Nhà tù Côn Đảo từ 1862 đến 1930

Từ năm 1862, thực dân Pháp đã quyết định xây dựng nhà tù Côn Đảo, để giam cầm, nơi lao dịch khổ sai các Anh hùng, Chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước.

Các trại giam và các sở tù

Dưới con mắt của bọn thực dân, Côn Đảo là một nơi lý tưởng, có khả năng đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đối với một nhà tù. Chúng cho rằng, Côn Đảo bốn bề trời biển mênh mông, cách đất liền gần trăm hải lý, không có phương tiện, người tù khó bề trốn thoát. Người ở bên ngoài cũng không có cách nào cứu thoát người tù. Ở hải đảo xa xôi này những người cách mạng sẽ bị cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, xã hội, với phong trào cách mạng và quần chúng nhân dân, không thể hoạt động gì được.

Côn Đảo là một quần đảo hoang vắng, không như nhà tù ở các điểm dân cư lớn trong đất liền như Hỏa Lò ở Hà Nội, Khám Lớn ở Sài Gòn, cho nên ở đây có thể thi hành những biện pháp đàn áp dã man, tàn bạo nhất, người tù có đấu tranh mạnh mẽ tới đâu đi nữa cũng không thể gây được ảnh hương gì. Bọn cai ngục có thể thẳng tay giết hại người tù mà không ai hay biết. Chẳng thế, bọn thực dân đã đe dọa: “Ra Côn Đảo mà hò la cho sóng biển nghe!”, “Ra Côn Đảo mà đấu tranh với cá mập!”.

Côn Đảo là nơi dân cư thưa thớt, nguồn lợi thiên nhiên phong phú. Muốn khai thác vùng đất này phải đưa nhân công từ nơi khác đến, cho nên dùng sức tù nhân ở đây thì thật là thích hợp.

Nhận rõ vị trí đặc biệt của Côn Đảo, thực dân Pháp đã sớm quyết định xây dựng nhà tù đầu tiên ở Đông Dương trên quần đảo này, nhằm:

– Cách ly những phần tử chống đối chính sách cai trị của thực dân, nguy hiểm và có hại đối với an ninh ở thuộc địa;

– Dùng chế độ tù đày khắc nghiệt để hành hạ, giết dần giết mòn người tù, đè bẹp ý chí phản kháng của họ, răn đe những người còn ở ngoài đời, làm cho họ khi ra tù thì tinh thần bạc nhược, khiếp sợ, thân thể tàn phế, không còn dám làm gì chống lại “mẫu quốc” và chế độ thống trị ở thuộc địa;

– Bóc lột sức lao động của người tù để xây dựng và khai thác thuộc địa.

45 ngày sau khi chiếm hải đảo, Bông đã phái viên trung úy hải quân Phêlích Rút xen đáp chiếc tàu hàng Nievơrơ ra xây dựng một cơ sở tạm thời đủ chứa chừng 200 người tù .

Ngày 1-2-1862, Bông ký quyết định thành lập Nhà tù Côn Đảo. Tháng 3 năm 1862, ông ta lại bổ sung một số điều khoản liên quan đến việc sử dụng, đãi ngộ đám quan lại và ngục tốt cũ của triều đình Huế, lập một đại đội lính bản xứ để canh gác tù, cử Rút xen làm Quan đốc đầu tiên của nhà tù, cho thuyền chiến Êcô (Echo) chở 50 người tù đầu tiên ra rồi ở lại đó làm nhiệm vụ canh gác trên biển. Rút xen nhận được chỉ thị phải nhanh chóng tổ chức trồng trọt và chăn nuôi gia cầm, gia súc, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhưng cuộc khởi nghĩa của nhân dân và tù nhân Côn Đảo nổ ra ngày 28-6-1862 đã phá tan nhà tù vừa mới dựng, buộc thực dân Pháp phải làm lại từ đầu với viên Quản đốc thứ hai của Nhà tù Côn Đảo, trung úy hải quân Bi dô (Bizot). Giữa năm 1863, Bi dô mới ra đảo, bắt tù mò san hô, lấy củi, lập lò nung vôi, nung gạch, khai thác đá làm nhà tù. Tàu Êcô chở chuyến tù thứ hai, có 45 người ra giam ở đảo.

Sau khi đã chiếm xong ba tỉnh miền Tây Nam Bộ, số người bị Pháp bắt tăng thêm nhiều, đến nỗi phải cắt cử một trung đội lính đến gác và nâng thêm biên chế nhân viên trại giam Côn Đảo. Tính đến tháng 7 năm 1867, ở đảo đã có tới 500 tù nhân. Nhà tù Côn Đảo lúc này chưa có quy chế, phải áp dụng quy chế của Khám Lớn (Sài Gòn). Tổ chức nhà tù đã khá chặt chẽ. Biên chế người bộ máy đã có 11 người Âu, một số giám thị người Việt và một trung đội lính thủy đánh bộ. Nhà tù đặt dưới quyền quản lý của Giám đốc Nội chính thuộc Soái phủ Nam Kỳ. Viên Quản đốc nhà tù có những quyền hạn về tư pháp đối với toàn hải đảo, quyền hành ngang với chức thanh tra bản xứ vụ ở các tỉnh khác. Công việc dự thảo quy chế Nhà tù Côn Đảo được đẩy mạnh.

Ngày 31-1-1873, Thống đốc Nam Kỳ Đuypơrê (Dupré) ban bố quy chế riêng cho Nhà tù Côn Đảo, gồm 43 điều, xác định trách nhiệm các nhân viên quản lý nhà tù, lương bổng, y phục cho mỗi loại, quy định chế độ khổ sai và các biện pháp trừng phạt người tù. Về thực chất vẫn là sự sao chép quy chế Khám Lớn (Sài Gòn), tuy có châm chước ít nhiều. Bản quy chế 1873 được áp dụng ở Côn Đảo 16 năm liền.

Ngày 16-5-1882, Tổng thống Pháp Giuyn Gơrêvi ký sắc lệnh công nhận quần đảo Côn Lôn là một quận của Nam Kỳ, dưới quyền của viên Quản đốc chức vụ tương đương một viên tham biện bản xứ vụ (là quan đầu tỉnh thời đó ). Nhiều vấn đề về tính chất pháp lý của nhà tù được đặt ra như: Chức năng hành chính và quân sự của viên Quản đốc như thế nào? Côn Đảo sẽ phát triển kinh tế ra sao? Nó chỉ là một hòn đảo giam tù hay sẽ trở thành một quận có ngân sách tự trị như các quận khác?

Cuộc nổi dậy với quy mô to lớn của tù nhân xây dựng Hải Đăng Côn Đảo ở Hòn Bảy Cạnh ngày 27-8-1883 lại đặt vấn đề siết chặt kỷ luật đối với tù nhân, loại trừ những điều còn sơ hở trong việc điều hành nhà tù.

Bản quy chế thứ hai được soạn thảo và công bố ngày 11-12-1889 đã có tới 24 chương, 122 điều, bộ máy trị tù lên tới 87 người không kể quân số một đại đội thuộc Binh đoàn thuộc địa số 11 làm nhiệm vụ canh gác. Các sở trồng trọt, chăn nuôi, Sở lưới được tổ chức chu đáo hơn. Đặc biệt lại có thêm một kỹ thuật viên trồng trọt trông coi việc chăn nuôi, trồng trọt và phân phối thực phẩm tươi sống cho nhân viên các sở. Đối với tù nhân, bản quy chế có ghi thêm điều khoản số 51, chương X: “Cho phép các giám thị người Âu được quyền sử dụng vũ khí đối với đám tù nổi loạn hay âm mưu vượt ngục sa khi bắn chỉ thiên 3 phát mà không giải tán được hay trong trường hợp không bắt giữ được người tù vượt ngục”.

Bản quy chế này được áp dụng trong suốt thời kỳ thực dân Pháp tiến hành công cuộc bình định và củng cố bộ máy cai trị ở Đông Dương. Theo đánh giá của viên chức ngạch cai trị, việc khai thác sức lao động tù nhân theo bản quy chế này tỏ ra rất có hiệu quả.

Thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX là giai đoạn “khó khăn”của Nhà tù Côn Đảo. Nhà tù đòi hỏi một khoản chi quá lớn. Các địa phương đều có nhà giam, nơi nào cũng cần đến sức lao động khổ sai của tù nhân để xây dựng công thự, đường sá, cầu cống. Nhu cầu về sức lao động ở các thuộc địa khác như Guyan, Nuven Calêđôni, Tahiti đang rất cấp bách, Bộ Hải quân và thuộc địa hàng ngày kêu gào nhân công để làm đường và khai mỏ ở các thuộc địa của nước Pháp.

Nghị định ngày 12-7-1891 của Toàn quyền Đờ Lanétxăng (De Lanessan) nói rõ: các tội phạm có án sẽ được đưa đi bất cứ nơi nào trong toàn xứ Đông Dương để dùng vào việc công ích. Ông ta cũng chỉ thị cho Nhà tù Côn Đảo phải chuyển 200 tù bằng tàu thủy Annamít ra Bắc Kỳ để làm con đường chiến lược Tiên Yên – Lạng Sơn. Tù Côn Đảo và Khám Lớn (Sài Gòn) cũng được sứ dụng để xây dựng thành phố Vũng Tàu. Thành phố này hàng ngày có tới 600-700 người tù làm khổ dịch trên các công trường làm đường vòng quanh Núi Lớn, Núi Nhỏ , xây trại lính, công thự, nhà ở của binh lính, sĩ quan, viên chức thuộc địa, xây dựng hệ thống vị trí đặt pháo lớn bảo vệ bờ biển…

Số tù giam ở Côn Đảo vợi hẳn đi. Người ta đã nêu ý kiến xét lại sự tồn tại của Nhà tù Côn Đảo, xác định lại xem ngân sách nào đài thọ, có nên phân tán tù nhân Côn Đảo về cho các tỉnh quản lý và sử dụng hay không? Bàn đi cãi lại mãi, rút cuộc đâu lại vào đó. Nhà tù Côn Đảo vẫn rất cần thiết cho nền thống trị Pháp tại Đông Dương, phải tiếp tục củng cố nó dù tốn kém đến mấy. Côn Đảo là nhà tù phục vụ lợi ích chung của cả Đông Dương, nhưng giao cho Nam Kỳ quản lý, do ngân sách thuộc địa tài trợ.

Trong bối cảnh đó , bản quy chế hoàn chỉnh của Nhà tù Côn Đảo được ban bố thi hành kể từ ngày 17-5-1916. Rút kinh nghiệm việc thi hành những bản quy chế trước, bản quy chế 1916 đã tạo ra cơ sở pháp lý ổn định, vừng chắc để điều hành ở Nhà tù Côn Đảo. Tù nhân được phân loại, thủ đoạn bóc lột lao động người tù tinh vi chặt chẽ hơn. Chế độ giam cầm, thủ đoạn tàn ác tù nhân nghiệt ngã hơn. Côn Đảo thật sự trở thành công cụ đàn áp lợi hại, có hiệu quả để xứng đáng với ngạch cai trị vừa được hoàn thiện nhằm đối phó với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ngày một dâng cao ở Đông Dương.

Từ đó đến năm 1945, không thấy có gì thay đổi nhiều trong quy chế Nhà tù Côn Đảo nữa.

Hệ thống các cơ sở giam giữ tù nhân ở Côn Đảo được xây dựng dần dần từ 1862 đến 1945. Hệ thống đó bao gồm: những trại giam (các banh) và những sở chuyên môn, gọi tắt là các sở tù.

Các trại giam

Các trại giam chính ở Nhà tù Côn Đảo là:

Banh I1: ở ngay giữa thị trấn Côn Đảo.

Banh II: ngay cạnh Banh I, gần Nhà thương Côn Đảo.

Banh III: ở ngoại Ô thị trấn, nằm bên trái đường xuống sở Lò Vôi, cách Banh I khoảng một km.

Banh phụ của Banh III mới xây năm 1941.

Đó là những khu nhà xây kiên cố bằng gạch, lợp ngói, nằm khuất sau 4 bức tường rào cao hơn 3 mét, trên cắm mảnh chai và chăng kẽm gai, bốn góc có 4 tháp canh, hoàn toàn cách biệt với đời sống bên ngoài. Ngoài ra còn có một số trại giam nhỏ kiến trúc sơ sài: tường đất, mái tranh hoặc có nơi vách làm bằng gỗ, mái lợp ngói, phân bổ rải rác ở các sở tù khổ sai.

Banh I: Trong một thời gian lâu dài, Nhà tù Côn Đảo chỉ có một banh này, đây là nơi giam giữ đủ các loại tù Banh I được xây dựng trên một khoảng đất rộng 1015 m2 ở ngay trung tâm thị trấn Côn Đảo. Trước cửa Banh I là Văn phòng Xếp chánh. Sau Banh I là dãy nhà của gác ngục ngoại quốc. Bên trái Banh I là trại lính Tây, có một đại đội linh bộ binh thuộc Binh đoàn thuộc địa số 11. Năm 1875, chúng đã xây xong bức tường đá bao quanh Banh I và dãy khám bên phải cùng Nhà bếp và một số xà lim. Bức tường cao bao bọc Banh I xây bằng đá tảng, đứng bên ngoài chỉ nhìn thấy những mái nhà và ngọn báng nhô lên. Từ cổng sắt lớn nhìn vào, bên phải cổng, phía ngoài tường banh là Văn phòng giám thị, bên trái là nhà kho Banh I, nơi chứa gạo, thực phẩm tươi sống từ các sở tù đưa về: hàng ngày công chức, giám thị người Việt và cả những ngươi tù làm ở sở ngoài đến lãnh thực phẩm.

Qua cổng sắt đi vào có hai dãy khám giam. (còn gọi là phòng giam) là nơi nhốt tù nhân. Giữa hai dãy khám là một khoảng sân có trồng hai hàng bàng. Cuối sân, đối diện với cổng vào có một giếng nước. Dãy bên phải có 5 khám giam, đánh số từ một đến 5, tiếp đó là khu Nhà bếp. Sau Nhà bếp là sân đập đá, có cổng sắt dày và tường đá bao quanh, nơi dành cho những người tù khổ sai thuộc loại “nguy hiểm” không được ra khỏi banh. Dãy bên trái cũng có 5 khám giam, đánh số từ 6 đến 10. Ngoài các khám giam là một hàng hiên rộng, đó là chỗ để người tù ăn cơm và tập trung mỗi khi ra vào khám.

Mặc dù rộng hẹp có khác nhau, các khám giam đều được xây theo cùng một quy cách. Đó là một gian nhà rộng chừng 150 m2, tường đá dày 50-60 cm. Bốn Ô cửa sổ hẹp khoảng 50 x 60 cm, bố trí ở chỗ đầu tường giáp mái ngói, còn bị bịt kín bằng những tấm tôn dày có trổ những lỗ nhỏ như đầu đinh, khiến cho không khí không thể lưu thông được. Khám giam chỉ có một cửa ra vào hẹp, có một cánh cứa gỗ dày nẹp sắt kiên cố, có chốt khóa thô và nặng, tù nhân thường gọi là cửa “rôn” (cửa ngục).

Bước qua ngưỡng cửa lại có một chuồng cửa bằng những gióng sắt to lắp vào một khung sắt chụp lấy lối đi từ phía trong, trông như một cái lồng hình chữ nhật dựng đứng, tù nhân gọi là cửa tăm bua. Cửa tăm bua đóng mở bằng loại chốt khóa đặc biệt. Cánh cửa “rôn” có một tò vò có nắp sắt đậy kín, chỉ có thể hé mở từ phía bén ngoài để cho cai ngục nhòm vào kiểm tra bên trong khám khi không cần mở cửa “rôn”. Cửa tăm bua có tác dụng giữ cho tù không gây mất trật tự ở ngay lối ra, đồng thời bảo vệ giám thị khi cần bước vào ở phía trong khám để kiểm soát, sau khi mớ cánh cửa gỗ bên ngoài. Hai mái nhà nặng nề kéo sụp xuống quá đầu tường chắn hết gió và ánh sáng từ mọi hướng. Ngay giữa trưa nắng, khi đóng cửa “rôn” lại thì khám giam tối như bưng, không khí ngột ngạt, lại thêm mùi cầu tiêu ở góc khám xông lên nồng nặc, vì cả ngày chỉ được dọn một lần vào buổi sáng. Một ngọn đèn treo lòng thòng giữa khám, cao trên tầm người với, phát ra một thứ ánh sáng lờ mờ.

Phía sau cái giếng cuối sân banh là dãy xà lim và Hầm Xay lúa. Dãy xà lim Banh I có cả thảy 20 xà lim, còn gọi là “hầm” tuy xây nổi trên mặt đất: 10 cái quay ra phía cổng banh, 10 cái kia đấu lưng lại, quay mặt vào bức tường banh phía sau. Xà lim nhỏ có thể nhốt một hoặc hai người tù, cái lớn nhốt được 5 đến 7 người tù. Nói hầm tối tức là nói đến loại xà lim nhỏ, chiều dài hơn 2 mét, rộng hơn 1 mét, chỉ để hở một cái lỗ nhỏ lại bịt kín bằng một lưới sắt. Sàn nằm bằng xi măng. Trên sàn có chôn một cái cùm gồm một suốt và hai vòng sắt. Người tù bị chốt chặt hai chân vào đó suốt ngày. Một tháng bị phạt ở xà lim còn phải ăn cơm nhạt, uống nước lã 10 ngày. Hầm xây bằng đá, cao hơn 2 mét, trần xây cuốn. Mùa hè thì bắt nóng hầm hập suốt ngày. Mùa đông thì hơi đá tỏa ra, lạnh thấu xương. Cửa xà lim bằng sắt dày, đóng vào là kín như hũ nút, vách hầm sơn hắc ín đen ngòm.

Người tù trần truồng, chân bị cùm, nằm ngửa mặt lên trần suốt ngày, trông nhơ một thây ma trong nhà mồ. Vào hầm tối ít lâu là người héo quắt lại, mắt mờ, chân đứng không vững. Cửa hầm tối cũng như cửa xà lim đều đóng im ỉm suốt ngày, chỉ hé vội trước giờ ăn để đưa cơm vào cho người tù.

Năm 1930, 1931, 1932, nhiều người tù bị nhốt trong hầm tối, bị cắt suất ăn ba ngày liền. Ngày thứ tư mới được một nắm gạo xay dối, đến ngày thứ năm mới được một nắm cơm nhỏ. Theo quy chế, lệnh phạt nhốt hầm phải đợi quyết định của Thống đốc Nam Kỳ, căn cứ vào báo cáo của quản lý nhà tù ! Hình phạt nhốt hầm tối không kéo dài quá một tháng và chỉ dành cho những người nào đã qua 5 lần phạt xà lim hoặc bị nhốt xà lim hơn 60 ngày. Cũng theo quy chế thì 8 ngày một lần, viên y sĩ của trạm xá nhà tù phải tới các hầm tối kiểm tra không khí và ánh sáng tối thiểu có đủ để duy trì sức khỏe cho người tù hay không. Nhưng đó chỉ là những quy định trên giấy.

Hầm xay lúa là khu vực nhốt những người tù thuộc loại “bất trị”, rất “nguy hiểm”cho nhà tù. Phạt xà lim và hầm tối chưa đủ tác dụng thì tiếp tục đày đọa họ xuống làm khổ sai ở Hầm xay lúa. Khu này gồm một khám giam có bệ xi măng để tù nằm và một gian hầm xay lúa để tù làm khổ sai. Khám giam cách hầm xay lúa một hành lang hẹp, làm nơi ăn cơm của tù nhân. Hầm xay lúa có 5 cối xay làm bằng vỏ thùng tonnô cũ. Phải 6 người tù mới quay nổi cái cối đó. Cứ hai người xiềng làm một, tù nhân phải quần quật quay cối xay từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Suốt ngày, lúc nào cũng bụi mù mịt và nhiều người tù đã mờ mắt sau một năm ở đây.

Banh II: được xây dựng năm 1917 do thợ ở sở Tràng Tiền đưa ra xây. Từ cổng vào, bên phải phía ngoài tường banh là Văn phòng xếp banh, bên trái phía trong là khu xà lim Banh II gồm 14 xà lim chuyên nhốt những trọng phạm; trong số đó có những người bị giặc kết án tử hình đợi ngày hành quyết. Máy chém chở từ Khám Lớn (Sài Gòn) ra, đựng trong 4 cái hòm sơn đen được lắp đặt ở trước bệnh xá Banh II. Banh II cũng có hai dãy khám giam nhưng được xây dựng cao hơn, có cầu thang sắt chạy dọc suốt dãy để bọn giám thị đi tuần. Cuối sân banh, đối diện với cổng vào là bệnh xá của nhà tù. Banh II là nơi cấm cố tù chính trị.

Banh III: Banh này được khởi công xây vào năm 1928 gần trại cùi cũ, cùng thời với dãy nhà ở của giám thị. Banh III lúc đầu là nơi tạm giam tù nhân mới ở đất liền đưa ra đảo, họ bị nhốt ở đây 8 ngày, sau đó mới phân đi các banh khác, hoặc là giam ở đây. Làm như vậy cốt để những tin tức do tù từ đất liền đưa ra, sợ ảnh hưởng đến tù cũ . Sau này Banh III dùng làm nơi giam những người tù chính trị được hệt vào hạng “nguy hiểm” và “bất trị” vì can tội âm mưu phá rối trị an. Banh III có 3 dãy khám, chia thành 2 khu tách biệt. Nhìn từ cổng chính vào, dãy bên trái và dãy bên phải, họp với khu bếp cuối sân thành hình chừ U. Sau dãy khám bên phải, cách một bức tường ngăn là khu biệt giam của Banh III.

Banh phụ của Banh III: Banh này xây năm 1941 để chứa tù bị bắt trong cuộc khủng bố trắng sau khi chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, nhất là sau Nam Kỳ khởi nghĩa. Đây là một trại nhỏ có hai dãy khám giam. .

Các sở tù

Từ khì thành lập đến trước ngày bị Nhật đảo chính (9-3-1945), bọn Pháp đã lập ở Côn Đảo nhiều sở tù (còn gọi là những sở chuyên môn) để khai thác sức lao động khổ sai của người tù trong việc canh tác đất đai, khai thác tài nguyên rừng và biển ở hải đảo. Không những tù thường phạm mà khi cần thiết Quản đốc nhà tù cũng đưa cả tù chính trị ra làm ở các sở, miễn là họ có sức lao động, có tay nghề và được bọn cai ngục nhận xét là tốt. Nhất là trong những năm đại chiến thế giới lần thứ II, máy bay phe Đồng Minh thường xuyên đánh phá tuyến giao thông trên biển nối liền Côn Đảo với Sài Gòn khiến cho việc tiếp tế ra đảo bị khó khăn. Đứng đầu những sở lớn thường là một giám thị người Pháp hoặc người có quốc tịch Pháp, dưới quyền chúng là một số giám thị người Việt và cặp rằng (cai tù).

Để có thể hình dung cơ cấu nhân sự của những sở này, có thể lấy Sở rẫy An Hải làm thí dụ .

Dưới đây là những sở chính của Nhà tù Côn Đảo:

Sở rẫy An Hải – An Hội: Sở này được thiết lập ở làng An Hải, một trong ba làng cổ nhất ở Côn Đảo (An Hải, An Hội và Cỏ Ống). Theo con số năm 1936, ở đây cả thảy có 50 người, không kể chủ sở, bao gồm: 3 cặp rằng; 2 đầu bếp; 2 thường trực ban đêm; 4 phu quét đường; 4 phu đổ thùng; 2 phu san, cào phân; một phu đánh xe bò; một người trồng rau; một người giữ vườn chuối; một người loong toong (planton); một người bồi, 2 người giữ vườn dừa; 25 người tạp dịch.

Sở rẫy An Hải – An Hội chuyên trồng dừa, mít, vú sữa, mãng cầu. Tù khổ sai ở đây có thể tự cất chòi riêng để ở hàng ngày tập trung làm khổ dịch dưới quyền của giám thị người Việt.

Sở đá : ở dưới chân Núi Chúa chuyên việc bắn mìn phá đá. Những khối đá hoa cương dùng để ốp con đường phía trước thị trấn Côn Đảo, xây cầu tàu Côn Đảo, xây móng nhà, tường nhà và các bức tường bao quanh các banh… đều do sở này cung cấp.

Sở Tiêu: là nơi chuyên trồng hồ tiêu và những loại cây ăn quả như mít, dứa. . . Tù nhân làm khổ sai ở đây thường bị chết nhiều vì sốt rét.

Sở Củi – Chuồng Bò: sở này có hai loại việc: chăn nuôi (bò, lợn) để cung cấp thịt và sữa cho bọn cai ngục và và cung cấp 4 loại củi cho cả Côn Đảo (củi nhà đèn, củi hầm than, củi hầm vôi, củi banh). Việc đốn củi vô cùng nặng nhọc, dễ xảy ra chết người, tù nhân bị hành hạ như một bày súc vật. Nhiều người tù tự chặt vào chân tay mình gây thương tật để khỏi bị làm khổ sai ở sở này.

Sở kéo cây: không có sở cứ nhất định, tù nhân khổ sai phải khai thác gỗ đóng bè chở về làm vật liệu xây dựng. Công việc nặng nhọc, tù dễ chết vì tai nạn và do làm việc quá sức.

Sở Đất Dốc: chuyên trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà vịt.

Sở Cỏ Ống: cách Banh I chừng 12km, là một sở trồng trọt lớn, có khi tập trung đến 200 – 300 tù khổ sai để trồng lúa, dừa, rau cải, chuối, mít, dứa, đu đủ. Từ nửa đêm tù nhân Sớ Cỏ ống đã phải đưa rau quả về thị trấn để tiếp tế cho các viên chức và các công sở trên đảo. Cỏ Ống cũng nổi tiếng là nơi nước độc, tù nhân bị bệnh, chết nhiều.

Sở Lò Vôi: chuyên nung san hô thành vôi cung cấp cho toàn đảo. Ở đây có 4 đến 5 người tù trông coi việc đốt lò San hô do kíp san hô ở sở Chỉ Tồn khai thác và cung cấp.

Sở Bông Hường: ở chân Núi Chúa, trồng cây ăn quả và các loại rau. Tù án lưu (relégués) tập trung ở sở này.

Sở Hòa Ni: tù nhân khổ sai phải trồng thứ nghiệm cây vang (vamllier).

Sở Ông Đụng: ở sườn phía tây bắc của Núi Chúa, trồng khoai lang, thuốc lá, khoai môn, bí đỏ, bí đao, cà và mướp.

Sở Muối: ở làng An Hội, làm muối cung cấp cho toàn đảo. Đây cũng là nơi tập trung tù án lưu, có khi đến 600 người.

Sở Bản Chế: ở ngay trung tâm thị trấn Côn Đảo, gần nhà tên chúa ngục. Xưa kia chuyên để làm nơi giam giữ tù, nhưng sau chuyển thành khu xưởng thủ công, mỹ nghệ (làm đồi mồi, cẩn ốc…) do tù khổ sai có tay nghề làm nộp cho nhà tù. Ở đây còn có xưởng cơ khí sửa chữa nhỏ và giếng nước ngọt được bơm lên cung cấp cho các bếp, các sở.

Sở Lưới: ở ngay trước dinh Quản đốc, tù ở sở này phải đan lưới, đóng ghe thuyền, đánh cá để cung cấp cá tươi cho viên chức các sở hành chánh trên đảo. Theo quy chế năm 1889, sở này do một giám thị người Pháp đứng đầu, dưới có một giám thị Ta-gan và ba giám thị người Việt trông coi. Số tù làm việc ở đây có tới 60 – 70 người. Nhà tù được quyền đánh cá trong phạm vi 3 hải lý quanh đảo. Việc đánh cá và tổ chức thuyền bè được tổ chức rất cẩn mật. Thuyền đỗ ở bến đều có xích sắt khóa vào bờ. Sở Lưới có một sà lúp, một thuyền máy nhỏ của viên Quản đốc, một thuyền nhỏ cho Sở dây thép, 2 thuyền để chuyên chở tiếp tế cho Hải Đăng ở Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau và liên lạc với Sở Cỏ ống, 3 sà lan và 2 thuyền đánh cá. Chiếc thuyền đánh cá mập cũng do sở này quán lý.

Sở rẫy Ông Lớn: Quản đốc nhà tù có khu vườn rất rộng trồng cây ăn quả, trong tay nó có chừng 50 người tù trông coi khu vườn này. Trong tư dinh Quản đốc có bể nuôi vích, đồi mồi.

Trên đây chỉ kể một số sở lao động khổ sai có tù nhân làm việc, chưa nói đến những công sở như: Sở dây thép, Sở dây thép gió, Nhà thương Côn Đảo, Sở Kho bạc, Sở Cò . . .

Các chủ sở tù có đời sống cao, có quyền thế như những tên lãnh chúa, họp thành một lớp người được ưu đãi ở Côn Đảo. Phần lớn tù nhân ra làm ở các sở ngoài đều bị giam ở trong các trại ở ngay tại sở. Những tù nhân làm ở các sở gần trung tâm thị trấn thì ở trong các khám giam Banh I, ngày hai buổi đi làm, trưa và tối trở về khám giam. Trong Banh I, những người làm khổ sai tập trung ở Chỉ Tồn phải làm những khổ dịch nặng nề, cực nhọc nhất như xe củi, đập đá, kéo cây, lấy san hô. Họ bị giam trong các khám số 6, 7, 8, 9, 10 thuộc dãy khám bên trái.

Tổ chức điều hành Nhà tù Côn Đảo

Dưới thời Pháp thuộc, Côn Đảo là một đơn vị hành chánh ngang cấp quận, đặc điểm nổi bật nhất là ở đây chỉ có tù, không có dân. Bộ máy hành chánh và bộ máy cai quản nhà tù trên đảo thống nhất làm một. Đứng đầu bộ máy ấy là viên Quản đốc nhà tù Côn Đảo cũng là quan chức hành chánh cao nhất của quần đảo trong chức danh Quản đốc quần đảo và Nhà tù Côn Lôn, thường giao cho một sĩ quan cấp trung úy trở lên, nếu thuộc ngạch cai trị thì cũng tương đương với chức tham biện.

Ngay từ thời Bông làm Thống đốc Nam Kỳ, Quản đốc nhà tù Rút xen cũng là một thanh tra bản xứ vụ có quyền duyệt xét toàn bộ các vấn đề thuộc nhà tù và phụ trách tất cả quan lại cũng như quân lính triều đình Huế còn ở Côn Đảo. Quản đốc quần đảo và nhà tù nắm trong tay trọn quyền hành chánh trên toàn quần đảo lại vừa là chánh án tòa án tiểu hình, có thể xử tội nhân thêm một án đến 5 năm tù nữa.

Quản đốc có quyền đối với các thuộc viên và toàn thể tù nhân trên đảo, có nhiệm vụ trừng phạt và tống giam các viên chức làm việc tắc trách, nếu cần sẽ đệ trình lên Giám đốc Nội chính để tăng thêm hình phạt đối với họ; ngoài ra còn ấn định các biện pháp đối với tù nhân. Quản đốc còn “đích thân trông coi việc làm của tù nhân”, “chịu trách nhiệm về những biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh các trại giam và đưa tù nhân vào vòng kỷ luật”! (Quy chế Nhà tù Côn Đảo năm 1873, từ điều 1 – 5).

Ở Côn Đảo, Quản đốc thực sự là “Chúa đảo” nắm toàn bộ quyền sinh, quyền sát trong tay. Tù nhân phải gọi Quản đốc nhà tù là “ông Lớn”, gọi nhà Quản đốc là “Dinh ông Lớn”, khu vườn cây của hắn là “Sở rẫy ông Lớn”.

Nhân vật quan trọng thứ hai, có quyền thay thế Quản đốc khi vắng mặt là viên Lục sự kế toán (agent comptable), theo quy chế nhà tù, có nhiệm vụ kế toán tổng quát, kế toán vật tư, giữ ngân sách trại giam. Ở Côn Đảo, viên lục sự này được gọi là “ông kho bạc” vừa là chủ sự kho bạc vừa là trưởng phòng lục sự của Côn Đảo. Chức vụ này ngang hàng với Xếp chánh (Giám thị trưởng).

Dưới quyền Quản đốc, có một số người đứng đầu các cơ quan hành chánh như cò cảnh sát, xếp nhà đèn (nhà máy điện), chủ Sở dây thép gió, chủ Sở lục lộ, đốc công coi Sở sà lúp, chủ sự hợp tác xã tiêu thụ Côn Đảo, giáo viên trường tiểu học trẻ con Tây, giáo viên trường tiểu học Việt. Côn Đảo không có Sở mật thám, thay vào đó là Sở truy tầm, do một gác dang người Pháp cầm đầu. Nhân viên sở này ăn mặc như lính nhưng đi đất và mang mã tấu, họ được tuyển trong số tù hình sự ác ôn nhất.

Trong ngạch đề lao cai quản nhà tù thì Giám thị trưởng (thường gọi là Xếp chánh) là nhân vật quyền uy thứ hai sau Quản đốc. Xếp chánh nắm trọn quyền cai quản tù nhân về mặt an ninh trong các trại giam, điều phối lao động khổ sai cho các sở tù và đích thân điều khiển công việc khổ sai của tù nhân hằng ngày, trực tiếp chỉ huy các gác dang người âu cũng như các giám thị người Việt.

Theo quy chế nhà tù, Xếp chánh có nhiệm vụ báo cáo tình hình tổng quát của nhà tù về các mặt công việc, kỷ luật, tình hình sức khỏe của tù nhân; cai quản trực tiếp các giám thị người âu và ma tà, điểm danh họ hàng ngày; mỗi tuần một lần khám vũ khí, đạn dược để báo cáo với Quản đốc về tình trạng, nguyên nhân hao hụt; đêm phải đi tuần trong các banh một lần, giữ tất cả các chìa khóa phòng giam do giám thị trực chuyển giao; thay mặt Quản đốc giải quyết những việc lặt vặt liên quan đến trật tự và vệ sinh trại giam; xem xét số lượng, chất lượng thực phẩm phân phát cho tù nhân; đích thân trông coi tình trạng cửa ngõ và chấn song sắt các banh và phải chịu trách nhiệm bảo đảm các ghe thuyền đậu trên bến khỏi bị tù lấy cắp để vượt đảo.

Là nhân vật quan trọng thứ hai trên đảo, Xếp chánh có đời sống vật chất rất đầy đủ, không thua kém gì ông Lớn.

Giám thị người Âu ở Côn Đảo có ưu thế rõ ràng hơn giám thị người Việt, họ được giao giữ chìa khóa các khám, các banh, được trang bị súng ngắn và súng trường, lưỡi lê và kiếm. Giám thị người Việt không được giữ chìa khóa, muốn mở cửa khám nào thì phải hỏi giám thị người Âu, dùng xong phải trao trả ngay, sau khi khóa cửa, giám thị người Âu lại đích thân kiểm tra lại. Nhà ở cũng riêng biệt. Giám thị người Âu có quyền khám xét tất cả mọi thứ mang vào khám, hoặc mang ra khỏi banh, dù là do ma tà đem. Họ làm nhiệm vụ tuần phòng trong banh, theo quy định chỉ ban đêm đi tuần mới được mang súng. Họ phải chịu bồi hoàn những tổn thất do tù nhân gây ra nếu như họ trông thấy mà không báo với Giám thị trường. Ở Côn Đảo có chừng trên dưới 40 giám thị người Âu hoặc người gốc các nước khác nhưng có vào làng Tây, tù nhân gọi họ là “gácdang” (gardien).

Ma tà (giám thị người Việt) dưới quyền của giám thị người Âu, chịu trách nhiệm dẫn tù đi làm, đưa về banh, chịu trách nhiệm về công việc khổ sai của tù. Quy chế nhà tù ghi rõ : “phải cứng rắn với đám tù nhân và không được giao dịch với họ”. Ma tà được ở ngoài banh với gia đình, chỉ được phép vắng mặt nếu được Quản đốc hay Giám thị trưởng cho phép. Số lượng ma tà làm việc trong ngày do Quản đốc ấn định căn cứ báo cáo của Xếp chánh. Họ phải báo cáo rõ với Xếp chánh về tình hình thực hiện công việc, tình hình kỷ luật của đám tù nhân. Hằng ngày được lãnh khẩu phần, gồm 1 kg gạo trắng, 250 gam cá khô hoặc 400 gam cá tươi nếu có, một năm được 2 chiếc chiếu.

Nhân viên Nhà tù Côn Đảo là lực lượng đàn áp được bọn thực dân tin cậy, tuyển chọn trong đám binh lính và sĩ quan đã mãn hạn, phần lớn là những tên hung ác, tàn bạo, nham hiểm và quỷ quyệt, chúng không hề chùn tay trước một tội ác nào. Theo quy chế nhà tù, chỉ có Thống đốc Nam Kỳ mới được quyền cách chức chúng, luật pháp và báo chí thực dân hết lòng bảo vệ những hành vi man rợ của chúng đối với tù nhân.

Với hệ thống trại giam kiên cố, canh gác cẩn mật, trên một hải đảo trơ trọi giữa biển khơi sóng dữ, với chế độ tù đày man rợ , những thủ đoạn giết tù tinh vi , thâm hiểm, với bọn quản ngục khát máu, không còn tính người . . . Nhà tù Côn Đảo thật sự là “một lò sát sinh khổng lồ” mà thực dân Pháp đã xây nên nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng nước ta.

Trong những năm tháng dưới ách nô lệ, biết bao người Việt Nam yêu nước đã bị lùa vào lò sát sinh này. Chân xiềng, tay xích, trần trụi giữa bầy sói, họ đã hiên ngang chấp nhận cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù bằng tấm lòng “trung với nước, hiếu với dân”, bằng y chí kiên cường “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và cuối cùng họ đã chiến thắng.

Những hình thức đàn áp người tù

Tù nhân Côn Đảo bị kêu những loại án sau đây: án cấm cố, án phát lưu, án phóng trục, án khổ sai, án giam, án lưu. Những người tù chính trị thì bị nêu kêu ba loại án: cấm cố, phát lưu và phóng trục. Án khổ sai và án giam là chung cho tù chính trị và thường phạm. Án lưu dành riêng cho tù thường phạm.

Án khổ sai chia ra hai loại; khổ sai chung thân (hạn tù 32 năm) và khổ sai có thời hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 20 năm. Trên thẻ bài của tù khổ sai chung thân có ghi thêm chữ P. P. (à perpétuité).

Án phát thường gọi là “đi đày”, cũng có loại phát lưu chung thân và phát lưu có thời hạn. Trước năm 1930, có loại phát lưu người tù bị nhốt trong banh không được ra ngoài và có loại phát thường, tù nhân được ra làm ở ngoài banh. Nhưng sau này bọn Pháp bỏ sự phân biệt đó.

Án cấm cố: chỉ tù chính trị mới bị kêu loại án này. Án cấm cố cũng chia ra hai loại: cấm cố chung thân và cấm cố có thời hạn 10 năm hay 20 năm.

Án phóng trục là cho người bị kêu án đi ở một nơi khác sinh sống, làm ăn nhưng chịu sự kiểm soát của quan cai trị địa phương, có thể mang theo gia đình. Ví dụ trường hợp cụ Lương Văn Can, bị phóng trục sang Campuchia sau khi phong trào Đông kinh nghĩa thục bị đàn áp.

Tùy theo tội nặng nhẹ vi phạm trong nhà tù, người tù chính trị có thể còn bị cấm cố hầm hay là cấm cố xà lim. ..

Án lưu là loại án của tù thường phạm.

Từ khi thành lập cho đến hết chiến tranh thế giới lần thứ I, tù thường và tù chính trị ở Côn Đảo đều bị giam chung, không có sự phân biệt. Lớp tù “quốc sự phạm” đầu tiên ra đảo là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế… phải đấu tranh mãi, bọn Pháp mới chịu giam riêng ở khám B (gồm khám 6 và 7 của Banh I). Đến năm 1916, theo quy chế mới của nhà tù, mới có sự phân loại tù, nhưng lại theo tiêu chuẩn riêng. Người tù được chia thành 3 hạng, căn cứ vào tình trạng tội phạm nặng hay nhẹ, hạnh kiểm xấu hay tốt, làm khổ sai chăm hay nhác, do giám thị đánh giá.

Hạng I gồm tù nhân được điểm tốt nhất. Tù nhân loại này có thể được ghi tên vào danh sách ân giảm, ân xá hoặc được phóng thích có điều kiện nhưng phải do thống đốc Nam Kỳ đề nghị lên thượng cấp xét duyệt. Loại tù này có thể được nhận làm “công nhân tư gia”, làm ở các văn phòng.

Hạng II gồm các tù nhân có thể được sử dụng vào việc khai thác thuộc địa và làm những việc công ích khác.

Hạng III là loại kém nhất, phải làm công việc khổ sai nặng nhọc nhất, khi cần thì nhốt riêng (biệt giam). Từ hạng III muốn lên được hạng II, người tù phải làm khổ sai ít nhất hai năm trong cấp phân loại ban đầu. Từ hạng II muốn được lên hạng I, nhất thiết phải trải qua thời gian khổ sai bằng nửa mức án. Với những người bị kêu án khổ sai chung thân hoặc 20 năm khổ sai thì ít nhất phải trải qua 10 năm lao dịch rồi mới hy vọng được đề nghị.

Thăng hay giáng hạng tù phải do chính quyền cấp trung ương quyết định dựa vào đề nghị của Quản đốc nhà tù. Những tù nhân bị phạt nhốt hầm đều bị Quản đốc đánh sụt hạng.

Trên thực tế ở Côn Đảo, sự phân loại tù cơ bản nhất bao giờ cũng vẫn là sự phân biệt giữa tù chính trị và tù án thường.

Đem so sánh sự thật kinh khủng về đời sống tù nhân với những lời lẽ trong mấy bản quy chế (phần nói về tổ chức lao động khổ sai, nhiệm vụ của người tù), chúng ta dễ dàng nhận thấy những nhà làm luật thực dân ở Đông Dương trước kia quả là những người xuất sắc (!) Họ có biệt tài trang trí nơi để máy chém thành một vườn hoa tươi đẹp!

Lời lẽ ở đây thật là dễ nghe, nào là người tù nhân phải tuân lệnh Quản đốc và các giám thị, phải giữ gìn sạch sẽ sân chơi, chỗ ngủ, nhà bếp, không được ăn trầu, không hút thuốc trong khám, không được vẽ bậy lên tường, cấm làm ồn, cấm hút thuốc phiện trong khám… Nhưng trên thực tế, để dập tắt những hình thức đấu tranh tập thể của người tù, quy chế Nhà tù Côn Đảo 1873 chỉ cần ghi: “Tuyệt đối cấn nói chuyện ồn ào, những cuộc hội họp, những lời thỉnh nguyện hay yêu cầu tập thể”.

Để vắt kiệt sức lao động của người tù, quy chế ghi rõ: “Về vấn đề tổ chức công việc làm cho tù nhân thì công việc phải được phân phối sao cho không để một người tù nào rảnh rỗi”.

Mọi quyền hành ở Nhà tù Côn Đảo đã trọn quyền ủy thác cho Quản đốc, “ông Lớn muốn làm gì thì làm, chỉ cần ngài có báo cáo về Sài Gòn là được Quy chế nhà tù đã khăng định điều ấy: ‘(Nếu xét cần trong việc duy trì trật tự, an ninh và vệ sinh thì những biện pháp thích hợp sẽ được áp dụng do lệnh của Quản đốc, miễn là Qủan đốc có tường trình lên ngài Giám đốc Nội vụ ở Phủ Thống đốc”. Thân phận người tù Côn Đảo gần như tuyệt vọng:

“Côn Lôn đi dễ khó về.

Sống nương Núi Chúa, thác về Hàng Keo”.

Khó về vì Nhà ngục Côn Đảo có quá nhiều những biện pháp giết dần giết mòn người tù: ăn không đủ sống, ở không đủ chỗ, thở không đủ không khí, tắm không đủ nước, ốm không đủ thuốc men, mặc không đủ quần áo, rét không đủ chiếu, làm không kịp thở, chết không quan tài, không bia mộ… Trong khi đó ở Côn Đáo lại quá thừa xiềng gông, roi vọt, xà lim, hầm tối; thừa cai ngục tàn bạo, trắng trợn, ngu xuẩn, tham lam; thừa mánh khóe bịp bợm để đàn áp, lừa mị.

Tổ quốc đã mất độc lập tự do, người dân bị bức vào con đường chết. Cái chết ở Nhà tù Côn Đảo được bọn thực dân tổ chức như thế nào? Cái lò sát sinh này đã ngốn hàng vạn con người bằng cách nào? Để làm sáng tỏ phần nào vấn đề ở đây chúng ta xem xét trên những nét đại cương nhất của chế độ Nhà tù Côn Đảo đối với đời sống người tù.

Côn Đảo là nơi tập trung tù án nặng từ các nhà lao khác đưa về đày biệt xứ, những người đứng đầu các phong trào, các đảng phái chính trị, những đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là những người mà địch liệt vào loại “nguy hiểm” bậc nhất đối với nền thống trị của chúng ở Đông Dương. Cho nên chế độ Nhà tù Côn Đảo cũng khắc nghiệt vào bậc nhất.

Chế độ ăn uống, mặc, ở

Chế độ ăn uống ở Nhà tù Côn Đảo vô cùng thiếu thốn, khổ cực. Theo quy chế, hằng ngày tù nhân được ăn 0,750 kg gạo; 0,250 kg cá; 0,020 kg mỡ; 0,010 kg muối, nhưng thực tế, bọn chủ thầu đã thông đồng với bọn chúa đảo, cai ngục bớt xén phần lớn. Chúng cho tù ăn cơm gạo lức hẩm lẫn trấu, thóc, cát sạn, mảnh sành… đến nỗi tù phải đổ nước cho trấu nổi lên, cát sạn lắng xuống, rồi gạn lấy cơm mà ăn. Vậy mà ăn cũng không đủ cầm hơi.

Trong những năm 1943-1944, máy bay Đồng Minh phong tỏa đường biển giữa Sài Gòn và Côn Đảo, khẩu phần ăn của tù nhân rỗi ngày được một bát rưỡi cơm phải giảm xuống còn một bát. Ngay cả những lúc tiếp tế dễ dàng như những năm 1934-1936, suất ăn của tù nhân cũng không bao giờ đủ.

Kíp đốn gỗ phải làm việc cực nhọc thế mà người tù vẫn phải “đi bới củ rẫy, củ nưa rừng trộn vào cơm ăn cho đầy dạ dày để có sức làm việc”. Cá khô là thức ăn chính của người tù nhưng lại toàn là thứ cá vụn, cá cơm, cá sặt, cá thác lác, vừa bé, vừa lắm xương, lại có mùi dầu rất khó ngửi. Đó là loại cá vừa đen, vừa đắng dùng làm phân bón mà bọn chủ thầu mua tranh với bọn chủ ruộng để làm thức ăn cho người tù. Nguyễn An Ninh gọi đó là “Vitamin Đ.A.” (Đ là đắng, A là amer tiếng Pháp cũng có nghĩa là đắng).

Huỳnh Thúc Kháng cũng có bài thơ ngắn tả mâm cơm tù Côn Đảo hồi những năm đầu thế kỷ:

Cá khô mặn như muối

Cơm lức đen như sắt

Bảy người chung một mâm

Ngồi lết cứ xực gắt.

(Thi tù tùng thoại)

Có điều trong bài thư không nói đến ruồi. Ruồi đậu vào mâm cơm nhiều đến mức người tù gọi “cơm xôi đỗ” Đó là nguyên nhân cái chết vì bệnh kiết lỵ của cả ngàn tù chính trị trong những năm 1940-1944. Khẩu phần rau còn đáng sợ hơn nữa, khi là những thân cây chuối dại thái to, khi là rau sam, rau càng cua, rau dền dại, tất cả các loại rau này đều hái trên núi, khi thì rau khoai lang vừa già vừa xơ, nhai mãi cũng không nổi.

Một nhà báo không ít cảm tình đối với chế độ tù đày của Nhà tù Côn Đảo cũng phải ghi nhận: “Điểm đen trong vấn đề thực phẩm là rau cung cấp còn kém. Về nguyên tắc cứ 14 ngày mới có một chuyến tàu thủy liên lạc với đất liền. Nhưng đôi khi do chủ hãng thất tín, tàu không ra đúng hạn và nhà tù có lúc phải 4-5 tuần liền không được ăn rau tươi”. Trong điều kiện đó, không thể nào có được bầu, bí, dưa chuột, khoai, đậu, cà chua, xà lách từ Sài Gòn gửi ra, người ta dành phần cho tù nhân ăn mồng tơi dại, rau chuối, khiến cho các ông tù chính trị nổi giận, làm đơn khiếu nại luôn”.

Có lẽ nhà báo muốn nói đến việc cung cấp rau tươi cho mấy ông Tây gác đề lao, từ Sài Gòn chở ra! Rau tươi cho người tù là cỏ mần trầu, búp bàng quơ vội trên đường đi lao dịch mặc cho roi vọt của cai ngục giáng xuống đầu. Nước mắm tất nhiên là loại tồi: muối pha nước lã đến 70% , ngửi mùi đến lộn mửa. . . Quanh năm giống như nông dân Pháp thời Trung cổ, tù nhân chỉ được nếm thịt có hai lần, đó là vào dịp Tết và 14 tháng 7.

Sở dĩ chúng ta dừng lại tỉ mỉ một chút về việc ăn vì đó là nguồn sống duy nhất để người tù bù đắp sức lao động khổ dịch hằng ngày phải đổ ra. Mức lao động của họ ít nhất phải gấp 3 lần người bình thường. Vả chăng trong sách báo chính thức của thực dân, chúng ta gặp không ít những nhận định, đánh giá “khách quan và vô tư, của những người có thẩm quyền nhất.

Bác sĩ Nhà tù Côn Đảo, đại úy Cuốcđuyriê, phụ trách y tế ở đảo từ 1937 đến 1938 đã nói:

– Lượng calo trong khẩu phần tù nhân còn cao hơn khẩu phần của người lính Việt Nam cơ đấy!

Quản đốc Nhà tù Côn Đảo thì nói:

– Các tù nhân mới đến, cứ ba không cân một lần thì thấy trọng lượng của họ tăng từ 5-6%. Có một tên tù tăng đến 14 kg!

Chúng ta đều biết “ông Lớn” Buviê không hề có ý định khôi hài khi trả lời một nhà báo khả kính. Những điều khẳng định của những nhân vật có thẩm quyền nhất trên đảo đã khiến cho ông Đơmariô (Demariaux) hoàn toàn yên tâm hạ bút:

“Vấn đề thực phẩm cho tù nhân đã được thực hiện một cách tiến bộ. Công lao đáng ghi cho ông Pagie Thống đốc Nam Kỳ. Đây là khẩu phần hằng ngày: 800 gam gạo, 200 garn cá khô; 3 gam trà; 20 gam mỡ, 50 gam nước nắm; 150 gam rau.

Ngoài ra, còn 400 gam thịt mỗi tuần lễ, và thỉnh thoảng khi câu được cá tươi, bắt được vích thì tù nhân được ăn tươi thêm, mà Nhà nước cũng không tổn phí gì. Tù chính trị được uống trà Huế, thơm hơn các loại trà khác, được ăn nước mắm đóng trong chai chứ không phải nước mắm ca vò như ngày trước.

Cơm được xới vào bát ăn chứ không phải nắm riêng thành từng nắm như trước. Bát cháo ăn sáng của họ bây giờ cũng thật tinh tươm”.

Ăn theo thực đơn của Thống đốc Pagie thì làm gì mà tù nhân Côn Đảo không tăng trọng như “ông Lớn” Buviê nói. Vậy mà tù chính trị vẫn “không biết điều’, họ vẫn yêu cầu kiểm tra việc cân đong thức ăn. Những việc này tuyệt đối cấm vì như nhà báo giải thích, “để họ tham gia kiểm soát cân đong như thế thì cuộc sống ở Banh II sẽ có vẻ như lối sống Xô viết mất?!”.

Ở Nhà tù Côn Đảo cơm bao giờ cũng thiếu, thức ăn không bao giờ đủ, nhưng lùa cho được miếng cơm vào miệng cũng không dễ. Những ai nuốt không nhanh là không kịp ăn hết suất cơm của mình. Thế là họ vội vàng gói cơm vào khăn đem theo. Nhưng coi chừng! ăn rồi, trước lúc vào khám lại phải cởi cả quần áo để gác ngục khám xét. Đôi khi họ mang được trót lọt, nhưng không phải là hiếm khi bọn gác ngục phát hiện ra và họ bị phạt rất nặng. Những tên Đờrốtsơ (Deroch), Títnê (Tisné), Musađo (Mouchador), Philông (Philon), đội Thanh, đội Trà, ma tà số 39 nổi tiếng khắt khe về vấn ớ này.

Mỗi năm, cứ đến ngày 14 tháng 7, ngày Quốc khánh Pháp và ngày Tết, tù được phát một bộ quần áo xanh vải Nam Định, quần chỉ quá đầu gối, áo ngắn mặc hở cả bụng, khâu dối chưa mặc đã tuột chỉ. Quần áo không đủ, độc một bộ như thế làm sao đủ mặc trong 6 tháng. Lao động khổ sai suốt ngày, người đầy bụi bặm đất cát nhưng không được tắm rửa. Một tuần hai lần, người tù được tắm không quá 15 phút.. Họ phải ngồi xếp hàng rồi cho nước xối qua một lượt, kỳ cọ rồi lại xối một lượt nửa, chưa hết bọt xà phòng cũng mặc, vào chậm là ăn đòn. Mọi yêu sách về điểm này đều được trả lời bằng hình phạt nhốt hầm tối, cùm, xiềng. Ghẻ lở là điều khó tránh khỏi.

Các khám giam đều giống nhau ở chỗ chật chội, thiếu ánh sáng và không khí. Những khám ở Banh III lại còn hẹp hơn, chứa được từ 40 đến 50 người tù, nhưng chúng thường nhốt đến 80 có khi hơn 100 người. Sau trận bão cuối năm 1930, nhiều banh bị tốc mái, người tù ở ngay trong nhà mà hàng tháng phải chịu đựng cảnh màn trời chiếu đất. Đấu tranh mãi, bọn gác ngục mới chịu để anh em cắt cỏ tranh về lợp. Lúc đó tù phải dồn lại, nằm ép vào nhau mới đủ chỗ.

Trong những năm từ 1936 đến 1939, số đông tù chính trị được thả, nhà tù có rộng ra đôi chút. Nhưng lại tiếp liền đến thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II, địch ra tay khủng bố, nhất là sau Nam Kỳ khởi nghĩa, mỗi khám nhốt đến hơn 200 người, nằm như nêm cối, phải “xếp thìa” mới tạm có chỗ nghỉ ngơi.

Dựa theo 4 bức tường khám là 4 sạp dài bằng xi măng, 3 cái liền nhau hợp thành hình chữ U, có khám sạp không liền, tùy theo vị trí của cửa “rôn” và của cầu tiêu. Sạp được dùng làm chỗ ngủ cho người tù, đầu quay vào tường, phía chân có còng sắt gắn liền với bệ sạp. Đối diện với cửa “rôn” là cầu tiêu, xây lọt ở đằng sau khám. Cầu tiêu có khe nhỏ, gió lọt vào mát, thoáng khí hơn chỗ khác. Nhiều khi nóng bức quá, anh em tù hay vào đó hóng gió, hít thở tuy chẳng có nhu cầu đi tiêu.

Do chật chội như vậy, tù nhân phải tự thu xếp với nhau mới đủ chỗ nằm nhất là phải tổ chức thay nhau đổi chỗ nằm, luân phiên nhau cùng “hưởng” không khí ở những nơi gần cứa “rôn” hay cửa cầu tiêu. Khi khám giam quá đông, người tù phải luân phiên nhau cho số này nằm, số kia ngồi. Những người ốm yếu mới được “ưu tiên” chỗ nằm. Tuy vậy, vẫn có một số phải nằm phía gần sát cầu tiêu hôi thối, dòi bọ bò cả người, lên mặt, lúc trở mình dòi bọ lép nhép dưới lưng.

Trong khám giam không khí vừa thiếu vừa ngột ngạt. Mấy khe cửa sổ hẹp ở trên đầu tường tiếp giáp với mái nhà, bọn cai ngục còn bịt kín bằng những miếng tôn trổ những lỗ nhỏ như đầu đinh. Không ít người bị cùm và nhốt hầm vì đấu tranh đòi gỡ mấy miếng tôn đó.

Cả ngày bị nhốt trong khám giam, người tù chỉ được ra sân trong giờ ăn cơm, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 phút và mỗi ngày 2 lần tù cấm cố được phép ra ngoài sân độ 45 phút. Thời gian đó chỉ đủ hít thở không khí mà thôi.

Từ năm 1935 đến năm 1939, do đấu tranh manh, thời gian cho tù ra sân được tăng thêm, được xuống hẳn sân chứ không chỉ quanh quẩn trong dãy hiên. Hạnh phúc biết bao khi thấy khoảng trời xanh qua tán lá bàng; khi nhìn những vệt nắng ấm áp lay động trên ngực, trên lưng mình, lưng bạn; khi được hít căng không khí trong lành.

Lao động khổ sai

Mỗi suất làm khổ sai ngoài đảo nhiều gấp 3, gấp 4 mức lao động bình thường. Làm khổ sai ở sở nào cũng có thể chết người vì mức lao động quá cao, vì công việc làm nguy hiểm, an toàn lao động không có, vì điều kiện lao động khắc nghiệt, không đủ cả công cụ thô sơ, vì sơn lam chướng khí, vì đòn roi hiểm ác của cai ngục. Người tù có khi chết vì sơ ý, tạo thời cơ cho cai ngục lĩnh thưởng1. Khủng khiếp nhất là làm khổ sai ở Sở Củi và Sở Chỉ Tồ ri .

Sở Củi nằm ngay tại cơ sở chăn nuôi của nhà tù do xếp Chuồng Bò điều khiển. Sở Chuồng Bò có bộ phận tù chuyên chăm sóc đàn bò sữa, bò thịt và heo để cung cấp cho bọn gác ngục. Bộ phận Sở Củi thường xuyên có trên dưới 100 tù nhân. Họ có trách nhiệm đốn các loại củi về cung cấp cho nhu cầu toàn đảo.

Bọn chúa ngục dùng sở này để tiếp tục đày đọa những người vượt ngục không thoát, sau khi đã nếm đủ các ngón đòn ở Sở Truy tầm. Mãn hạn nhốt hầm sau hai tháng, họ lại sống sót từ Hầm xay lúa trở về đây. Đến Chuồng Bò thì họ đã gần thành người tàn phế. Tù khổ sai ở Sở Củi – Chuồng Bò phải kiếm bốn loại củi trong một ngày.

Củi banh là loại củi thường, để nấu ăn cho tù trong các banh, loại củi này tương đối dễ kiếm. Củi lò vôi, lò gạch, lấy khá vất vả vì phải hạ những cây lớn, chặt ra từng khúc, có khi phải đánh cả những gốc cây to về nung vôi. Khổ nhất là kíp lấy củi nhà đèn và củi hầm than. Củi dùng làm nhiên liệu chạy máy phát điện cho toàn đảo thì phải chọn loại gỗ tốt, đường kính từ 20 cm trở lên, dài đúng một mét. Củi để hầm than cũng phải dùng gỗ tốt, đường kính từ 10 đến 15 cm.

Vì sợ tù trốn, bọn giám thị không dám cho tù đi đốn xa, chỉ có mấy khu rừng gần, đốn đi đốn lại mãi cũng hết gỗ. Để định mức củi hằng ngày, bọn cai ngục cho mấy phạm nhân sức vóc cao lớn, khỏe mạnh, ăn no, uống đủ rồi khoán cho họ một ngày phải kiếm cho được hai thước củi.

Được bồi dưỡng trong cả tuần chỉ để làm trong một ngày, những người này lấy được đủ số lượng mà chúng khoán. Thế là định mức chung cho Sở Củi đã được định đoạt: trong tuần lễ đầu, những người mới làm phải nộp nửa thước, đến tuần thứ hai thì cứ một thước rưỡi mà nộp. Thiếu củi thì bị đánh ngay tại chỗ, trước mặt cả kíp.

Ăn uống kham khổ thiếu thốn, cây rừng đủ quy cách thì khan hiếm, đường dốc, mưa trơn, vắt, muỗi đủ thứ. . . Nhưng bọn chúa ngục vẫn mặc kệ! Cứ phải đủ số lượng. Tuy đã làm việc cật lực, chân tay rã rời, kiệt sức mà vẫn không sao lấy đủ số củi hằng ngày, ít có người tù nào thoát khỏi roi vọt của gác dang, ma tà, cho nên họ đành phải bỏ trốn. Trốn không thoát lại bị phạt hầm, phạt xiềng, phạt ở Hầm xay lúa. Tuy vậy, vẫn có người tù khổ sai bị phạt đến lần thứ 20 vì đã bỏ trốn!

Không thể vin cớ ốm đau, bệnh hoạn để chuyển sớ. Có người đã phải tự chặt ngón chân, ngón tay, chịu nằm hầm tối còng chân vì tội “tự hủy hoại thân thể” mới thoát khỏi khổ dịch ở Sở Củi.

Công việc khổ sai ở Chỉ Tồn bao gồm những công việc ở xung quanh thị trấn, nặng nhất là việc kiếm san hô. Trước năm 1930, kíp Chỉ Tồn ở trong các khám 2, 3, 4 thuộc dãy bên phải Banh I, phải làm những việc cực nhọc như: dọn tàu, xe gạch, củi, đá, làm đường, kiếm san hô. Rất nhiều tù chính trì bị kết án khổ sai cũng làm việc ở đây. Dưới sự điều khiển trực tiếp của xếp Banh I, còn có cả bầy gacdăng, ma tà hung ác và có lính mang súng đi kèm ốp. Các kíp Chỉ Tồn thường bị đòn roi nhiều nhất.

Dọn tàu

Thông thường cứ cách hai tuần lại có một chuyến tàu chở thóc, cá khô và hàng hóa ra đảo. Kíp tù khổ sai ở Chỉ Tồn phải đưa khoảng 50 đến 60 người ra dọn tàu. Công việc nặng nhọc này đã được cụ Huỳnh Thúc Kháng nói đến trong bài thơ Dọn tàu:

Việc gì rất ghê người

Tàu chở hàng đã tới,

Sẽ rước trận đòn lớn,

Sắc mặt trắng như vôi!

Vịnh Côn Lôn cạn, tàu lớn không vào được thường phải từ Vịnh Cỏ Ống men theo lạch nước sát Hòn Bảy Cạnh tới đậu gần Đá Trắng, (nơi có một tảng đá lớn quét sơn trắng làm chuẩn cho tàu bè tới đậu). Muốn lấy hàng, phải đưa sà lan nhỏ ra dỡ hàng chuyển vào bờ làm nhiều chuyến. Kíp dọn tàu phải đưa hàng từ hầm tàu lên, chuyển qua sà lan, đưa vào bờ, bốc hàng chất lên bờ rồi lại từ đó chuyển vào kho.

Kíp dọn tàu phải khuân vác từ sáng sớm đến chiều tối, đêm phải chong đèn làm, đến khi hết hàng mới được nghỉ. Những giỏ cá khô nặng 50 kg, những bao thóc nặng 60-70 kg đè nặng trên vai, trên lưng những thân tù gầy yếu, đi không vững. Nhiều người bước không nổi, ngã gục vào thành kè đá bao hàng đè sấp lên người. Chỉ chờ có thế, bọn cai ngục lập tức xúm lại quật gậy hèo vào đầu, vào lưng người tù. Đáng một thì chúng đánh mười, vì thường thường tên Quản đốc và Xếp chánh đều hay có mặt trong những buổi dọn tàu. Người tù chỉ còn cách thu hết sức lực còn lại vác cho được bao hàng bước đi cho thoát đòn.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng kể lại: “Lúc chúng tôi ra đảo có dọn tàu hai lần, rất là tê mê bải hoải, rước lấy vô số là roi! Đám “quan to” (tù thường phạm thường gọi các cụ văn thân – những ông tiến sĩ, ông nghè, ông cử… là bọn quan to – T.G) duy có hai ông Phong Thử và Ngô Xá là vác nổi bao lúa nặng 60 hg, còn bao nhiêu đều qụy liệt cả đến hai người cũng không rê nổi… có đánh cũng chỉ nằm quay ra đó mà chịu, không làm nổi việc!”. (Thi tù tùng thoại).

Đập đá, làm đường

Kíp tù khai thác đá hộc ở chân Núi Chúa phải lên núi khoan lỗ, nổ mìn, đập đá, khuân đá, xếp lên xe đẩy về. Khi nổ mìn, mảnh đá văng lung tung, không mấy ngày không có người bị thương. Nạn sập đá xảy ra luôn, lớn nhất là vụ sập đá tháng 9 năm 1932 làm chết tại chỗ 5 người, trong đó có 3 người tù chính trị và làm bị thương nhiều khác.

Bọn coi tù phải điều động hàng trăm người ở những chỗ gần đó đến kích những tảng đá lớn để lấy xác hoặc moi những người bị thương ra. Cảnh tượng rất thương tâm: kẻ gấy tay, cụt chân, người vỡ đầu, phọt óc, lòi ruột gan ra ngoài, máu me bê bết.

Một tù nhân Côn Đảo thời kỳ 1939-1945 cho biết: khoảng trước chiến tranh thế giới, những người trong kíp đập đá Sở Chỉ Tồn còn thấy có một tấm bia dựng ở công trường đá Núi Chúa ghi lại một tai nạn sập đá: 19 người bị chết, 7 người bị thương nặng, 11 người bị thương nhẹ. Tù nhân Sở Chỉ Tồn đã tuyệt thực 5 ngày để phản đối chế độ khổ sai giết người và dựng bia kỷ niệm những người bị nạn, trừng phạt bọn cai tù ở công trường đập đá và cải thiện chế độ lao dịch quá nặng nề. Kíp chở đá còn khó nhọc hơn kíp chở củi, xe gạch. Đường xấu, xe đầy ắp, nặng lặc lè , làm rất cẩn thận mà có lúc xe cũng đổ, gây tai nạn.

Gần 50 km đường rải đá chạy từ Cỏ Ống đến quá Bến Đầm và các nhánh trong thị trấn Côn Đảo, chạy vòng phía trước Núi Chúa là mồ hôi nước mắt của tù khổ sai trong kíp làm đường. Hằng ngày họ phải gò lưng dưới nắng rát, chân đạp lên mặt đường trải đá dăm sắc cạnh, ra sức kéo trục hồ lô lăn đường nặng cả tấn.

Trong khi đó “bọn ngục tốt chực sẵn bên cạnh. Thấy ai hưi trễ nải một chút là múa hèo, múa gậy giáng xuống chan chát, không hề nới tay, mặc hệ cho tù bể đầu, gãy xương. Nhanh lên, mau lên! Làm hối hả đi! Bả vai, chân tay bị thương đau đớn mồ hôi ra như tắm ướt đẫm, thân lưng trần trụi trông rõ lằn ngang, lằn dọc dày đặc”1.

Đó là tình cảnh những người tù khổ sai đang đổ sức ra để nối dài thêm từng tấc đường trên Hòn Côn Lôn dưới thời thuộc Pháp.

Đốn gỗ

Kíp tù khổ sai đốn gỗ có khoảng 70-80 người, họ phải lang thang khắp các cánh rừng ở Đá Trắng, Đất Dốc, Bãi Bàng, Bãi ông Câu, Bãi ông Lân… để đốn gỗ về xây dựng nhà cửa và đóng đồ dùng cho bọn cai ngục. Họ phải làm quần quật từ 5 giờ sáng đến 5 giờ 30 tối, hạ những cây gỗ to, đường kính trên 80 cm, rồi cả bọn xúm lại kéo xuống bãi biển, kết bè chở về xưởng cưa trên đảo.

Kéo những cây gỗ lớn từ đỉnh núi xuống bãi biển là một công việc nặng nhọc và nguy hiểm, đòi hỏi phải có kỹ thuật. Nhiều người tù đã bị gỗ đè vỡ đầu, gãy chân. Khi con nước lên muộn, họ phải cột bè và chèo chống suốt đêm. Có lần, vào đêm 28 rạng ngày 29 tháng 7 năm 1931, một con sóng lớn xô bè gỗ đập vào một mỏm đá, vỡ tan. Kíp kéo gỗ may không ai bị chết. Tất cả mọi người đều ướt sũng nước biển, rét run. Vậy mà tên ma tà Trần Văn Giáp đánh họ một trận thừa sống thiếu chết, rối lại xua họ vào rừng, bắt làm đủ một bè gỗ khác thay vào, không cho người tù ăn uống, nghỉ ngơi. Hai người bị phạt hầm tối và bị đánh đập tàn nhẫn.

Mỗi tháng kíp đốn gỗ phải cung nạp từ 3 đến 4 bè gỗ mỗi bè từ 30 đến 40 cây. Tháng 10 năm 1934, kíp đốn gỗ ở Bãi Bàng gồm 90 người thì đã có tới 20 người mắc bệnh sốt rét nặng, 10 khác bị phạt Hầm xay lúa vì tội đã liều mạng bỏ trốn nhưng bị bắt lại. Còn lại 60 người tù, nhưng họ vẫn phải làm số lượng công việc của 90 người như cũ. Thiếu gỗ là đòn roi, phạt hầm tối và xiêng, cùm.

Trước khi bị phạt vì không nộp đủ số gỗ như đã định, nhiều người tù khổ sai đã bỏ mạng vì bị gỗ đè và sốt rét ác tính.

Lấy san hô

Ngay từ khi có Nhà tù Côn Đảo thì tù khổ sai đã phải lấy san hô để nung vôi. Bãi san hô ở ngay trước Vịnh Côn Đảo. Cồn san hô nổi lên từ bãi Lò Vôi chạy mãi đến gần Đá Trắng. Đó là nguồn nhiên liệu để nung vôi xây nhà giam và tất cả các kiến trúc khác trên đảo.

Kíp san hô có khoảng 80 đến 100 người tù khổ sai, làm việc theo con nước. Khi thủy triều rút, họ đem theo đòn xeo, choáng… và đẩy sà lan ra ngoài cồn san hô, cách bờ chừng 2 km. Nước chưa cạn hẳn, bọn gác ngục đã đẩy họ xuống, bắt ngụp lặn, đào bới, bẩy từng tảng san hô lên, rồi bửa nhỏ, chất thành đống. Khi nước lên trở lại, sẽ đưa sà lan tới, bốc lên chở về.

Mùa hè, nước lớn về đêm đến trưa hôm sau mới rút, kíp san hô phải đi làm từ 13 giờ đến nửa đêm. Mùa đông, nước lớn ban ngày, họ phải dầm mình xuống nước tử nửa đêm hôm trước đến trưa hôm sau. Da thịt người tù xám ngắt vì gió rét. Họ phải đi bộ từ Banh I đến Lò Vôi chừng 3 km, đẩy sà lan ra xa 2 đến 3 km nữa mới tới chỗ làm việc. Lấy đủ số san hô rồi lại phải chờ con nước lên, chất san hô lên sà lan chở về Lò Vôi. Giao nộp đủ rồi mới được về banh. Mỗi ngày làm khổ sai 12 tiếng, vừa đi vừa về mất thêm 3 tiếng nữa. Họ chỉ còn lại vài tiếng đồng hồ để trút nỗi cực nhọc xuống sàn, vật ra trên nền xi măng lạnh lẽo, nhớp nhúa, tối tăm ngạt thở cua khám giam.

San hô kết thành từng mảng lớn, phải tìm cho ra những khe hở giữa hai tảng san hô, dùng choáng đục cho rộng ra, người tù gọi là “mở miệng” rồi lùa những đòn xeo dài đến 5-6 mét vào, sau đó 5 đến 7 người xúm lại treo người lên đầu đòn xeo ráng sức bẩy mạnh cho bật tung tảng san hô.

Nhiều khi trượt chân, đứt dây buộc, hoặc đòn xeo bật mạnh quật trở lại, tung mấy người ngã xuống đám san hô tua tủa, sắc nhọn. Vỡ đầu, gẫy tay, gấy chân, đứt thịt, lòi xương… là chuyện thường xảy ra.

Lấy san hô trong những ngày nắng ráo đỡ vất vả nhọc nhằn hơn khi gặp phải những ngày mưa gió. Người tù phải ngâm mình dưới nước cả chục tiếng đồng hồ. Đói rét, mệt vẫn phải làm, ngơi tay một chút là roi gân bò, mây tầm vông bổ xuống đầu. Nhiều anh em tù ở Sơn La mới ra bị sốt rét nhưng vẫn phải đi làm, dù có lên cơn sốt rét ngay giữa biển đi chăng nữa.

Có khi trời sắp nổi cơn giông, bọn gác ngục vẫn xua tù ra biển. Vừa ra khỏi bờ thì bị mưa ập đến, gió thổi bạt cả xà lan. Tù nhân phải nhảy xuống nước, ghì mỏ neo vào một tảng san hô lớn, rồi cả bọn ôm lấy nhau chống với gió rét. Bớt gió mới xúm nhau lại đẩy sà lan vào bờ.

Kíp san hô mỗi chuyến đi mỗi người phai nộp 40 tảng đá to bằng cái nón lá. Có khi nước lên đến cổ rồi mà lấy vẫn chưa đủ nhưng bọn gác ngục vẫn bắt người tù phải ngụp lặn, dù sao cũng phải nộp đủ, nếu không thì đòn roi tại chỗ, xiềng ngay trong khám giam, nhốt hầm tối…

Cả ngày ngâm nước biển đầy bùn rác cũng không được tắm. Nếu đòi tắm lập tức sẽ bị đòn roi, hầm xiềng vì tội “dám đưa yêu sách tập thể”, trái với quy chế nhà tù. Đằng nào cũng chết! Nhiều người chọn cái chết chóng vánh: tự tử! Có người đã thắt cổ tự tứ trên cành cây ngang lối thường đi của chúa đảo. Có người trèo sẵn trên cây, đợi “ông Lớn” đi kiểm tra ngang qua, nhảy bổ từ trên cao xuống, đâm đầu vào đống đá hộc cho tan sọ trước mặt kẻ thù. Năm 1934, có 4 đảng viên Quốc dân đảng, vì không chịu nổi chế độ hà khắc của nhà tù đã làm như vậy.

Người tự tử trước mặt chúa đảo Buviê là anh Bướu (quê ở Phú Thọ). Nhưng đến cả cái chết thương tâm như vậy, cũng không làm tên chúa đảo kịp mủi lòng. Không một thoáng cau mày, hắn cất cái giọng khàn khàn, lạnh lùng dằn từng tiếng:

– Thêm một thằng hay bớt một thằng, cũng chẳng sao.

Những hình thức kỷ luật trong nhà tù

Toàn bộ cuộc sống ở nhà tù được tổ chức để trừng trị người tù. Những hình thức kỷ luật nội bộ nhà tù là những biện pháp đàn áp, bó buộc người tù phải tuyệt đối tuân thủ những gì đã được tổ chức ra để trừng trị họ, nghĩa là buộc họ phải chấp nhận tình trạng chết dần chết mòn trong nhà ngục.

Những biện pháp đàn áp người tù là: đánh đập, tra tấn, nhốt trong khám, trong xà lim, trong hầm tối, trong những khu biệt giam, bắt lao động cực kỳ nặng nhọc ở khu Hầm xay lúa, Sở Củi…

Xiềng đơn, xiềng kép, xiềng hai người làm một, cùm một chân, cùm hai chân, ăn cơm nhạt, uống nước lã, bắt nhịn đói… là những hình phạt thường được dùng kèm trong khi sử dụng những biện pháp đàn áp nói trên. Đã là nhà tù đế quốc thì bất cứ ở đâu, Sơn La, Hỏa Lò (Hà Nội), Khám Lớn (Sài Gòn), Kon Tum hay Côn Đảo đều là những địa ngục trần gian đối với những người tù chính trị, những người cộng sản Việt Nam.

Ngày 29-10-1891, Tổng thống Cộng hòa Pháp Phêlích Phô (Félix Faure) ra sắc lệnh hủy bỏ kiểu hành hình bằng mã tấu, hủy bỏ hình thức phạt roi đối với tù nhân. Quy chế Nhà tù Côn Đảo cũng quy định giám thị không được quyền ấn định bất cứ hình thức nào đối với tù nhân, họ chỉ có việc báo cáo với gác dang phụ trách banh; muốn nhốt người tù vào hầm thì phải có lệnh của Thống đốc Nam Kỳ, nhưng ở Côn Đảo, ý muốn của chúa đảo của gác dang, ma tà là luật pháp. Chúng muốn đánh ai, đánh bằng gì, đánh lúc nào là tùy chúng. Có cớ cũng đánh, không có cớ cũng đánh, thích đánh là chúng đánh.

Ở Sở truy tầm, tù vượt ngục bị bắt phải chịu tất cả những ngón đòn tra tấn ác hiểm nhất, ở đó có cả dùi cui, roi song, roi gân bò, kìm sắt nung, hòm tra điện, nước xà phòng, kim cắm móng tay… Đã bị đòn ở đây, phải gan góc lắm mới không cung khai.

Phạt xiềng ở Côn Đảo có nhiều loại: xiềng đơn, xiềng kép, xiềng tạ, xiềng hai người làm một. Người bị xiềng phải kéo lê cái xiềng sắt nặng mắc vào hai cổ chân, xiềng dài 1,5 mét. Xiềng kép là khóa hai chân bằng hai sợi dây xiềng, có khi tới ba dây. Xiềng tạ là dây xiềng đèo theo một quả tạ tròn, nặng 5 kg. Các loại xiềng này ở Hầm xay lúa đều được áp dụng, kể cả lối xiềng hai người làm một, chân trái người này xiềng với chân phải người kia, rồi cứ thế mà đi làm việc. Những người bị cai ngục loại riêng, gọi là “những tên bất trị” ở khám 6 và 7 thuộc Banh I, năm 1935, lúc phong trào đấu tranh của tù nhân lên cao cũng bị xiềng hai người vào một. Những tù chính trị bị cấm cố hầm trong dãy xà lim Banh II cũng bị xiềng cả trong những giờ ra sân “hưởng không khí”.

Nếu người tù đã bị hình phạt nhốt ngay trong khám giam, ở xà lim hầm tối, hay ở khám giam đặc biệt như Khám trị an ở Banh III thì thường phải ăn cơm nhạt, uống nước lã và bị cùm một hay hai chân. Cường bức khổ sai ở Hầm xay lúa là hình thức cuối cùng trong danh mục các biện pháp trấn áp ghi trong quy chế Nhà tù Côn Đảo và cũng không nhà tù nào ở Đông Dương xưa kia có hình thức đày đọa người tù giống như vậy.

Trong nỗi tuyệt vọng, có một số tù thường phạm đã tìm mọi cách nói lên cho mọi người biết chế độ giết người ở Nhà tù Côn Đảo man rợ đến mức nào, nỗi thống khổ cùng cực của người tù như thế nào, dù phải chết dưới bàn tay kẻ thù. Huỳnh Văn Giáp đã làm được việc này. Anh bị truy tố về tội mưu sát một tên giám thị có tiếng hung ác là tên Arun (Aroul) và được ra cung khai trước tòa án xứ ở Sài Gòn. Anh khai rõ sự thật, làm cho quan tòa phải ngạc nhiên, công chúng thì xúc động:

“Đời sống của tù nhân chúng tôi ở Côn Lôn, thực không sao chịu đựng nổi. Làm việc quá sức người, ăn uống thiếu thốn và bẩn thỉu; ốm không có thuốc men, không được chạy chữa; ngoài ra bọn gác dang vô cùng tàn ác, hình phạt vô nhân đạo, lắm khi tôi tự hỏi, tôi có phải là người nữa không? Khi đánh đập, gậy gộc bố xuống đầu chúng tôi như mưa, khiến chúng tôi có những lúc phát điên lên, bởi vì không còn biết than thở nỗi khốn cùng đó với ai nữa.

Chính là trong những trường hợp đó mà tôi nảy ra ý nghĩ phải đập tên gác dang. Tôi nghĩ rằng, chỉ có làm như thế mới được đưa về Sài Gòn, đứng trước các vị quan tòa, rồi tôi sẽ thuật lại đời sống ở địa ngục của tù nhân Công Lôn, và dẫu rằng tôi có bị chém chết đi nữa, tôi cũng tự thỏa nhãn và tự an ủi mà chết”.

Huỳnh Văn Giáp là một người can án thường phạm, anh đã phát biểu ý kiến của anh một cách tự nhiên, rất đơn giản nhưng rất kiên quyết.

Đây chính là lời nhắn cuối cùng của một con người mà cõi chết đối với người ấy chẳng qua là một sự giải thoát, vì rằng cuộc đời ở trong nhà ngục chi là một cuộc đấu tranh kéo dài khốc liệt mà thôi”1.

Dưới chế độ thực dân, tố cáo tội ác của bọn thống trị trong các nhà tù là việc làm có tầm quan trọng lớn lao, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đấu tranh không ngừng của người tù chống lại chế độ tù đày, chống lại chế độ thực dân đã đẻ ra nó.

Đấu tranh của tù nhân Côn Đảo trước năm 1930.

Ngoài số thường phạm bị án nặng, thực dân Pháp dùng Nhà tù Côn Đảo để lưu đày những người tù chính trị ở Đông Dương thuộc đủ mọi phong trào, mọi xu hướng. Cuộc đối đầu chủ yếu ở Nhà tù Côn Đảo là giữa bọn thực dân và những người tù chính trị này.

Số tù chính trị đầu tiên ra Côn Đảo là những tù binh, những người bị bắt trong thời kỳ nhân dân ta đấu tranh vũ trang chống Pháp hồi cuối thế kỷ thức XIX, những người mà bọn xâm lược gán cho cái tội phiến loạn hay bạo kháng. Chiến tranh xâm lược càng mở rộng thì số tù binh và những người “phiến loạn” này càng nhiều.

Về thực chất, sở dĩ Pháp phái hối hả trong việc xây dựng Nhà tù Côn Đảo cũng chỉ là để giải tỏa những trại giam tạm thời ở Gia Định lúc nào cũng đầy ắp những người bị bắt. Lúc nào cũng có thể xảy ra những vụ phá ngục giải thoát tù nhân.

Khi hạ thành Hà Nội lần thứ nhất (1873), Pháp đã đưa ra Côn Đảo 80 người bị bắt. Đánh thành Hà Nội lần thứ hai (1882) thực dân Pháp lại đày hàng trăm người nữa ra Côn Đảo. Vào những năm 1863-1867, số tù nhân ở Côn Đảo đã tới 500 người.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, số tù nhân ở nhà tù này đã lên tới 1.200 (Báo cáo của Uy ban ngân sách Hội đồng thuộc địa, phiên họp ngày 11-9-1908). Họ là những nghĩa quân của Trương Định, tù binh bị bắt trong trận hạ thành Biên Hòa, Định Tường, những người đứng dưới cờ nghĩa của Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân… Họ là những người đã tham gia phong trào Cần Vương, những chiến sĩ Ba Đình, Bãi Sậy, Hùng Lĩnh, Hương Khê, Yên Thế…

Là những nông dân và những người thuộc tầng lớp lao động khác đã đấu tranh võ trang giữ từng tấc đất của Tổ quốc, chống kẻ địch mạnh hơn, quỷ quyệt hơn gấp nhiều lần, trong suốt 40 năm trời, khi thất bại, bị này ra Côn Đảo, họ vẫn tiếp tục đấu tranh, với tinh thần cương quyết dùng bạo lực chống lại kẻ thù có bạo lực Với truyền thống thà chết quyết không chịu làm nô lệ, lớp tù nhân đầu tiên này mang lại cho cuộc đấu tranh ở Côn Đảo hình thức chủ yếu là đấu tranh vũ trang thuần tuý, với những ưu điểm và những hạn chế rõ ràng của nó.

Khởi đầu là cuộc nổi dậy tháng Sáu 1862 ở Côn Đảo Đây là cuộc khởi nghĩa của toàn thể nhân dân trên đảo mà tù nhân là lực lượng đi đầu, do ông Nguyệt, quê ở Chợ Quán (Sài Gòn cũ) lãnh đạo. Lực lượng tù nhân lúc đó bao gồm cả những người cựu tù dưới triều Nguyễn (còn 119 người). Những người lính coi tù thuở đó và con cháu họ cũng là những người đã từng chống lại các triều Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Họ đã quét sạch bọn Pháp ra khỏi Côn Đảo, đã phá tan Nhà tù Côn Đảo ngay từ khi nó mới được thành lập.

Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi vẻ vang, đặt nền móng cho truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân Côn Đảo anh hùng. Sau khi đuổi được bọn Pháp ra khỏi Côn Đảo, nghĩa quân không biết xây dựng tổ chức chính trị và phát triển lực lượng, cho nên bọn Pháp đã quay lại đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa.

Nhưng chỉ hai năm sau, năm 1864, những người tù Côn Đảo lại có kế hoạch đầu độc bọn thủy thủ Pháp trên tàu Đồng Nai, khi tàu này tới đảo. Việc không thành, một thầy thuốc người Việt và 4 tù nhân bị bắt.

Ngày 1-1-1868, Quản đốc nhà tù Búp (Boube, đại úy hải quân, viên Quản đốc thứ tư của nhà tù, từ 1868 đến 1869) lại phải đối phó với một cuộc nổi dậy khác. Hắn được báo trước là tù nhân sẽ tổ chức một cuộc bạo loạn vào 4 giờ 30, ngày 2-1-1868. Đứng đầu cuộc bạo loạn là một gác dang người Tagan, tên là Anatôhô (Anatolio) và hai người tù Việt Nam. Người thứ nhất là Đoàn Văn Đang, người từng tuyên bố “sẽ lột da bọn xâm lược Pháp làm cờ lấy máu chúng nhuộm đỏ lá cờ”. Người thứ hai là Lê Văn Phương, một người tù tự nhận rằng đã giết 50 người Tây”. Lập tức cả ba người này bị xiềng chặt. Sáng ngày 3-1-1868, 19 tù nhân tham gia âm mưu bạo động đã bị treo cổ (khi Pháp mới sang, bọn chúng thường xử giảo tội nhân). Anatôliô bị đưa đi đày chung thân ở đảo La Rêuyniông.

Tiếp đó là cuộc khởi nghĩa của tù nhân trên Hòn Bảy Cạnh, ngày 27-8-1883, một sự kiện đã làm chấn động chính giới Pháp. Chiếm Côn Đảo xong, Bông phái người ra phát quang một ngọn đồi phía bắc thung lũng Cỏ Ống, dựng một ngọn hải đăng vào tháng 1 năm 1862. Sau đó chúng chọn vị trí xây Hải Đăng – Côn Đảo ở một mỏm núi phía đông trên Hòn Bảy Cạnh, Quản đốc Nhà tù Côn Đảo bắt 150 người tù ra làm khổ sai ở dây, điều kiện làm việc rất cực nhọc.

Năm giờ sáng ngày 27-8-1883, tù nhân nổi dậy giết 8 lính gác và một viên sĩ quan chỉ huy tên là Gatxơtông Cabilích (Gaston Cabilic). Kiểm định viên công chính, Giuyn Pie Duy lông (Jules Pierre Dulong) cũng bỏ mạng. Viên đốc công Bi đô (Bidaun) bị thương nặng, đưa về thị trấn thì chết, sau khi đã kể lại cuộc nổi dậy của tù nhân.

Những người tù khởi nghĩa đã tước 15 súng trường, 2 súng lục của bọn lính Tây, chiếm được tàu săn cá mập và một canô, mang hết lương thực đi và cả đoàn 150 người tù lên tàu ghé vào một làng gần Phan Thiết (Bình Thuận) lúc đó do Nam triều quản lý. Viên chánh tổng bắt giam tất cả lại trong trại nhưng vị phó tổng, một công chức có tinh thần yêu nước, chống Pháp, đã bí mật mở cửa nhà giam giải thoát cả 150 nghĩa quân Côn Đảo.

Thống đốc Nam Kỳ phản kháng triều đình Huế, đòi cho quân Pháp mở cuộc càn quét ngay trên đất Trung Kỳ thuộc quyền quản lý của nhà vua để truy nã những người khởi nghĩa. Chúng bắt lại được 36 người, còn 114 người đã trốn thoát.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa trên Hòn Bảy Cạnh đã làm cho bọn cai trị Pháp ở Nam Kỳ rất hoang mang. Gần một tháng sau chúng mới có báo cáo gửi về Bộ Hải quân và thuộc địa Pháp. Sau đó Pháp tăng cường thêm một đội thủ quân lục chiến ra bảo vệ Hải Đăng – Bảy Cạnh, đặt đường cáp điện tín ngầm nối Côn Đảo với đất liền, khiển trách Quản đốc nhà tù Bốc kê (Bocquet, quan chức thuộc ngạch cai trị, Quản đốc nhà tù từ 1882 đến 1884). Tháng 5 năm 1884, Hải Đăng Côn Đảo mới được xây xong. Báo chí Pháp gọi cuộc khởi nghĩa ở Hòn Bảy Cạnh là “cuộc cách mạng ở Côn Đảo”.

Sau cuộc khởi nghĩa 1883, chế độ nhà tù được siết chặt hơn. Theo quy chế mới ban hành năm 1889, bọn giám ngục Pháp được quyền bắn vào tù nhân khi thấy cần thiết; việc quản lý tàu thuyền trên đảo càng thêm chặt chẽ; hình phạt đối với tù nhân nặng thêm; khu kỷ luật Banh I hình thành… nhưng vẫn không dập tắt được ý chí đấu tranh củ những người yêu nước.

Ngày 17-6-1890, gần 400 người tù gốc Bắc Kỳ đã nổi dậy giết gác ngục, cướp súng, dự định đóng bè vượt đảo. Quản đốc Rơn (Ren) điều lính đến đàn áp, bắn chết mấy chục ngươi và bắt lại gần hết. Do thiếu tổ chức chặt chẽ, cuộc nổi dậy bị dập tắt nhanh chóng. Hai ngày sau, ngày 19-6-1890, một tù nhân tên là Ca định tổ chức cướp tàu Gi.B.Xay vừa từ Thái Lan sang, nhưng việc bị lộ không thành.

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Pháp cần nhiều công nhân để khai thác thuộc địa, chúng chủ trương đưa tù Côn Đảo đi các nơi, như đảo Rêuyniông còn gọi là đảo Buốcbông (Bourbon), Gabông (Gabon), Tahiti (Tahiti), Numê a (Noumé a) và Guyan (Guyane). Năm 1892, Toàn quyền Lanétxăng (De Lanessan) lệnh cho Quản đốc Nhà tù Côn Đảo phải đưa 200 tù ra làm con đường chiến lược số 4 ở thượng du Bắc Kỳ.

Tù Côn Đảo tổ chức nhiều cuộc nổi dậy

Ngày 28-8-1894, 65 người tù khổ sai bị đưa ra lấy san hô, 8 giờ tối, 15 tù nhân, do ông Đạt (số tù 3084) chỉ huy, đã giết hai gác ngục bằng lưỡi hái. Họ dự định cướp thuyền vượt ngục, nhưng việc không thành. ông Đạt nhảy xuống biển bơi trốn sau đó bị sóng đánh dạt vào bờ. Ông bị giặc bắt và bị tử hình.

Ngày 25-7-1904, 65 tù khổ sai người Bắc Kỳ bị đưa sang Hòn Cau lấy dừa về đảo. Viên trưởng tàu sà lúp Lơ Carê (Le Carer) chỉ huy chung, dưới quyền có 3 giám thị người Pháp, một người lính Tagan, 2 ma tà người Việt. Những người tù khổ sai đã hiệp lực diệt hầu hết bọn nhân viên coi tù này, chỉ trừ hai tên giám thị Pháp nhảy xuống biển nên thoát chết. Chiếc tàu chở tù chạy thẳng ra khơi. Bọn Pháp đã huy động chiếc tàu chiến Atxơpic (Aspic) truy lùng họ, nhưng vô hiệu.

Sau cuộc chống thuế ở Trung Kỳ, một lớp tù nhân mới, những vị văn thân, những nhà nho yêu nước hoạt động trong các phong trào Đông Du (1905-1908), Đông kinh nghĩa thục (1907), phong trào Duy Tân và phong trào chống đi phu, đòi giảm thuế ở Trung Kỳ (1907-1908) đã bị Pháp đày ra Côn Đảo. Phần lớn các vị đều là những người cầm đầu, khởi xướng của các tổ chức cách mạng theo chiều hướng dân chủ tư sản.

Khuynh hướng tư tưởng của các cụ đã có ảnh hưởng rõ nét đến sắc thái hoạt động và tranh đấu cua tù chính trị Côn Đảo. Các vị không chủ trương bạo động mà chuyển sang hình thức đấu tranh trên các mặt chính trị, văn hóa và đòi cải thiện đời sống theo khuynh hướng cải lương. Những hoạt động phản kháng chế độ lao tù rất yếu ớt, tuy ý chí đấu tranh cứu nước không hề giảm sút, biểu hiện chủ yếu trong một nền thi ca mới: thi ca trong tù, khởi đầu là thi ca trong ngục tù Côn Lôn.

Từ kinh đô Huế, Phan Chu Trinh trên đường đi đày ra Côn Đảo đã ứng khẩu bài tứ tuyệt nổi tiếng “Ra cửa đô môn” (Xuất đô môn tác):

Luy luy già tòa xuất Đô môn,

Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn,

Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy,

Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn!

Huỳnh Thúc Kháng, bạn chiến đấu của Phan Chu Trinh đã dịch :

Xiểng gông cà kệ biệt đô môn,

Khảng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn,

Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn,

Thân trai nào sợ cái Côn Lôn!

Sau Phan Chu Trinh là các cụ Huỳnh Thức Kháng, Đặng Nguyên Cẩn (số tù 7448), Ngô Đức Kế cùng hàng chục thân sĩ Bắc, Trung, Nam bị kết án chính trị đày ra Côn Đảo. Khi đó cụ Phan đang ở Sở rẫy An Hải, cụ đã tìm cách gửi thư động viên các bạn chiến đấu, ngay buổi chiều hôm họ tới Côn Đảo: “Thoạt nghe anh em ra đây, dậm chân kêu trời một tiếng, đoạn tự nghĩ: anh em vì quốc dân mà hy sinh đến phải ra đây, chắc có trăm điều vui mà không chút gì buồn. Đây là trường học thiên nhiênmùi cay đắng trong ấylà trai giữa thế kỷ này không thể không nếm cho biết…”2.

Ở đảo hồi đó chưa có sự phân biệt tù chính trị với tù thường, họ ở chung trong Banh I. Các vị thân sĩ vẫn phải làm khổ sai như tù thường. Những người án nhẹ thì đi làm rẫy, đốn củi, dọn tàu… án nặng thì đập đá trong banh, không được ra ngoài.

So với công việc khác thì đập đá trong banh là việc tương đối nhẹ, nhưng đối với các nhà nho, các vị khoa bảng thì quả là khó. Do không làm được các công việc khổ sai nặng nhọc, bọn gác ngục ác ôn vô học thường đánh đập, cúp phạt và gọi các cụ một cách xách mé là “tụi quan to hèn”.

Khổ nhục không làm nhụt ý chí đấu tranh của các cụ Sau mỗi ngày lao động khổ sai, buổi tối trong các khám giam, các cụ vẫn họp lại với nhau, đàm luận về chính trị, văn chương, xem xét lại hoạt động đấu tranh của mình.

Tháng 2 năm 1908, những người đứng đầu phong trào Đông kinh nghĩa thục như: Nguyễn Quyền, Lê Đại, Võ Hoành, Dương Bá Trạc cùng với các sĩ phu thuộc phong trào Đông du bị đày ra Côn Đảo. Tiếp đó vài tháng sau, nhiều vị khoa bảng ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Hà Nội cũng bị đày ra đảo, số tù “quốc sự phạm” lên tới trên 50 người.

Năm đó ở Côn Đảo có bệnh dịch lớn, tù chết nhiều, trong đó có cả những vị văn thân. Cảnh tù đày càng thêm thê thảm. Bị tù thường phạm lưu manh quấy nhiễu, tù quốc sự phạm làm đơn đấu tranh đòi được giam riêng.

Năm 1910, Quản đốc Quyđơnê (Cudenet) tách các vị giam riêng vào khám 6 và khám 7 ở Banh I. Được giam riêng và làm khổ sai tương đối nhẹ hơn như dệt chiếu, làm rẫy… các cụ có điều kiện thảo luận kỹ với nhau về tình hình đất nước, tình hình phương Đông và thế giới.

Những người tham gia thảo luận ở đây đều là những nhân chứng đủ thẩm quyền để phát biểu chính kiến. Họ trình bày những điều đã nghe, đã thấy, đã làm, góp phần vào việc đánh giá một con người, một sự việc một phong trào. Đề tài thảo luận khá rộng: văn thơ cổ điển Việt Nam, Trung Quốc, tư tưởng phương Đông, tinh thần yêu nước và hoạt động duy tân của các chí sỹ Nhật Bản những năm trước và sau khi Minh Trị lên ngôi; chủ trương Duy Tân đã tiến hành và thất bại ở Trung Quốc những năm cuối thế kỷ trước; đặc biệt lý thú là các cuộc vận động chống Pháp, từ thời kỳ mất lục tỉnh Nam Kỳ đến đầu thế kỷ này.

Trái với mong muốn của thực dân, những người tù chính trị ở Côn Đảo không phải là hoàn toàn không có khả năng nắm bắt tình hình trong nước và trên thế giới. Tàu bè từ Sài Gòn vẫn chở những món hàng cần thiết ra cho nhu cầu trên đảo. Mặt khác, các cuộc biến động chính trị ở trong nước vẫn không ngừng xảy ra, các tòa Đại hình cũng liên tiếp gửi ra Côn Đảo hàng loạt quốc sự phạm. Các vị khách mới này chính là những nhân chứng sống thực sự trong tấn bi kịch hùng tráng của đất nước.

13 năm bị cầm tù ở Côn Đảo là 13 năm khủng hoảng bế tắc đối với các nhà nho đại diện cho những khuynh hướng khác nhau trong phong trào văn thân. Các tổ chức tiếp tục tan rã, những người cầm đầu bị bắt gần hết, những người sống lưu vong ở Nhật, ở Tàu cũng lần lượt bị trục xuất hoặc bị bắt bớ, làm khó dễ.

Từ khi bị bắt (1908) đến khi được thả (1921), các cụ đã có dịp suy nghĩ, cân nhắc để nhận chân sự bất lực của mình, của đường lối mình theo, của phương pháp mình hành động, mặc dầu tinh thần yêu nước thương nòi, xả thân vì nghĩa cả không hề đổi khác. Các lãnh tụ phong trào Văn thân đã nhận thấy con đường họ chọn lựa chỉ đưa đến “một trăm thất bại không một sự thành công” (Phan Bội Châu).

Nhưng do những hạn chế về giai cấp, về ý thức hệ, các cụ đã không thể tìm ra một đường lối đúng đắn, tập hợp được đông đảo nhân dân chống giặc, phù hợp với xu thế của thời đại. Trong những năm tháng ở Côn Đảo, các nhà Văn thân tỏ ra bất lực, chỉ biểu lộ cảm tình mà không tham gia những cuộc đấu tranh do các tù nhân khác tiến hành.

Các cuộc bạo động của tù nhân vẫn tiếp tục diễn ra. Ngày 22-5-1910, một nhóm tù đang xây bể giặt quần áo ở Banh I, đã dùng dao nhọn làm bằng đai thùng khuy, đâm chết ngay tên Xếp chánh min gia (Emile Aujard). Tên giám thị này là một lính cảnh sát cũ ác có tiếng, tù nhân đều ghét. Một tên gác dang khác rút súng bắn chết một tù nhân để cứu gia, tên này cũng đền tội tại chỗ.

Ngày 12-1-1911, bọn Pháp đem 3 tù nhân liên quan đến vụ giết gia ra chém đầu, sau khi họ đã không thèm ký vào đơn xin ân giảm. Để giấu giếm vụ bạo động này, nhà cầm quyền ở Côn Đảo, trong một thời gian dài, canh gác chặt chẽ không để cho khách vãng lai từ Xanhgapo lên đảo, sợ họ chụp ảnh nơi đã xảy ra sự việc.

Mùa xuân năm 1918, ở Côn Đảo đã nổ ra cuộc nổi dậy của khám tù chung thân Banh I, có sự tham gia của Nguyễn Trọng Thạc, một tướng chỉ huy của phong trào Bãi Sậy, con trai Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật.

Ngày mùng 4 Tết Mậu Ngọ (14-2-1918) tù nhân vẫn đi làm ở các sở ngoài như thường lệ. Tù chung thân ở Banh I cũng ra đập đá dăm trên khoảng đất trống, sau Nhà bếp. Khoảng 2 giờ chiều, tù nhân xông tới dùng búa đập chết gác dang Simông và hai tên ma tà. Những người tù ào lên định xông vào cướp vũ khí và tấn công đội lính gác.

Viên cai Lácmuyriê (Larmurier) vội đóng cửa lại và chỉnh súng qua chấn song bắn ra. Kẻng báo động nổi lên, bọn giám thị Tây, viên quan hai, Xếp chánh và Quan đốc Ăng đua (Andouard) chạy tới dẫn đầu một toán lính Tây. Hắn ra lệnh xả súng bắn vào những người tù đang tụ lại ở Nhà bếp, Hầm xay lúa và gian nhà dùng làm nơi cho tù đan lát.

Cuộc tàn sát những người tù tay không vũ khí kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Người chỉ huy nghĩa quân Bãi Sậy – Nguyễn Trọng Thạc và ông tú Phạm Cao Chẩm, người vừa tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân (5-1916) cùng hơn 80 người tù chung thân đã gục ngã. Sau khi giết gần hết khám tù chung thân, tên chúa đảo cho lệnh Tây vác súng đi tới các sở tù áp giải tù về. Bọn này được lệnh thấy động là xả súng bắn ngay.

Đến tận chiều tối, từng tốp tù đi làm khổ sai đã được giải về Banh I. Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng trong đám tù đi làm ở Sở Ruộng, kể lại: “Về đến banh, vào trong sân thì thấy xác chết nằm ngổn ngang, máu chay thành đống, mắt không dám ngó”1.

Dư luận dân chúng trong đất liền xôn xao. Người ta kể ra những chi tiết đau lòng chung quanh vụ thảm sát. Lính Tây đã dí súng vào mang tai những người tù ngắc ngoải, bắn cho chết hẳn. Báo chí Sài Gòn, bất chấp sự kiểm duyệt, phát lời tố cáo tên đao phủ ở Côn Lôn. Họ buộc tên này vào tội đã xả súng bắn vào cả những người tù không biết gì về việc nổi dậy… Báo chí thực dân hồi đó đã thuật lại như sau:

“Ngày 1-10-1918, Ăngđua bị đưa ra tòa án. Nhưng anh ta đã tự bào chữa hùng hồn:

– Tôi đã bắn một cách tỉnh táo… và tôi sẽ còn bắn nữa nếu như còn xảy ra bạo loạn. Các ngài nên biết rằng vẫn còn bốn trăm năm mươi tù nhân ngoài vòng khủng bố…”.

Quan tòa Kexơnen (Quesnel) đã lập biên bản, tha bổng ăng đua và còn ca ngợi Ăng đua mà chê hai người Quản đốc trước đó quá nhu nhược. Ăng đua được trắng án trong những tràng vỗ tay hoan hô của bọn thực dân và trở lại cai trị Côn Đảo như trước.

Trong cuốn sách “Đây “công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương”, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã tố cáo vụ thảm sát của Ăng đua ở Côn Đảo trước dư luận thế giới:

“Một tên quản ngục Côn Lôn, bị tố cáo là đã giết một cách thản nhiên một lúc hơn 40 phạm nhân, được trắng án và khen thưởng”1. Ăng đua là một trong những tên chúa đảo hung bạo nhất ở Nhà tù Côn Đảo. Là một trung úy trừ bị cảnh sát thuộc địa, hắn đã được cất nhắc làm Quản đốc Nhà tù Côn Đảo từ 1917. Do bị cụt tay phải trong trận Âu chiến 1914-1918, tù nhân gọi hắn là ông Lớn một tay, động một chút là là phạt rất nặng, nhất là đối với tù chung thân thì kẻ hầm, người xiềng, không mấy người thoát khỏi.

Vì thế khám tù chung thân (khám 6 và 7 trong Banh I) mới diễn ra tấn kịch “liều chết bạo động”, đó là ngày 4 Tết âm hạch năm Mậu Ngọ, 19182.

Ăng đua có nuôi một con chó Bécgiê thật dữ, khẩu phần của nó một ngày gồm 2 kg thịt bò và 2 lít sữa tươi do Sở Chuồng Bò cung cấp. Mỗi khi có chuyện bực mình, hắn cho con chó tha hồ cắn một người tù nào đó mà hắn không ưa. Nạn nhân nào không may bị Ăng đua trù mặt thì ít có hy vọng thoát chết, vì con bécgiê của hắn thích cắn tận cần cổ hơn chỗ nào khác. Chính Ăng đua đã cho đem hai con hổ từ đất liền ra, thả lên núi để chống lại những người tù trốn lên đến đây, kết bè và ẩn náu trước khi vượt ngục. Trên rừng thì cọp dữ, dưới biển thì cá mập, trong nhà tù thì những tên giết người như ăng đua, thử hỏi người tù còn biết chạy đâu cho thoát chết!

Sau cuộc thảm sát ở Banh I, cuộc sống của tù nhân ở đảo đã tồi tệ lại càng thêm tồi tệ. Bất cứ đi làm khổ sai ở đâu, đều có lính gác đi kèm, súng lăm lăm trên tay. Đám tù chung thân sống sót mỗi lần ra khỏi khám là phải đeo xiềng tạ, vào khám là phải cùm chân. Bọn gác ngục đánh tù như điên để khủng bố, trả thù. Cửa banh được bố trí súng máy chĩa vào, lính gác tuần tiễu ngày đêm, thấy có gì khả nghi là mặc sức bắn. Nhưng tất cả những thứ đó không hề làm nhụt chí đấu tranh của người tù.

Ngày 3-12-1919, tên Ăng đua khát máu đã phải đền tội Sửu Nhỏ – người tù ra làm bồi cho viên quan hai chỉ huy trại linh đã lấy được khẩu súng lục của hắn và đã hạ sát tên Quản đốc đao phủ ăng đua. Anh giấu súng trong áo chẽn, đến nhà tên đao phủ ăng đua, nói với người hầu rằng có thư phải chuyển cho Quan đốc. Lúc ấy là 10 giờ sáng.

Sửu Nhỏ bước vào phòng làm việc của Quản đốc, một tay đưa phong thư ra, tay kia giương súng, bóp cò, xả gần hết cả băng đạn. Ăng đua gục ngay tại chỗ. Xong nhiệm vụ trả thù cho gần 100 bạn tù đã bị giết hại, Sửu dành viên đạn cuối cùng cho mình, biết chắc rằng không thể thoát được vì tư dinh của Ăng đua đã ở vào tình thế bị bao vây.

Trong điếu văn đám tang Ăng đua, viên Quản đốc mới, đại úy Lăm be (Lambert) đã khẳng định: “Ăng đua đã chuốc lấy bao nhiêu hận thù. ông đã trả giá cho việc mình đã làm từ năm1918”.

Hai cuộc nổi dậy liên tiếp của tù nhân Côn Đảo trong năm 1818 và 1819 đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho những sĩ phu Văn thân ở Côn Đảo, ngay trước khi họ được thả. Muốn sống còn, chỉ có một con đường duy nhất là đấu tranh. Đấu tranh như thế nào? Những năm cuối cùng ở Côn Đảo, lớp nho sĩ cải lương yêu nước thường bàn luận về chủ nghĩa, về phương thức đấu tranh một khi thoát khỏi ngục tù.

Trong số những nhà Văn thân đã hết vai trò lịch sử đó, có nhiều người đã suy nghĩ, tìm cách đi gần tới những tổ chức chính trị của giai cấp công nhân – giai cấp mà lịch sử phát triển của đất nước đã trao trọn quyền lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc.

Một trong những người đó là ông tú Nguyễn Đình Kiên (Nguyễn Hy Cao) ở đảo về năm 1921, ông đã cùng một số bạn chiến đấu cùng chí hướng kết hợp với nhóm sinh viên yêu nước trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội thành lập Hội Phục Việt vào mùa hè năm 1925. Trong phong trào sôi nổi của nhân dân ta đòi thực dân Pháp phải thả nhà ái quốc Phan Bội Châu năm 1925. Hội đã rải truyền đơn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, thị xã Hải Dương và cả ở Nam Kỳ kêu gọi đấu tranh. Cở sở của Hội bị lộ và Hội phải đổi tên là Hưng Nam.

Do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tổ chức cách mạng do đồng chí Nguyễn ái Quốc sáng lập năm 1925 ở Quảng Châu (Trung Quốc), Hưng Nam đã chuyển thành Tân Việt cách mạng đảng (7-1928), sau đó phân hóa và dẫn tới sự ra đời của Đông Dương cộng sản liên đoàn (1-1930), một trong ba tổ chức cộng sản đã hợp nhất lại thành Đảng Cộng Sản Việt Nam vào tháng 2 năm 19303. Trong thời kỳ dựng Đảng, cụ Nguyễn Hy Cao là Bí thư Kỳ bộ Nam Kỳ của Tân Việt cách mạng đảng.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời