Bạch Dinh Vũng Tàu

Bạch Dinh được dùng làm nơi nghĩ dưỡng và hội họp cho toàn quyền Pháp ở Đông Dương và quan chức cấp cao của chính quyền Sài Gòn sau này. Đây cũng chính là nơi giam lỏng vua Thành Thái (từ 1909-1910), một vị vua có tư tưởng yêu nước, chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp.

Sơ lược về tòa Bạch Dinh Vũng Tàu

Được tọa lạc ở vị trí cao ráo cách mực nước biển gần 30m, từ tiền sảnh Bạch Dinh nhìn xuống, du khách sẽ có cảm giác như đang ở tầng lầu của một tòa cao ốc xây dựng trên mặt nước biển, có thể phóng tầm mắt bao quát cả trung tâm thành phố Vũng Tàu. Có hai lối lên Bạch Dinh: Một đường uốn quanh chạy dưới rừng cây giá tỵ dành cho xe hơi lên tới tiền sảnh. Một đường đi bộ qua 146 bậc tam cấp cổ xưa, kín đáo nằm giữa hai hàng sứ cao niên. Bạch Dinh với lối kiến trúc Châu Âu cuối thế kỷ 19, cao 19m, rộng 15 m, dài 28 m, gồm 3 tầng: Tầng hầm làm nơi nấu nướng; tầng trệt vừa làm nơi khánh tiết vừa dùng bày trí một số hiện vật cổ xưa như: Song bình bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ hoàng gia có niên đại Khải Định (1921), cặp ngà voi châu phi dài 170cm… Tầng lầu thoáng hơn dành cho việc nghĩ dưỡng. Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là 8 bức chân dung tạc các vị thần Hy Lạp thời cổ đại, từ gương mặt, mắt mũi đến sắc thái đều biểu hiện rõ ràng, sắc nét và tinh tế. Trải qua hơn thế kỷ, với bao biến đổi của thời gian, Bạch Dinh vẫn giữ nguyên tính sang trọng, hài hòa và uy nghiêm hiếm thấy.

Nội thất trưng bày bên trong Bạch Dinh Vũng Tàu

Từ năm 1991 đến nay một phần của Bạch Dinh được dùng làm bảo tàng, trưng bày 8.000 hiện vật độc bản nằm trong bộ sưu tập cổ vật gốm sứ có niên hiệu Khang Hy (TK 17) được trục vớt từ “kho báu Hòn Cau”. Các nhà khảo cổ cho biết số cổ vật này nằm dưới đáy biển gần 300 năm, tính đến thời điểm trục vớt nhưng vẫn giữ được màu men tuyệt đẹp. Nếu đem so với những bộ sưu tập khác được trục vớt trong vùng biển Cù Lao Chàm, Cà Mau, Bình Thuận… bộ sư tập cổ vật Hòn Cau vẫn luôn được đánh giá là bộ sưu tập đẹp nhất.

Bạch Dinh không chỉ làm mê mẫn toàn quyền Pháp ở Đông Dương Paul Doumer, các quan chức cấp cao của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ mà cho đến thời điểm hiện tại thì đây cũng là một trong số rất nhiều địa điểm tham quan của Vũng Tàu, thu hút được đông đảo khách du lịch đến tìm hiểu về lịch sử và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

Dinh thự trắng nguy nga của Toàn quyền Đông Dương

Bạch Dinh tọa lạc tại số 6, Trần Phú, phường 1, TP. Vũng Tàu. Tòa nhà còn có tên gọi khác là Dinh Ông Thượng, khi vào năm 1907, thực dân Pháp đã bí mật đưa gia đình cựu Hoàng đế Thành Thái (Nguyễn Phúc Bửu Lân) từ thành Phú Xuân (Huế) an trí tại đây, trước khi bị đày sang đảo Réunion (thuộc địa của Pháp ở châu Phi) năm 1919.

Sau khi chiếm được quyền cai trị Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp đã cho xây dựng một dinh thự dùng làm nơi nghỉ mát cho các Toàn quyền Đông Dương tại Vũng Tàu. Đề án do viên Toàn quyền Paul Doumer phê chuẩn và là người đặt tên cho dinh thự này là Villa Blanche, theo tên của con gái ông là Blanche Richel Doumer. Công trình được khởi công vào năm 1898, đến năm 1902 thì hoàn thành. Do màu sơn bên ngoài cũng như tên gọi Villa Blanche nên người Việt quen gọi dinh thự này là Bạch Dinh. Tuy nhiên, viên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1898-1902) sau khi dự lễ cắt băng khánh thành, phải trở về nước Pháp tranh cử Tổng thống.

Tòa nhà nằm ở độ cao 27 m (so với mặt nước biển), tường xây bằng gạch, sơn màu trắng, mái lợp ngói đỏ, gồm 5 gian… Từ bên ngoài nhìn vào tòa nhà trông rất thanh thoát, mềm mại với các ô cửa lớn, cửa sổ đều có vòm hình cánh cung. Xung quanh tầng lầu có một dải băng hoa văn trang trí hình phụ nữ châu Âu, chim công, hoa lá… được ghép mỹ thuật, sinh động bằng sứ men màu…giữa khoảng tường 3 mặt của tầng lầu được bài trí thêm 8 pho tượng bán thân mang phong cách cổ điển Hy-La…

Tòa dinh thự cao 19m gồm 3 tầng (hầm, trệt, lầu). Tầng hầm dùng để chứa rượu, nấu ăn, tầng trệt làm phòng tiếp khách, tầng lầu có 5 phòng ngủ, mỗi phòng đều có nhà vệ sinh, phòng tắm riêng biệt. Từ tầng trệt lên tầng lầu có 2 cầu thang bằng gỗ, một dành cho chủ nhà và khách, một dành cho người phục vụ. Hiện nay tầng trệt của tòa nhà đang sử dụng trưng bày: cặp ngà voi, bộ tượng tam đa (Phúc-Lộc-Thọ) bằng sứ men màu ngũ thái, cặp song bình Bách điểu được chế tác vào đời vua Càn Long, Nhà Thanh, Trung Hoa, thế kỷ XVIII và bộ bàn ghế chế tác vào năm 1921, cùng với bộ sưu tập cổ vật gốm sứ Hòn Cau với nhiều loại hình phong phú, được trục vớt từ vùng biển Hòn Cau, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có niên đại vào cuối thế kỷ XVII, đời Khang Hy, nhà Thanh, Trung Hoa, cách đây hơn 300 năm… Tại tầng lầu du khách ghé tham quan một số phòng ngủ. Các phòng đều thiết kế rộng rãi, thoáng mát, có hành lang thông thoáng nên luôn tràn ngập gió và ánh sáng. Từ đây du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ khu vực Bãi Trước, từ cửa sổ mặt tiền du khách có thể thấy toàn bộ khu vực vịnh Ghềnh Rái, nơi cửa ngõ nối liền cảng Vũng Tàu và sông Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh). Ở cửa sổ phía sau du khách ngắm nhìn vườn hoa sứ ngũ sắc, xa xa là cánh rừng giá tỵ cổ thụ…đẹp nhất vào cuối mùa khô, cả cánh rừng rụng hết lá, thân cây đứng thẳng cao vút, ngả màu trắng bạc, du khách ngỡ ngàng như lạc đến miền xa thẳm cuối thu của xứ sở châu Âu, vùng biên giới Pháp, Ý – nơi chôn rau cắt rốn của Paul Doumer… Trong một số bài báo của người Pháp năm 1902 đã viết về Bạch Dinh như sau: “Ở chân ngọn núi phía bắc, biệt thự cùa toàn quyền Đông Dương được xây dựng trên độ cao hơn 20m mà xưa kia là một lực lượng An Nam bảo vệ, tọa lạc giữa ghềnh biển và nổi bật trắng toát lên nền tối sẫm của khu rừng. Trên sườn núi toàn là cây cối bao quanh, người ta chia cắt thành những lối đi từ khu vườn mà nhánh đường cuối cùng mất hút vào trong núi, trong khi mặt bằng ban đầu đã biến thành những thảm cỏ xanh. Một dãy cầu thang mỹ thuật, từ trên vườn vịn xuống nối liền dinh thự với ngôi nhà có dáng dấp nhí nhảnh là nơi đặt phòng làm việc của toàn quyền”.

Sau khi tham quan dinh thự du khách thả bộ men theo con đường ven chân núi, dưới hàng sứ và tán rừng giá tỵ cổ thụ ngắm nhìn những bức tường dài hàng trăm mét, xếp bằng đá tảng do tù nhân (là những chiến sĩ yêu nước tham gia cuộc khởi nghĩa Trương Định) lao động khổ sai khai thác dưới sự cai quản hà khắc và tàn bạo của thực dân Pháp.

Trải qua hơn một thế kỷ Bạch Dinh vẫn hiện diện vẻ tráng lệ, mang kiểu dáng kiến trúc của châu Âu cuối thế kỷ XIX và hiện nay đang được bảo tồn, gìn giữ… trong hệ thống di sản văn hóa của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Nơi chôn giấu niềm riêng của cựu hoàng Thành Thái

Sau khi tham quan Bạch Dinh, du khách đi theo con đường sát chân Núi Lớn về phía Bắc là đến nhà bát giác nơi có tấm bia khắc bài thơ “Sầu tây bể Cấp” của cựu Hoàng Thượng Thành Thái viết vào năm 1907 khi bị thực dân Pháp an trí.

Thành Thái họ tên là Nguyễn Phúc Bửu Lân, húy là Phúc Chiêu, vị vua thứ 13 của triều Nguyễn, là con thứ 7 của vua Dục Đức, mẹ là Phan Thị Điểu (tức Từ Minh Huệ hoàng hậu), cháu ngoại Phụ chánh đại thần Phan Đình Bình. Vua Thành Thái sinh ngày 22/2 năm Kỷ Mão (14/3/1879), dưới triều Tự Đức thứ 32 (1879). Khi vua Dục Đức còn sống, ông theo cha ở tại Thái Y viện giảng đường Huế, đến lúc vua Dục Đức bị thảm sát trong tù, ông theo mẹ về sống ở quê ngoại (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên).

Năm Mậu Tý (1888) tình hình xã hội ở Huế tạm lắng dịu, ông theo mẹ ra sống ở ngoại thành. Từ đây ông đã tiếp xúc với bà con lao động, chia sẻ gian khổ với những người nghèo trong cảnh nước mất, nhà tan vì thế khi làm vua, Thành Thái đã sớm ý thức về quốc sự. Năm vua Đồng Khánh qua đời, ông lên ngôi nhằm ngày mùng 2 tháng Giêng năm Kỷ sửu (1/2/1889) niên hiệu Thành Thái, lúc đó nhà vua mới được 10 tuổi, được các quan đại thần Lê Trinh, Đinh Nho Quan, Tạ Thúc Bình… thay nhau dạy dỗ.

Vua Thành Thái rất thương dân, thường hay vi hành để được gần dân chúng, để hiểu được sự đau khổ của dân một nước nô lệ. Khâm sứ Pháp và quần thần Nam triều bù nhìn rất muốn truất ngôi của Thành Thái vì không chịu nghe theo mọi sắp đặt của chúng. Ngày 29/7/1907 Lê-véc-nơ đã thẳng thừng tuyên bố: “Nhà vua không thành thật cộng tác với chính quyền bảo hộ thì mọi việc đều do Hội đồng Thượng thư tự quyết đoán. Nhà vua sẽ hết quyền hành và không ra khỏi Đại Nội dành riêng cho nhà vua”. Ngày 3/9/1907 triều thần theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị với lý do sức khoẻ không đảm bảo, xin tự nguyện thoái vị. Sau đó thực dân Pháp đem đi an trí ở Vũng Tàu rồi lưu đày sang đảo Rê-uy-ni-ông (Réunion, châu Phi thuộc địa Pháp). Cựu hoàng Thành Thái bị đưa vào Sài Gòn ngày 12/9/1907 nhưng mãi đến ngày 23/10/1907 mới xuống Cấp (Vũng Tàu). Cùng đi có 4 bà vợ và 10 người con nhưng chính quyền bảo hộ chỉ cấp cho gia đình cựu hoàng thượng một số tiền là 30.000 quan một năm. Ngày 3/11/1916 thực dân Pháp bí mật tổ chức một chuyến tàu thủy đưa cựu hoàng Thành Thái cùng con là Duy Tân và cả gia đình sang đày tại đảo Rê-uy- ni-ông.

Thời gian ở Bạch Dinh trước cảnh cá chậu chim lồng, núi non ngăn cách, biển cả gào thét quanh năm, cựu hoàng Thành Thái động lòng xúc cảm viết lên những dòng thơ đầy xúc cảm như sau:

“Sống thừa nào có biết hôm nay

Nhìn thấy non sông đất nước này

Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ

Ruột tằm đòi đoạn mối sầu tây

Thành Xuân nghìn dặm mây mù mịt

Bể Cấp bốn bề sóng bổ vây

Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc

Dẫu cho sắt đá cũng chau mày!”

Bài thơ Đường luật câu 1, 2 giới thiệu về hoàn cảnh của tác giả trong tâm trạng đau đáu về nỗi đau bị thực dân Pháp đã xâm lược: “Sống thừa nào có biết hôm nay. Nhìn thấy non sông đất nước này”. Câu 3 và 4 nói về nỗi niềm đau xót về quê, đất nước: “Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ”. Biết âm mưu của thực dân Pháp sẽ đem đi an trí ở châu Phi, trước mắt là Vũng Tàu, không biết ngày mai rồi sẽ ra sao? Từ trong sâu thẳm cựu hoàng thượng hy vọng rồi một ngày nào đó sẽ trở về với cố hương như câu chuyện có hậu về sừng ngựa của Thái tử Đan thuở nào. Câu 4: “Ruột tằm đòi đoạn mối sầu tây”, nói về tâm trạng yêu nước mà phải chịu cảnh lưu biệt, tác giả đã dùng chữ đồng âm “sầu tây” với hai nghĩa khác nhau: Sầu tây nỗi buồn riêng tư nhưng còn có nghĩa là nỗi đau buồn vì thực dân Pháp (ở trời Tây) cướp nước ta. Câu 5, 6: “Thành Xuân nghìn dặm mây mù mịt/Bể Cấp bốn bề sóng bổ vây”. Tỏ lòng thương nhớ trăn trở khôn nguôi về xứ Huế, một mình vò võ nơi chân trời, góc biển. “Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc”, so sánh ví von mang phong cách trào lộng, xen lẫn nỗi niềm xót xa, oán hận: “Dẫu cho sắt đá cũng chau mày!” bày tỏ nỗi niềm đau khổ vì sự uất hận của một cựu hoàng thượng có tinh thần yêu nước, thương dân, có óc canh tân… mà phải chịu sống trong cảnh lưu đày nhìn giang sơn chìm đắm trong nô lệ.

“Sầu tây bể Cấp” một bài thơ của cựu hoàng Thành Thái thể hiện tư tưởng tiến bộ, tinh thần yêu nước, bất hợp tác với thực dân Pháp như lời động viên nhân dân Việt Nam tiếp tục kề vai sát cánh đứng lên tham gia các phong trào đấu tranh có tư tưởng tiến bộ chống thực dân Pháp lúc bấy giờ: Duy Tân, chống sưu cao thuế nặng ở miền Trung…

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời