Bãi Ông Đụng thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo – khu ramsar của thế giới; cách trung tâm đảo chừng 4km. Để xuống bãi phải đi qua rừng nguyên sinh của vườn quốc gia khoảng 700m.
Bãi Ông Đụng
Nhiều du khách đến tham quan Côn Đảo, thường ghé đến bãi Ông Đụng. Đây là một điểm đến với cảnh quan thoáng đãng, bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn, không khí trong lành… nằm ở phía Tây huyện Côn Đảo, thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo. Tên gọi bãi Ông Đụng được lưu truyền với câu chuyện bi thương, nhưng cũng rất kỳ thú.
Từ trung tâm huyện Côn Đảo, sau khi đến cầu Ma Thiên Lãnh, du khách xuống dốc đi bộ khoảng 45 phút là đến bãi Ông Đụng. Tại đây, một bên là dốc đá với các loài cây thân lớn xanh tốt như: sồi, lim, bàng biển, lát hoa… thỉnh thoảng có vài ba chú sóc đen quý hiếm đặc trưng ở Côn Đảo chạy đuổi bắt nhau trên cành cây rậm rạp; còn một bên là bãi biển có nhiều gộp đá nhô ra biển, tạo thành vùng nước quần cư của các loài hải sản.
Ai qua Đất Thắm, Bãi Bàng
Hỏi thăm Ông Đụng, vú nàng lớn chưa?
Xin nói luôn, vú nàng là tên loài ốc đặc sản ở Côn Đảo. Loài nhuyễn thể này chỉ một mặt vỏ, mặt còn lại bám vào các vách đá. Mấy lần ra Côn Đảo, tôi đã đi khắp các địa danh như bãi Đầm Trầu, hòn Bảy Cạnh, miếu Bà Phi Yến… nhưng bãi Ông Đụng thì chưa. Cứ như người đang mắc nợ Côn Đảo. Một Côn Đảo bình yên, thơ mộng và đẹp sững sờ.
Đường đi không sợ nắng vì luôn rợp bóng cây, lúc nào cũng ríu rít chim hót và thì thầm hoa lá. Đoạn thì đất nện, có đoạn trải xi măng, có đoạn tam cấp dốc đứng. Thi thoảng gặp các bảng hiệu nho nhỏ xinh xinh của vườn quốc gia, nhẹ nhàng thông tin và nhắc nhở về những nội quy của vườn. Khi áo đẫm mồ hôi là nghe tiếng sóng rì rào mời gọi. Bãi Ông Đụng trong ráng chiều mê hoặc và tĩnh lặng đến nao lòng.
Hiện nay, bãi Ông Đụng nằm trong tuyến tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn của Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Ở bãi Ông Đụng, rừng và núi như vòng tay ôm trọn biển hoang sơ. Bãi gần như không có cát và rất nhiều đá cuội. Nước lên, biển trong veo, tắm thoải mái. Có thể chèo thuyền kayak dạo chơi, câu cá, đeo ống thở và kính để ngắm san hô hoặc thám sát các vách đá, tìm cua, ốc… Khi nước xuống, bãi cạn mênh mông, nhìn hơi chán. Đừng vô tâm nản chí quay về, bởi đây là thời cơ khám phá. Chịu khó lội xuống bãi, sẽ có lắm bất ngờ kỳ thú.
Những điều kỳ thú tại Bãi Ông Đụng
Bãi Ông Đụng như một thủy cung trên cạn với vô số san hô, loài sinh vật biển độc đáo, đủ màu, đủ dáng. Không hoành tráng vì đa phần san hô non, từng “cây” (thật ra là con) riêng lẻ, nhiều loài mới nhú, nom xinh xắn và đẹp mắt như mấy con thú nhỏ. Thích nhất là được “nhìn tận tay, day tận mắt” chứ không phải qua kính lặn dưới nước. Nhiều loại trai tai tượng ngũ sắc, đang toe miệng cười. Nhìn kỹ, thấy mấp máy môi như đang muốn nói. Chúng đang hả miệng đón các vi sinh vật làm thức ăn hằng ngày, chứ nào biết nói năng gì. Nhìn rất đẹp và hấp dẫn nhưng chớ dại dột bỏ ngón tay vào miệng trai chọc ghẹo. Trai sẽ ngậm miệng, kẹp chặt ngón tay kẻ phá bĩnh, đau đến chừa.
Bãi Ông Đụng có nhiều cầu gai (còn gọi là nhum hay nhím biển) tua tủa gai nhọn, sẵn sàng trả giá cho ai vô tình giẫm đạp. Nhìn thật kỹ, thấy chúng đang dịch chuyển từng milimet. Có người còn quả quyết cầu gai cũng có mắt? Lâu nay chỉ được ăn cầu gai nướng mỡ hành hoặc ăn sống với mù tạt và chanh.
Cầu gai được thợ chuyên nghiệp lặn bắt, gai bị cắt sạch nên khó hình dung. Những con cầu gai đen tuyền, hàng trăm gai nhọn chỉa ra tứ phía như cảnh báo “chớ đụng vào” vì gai sẽ làm đối thủ đau đớn. Loài khỉ khoái ăn nhum, bị gai đâm là thét lên và té đái. Nước tiểu sẽ làm dịu cơn đau. Bí quyết này con người vô tình học được từ kỹ năng sinh tồn của loài khỉ. Cư dân đông đảo, hiền lành, dù bề ngoài có vẻ đáng sợ ở đây là sâm biển (hải sâm), có con nặng vài ký và dài chừng 3-4 tấc. Chúng đang thư giãn nằm nghỉ hoặc lừ đừ di chuyển như loài sâu khổng lồ nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng hiền khô, không làm hại ai bao giờ. Đây là họ nhà biển duy nhất có thể nâng niu, sờ mó, cầm lên để săm soi và chụp ảnh.
Trong các hốc đá nhỏ, có vô số loài cá bé xíu, mà nhanh cực kỳ, cứ thoát ẩn, thoát hiện trêu người. Có nhiều cua đá, nhưng toàn cua nhà trẻ, bé tẹo, tự nô đùa. Cua lớn đi “xuất khẩu lao động” trong các quán nhậu hết rồi. Tự dưng thấy tội nghiệp, hết thèm ăn cua đá. Bãi Ông Đụng một thời nổi danh đặc sản ốc vú nàng. Khách nào ra Côn Đảo cũng tìm ăn bằng được. Bị khai thác cạn kiệt, vú nàng không kịp lớn. Trên bàn ăn các nhà hàng chỉ còn loài vú nàng “mẫu giáo”, bằng cỡ đầu ngón tay cái, ăn nhạt thếch. Nguy cơ vú nàng tuyệt chủng hoàn toàn có thật. Ước tính trong vòng 20 năm qua, hàng chục loài ốc đặc hữu ở Việt Nam đã biến mất vì các bợm nhậu.
Bãi Ông Đụng chưa có dịch vụ lưu trú và ăn uống. Nếu muốn qua đêm phải liên hệ với bộ phận Du lịch của Vườn quốc gia Côn Đảo để được hướng dẫn. Tôi mê nhất là ngủ võng (kiểu võng của bộ đội thời kháng chiến) ven rừng và mé biển. Vừa nghe biển hát, vừa nghe rừng ca và đất đá độc thoại. Tôi mê lang thang giữa rừng trăng xào xạc, giữa biển vàng tĩnh lặng mênh mông khi triều xuống. Cùng biển và rừng đợi bình minh hay tiễn hoàng hôn đều là những thời khắc cực đẹp. Đã đến Côn Đảo, mà chưa ghé bãi Ông Đụng, sẽ là thiệt thòi không đáng có.
Vì sao có địa danh bãi biển Ông Đụng?
Các bậc cao niên ở Côn Đảo kể lại rằng: Ngày xưa, tại Giồng Nâu thuộc làng Hòa Nghị, Gò Công tỉnh Tiền Giang, có một ông thầy dạy võ. Ông có hai người con, cô con gái lớn tên là Hương, tục gọi là Nàng Hai, cậu con trai thứ tên là Ba Thọ. Tuy là phận gái, nhưng Nàng Hai có sức mạnh khác người. Phàm những cậu con trai nào buông lời ong bướm chọc ghẹo, cô sẽ dạy cho bài học nhớ đời. Vì vậy, những chàng trai cùng làng không ai dám nghĩ tới việc cưới nàng làm vợ.
Thuở ấy, làng Tân Duân Đông cạnh bên có ông bà bá hộ Sương, sanh được một trai gọi là Hai Đụng. Vốn ỷ cha mẹ có tiền dư của sẵn, nên cậu Hai Đụng tha hồ xài phá, mặc sức ăn chơi, chẳng hề biết tiếc đồng tiền do mồ hôi nước mắt của cha mẹ tạo thành sự nghiệp. Nhìn thấy đứa con hư, ông bà bá hộ Sương lấy làm lo ngại cho sản nghiệp của mình. Bởi cớ ấy, nên ông bà đã để tâm tìm một nàng dâu thiệt cao tay ấn, mong kiềm chế bớt sự ăn chơi phung phí vô độ của con trai mình. Lúc đó, trong xóm ngoài làng chỉ có Nàng Hai là đủ điều kiện mà ông bà bá hộ mong ước, nên hỏi cưới cho cậu Hai Đụng.
Sau khi cưới xong, Nàng Hai về làm dâu ít lâu thì ông bà bá hộ Sương lần lượt qua đời. Cậu Hai Đụng quen thói ăn chơi phung phí, đã từng được Nàng Hai dạy cho nhiều bài học đích đáng bằng võ lực. Vì thế, ngoài mặt cậu phải gượng vui với Nàng Hai để che mắt thiên hạ, chớ trong thâm tâm vẫn toan tính nếu có cơ hội thuận tiện sẽ giết vợ. Một hôm cậu Hai Đụng hái sẵn một trái dừa tươi và đem treo lên ngọn dừa bên bờ ao. Chờ đến khi Nàng Hai ra ngồi lặt rau, câu cá, cậu bèn giật dây cho trái dừa rơi trúng đầu vợ. Nàng Hai ngã lăn ra chết. Hàng xóm hay tin chạy tới thấy Hai Đụng ngồi khóc thảm thiết bên xác vợ. Mọi người không ai nghi ngờ điều gì.
Yên trí rằng Nàng Hai bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử, cậu Hai Đụng đã rảnh mối nợ, từ đó mặc tình sống cuộc đời phóng đãng “ngựa quen đường cũ”. Bởi thế, chẳng mấy lúc số tài sản lớn lao của ông bà bá hộ Sương để lại lần lượt về tay người khác. Bạn bè rượu thịt trước kia đều ngoảnh mặt quay lưng, cậu Hai Đụng trở thành kẻ trắng tay, rỗng túi không nơi nương tựa, ngày phải đi xin ăn, đêm phải ngủ đầu đường, xó chợ. Hận vì nỗi thói đời đen bạc, thương cho thân phận đói rách cô đơn, nhất là việc ám hại Nàng Hai, người vợ tuy thẳng tánh nhưng chịu thương chịu khó với công việc gia đình. Hai Đụng hối hận, nếu nàng không bị giết thì giờ đây cậu đâu đến nỗi này!
Lương tâm cắn rứt giày vò, khiến Hai Đụng sống vất vưởng như kẻ mất trí. Sự hối hận thúc đẩy cậu đến nộp mình tại cửa quan đầu thú đã ám hại vợ. Quan trên xét thấy đầy đủ chứng cứ, nên kết án Hai Đụng 10 năm tù về tội sát thê và đày ra Côn Đảo. Nơi đây, Hai Đụng quá hối hận và luôn tưởng nhớ đến Nàng Hai. Sống mãi trong cảnh sầu khổ như vậy, nên chẳng bao lâu Hai Đụng qua đời tại bãi biển. Từ đó, nơi đây được người dân trên đảo gọi là bãi Ông Đụng.
Tại bãi Ông Đụng có một loại ốc bám trên các tảng đá, kích thước lớn hơn quả bàng chút ít, tròn dẹt và nhô cao như ngực phụ nữ nên được người dân địa phương đặt tên là ốc “vú nàng”, một loại đặc sản ăn ngon nổi tiếng ở Côn Đảo. Không chỉ vậy, ở Côn Đảo vẫn lưu truyền câu ca dao:
“Ai qua Đất Thắm, Bãi Bàng.
Hỏi thăm Ông Đụng vú nàng lớn chưa?”