Công cuộc khai phá trấn Hà Tiên và vai trò của họ Mạc

Nói đến công cuộc khai phá vùng đất trấn Hà Tiên trong giai đoạn ban đầu – vào những thập kỷ cuối thể kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII, một vấn đề đặt ra là nên đánh giá vai trò và công lao của họ Mạc – Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tích – như thế nào cho đúng. Về vấn đề này trước nay đã có nhiều ý kiến nêu lên, tuy có khác nhau về sắc thái, nhưng tựu trung đều nhấn mạnh hoặc ra sức đề cao vai trò và công lao của hai cha con họ Mạc, coi đó là nhân tố quyết định đối với công cuộc khai phá vùng đất thuộc trấn Hà Tiên lúc mới bắt đầu, quy kết tất cả công lao khai phá Hà Tiên về cho Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tích.

Nổi bật nhất là Trần Kinh Hoà, một học giả nghiên cứu và giảng dạy Sử ở Đài Loan, trong diễn văn “Họ Mạc và chúa Nguyễn ở Hà Tiên” đọc tại trụ sở Hội Nghiên cứu liên lạc văn hoá Á châu của chính quyền Sài Gòn ngày 7-9-1958, đã khẳng định rằng “Hà Tiên dưới thiện chí của Mạc Cửu ngày một thịnh vượng, nhân dân được an cư lạc nghiệp, xã hội Hà Tiên là một xã hội văn nhã”(1). Trần Kinh Hoà còn cho là về phương diện chính trị, họ Mạc ở Hà Tiên lúc nào cũng giữ được thực quyền của một tiểu bang – một chính quyền tự chủ đã từng đóng vai trò “nước hoãn xung” giữa ba nước Việt Nam – Xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn, Xiêm La và Chân Lạp.

Một vài người khác cũng có quan điểm đề cao vai trò của Mạc Cửu như Trần Kinh Hoà. Họ cho rằng sau khi đến Hà Tiên, Mạc Cửu đã tổ chức chiêu mộ những người dân lưu tán từ khắp nơi hoặc nông dân định cư tại chỗ tập trung vào việc khai thác. Không những thế, Mạc Cửu còn chia đất và mau sắm những nông cụ cần thiết cho những lưu dân tiến hành khai thác ruộng đất, nhờ đó mà vùng đất Hà Tiên vốn khắc nghiệt sớm trở thành một vùng đất trù phú. Sự thật có phải thế không?

Khi đề cập đến công cuộc khai thác, cần có sự phân biệt rạch ròi giữa việc xây dựng và phát triển về mặt kinh tế – chủ yếu là kinh doanh buôn bán – vùng phố thị Hà Tiên (tức thị xã Hà Tiên ngày nay) với việc mở mang khai phá vùng đất thuộc trấn Hà Tiên nói chung. Đó là hai công việc hoàn toàn khác nhau về nội dung, quy mô và địa bàn. Nói cách khác, cần có sự phân biệt giữa việc đứng ra tổ chức xây dựng và phát triển vùng phố thị Hà Tiên của Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích với việc mở mang khai phá cả vùng đất thuộc trấn Hà Tiên của những lưu dân và cư dân địa phương.

Trước hết cần tìm hiểu việc xây dựng và mở mang vùng lỵ sở Hà Tiên mà sử cũ gọi là Mang Khảm hay Phương Thành.

Theo sử cũ thì vùng lỵ sở Hà Tiên tục xưng là Mang Khảm, tiếng Trung Quốc gọi là Phương Thành, trước khi Mạc Cửu đến ở và kinh dinh, đã là một cảng khẩu có tàu bè nước ngoài đến buôn bán hoặc ghé qua trên đường di chuyển. Việc buôn bán ở đây đã có sự tấp nập ở một mức độ nhất định. Chính yếu tố này đã kích thích Mạc Cửu, vốn là một thương nhân buôn bán lớn trên mặt biển(2), nhanh chóng chuyển từ Nông Pênh về phủ Sài Mạt để hoạt động. Và sau khi đặt chân đến Hà Tiên, việc làm đầu tiên và chủ yếu của ông ta là mở tiệm hút, trưng mua việc thu thuế hoa chi các sòng bạc lớn để làm giàu, mà điều này chỉ có thể làm được một khi Mang Khảm đã là một trung tâm giao dịch buôn bán lớn có nhiều thương nhân giàu có.

Sau khi trở nên giàu có nhờ việc mở tiệm hút, tổ chức sòng bạc thu hoa chi, đào được hầm bạc, Mạc Cửu liền nghĩ tới và bắt tay ngay vào việc phát triển công cuộc kinh doanh buôn bán của Hà Tiên, nhất là việc buôn bán với nước ngoài, mở mang phố chợ, xây dựng thành quách, theo Gia Định thành thông chí là thành đất, còn theo Văn hiến thông khảo của nhà Thanh thì đó là thành cây. Nhiều tài liệu cho thấy Mạc Cửu đã kêu gọi và đón nhận thuyền buôn các nước đến buôn bán(3), đồng thời cũng chủ động đặt quan hệ buôn bán với các nước. Năm 1728 và năm 1729, Mạc Cửu phái Lưu Vệ Quân và Huỳnh Tập Quan mang hai thương thuyền sang Nhật Bản liên hệ việc mậu dịch, được chính phủ Nhật Bản – Mạc Phủ Đức Xuyên – cấp giấy phép buôn bán. Năm 1731 và năm 1732, lại phái thương thuyền sang Nhật. Việc buôn bán với Trung Quốc cũng được bắt đầu từ năm 1729, từ đó những thổ sản của Hà Tiên như hải sâm, cá khô, tôm khô v.v… lục tục xuất cảng sang Trung Quốc(4).

Để khuyến khích tàu buôn nước ngoài đến buôn bán, Mạc Cửu đã cho thi hành một chính sách thuế hàng hoá khá ưu đãi. Hàng hoá buôn bán chỉ phải chịu một món thuế nhỏ mà thôi(5).

Đến thời Mạc Thiên Tích, kế tục sự nghiệp của Mạc Cửu, Thiên Tích càng ra sức đẩy mạnh việc thông thương với nước ngoài. Năm 1740 và 1742, Thiên Tích hai lần phái hai thuyền chủ Ngô Chiêu Viên và Lâm Thiên Trường cùng thuyền buôn sang Nagasaki để xúc tiến việc mậu dịch với Nhật Bản. Đi đôi với việc mở rộng buôn bán với các nước, Thiên Tích còn khuếch trương việc xây dựng phố chợ, đường xá, xây cất dinh thự, đền miếu, trại quân, kho tàng, công xưởng (xưởng sửa chữa tàu thuyền), thành luỹ v.v… làm cho bộ mặt của phố cảng Hà Tiên càng được đổi mới, càng trở nên sầm uất với cảnh “đường lối tiếp giáp, phố xá liền lạc, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, người Đồ Bà đều theo chủng loại cư trú, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây không dứt, thật là một đại đô hội nơi góc biển vậy!”

Toàn bộ những hoạt động nói trên của Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích đã nhanh chóng mang lại sự mua bán sầm uất, trù mật cho phố cảng Hà Tiên, từ đó đã thu hút thêm nhiều lưu dân đến ở trong đó có người Việt, người Hoa, người Giava và dân cư Khơme gần bên. Chúng ta có thể coi đó làm một sự đóng góp trực tiếp và to lớn của hai cha con Mạc Cửu vào sự thịnh vượng của phố cảng Hà Tiên vào những thập niên đầu thế kỷ XVIII. Đó là điều cần được khẳng định và không phải bàn cãi. Song, ngoài việc mở mang phố cảng Hà Tiên, điều chúng ta muốn biết nhiều hơn, đó là tình hình khai phá trên toàn địa bàn trấn Hà Tiên nói chung đã diễn ra như thế nào dưới thời Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích và vai trò của cha con họ Mạc ở đây ra sao?

Mở mang trấn Hà Tiên

Chúng ta biết rằng từ những thập niên cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, một số khá đông những người nông dân nghèo lưu tán vùng Thuận Quảng đã lần lượt di chuyển vào vùng Đồng Nai – Gia Định để trốn tránh sự áp bức bóc lột, nạn binh dịch, sưu thuế của giai cấp thống trị phong kiến Đàng Trong. Trên con đường đi tìm đất sống, một số đã dừng chân ở vùng Mô Xoài, Bà Rịa, Đồng Nai, Bến Nghé, Mỹ Tho, Bến Tre…, một số theo đường biển dọc theo vịnh Xiêm La. Điều đó có nghĩa là trước khi Mạc Cửu đặt chân đến Hà Tiên, những lưu dân người Việt, người Hoa… đã đến định cư tại đây cùng với cư dân địa phương – người Khmer, làm ăn sinh sống và Mạc Cửu chỉ là người có công đứng ra nhóm họp họ lập thành làng xóm mà thôi. Về điểm này, chúng tôi cho rằng Trịnh Hoài Đức đã rất đúng khi viết: “…hựu chiêu Việt Nam lưu dân ư (tôi nhấn mạnh – H.L) Phú Quốc, Lũng Ký, Cần Bột, Vũng Thơm, Rạch Giá, Càu Mau đẳng xứ, lập thất xã thôn dĩ sở cư”. (Tạm dịch là: lại nhóm họp – chữ “chiêu” trong câu này phải hiểu là chiêu tập, có nghĩa là nhóm họp lưu dân người Việt ở Phú Quốc, Lũng Ký, Cần Bột, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau lập làm bảy thôn để ở)(7). Rất tiếc đã có không ít người có thể do quên mất chữ “cư”, mà ngộ nhận rằng Mạc Cửu đã đứng ra chiêu mộ lưu dân người Việt từ các nơi khác đưa họ đến vùng dải đất ven biển và tổ chức công cuộc khai phá ở đây, gắn cho Mạc Cửu một công lao to lớn mà ông không hề có.

Rõ ràng là Mạc Cửu không hề đứng ra chiêu mộ những người lưu tán từ các nơi khác, đưa về an sáp nơi đây, càng không có việc Mạc Cửu đứng ra tổ chức công cuộc khai phá vùng đất hoang mạc này. Trái lại chính là những người dân tự mình đến đây định cư và họ cũng tự mình đứng ra khai thác các nguồn lợi nơi đây, trong đó có việc khai phá đất đai để trồng trọt, giải quyết cái ăn cái mặc cho mình.

Công cuộc khai phá khu vực trấn Hà Tiên bao gồm cả dải đất ven biển từ trấn lỵ Hà Tiên chạy dài xuống Cà Mau và sang phía Hậu Giang trong những thập niên cuối thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII, tức là dưới thời Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích đã diễn ra khá chậm chạp và kết quả đạt được còn rất hạn chế.

Tóm lại, dưới thời Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích, cả một vùng rộng lớn thuộc trấn Hà Tiên, công cuộc khai phá mở mang đất đai nông nghiệp trồng lúa chưa tiến triển mấy do môi trường tự nhiên nhiều khó khăn, nhưng cái chính vẫn là do trình độ kỹ thuật khai thác đất đai còn bị hạn chế. Những người dân lưu tán Việt, người Hoa, người Giava… và cư dân địa phương mà dân số hãy còn quá ít ỏi, phần lớn hoặc sống bằng nghề buôn bán hoặc sống bằng nghề chài lưới (những người ở phố chợ Hà Tiên và cảng Hà Tiên, những người ở phố chợ Rạch Giá và cảng Kiên Giang, những người ở cảng Đại Môn thuộc đạo Kiên Giang, ở cảng Đốc Huỳnh, cảng Gành Hào, thuộc đạo Long Xuyên, những người ở dọc theo ven biển). Chỉ có số ít nông dân ở Rạch Giá và Cà Mau là chuyên sống về nghề nông trồng lúa, do đó đất đai ở đây được khai phá tương đối chậm so với các vùng khác. Đến đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức vẫn còn ghi nhận về trấn Hà Tiên như sau: “Trấn Hà Tiên phong tục tập quán theo Trung Hoa, mà ít có hạng thân sĩ. Người Kinh (tức là người Việt – HL), người Thượng ở xen lộn, chuyên việc buôn bán, người Trung Quốc, người Cao Miên (tức người Khơme – HL), người Đồ Bà (tức người Giava – HL) phần đông ở theo bờ biển, địa lợi chưa khẩn trưng, nhân dân không có đất đai, nên dời đổi chỗ ở bất thường. Duy có hai đạo Long Xuyên (tức Cà Mau – HL) và Kiên Giang (tức Rạch Giá HL) có số nông dân biết chăm lo căn bản, cho nên các địa hạt thuộc trấn này thường nhờ lúa gạo của hai đạo ấy để cấp dưỡng”(10). “Và ruộng ở huyện Long Xuyên và huyện Kiên Giang thuộc trấn Hà Tiên cũng tương tự ruộng (trấn) Vĩnh Thanh mà địa lợi chưa khẩn hết”(11).

Mặc dù công cuộc khai phá đất đai ở trấn Hà Tiên trong nửa đầu thế kỷ XVIII chưa tiến triển mấy, nhưng những kết quả khiêm tốn mà những người dân lưu tán đã thu lượm được bằng chính công sức, mồ hôi nước mắt của mình đã đặt nền móng cho công cuộc khai thác vùng đất đai rộng lớn phía Tây Nam của Tổ quốc trong các thời kỳ sau.

Tìm hiểu công cuộc khai phá và sự phát triển về kinh tế văn hoá của vùng đất Hà Tiên trong những thập niên cuối thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII, là một việc làm có ý nghĩa to lớn trong việc khai thác và phát huy truyền thống của địa phương. Nhưng khi đề cập đề tài này thì một vấn đề được đặt ra ngay tức khắc là xác định như thế nào cho đúng đắn vai trò của họ Mạc cụ thể là Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích trong sự nghiệp ấy. Đó là một vấn đề có tầm quan trọng to lớn bởi vì nó là một vấn đề lịch sử nhưng lại mang ý nghĩa chính trị thực tiễn sâu sắc.

________________________

(1) Xem Văn hoá Á châu số 6 tháng 10-1958, tr. 33.

(2) (3) Theo Trần Kinh Hoà, trước khi chạy sang Chân Lạp, Mạc Cửu đã là một chủ thuyền buôn rất hoạt động, luôn luôn sang Philippin và Batavia buôn bán. Và Mạc Cửu cũng đã từng giúp Trịnh Thành Công ở Đài Loan, khuếch trương mậu dịch giữa Đài Loan và hải ngoại (Văn hoá Á châu số 6, tháng 10-1938).

(4) Xem Trần Kinh Hoà, tài liệu đã dẫn.

(5) Xem Un Chinois des Mers du Sud, Le fondateur de Hà Tiên, Journal Asiatique, 1953, p. 24.

(6) Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả. Bản dịch của Tân Việt Điều, Văn hoá nguyệt san, Số 61, tháng 6-1961, tr. 554.

(7) Gia Định thành thông chí, Q. III, Cương vực chí, tờ 636.

(8) Gia Định thành thông chí, Q. IV. Phong tục chí, từ 15a.

(9) Sách trên, Q. V. Sản vật chí, tờ 30b, nt.

(10) Gia Định thành thông chí.

(11) Mạc thị gia phả: bản dịch của Tân Việt Điều, Văn hoá nguyệt san số 61, tháng 6-1961, tr. 554

Nguồn: Xưa và Nay, số 226, tháng 12 -2004

Rate this post

Trả lời