Bình yên phố cổ Côn Sơn

Dù được đưa vào khai thác du lịch từ nhiều năm nay nhưng Côn Đảo vẫn giữ được những nét hoang sơ và bình yên của một hòn đảo tự nhiên. Ngoài hệ thống nhà tù, danh lam thắng cảnh, Côn Đảo còn hấp dẫn du khách bởi nét đẹp cổ kính của hơn 50 công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp. Để gìn giữ được các công trình này đó là sự nỗ lực chung tay của chính quyền và người dân địa phương.

Nhiều công trình kiến trúc cổ được bảo tồn nguyên vẹn nhưng đã thay đổi công năng. Đó là di tích nhà Công quán; là di tích Sở Cò; đó là những ngôi biệt thự cổ có tuổi đời hàng trăm năm, nay đã trở thành địa điểm phục vụ khách du lịch nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ xưa. Tòa Hành chánh trước đây nay là văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo. Biệt thự giám thị Pháp, nay là khách sạn Sài Gòn Côn Đảo. Dinh tỉnh trưởng Côn Sơn là một trong những điểm tham quan thu hút du khách đến để tìm hiểu về lịch sử Côn Đảo.

Lối vào trại Phú Hải Côn Đảo

Ấn tượng nhất vẫn là dãy phố trên đường Lê Duẩn chỉ dài khoảng tầm 500m, hai bên là những ngôi nhà cổ với kiến trúc Pháp. Bố cục của các ngôi nhà ở phố Lê Duẩn chủ yếu là hình chữ nhật, hành lang rộng chạy quanh, được tạo hình với các đường cong hình cung. Nhà được xây 1-2 tầng, với mái dốc, lợp ngói tạo sự mát mẻ. Ông Đoàn Hữu Minh, chủ nhân của một ngôi nhà trên đường Lê Duẩn cho biết, năm 1975 gia đình ông từ Cần Thơ đến Côn Đảo sinh sống, lập nghiệp. Ông được huyện bố trí nhà ở tại phố này. Sau nhiều năm sinh sống trong ngôi nhà 87m2 này, công trình đã xuống cấp phần nào nhưng theo chủ trương của huyện chỉ được sửa chữa, nâng cấp bên trong nhưng toàn bộ kiến trúc bên ngoài của ngôi nhà vẫn phải giữ nguyên bản.

Theo lời ông Minh thì dãy nhà trên đường Lê Duẩn trước đây được Pháp xây dựng để làm nơi phân phối hàng hóa, thực phẩm cho binh lính. Sau khi Côn Đảo giải phóng, những ngôi nhà này được giữ nguyên vẹn để phân chia làm nơi ở cho những người dân từ nơi khác đến Côn Đảo sinh sống, hoặc những người từng chiến đấu ở Côn Đảo rồi tình nguyện ở lại cống hiến cho Côn Đảo.

Theo bà Phạm Thị Tám, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo, sau năm 1975, ngoài hệ thống nhà tù, trung tâm huyện còn khoảng 50 ngôi nhà cổ theo kiến trúc Pháp, đó là dấu ấn của một đô thị thời Pháp thuộc. Tất cả đã được các nhà kiến trúc và quy hoạch thực dân kiến tạo một cách hoàn hảo. Những con đường với 2 hàng cây, khu phố cổ, hệ thống nhà ở của các chức sắc, những dãy nhà trệt nền cao, với bậc thềm duyên dáng và dãy hành lang phía trước, mái ngói dốc, mang vẻ đẹp tinh tế của kiến trúc Pháp. Thời kỳ này, kiến trúc Pháp chủ yếu áp dụng cho những ngôi nhà để ở hoặc nơi làm việc của các sĩ quan, binh lính Pháp. Song với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ở Việt Nam, người Pháp đã bắt buộc phải nghĩ ra cách để khắc phục. Theo đó, các hành lang thường được xây dựng khá rộng để chắn nắng, hút gió và tạo không khí mát mẻ. Mặc dù các công trình nhà ở, kiến trúc này có tuổi đời hàng trăm năm nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn. Bởi để gìn giữ các giá trị lịch sử, nhiều năm qua huyện Côn Đảo đã nỗ lực bảo tồn các công trình kiến trúc cổ trên cơ sở bảo tồn, giữ nguyên bản phía ngoài; yêu cầu các hộ dân sống trong các dãy nhà cổ không được phá vỡ kiến trúc bên ngoài của dãy nhà mà chỉ được nâng cấp, sữa chữa bên trong để phù hợp với điều kiện sống mới.

“Cách làm này cũng giống như phố cổ Hội An ở Quảng Nam, làng cổ Đường Lâm, Hà Nội… để tạo nét riêng cho Côn Đảo, phục vụ du lịch và bảo tồn di sản”, bà Tám nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời