, mà còn làm phong phú cuộc sống tinh thần, đem lại niềm vui cho nhân dân. Sau lễ hội này, ngư dân tiếp tục ra khơi bằng một niềm tin mới, ước nguyện mới, không chỉ mưu cầu cuộc sống cho bản thân, gia đình mình, mà còn cho xóm giềng và cho toàn xã hội qua những chuyến tàu ra khơi đầy ắp cá lúc trở về bờ.

Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Nghinh Ông Trần Đề

Lễ hội được bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay nhờ nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố giữ vai trò quan trọng nhất đó là sự gắn kết mật thiết với ngành nghề mưu sinh của ngư dân; sự tham gia tích cực, ủng hộ của cộng đồng dân cư; Ban Trị sự và những người có tâm huyết, có năng lực tích cực tham gia vào việc bảo tồn lễ hội.

Huyện Trần Đề hiện có trên 620 tàu khai thác biển, trong đó, có trên 300 tàu khai thác xa bờ. Sản lượng khai thác thủy hải sản của toàn huyện đạt trên 52.000 tấn/năm. Thế nên, Lễ Nghinh Ông được ngư dân rất xem trọng. Đây là lễ tín ngưỡng của người dân nơi đây, ngày nay lễ hội này ngày càng được phát triển, được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh công nhận là lễ hội dân gian của tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, huyện Trần Đề được tuyến tàu cao tốc Trần Đề – Côn Đảo, nên bà con ở nhiều nới, các tỉnh Miền tây về đây rất đông, họ rất phấn khởi khi tham gia vào lễ hội.

Nghi thức cúng Ông

Bằng nhiều tên gọi khác nhau như lễ cầu ngư, lễ cúng Ông, lễ Nghinh Ông,… nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng: cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển. Đây là nét đẹp văn hóa với người dân xứ biển Trần Đề. Song, để gìn giữ và phát huy hơn nữa nét đẹp văn hóa này gắn với phát triển du lịch bền vững thì không chỉ cần sự ủng hộ của người dân, mà cần có sự quan tâm của các ngành, các cấp.

Lễ hội Nghinh Ông đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân Trần Đề. Được xem là một trong những lễ hội thờ cúng cá Ông lớn nhất ở các tỉnh giáp biển khu vực miền Tây, không chỉ thu hút người dân địa phương lễ hội còn thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi về dự hội. Đặc biệt du khách đến Trần Đề để sang Côn Đảo cũng đã kịp thời tham dự Nghinh Ông, càng làm cho không khí buổi lễ thêm sôi động.

5/5 - (5 bình chọn)

Trả lời