Bồn bồn – Đặc sản Cà Mau

Không biết cây bồn bồn có mặt trên vùng đất này tự bao giờ mà hình ảnh của nó đã gắn sâu vào đời sống của người dân vùng cực Nam của Tổ quốc. Cũng như tiếng ru em, tiếng chày giã gạo, hình ảnh cây bồn bồn, bông bồn bồn rụng trắng đã len nhẹ vào lòng người một cách âm thầm nhưng rất mãnh liệt.

“Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng

Thương em một đời dãi nắng, dầm mưa”.

Câu ca trong bài “Nhớ Đầm Dơi” của nhạc sĩ Hoàng Bửu đã làm cho biết bao nhiêu người gợi nhớ quê hương.

Cho đến hôm nay những người sinh ra và lớn lên trên vùng đất Cà Mau trước những năm đầu giải phóng chắc không ai không biết đến cây bồn bồn. Thời ấy, trên đồng đất này nơi đâu cũng có cây bồn bồn. Đến mùa nước nổi, cây bồn bồn mọc lên dày đặc trên những cánh đồng. Thế là nông dân phải phát bỏ để cấy lúa. Thời khai thiên lập địa, người ta chỉ biết đến cây bồn bồn như một thứ rau đồng. Trong những năm chiến tranh ác liệt khi mà hàng vạn người phải thiếu áo, đói cơm, sống nơi bưng biền hay rừng sâu để đánh giặc, lúc đó cây bồn bồn là nguồn thực phẩm quan trọng trong cuộc sống. Chỉ cần một mớ bồn bồn tươi và vài con cá rô đồng đủ để nấu nồi canh là có thể sống đắp đổi được qua ngày. Trong những ngày đám giỗ, người dân vùng nông thôn Cà Mau thường đi nhổ bồn bồn về chế biến nhiều món ăn để cúng ông bà.

Những cánh đồng bồn bồn bạt ngàn ngày xưa ở Thanh Tùng, Tân Duyệt (Đầm Dơi) hay ven theo bìa rừng U Minh còn là vùng “căn cứ” chở che cho cách mạng. Thời kháng chiến, sự sống và cái chết chỉ gần nhau trong gang tấc. Thế mà mỗi lần bộ đội về làng các mẹ, các chị thức thâu đêm bơi xuồng đi nhổ bồn bồn về nấu canh cho các anh ăn đi đánh giặc.

Năm nào cũng vậy. Cứ mùa khô về là cây bồn bồn bắt đầu khô lá. Đây cũng là lúc con người đến cắt lá bồn bồn về chằm lại để lợp nhà, còn trẻ em thì lấy những cây rọi – bông bồn bồn – đã khô cứng về đốt lửa, vui đùa dưới đêm trăng.

Bồn bồn xào tôm

Ngoài việc dùng để ăn sống, nấu canh, bồn bồn còn dùng để làm dưa. Bồn bồn nhổ về, người ta lột bỏ bẹ già, lấy phần thân non rồi dùng sợi chỉ chẻ đôi cho vào một cái hủ và được đậy kỹ bằng lá chuối tươi. Sau đó, lấy nước cơm vo đã cho lên men chua đổ vào. Bằng cách làm này chỉ khoảng vài ba ngày là dưa bồn bồn có thể đem ra ăn được. Ngày nay, dưa bồn bồn đã nổi tiếng và trở thành đặc sản của Cà Mau. Từ dưa bồn bồn, người ta có thể chế biến được nhiều món ăn ngon miệng khác như dưa bồn bồn xào tép, xào vọp, dưa bồn bồn chấm ba khía, thịt kho tàu hay cá rô kho tộ…Nếu trước đây bồn bồn chỉ là món ăn dân dã của người nghèo, sống ở vùng nông thôn thì ngày nay bồn bồn trở thành món ăn cao cấp tại các nhà hàng, quán ăn của giới thượng lưu.

Sau giải phóng, trước áp lực gia tăng dân số, đất đai bị thu hẹp, cây bồn bồn dần dần bị con người khai thác đến mức cạn kiệt. Những cánh đồng bồn bồn bạt ngàn trước đây không còn nữa. Có lúc, trên cả vùng đất Cà Mau chỉ có vài nơi trên vùng rừng U Minh còn sót lại bóng dáng cây bồn bồn. Trong những năm gần đây, giá một số mặt hàng nông sản giảm mạnh thì cây bồn bồn được lên ngôi. Bồn bồn tươi, bồn bồn làm dưa ngày càng hiếm và trở nên có giá. Ngoài vùng ngọt miệt U Minh, Trần Văn Thời, nhiều hộ dân sinh sống ven theo tuyến quốc lộ 1A, thuộc ấp Đông Hưng, ấp Láng Tượng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cố giữ ngọt để trồng bồn bồn, nuôi cá và các loại rau màu khác. Sản phẩm làm ra, bà con nông dân dọn ra ven đường để bày bán cho du khách gần xa mua về ăn hoặc làm quà tặng cho người thân. Cứ thế, vào mùa thu hoạch, dọc 2 bên đường này bỗng chốc đã trở thành nơi cung cấp, mua bán các sản phẩm từ cây bồn bồn.

Có thể nói, cây bồn bồn là hình ảnh đặc trưng của đồng đất Cà Mau. Từ lâu hình ảnh của nó đã đi vào trong thơ ca trên vùng sông nước Nam Bộ. Ngày nay, khi nhìn thấy các sản phẩm từ cây bồn bồn được bày bán ở các chợ là như càng nhói đau vào tim gan của những người xa nhà, xa quê. Hình ảnh đó, như gợi lại kỷ niệm tuổi thơ của những người đã từng sinh ra và lớn lên trên vùng đất này./.

Diễm Phương
https://www.camau.gov.vn

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời