Côn Đảo trong bước chuyển mình của cuộc kháng chiến (1947 – 1949)

Thời kỳ từ đầu năm 1947 đến năm 1949 là giai đoạn cách mạng Việt Nam trải qua nhiều thử thách cam go khốc liệt nhất tại Nhà tù Côn Đảo.

Những thủ đoạn mới của thực dân Pháp

Tháng giêng 1947, Chính phủ Ramađiê (Ramadier) lên cầm quyền ở Pháp. Ramađiê dựa vào viện trợ Mỹ, củng cố thế lực của giai cấp tư sản phản động, gạt tất cả các bộ trường cộng sản ra khỏi chính phủ và tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. chính phủ Pháp cử Bôlae làm Cao ủy Đông Dương với sứ mệnh nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh bằng cách dùng lực lượng quân sự đè bẹp lực lượng võ trang và Chính phủ kháng chiến, dọn đường đưa Bảo Đại về nước, lập chính phủ bù nhìn.

Tháng 5-1947, Cao ủy Bôlae cử đại úy lê dương Bruylê (Jacques Brulé) làm Giám đốc Côn Đảo. Bruylê có bằng cử nhân Văn chương, có tham vọng để lại dấu ấn của một thời làm quan cai trị ở Côn Đảo. Hắn tỏ ra quan tâm đến đời sống tù nhân, hạn chế đánh đập, tăng cường bóc lột khổ sai bằng các biện pháp vật chất và tinh thần tinh vi và xảo quyệt.

Nhân dịp Bộ trưởng Bộ hành động xã hội và bình dân của Chính phủ bù nhìn Nam Kỳ công cán tại Côn Đảo Bruylê đã đề nghị tăng tiền công lao động khổ sai cho tù nhân. Theo Nghị định ngày 16-11-1916 của Thống đốc Nam Kỳ thì mỗi ngày công lao động của tù nhân được trả 3 xu, trong đó một xu nộp lại cho ngân sách Nam Kỳ, một xu vào quỹ lưu ký. Người tù chỉ được lãnh một xu dưới dạng tích kê mua hàng ở hợp tác xã tiêu thụ của nhà tù. Người tù khỏe mạnh, đi làm suốt tháng lãnh được 26 xu.

Thời giá lúc ấy, theo lời Bruylê thú nhận trong báo cáo thì tù nhân có lao động cả năm cũng chỉ đủ tiền mua 2 bao thuốc lá. Trước đó, Giám đốc Oóchếchcơ đã đề nghị trả từ 9 đến 12 xu cho một ngày công. Nay Bruylê đề nghị tăng lên ít nhất là 10 lần (tức 30 xu cho một ngày công). Ngày 8-11-1947, Thủ tướng bù nhìn Nguyễn Văn Xuân đã ký quyết định tăng đồng loạt tiền công của tù nhân lên 40 xu một ngày, không kể tính chất nặng nhẹ của công việc.

Bruylê cho phép các tù nhân có tiền ký gửi ở phòng lục sự kế toán được rút dần dể mua hàng, mỗi tháng không quá 30 đồng. Đối với kíp tù sản xuất đồ mỹ nghệ bằng đồi mồi, sò ốc, sừng và gỗ quý, y cho phép chủ sở trích lại một phần sản phẩm làm phần thưởng để kích thích lao động. Y cho mở cửa thơ viện và phòng đọc báo, cử 2 tù nhân là Lương Văn Thắng và họa sĩ Nam Hải trông coi. Thư viện và phòng đọc dành cho viên chức nhà tù nhưng cho phép tù nhân đến đọc trong ngày nghỉ. Bruylê còn tổ chức chiếu phim, cho phép một số tù nhân “có hạnh kiểm tốt” được đi xem và sửa sang lại sân khấu, cho phép tù nhân diễn kịch; xin thêm dụng cụ thể thao để giải trí, sứ dụng nhiều tù nhân có văn hoá làm thơ ký, bồi bếp và làm việc ở các sở ngoài. Một số tù nhân được giao nhiệm vụ tập hợp tư liệu ở thư viện và lưu trữ của nhà tù để giúp Bruylê viết một cuốn sách về Côn Đảo. Chỉ trong vòng mấy tháng, cuốn Poul Condore (Côn Đảo) đã hoàn thành và đưa in tại nhà in T.F.E.O ở Sài Gòn (12-1947).

Vừa sử dụng các biện pháp mị dân để bóc lột khổ sai, Bruylê đồng thời siết lại kỷ luật của nhà tù. Ngay trong tháng đầu nhận chức, y đã phạt xiềng và xà lim 30 tù nhân. Xiềng và xà lim là 2 hình phạt phổ biến trong hơn 2 năm đương nhiệm của y. Giờ đi làm khổ sai, hàng chục tù nhân bị phạt kéo lê xiềng trên những con đường đá lổm nhổm. Tiếng kim khí va vào đá nghe đến rợn người. Bụi cuốn lên từng đám.

Được tận mắt nhìn cảnh tượng rùng rợn ấy trong chuyến đi công cán tại Côn Đảo, Bộ trưởng Bộ hành động xã hội và bình dân đã đề nghị bãi bỏ hình phạt xiềng tay chân, “bởi vì nó là một hình phạt chà đạp lên nhân phẩm và vô hiệu”.

Bruylê còn có ý đồ khôi phục lại Hầm xay lúa, một nhục hình khổ sai đày ải tù nhân tàn bạo như thời trung cổ. Y giao cho chủ sở Bản Chế thiết kế và tìm thợ đóng cối. Kíp thợ mộc đã từ chối, viện cớ là không biết đóng. Họ chẳng dại gì tiếp tay để bọn chúa ngục lập lại hình phạt rùng rợn có một không hai ở nhà tù này.

Nhà tù Côn Đảo lúc ấy đang khủng hoảng trầm trọng về nhân lực. Tính đến ngày 31-5-1947, nhà tù chỉ còn 606 tù nhân (phúc trình tháng 5-1947 số 1033-P). 44 tù nhân thuộc đối tượng nguy hiểm không được ra khỏi trại; 26 tù nhân được chọn vào Sở Rờsẹc (truy tìm ít trốn); 29 tù nhân làm thư ký các loại; 95 người làm bồi bếp và lao động khổ sai. Mỗi sở tù khổ sai trước năm 1945 có hằng trăm lao động, nay chỉ còn đủ nhân lực tập trung vào một vài sở thiết yếu, mỗi sở vài chục người.

Theo phúc trình tháng 5-1947:

– Sở rẫy An Hải: 71 tù nhân

– Sở Bản Chế: 51 tù nhân Sở Củi: 47 tù nhân Sở Vệ Sinh: 27 tù nhân ‘

– Sở Chăn Nuôi: 25 tù nhân

– Sở Lưới: 21 tù nhân

Các sở khác chỉ có dăm ba người tù. Tình trạng thiếu nhân lực đã ảnh hưởng đến mọi hoạt động cửa nhà tù. 44 tù nhân mãn án được đưa về Sài Gòn ngày 10 5-1947 và tiếp theo một danh sách gần 50 tù nhân chuẩn bị rời đảo đã được Bruylê coi là “khủng hoảng trầm trọng”, “ảnh hưởng xấu đến tình trạng nhà tù”.. Y khẩn khoản yêu cầu: “Phải tăng con số phạm nhân lên rất nhiều… Khẩn thiết gửi ngay cho chúng tôi một đợt phạm nhân khá đông, như vậy vừa có thể giảm bớt được kinh phí chung, vừa nâng cao được năng suất lao động”.

Bọn thực dân đầu sỏ không để Bruylê phải nhắc nhiều. Côn Đảo là một nhà tù lý tưởng ở xứ Đông Dương, dành riêng cho những người tù nguy hiểm. ở đó, người tù hoàn toàn bị cô lập khỏi xã hội và phong trào cách mạng. Lao động khổ sai và kỷ luật của nhà tù sẽ đày ải họ chết dần chết mòn về thể xác và tinh thần. Chuyến tù thứ 3 đày ải gần 400 tù nhân từ Khám Lớn Sài Gòn ra Côn Đảo ngày 6-8-1947 đã nâng số tù Côn Đảo lên 960 người.

Bruylê cho sửa sang lại nhà giam Sở Muối để thay thế cho nhà giam Sở rẫy An Hải sắp sụp đổ; tăng thêm nhân công cho sở Bản Chế để đóng một chiếc xà lan gỗ trọng tải 40 tấn phục vụ việc chuyển hàng từ tàu lớn vào bờ. Một kíp tù nhân khác được huy động khai thác các loại ốc xà cừ để thu lợi theo hợp đồng bán 5.000 kg sản phẩm cho chi nhánh xuất nhập khẩu Sài Gòn.

Cuối năm 1947, tù nhân ở Khám Lớn Sài Gòn liên tục đấu tranh đòi xoá án tử hình, đòi cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho tù nhân và tổ chức 2 cuộc vượt ngục bằng cách dỡ mái ngói và chui qua đường cống ngầm.

Ngày 2-12-1947, Cao ủy Pháp đã quyết định chuyển đến Côn Đảo một số lượng lớn tù nhân để giảm bớt mật độ và tình trạng căng thẳng ở Khám Lớn. Cuối tháng 12-1947, Ba tê (Battet) Tư lệnh hải quân Pháp ở Viễn Đông đã ra lệnh cho tất cả các tàu chiến hoạt động trên vùng biển tham gia vận chuyển, tiếp tế theo yêu cầu của Côn Đảo.

Những ngày đầu năm 1948, mấy chuyến tàu kế tiếp nhau chở hằng trăm tù nhân từ Khám Lớn ra Côn Đảo, trong đó có 63 tù nhân án tử hình và 69 tội phạm Nhật Bản. Tù binh Nhật bị giam riêng ở khu vực Banh III, có lúc lên tới 89 tên (31-8-1948). Họ cũng phải làm khổ sai và được đối xử đỡ khắc nghiệt hơn tù án. Viên bác sĩ quân y Nhật Sa tô được điều ra phục vụ tại Nhà Thương. Có tên được về Nhà Đèn trông coi máy móc để hạn chế sự phá hoại của tù kháng chiến.

Một sĩ quan Nhật được tin cậy giao cho trông coi chiếc canô của nhà tù. Chúa đảo Bruylê trong các báo cáo gửi Thống đốc Nam kỳ đã khen ngợi tù binh Nhật về tinh thần tuân thủ kỷ luật và chịu khó nhọc trong lao động khổ sai. Vài tù binh Nhật đã bị tai nạn chết thê thảm. Trại Nhật lặng lẽ cắt cử người đi chôn. Họ âm thầm chịu đựng và nén chặt nỗi đau trong lòng. Họ yên phận và dễ bảo dưới sự sai khiến của gacdang Pháp mà mới 2 năm trước đó, còn xun xoe với lính Nhật trên hòn đảo này.

Có thêm lao động khổ sai, nhà tù lại gặp thêm nhiều khó khăn mới. Bộ máy cai trị còn quá yếu. Theo báo cáo của nhà tù, tháng 3 năm 1948 để cai quản hơn 1.000 tù nhân, chỉ có 34 giám thị Pháp, 22 gác ngục người Việt và một phân đội lính thuộc địa 18 tên (cả sĩ quan). Ngoài ra còn có một trạm liên lạc của Hạm đội Viễn Đông do tên quan tư hải quân Mêniê (Meynier) trực tiếp chỉ huy. Theo báo cáo của Giám đốc thì cần phải có thêm ít nhất là 7 giám thị Việt Nam và 19 giám thị Pháp “có kiến thức nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm cao” mới khắc phục được tình trạng thiếu nhân viên quản tù một cách trầm trọng như hiện tại.

Tỷ lệ tù chính trị tăng lên là một nỗi lo ngại lớn cho bọn chúa đảo. Báo cáo tháng 3 cho biết tỷ lệ tù chính trị đã tăng từ 30% (5-1947) lên 62% (3-1948). Bruylê đã nhận xét tương đối chính xác rằng, “tù chính trị” khó cai quản gấp mấy lần tù thường phạm về mọi phương diện” (Công văn 93-C ngày 20-3-1948).

Tổ chức và hoạt động của tù nhân kháng chiến.

Bước vào năm 1947, tế chức và hoạt động của tù nhân Côn Đảo chưa có sự lãnh đạo tập trung và thống nhất. Tù nhân ở các sở tự tập hợp nhau lại theo nhu cầu bảo vệ quyền sống và nhân phẩm con người. Mỗi sở tù có những cách tổ chức và hoạt động khác nhau. Xây dựng tổ chức, chống sự ngược đãi của nhà tù; cải thiện đời sống, đẩy mạnh các phong trào bình dân học vụ, văn nghệ và vượt ngục về kháng chiến là những đặc trưng cơ bản của thời kỳ này.

Nhà Thương là sở tù sớm có tổ chức. Ngoài số tù nhân nằm điều trị, chủ sở Pêtrônali (Pétronah) còn quản lý kíp tù nhân phục vụ tại Nhà Thương (y tá, hộ lý bồi bếp tại sở); kíp vệ sinh quét đường và kíp đổ thùng cầu (tinette). Nhiều chiến sĩ Cô Tô sau khi giải toả vụ Côngplô được điều về Nhà Thương, trong đó có cả 2 cán bộ cán bộ của đại đội Ký Con là Lê Phú (Đại đội trưởng) và Nhâm Ngọc Bình (Trung đội trưởng) vừa được giảm án tử hình. Anh Phạm Giang Doanh được cử làm đại diện. Anh Trần Nhật Quang phụ trách phong trào bình dân học vụ. Anh Lê Phú chỉ đạo bếp ăn, nuôi dưỡng những người tù bệnh. Anh Nguyễn Văn Khang (Khang Đen) làm y tá, lo tìm kiếm thuốc men, trị bệnh. Anh Nguyễn Kim Diễn, y tá phiên dịch ngoại trú làm nhiệm vụ tranh thủ viên bác sĩ người Pháp.

Cuối năm 1947, anh Nguyễn Kim Diễn với vai trò thư ký đã soạn thào điều lệ của tồ chức tù nhân khu (dưỡng đường (Nhà Thương), phỏng theo những nguyên tắc của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và thừa kế mô hình tổ chức của tù nhân Khám Lớn. Ban chấp hành tù nhân khu đường đường gồm 5 người đã được bầu ra theo điều lệ. Anh Nguyễn Văn Hiền (Hiền già người Bình Định) là chủ tịch.

Bản Chế là một sở quan trọng của nhà tù có nhiệm vụ quản lý các phương tiện giao thông, cung cấp nước ngọt, chế tạo công cụ lao động, sửa chữa máy móc các loại sản xuất đồ dùng mỹ nghệ. Tù nhân Bản Chế phần lớn xuất thân là những người thợ tham gia cách mạng. Anh Nguyễn Văn Năm (Năm Mến) và anh Hai Nhị vốn là những người tù chính trị trước 1945, từng trải và thận trọng, biết cách đoàn kết, tập hợp anh em đã cùng với Nguyễn Văn Giỏi, Trần Văn Minh tổ chức nhóm nghiên cứu Mácxít ở Bản Chế.

Ban chấp hành tù nhân khu Bản Chế gồm 5 người, được hình thành từ giữa năm 1947, đã tổ chức việc tăng gia cải thiện đời sống và xoá nạn mù chữ cho anh em. Các anh Nguyễn Hoà Nhã, Vũ Đắc Bằng, Nguyễn Văn Huệ, Triệu Lý, Lý Tiến Vinh… đã góp phần tích cực vào các hoạt động văn nghệ, báo chí và bình dân học vụ trong thời gian sau đó. Tù nhân kháng chiến ở các Sở Tồn, Sở Củi – chuồng bò, Sở rẫy An Hải, các kíp cắt cỏ, thợ hồ, Nhà bếp, sở tẩy, lò vôi cũng cử ra đại diện trật tự rồi lần lượt bầu ra Ban chấp hành để bảo vệ quyền lợi của tù nhân.

Chuyến lưu đày thứ 3 và các chuyến tiếp theo trong năm 1948, đã tăng cường cả số lượng và chất lượng của tù nhân kháng chiến. Đây là lớp tù nhân đã trưởng thành trong thời kỳ hoạt động và đấu tranh hết sức sôi nổi ở Khám Lớn – Sài Gòn sau “cách mạng khám đường”. Nhiều người đã tham gia Ban chấp hành tù nhân ở các khám, hoặc một số cương vị của Liên đoàn tù nhân Khám Lớn, từng dự các lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn hạn do các anh Tưởng Dân Bảo, Phan Trọng Bình, Vũ Huy Xứng và Huỳnh Tấn Phát tổ chức. Họ còn được bồi dưỡng những kinh nghiệm hoạt động bình dân học vụ, làm báo, văn nghệ từ thực tiễn trong tù.

Phong trào bình dân học vụ phát triển sôi nổi ở Côn Đảo trong những năm 1947-1948. Người học phần nhiều là tù thường phạm hoặc những người xuất thân là nông dân, dân nghèo thành thị, phu phen thất học mới tham gia kháng chiến. Người dạy có một số đã tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ ở Khám Lớn. Các anh Trần Nhật Quang ở Nhà Thương, Phạm Gia, Nguyễn Ngọc Lân, Trần Đống ở Khám 1, anh Nguyễn Văn Mẹo ở Khám 3, Trần Văn Sứ, Nguyễn Văn Giỏi ở An Hải, Nguyễn Sáng, Lưu Văn Lê, Võ Văn Nguy ở Chỉ Tồn… đã có nhiều đóng góp cho phong trào xoá nạn mù chữ của tù nhân Côn Đảo. Anh Trần Nhật Quang từng bị tra tấn đến mù một con mắt vẫn cặm cụi thức khuya dưới ngọn đèn tù mù chép những bài tập đọc, chính tả cho anh em.

Ban chấp hành tù nhân ở mỗi khám đều có một ủy viên phụ trách bình dân học vụ để tổ chức và chỉ đạo phong trào. Các hoạt động văn nghệ, báo chí cũng góp phần tích cực cổ động tù nhân học tập. Tù nhân Sở Củi đã tổ chức đêm văn nghệ với ca cảnh Xoá nạn mù chữ, cổ động cho phong trào bằng những lời ca sinh động. Đêm văn nghệ còn có màn đồng ca Đời sống mới và nhạc cảnh Bảo vệ thóc vàng, phản ánh sinh động của tù nhân hướng về các cuộc vận động lớn ở trong nước lúc đó.

Sau đêm diễn, Giám đốc Bruylê đã ra lệnh bắt anh Phan Văn Đại cùng tốp diễn viên tra tấn 2 ngày ròng rã về tội “gây mất trật tự”. Toàn thể tù nhân khu Sở Củi đã phản đối hành động khủng bố đó. Theo phương pháp i-tờ do hội truyền bá quốc ngữ đề xướng, công tác xoá nạn mù chữ ở Côn Đảo đã đem lại kết quả rất khả quan. Trong khoảng thời gian 3 tháng, người chưa biết chữ đã có thể đọc được, viết được.

Tùy điều kiện khổ sai ở mỗi sở mà anh em bố trí thời gian học cho thích hợp. An Hải, Sở Củi, Lò Vôi thường học buổi trưa. Nhà bếp, Chỉ Tồn, Bản Chế học buổi tối. Tù tử hình phải còng chân thì bố trí thầy ngồi giữa, trò ngồi 2 bên. Khi muốn đổi thầy hay đổi trò thì phải chờ đến phiên đổi còng. Anh Gác, công nhân cao su ở miền Đông Nam Bộ nhờ được anh Lê Phú hướng dẫn tận tình trong mấy tháng ở Khám tử hình đã đọc thông, viết thạo và làm được cả 4 phép tính thông thường nữa.

Tên gác ngục Sa den có lần thấy tù nhân khám tử hình học văn hóa, y đã giễu cợt:

– Các anh sắp chết rồi còn học làm gì?

(Người tử tù) Nguyễn Đình Chính đã trả lời:

– Nếu không chết thì sẽ thành người có ích. Còn nếu chết thì chúng tôi cũng phải chết một cách có văn hoá.

Khám tử hình được thiết lập ngay từ cuối tháng 5-1946, lúc đầu ở Khám 3 Banh I, sau dời về Hầm xay lúa. Trước sự đấu tranh của dư luận tiến bộ ở Đông Dương cũng như ở Pháp, bọn thực dân không dám bắn tất cả những tử tù mà chúng đã xử. Sau một thời gian nhất định, chúng giảm án một số người và y án một số khác. 56 tử tù ra chuyến đầu tiên ngày 27-5-1946 bị xử bắn tại Côn Đảo 10 người, trong đó có anh Bùi Hữu Khiêm, một người chỉ huy ở mặt trận Phú Nhuận. 3 tử tù đã chết vì bệnh tật, vài người bị đưa về hành quyết tại Sài Gòn, số còn lại được giảm án nhiều đợt, đến đầu năm 1947 thì hết. Hầm xay lúa lại “dành chỗ đón” những tử tù ra chuyến tiếp theo từ giữa năm 1947.

Tháng 1947, khám tử hình có 17 tử tù. Hai anh Nguyễn Ngọc Sớm và Nguyễn Đình Thâu đã tổ chức cho anh em kỷ niệm sinh nhật Bác. Những tử tù bị còng chân, có độc bộ quần áo cộc trên người đã bàn đi tính lại với nhau, làm sao lập được bàn thờ Tổ quốc, có cờ, có ảnh Bác và có khẩu hiệu trang nghiêm. Hoàn cảnh bị giam giữ nghiêm ngặt chính là nơi thử thách tình cảm, nghị lực và trí sáng tạo của con người. Cờ được làm bằng giấy, từ hàng trăm mảnh giấy quấn thuốc lá nhỏ xíu dán lại. Nền cờ được quét bằng thuốc đỏ rồi kẻ ngôi sao 5 cánh bằng thuốc ký ninh vàng.

Để có được lá cờ họ phải nhịn hút thuốc từ nhiều ngày để dành giấy, phải có người khai bệnh xin thuốc và nhịn suất cháo loãng để làm hồ dán. Họ đã dùng móng tay bấm lá bàng thành chữ, dùng gân lá ghép thành khẩu hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” treo lên tường. Khó nhất là việc vẽ hình Bác Hồ. Anh Nguyễn Văn Bẩy, một thanh niên khéo tay đã phác họa chân dung Bác theo trí tưởng tượng của 17 tử tù. Đó là hình một ông cụ dáng cao gầy, chòm râu dài, tóc bạc, trán cao, tai to, mắt sáng, gương mặt toát lên vẻ thông minh và nhân hậu. Bức họa không thật giống, nhưng lại thật đúng là hình ảnh Bác trong tim, trong óc những người tù thời ấy.

Rạng sáng 19-5-1947, 17 tù tử hình đứng dậy làm lễ kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh Nguyễn Đình Thâu, nguyên là chi đội trưởng chi đội 13, Tư lệnh mật trận tiền tuyến Gò Vấp – Gia Định (miền Đông Nam Bộ) đã nói về tiểu sử sự nghiệp của Bác, sau đó mọi người quây quần kể góp những mẩu chuyện mà họ biết về đời hoạt động và đạo đức tác phong của Người. Mỗi đợt sinh hoạt chính trị như vậy, những người tử tù động viên nhau giữ vừng khí tiết cách mạng, xứng đáng là người lính Cụ Hồ, ngay cả khi đối diện trước cái chết.

Anh Nguyễn Hoài Cơ, đội viên Ban công tác I, người tử tù số G – 130 đã nêu tấm gương đầy dũng khí. Lần ấy đổi còng, biết mình sẽ ra đi, anh đã thức suốt đêm cùng bạn tử tù hát vang những bài ca cách mạng: Lên Đàng, Cùng nhau đi hùng binh, Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam… Mờ sáng hôm sau, khi gác ngục mở cứa, bọn lính Lê dương ập vào, anh siết chặt tay bạn tù, chào vĩnh biệt và ung dung ra trường bắn.

Linh mục Nguyễn Văn Mầu kể lại, anh Cơ đã từ chối rửa tội. Anh chỉ vào tốp lính Lê dương và tên chánh án có mặt tại trường bắn mà nói với linh mục: Ông phải rửa tội cho những người này, chính họ mới có tội. Anh từ chối bịt mắt, nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù và dõng dạc hô:

– Hồ Chủ tịch muôn năm!

– Việt Nam độc lập muôn năm!

Giọng anh lúc ấy vẫn điềm đạm như ngày thường. Linh mục Nguyễn Văn Mầu thường trầm trồ nói với tù nhân: “Người như ông Cơ anh hùng lắm”.

Noi gương Nguyễn Hoài Cơ, những người tử tù đã biến cuộc hành hình của địch thành một cuộc biểu dương khí phách của người cách mạng. Anh Nguyễn Đình Chính, nguyên Trưởng ban Công tác I Sài Gòn – Gia Định bị địch gọi về xứ bắn tại Sài Gòn. Trước khi về anh còn gửi lại bài thơ tràn đầy lạc quan tặng các bạn tù:

“Độc lập đến rồi các bạn ơi.

Chung thân Xử tử chỉ trò chơi.

Giặc Tây sắp đến giờ tận số.

Ta hát quân ca trở lại đời”.

Khí phách anh hùng trước cái chết như Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Hoài Cơ đã trở thành bất tử. Tù nhân kháng chiến Côn Đảo noi gương các anh về lòng tin tất thắng vào cách mạng và dũng khí trước kẻ thù, như lời tuyên bố đanh thép của Nguyễn Đình Chính trước toà án thực dân: “Tôi tin đến lúc chết, nước Việt Nam sẽ độc lập”. Tù Côn Đảo gọi Khám tử hình là Khám bất tử, gọi người tử tù là tù bất tử.

Cuối năm 1947, tù nhân các khám đều chuẩn bị chương trình văn nghệ đón xuân Mậu Tý (1948). Ban kịch Sở rẫy An Hải dựng một vở kịch thơ của Phan Văn Đã; Ban kịch Nhà bếp trình diễn vở Công chúa ngủ trong rừng và kịch Hội sợ vợ do anh Lương Văn Thắng biên soạn và dàn dựng. Kỹ sư Lưu Văn Lê đạo diễn dựng vở Thầy thuốc bất đắc dĩ cho Ban kịch tù áo trắng. Anh Hoàng Hữu Kình làm ở Văn phòng Giám thị trướng đã khôn khéo đề nghị với Giám đốc tổ chức một “đêm kịch mừng xuân mới”. Bruylê đồng ý với điều kiện là chính y duyệt nội dung các vở diễn.

Giáp Tết âm lịch, một phái đoàn của chính phủ bù nhìn Nam Kỳ do Trần Văn Ân, Bộ trưởng Thông tin cầm đầu ra thăm Côn Đảo. Cùng đi có Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Khắc Vệ và thứ trưởng nội vụ Lê Tấn Nầm. Ân đến thăm Bản Chế, Sở Củi, Trại tù binh Nhật, và các khám tù, gặp gỡ một số tù nhân thuộc các đảng phái quốc gia, sau đó đề nghị ân xá cho vài người (trong đó có cụ Võ Oanh). Nhân dịp ấy, Giám đốc Bruylê đã mời Ân xem đêm kịch tù nhân, mưu toan leo cao trong nấc thang danh vọng.

Đêm diễn có vở kịch Trương giả học làm sang của Môlie, nhạc cảnh Công chúa ngú trong rừng, kịch vui Hội sợ vợ do Lương Văn Thắng biên soạn và song ca Tết độc lập do Nguyễn Sáng và anh Quang trình bày. Nhạc cảnh Công chúa ngủ trong rừng dựa theo truyện cổ dân gian Pháp biểu diễn thành công nhất, được khán giả trầm trồ khen ngợi.

Anh Quang trong vai công chúa đã trình diễn điệu valse đẹp mắt theo nền nhạc bài Tiếng rừng do Nguyễn Ngọc Lân, Nguyễn Sáng và Lưu Phê đồng ca. Trang phục diễn viên lộng lẫy, ánh sáng hài hoà làm cho bọn Pháp hết sức thán phục. Vợ quan tư hải quân Mêniê nói rằng bà ta có cảm giác như đang ngồi trong một rạp hát của thành phố Paris bên Pháp. Tên gác dang Loadô tò mô đòi xem bằng được bộ y phục đúng mốt và đắt tiền của diễn viên. Hắn hết sức ngạc nhiên khi tận mắt thấy váy áo lộng lẫy bằng bao tải nhuộm, râu tóc bằng tơ gai tước ra, phấn son là thuốc đỏ, thuốc tím và ký anh vàng.

Những tù nhân từng quằn quại dưới ngọn roi của hắn lại có vốn tri thức văn hoá và thẩm mỹ nghệ thuật không ngờ. Những tù nhân làm văn nghệ không phải để mua vui cho chúng. Họ biết lợi dụng máu hám danh của Bruylê để giảm bớt phần nào sự đày ải của nhà tù, người tù kháng chiến thông qua hình thức nghệ thuật để cảm hoá kẻ thù và lúc cần thì trực diện tố cáo chúng.

Khi Trần Văn Ân lên giọng ca ngợi thành công cải thiện chế độ lao tù của Giám đốc đương nhiệm và ve vuốt tù nhân rằng: “Ở tù như thế này chẳng khác nào đi nghỉ mát”, thì một tù nhân đã bảo hắn: “Vậy thì xin mời Ông ra đấy mà nghỉ mát. Chúng tôi không ưa kiểu nghỉ mát này”.

Mùa xuân năm ấy không chỉ đánh dấu bằng những thành công trong các hoạt động văn nghệ mà tù nhân Côn Đảo còn “được mùa” vượt ngục. Hàng chục cuộc vượt ngục đã liên tiếp nổ ra từ đầu mùa gió chướng năm ấy.

Vượt ngục về kháng chiến

Tháng 10-1946, ba tù nhân vượt ngục trên một.chiến thuyền nhỏ. Hai lính Pháp dùng chiếc thuyền 6 tay chèo đuổi theo. Lúc ấy nhà tù chưa có xuồng máy. Sau vài giờ chúng đuổi kịp tốp vượt ngục, nhưng rồi tất cả không trở về. Một con sóng lớn đã nhận chìm hai chiếc thuyền vào dòng xoáy của hải lưu. Tình cờ, một chiếc tàu chở dầu của Hoa Kỳ đã vớt được mấy người lính và tù nhân đang hấp hối. Họ được đưa cả về Thái Lan.

Cũng trong mùa gió chướng năm ấy, ông già Huệ, người tù án lưu quê ở miền Tây Nam Bộ đã trốn lên núi đóng bè thân cây chuối rừng, một mình vượt biển, lênh đênh trên biển 16 ngày liền, nắng thiêu cháy da. Hết lương thực, cạn nước ngọt, ông phải rình bắt những con cá vô tình nhảy lên bè mà ăn sống cầm hơi. Khi sức tàn, lực kiệt thì sóng đẩy dạt vào bán đảo Mã Lai. Những người du kích Mailaixia đã cứu ông. Ông ở lại chiến đấu trong đội quân du kích chống thực dân Anh và bị bắt trong một trận càn. Thực dân Anh trao trả ông cho chính quyền Pháp và ông bị đày trở lại Côn Đảo ít lâu sau ông lại vượt ngục rồi mất tích.

Anh Mười Bù cùng một tốp thường phạm cũng đã thả bè vượt ngục vào cuối mùa gió chướng. Năm ấy gió chướng hết sớm, bè các anh bị trôi ra phía biển Đông. Hết nước ngọt và lương thực, cùng đường, người hấp hối sắp chết phải trở thành nguồn sống cho những người còn lại. Một chiếc tàu tuần dương hạm của nước Anh trên đường tới Xanhgapo đã vớt được những người sống sót và trao trả cho Pháp. Bị đày trở lại Côn Đảo, Mười Bù lại tiếp tục chuẩn bị vượt ngục.

Ngày 31-1-1947, tàu chở hàng Goeland của Pháp đã vớt được 2 tù nhân vượt ngục trên một chiếc bè. Báo cáo số 774/P ngày 7-2-1948 của Giám đốc nhà tù cho biết, hai tù nhân này trên một hòn đảo nhỏ, ngắt lá rừng và bắt cá biển để ăn, chờ đến khi gió chướng thổi mạnh mới thả bè về đất.

Mỗi mùa gió chướng, bọn gác ngục lại tăng cường các biện pháp chống vượt ngục. Ngoài bộ máy gác ngục Pháp, Việt giám sát chặt chẽ hàng ngày, nhà tù còn tổ chức một mạng lưới tù gian làm tay sai, ở lẫn lộn trong từng kíp tù để rình mò, phát hiện. ở mỗi bãi biển, Sở Rờsẹc bố trí hai nhân viên truy tầm tù trốn. Bọn này đã thông thạo từng loại gỗ nổi có thể đóng bè, từng vạt mây có thể làm thuyền, những địa điểm mà tù nhân trường kết bè, hạ thủy, phát hiện các âm mưu vượt ngục của tù nhân. Nhiều tù nhân bị phạt xiềng, phạt xà lim và đưa về những sở khổ sai nặng nhọc.

Vượt ngục là cuộc chạy đua giữa tính mạng với tử thần. Nhưng không có hiểm nguy nào ngăn được ý chí vượt ngục của người tù, cho dù chết chìm dưới biển khơi hay vỡ thuyền, bị bắt lại. Xà lim, xiềng xích, kỷ luật của nhà tù chỉ nung nấu thêm khát vọng vượt ngục của họ mà thôi.

Chuyến vượt ngục thành công sớm nhất của tù chính trị thời kỳ này là chuyến của hai anh Diễn và Phong. Hai anh đã cập bến an toàn vào vùng biển Bạc Liêu và ở lại công tác ngay tại Tỉnh đội Bạc Liêu. Chuyến thứ hai do anh Nguyễn Ngọc Luật tổ chức vượt biển bằng thuyền ván. Nguyễn Ngọc Luật bị đày ra Côn Đảo ngày 5-8-1947, lọt được vào Sở Rờsẹc, canh bãi ông Đụng. Anh đã liên hệ với Tuấn, Dưỡng ở Sở Củi, móc nối được Khánh và Thương là dân đánh cá vùng Gò Quào (Rạch Giá). Các anh đã tháo được mấy tấm cánh cửa gỗ ở một căn nhà bỏ không phía Sở Tiêu và đóng thuyền ở bãi ông Đụng, ngay tại khu vực Nguyễn Ngọc Luật kiểm soát. Chập tối 15-11-1947 thuyền hạ thủy. Chiếc thuyền gỗ nhỏ đưa 5 chiến sĩ cách mạng về vùng biển Rạch Giá sau 3 ngày đêm vượt biển.

Chỉ ít ngày sau, Ba Rùm đã cùng 4 tù nhân sở Bản Chế cướp ghe vượt ngục ngay tại Cầu Tàu. Ba Rùm là cựu tù thường phạm ở đảo. Tháng 8-1945, anh được tù chính trì giải phóng đưa về đất liền rồi tham gia kháng chiến, bị bắt lại đầu năm 1946. Ra Côn Đảo lần thứ 2, anh đã tìm cách xin về Bản Chế và nuôi chí vượt đảo. Mùa gió chướng năm ấy, một chiếc ghe câu ở Cấp (Vũng Tàu) trôi dạt vào Côn Đảo. Ba ngơ dân được gửi theo tàu của hải quân Pháp về trả cho chính quyền dịa phương, còn chiếc ghe tam bản chúng giao cho Sở Lưới. Rạng sáng một ngày cuối tháng 11-1947, Ba Rùm cùng Bảy Vượng, Tư Sỏi, Năm Bé và Võ Văn Xê đã cướp ghe về Cà Mau. Ba Rùm được phân công trở lại lực lượng võ trang Bình Xuyên, tham gia nhiều trận đánh trên sông Lòng Tàu.

Nhóm tù nhân ở Sở rẫy An Hải và Sở Củi rủ nhau lên núi kết bè vượt đảo vào chiều 11-1-1948. Do tổ chức lộ liễu nên bị phát hiện ngay từ khi vừa trốn trại. Nguyễn Sáng kịp lẻn về trước giờ điểm danh, còn mười mấy người đã trốn lên núi bị truy lùng gắt gao. Ông già Trị chém trọng thương một tên Rờsẹc truy đuổi. Bọn lính bủa vây, súng trường, tiểu liên nổ ra khắp rừng An Hải suốt đêm ấy. Chúng vây ráp cả tuần lễ, bắt lại từng người. Có người đói khát đã chết khô trong hang Núi Chúa, hàng tháng sau mới tìm thấy xác.

Ngay trong đợt vây ráp và truy lùng ráo riết ấy, một chuyến vượt ngục duy nhất của tù áo trắng đã thành công vào ngày 14-1-1948. Trong lúc nhà tù tập trung lực lượng truy lùng trên núi và canh gác chặt chẽ bãi biển phía tây thì tốp tù áo trắng táo bạo xuống thuyền ở phía đông, ngay tại bãi Nhà Thờ, trước mũi dinh chúa đảo và nhân viên nhà tù. Nhờ sự chuẩn bị nỗ lực của anh em áo trắng, còn phải kể đến tài nghệ của “vua vượt ngục” Mười Bù cùng sự tham mưu và chỉ đạo của anh Năm Nghĩa ở Sở Củi nên chuyến vượt ngục này đã thành công.

Năm Nghĩa (còn gọi Nghĩa Sứt, Nghĩa Cơm Cháy) là một chiến sĩ tham gia từ Nam Kỳ khởi nghĩa (1940). Anh ủng hộ và giúp đỡ chí tình cho nhiều cuộc vượt ngục của tù nhân. Chính Năm Nghĩa đã giới thiệu Mười Bù cùng 2 tù thường phạm có sức khỏe và kinh nghiệm vượt ngục cho nhóm tù áo trắng. Năm Nghĩa là người giữ mối liên hệ thường xuyên giữa Mười Bù và Phạm Gia, thơ ký kho bạc trong suốt quá trình chuẩn bị làm thuyền và góp nhiều ý kiến chỉ đạo.

Chuyến ấy đi bằng thuyền khung mây bọc vải. Trúc Quỳnh (bồi bếp) và Võ Xuân Phong (hợp tác xã tiêu thụ) lo mua sơn, vải. Hoàng Hữu Kình, Lê Huy Báu (Văn phòng Giám thị trưởng) thì nghiên cứu con nước thủy triều và quy luật bố phòng của địch. Phạm Gia (kho bạc) làm nhiệm vụ tiếp tế và liên hệ giữa các nhóm.

Toàn bộ công việc làm thuyền do Mười Bù và 2 thường phạm đảm nhiệm. Tay lái thiện nghệ của “vua vượt ngục” Mười Bù đã đưa thuyền cập đúng mũi Cà Mau sau 2 ngày, 3 đêm trên biển. Mười Bù giác ngộ, trở thành một chiến sĩ can đảm trong lực lượng võ trang và hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ.

Chưa đầy một tháng sau, nhóm kéo cây do Lê Quỳnh Vân, Nguyễn Năng Tảo và Lâm Quang Xuân lại tổ chức vượt đảo bằng thuyền khung mây bọc vải. Chuyến này có 4 tù thường phạm làm Rờsẹc cạnh bãi Cỏ Ống và 12 tù chính trị ở Sở kéo cây. Ngày 2-2-1948, các anh xuống thuyền ở bãi Cỏ Ống và cặp vào vùng biển thuộc huyện Giá Rai (Bạc Liêu) an toàn.

Ngày 2 tết Mậu Tý (11-2-1948), 7 tù chính trị ở Sở Bản Chế do Nguyễn Việt Hùng tổ chức đã cướp chiếc canô duy nhất ở Côn Đảo vượt ngục về Cà Mau. Nguyễn Việt Hùng còn có bí danh là Hùng Vịt tức Nguyễn Văn Thịnh, tức Mười Thái, nguyên là cán bộ công vận hoạt động ở Sài Gòn từ 1944. Bị đày ra Côn Đảo từ ngày 5-8-1947, Việt Hùng cùng một số tù trẻ có chí hướng vượt ngục tìm đến Năm Nghĩa ở Sở Củi học hỏi kinh nghiệm. Khi được làm thợ máy trên chiếc canh Poulo – Condore, anh đã chuẩn bị một kế hoạch cướp canô vượt đảo.

Mồng 2 tết năm ấy, có 2 tàu tuần tiễu của Pháp ghé Côn Đảo. Sau khi chở đám sĩ quan, thủy thủ Pháp lên bờ xem kịch và dự tiệc, Nguyễn Việt Hùng được lệnh chuẩn bị xăng nhớt và trực đêm để đón chúng về tàu. Thừa dịp ấy anh đã đưa cả nhóm là Nguyễn Công Lý, Cù Trung Sơn, Nguyễn Văn Thước, cùng các anh Đệ, Miên, Niên xuống canô về đất liền. Chiều 4 tết, các anh cặp vào đúng mũi Cà Mau.

Noi gương tù vượt ngục ở Sở Bản Chế, tù nhân Sở Lưới trên đường sang Hòn Tài bắt vích đã bắt trói chủ sở Machiơ (Mathieu) cùng một lính Pháp và một tù binh Nhật Bản (lái canh) vứt lên bãi cát rồi trở về đất liền. Chuyến ấy do các anh Chánh, An, Đạt và một tù nhân nữa thực hiện.

Giám đốc Brơylê tỏ ra hoang mang trước các cuộc vượt ngục liên tiếp xảy ra. Trong phúc trình số 93-C ngày 20-3-1948, y đã viện dẫn nhiều lý do khiến cho nhà tù bất lực trước các cuộc vượt ngục. Đó là tỷ lệ tù chính trị tăng lên một cách đáng kể, sự thiếu nhân viên quản tù, sự khủng hoảng tinh thần của những gác ngục Pháp, Việt và sự phá sản của Sở Truy tìm tù trốn.

Bruylê cũng không giấu giếm rằng chính tình hình chính trị và quân sự (ở Đông Dương) đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhà tù khiến cho các nhân viên coi ngục người Việt Nam hoài nghi, co mình lại, những giám thị Pháp chán nản và kém hiệu lực. Đáng ngại hơn cả là chính những nhân viên truy tìm tù trơn lại đồng lõa với tù vượt ngục. Y đã đề nghị thay thế Sở truy tầm bằng những trạm kiểm soát của lính Partisans người Lào hoặc Miên.

Bruylê chưa kịp thay đổi gì thì cuộc vượt đảo thứ 2 của tù nhân Sở Lưới lại bồi tiếp cho hắn một đòn choáng váng. Cuộc vượt đảo này được tổ chức chặt chẽ, do anh Nguyễn Văn Chì, đội viên Ban công tác 4 thành phố Sài Gòn – Gia Định chỉ huy, có sự nội ứng của 2 giám thị Việt Nam là Nguyễn Văn Đang và Nguyễn Văn Ngọc.

Tối 7-5-1948, 25 tù nhân Sở Lưới ra khơi đánh cá. Hai gác dang Bare (Barère) và Nuộc (Muogues) cùng thầy chú Nguyễn Văn Đang với 3 tù nhân ngồi trên chiếc ghe máy mượn của Sở Hải Đăng và Hoa Tiêu, kéo theo một chiếc ghe chèo chở 27 tù nhân và thầy chú Nguyễn Văn Ngọc.

Khoảng 21 giờ đêm, ghe ra đến gần Hòn Tre, giảm tốc độ chuẩn bị bủa lưới thì trên chiếc ghe đầu, giám thị Nguyễn Văn Đang một tù nhân kháng chiến đoạt cây tiểu liên của Nuộc. Nuộc chống cự và nhảy xuống biển hòng thoát thân nhưng hắn bị bắn chết. Trên ghe thứ 2, tù nhân cũng nhanh chóng làm chủ tình thế rồi chuyển qua ghe máy, mở hết tốc lực, nhằm hướng đất liền.

Ngày hôm sau (8-5-1948), không thấy thuyền Sở Lưới về, Bruylê mới vội vã tổ chức truy tìm, nhưng vô vọng. Tàu tuần tiễu và thủy phi cơ của hải quân Pháp được huy động vào cuộc truy tìm trên biển. Bọn Rờsẹc cùng binh lính, giám thị sục sạo khắp các bến bãi cũng không tìm được dấu vết gì. Giám đốc Côn Đảo điện báo cho Sở cảnh sát cộng hòa và Bộ nội vụ ngụy quyền, Công điện số 30/ATS ghi: “Trân trọng báo cáo, 25 phạm nhân vượt ngục nhân buổi đánh cá đêm 7 rạng 8-5-1948 trên một thuyền gắn máy. Hai giám thị người Âu và một người gác ngục Việt mất tích cùng với vũ khí. Dự đoán họ bị bắt làm con tin – stop. Đã truy tìm lập tức bằng thủy phi cơ, tàu tuần tiễu, ở biển và trên bộ, không có kết quả – stop. Ký tên: Bruylê.

Công điện gửi đi vào lúc đoàn tù vượt ngục đã ung dung trên đất liến. Xuồng của họ cặp vào cửa biển Mỹ Thanh (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Họ bàn giao vũ khí, chiến lợi phẩm và tù binh cho chính quyền cách mạng. Hai thầy chú Nguyễn Văn Đang và Nguyễn Văn Ngọc đã được tù nhân giác ngộ, tích cực nội ứng cho cuộc vượt ngục tình nguyện tham gia vào đội ngũ kháng chiến. Ngọc sau hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Gác dang Bare bị chính quyền cách mạng kết án tử hình vì có dự phần vào những tội ác đối với tù nhân trong cuộc đại khủng bố 1940-1945, thảm sát trên 3.000 người ở Côn Đảo; song những người tù vượt ngục đã xin tha chết cho y. Bare thật sự cảm động nói với vị đại diện của chính quyền kháng chiến: “Lẽ ra các ông ấy phải vứt tôi xuống biển mới xứng với tội lỗi của tôi. Tôi rất biết ơn Cụ Hồ đã giáo dục các chiến sĩ Việt Nam dũng cảm và nhân đạo”.

Cuộc vượt ngục của tù nhân Sở Lưới lần này gây một tổn thất nặng nề cho nhà tù: Bruylê đã phải gọi là “tấn bi kịch thảm khốc”. Chiếc canô được bổ sung giao cho Sở Lưới đã bị một nhóm tù chính trị vượt ngục đoạt mất cách đó không lâu. Lần này, chiếc xuồng máy vừa mượn của Sở Hải Đăng và Hoa Tiêu để áp tải ghe đánh cá lại mất trắng. Hàng loạt cuộc vượt ngục nối. tiếp nhau trong mùa gió chướng này đã sớm kết thúc sự nghiệp coi tù của Bruylê.

Đêm kịch Bôlae

Bruylê đang chờ đợi cơ hội để gỡ gạc lại uy tín sau một thời cai trị đày ắp các phúc trình về tù nhân vượt ngục. Giữa lúc ấy, Cao ủy Bôlae (Emile Bolaert) ghé Côn Đảo trước khi mãn nhiệm ở Đông Dương, trở về Pháp giữa mùa thu 1948. Bruylê quyết định ra mắt quan thày bằng vở kịch Thầy thuốc bất đắc dĩ (Le Médecin malgrélui) của Môlie mà y đã có dịp thưởng thức tài nghệ của các diễn viên tù. Bruylê vừa vuốt ve, vừa răn đe ban kịch: “Tôi biết các anh diễn kịch hay lắm. Phải diễn cho tốt và nghiêm chỉnh. Cuộc sống của các anh sau này tốt hay xấu đều phụ thuộc vào đêm diễn ấy”.

Ban kịch đã thảo luận khá gay gắt về việc diễn hay không diễn. Có người không muốn diễn vì sợ để lại tiếng xấu là tù kháng chiến diễn kịch mua vui cho Cao úy Pháp, làm nổi danh cho Giám đốc Bruylê, để cho hắn điều khiển theo ý muốn… Có người lại đề nghị là cứ nhận lời, nhưng không diễn mà nhân dịp giáp mặt Bôlae sẽ lên án chế độ thực dân xâm lược và chế độ nhà tù man rợ ở Côn Đảo. Sau cùng, họ thỏa thuận với nhau: diễn kịch và tố cáo.

Biết đêm kịch này lành ít dữ nhiều, họ đã rút vở kịch lại còn một màn, chọn ít diễn viên để bớt phần tổn thất. Chỉ có 5 người, thuộc Ban kịch tù áo trắng: Lương Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Lân (thư ký kho bạc), Trần Duy Giang (Văn phòng Giám đốc), Lưu Phè (Sở rẫy Giám đốc), Quang (hợp tác xã tiêu thụ).

Bôlae không đặt chân lên Côn Đảo. Đoàn diễn viên tự hoá trang sau bữa cơm chiều rồi theo tốp lính áp tải xuống canh, ra chiếc tuần dương hạm đậu ngoài vịnh Côn Lôn. Dự “Đêm kịch Bôlae” có cả Đô đốc Tư lệnh Hải quân Pháp ở Viễn Đông Ba tê (Battet) theo tàu hộ tống và phóng viên hãng thông tấn A.F.P, phóng viên các tờ Sài Gòn Nhật Báo, Viễn Đông Nhật Báo cùng hàng trăm sĩ quan, thủy thủ vây quanh boong tàu. Vợ chồng Bruylê cùng vợ chồng quan tư hải quân Mêniê tại Côn Đảo cũng có mặt.

Mở đầu đêm kịch, thay cho lời chào mừng, anh Lương Văn Thắng, một nạn nhân trong vụ Côngplô đã đọc bài diễn văn tố cáo chế độ nhà tù tàn bạo và nghiệt ngã. Anh khẳng định rằng tù kháng chiến là những người yêu nước, cầm súng bảo vệ nền độc lập của dân tộc mình, giống như những người Pháp Đờ Gôn chống phát xít Đức, không bao giờ là quân phiến loạn như bản án mà thực dân Pháp đã gán cho họ. Vậy mà bọn chúa ngục Côn Đảo đã đối xử với họ dã man hơn cả phát xít Đức đối với tù binh Pháp.

Bôlae không chịu nổi, đứng dậy cắt ngang lời Lương Văn Thắng:

– Các ông là những kẻ phiến loạn, đốt nhà, cướp của, giết người. Các ông không có quyền so sánh với những người Pháp yêu nước.

Tình thế mở ra một cuộc đối thoại lý thú giữa người tù kháng chiến và Cao ủy Pháp. Lương Văn Thắng hỏi Bôlae:

– Vậy xin hỏi ngài, hành động của một thiếu niên yêu nước Việt Nam ném lựu đạn vào quân Pháp có khác gì hành động tương tự của một thiếu niên Pháp đối với bọn phát xít Đức?

Bôlae trơ trẽn trả lời:

– Khác chứ. Bọn phát xít Đức xâm lược nước Pháp, còn nước Pháp có trách nhiệm bảo hộ và khai hoá cho đất nước này!

Lương Văn Thắng bồi tiếp:

– Báo chí Đức dưới thời Pêtanh cũng nói với nhân dân Pháp như thế!

Bôlae cứng lưỡi, đỏ mặt tía tai, đập bàn đứng dậy. Giám đốc Bruylê hầm hầm ra lệnh cho bọn lính áp tải còng tay đoàn diễn viên đưa vào cấm cố ngay đêm diễn khi họ còn nguyên cả y phục, phấn son. Hôm sau, hắn tuyên bố phạt mỗi người một tháng xà lim, còng chân, ăn cơm nhạt, uống nước lã.

“Đêm kịch Bôlae” nổi tiếng không phải ở thành công của sân khấu nghệ thuật mà là dũng khí của người chiến sĩ, người nghệ sĩ trước kẻ thù. Bằng lòng can trường và lý lẽ đanh thép, người tù kháng chiến đã lột trần bộ mặt xâm lược và tàn bạo của thực dân Pháp. Họ đã buộc tên đầu sỏ thực dân ở Đông Dương phải đối thoại và đến khi đuối lý, hắn đã lộ rõ nhân cách thấp hèn vốn có của bọn thực dân xâm lược.

Tốp diễn viên kịch tù, trừ Lương Văn Thắng đã đứng tuổi, còn lại đều rất trẻ. Họ mới giác ngộ từ những ngày đầu kháng chiến. Cách mạng tháng Tám 1945 đã nâng họ từ người nô lệ thành công dân một nước độc lập và chính họ đã đề cao chính nghĩa cho dân tộc Việt Nam. Họ đã biến sân khấu nhà tù thành diễn đàn đanh thép tố cáo cuộn chiến tranh xâm lược và tàn bạo của thực dân Pháp ở Việt Nam trước mặt tên đầu sỏ thực dân cùng hàng trăm sĩ quan, thủy binh, nhà báo, bất chấp mọi hình phạt.

“Đêm kịch Bolae” đã đặt dấu chấm hết cho đoạn đời cai trị đầy tham vọng và thủ đoạn của Bruylê. Cay đắng trước thất bại, Bruylê cấm tù nhân diễn kịch và hát ca, đóng cửa thư viện, bỏ chiếu phim. Y cấm tất cả tù áo xanh không được ra khỏi trại trong ngày nghỉ, ngày lễ. Y bắt tù áo trắng buổi tối phải vào ngủ trong Banh I, không còn bộ phận nào được ngủ ngoài banh như trước nữa. Y thiết lập chế độ cấm cố tại Khám 6, Banh I để giam riêng những người tù cứng đầu, bất trị.

Ông già Trị vừa mãn hạn xà lim sau cuộc vượt ngục thất bại là một trong những người đầu tiên vào cấm cố. Đoàn kịch sau một tháng bị phạt xà lim cũng về Khám 6. Sự có mặt của những người tù vượt ngục và tốp “diễn viên kịch” đầu tiên trong Khám 6 cấm cố chính là bằng chứng thất bại thảm hại trong thời cai trị của Bruylê. Đó cũng là hình ảnh của sự bất lực và trả thù; là bộ mặt thật của chính sách biến nhà tù thành “Trung tâm giáo dục lại nhân phẩm” như trong phúc trình buổi đầu nhận chức của Bruylê..

Thống nhất lực lượng, tiến tới cao trào

Từ giữa năm 1948 tù nhân Côn Đảo đã hình thành tổ chức ở hầu hết các khám tù, sở tù. Trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2-9) năm ấy, các anh Nguyễn Đình Thâu (Khám tử hình), Trịnh Xuân Hà (Sở rẫy Giám đốc), Lương Văn Thắng (thư ký kho bạc), Tư Ba Đào (Khám 3), Trương Anh Tuấn (Chỉ Tồn), Lê Ngọc Hương (Nhà bếp), Phan Văn Đại, Nguyễn Văn Mẹo (Khám 2), Lê Trung Khá (Khám 6), Nguyễn Văn Năm (Bản Chế)… đã liên hệ với nhau bàn việc bầu ra bàn lãnh đạo thống nhất của tù nhân Côn Đảo.

Anh Nguyễn Đình Thâu được giao nhiệm vụ dự thảo Điều lệ của Liên đoàn tù nhân để trình Hội nghị lâm thời của đại biểu tù nhân Côn Đảo. Trên cơ sở đó, tiến hành bầu Ban chấp hành liên đoàn tù nhân, cơ quan lãnh đạo cao nhất của tù nhân Côn Đảo. Vài tháng sau, bản Điều lệ dự thảo được các anh Trịnh Xuân Hà, Lê Ngọc Hương, Trương Anh Tuấn thảo luận cùng một vài tù nhân kháng chiến gần gũi.

Hoàn cảnh nhà tù khi ấy không còn cho phép triệu tập Hội nghị lâm thời. Các anh Nguyễn Đình Thâu, Trịnh Xuân Hà, Lê Trung Khá, Tư Ba Đào, Phan Văn Đại đã nhân danh Hội nghị lâm thời tù nhân Côn Đảo để chỉ đạo việc bầu Ban chấp hành tù nhân ở các khu.

Ở Khám 5 (Chỉ Tồn) Ban chấp hành tù nhân đã tự quản được trong công việc khổ sai. Anh em tù thuyết phục được Tám Nhỏ, người cầm đầu nhóm tù án tư pháp ở đây bỏ lệ nấu nướng, uống trà buổi tối để tham gia sinh hoạt, học tập với tù kháng chiến. Khám 5 có 3 tù nhân kháng chiến người Lào. Ban chấp hành đã bố trí cho họ chỗ nằm tốt, hướng dẫn việc trật tự vệ sinh và sinh hoạt, học tập theo quy định.

Khám còn hình thành nhóm nghi lễ do các anh Lê Tam, Đỗ Văn Đích, Nguyễn Sáng và Hoàng Phúc làm nòng cốt, tổ chức chào cờ các buổi sáng, có hát Quốc ca, Lãnh tụ ca, Hồn tử sĩ. Được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước hướng dẫn từ ngày đầu Cách mạng tháng Tám (1945), Nguyễn Sáng trở thành hạt nhân nòng cốt trong hoạt động âm nhạc của tù nhân Côn Đảo. Ca khúc Ngày giải phóng được anh sáng tác tại Khám 5 Banh I trong những ngày vận động thành lập Liên Đoàn đã củng cố niềm lạc quan cách mạng cho tù nhân Côn Đảo. .

Ở hầu hết các khám, tù kháng chiến đã đoàn kết được với tù tư pháp (thường phạm). Một số tư pháp giác ngộ lợi ích chung của tù nhân và phục tùng sự lãnh đạo của tập thể đã được cử vào Ban chấp hành, được bầu làm chủ tịch hoặc đại diện. Riêng Sở Lưới, nhóm tù tư pháp do Tô Minh Nhật tức Mười Võ Sĩ cầm đầu vẫn gây khó khăn cho việc bầu ban chấp hành. Nhật ấm ức vì bị tù kháng chiến đánh đổ khi làm cặp rằng ở Khám Lớn Sài Gòn. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo Hội nghị lâm thời đã bố trí anh Phạm Trọng Hồng mãn hạn điều trị ở nhà thương được về làm ở kíp xe chỉ – vá lưới, góp phần xây dựng tổ chức tù nhân ở Sở Lưới.

Phạm Trọng Hồng có biệt hiệu là Hồng Năm Căn, Hồng Võ Sĩ, nổi tiếng trong những trận đụng độ với tù tư pháp ở Khám Lớn Sài Gòn. Khi ở Sở rẫy An Hải (đầu 1948), anh đã có kinh nghiệm hoà giải với tù tư pháp, liên kết được với Bảy Lửa để xây dựng Ban chấp hành tù nhân ở đó. Về Sở Lưới, anh cùng Hà Triệu Quý xây dựng khối đoàn kết tù nhân, đồng thời tranh thủ được Tám Gáo là cặp rằng phó, Ba Đạt (dân anh chị, ở Tân Định), Ba Hạnh (dân anh chị ở Cầu Muối) và tổ chức hoà giải với Tô Minh Nhật. Ban chấp hành tù nhân Sở Lưới đã được bầu: Tô Minh Nhật là chủ tịch kiêm đại diện; Phạm Trọng Hồng là phó, phụ trách tổ chức nội bộ; Hà Triệu Quý là thư ký.

Đoàn kết giữa tù kháng chiến và tù tư pháp là nhân tố quyết định thành công trong việc bầu ra Liên Đoàn tù nhân Côn Đảo. Tù kháng chiến đã cảm hoá tù tư pháp bằng nhiều cách. Nhưng quan trọng hơn cả là cảm hoá bằng chính đạo đức, nhân cách của người tù kháng chiến; cảm hoá bằng sức mạnh độc lập tự do của một dân tộc đang gan góc chống ngoại xâm.

Tư Ba Đào khi làm cặp rằng Khám 3 – Khám Lớn Sài Gòn đã được các đồng chí Vũ Huy Xứng và Phan Trọng Bình giác ngộ. Tư Ba Đào thường xuyên khuyên anh em tù tư pháp nên đoạn tuyệt với quá khứ của mình mà đoàn kết với tù kháng chiến để sau này ra tù, khỏi hổ thẹn với các bậc “Anh Lớn”.

Trong những ngày vận động thành lập Liên Đoàn tù nhân, Tư Ba Đào ra lời kêu gọi các bạn tù tư pháp: “Các bạn hãy quên đi quá khứ giang hồ mã thượng của chúng ta, tích cực ủng hộ Liên đoàn, tiến tới Đại hội bầu ra một cơ quan lãnh đạo thống nhất trên toàn đảo”.

Đấu tranh chống khổ sai hà khắc

Trong những ngày sôi nổi vận động thành lập Liên đoàn tù nhân Côn Đảo, Sở Củi đi đầu trong phong trào đấu tranh đòi hạ mức khổ sai. Sở Củi là nơi khai thác các loại củi để cung cấp cho nhu cầu toàn đảo: Củi cành cho bếp tù; củi chẻ nhỏ gia đình gác dang, thầy chú, binh lính; củi gộc để nung vôi, đốt gạch và củi gỗ lớn chạy máy phát điện, máy hơi nước, máy lu, xe lửa, đốt lò than. Banh Sở Củi nằm trên một ngọn đồi thấp dưới chân Núi Chúa. Cạnh đó là Sở rẫy – Chuồng Bò, nơi trồng rau, nuôi trâu bò, lợn, chim bồ câu. Có lúc Sở Củi và chuồng bò tháng một chủ sở.

Đốn củi là một loại công việc khổ sai nặng nhọc và nguy hiểm. Tù nhân Sở Củi phải thức dậy từ mờ sáng, lót dạ một dùa1 cháo loãng rối trần trụi leo núi, luồn rừng kiếm củi. Nhiều người bị cây đè, rắn cắn, ngã xuống vực hoặc sốt rét, khổ sai đến kiệt sức. Tù nhân Sở Củi bị đòn như cơm bừa vì thiếu củi, vì xuống núi trễ giờ hay vì củi không đủ quy cách; nhưng họ được tương đối tự do trong giờ kiếm củi. Đó là cơ hội hiếm có để hội họp, thảo luận hoặc chuẩn bị vượt ngục. Khi tù nhân được tự do trong rừng, có sẵn dao, búa trong tay, ít khi bọn gác dang dám động tới. Chúng chỉ gây sự với họ tại cân nộp củi hoặc khi về banh.

Tù Sở Củi vượt ngục nhiều, mà số “bất trị” cũng không ít nên bọn chúa ngục bố trí những tên gác ngục hung bạo trông coi sở này. Khi ấy, Bênarét (Bénarès) một gác dang khét tiếng hung ác làm chủ sở. Tên này hành củi về củi gỗ, leo núi thuộc từng lối mòn, hang ngách. Hắn thường sục sạo suốt ngày trên núi xem tù nhân làm cho đến chiều tà mới xuống bãi. Tay vung vẩy một khúc mây, hắn sẵn sàng vụt xuống bất cứ người nào thiếu củi hay củi xấu, chửi rủa tù nhân những câu tục tĩu bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt.

Tháng 7-1948, Bênarét đã đánh đập tơi tả cả kíp tù từ sân củi về đến banh. Nhiều tù nhân uất ức định dùng búa đập vỡ đầu hắn trên núi rồi ném xác xuống vực nhưng Ban chấp hành tù nhân đã ngăn kịp thời tư tưởng manh động ấy.

Đầu tháng 11-1948, Ban chấp hành tù nhân khu Sở Củi phát động một đợt đấu tranh đòi hạ mức củi. Đại diện tù nhân đưa yêu sách cho chủ sở, trong lúc đó anh em tự động lãn công bằng cách làm ít củi, lấy củi không đủ quy cách, xuống núi trễ giờ với lý do là mức củi cao, đường xa, củi tốt ngày càng hiếm. Ban chấp hành phát động tinh thần xung phong, khuyến khích cá nhân dám chịu phạt, chịu đòn mà chưa bãi công đồng loạt để tránh địch khủng bố truy tìm tổ chức trong buổi đầu mới thành lập.

Trần Văn Tôn, một người tù tư pháp án 8 năm khổ sai (số tù C.11631) đã đi đầu trong cuộc lãn công đòi hạ mức củi. Không ngày nào anh chịu nộp đủ và cùng chịu đòn với anh em mỗi chiều trên sân củi. Ngày 7-11-1948, Mười Tôn lên núi từ sáng đến sẩm tối mới xuống, trên vai chỉ có một bó củi nhỏ. Bênarét đánh anh chết ngay tại sân củi. Cái chết đau thương của Mười Tôn đã châm ngòi, làm bùng lên lửa căm thù nung nấu trong lòng tù nhân bấy lâu nay.

Ngay tối ấy, Sở Củi báo tin cho toàn thể tù nhân Côn Đảo biết. Ban chấp hành lâm thời Liên đoàn tù nhân Côn Đảo quyết định phát động một cuộc đấu tranh bằng hình thức đình công, tuyệt thực toàn đảo, để tang Mười Tôn, phản đối hành động giết người của bọn gác ngục Pháp. Hai ngày sau, các sở tù khổ sai đồng loạt đình công, không đi làm và bỏ ăn một ngày. Tù áo trắng cũng vào khám. Chiều hôm trước, anh em đã dán nhiều truyền đơn vào gốc cây trên các con đường quanh công sở để phản đối vụ giết Mười Tôn và tố cáo những tội ác của bọn giám thị nhà tù.

Lần đầu tiên toàn thể tù nhân Côn Đảo đã đồng tâm nhất trí đấu tranh, không phân biệt là tù kháng chiến hay tư pháp, là tù áo xanh (khổ sai) hay áo trắng (thư ký, bồi bếp). Họ biểu thị nỗi đau thương và lòng căm thù bằng một sự im lặng sắt đá.

Ngày hôm ấy toàn bộ các sinh hoạt trên đảo đều ngừng trệ. Lá bàng rụng đầy đường, nhà cầu của giám thị, công chức ngập phân không người quét dọn. Giám thị, binh lính, công chức, sĩ quan Pháp đều phải ăn đồ hộp hoặc chui vào bếp tự nấu. Mọi cơ chế sinh hoạt trên đảo đều dựa vào sức lao động khổ sai của tù nhân, đến lúc này trở nên bế tắc.

Giám đốc La phốt (Henri Lafosse) mới tới nhận chức còn lo sợ hơn. Y ra lệnh báo động toàn đảo, đặt trung đội lính Pháp trong tình trạng chiến đấu, Tất cả gác ngục Pháp, Việt đều phải thường trực và được võ trang với cơ số đạn tối đa. Số tù nhân ở các cơ sở ngoài cũng bị dồn cả vào trong Banh I. Cửa khám luôn luôn khoá chặt.

Mặc dù tù nhân chỉ tuyên bố đình công, tuyệt thực một ngày, La phốt vẫn thận trọng cho cấm cố và bỏ đói họ thêm 2 ngày nữa. Khi đã yên tâm vì không có dấu hiệu bạo động, ngày 14-11-1948, y mới ra lệnh mở cửa cho tù nhân đi làm và phạt giam xà lim 7 tù nhân: Trịnh Xuân Hà, Vũ Ngọc Toàn, Hoàng Phúc, Trần Nhật Quang, Lê Tam, Đỗ Văn Đích và anh Bát.

7 anh hội ý với nhau và quyết định tuyệt thực ngay tại xà lim Banh I. Các anh tuyệt thực đến ngày thứ 7 thì Giám đốc xuống giải quyết. Hắn thanh minh chuyện phạt là vì tình nghi các anh cầm đầu tổ chức, xúi giục tù nhân đấu tranh. Nay thấy không có chứng cứ nên hủy bỏ lệnh phạt.

Cuộc tuyệt thực đình công toàn đảo lấn đầu tiên này đã chứng tỏ sức mạnh đoàn kết của tù nhân Côn Đảo; đánh dấu bước phát triển về ý thức chính trị, ý thức tổ chức và ý chí đấu tranh của họ. Đó là dấu hiệu cho thấy điều kiện chín muồi để ra đời một tổ chức thống nhất của tù nhân Côn Đảo.

Sau vụ Mười Tôn, tên Giuyếcvave (Jurvaver) gác dang Banh I lại bắn chết anh Ba Minh tức Đồng Văn Huy (số tù B.2335) chỉ vì anh phản đối chế độ cấm cố, đòi bỏ còng. Anh đã bị cấm cố và 2 chân ròng rã 3 năm trời, đến mức gần như phát điên. Khi anh đã trúng đạn gục ngã, tên sát nhân còn ngồi lên ngực, nã cả băng đạn còn lại vào đầu anh.

Tiếp đó, chủ Rờsẹc Nhắc lại tra tấn đến chết anh Nguyễn Văn Điều (số tù C.l1802) vì bọn tay chân vu cho anh tội âm mưu vượt ngục. Mỗi lần như vậy, tù nhân đều tuyệt thực một bữa để phản đối. Dù chưa chặn được bàn tay bọn giết người nhưng họ đã tỏ ý thức chính trì và tình đoàn kết tranh đấu chống lại sự bạo ngược của bọn thống trị.

Đầu tháng 12 năm 1948, La phốt được đám tù gian cho biết, một tù nhân đã nhận được bức thư qua tàu pigeneau de Béhaine. Bức thư ấy ra lệnh thành lập những ủy ban nhằm chuẩn bị cho một cuộc tổng nổi loạn với mục tiêu phá hủy đài vô tuyến điện Hải quân, tiêu diệt hết viên chức nhà tù cùng gia đình họ và giải thoát tù nhân bằng một chiếc tàu hàng. Thời điểm hành động có thể vào dịp lễ Nôen hoặc Tết. Ngày 13-12-1948, La phốt gửi bức thư phúc trình số 154-C cho Thủ tướng chính phủ bù nhìn.

Sau khi thông báo nguồn tin trên, y đã trình bày các biện pháp đối phó trước mắt: “Nếu như kế hoạch đó vượt quá khả năng của tù nhân, nhất là việc vượt ngục với một tàu to, thì ít ra, nó cũng phát hiện một tổ chức vững chắc từ đất liền, đó là một nguy cơ không được xem thường.

… Hiện nay, tên cầm đầu tổ chức và khoảng 50 tù nhân đã bị nhốt xà lim vì biện pháp an ninh… Đội quân đồn trú và gác dang được đặt trong tình trạng báo động.

Một phạm nhân có cảm tình với chúng tôi (tức là mật báo của nhà tù) bị 5 tên ở gần hành hung (…) Anh ta bị thương bằng 10 nhát dùi đục, có một nhát gây thương tích khá nặng.

Một giám thị trong khi thỉ hành công vụ bị tấn công và bị thương ở đầu (…)

Thủ phạm các cuộc mưu hại đều bị nhốt xà lim”.

La phốt đánh giá tình hình chính trị ở Côn Lôn là “rất nghiêm trọng”, an ninh bị uy hiếp. Nếu cuộc tổng nổi loạn xảy ra thì 80 gác dang và thầy chú cùng 26 lính Sênêgan phải trực tiếp đối đầu với 1.400 tù nhân. Hắn khẩn cấp yêu cầu tăng cường ngay 5 gác dang chính thức, một trung đội lính tăng viện và 10 khẩu tiểu liên.

Hắn cho giam trên 50 tù nhân trong vụ “âm mưu đảo chính mới” này vào khám 7 theo chế độ cấm cố, hầu hết họ là tù nhân ở Sở Lưới, Chỉ Tồn và một số tình nghi ở các sở. Đồng thời hắn cho tăng cường các biện pháp an ninh theo phương án chống bạo động và vượt ngục. Một số người bị giam ở xà lim Banh II.

La phốt buộc tất cả binh lính và viên chức nhà tù chịu đựng tình trạng căng thẳng ấy cho đến tết âm lịch 1949. Nhưng, không có cuộc tổng bạo loạn nào cả. Bọn tù gian đã phóng đại rất nhiều lần những tin tức mà chúng thu lượm được. Việc liên hệ giữa tù chính trị Côn Đảo với đất liền qua các tàu hàng vẫn được duy trì bí mật, song không có một bức thư nào từ đất liền chỉ thị việc tổng nổi loạn ở Côn Đảo cả.

Tuy nhiên, có nhiều cuộc giải thoát đang được những nhóm tù nhân kháng chiến chuẩn bị thì hắn lại hoàn toàn không biết.

Chiếm đèn pha Bảy Cạnh, vượt ngục

Vào lúc La phốt không ngờ nhất thì kíp tù nhân làm khổ sai ở Bảy Cạnh đã bạo động chiếm pha, vượt ngục. Khi ấy đã cuối mùa gió chướng.

Từ giữa năm 1948, công việc sửa pha (Hải Đăng) đã được tiến hành. Nhân lực ấy trong tù nhân ở Sở Lưới và Chỉ Tồn. Buổi sáng sớm kíp khổ sai phải theo sà lan chở vật liệu sang Bảy Cạnh. Sau 2 giờ đồng hồ bị sóng gió nhồi lắc, họ lại phải lội xuống nước, chuyển vật liệu vào bờ rồi chia nhau gùi lên đỉnh pha cao 200m. Sóng gió, nắng hè, dốc núi, đòn roi làm cho họ kiệt sức. Chiều tối họ lại theo sà lan về banh. Kíp tù làm khổ sai Bảy Cạnh chỉ được vài ngày là ốm hết nên chúng lại phải đổi nhân lực cho các kíp khác.

Bảy Cạnh trong những ngày ấy trở thành sở khổ sai khủng khiếp và cũng là nơi thôi thúc chí vượt ngục của tù nhân. Kíp Chỉ Tồn và Sở Lưới do Thái Mập và Hồng Võ Sĩ chỉ huy chuyển vật liệu từ tàu Nicôlô sang Bảy Cạnh đã tính cướp tàu vượt đảo. Do bọn gác ngục rất cảnh giác và thiếu sự nhất trí của nhóm tù tư pháp (Tô Minh Nhật, Tư Phát) nên việc ấy không thành.

Lần khác, ba tù nhân làm khổ sai ở Bảy Cạnh là nguyên Văn Tuy, Lục, Ngàn đã trốn lên rừng tre phía tây đảo này để đóng bè vượt ngục. Nhà tù phải đưa một tiểu đội lính, một tốp gác dang và một đội Rờsẹc truy lừng cả tuần. Cả ba người tù vượt ngục đều bị bắt về sở Rờsẹc, bị tra tấn đến mức không ai còn nhận ra hình hài, mặt mũi nữa.

Đầu tháng 5 năm 1949, Giám đốc nhà tù quyết định đưa một kíp tù sang ở hẳn hòn Bảy Cạnh để giảm bớt thời gian đi và về, tăng hiệu quả công việc. Kíp gồm 4 tù nhân, chọn trong số tù vừa ở Khám Lớn ra được 2 ngày. Anh Đặng Xuân Hà được chỉ định làm đại diện kíp, sau đó đã được anh em bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành tù nhân khu Bảy Cạnh. Đặng Xuân Hà tức Hà Lèo quê ở Huế, là cán bộ tình báo Khu 6 bị bắt tại Nha Trang, đưa về Sài Gòn (3-1948). Tại Khám Lớn, Hà Lèo đã được nghe về hàng chục cuộc vượt ngục của tù côn Đảo, đã nuôi chí đi đảo để vượt biển. Trên đường sang Bảy Cạnh, Hà Lèo đã bàn với những người cùng chí hướng như Vĩnh Yên, Giỏi, Vôn, Nhiều về khả năng cướp pha vượt ngục. Cuộc bạo động nổ ra vào tuần thứ 2 kể từ khi họ đặt chân lên Bảy Cạnh.

Một buổi sáng chủ nhật giữa tháng 5-1949, nhóm hành động đã khởi sự, bắt gọn gác dang Sác tông (Charton) và một thày chú tại bãi đổ vật liệu dưới chân núi. Sau đó, Hà Lèo cử một tốp lên pha bắt gác dang Brátxiê (Brasiner) và vợ chồng gác pha Đuypay (Dupay), đoạt một tiểu liên, một súng trường và một số lựu đạn; chủ pha Sơvaliê (Chevalier) thoát nạn vì hắn đã đem máy vô tuyến điện theo tàu về Côn Đảo sửa từ chiều hôm trước.

Ban lãnh đạo cuộc bạo động đã giải thích cho gác ngục và vợ con họ hiểu mục đích cuộc bạo động là để vượt ngục về tham gia kháng chiến. Những người tù chính trị sẽ thực hiện đúng chính sách tù hàng binh, bảo đảm cho họ tính mạng và tư trang, không bị đánh đập ngược đãi. Ban lãnh đạo còn cắt cử những người tin cậy canh gác cẩn thận, đề phòng một số tù tư pháp lưu manh phá ngọn đèn pha hoặc có hành động xấu với vợ con thủ pha, gác ngục.

Tù nhân được chia làm nhiều tốp chuyển vật liệu, đóng thuyền và chặn đánh địch nếu chúng phản kích. Ngay chiều đó, họ đã xong một chiếc thuyền gỗ hình chữ nhật, dài 6 mét, rộng 2,5 mét, cao 1,5 mét. Thuyền được bọc thiếc bên ngoài và ép vải, quét sơn bên trong cẩn thận. Chập tối hôm đó thuyền được hạ thủy, nhưng do làm vội nên nước rò vào nhiều, không đi nổi. Sóng lớn Xô thuyền vào bờ đá vỡ tan. Kíp tù vượt ngục mệt mỏi gom lại từng mảnh ván đóng lại thuyền, dự định hạ thủy vào chiều hôm sau.

Mặc dù được đóng lại cẩn thận hơn, song chiếc thuyền vẫn trở nên mong manh vì quá nhỏ bé so với gần 50 người vượt ngục. Ban lãnh đạo cuộc vượt ngục quyết định không đưa gác dang và vợ con họ đi theo như dự kiến. Do bất đồng ý kiến, tốp đóng thuyền (trong đó có một số tù thường phạm) cho hạ thủy trước giờ hẹn, bỏ lại Ban lãnh đạo cuộc vượt ngục và một số tù chính trị phải làm nhiệm vụ trên pha. Hơn 20 người xuống thuyền đã trở về đất liền sau 4 ngày đêm vượt biển, còn 19 người thuộc phái chủ trương không phá hải đăng, không cướp bóc tư trang, đối xử nhân đạo và không bắt gác dang đi theo đã bị bỏ lại.

Cảm phục nhân cách cao thượng và lòng nhân đạo của tù chính trị, vợ chồng gác pha Đuypay, cùng vợ chồng gác dang Brátxiê đã đồng tình kiến nghị với Giám đốc nhà tù trả lại tự do cho 19 người tù còn lại. Gác pha Đuypay, nhân chứng tích cực bảo vệ cho 19 tù kháng chiến đã khẳng định trước Giám đốc nhà tù: “Các anh ấy đã không động đến lông chân chúng tôi, không đụng đến thân thể vợ con tôi. Các anh ấy đã bảo đảm tính mạng cho chúng tôi và ngọn đèn pha”.

Anh Đặng Xuân Hà đã phổ biến cho anh em cách khai cung thống nhất: “Chúng tôi muốn về với gia đình. Chúng tôi chỉ phản đối việc phá phách ở pha và ngược đãi những người Pháp đang bị giam giữ cho nên bị bỏ rơi”.

Vợ Đuypay đã từng được Giám đốc La phốt đặc biệt ưu ái nay cũng cố gắng bảo vệ những người tù vượt ngục bị bỏ rơi. Bà ta nói với Giám đốc rằng, nếu không có những người tù chính trị này thì cánh tù thường phạm đã làm tan nát đời bà rồi. Nhờ vậy những tù nhân này được điều dưỡng một thời gian ở Nhà Thương. Một năm sau, họ được trả tự do.

Thắng lợi của cuộc bạo động pha Bảy Cạnh không chỉ dừng lại ở việc giải thoát một số đông tù nhân mà còn có ý nghĩa trên lĩnh vực binh địch vận. Thái độ nhân đạo và đúng đắn của những người tù chính trị trong cuộc vượt ngục đã nâng cao uy tín của tù chính trị trong binh linh và gác ngục Pháp. Đuypay và Brátxiê đều chân thành tâm sự với tù nhân rằng: khi về Pháp, họ sẽ kể chuyện về nhân cách cao thượng của tù chính trị để nhân dân Pháp hiểu rõ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Việc sửa chữa pha Bảy Cạnh bị đình trệ. Trong một thời gian dài, pha được giữ nguyên hiện trạng, 4 người tù đưa sang làm bồi phục dịch ở pha bị kiểm soát nghiêm ngặt. Cuộc bạo động pha Bảy Cạnh nổ ra bất ngờ, dường như lại xác nhận cho bản báo cáo ngày 13-12-1948 của Giám đốc nhà tù về một âm mưu tổng nổi loạn là có cơ sở. Mặc dù không đàn áp tù nhân, không nghiệt ngã với những người bị bắt lại, Giám đốc La phốt vẫn tiến hành những biện pháp an ninh. Nhiều tù nhân tiếp tục bị bắt vào cấm cố.

Sau sự kiện Bảy Cạnh, La phốt tăng cường bố phòng trên toàn đảo, khuyến khích hoạt động của đám tù gian, mở nhiều cuộc khám xét nhằm phát hiện các âm mưu bạo động, vượt ngục. Bọn tù gian đã chỉ điểm cho nhà tù bắt được nhiều tài liệu và cơ sở in ấn tại Khám Chỉ Tồn, Banh I.

Sở Tiêu là một trong những cơ sở đóng ghe vượt ngục cũng bị bố ráp. Chúng bắt Tú Tường tại Sở Tiêu cùng với bản Điều lệ và danh sách ban chấp hành Liên đoàn tù nhân Côn Đảo vừa được bầu cử. Anh Duy, thơ ký lực sự bị chủ sở Rờsẹc Nôvắc chặn lại khám xét khi anh mang giấy in, mực in vào khám. Nguyễn Quốc,hình lái xe lửa ở Bản Chế bị tên Tốt chỉ điểm, bị chủ sở bắt với nhiều tập san, báo chí, bản nhạc, lịch và danh sách bầu cử Ban chấp hành Liên đoàn. Cơ sở in ấn ở Khám 2 bị lộ. Nhiều tù nhân ở kíp thợ mộc (bản chế) bị tra khảo để tìm người làm khung in bột.

Bố phòng nghiêm ngặt, khám xét, bắt bớ, tra khảo, cấm cố, còng xiềng là những biện pháp cấp bách của La phốt. Tù nhân bị phạt xà lim, cấm cố nhiều nên thiếu nhân lực, La phốt áp dụng kiểu phạt xiềng vẫn bắt đi làm khổ sai để vừa hành hạ vừa bóc lột họ. Phạt xiềng cũng có nhiều kiểu:

– Xiềng đôi là hai chân khóa chung một sợi xiềng đóng ngang mắt cá cổ chân; sợi xích dài khoảng 40 cm, buộc người bị phạt muốn đi lại phải nhích từng chân một, nếu chạy là ngã ngay.

– Xiềng tạ là hình phạt nặng hơn. Một đầu xiềng cặp vào cổ chân, còn đầu kia là một quả tạ nặng khoảng 5kg. Muốn đi lại, người tù phải kiếm thêm một sợi dây vắt qua vai để nâng quả tạ lên ngang lưng, tay nắm lấy đầu dây kéo ghì xuống. Người bị phạt cũng có thể cầm quả tạ vào tay khi đi lại. Lúc mỏi tay, phải để quả tạ lê trên đường, mỗi bước đi quả tạ lăn qua lăn lại, giật sợi xiềng siết vào cổ chân đau nhói như thức tỉnh người tù thận trọng hơn nữa trong kế hoạch vượt ngục.

La phốt còn cho áp dụng một hình phạt nữa đối với anh em đã trốn không thoát, bằng cách cạo trọc đầu. Những người đã từng có án trốn thì chỉ cạo nửa đầu để làm dấu cho gác ngục đặc biệt cảnh giác. Tất cả những người bị bắt, sau thời hạn phạt xà lim đều bị đưa về cấm cố tại Khám 6 Banh I. Khám 6 trở thành nơi tập trung những người lãnh đạo ở tất cả các khu, trở thành trung tâm lãnh đạo của tù nhân Côn Đảo lúc đó.

Trừ gian

Để bảo vệ tổ chức và hoạt động của mình, tù nhân kháng chiến ở một số khu đã tìm cách trừ khử những tên tù gian làm tay sai, chỉ điểm cho bọn gác ngục. Lực lượng xung kích trừ gian là những chiến sĩ trong các Ban công tác nội thành Sài Gòn – Gia Định và Chợ Lớn. Nguyễn Đình Chính, nguyên Trưởng ban công tác I khi bị giam ở Khám tử hình Côn Đảo đã khích lệ đồng đội của mình: “Nhiệm vụ của Ban công tác thành là giết giặc trừ gian thì ở ngoài đời hay vào tù đều phải giết giặc trừ gian”.

Anh Nguyễn Văn Hai bị bắt lúc đang sơn vải làm thuyền, bị phạt hai xiềng tạ ở hai chân. Anh cầm quả tạ vào hai tay mỗi lần di chuyển, dáng như người chiến sĩ cầm hai quả lựu đạn xông ra mặt trận nên có biệt danh là “Hai lựu đạn”.

Mở đấu phong trào trừ gian, các anh Xây, Thể, Tâm Con và Năm Mến đã diệt tên Nguyễn Văn Tốt (số tù C.10980), tay sai đắc lực của chủ sở Bản Chế Noócmăng. Bị đưa về Sài Gòn để xử chồng thêm án, các anh lại tổ chức diệt luôn tên Võ Phương Ninh, một tên chỉ điểm rất nguy hiểm ở Sở Lưới. Chính hắn đã phát giác âm mưu cướp tàu Nicôlô và vu cáo âm mưu bạo loạn của tù nhân để bọn chúa đảo đàn áp, bắt hàng chục tù nhân vào xà lim cấm cố. Tên Ninh đã bị các anh Trần Văn Thành (chiến sĩ Cô Tô), Nguyễn Quốc Hương (ban công tác thành) và Linh Còm đâm tại Côn Đảo nhưng không chết, được đưa về Sài Gòn chữa trị.

Nhóm trừ gian ở Bản Chế gặp lại Võ Phương Ninh ở Khám Lớn. Các anh Ngọt, Xây, Tâm Con và Năm Mến quyết tâm khứ hắn. Xây rủ Võ Phương Ninh đánh cờ, Năm Mến bất ngờ đè hắn xuống, Ngọt dùng dao nhọn đâm. Tâm Con đứng ra nhận chỉ một mình anh giết Ninh và chịu lãnh thêm một án 5 năm tù nữa.

Mất tên tay sai đắc lực Nguyễn Văn Tốt, Noócmăng lại tìm cách mua chuộc y tá Trương Hải. Nhận thấy Hải thường lấy thuốc trong tủ thuốc của tù nhân cho chủ sở và được Noócmăng ưu đãi, Hải không tham gia tổ chức và sinh hoạt theo chỉ đạo của Ban chấp hành tù nhân nên nhóm trừ gian thứ 2 ở Bản Chế quyết định giết Hải. Các anh Trần Ngọc Phả, Nguyễn Duy Tiêu, Nguyễn Văn Lúc và Ngô Viết Hoàn đã phân công nhau, ai gặp điều kiện thuận lợi là giết. Anh Phả xung phong đứng ra nhận hết, dù là ai giết. Gặp dịp, Ngô Viết Hoàn đã hạ Trương Hải bằng 2 nhát đục thợ mộc. Noócmăng tập hợp tất cả kíp tù nhân lại, mặt xám ngắt, tay lăm lăm khẩu súng lục và tuyên bố:

– Đứa nào giết y tá Hai thì bước ra, nếu không tao bắn hết?

Anh Trần Ngọc Phả bước ra khỏi hàng, vừa kịp nói: “Tôi” thì Noócmăng nhằm ngực anh nã luôn ba viên đạn. Anh em ở Nhà Thương đã cấp cứu cho anh Phả, còn tên Hải bị bỏ mặc cho chết.

Noócmăng là gác dang lâu đời ở Bản Chế, tàn bạo và hiểm độc. Hắn thường đánh tù bằng bất cứ thứ gì vớ được trong xưởng như dùi đục, kìm sắt, thanh gỗ, hòn đá. Đối đầu với một tên chủ sở vào loại hung ác nhất, tù nhân ở Bản Chế đã nung nấu căm thù, chỉ chờ dịp đấu tranh. Hôm ấy, Ban chấp hành tù nhân khu Bản Chế đã nhắc nhở anh em kìm nén, không để bột phát nổ ra trong tình thế bất lợi.

Chỉ ít hôm sau, nỗi uất ức của tù nhân đã có dịp bùng lên. Hôm ấy, bác Tư chở nước ngọt đến nhà Noócmăng thì bỗng nhiên con bò trở chứng bất kham làm xe nước đổ lênh láng. Noócmăng không nói không rằng, rút cọc xe phang luôn vào đầu bác. Hắn còn nhặt đá ném theo khi bác chạy về phía anh em đang làm. Anh Huệ và anh Thăng là ủy viên trong ủy ban tranh đấu có mặt ở đó đã phát lệnh cho anh em tắt máy ngừng làm việc. Dự đoán địch sẽ đưa quân xuống khủng bố, anh Huệ đã rạch thêm vài nhát dao lam dưới chân tóc bác để máu chảy nhiều, tạo ra tình thế nghiêm trọng.

Khi Noócmăng đuổi theo tới xưởng thì anh em đã ngồi yên lặng vây quanh bác Tư. Bác nằm thiêm thiếp, máu từ đầu chảy loang trên mặt, thấm đỏ áo. Noócmăng báo cáo Giám đốc là tù nhân Bản Chế nổi loạn, yêu cầu tiếp viện. Hai mươi phút sau, bọn lính da đen đã vây kín và chĩa những họng súng đen ngòm vào mấy chục người tù. La phốt bước vào, theo sau là Giám thị trưởng cùng tên trung úy chỉ huy đội lính và hơn chục gác ngục Pháp. La phốt hỏi:

– Ai là chỉ huy ở đây

Anh Huệ và anh Thắng bước ra điềm tĩnh trả lời:

– Thưa thiếu tá, ở đây không có ai chỉ huy ngoài ông Noócmăng. Còn đại diện cho anh em tù là hai chúng tôi.

Không khí căng thẳng đã dịu bớt. La phốt bắt đầu cuộc đối thoại và lắng nghe tù nhân trình bày. Anh Huệ và Lương Văn Thắng đã thay mặt tù chính trì tố cáo hành động đánh đập dã man, xứ phạt vô cớ của chủ sở và tuyên bố:

– Trước hành động dã man của chủ sở Noócmăng đã bắn anh Phả hai hôm trước, nay lại đánh vỡ đầu bác Tư, chúng tôi tuyên bố sẽ không đi làm nữa, nếu ông Noócmăng còn ở sở Bản Chế này.

Giám đốc nhượng bộ, đưa Đôminíchcơ Mai, một gác ngục lai, quốc tịch Pháp về thay Noócmăng.

Nhà tù đang cần phải hoàn thành gấp chiếc sà lan gỗ đang đóng dở ở Bản Chế để phục vụ việc bốc dỡ, vận chuyển hàng. Noócmăng bị hất khỏi một sở có nhiều bổng lộc nhất thì rất ấm ức. Hắn cho già Keo, một tay sai trung thành uống rượu say rồi đốt kho Bản Chế để hại giám thị Mai và kiếm cớ khủng bố tù nhân, âm mưu bị phát hiện, đám cháy được dập tắt. Giám thị Mai trực tiếp lấy cung già Keo. Biết toàn bộ âm mưu bị bại lộ, Noócmăng tìm mọi cách chạy chọt, hiến cả vợ và con gái Hêlen (Hêlène) mới 17 tuổi cho Giám đốc nhà tù. Kết quả là già Keo được tha. Noócmăng về làm xếp Banh I. Một thời gian sau hắn đổi về Sài Gòn rồi chết vì bệnh lao.

Tháng 6 năm 1949, tên mật thám Trần Dư đã bị đền tội tại Sở Ruộng. Dư làm mật thám cho Pháp khảo cung tù nhân ở bót Catina (Sài Gòn) dưới quyền của hai tên ác ôn Mai Hữu Xuân và Trần Bá Thành. Không có người tù nào qua bót Catina lại không đổ máu vì chúng. Nhiều đội viên Ban công tác I đã tính giết hắn từ Sài Gòn mà chưa có dịp. Nay do mâu thuẫn nội bộ mà hắn bị phạt tù, đày ra đảo. Bọn giám thị nhà tù cho hắn nuôi vịt ở Sở Ruộng, cách ly hắn với tù kháng chiến, nhưng không thoát.

Hôm ấy, tù ở Khám 6 đập đá ở ngoài bãi gần Chuồng Bò, Nguyễn Quốc Hương và Nguyễn Trí Tuệ được cắt phiên đi lấy rau về cải thiện. Hương qua Sở rẫy Chuồng Bò mượn một lưỡi mác giắt sau lưng. Đến Sở Ruộng, không thấy Dư, Hương và Tuệ lội xuống ruộng hái rau muống. Đúng lúc ấy, Dư về cũng lội xuống hái rau. Tuệ ôm Dư, Hương đâm chết Dư ngay tại ruộng. Sau đó Quốc Hương đến thẳng Sở Cò tự nhận mình đã giết Trần Dư (số tù A.2392).

Sau những trận đòn trả thù ở Sở Cò, Hương bị đưa về Sài Gòn nhận thêm bản án mới. Bọn tù gian chỉ điểm ở các sở khác cũng bị tù nhân trừng trị. Tên Sổ ở Sở Củi đã bị Hoàng Kiếm Thanh trừ khử với sự hỗ trợ của Vũ Văn Thùy tức An. Hoàng Kiếm Thanh là một người tù tư pháp loại anh chị, được giác ngộ từ Khám Lớn. Hoàng Kiếm Thanh đi tham gia tổ chức của tù nhân kháng chiến, thực hiện xuất sắc nhiều nhiệm vụ của Liên đoàn tù nhân. Trong vụ diệt tên Sổ, anh Vũ Văn Thùy nhận hết để Hoàng Kiếm Thanh khỏi bị truy tố, ở lại đảm nhiệm những nhiệm vụ của Liên đoàn tù nhân. Vũ Văn Thùy sau khi lãnh thêm án, trở ra đảo là một chiến sĩ giao liên xuất sắc, có lúc được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành tù nhân liên khu II với bí danh Ngô Tùng.

Ngày 5-12-1950, anh Giáp và anh Sáu Cầy tức đoàn Minh Đình đã diệt tên Vàng (số tù A.2293) chỉ điểm tại Nhà Thương. Anh Giáp nhận, nhưng Sáu Cấy cũng bị truy tố ra tòa.

Công tác trừ gian đã chặn đứng hoạt động phá hoại, chỉ điểm của bọn tù gian, bảo vệ được tổ chức và lực lượng của tù nhân.

Liên đoàn tù nhân Côn Đảo

Tháng 7-1949, anh Nguyễn Đình Thâu được giảm án tử hình về Khám 6 Banh I. Anh đã góp sức cùng anh em đẩy mạnh việc xây dựng Liên đoàn tù nhân Côn Đảo Anh Phan Văn Đại sau một thời gian làm thư ký thường trực Hội nghị lâm thời chỉ đạo việc bầu Ban chấp hành ở các khu cũng bị phạt xà lim rồi về Khám 6. Hai anh Lê Ngân và Trần Quốc Phiên mới ra sở Chỉ Tồn được cử làm thư ký thường trực để chỉ đạo các khu hoàn thành việc bầu cử.

Mùa gió chướng thứ hai của thời chúa đảo La phốt, những cuộc vượt ngục thưa hẳn đi. Hàng loạt các biện pháp an ninh và kỷ luật của La phốt tỏ ra có hiệu lực trong một chừng mực. Mặt khác, khối tù nhân lại đang tập trung tất cả hoạt động vào việc bầu ra cơ quan lãnh đạo cao nhất của tù nhân trên toàn đảo.

Tháng 11-1949 các khám đã hoàn thành việc bầu cử, Tạp chí Côn Đảo Mới, tiếng nói của Liên đoàn tù nhân đã công bố danh sách ban chấp hành gồm: Chủ tịch Tư Ba Đào, Phó chủ tịch kiêm tổng đại diện Trịnh Xuân Hà, Trưởng ban tuyên truyền Trương Anh Tuấn, Trưởng ban huấn học Lê Ngọc Hương, Trưởng ban xã hội Nguyễn Tiếp, và Nguyễn Ngọc Sớm, ủy viên phụ trách giao thông liên lạc…

Bản điều lệ của Liên đoàn tù nhân quy định rõ nhiệm vụ và chức năng của các thành viên Ban chấp hành Côn Đảo. Điều lệ qui định liên đoàn được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tù nhân các khu trực tiếp bầu ra Ban chấp hành khu và bầu đại biểu vào Hội đồng tù nhân Côn Đảo. Hội đồng sẽ cử ra Ban chấp hành Liên đoàn tù nhân.

Nhưng hoàn cảnh trong tù không cho phép hội họp tự do dân chủ như vậy. Trên thực tế là tù nhân các khu đã bầu thẳng các thành viên của Ban chấp hành Côn Đảo, phần nhiều là chấp nhận bản danh sách đề cử mà thư ký thường trực lâm thời gửi đến.

Khi chuẩn bị tranh đấu, thì ở mỗi cấp bầu ra ủy ban tranh đấu để chỉ đạo cuộc đấu tranh theo yêu cầu mà Ban chấp hành Liên đoàn đề ra. ủy ban tranh đấu là cơ quan lãnh đạo cao nhất trong đợt đấu tranh. Sau khi kết thúc đấu tranh, ủy ban tranh đấu mới giao quyền lãnh đạo lại cho Ban chấp hành Liên đoàn tù nhân các cấp.

Điều lệ cũng quy định mỗi tổ chức cơ sở của Liên đoàn (khám tù, sở tù) là một khu; mỗi trại giam (banh), gọi là một liên khu, và cấp cao nhất là Ban chấp hành liên đoàn. Buổi đầu, do số lượng tù nhân ít nên hệ thống tổ chức của Liên đoàn chỉ có 2 cấp: Cấp cơ sở (khu) và cấp Liên đoàn (toàn đảo); cấp liên khu có tên mà chưa có Ban chấp hành.

Ban chấp hành tù nhân ở các khu cũng có cơ cấu tương tự như cấp Liên đoàn nhưng có thêm Ban trật tự. Công tác trật tự rất quan trọng. Kể từ lúc anh em thức dậy cho đến khi đi làm, ăn uống, nghỉ ngơi, đều cần có sự điều khiển của Ban trật tự. Khi cuộc tranh đấu nổ ra, nhiệm vụ của Ban trật tự rất quan trọng cả về phương diện tổ chức, an ninh nội bộ cũng như đối phó với giám thị. Khi địch đàn áp, Ban trật tự sẽ câu tay nhau chịu đòn ở vòng ngoài, bảo vệ lãnh đạo và những người ốm yếu. Đối với nội bộ, Ban trật tự theo dõi những người sa sút tinh thần và ngăn cản có hiệu lực những trường hợp bỏ cuộc, nhảy ra đầu hàng địch.

Các khu tự chọn phiên hiệu cho đơn vị mình để dùng trong Văn bản giao dịch nội bộ, không dùng tên gọi của nhà tù. Banh I mang tên Liên khu Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh các lực lượng võ trang kháng chiến. Banh II mang tên Liên khu Nguyễn Bình, vị Tư lệnh các lực lượng võ trang ở Nam bộ. Sau những cuộc thảo luận dân chủ, tù nhân các khu đều chọn tên cho đơn vị mình. Có khám mang tên một vị anh hùng dân tộc hoặc mang tên những đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quân đội… Có khám mang tên một chiến sĩ ưu tú đã hy sinh anh dũng.

Nhân dịp Liên đoàn tù nhân Côn Đảo ra đời, Chủ tịch Tư Ba Đào ra lời hiệu triệu, in trên tạp chí Côn Đảo Mới, kêu gọi toàn thể tù nhân:

“Đoàn kết nhất trí xung quanh Ban chấp hành, tạo thành một lực lượng vững chắc đối phó với mọi âm lưu đen tối của nhà tù.

Mọi hành động cử chỉ của tù nhân đều tuân thủ theo sự chỉ đạo của các Ban chấp hành khu, Ban chấp hành khu thực hiện đúng các chủ trương đường lối của Ban chấp hành Côn Đảo.

Đẩy mạnh các hoạt động không ngừng nâng cao ý chí chiến đấu, cải thiện sinh hoạt vật chất và tinh thần”1.

Liên đoàn tù nhân Côn Đảo ra đời đã tạo nên một bước chuyển biến lớn lao trong đời sống chính trị của lớp tù nhân kháng chiến. Liên đoàn vừa là hình ảnh của khối đoàn kết dân tộc trong tù, vừa giống như một chính quyền của tù nhân, trên thực tế có đầy đủ hiệu lực với khối tù trong hoạt động bí mật cũng như khi tranh đấu công khai. Ngay cả kẻ thù, dù không thừa nhận nhưng trong nhiều trường hợp đã không thể bác bỏ được vai trò của Liên đoàn tù nhân Côn Đảo.

Nếu như phong trào vượt ngục trong mùa gió chướng 1947-1948 như một cơn lốc cuốn, làm sụp toàn bộ tham vọng trị tù bằng thủ đoạn lừa mị của Bruylê thì phong trào đấu tranh quyết liệt của khối tù nhân, sau kh Liên đoàn ra đời, đã làm cho những biện pháp “cứng rắn” nhất của La phốt cũng trở nên vô hiệu. Đổi lại, trong cuộc đối đầu với La phốt, tù nhân cũng phải đổ khá nhiều xương máu.

Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, báo chí trong tù

Từ khi có Liên đoàn, phong trào Bình dân học vụ phát triển mạnh theo khẩu hiệu: “Biến khám đường thành học đường”. Ban huấn học tích cực vận động mọi người học tập theo phương châm “Không để một ai ngồi không mà không học, không đọc “.

Khám 6 có ông già Trị (thường phạm) mù chữ. Khi còn làm khổ sai ở các sở ngoài, ông chú tâm vượt ngục nên chẳng học được chữ nào. Vào cấm cố thấy mọi người say mê học, ông mới thèm khát được biết đọc, biết viết và đọc được thư của con cháu như mọi người. Ông cặm cụi mài từng mẩu san hô thành viên phấn nhỏ, nắn nót viết từng nét chữ theo sự hướng dẫn của những người tù trẻ. Ba tháng sau, ông viết được thư về nhà. Khi nhận được thư hồi âm, ông rưng rưng đọc nhẩm từng chữ, xúc động như cảm nhận một điều kỳ diệu. ông cười mà nước mắt giàn giụa. Ông nói với anh em tù chính trị chỉ trạc tuổi con ông: “Tụi bây khá quá. Tao không ngờ ở với tụi bây lại sáng mắt ra”.

Khám 6 còn có ông già Kim mù chữ, vốn là một người nghèo khổ, bị xã hội thực dân ngược đãi đến bần cùng, rồi trở thành tướng cướp. Ông lầm lì ít khi nói chuyện, chỉ nằm hút thuốc một mình, rất thờ ơ khi anh em vận động học chữ. Lý lẽ của ông là mấy chục năm nay không biết chữ mà vẫn sống được thôi. Cánh tù trẻ cứ theo ông thuyết phục hàng ngày. Cuối cùng, nằm mãi một mình cũng chán, ông nhận lời học nhưng thiếu kiên trì, thích thì học, chán thì bỏ, học trước quên sau. Thầy nào gặp ông cũng chán, không ai dạy được ông quá một tuần. Ban huấn học phải nhiều lần động viên khuyến khích cả thầy lẫn trò. Đến lượt Vương Tự Kiên nhận dạy ông theo phương pháp mới. Khi nào ông thích thì anh dạy, lúc ông chán thì thôi ngay. Hằng ngày anh gần gũi ông, vừa năn nỉ vừa khích lệ. Thấy ông thèm thuốc, bần thần là anh đến Ban xã hội xin thuốc cho ông hút. Nhờ vậy, ông theo học được một thời gian dài, biết đọc, biết viết, mặc dù chữ rất xấu.

Phong trào học văn hóa lôi cuốn nhiều người tham gia. Người nào biết chữ rồi thì học chương trình phổ cập cấp I Trật tự viên chia cho mỗi người một ô nhỏ trên sàn khám. Họ giấu sẵn những mẩu san hô non, mẩu gạch mài đi làm phấn để viết chính tả, giải toán, làm văn. Sôi nổi nhất là những kỳ sát hạch, thi lên lớp hoặc chuyển cấp. Học viên làm bài thi ngay trên Ô bảng của mình. Lưng trần bóng nhẫy mồ hôi, cặm cụi cho đến hết giờ khi trật tự viên ra hiệu lệnh hết giờ bằng chuông miệng “boong… boong!” thì tất cả ngưng làm bài. Họ hồi hộp chờ thầy đến chấm, cũng “ghen tuông” tự ái hoặc nằn nì xin thêm điểm như trẻ nhỏ. Người đạt điểm cao trong mỗi kỳ thi được nhận phần thưởng là bằng khen miệng của Ban huấn học trong buổi phát thanh tối ấy.

Sinh hoạt buổi tối của tù nhân ở các khu rất sôi nổi: mở đầu bằng buổi phát thanh ở từng khu. Khi tiếng chuông miệng “boong!… boong!” của trật tự viên vang lên, mọi người đều ngồi ngay ngắn và yên lặng. Từ góc khám vang lên tiếng nói: “Đây là đài phát thanh khu… Tiếng nói của tù nhân khu…”. Chương trình phát thanh thường ngắn gọn, nhằm phổ biến chủ trương, chỉ thị của Liên đoàn. Kế đó là phát thanh viên đọc tin, điểm báo. Thứ bảy hoặc ngày lễ có chương trình văn nghệ truyền thanh.

Buổi phát thanh ở khu thường diễn ra trong khoảng 30 đến 60 phút. Đó là một hình thức sình hoạt tập thể có tính giáo dục cao của Liên đoàn tù nhân. Nó không chỉ bó hẹp ý nghĩa trong việc thông tin, giải trí, phát thanh mà còn biểu hiện sự trương thành của ý thức tập thể, của sự thống nhất lực lượng và hiệu quả của sự giáo dục, rèn luyện hằng ngày.

Sau buổi phát thanh, tù nhân mới tản ra theo các nhóm học tập và viết thông báo, chỉ thị, tổng hợp tin tức tình hình, in ấn tài liệu Ban trật tự cử người canh gác đề phòng bọn gác dang tuần tra, rình mò để kịp thời báo động cho anh em trong khám và các khám bên cạnh.

Các hoạt động báo chí văn nghệ đã có tác động tích cực đối với hoạt động của tù nhân, Ngoài tờ Côn Đảo Mới, tiếng nói của Liên đoàn, Ban tuyên huấn còn phụ trách tờ Dời Sống Mới nhằm phục vụ công tác tuyên truyền và cổ động phong trào “đời sống mới” trên Côn Đảo. Các anh Trương Anh Tuấn, Trịnh Xuân Hà vừa là người lãnh đạo vừa là chủ bút và là người viết bài chính; họa sĩ Nam Hải trình bày; Trần Quốc Phiên thư ký tòa soạn; Lê Tam, Hoàng Phúc, Đỗ Văn Đích, Vũ Ngọc Toàn là những cộng sự đắc lực trong việc biên tập, chế bản, in ấn phát hành.

Hội văn nghệ tập hợp hợp những anh em văn nghệ sĩ trong tù, động viên hướng dẫn phong trào sáng tác. Công tác báo chí, văn hóa, văn nghệ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng khối đoàn kết tù nhân. Báo tường và kịch ngắn là loại hình chủ yếu mà phổ biến là kịch “cương”. Kịch “cương” đáp ứng được hoàn cảnh trong tù, sáng tác nhanh, biểu diễn nhanh, phản ánh một cách trực tiếp sinh hoạt tù nhân, cổ vũ tình đoàn kết chiến đấu đả kích bọn thống trị.

Ngoài kịch cương còn có kịch thơ và thơ là những món ăn tinh thần được anh em say sưa sáng tác và thưởng thức. Anh Lý Tiến Vinh là một diễn viên hài kịch nổi tiếng ở sân khấu Bản Chế với câu xưng danh muôn thuở: “Tôi sinh ra vào năm cáttó, (quattorze)…. Mỗi lần anh xuất hiện là anh em được những trận cười thoải mái, xua tan không khí ảm đạm, đen tối của nhà tù. Anh đã từng bị chủ sở đánh bể đầu vì diễn kịch châm biếm chúng.

Tờ báo Văn Nghệ là tiếng nói của Hội Văn nghệ tù nhân. Các anh Phan Văn Đại, Nguyễn Kim Diễn, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Thanh Nhơn, Lê Đăng Tam, Đỗ Văn Đích, Phướn Đồng Mạ, Lý Tiến Vinh, Nguyễn Sáng, Vũ Đắc Bằng, Nguyễn Văn Mẹo, Hoàng Phúc… vừa là các chiến sĩ đi đầu trên mặt trận văn hóa, văn nghệ báo chí trong tù, vừa là những người lãnh đạo của Ban chấp hành tù nhân các khu, phụ trách các tờ báo ở các khu. Báo chí là công cụ cổ vũ tích cực cho sáng tác. Hàng trăm bài thơ đã được đăng rải rác trên các báo, với những cây bút thân thuộc của tù nhân Côn Đảo như Song Việt, Văn Quý, Tô Lịch, Đồng Mạ, Lê Đình, Sóng đồng, Văn Lân, Kim Diệu Lý…

Báo tường các khu có từ tờ: Cởi áo Giang Hồ của tù thường phạm; Bạn Tù của Khám tử hình; Đoàn Kết của Sở rẫy An Hải; Tiến Lên của kíp Lò Vôi; Xây Dựng của kíp Thợ Hồ; Thắng Lợi của Sở Củi; Tiền Phong của Sở Chỉ Tồn… Riêng khu Bản Chế, ngoài tờ báo Lao Động, còn có tập san Công Nhân ra hàng tháng. Báo thường được chép tay trên 2 trang giấy học trò. Tập san (tạp chí) từ 4 đến 8 trang được in bột thành nhiều bản. Báo được chuyền tay nhau xem, được đọc trên đài phát thanh của các khu trong buổi tối.

Tờ Bạn Tù của Khám tử hình có nhiều bài viết sắc sảo và cảm đóng, được tù nhân trân trọng. Tờ Cởi áo Giang Hồ trước đây xuất bản ở Khám Lớn (Sài Gòn) là tiếng nói của tù tư pháp, nay tái xuất bản ở Côn Đảo do Tư Ba Đào chủ trì, với sự cộng tác đắc lực của các anh Phan Văn Đại, Nguyễn Văn Mẹo.

Tờ báo có xu hướng giải thích quá khứ giang hồ bắt nguồn từ sự nghèo đói, bất công, bế tắc của con người trong xã hội thực dân, phong kiến? đồng thời khơi lên những đức tính đáng quý của một số người trong giới giang hồ là trọng nhân nghĩa thủy chung, có khát vọng được sống trong một xã hội công bằng, bác ái, từ dó cắt nghĩa việc thức tỉnh ý thức dân tộc của những người tù tư pháp, theo gương các “Anh Lớn” Ba Dương, Tám Mạnh đi kháng chiến… kêu gọi các bạn tù tư pháp biểu quyết cởi bỏ tấm áo giang hồ để đi theo kháng chiến, ủng hộ Liên đoàn.

Âm nhạc cũng nở rộ và được “mùa”. Nguyễn Sáng có nhiều thành công trong sáng tác và đóng góp tích cực cho phong trào. Các ca khúc Ngày giải phóng, Mộng thoát ly, Học nhạc, Tình không biên giới, Mùa gió chướng, Ma Thiên Lãnh… của anh và đồng nghiệp đã đi vào tâm hồn của người tù, trở thành máu thịt của họ, gây niềm lạc quan thôi thúc họ tranh đấu với kẻ thù.

Với lòng say mê âm nhạc, tù nhân nhiều khu còn chế tạo ra đàn, nhị trang bị cho các ban nhạc. Các anh Châu Nháy (tức Trần Minh Thân) ở Nhà bếp, anh Bình ở Nhà Đèn đã làm ra những cây đàn đầu tiên, mở ra một thời kỳ biểu diễn ca khúc có nhạc đệm. Hộp đàn được cuốn từ tôn thùng cầu, cần đàn cũng là gỗ thùng cầu dây đàn, phím đàn đều từ những mảnh dây điện các loại mặt đàn là những mảnh da kiếm được. Tiếng đàn đầu tiên cất lên trong đêm làm xao xuyến bao tâm hồn bị đày đọa nơi ngục tối. Cây đàn của các anh được chuyền tay qua nhiều khám, bị bọn gác dang tức tối đập nát, nhưng nhiều cây đàn khác lại ra đời.

Tiếp sau Nhà bếp, Nhà Đèn, nhiều cây đàn đã xuất hiện ở Bản Chế, Nhà Thương, Sở rẫy An Hải, Chuồng Bò. Nhà Thương có cả ghita và măngđôlin. Nhạc sĩ Nguyễn Sáng đã tham gia tổ chức một dàn nhạc phối âm phối khí để hòa tấu một vài bản nhạc. Nhiều nhạc cụ làm giả, nhạc công phối âm bằng miệng.

Chủ sở Nhà Thương Pêtrônali và bác sĩ Giăng Sác (Jean Charles) rất thích thú khi được xem dàn nhạc biểu diễn. Nhạc sĩ Nguyễn Sáng mở lớp ký âm, bồi dưỡng cho những người có năng khiếu âm nhạc ở các khám. Một số con em các giám thị có cảm tình cũng được anh dạy nhạc. Hoạt động âm nhạc, văn nghệ trong thời kỳ này không chỉ dừng lại trong phạm vi giải trì hoặc tập hợp lực lượng và tranh thủ gác ngục mà đã phát triển tới một bước cao hơn.

Như một nhu cầu không thể thiếu được của đời sống tinh thần, văn nghệ, âm nhạc đã đi vào sinh hoạt của tù nhân từ lĩnh vực thưởng thức nghệ thuật đến sáng tác, biểu diễn. Tình yêu quê hương đất nước, tình đồng chí, tình nhân loại, tình bạn tù cùng với lòng căm thù thực dân, đế quốc đã qua những bài thơ, bản nhạc mà đi vào tâm hồn người tù, biến thành niềm tin vào thắng lợi, thành ý chí đấu tranh với kẻ thù. Văn nghệ, âm nhạc còn tiếp tục gắn bó với mỗi bước đấu tranh và trưởng thành của tù nhân.

Phong trào “Đời sống mới” và công tác địch vận, giao liên phong trào “Đời sống mới” với nội dung thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh, ngăn nắp, giờ nào việc ấy, bỏ nói tục, chửi thề do Liên đoàn tù nhân phát động được toàn thể tù nhân hưởng ứng sôi nổi.

Song song với công tác giáo dục nếp sống văn minh, tư cách của người kháng chiến, Ban đời sống mới còn có quy định nghiêm khắc đối với những người hay nói tục, chửi thề. Người nào nói tục phải đeo vào cổ một thẻ “đời sống mới”, phải đứng nghiêm cho người phát hiện được tát một cái vào má, sau đó phải đứng nghiêm nhắc lại một câu qui định: “Nếp sống văn minh không cho phép nói tục hoặc chửi thề. Tôi xin hứa sẽ không vi phạm nữa”.

Cái tát không đến nỗi như đòn thù, nhưng cũng phải đủ đau để cho người vi phạm nhớ lâu. Nếu thương hại bạn, nương nhẹ tay mà người khác phát hiện được thì phải chịu “phạt đền” cho chính mình bằng một cái tát trở lại của bạn, dưới sự chứng kiến của người thứ ba.

Người vi phạm tuy bị tát đau, song không hề bực dọc hay xấu hổ và nhờ thế mà nhớ lâu, mà đi vào nếp sống có văn hóa. Những khi làm khổ sai cực nhọc, tù nhân thường hay buột miệng chửi thề. Ngay lúc ấy, người làm bên cạnh bắt đứng nghiêm, tát vào má, bắt đeo thẻ “đời sống mới” và bắt nhắc lại câu quy định về nếp sống văn minh. Bọn giám thị Pháp rất ngạc nhiên. Đại diện tù nhân phải giải thích về quy định của Ban đời sống mới và kỷ luật của Liên đoàn. Khi hiểu ra, họ rất phục tù chính trị.

Giám thị Đôminíchcơ Mai mở miệng là nói tục, chửi thề lại rất thích thú phong trào đời sống mới. Hắn tuyên bố với tù nhân: “Đ.m. Tôi cũng hay nói tục, chửi thề, thiếu lịch sự, nhưng từ nay tôi quyết tâm sửa cho mà coi”. Nhưng chỉ một lát sau hắn đã lỡ miệng chửi thề làm cả kíp khổ sai cười ồ lên. Mai xấu hổ, đứng nghiêm, tự vả vào miệng và lặp lại câu quy định về nếp sống văn minh mà hắn đã nghe. Nhiều lần như vậy, Mai bớt chửi thề và ngày càng tôn trọng tù nhân.

Giám thị Pêtrônali, chủ sở Nhà Thương cũng nói: “Tôi coi tù từ khi còn trẻ, nay đã sắp tuổi nghỉ hưu. Tôi chưa bao giờ thôn tập thể tù nào sống có văn hóa như các anh”. Pêtrônali trước đây hay say rượu, hay đánh tù. Được vợ y một người Việt có lương tâm khuyên ngăn và sau đó được nhiều tù nhân ở Nhà Thương cảm hóa, y bớt hẳn tính hung hãn, bớt say rượu, ít đánh tù.

Các chủ trương của Liên đoàn đề ra đều được tù nhân hưởng ứng và tự giác thi hành. Đối với các trường hợp vi phạm, Liên đoàn có thể thi hành kỷ luật nội bộ khi cần thiết. Có nhiều mức kỷ luật, từ khiển trách, phê bình, cảnh cáo cho đến khai trừ ra khỏi Liên đoàn. Thời hạn khai trừ có thể dài, ngắn tùy theo mức độ khuyết điểm. Cá biệt, có thể khai trừ vĩnh viễn.

Án kỷ luật khai trừ do Hội đồng kỷ luật Liên đoàn quyết định, sau đó giao cho Ban trật tự từng khu thi hành án. Người thụ án khai trừ phải nằm riêng một chỗ (thường là góc khám gần cầu tiêu), ăn riêng một mẻ dùa, không được quan hệ, giao dịch với ai, chỉ còn quyền làm việc, chữa bệnh và tự học. Trong thời gian thụ án, nếu có nhu cầu gì chỉ được báo cáo với Ban trát tự để xem xét, giải quyết.

Kỷ luật của Liên đoàn vừa dân chủ, vừa nghiêm minh. Xét xử các vụ kỷ luật bao giờ cũng công khai trong tập thể tù nhân, không bao che, ô dù hoặc nương nhẹ kỷ luật đối với những người có thành tích hay có chức vụ. Có ủy viên Ban chấp hành cấp Liên đoàn cũng bị kỷ luật khai trừ khi vi phạm. Nhiều người coi thường đòn roi, xiềng xích, xà lim, hình phạt của nhà tù lại rất sợ kỷ luật của Liên đoàn. Ở tù mà còn bị tách rời tập thể, ăn một mình, nằm một chỗ, lủi thủi câm lặng suốt ngày, không được thân thiện, trò chuyện với ai thì khổ tâm chẳng khác nào như bị tù thêm một lần nữa.

Có lần, một người tù tư pháp có hành động xấu với gia đình công chức mà anh ta làm bồi bếp. Vốn có quan hệ tốt với tù kháng chiến, vị công chức này phản ánh với Liên đoàn tù nhân, có ý để cho tập thể giáo dục mà không báo cho Giám đốc xử phạt. Không ngờ, kỷ luật của Liên đoàn lại rất nghiêm. Hội đồng kỷ luật cứ người thẩm tra rồi xét xử công khai, thi hành mức kỷ luật khai trừ khỏi Liên đoàn.

Vụ này làm Xôn xao dư luận trong công chức, gác ngục Việt Nam. Từ đó, thấy tù nhân nào có thái độ xấu với vợ con gác ngục, họ thường dọa “kiện tới Liên đoàn”, thay vì trước đây hù dọa bằng chủ sở Rờsẹc Nôvắc hoặc báo Giám đốc xử phạt. Chuyện đến tai chúa đảo, La phốt quở trách và răn đe: “ở đây tao làm Giám đốc chứ không phải Liên đoàn tù nhân làm Giám đốc”.

Hắn ra lệnh cho tất cả công chức, giám thị Việt Nam là bất cứ chuyện gì cũng phải báo cáo lên Giám đốc chứ không được báo với Liên đoàn. Nhưng, sự đe dọa của chúa ngục không còn đủ hiệu lực.

Cách mạng tháng Tám 1945 và sự ra đời của Chính phủ Hồ Chí Minh đã làm sụp đổ thân tượng “Nước mẹ Đại Pháp” và thức tỉnh tinh thần dân tộc của những công chức Việt Nam lâu nay làm thuê cho Pháp. Hầu hết gác ngục Việt Nam suy nghĩ về thân phận hèn kém của họ, về tương lai khi người Pháp thua trận ở Việt Nam. Dự cảm ấy mỗi ngày một rõ rệt. Họ gần gũi tù chính trị, theo dõi tin tức, chiến sự, thăm dò xem thái độ của Chính phủ kháng chiến đối với những người làm thuê cho Pháp như thế nào? Liệu những người làm thuê cho Pháp có bị coi là Việt gian cả hay không? Nhiều người đã tích cực giúp đỡ tù nhân kháng chiến. Giám thị số 39 Trần Tần đã bí mật cung cấp quần áo, vải, lương thực, thuốc men cho nhiều chuyến vượt ngục của tù nhân Sở rẫy An Hải, Sở Củi, Sở kéo cây tù áo trắng. Ông đóng góp phần tiếp tế, liên lạc cho liên đoàn tù nhân khi có yêu cầu. Thầy chú Ba Thà thường giúp tù nhân giấy viết. Thầy chú Hai Nhỏ, bà Nguyễn Thị Năm (vợ Mourges) bà Hồ Thị Ba (vợ Lasomme) giúp thuốc men, đường sữa, sơn, vải. Ông Ruby, nhân viên kho bạc (gốc ấn Độ) bảo lãnh nhận bưu kiện tiếp tế cho Liên đoàn để chuyển cho anh Phạm Xuân Phụ và một số tù kháng chiến ở kho bạc. Trước đó, hai thầy chú Ngọc và Đang thì làm nội ứng cho tù nhân Sở Lưới cướp canh vượt ngục. Nhiều người khác cũng tỏ thái độ thiện chí sẵn sàng giúp đỡ tù kháng chiến hoặc thận trọng giữ mình.

Trong báo cáo số 93.C ngày 20-3-1948, Giám đốc nhà tù đã phải đánh giá rằng tình hình chính trị và quân sự ảnh hưởng sâu sắc đến các gác ngục người Việt. Họ không còn là cánh tay đắc lực cho các gác dang người Pháp nữa. Trong nhiều trường hợp, thái độ của họ khó hiểu và đáng ngờ. Báo cáo có đoạn viết: “… Họ thu mình trong một sự đợi chờ thận trọng, làm việc uể oải, nhẹ tay đối xử với phạm nhân, thận chí có những khi quá thân mật trong đối xử có thể dẫn đến thái độ đồng tình. Trong sự hoài nghi đối với tương lai, họ tìm cách làm sao vẫn giữ được chức vụ mà không có hành vi gì bất lợi cho mình. Trên thực tế, trong hoàn cảnh hiện nay, người ta chỉ có thể tin tưởng ở họ một cách có giới hạn”.

Bác sĩ Giăng Sác có thiện cảm với tù kháng chiến ngay từ Khám Lớn Ra Côn Đảo, ông tìm gặp ngay những người bạn tù mà anh Hoàng Xuân Bình, Tổng đại diện tù nhân Khám Lớn đã giới thiệu. Ông ngỏ lời với anh Trịnh Xuân Hà, Tổng đại diện của tù nhân Côn Đảo rằng anh em cứ luân phiên khai bệnh ra, ông sẽ cho nghỉ. Ông là đảng viên Đảng xã hội Pháp (S.F.I.O), không tán thành chủ nghĩa cộng sản, nhưng rất tôn trọng nhân cách của những người tù kháng chiến.

Người ốm đau bệnh tật được ông khám cẩn thận, cho thuốc và săn sóc tận tụy với lương tâm thầy thuốc. ông còn mua tặng Liên đoàn tù nhân nhiều sách mác xít do Nhà xuất bản Xã hội Pháp ấn hành. Những người chỉ mệt mỏi mà khai bệnh, Sác cũng cho nghỉ việc vài ngày. La phốt thường khiển trách ông về việc ông quá dễ dãi, cho tù nghỉ nhiều nên nhà tù thiếu nhân công khổ sai.

Một lần, La phốt đích thân kiểm tra và gay gắt với Sác trước mặt gần trăm tù nhân chờ khám bệnh ở sân Banh I. Sác cũng không vừa, tuyên bố thẳng thừng: “Nếu tất cả tù nhân có bệnh thật thì tôi sẽ cho nghỉ việc hết. Nhưng dẫu họ không có bệnh thật thì ăn uống như thế, làm khổ sai quần quật quanh năm suốt tháng cũng kiệt sức, cần cho họ nghỉ vài ngày”.

Sác rất thích những tờ báo của tù nhân mà anh Nguyễn Kim Diễn, y tá phiên dịch ở Nhà Thương mang đến cho ông xem. Khi hết nhiệm kỳ ở Côn Đảo (3-11-1949), Sác đã nhờ anh Diễn chọn cho vài số báo tù để mang về giới thiệu cho nhân dân Pháp.

Tù kháng chiến còn một nguồn sách báo quan trọng do Uy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ gửi ra qua nhân mối trên các tàu De Lanessan, Nicolaux, Pigheau de Béhaine định kỳ chở hàng ra Côn Đảo. Kíp dọn tàu có tín hiệu riêng để bắt liên lạc với các nhân mối để nhận tài liệu, giấu trong các bao hàng chuyển vào nhà tù.

Anh em thủy thủ ngoài việc tiếp tế, liên lạc còn giúp tù nhân bằng cách cho hoặc mua giúp những thứ cần thiết. Thủy thủ tàu Nicolaux định tặng tù nhân kíp dọn tàu một chiếc xuồng gắn máy có đầy dủ nhiên liệu để vượt ngục nhưng không thành. Thủy thủ tàu De Lanessan tặng hàng chục mét vải bạt cho các cuộc vượt ngục.

Anh Nguyễn Mười Mè, thủy thủ tàu De Lanessan nhận bán giúp các loại đồ mỹ nghệ chạm trên gỗ găng, các đồ trang sức kham đồi mòi, do anh Hồng ở Nhà bếp, anh Mai Văn Hạc khu bất tử làm để gây quỹ cho Liên đoàn. Tiền bán được dùng mua giấy, mực in, thuốc men, đường sữa giao cho Ban xã hội.

Một đầu mối liên hệ khác giữa tù Côn Đảo với đất liền do linh mục Nguyễn Văn Mầu đảm nhiệm. ông nhận thơ từ, tài liệu, tiền, hàng tiếp tế của uỷ ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ chuyển về Nhà thờ Côn Đảo, từ đó chuyển về các khám. Đầu mối thứ 2 do anh Đầy, công chức phụ trách thú y ở Côn Đảo đảm nhiệm. Hàng tháng về Sài Gòn lấy thuốc phòng dịch cho gia súc, anh làm liên lạc giữa tù nhân Côn Đảo và ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ.

Sách báo và đồ tiếp tế do anh Thái Sơn (Trần Ngọc Sơn), người phụ trách tài chánh nội thành của Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định mua và chuyển giao ở một điểm hẹn trước. Anh Trần Ngọc Sơn được Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ Phạm Văn Bạch giao nhiệm vụ lập ra Ban cứu trợ tù nhân, dùng tiền quyên góp mua đồ tiếp tế.

Anh Huỳnh Tấn Phát sau khi mãn tù ở Khám Lớn đã cùng vợ và một số người tham gia tích cực vào hoạt động cứu trợ tù nhân. Việc liên lạc và tiếp tế cho tù nhân Côn Đảo sau đó được ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ giao hẳn cho Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia định phụ trách. Thông tin liên lạc của tù nhân ở các khám, các banh do mạng lưới tù nhân làm bồi bếp, thư ký, Nhà bếp Sở tẩy, Nhà Thương đảm nhiệm.

Thư từ, chỉ thị viết trên những mảnh giấy nhỏ xíu, luồn vào vạt áo, giấu ở những chỗ kín trong người. Tài liệu dày hơn thì giấu trong các thùng 2 đáy, nón bàng hai lớp, gáo dừa 2 ngăn. Tài liệu, thư từ từ nhiều nguồn thường qua đầu mối của Sở tẩy về Nhà bếp, rồi qua các thùng cơm, canh đi các khám, các sở tù.

Một đường liên lạc khác là từ các khám tù, sở tù, thư từ, tài liệu theo những người khám bệnh đến Nhà Thương, rồi từ đó chuyển giao cho các đầu mối. Đó là kiểu như đi bằng “đường bộ”. Nhà bếp còn có sáng kiến đưa thư bằng “đường thủy, giấu trong bụng cá, trong thùng canh. Khi địch khủng bố, khám xét gắt gao thì kíp đổ thùng lại phải trổ tài đưa thư từ qua thùng cầu.

Anh em còn sứ dụng kiểu đi thư bằng “đường không”, từ Banh I qua Banh II hoặc từ ngoài banh vào trong banh. Giấy in, tài liệu được “bay” qua tường ở những điểm vắng được ấn định trước. Các giao thông viên trao đổi tín hiệu với nhau bằng những viên sỏi ném qua, ném lại để báo hiệu việt chuyển giao tài liệu, nhận xong trả lời. Anh em còn dùng dàn thun để “bắn” thư từ qua tường, “bắn” từ ngoài sân qua cửa sổ lọt vào trong khám rất an toàn. Đường “hàng không” còn có kiểu đi thư không “bay” mà “bò” lên mái nhà rối tuồn từ khám này qua khám khác. Một loại cỏ ống mềm hơn cói, mọc ở các bàu, trũng ở Nam Bộ, được sứ dụng đan các bao, giỏ, nón, chiếu…

Những người tù tư pháp, xuất thân từ giang hồ, khi giác ngộ lại trở thành những giao liên xuất sắc. Các anh Tám Nhỏ, Sinh, Vinh, Thân, Hoàng Kiếm Thanh leo tường lẹ như thạch sùng, chuyền trên mái nhà thoăn thoát như vượn leo cây.

Trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì thư từ tin tức lại có cách chuyển bằng những đường dây đặc biệt, qua những nhân mối trong bộ máy nhà tù như gác dang Béctơram (Bertram), thầy Lũy y tá… Đường dây đặc biệt này được Ban ngoại giới của Liên đoàn sử dụng hiệu quả trong những năm sau.

Người được chọn làm giao liên phải có nhiều mưu mẹo và gan góc. Địch phát hiện ra kiểu liên lạc này, lập tức phải thay bằng cách khác. Anh Quý (Dương Ngọc Quẩy) ở Sở rẫy Giám đốc nhờ anh em ở Bản Chế làm cho một đôi thùng gánh cơm có khoan lỗ ở thang thùng. Đôi thùng ấy trở thành “thùng thư di động từ bếp Banh I đến Sở tẩy, qua bao nhiêu cặp mắt cú vọ.

Anh bị bọn tù gian chỉ điểm ba lần, bị chủ sở Rờsẹc tra tấn đủ các kiểu, có lần bị Nôvắc dùng 2 thanh tre cột chéo kẹp nát ống chân nhưng không hề hé răng khai báo. Chúng biết anh là liên lạc mà không làm gì được. Trở về Sở rẫy, anh lại quẩy đôi “thùng thư di động trước những cặp mắt tức tối của bọn gác ngục.

Nhà bếp là trọng diềm chỉ đạo của Ban xã hội Liên đoàn, vừa tổ chức đường dây liên lạc từ các khám ra ngoài banh; đồng thời tổ chức cải thiện đời sống cho anh em. Anh Trần Văn Sứ là một trong những chiến sĩ giao liên tích cực. Nguyễn Ngọc Sớm cùng Lê Ngọc Hương (tử tù giảm án) và Bảy Lửa, một người tù tơ pháp (từng là Chủ tịch Ban chấp hành khu An Hải), tổ chức bầu Ban chấp hành tù nhân khu Nhà bếp.

Từ khi có tổ chức của tù nhân kháng chiến lãnh đạo, Nhà bếp giống như là trái tim giữ mạch máu giao thông liên lạc cho Liên đoàn tù nhân Côn Đảo. Hơn thế nữa, tù nhân khu nhà bếp còn làm nhiệm vụ người chị hiền, người mẹ nuôi chăm lo cải thiện bữa ăn, nuôi dưỡng anh em.

Đấu tranh chống cúi đầu

Liên đoàn tù nhân Côn Đảo ra đời đã mở đầu thời kỳ hoạt động sôi nổi và đấu tranh quyết hệt của tù kháng chiến. Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của tù nhân, được dân chủ bầu ra, Liên đoàn tập hợp được tất cả lực lượng tù nhân thành một khối duy nhất, dẫn dắt họ vào cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống và nhân phẩm của những người tù kháng chiến.

Cuối năm 1949, qua đường dây liên lạc của ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ, Liên đoàn tù nhân được một tài liệu mới về chủ trương của Đảng đưa cuộc kháng chiến chuyển mạnh sang tổng phản công. Tài liệu phản ánh tinh thần của Hội nghị cán bộ lần thứ 6 do Ban chấp hành Trung ương Đảng triệu tập từ ngày 14 đến ngày 18-1-1949.

Ban chấp hành Liên đoàn quyết định kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12) với nghi thức long trọng nhằm biểu dương lực lượng và củng cố lòng tin vào thắng lợi. Báo Tiếng Tù của Liên đoàn ra trong dịp đó đã đưa tít lớn trên trang đầu những khẩu hiệu:

– Một khối – Một ý chí – Một hành động.

– Tổng phản công nhất định thắng.

Tối 18-12-1949, các khám lập bàn thờ Tổ quốc, chào cờ, cử quốc ca rồi liên hoan văn nghệ đến nửa đêm. Ban xã hội tập trung tiền quỹ, đường, sữa, thuốc lá, làm bánh, nấu chè liên hoan. Anh em đặt tên cho các mục liên hoan là “cơm chiến thắng – cháo đuổi giặc – bánh tổng phản công.”.

Ngày 19-12-1949, tất cả các khám đều tập trung ăn cơm ngoài hiên. Trước bữa cơm, đại diện của Ban chấp hành khu đứng ra phổ biến chủ trương tổng phản công của Đảng, tin tức chiến sự trên chiến trường và mục đích, ý nghĩa bữa cơm liên hoan mừng chiến thắng. Bọn giám thị Pháp thấy lạ xúm vào nghe. Đến khi diễn thuyết xong, tù nhân các khám nắm tay hô vang các khẩu hiệu:

– Việt Nam độc lập muôn năm!

– Hồ Chí Minh muôn năm!

– Tổng phản công nhất định thắng!

Bọn giám thị hoảng sợ tường tù nhân bạo động. Chúng lên đạn, súng lăm lăm trong tay. Sáng 20-12-1949, La phốt và Giám thị trưởng Rô nhông (Roghon) đích thân chỉ huy cuộc khủng bố. Một tiểu đội lính da đen lăm lăm súng tiểu liên trong sân Banh I. Gác dang mở cửa từng khám, Rô nhông thét: “Ra ngoài tập hợp”.

Tù nhân ra khỏi cửa khám là phải đi qua hàng rào roi mây của tốp gác dang đứng 2 bên cửa. Đứa bổ lên đầu, đứa quật ngang người, đứa vụt vào ống chân, đứa đánh vào chỗ hiếm. Người tù bị đánh tối tăm mặt mày, té sấp té ngửa mới ra đến sân. Khi tập hợp, chúng bắt tù ngồi cúi đầu ngẩng lên là chúng đánh. Khám 6 bị đánh nặng nhất vì chúng biết đây là khám đầu não chỉ huy. Trương Anh Tuấn bị đánh bể mắt kính, máu chảy ròng ròng trên mặt.

Khi tất cả tù nhân đã ra khỏi khám ngồi từng tốp trong sân, bọn gác dang vẫn vụt lốp bốp trên đầu họ, miệng gào lên: “Cúi đầu!… Cúi đầu!”. Cho đến khi Giám đốc La phốt đứng giữa sân chỉ huy quát “Thôi”, thì tiếng roi mới thưa dần. Chúng bắt tù nhân cởi hết quần áo, chất thành từng đống, trần truồng ngồi phơi nắng trong lúc bọn gác dang sục sạo vào các khám moi móc từng góc tường, sân khám, góc cột, cầu tiêu để truy tìm tài liệu, vũ khí mà tù nhân có thể sử dụng vào mục đích bạo động, nhưng kết quả ngược lại, những thứ mà chúng thu được chỉ là đồ dùng của tù nhân như quần áo, khăn mặt, bàn chải, sách đọc, giấy bút, viên phấn. Chúng sục sạo Khám 6 rất kỹ, lôi ra hàng đống sách vở, bút mực, báo chí.

Trừ bọn tù gian và Khám 1 (áo trắng) tất cả tù nhân còn lại đều bị bỏ đói 2 ngày, bị dồn lại, nhốt kín trong mấy khám. Ngày 23-12-1949, chúng mới cho ăn uống bình thường, trả tù nhân về khám cũ với chiếc chiếu và một bộ quần áo xanh cộc, còn tất cả đồ dùng khác đều bị thu hết, nhiều nhất là sách học văn hóa của Khám 6.

Trong gần một tháng khủng bố, các lớp học phải ngừng lại hết. Hai mươi người mà chúng nghi là cầm đầu bị biệt giam ở xà lim Banh II, trong đó có nhiều người trong Ban chấp hành Liên đoàn và Ban chấp hành Khám 6.

Liên tiếp trong 3 ngày, tù đi làm khổ sai bị bọn gác dang đánh đập rất dữ và lập lại chế độ kiểm danh cúi đầu. Không kịp liên lạc được với Ban chấp hành Côn Đảo đang bị biệt giam ở xà lim Banh II, Trương Anh Tuấn đã nhân danh Đặc phái viên của Liên đoàn thảo chỉ thị Cương quyết chống cúi đầu. Khẩu hiệu hành động lúc đó là: “Tất cả hãy ngẩng đầu lên”.

Nguyễn Ngọc Sớm ở Nhà bếp vừa tìm cách liên hệ với lãnh đạo Liên đoàn ở biệt giam để trao đổi chủ trương chống khủng bố, vừa truyền đạt chỉ thị của Đặc phái viên Liên đoàn đến các cơ sở, phát động cuộc đấu tranh chống cúi đầu. Khám 6 bầu lại Ban chấp hành khu, thay cho những người vừa bị bắt. Ban chấp hành mới gồm những người có dũng khí đấu tranh. Nghị quyết đầu tiên của Ban chấp hành mới là kiên quyết chống cúi đầu. Ai cúi đầu sẽ bị kỷ luật khai trừ.

Khám 6 Banh I đi đầu trong cuộc đấu tranh chống cúi đầu. Hàng ngày đi làm, bọn gác ngục tập trung đánh tốp đi trước. Chiều về, chúng đánh tốp đi cuối, lúc chờ xếp hàng vào khám. Ban chấp hành mới đã bố trí những người có sức khoẻ, dũng cảm, chịu đòn đi đầu và đi cuối để giữ vững đội ngũ. Các anh Lê Trung Khá, Lê Ngọc Hương, Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Thành Phương, Vương Tự Kiên, Nguyễn Văn Hai… là lực lượng xung kích trong đợt chống cúi đầu, chịu đòn thay cho anh em.

Nguyễn Trí Tuệ cao hơn mọi người nửa cái đầu nên nhiều lần bị đánh trào máu. Nguyễn Thành Phương có bộ dạng dềnh dàng nên chúng ngứa mắt đánh luôn tay, có lần dính cú đá chỏ hiểm suýt chết. Các anh Thái Mập (Lê Văn Trình), Hồng Mùi (Tạ Văn Hồng) càng bị đánh càng lỳ ra. Những tên gác dang hung bạo nhất cũng phải bất lực trước những cái đầu không chịu cúi bạo giờ. Thái Mập, Hồng Mùi từng là đại diện, đứng đầu các cuộc đấu tranh ở Sở Củi, Sở Lưới, Chỉ Tồn, từng làm cho bọn gác ngục ngao ngán. Họa sĩ Nam Hải nhiều lần bị Sa den đánh gục xuống vẫn nhỏm dậy, ngẩng đầu hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Anh là người chuyên vẽ hình Bác Hồ trên các tờ báo của Liên đoàn và cung cấp hình Bác cho các khám trong những ngày lễ kỷ niệm.

Nửa thế kỷ sau, lớp tù nhân kháng chiến vẫn nhớ mãi hình ảnh hiên ngang của Lê Ngọc Hương trong cuộc đấu tranh chống cúi đầu năm ấy. Một buổi sáng, tù nhân Khám 6 điểm danh trong sân Banh 1 như thường lệ bỗng có tiếng hô dõng dạc của trật tự viên:

– Tất cả hãy đứng dậy! Nghiêm!

Tên Xếp chánh Rô nhông sửng sốt chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì Lê Ngọc Hương bước tới trước mặt Rô nhô ng, từ tốn nói:

– Thưa ông Xếp chánh, ông cho phép chúng tôi từ nay được chào ông bằng động tác đứng nghiêm như thế nàv. Như vậy có vẻ văn minh và lịch sự hơn là ngồi cúi đầu.

Mặt Rô nhông tái đi, nó vung roi cá đuối quật vào mặt anh liên hồi. Lê Ngọc Hương vẫn đứng nghiêm, đầu ngẩng cao, mặt không biến sắc. Rô nhông tiếp tục quật roi xuống đầu anh và gầm lên: “À cái đầu thằng này cứng”.

Lê Ngọc Hương điềm tĩnh trả lời: “Thưa ông cái đầu của chúng tôi có thể rơi khôi cổ nhưng từ nay không bao giờ cúi nữa!”.

Bọn gác ngục xông vào đánh anh té sấp xuống sân rồi lôi theo kíp tù ra nơi đập đá. Tên Saden đứng gác cổng Banh I, cầm dùi cui đập liên hồi vào đầu của kíp tù miệng gào lên “cúi đầu!… cúi đầu!”. Khi Lê Ngọc Hương đi qua, Saden vung dùi cui quật thẳng cánh lên đầu anh rồi ấn mạnh xuống, Hương quắc mắt, ném vào mặt tên sát nhân đểu cáng một cái nhìn nảy lửa và tuyên bố một câu bằng tiếng Pháp mà cả lớp tù kháng chiến không ai quên được:

– Chúng tao chưa nói lời cuối cùng đâu! (Nous nảvons pas encora dit notre demier mot!).

Lê Ngọc Hương, còn gọi là Hương Bà Điểm, nguyên là chủ tịch ủy ban nhân dân xã Bà Điểm quận Hóc Môn tỉnh Gia Định lúc mới giành chính quyền. Hương bị kết án tử hình rồi giảm án, là một trong những người có công xây dựng Liên đoàn tù nhân. Dũng khí đấu tranh và lời tuyên bố hùng hồn của Lê Ngọc Hương trở thành biểu tượng của người tù kháng chiến, trở thành bài học về nhân cách và khí tiết của người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù của thực dân Pháp. Phải đến hơn bốn năm sau, bọn chúa ngục mới hiểu dược “lời cuối cùng” mà Lê Ngọc Hương tuyên bố năm ấy.

Đầu năm 1950, các thành viên của Ban chấp hành Liên đoàn tù nhân Côn Đảo và Ban chấp hành Khám 6 (cũ) vẫn còn bị biệt giam ở xà lim. Khám 6 bị khủng bố và phong tỏa chặt chẽ. Việc liên lạc giữa các khu với cơ quan chỉ đạo hết sức khó khăn. Trong tình hình đó, các anh Nguyễn Văn Năm, Hoàng Phúc, Vũ Ngọc Toàn ở khám Chỉ Tồn đã trao đổi với đại diện tù nhân ở một số khám để thành lập Ban thường trực Hội đồng tù nhân Côn Đảo để chỉ đạo phong trào1. Ban thường trực đặt Văn phòng tại Khám 5 Chỉ Tồn. Các anh Đỗ Văn Đích, Lê Đăng Tam, Lê Ngân, Trần Quốc Phiên tham gia tích cực trong việc thông tin liên lạc, ấn loát, ra báo. Tờ báo Tiếng Tù vẫn ra tại Khám 5 trong những ngày khủng bố ác liệt. Anh Năm Mền (bí danh Thanh Mi) nhân danh Ban thường trực ra hiệu triệu kêu gọi toàn thể tù nhân vừng vàng trước đợt khủng bố, siết chặt đội ngũ, kiên quyết chống cúi đầu, đòi thả những người bị biệt giam ở xà lim, chống đánh đập vô lý.

Hưởng ứng chỉ thị của Đặc phái viên Liên đoàn và lời kêu gọi của Ban Thường trực Hội đồng tù nhân, nhiều khám đã nhất loạt chống cúi đầu. Tù nhân khu Nhà bếp, Sở tẩy tuyệt thực phản đối khủng bố. Tù nhân Khám 2 (thợ hồ) đã chống cúi đầu và chịu đòn cho đến khi cả khám bị đánh tả tơi, gục ngã. Trong ngày làm khổ sai đẫm máu ấy, anh Tám Đỏ (tù tư pháp) đã phẫn nộ đổ cả một Xô vôi lên đầu tên gác dang hung hãn Tômaxini (Thomacini). Chủ sở Rờsẹc bắt anh về tra tấn, kẹp điện quay đến đứt một tai làm anh bị điếc hẳn.

Sau ba ngày khủng bố ác liệt, hằng trăm tù nhân bị đổ máu, biếu dầu, tím mặt, bầm mình mẩy, nhưng không ai khuất phục. Bọn gác dang vẫn bắt điểm danh vẫn đánh đập nhưng lờ hẳn chuyện cúi đầu. Sự tàn bạo không khuất phục được khí phách người tù.

Ban thường trực chỉ đạo các khám nhượng bộ một bước, không ngẩng cao đầu để khiêu khích địch mà giữ tơ thế hiên ngang, mắt nhìn thẳng. Đòn roi bớt dần. Lê Ngọc Hương sau một tháng phạt xà lim, ăn cơm nhạt lại trở về Khám 6. Đó là trận tranh đấu quyết liệt của tù kháng chiến nhằm xóa bỏ hẳn lệ điểm danh cúi đầu. Họ là người chiến thắng.

Cuộc đấu tranh chống khủng bố vẫn tiếp tục diễn ra, khi thì riêng lẻ từng khám, có lúc bùng lên ở phạm vi toàn đảo. Ngày 31-1-1950, anh Nguyễn Văn Điều, số tù C.11802 bị gác ngục đánh chết tại Sở Củi. Báo cáo nguyệt kỳ của La phốt (số 250-P ngày 5-2-1950) đã xuyên tạc sự thật, vu cáo anh Điều vượt ngục và cải chính tội ác cho bọn gác ngục. Toàn thể tù nhân đã bỏ ăn một ngày để phản đối hành động giết người.

Hàng loạt cuộc đấu tranh chống khủng bố đã diễn ra trong năm ấy. Tháng 2 năm 1950, tù nhân kíp cắt cỏ đi làm về ngang sân vận động thì bị 2 tên Vidan và Tômaxim đánh đập tàn tệ vì không ai chào hỏi chúng. Đoàn tù vẫn tiếp tục đi về banh, không tránh đòn mà cung chẳng ai thèm chào. Hai tên gác dang nổi máu côn đồ đuổi đánh đến tận Banh II. Tù nhân kíp Lò Vôi ở chung trong Khám 4 đã hò la phản đối đánh đập vô cớ. Hai tên này Xông vào đánh cả khám một trận nữa. Tên Bê quy (Bé cu) gác Banh II cũng nhảy vào phụ họa đánh đập anh em cho đến lúc Giám đốc La phốt và Giám thị trưởng Rô nhông đến. Mười tù nhân bị thương nặng, lủng đầu, toạc da thịt đã kéo ra tố cáo ba tên gác ngục khát máu. Giám đốc không can thiệp. Giám thị trưởng xoa dịu mấy câu rồi bỏ đi.

Phẫn nộ trước hành động dã man của bọn gác ngục và sự dung túng của bọn cầm đầu nhà tù, toàn thể tù nhân hai kíp Cắt Cỏ và Lò Vôi đã biểu quyết tán thành một cuộc đấu tranh bằng hình thức bãi công và tuyệt thực để phản đối đánh đập với khẩu hiệu:

– Đuỗi 2 tên Vidan và Tômaxim khỏi Côn Đáo

– Cảnh cáo tên Bê quy.

Khi ấy La phốt mới tỏ thái độ. Hắn đưa một tiểu đội lính da đen chĩa súng bao vây vòng ngoài, rồi cho 15 giám thị Pháp Xông vào đánh cả khám tù một trận tơi tả. Anh Nguyễn Trí Tuệ, Chủ tịch Ban chấp hành tù nhân kíp Lò Vôi và 8 người nữa bị chúng đánh bằng củ mây, báng súng vào bụng, vào ngực vào đầu gối và mắt cá chân cho đến khi chết ngất, rồi phạt xà lim, cho ăn cơm nhạt.

Tù nhân hai kíp Cắt Cỏ và Lò Vôi tiếp tục tuyệt thực, đình công, giữ vững yêu sách đấu tranh và phản đối hình phạt vô lý. Ngày thứ 3, bọn gác ngục đổ cả nước uống, nước tắm. Ban chấp hành tù nhân hai khu vận động viên anh em kiên trì tranh đấu. Liên đoàn tù nhân đã chỉ thị cho các sở tù khác, tuyệt thực và lãn công hưởng ứng. Nhiều sở tù đã gởi đơn phản đối việc đánh đập dã man.

Cuộc đấu tranh có chiều hướng phát triển thành một cuộc tổng đình công bãi thực toàn đảo. Laphôt buộc phải nhượng bộ. Hắn tuyên bố chấp nhận đuổi hai tên Vidan và Tômaxini về đất liền, hứa sẽ cấm gác ngục vô cớ đánh đập tù nhân. Đợt đấu tranh này do yêu sách quá cao (đuổi gác ngục khỏi Côn Đảo) nên hai kíp tù phải đổ khá nhiều xương máu. Nguyễn Trí Tuệ sau khi bị phạt xà lim, phải vào cấm cố tại Khám 6.

Lời hứa của bọn thống trị chỉ cốt xoa dịu dư luận, khi thấy không thể đàn áp được nữa. Thỉnh thoảng chúng lại khủng bố từng bộ phận tù nhân, giảm dần những điều đã nhân nhượng. Trong khi áp dụng hàng loạt các biện pháp cứng rắn, Laphốt cũng không quên những thủ đoạn lừa mị. Hắn nới bớt chế độ khắt khe cho Khám 6 cấm cố như tăng giờ ra chơi, kéo dài giờ ăn uống, tắm rửa.

Tù chính trị đã khéo lợi dụng tính thích oai quyền của Laphốt để giảm bớt tình hình căng thẳng. Mỗi lần Laphôt đến, trật tự viên Khám 6 lại hô “nghiêm” thật to và dài, tất cả tù nhân đứng dậy chào Giám đốc. Laphốt đáp lễ bằng cách giơ tay chào đúng nghi thức nhà binh, sau đó dạo vài vòng rồi đi, tỏ vẻ hài lòng. Hắn vẫn cho tù nhân Khám 6 đập đá lớn thành đá dăm trên bãi đá gần con đường đi lên sở Chuồng Bò. Mỗi ngày y còn cho 7 tù nhân Khám 6 lên Sở Ruộng hoặc Chuồng Bò kiếm rau về cải thiện.

Gácdang Lanhghê (Lainguet) coi kíp đập đá, người da đen, nghiêm khắc nhưng không độc ác. Y chỉ muốn làm tròn bổn phận một người gác tù, không đế cấp trên khiển trách vì một khuyết điểm nào đó mà ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của y. Y giao khoán cho cả kíp tù một khối lượng đá phải hoàn thành trong ngày, thường là ở mức không nặng lắm. Nhờ vậy, cuộc sống của Khám 6 có phần dễ chịu hơn, việc liên lạc giữa Ban chấp hành tù nhản Côn Đảo với các khu cùng dễ dàng hơn.

Trong một lần được phân công di lấy rau cải thiện, hai anh Nguyễn Văn Mẹo và anh Giàu đã bỏ trốn lên núi tìm cách vượt ngục, không báo gì cho Ban chấp hành biết để có cách đối phó. Chiều hôm Khám 6 bị cấm cố trở lại, mỗi ngày chúng cho ra tắm giặt một giờ nhưng bắt ăn cơm trong khám. Chúng đình chỉ luôn việc phát bưu kiện cho tù nhân Khám 6. Rônhông cho chuyển đá hộc vào sân sau Banh I, bắt tù nhân Khám 6 đập thành đá dăm. Toàn thể tù nhân Khám 6 đã nhất trí đấu tranh tuyệt thực, đòi nhà tù:

1. Phải sắp xếp địa điểm lao động ngoài bốn bức tường của banh.

2. Phải để cho tù nhân được đi lấy rau xanh.

3. Phải cho nhận bưu kiện của gia đình gửi ra, trả lại những bưu kiện mà nhà tù còn giữ.

Anh em bầu ngay Ban tranh đấu gồm các anh: Lê Trung Khá, Vương Tự Kiên và Hoàng Phúc. Ban trật tự gồm những người khoẻ mạnh, tập câu tay nhau chịu đòn để bảo vệ cấp lãnh đạo Liên đoàn và Ban chấp hành khu. Các anh em ốm yếu được chuyến chỗ nằm vào sâu trong góc khám. Anh Lê Trung Khá, Trương ban đấu tranh đưa bản yêu sách và tuyên bố đình công tuyệt thực.

Một giờ sau, Rônhông chỉ huy cuộc đàn áp tù nhân. Bọn gácdang kéo hàng một vào khám, mỗi đứa cầm một khúc mây dài, vụt thẳng cánh xuống đầu, xuống lưng tù. Anh em câu tay thành hàng rào che chắn, cắn răng chịu đòn, người khoẻ che đỡ cho người yếu.

Rút kinh nghiệm cuộc khủng bố trước, chúng bắt cởi quần áo, lần này anh em tự cởi quần áo chất đống ngay cửa khám để thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh.

Đánh tù khoảng nửa tiếng, chúng đổ nước trong khạp và sàn khám và còng chân hết lại. Để cổ vũ tinh thần chiến đấu của anh em, Ban xã hội cho châm lửa mồi 4 điếu thuốc phát cho 4 dây còng, chuyền tay nhau rít mỗi người một hơi và ôn lại trận chống khủng bố quyết liệt.

Ngày thứ 5 của cuộc đấu tranh, Rônhông vào giải quyết, đồng ý để Khám 6 không đập đá ở trong Banh I, cho tù nhân nghỉ ít ngày, chờ Giám đốc ở Sài Gòn về sẽ chỉ định chỗ làm việc. Đồng thời Rônhông trả các bưu kiện mà y còn chặn lại từ ngày xảy ra vụ trốn của 2 anh Giàu và Mẹo.

Tuần lễ sau, Laphôt tù Sài Gòn về, quyết định cho Khám 6 được đi làm đường ở Bến Đầm. Sáng có xe tải chở qua Đầm, trưa ăn cơm tại chỗ và chiều đưa về Banh I. Laphôt nhiều lần tự lái xe con, qua gặp anh em. Mỗi lần hắn xuống xe, họ vẫn giữ nghi thức cũ chào y bằng cách hô to lệnh: nghiêm!

Trong thời gian lao động ở Bến Đầm, Khám 6 tận dụng hết cả khả năng để cải thiện, mỗi ngày chặt hàng chục cổ hũ dừa để nấu ăn và tiếp tế cho các khám. Hôm nào bữa ăn cũng có cá, hào, ốc tai tượng và hải sản khác. Ta cũng tranh thủ Lanhghê, thường nói chuyện tình cảm với y, và không quên mỗi ngày gửi cho gia đình y bó củi, vài trái dừa hoặc mớ ốc.

Thái độ của Laphôt có chiều hướng ôn hòa hơn trước. Y muốn giữ một trạng thái yên ổn cho nhà tù, nhất là khi sắp mãn nhiệm Côn Đảo. Y cũng biết rằng đối với những người đã không sợ mọi hình phạt, kể cả cái chết thì không dễ gì khuất phục.

Đảng bộ Nhà tù Côn Đảo

Tính đến ngày 31-1-1950, Côn Đảo có 1.392 tù nhân, trong đó có 95 người Khơme, 9 người Lào, 66 người Hoa, 3 người Xiêm (Thái Lan) và 72 tù binh Nhật, trong đó, 1.157 tù nhân người Việt được phân chia theo các địa phương như sau: 751 người ở miền Nam, 233 ở miền Bắc, 161 ở miền Trung và 2 ở miền Thượng (dân tộc thiểu số). Những tù nhân quê miền Trung bị bắt trong các cuộc hành quân, bị đưa thẳng vào Khám Lớn –

Chí Hòa rồi đưa ra Côn Đảo. Số tù nhân quê miền Bắc, trừ 22 chiến sĩ Đại đội Ký Con bị bắt trong trận đánh đảo Cô Tô (vịnh Bắc Bộ), còn lại hầu hết là những người đã tham gia chiến đấu và bị bắt ở mặt trận Sài Gòn – Chợ Lớn và Gia Định rồi đày ra Côn Đảo, sau khi trải qua một thời gian bị giam ở Khám Lớn – Chí Hòa.

Trong số 1.392 tù nhân lúc đó chỉ có chưa tới hai chục đảng viên, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (gần 2%). Số đảng viên ít ỏi ấy là hạt nhân đoàn kết góp phần tích cực trong các hoạt động của tù nhân, gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh, trong vai trò người lãnh đạo, xây dựng tổ chức Liên đoàn tù nhân…

Theo mô hình tổ chức ở Khám Lớn – Chí Hòa, một số đảng viên ra Côn Đảo đã liên hệ nhau, hình thành nhóm nghiên cứu mácxít để truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin và lãnh đạo tù nhân ở các cơ sở. Từ năm 1948 – 1949, các anh Nguyễn Văn Năm (Năm Mên), Trần Minh, Nguyễn Văn Giỏi, Hai Nhị (ở Bản Chế), Nghĩa “Cơm cháy” ở Sở Củi, Trương Anh Tuấn ở Chỉ Tồn, Nguyễn Đình Thâu (khi giảm án tử hình về Khám 6)… là những thành viên của nhóm nghiên cứu mácxít ở Côn Đảo.

Bên cạnh đó còn nhiều người chưa phải là đảng viên nhưng có trình độ và uy tín cũng đã tham gia truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin cho các bạn tù gần gũi. Nhóm thanh niên trí thức ở Khám 6 Banh I do Lê Trung Khá,

Vũ Đắc Bằng và một số người có trình độ đã tổ chức dịch một số cuốn sách như Cộng sản sơ giải. Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin, Làm gì?, Ba mươi năm chính quyền Xô viết. Sách dịch xong được chép hoặc in thành nhiều bản để góp phần phổ biến lý luận Mác-Lênin. Với ý nghĩa đó, anh em trong nhóm đã hào hứng đặt tên cho công việc của mình là Nhà xuất bản Hồng Quang.

Dù là đảng viên hay chỉ mới giác ngộ, những người tù kháng chiến vẫn tràn dầy niềm tin vào cuộc kháng chiến của nhân dân ta do Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Họ đã sống, chiến đấu như những người cộng sản. Chống khủng bố, vạch trần tội ác của bọn thực dân xâm lược, đề cao chính nghĩa của cuộc kháng chiến, tổ chức và đấu tranh cùng hàng loạt hoạt động phong phú, sôi nổi trong những ngày thành lập Liên đoàn tù nhân là bằng chứng về sự giác ngộ và trưởng thành của lớp tù nhân kháng chiến.

Bước phát triển trong hoạt động và tranh đấu của tù nhân đòi hỏi trình độ tổ chức và lãnh đạo ngày càng cao hơn, đủ sức ứng phó với những thủ đoạn ngày càng xảo quyệt của kẻ thù. Nhu cầu bức thiết ấy cùng với những biến Cố chính trị trong năm 1950 đã dẫn đến sự ra đời Đảng bộ Côn Đảo, bộ tham mưu chiến đấu của tù nhân Côn Đảo.

Ngày 5-3-1950, những đảng viên trong chuyến lưu đày từ Khám Lớn – Chí Hòa ra Côn Đảo đã hình thành nhóm nghiên cứu mácxít do Trần Chính Quyền phụ trách. Hai tháng sau, thực dân Pháp đày 50 tù nhân ở các nhà lao miền Trung ra Côn Đảo. Giám đốc Laphốt không phân tán tù nhân về các sở tù mà giam riêng chuyến tù này vào Khám 6 Banh II, phiên chế thành một kíp lao động khổ sai đập đá ở dưới chân Núi Chúa. Đoàn tù nhân miền Trung đã làm đơn xin gia nhập Liên đoàn tù nhân và đặt phiên hiệu là khu Trần Phú.

Đoàn tù miền Trung đã thành lập chi bộ đảng từ nhà lao Huế, gồm 11 đảng viên, lấy tên là Chi bộ Nguyễn Chí Diểu, do Lê Trọng Bộ tức Lê Doãn Thiết là bí thư, chi ủy có Lê Quang Thuyết, Lê Nam Kim, Hồ Duy Khoảng, Võ Dự, Lê Trọng Bộ. Chi bộ Nguyễn Chí Diểu đã liên hệ với các đồng chí Nguyễn Đình Thâu và Nguyễn Văn Năm, tha thiết đề nghị các nhóm mácxít sớm thống nhất quan điểm, tiến tới thành lập Đảng bộ nhà tù Côn Đảo. Cuối tháng 5-1950, Ban củ tập đã được hình thành gồm đại diện các chi bộ và nhóm nghiên cứu mácxít, làm nhiệm vụ tập hợp, soát xét lại tư cách của các đảng viên cũ, chuẩn bị thành lập Đảng bộ, Lê Trọng Bộ là Trương ban củ tập.

Ngày 24-6-1950, đoàn tù án chính trị đầu tiên ở nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội) gồm 54 người dặt chân lên Côn Đảo. Đoàn tù Hà Nội đã lập chi bộ đảng từ Hỏa Lò, do Lê Đình Cầu làm bí thư, chi ủy có Trần Khắc Du tức Nguyễn Ngọc Cảnh, Doãn Chiêm (Minh Kính). Hai đại biểu của chi bộ Hỏa Lò được bổ sung vào Ban củ tập. Trần Khắc Du được bố trí ra nhà thương với bệnh án kiết lỵ, để làm nhiệm vụ thường trực Ban củ tập. Trần Minh (Minh ốm) y tá tại nhà thương đảm nhiệm đầu mối liên lạc cho thường trực Ban củ tập.

Các đoàn tù ở đất liền liên tiếp bị đày ra Côn Đảo đầu năm 1950 đã bố sung những kinh nghiệm tổ chức và hoạt động ở các nhà lao cho Côn Đảo, góp phần làm biến chuyển về chất lượng lãnh đạo và tố chức tù nhân. Việc củ tập đảng viên, thành lập đảng bộ được khẩn trương triển khai. Hơn 30 đảng viên đã được công nhận trong tháng 7-1950.

Đảng viên được củ tập với điều kiện là khi bắt phải giữ được khí tiết, không đầu hàng khuất phục; vào tù phải có ý thức tổ chức, gương mẫu, có tinh thần chiến đấu, được tập thể tù nhân tín nhiệm và được tập hợp từ cơ sở. Mỗi đảng viên phải được 2 đảng viên khác biết và giới thiệu. Trường hợp không có ai giới thiệu thì phải tự khai báo. Nhưng dù có người giới thiệu, bảo đảm hay chỉ là tư khai báo thì nguyên tắc cao nhất để công nhận đảng viên là phải qua thực tiễn đấu tranh trong tù, thể hiện được phẩm chất đảng viên, được tập thể trong tù công nhận. Cơ sở đảng trong các đoàn tù, các sở tù giới thiệu và nhận xét đảng viên, sau đó gửi danh sách để Ban củ tập xem xét và làm quyết định công nhận đảng viên.

Tháng 8-1950, các cơ sở tiến hành Đại hội thành lập Đảng bộ nhà tù Côn Đảo. Bộ phận thường trực ở nhà thương soạn dự thảo nghị quyết chi bộ, lấy ý kiến các đồng chí trong Ban củ tập, tổng hợp lại rồi gửi đến các chi bộ tham gia ý kiến. Bộ phận thường trực tập hợp ý kiến, bổ sung thành Án nghị quyết của Đảng bộ.

Kế thừa kinh nghiệm của Chi bộ đặc biệt ở nhà tù Côn Đảo trước đây và kinh nghiệm hoạt động ở nhiều nhà tù khác, Đại hội đã xác định nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ là lãnh đạo đấu tranh đòi cải thiện đời sồng tù nhân và biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Đại hội uốn nắn tư tưởng của một số đảng viên trước đây, quá say sưa với chủ trương “tự giải phóng” chỉ tìm cách vượt ngục mà xem nhẹ việc xây dựng tổ chức, lãnh đạo đấu tranh trong tù.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành (gọi là Hội ủy để giữ bí mật) gồm 7 người do Lê Trọng Bộ làm bí thư; Nguyễn Đình Thâu là phó bí thư phụ trách tuyên huấn; Trần Khắc Du phụ trách dân vận; các anh Nguyễn Văn Năm, Trần Chính Quyền, Lê Quang Thuyết, Nguyễn Văn Thương là ủy viên phụ trách các cơ sở.

Đảng bộ đánh giá cao tinh thần chiến đấu và ý thức kỷ luật của những người tù kháng chiến cùng với sự trưởng thành của Liên đoàn tù nhân. Từ nay, Liên đoàn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, giống như một đoàn thể rộng rãi nhất, vừa như là một hình thức chính quyền dân chủ và trực tiếp của tù nhân. Đảng bộ chỉ đạo cải tổ một số điểm trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của Liên đoàn. Ban tư pháp được thay bằng Hội đồng kỷ luật. Các hình thức kỷ luật mang tính chất nhục hình, cực đoan được bãi bỏ, thay vào đó là các biện pháp thuyết phục và giáo dục. Đại hội quyết định bồi dưỡng và kết nạp những cán bộ ưu tú của Liên đoàn tù nhân vào Lớp đảng viên tháng Tám (1950).

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ, từ ngày 19-8- 1950, các cơ SỞ đã tổ chức kết nạp một loạt đảng viên mới – Lớp đảng viên tháng Tám. Những người được kết nạp trong đợt này đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh ở Côn Đảo, đã giác ngộ về chú nghĩa cộng sản, chứng tỏ lòng trung thành với Đảng và đều phải được 2 đảng viên giới thiệu.

Lớp đảng viên tháng Tám hầu hết là những người hoạt động tích cực trong Liên đoàn tù nhân Côn Đảo ở các cấp, trong đó các anh: Trịnh Xuân Hà, Nguyễn Văn Thìn, Nguyễn Văn Khang, Vũ Ngọc Toàn, Đặng Nguyên, Lê Ngọc Hương, Lê Tấn Vinh, Ngô Đăng Đức, Trần Văn Đĩnh, Lâm Thái Côn, Trần Văn Hai, Lê Thúc Bính, Nguyễn Văn Trường, Trần Văn Bảy, Lê Hoàng Yến, Võ Tuyền… Các anh Phạm Xuân Thụ, Nguyễn Duy, Đinh Văn Dần, Vũ Ngọc Chung, Lê Đăng Tam không đủ điều kiện trong đợt củ tập tháng 7-1950 cũng được kết nạp lại và công nhận chính thức trong dịp này.

Trong tháng 9 và tháng 10-1950, Đảng bộ tiếp tục kết nạp thêm một số cán bộ có thành tích trong Ban chấp hành Liên đoàn tù nhân ở các khu, trong đó có Tạ Văn Hồng, Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Văn Tùng, Trần Việt Xuân… Lớp đảng viên mới vừa góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, vừa trực tiếp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Liên đoàn tù nhân.

Đầu mối liên lạc và ấn loát của Đảng bộ ở Nhà Thương do Nguyễn Văn Khang và Trần Minh đảm nhiệm. Văn phòng của Bí thư Đảng bộ đặt tại Khám 6 Banh II, Võ Nguyên, Nguyễn Đức Triêm, Võ Bằng, Hò, Hội, vừa làm công tác ấn loát, giao liên và bảo vệ. Nguyễn Văn Giỏi và Huy Nghĩa đặc trách đường dây liên lạc của Đảng bộ giữa Banh I với Banh II và các sở.

Lê Quang Thuyết được Đảng ủy giao nhiệm vụ soạn thảo đề án hoạt động và tranh đấu của Đảng bộ. Lê Trọng Bộ và Trần Khắc Du đã biên soạn nhiều tài liệu phục vụ công tác giáo dục tư tưởng và đường lối của Đảng cho đảng viên và quần chúng như: Tiểu sử Hồ Chủ tịch, Thư của Hồ Chủ tịch gửi các đồng chí Trung bộ, Sửa đổi lề lối làm việc, Cách mạng dân chủ mới, Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.

Vào thời điểm đó, tù nhân Sở Củi và Lò Vôi vẫn bị đánh đập nhiều. Ban chấp hành tù nhân khu Sở Củi đã chuẩn bị phương án đấu tranh và đề nghị Liên đoàn phát động các khu hỗ trợ. Đảng ủy đề xuất cuộc đấu tranh toàn đảo bằng hình thức đình công tuyệt thực đòi các yêu sách chính:

– Nhà tù phải nhìn nhận tổng đại diện của tù nhân.

– Giảm nhẹ các mức khổ sai, hạ mức củi.

– Bãi bỏ chế độ hành hạ đánh đập tù nhân.

– Tù nhân đi làm khổ sai không phải đeo xiềng.

– Đảm bảo khẩu phần ăn đúng quy chế, bỏ khô mục, gạo sạn, tuần có 2 bữa thịt.

– Tù nhân đau ốm được khám bệnh và điều trị.

– Được nhận thư từ, bưu kiện, báo chí sách vở và tự do học tập.

– Khám cấm cố được ra sân chơi ngày 2 buổi, sáng và chiều, mỗi buổi 2 giờ.

Giữa lúc đó, qua gácdang Béctơram, tù nhân biết các báo Sài Gòn đều đưa tin về thất bại của thực dân Pháp ở mặt trận Biên giới với những hàng tít lớn:

– Thất Khê lọt vào tay Việt Minh.

– Lepage – Charton bị bắt làm tù binh.

– Việt Minh làm chủ đường số 4.

Tù nhân hết sức phấn khởi lao vào cuộc tranh đấu. Họ dự cảm về cuộc tổng phản công quét sạch thực dân Pháp ra khỏi đất nước không còn xa nữa. Tin tức về các cuộc đấu tranh thắng lợi của tù nhân ở Chí Hòa củng góp phần cổ vũ họ.

Theo sự chỉ đạo chung, tù nhân các khu Sở Củi, Chỉ Tồn và các Sở khổ sai tuyệt thực mở màn. Ngày hôm sau, kíp tù áo trắng và nhiều khám khác tuyên bố tuyệt thực đình công. Khám 1 (áo trắng) và Khám 6 (cấm cố) đập bể khạp nước, tuyệt ẩm luôn, đồng thời cởi hết quần áo, chất đống ngoài cửa, sẵn sàng chịu trận. Khí thế cuộc đấu tranh lên rất cao.

Ngày thứ 3 thì khí thế chững lại. Nhóm Mười Võ Sĩ ở Sở Củi và một số tù tư pháp ở các khám nhảy ra ăn. Mười Võ Sĩ trước đã tham gia Ban chấp hành tù nhân khu Sở Lưới, sau vụ âm mưu cướp tàu Nicôlô không thành, bị đưa về cấm cố ở Khám 7 rồi làm khổ sai ở Sở Củi. Giống như phần đông số tù tư pháp, Mười Võ Sĩ chưa quen rèn luyện và chịu đựng những hình thức đấu tranh ở mức cao như tuyệt thực. Sau này, y ngả về phe Liên xã, đối lập với Liên đoàn.

Mặc dù không đánh đập khủng bố như trước, Laphôt dứt khoát không chấp nhận tổng đại diện. Hắn chỉ ra lệnh cho Giám thị trưởng Rônhông mời một đại diện tù nhân ra Văn phòng thương lượng. Anh Thái Mập tức Lê Văn Trình, số tù c. 11746 là Chủ tịch ủy ban tranh đấu được cử ra thay mặt cho toàn thể tù nhân. Rônhông yêu cầu tù nhân chấm dứt tuyệt thực, đi lao động bình thường. Hắn hứa sẽ nghiên cứu giải quyết các yêu sách, trừ việc nhận tổng đại diện.

Cuộc tuyệt thực kết thúc sau buổi thương lượng. Cả hai phía đều có sự nhân nhượng. Nhà tù bớt đánh đập, chế độ ăn uống được cải thiện khá hơn. Một thời gian sau chúng mới bỏ hẳn kiểu phạt xiềng. Sở Củi được hạ bớt mức khổ sai và ít bị đòn roi. Việc sinh hoạt và học tập của tù nhân được dễ dàng hơn trước.

Trong dịp kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến năm ấy, tù nhân Sở Củi biên soạn và dàn dựng vơ ca kịch Ngọn đuốc Bác Hồ, trình diễn tại sân củi trưa 19- 12-1950, có kíp tù làm đường cạnh đó đến xem. Mở đầu vở kịch là cảnh giữa đêm tối, mọi người mò mẫm đi, không tìm ra đường lối và vấp ngã. Cảnh 2 xuất hiện ngọn đuốc, tượng trưng cho tư tưởng cách mạng của Bác Hồ. Nhờ ánh đuốc soi đường mở lối, mọi người đã đứng dậy nô nức đi theo. Cảnh 3 là tất cả vây quanh ngọn đuốc, kết thành hình ngôi sao 5 cánh, tượng trưng cho sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam xung quanh Đảng – Bác. Nhiều thầy chú cai quản hai kíp tù cũng xem và tỏ ra xúc động.

Trong dịp ấy, tù nhân Sở Củi và Sở rẫy An Hải đã tranh thủ sự ủng hộ của các thầy chú bằng cách bán đấu giá một chiếc áo len để lấy tiền ủng hộ tù nhân khám tử hình và cấm cố. Ban chấp hành tù nhân thu được gần một ngàn đồng (tiền Đông Dương) cho quĩ xã hội của Liên đoàn.

Gần Tết âm lịch 1951, Laphốt mới cho trả lại một số sách báo, tư trang mà bọn gác ngục tịch thu trước đó. Hắn cũng cho trả các bưu kiện mà nhà tù còn giữ lại. Đại diện của tù nhân đã đưa yêu sách đòi tổ chức vui chơi trong ngày tết; các khám được thăm nhau theo phong tục cổ truyền. Được Giám đốc nhà tù đồng ý, Ban kịch Khám 6 đã qua Khám 5 (Chỉ Tồn) trình diễn vở kịch Hội nghị Diên Hồng do Vũ Đắc Bằng biên soạn. Gácdang, thầy chú trực phiên hôm đó đứng ở cửa Khám 5 ngó xem.

Tết ấy, các khám đều lập bàn thờ Tổ quốc, có cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ. Có khám làm cả bản đồ Tổ quốc Việt Nam bằng bông gòn dán trên giấy rồi phun thuốc đỏ, vị trí thủ đô Hà Nội được điểm một ngôi sao vàng. Laphôt đến thăm Khám 6 cấm cố, tỏ thái độ trân trọng và trang nghiêm trước bàn thờ Tổ quốc Việt Nam. Đó là cử chỉ mị dân cuối cùng của chúa đảo Laphốt, trong khi hắn đã chuẩn bị một âm mưu mới thâm độc hơn và tàn ác đối với tù nhân kháng chiến.

Nguồn: Lịch sử nhà tù Côn Đảo 1862 – 1975

Xem thêm:

Rate this post

Để lại một bình luận