22 tuyến tham quan danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái, lặn biển tại Côn Đảo

Được xem là điểm nhấn du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sở hữu 16 hòn đảo lớn nhỏ tại Côn Đảo với hệ sinh thái đặc trưng của 3 miền Bắc – Trung – Nam. Đến nay vẫn mang một vẻ đẹp hoang sơ, trong lành và kỳ bí. Nhiều tạp chí của thế giới đã ghi tên Côn Đảo vào danh sách những điểm đến ấn tượng. Chúng tôi cập nhật 22 tuyến tham quan danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái, lặn biển tại Côn Đảo để quý du khách tham khảo khi đi đến hòn đảo xinh đẹp này.

Cầu tàu du lịch – hòn Tài – hòn Bảy Cạnh

Tàu sẽ đón du khách từ Cầu tàu du lịch đưa du khách đến với hòn Tài, trên đường đi, khi nhìn về hướng xuất phát du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh vịnh Côn Sơn và trung tâm huyện Côn Đảo được bao bọc xung quanh bởi dãy núi Chúa, núi Sở Rẫy và núi Thánh Giá (ngọn núi cao nhất đảo), và nếu may mắn du khách có thể bắt gặp cá heo chạy theo tàu hoặc cá dugong vươn mình lên mặt nước để thở ngắm nhìn hay những con rùa biển (vích) đang giao phối nổi lềnh bềnh trên mặt biển mặc cho du khách quay phim, chụp ảnh theo sở thích. Lên hòn Tài tham quan khu nuôi khỉ mặt đỏ, loài khỉ có tên trong sách đỏ Việt Nam. Sau đó du khách tiếp tục lên tàu đi hòn Bảy Cạnh, trên đường đi có thể dừng lại để câu cá hay lặn xem san hô nhiều màu sắc kỳ ảo với những đàn cá bơi tung tăng. Lên hòn Bảy Cạnh, du khách đi tham quan rừng ngập mặn, dừng chân lại trạm bảo tồn rùa biển để được khám phá dòng đời sinh trưởng của rùa biển và đặc biệt du khách có thể ở lại đêm trên hòn Bảy Cạnh để xem rùa biển bò lên bãi cát đẻ trứng.

Cầu tàu du lịch – hòn Bảy Cạnh – hòn Cau

Tàu sẽ đón du khách từ Cầu tàu du lịch đưa du khách đến với hòn Bảy Cạnh, khi nhìn về hướng xuất phát, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh vịnh Côn Sơn và nhìn từ xa núi Lò Vôi với khu resort Six Senses 5 sao được thiết kế cổ kính và sang trọng, tàu sẽ đi ngang qua khu nuôi ngọc trai của Côn Đảo du khách sẽ được xem cách thức nuôi trai để lấy ngọc, trên đường đi nếu may mắn có thể bắt gặp cá heo chạy theo Tàu hoặc cá Dugong vươn mình lên mặt nước để thở hay những con rùa biển (vích) đang giao phối nổi lềnh bềnh trên mặt biển mặc cho du khách quay phim, chụp ảnh theo sở thích. Du khách có thể câu cá hay lặn xem san hô nhiều màu sắc kỳ ảo với những đàn cá bơi tung tăng. Lên hòn Bảy Cạnh, du khách đi tham quan rừng ngập mặn, dừng chân lại trạm bảo tồn rùa biển để được khám phá dòng đời sinh trưởng của rùa biển. Sau đó tàu tiếp tục đưa du khách đến hòn Cau, đây là hòn thứ hai của Côn Đảo có mạch nước ngọt, xem và tìm hiểu nơi giam cầm nhà chiến sĩ Phạm Văn Đồng, tham quan rừng dừa của hòn Cau, thưởng thức nước dừa ngọt lịm tại đây, thư giãn và tắm biển.

Cầu tàu du lịch – hòn Tre Lớn – hòn Tre Nhỏ

Tàu đón du khách tại cầu tàu du lịch chạy qua vịnh Côn Sơn đi qua mũi Cá Mập, cửa Tử, vào cảng Bến Đầm trên đường đi du khách có thể gặp cá heo, cá nược hay cá Dugong vươn mình lên mặt nước để thở, đến hòn Tre nhỏ du khách được chiêm ngưỡng những đàn chim nhạn biển bay trắng cả một góc Hòn, xem những đàn gầm ghì trắng và bồ câu nicoba về đây làm tổ, đến những vách đá cheo leo để xem chim yến làm tổ vào mùa sinh sản, tàu tiếp tục đưa du khách sang hòn Tre Lớn để nghỉ ngơi, thư giãn trên bãi biển cát trắng hoang sơ, yên tĩnh hoặc lặn ngắm san hô nhiều màu sắc kỳ ảo với những đàn cá bơi tung tăng trong rạn san hô, tham quan trạm bảo tồn rùa biển để được khám phá dòng đời sinh trưởng từ khi rùa con mới nở ra, tham gia thả rùa con về với biển.

Cầu tàu du lịch – vịnh Đầm Tre

Từ Cầu tàu du lịch, tàu sẽ đưa du khách đến vịnh Đầm Tre, trên đường đi du khách sẽ được thưởng ngoạn những cảnh đẹp của vịnh Côn Sơn, tàu đi qua núi Lò Vôi với khu Resort Six Senses 5 sao được thiết kế cổ kính và sang trọng, ngắm nhìn mũi Chim Chim, mũi Tàu Bể, trên đường đi nếu may mắn có thể bắt gặp cá heo chạy theo tàu hoặc cá Dugong vươn mình lên mặt nước để thở hay những con rùa biển (vích) đang giao phối nổi lềnh bềnh trên mặt biển mặc cho du khách quay phim, chụp ảnh. Đến vịnh Đầm Tre du khách thỏa thích lặn ngắm san hô, xem cá và đi tham quan một vòng trong vịnh Đầm Tre, tại đây du khách dễ dàng gặp những đàn chim gầm ghì trắng, sóc đen, sóc đỏ dạ… ngang qua khu rừng ngập mặn tàu sẽ đến hang Yến để xem chim yến làm tổ trong mùa sinh sản. Du khách dừng lại trên biển để câu cá giải trí, lên bờ thăm trạm kiểm lâm để tìm hiểu công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Cầu tàu du lịch – hòn Trứng

Từ cầu tàu du lịch du khách đến hòn Trứng khoảng một giờ, hòn đảo này nằm phía Đông Bắc đảo Côn Sơn. Nơi đây được xem là thiên đường của các loài chim biển, đến dây du khách sẽ được tận mắt nhìn một bầu trời trắng xóa với hàng nghìn con chim nhạn biển bay lượn xung quanh. Tại đây, du khách quan sát, cảm nhận được thế giới các loài chim và cảnh quan hoang dã của hòn đảo xinh đẹp này.

Cầu tàu du lịch – vòng quanh đảo Côn Sơn

Tàu sẽ đón từ cầu tàu du lịch đưa du khách đi qua vịnh Côn Sơn để ngắm nhìn mũi Chim Chim; mũi Tàu Bể và khu rừng nhiệt đới phía Đông với những cảnh quan tự nhiên rất đẹp và hoang sơ. Quan sát ngọn Hải Đăng từ xa và khu mũi Việt Minh nơi có rất nhiều chim yến làm tổ, tàu tiếp tục đưa du khách đi qua sườn Tây của đảo Côn Sơn, nơi có bãi biển Đầm Trầu, Bãi Bàng nổi tiếng là bãi tắm đẹp, ngang qua hòn Tre Nhỏ, hòn Tre Lớn xem từng đàn chim nhạn biển, gầm ghì trắng, bồ câu nicoba, đại bàng biển… bay về làm tổ trong mùa sinh sản. Qua vịnh Bến Đầm, Cửa Tử, đến bãi Nhát nơi có bãi tắm đẹp khi thủy triều xuống và cùng ngắm cảnh hoàng hôn buôn xuống thật đẹp nơi đỉnh Tình Yêu của hòn Bà, ngắm mũi Cá Mập và các hòn đảo như Hòn Tài, Hòn Trác, hòn Bảy Cạnh, hòn Bông Lan, từ vịnh Côn Sơn du khách sẽ được nhìn thấy hai ngọn núi cao nhất của Côn Đảo là núi Thánh Giá và núi Chúa.

Lặn biển xem san hô và câu cá

Xe đón khách tại thị trấn Côn Sơn đưa đến cầu tàu du lịch, bắt đầu hành trình ra biển. Du khách sẽ được ngắm toàn cảnh đẹp của vịnh Côn Sơn với các hòn Bông Lan, hòn Thỏ, hòn Tài, hòn Trác… mang kính lặn và ống thở để lặn ngắm xem san hô cùng các loại cá cảnh biển đẹp vào loại bậc nhất của Việt Nam kéo dài từ hòn Tài cho đến hòn Bảy Cạnh. Khách có thể vừa ngắm san hô vừa câu cá, xem cách thức ăn mồi của từng loại cá và chọn những con cá muốn câu.

Khám phá đại dương cùng các công ty dịch vụ lặn (Diving)

Từ cầu tàu du lịch, du khách có thể chọn cano hay tàu để làm phương tiện đến các hòn đảo nhỏ khác nhau như hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Tre, hòn Trứng, hòn Trác hay hòn Cau… nơi có những rạn san hô đẹp vào bậc nhất Việt Nam và cũng là nơi lý tưởng để khám phá thế giới đại dương kỳ thú với hoạt động lặn ngắm san hô. Cùng với các đội ngũ hướng dẫn lặn chuyên nghiệp du khách sẽ có cơ hội tận mắt ngắm nhìn vương quốc san hô muôn màu, quan sát các loại cá khác nhau bơi từng đàn tung tăng dưới biển. Hấp dẫn hơn, bạn vừa có thể ngắm san hô vừa câu cá và xem cách thức ăn mồi của từng loại cá khác nhau như một trải nghiệm sinh động.

Thị trấn Côn Đảo – trụ sở Vườn quốc gia Côn Đảo – cầu Ma Thiên Lãnh – bãi Ông Đụng

Từ trung tâm thị trấn Côn Đảo du khách đi đường Võ Thị Sáu để đến trụ sở Vườn quốc gia Côn Đảo, ở đây du khách sẽ được xem, tìm hiểu về sự đa dạng của thiên nhiên, động vật, thực vật Côn Đảo. Nếu du khách đi bộ đến cầu Ma Thiên Lãnh thì sẽ mất thêm khoảng 15 phút, ở đây du khách sẽ tìm hiểu sự rùng rợn của quá khứ về nơi Ma Thiên Lãnh, tiếp tục đi theo con đường mòn để tham quan bãi Ông Đụng, đây là nơi hoàn toàn tĩnh lặng để du khách thoải mái nghỉ ngơi thư giãn, tắm biển, lặn ngắm san hô….

Thị trấn Côn Đảo – Sở Rẫy – bãi Ông Đụng

Từ trung tâm thị trấn du khách đi xe hoặc đi bộ đến chân dốc Sở Rẫy, mất khoảng 45 phút đi bộ để tham quan tuyến Sở Rẫy, tiếp tục đi theo con đường mòn khá dài khoảng 1 giờ trong rừng để đến bãi biển Ông Đụng, dọc đường đi từ Sở Rẫy qua Ông Đụng du khách sẽ gặp nhiều điều thật thú vị khi nhìn thấy những cây cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi cùng với những dây leo to cổ thụ nằm uốn quanh tạo nhiều kiểu dáng lạ mắt hoặc những loài động vật đặc thù của Côn Đảo. Đến điểm dừng chân ở Ông Đụng, du khách thoải mái nghỉ ngơi thư giãn, tắm biển, lặn ngắm san hô. Tiếp tục mất khoảng 25 phút xuyên qua cánh rừng mưa nhiệt đới Ông Đụng, ngang qua di tích lịch sử cầu Ma Thiên Lãnh, du khách sẽ quay về lại thị trấn Côn Đảo sau một vòng của cuộc hành trình xuyên rừng xuống biển và có cơ hội khám phá nhiều điều thú vị.

Trung tâm Côn Đảo – khu trồng rừng bảo tồn sinh thái Sở Rẫy (dốc 48)

Từ trung tâm thị trấn du khách đi xe hoặc đi bộ đến chân dốc Sở Rẫy, mất khoảng 45 phút đi bộ leo lên dốc núi, du khách sẽ đến được khu trồng rừng bảo tồn sinh thái Sở Rẫy, đây là khu vườn cây ăn quả được trồng vào khoảng đầu thế kỷ XX và hiện nay được Vườn quốc gia Côn Đảo cải tạo lại để tạo nguồn cung cấp thức ăn cho động vật hoang dã, khu vực này cũng đã được trồng bổ sung thêm vào những loại cây gỗ quý; lên chòi quan sát trên đỉnh núi này để ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Côn Đảo từ trên cao và có thể nhìn thấy khỉ, sóc đen, sóc đỏ dạ …trên các cành cây để tìm kiếm thức ăn.

Thị trấn Côn Đảo – hồ An Hải – núi Thánh Giá

Từ trung tâm thị trấn Côn Đảo, du khách đi ôtô, xe máy hoặc xe đạp để đến núi Thánh Giá, đây là điểm thú vị và thách thức du khách với loại hình du lịch thể thao leo núi, khám phá thiên nhiên, ngắm cảnh thư giãn. Du khách tiếp tục đi ngang qua khu hồ An Hải (hồ nước ngọt lớn được dùng để cung cấp nước ngọt cho toàn huyện đảo), tại đây du khách sẽ thú vị khi được ngắm rất nhiều hoa sen đang nở rực rỡ trong hồ và ngạc nhiên khi bắt gặp các loài động thực vật chỉ có ở một vùng phù sa nước ngọt nhưng lại đang hiện hữu ngay giữa biển khơi.Mất khoảng hơn một giờ đồng hồ leo núi để đến được ngọn núi Thánh Giá cao 577m , đây là ngọn núi cao nhất của Côn Đảo. Để chinh phục đỉnh núi này du khách sẽ đi xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh mát lạnh và được thấy rất nhiều loài động, thực vật rừng quý hiếm và những loài đặc hữu ở Côn Đảo.

Thị trấn Côn Đảo – mũi Cá Mâp – bãi Nhát – vịnh Bến Đầm ngắm Hòn Bà

Từ thị trấn Côn Đảo du khách sẽ theo con đường ven biển chạy dọc về phía Nam và Tây Nam của đảo Côn Sơn. Trên đường đi du khách quan sát các hòn đảo nằm ở cạnh hòn đảo Côn Sơn, mũi Cá Mập, dừng chân ngắm đỉnh Tình Yêu và tắm biển ở bãi Nhát, khi thủy triều xuống Bãi Nhát để lộ ra một bãi cát trắng mịn cùng với nước biển trong xanh rất đẹp và hoang sơ, tiếp tục đi theo con đường ven biển để đến khu Bến Đầm du khách sẽ được tìm hiểu về khu hậu cần nghề cá và cảng biển của Côn Đảo. Từ cảng Bến Đầm du khách ngắm Hòn Bà chỉ cách hòn Côn Sơn một doi nước hẹp mà người dân ở đảo gọi là Cửa Tử.

Trung tâm Côn Đảo – mũi Chim Chim – miếu Cậu – bãi Đầm Trầu

Từ thị trấn Côn Đảo du khách sẽ theo con đường ven biển chạy dọc về phía Đông và Đông Bắc của đảo Côn Sơn. Trên đường đi du khách quan sát các hòn đảo nằm ở cạnh hòn đảo Côn Sơn, mũi Chim Chim là nơi lý tưởng để quan sát các hòn Đảo nhỏ. Tiếp tục đi theo con đường ven biển đến khu Cỏ Ống, ở đây du khách được chỉ dẫn vào một con đường nhỏ để đến Miếu Cậu tìm hiểu về câu chuyện bi thương của tình mẫu tử giữa Bà Phi Yến và hoàng tử Cải (con của vua Gia Long). Theo con đường nhỏ là đến bãi Đầm Trầu, nằm ngay cạnh sân bay Côn Sơn đây được xem là bãi biển đẹp nhất ở Côn Đảo với bãi cát vàng rất đẹp mắt. Bãi tắm nơi đây còn rất hoang sơ, chắc chắn là nơi đến thú vị cho du khách khám phá và tham quan khi đến Côn Đảo.

Trung tâm Côn Đảo – Cỏ Ống – vịnh Đầm Tre.

Có hai cách để cho du khách lựa chọn để đi tuyến tham quan này: Đi bộ xuyên rừng hoặc đi bằng tàu.

– Đi bộ xuyên rừng: Từ trung tâm Côn Đảo, du khách di chuyển bằng xe (nên đi xe gắn máy) đi theo con đường ven biển chạy dọc về phía Đông và Đông Bắc của đảo Côn Sơn. Trên đường đi du khách quan sát các hòn đảo nằm ở cạnh hòn đảo Côn Sơn, mũi Chim Chim là nơi lý tưởng để quan sát các hòn Đảo nhỏ, tiếp tục đi theo con đường ven biển đến khu Cỏ Ống, ở đây du khách sẽ mất gần 2 giờ để đi bộ xuyên qua khu rừng nguyên sinh Côn Đảo. Du khách sẽ đi qua đỉnh núi Yên Ngựa với những hòn đá cheo leo. Trên đường đi, sẽ bắt gặp nhiều loài động vật hoang dã như khỉ, sóc, kỳ đà, bồ câu nicoba…và rất nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những dây leo to cổ thụ nằm uốn quanh tạo nhiều kiểu dáng lạ mắt của khu rừng này cùng những loài thực vật quý hiếm như dầu, cẩm lai, lát hoa, găng… du khách sẽ nhanh chóng đến vịnh Đầm Tre. Ở đây, du khách sẽ được thỏa thích bơi ngắm san hô và đi tham quan khu rừng ngập mặn, đến hang yến để xem chim yến làm tổ trong mùa sinh sản.

– Đi bằng tàu: Từ cầu tàu du lịch, tàu sẽ đưa du khách đến vịnh Đầm Tre. Trên đường đi du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh vịnh Côn Sơn và nhìn từ xa núi Lò Vôi với khu Resort Six Senses 5 sao được thiết kế cổ kính và sang trọng, ngang qua khu nuôi ngọc trai của Côn Đảo du khách sẽ được xem cách thức nuôi trai để lấy ngọc. Nếu may mắn có thể bắt gặp cá heo chạy theo tàu hoặc cá Dugong vươn mình lên mặt nước để thở hay những con rùa biển (vích) đang giao phối nổi lềnh bềnh trên mặt biển mặc cho du khách quay phim, chụp ảnh theo sở thích…

Trung tâm Côn Đảo – hang Đức Mẹ – bãi Ông Đụng.

Từ trung tâm Côn Đảo, đi đường Võ Thị Sáu để đến điểm tham quan hang Đức Mẹ, du khách nên bắt đầu đi trước lúc bình minh để nghe được vũ điệu hót của các loài chim rừng khi bình minh vừa hé sáng. Trên đường đi du khách dừng chân để tìm hiểu thêm về di tích cầu Ma Thiên Lãnh. Từ đây đi theo bảng chỉ dẫn sẽ mất khoảng 15 phút đi lên các nấc đá, xuyên qua rừng để đến hang Đức Mẹ, một hang đá nhỏ do người Pháp tìm thấy và chọn nơi này làm nơi đặt tượng thờ Đức Mẹ Maria để đến cầu nguyện trong những năm chiếm đóng ở đây. Tiếp tục băng qua cánh rừng mưa nhiệt đới mất khoảng 30 phút, du khách đến bãi Ông Đụng, dừng lại để đọc các bảng diễn giải môi trường để tìm hiểu thêm về sự đa dạng của hệ sinh thái rừng. Bãi Ông Đụng là một vịnh nhỏ nằm đảo lớn Côn Sơn, đây là nơi hoàn toàn tĩnh lặng để du khách thoải mái nghỉ ngơi thư giãn, tắm biển, lặn ngắm san hô….

Di tích dinh Chúa Đảo – cầu tàu 914 – trại Phú Hải – trại Phú Sơn – mũi Cá Mập – bãi Nhát – vịnh Bến Đầm

Trên đường Tôn Đức Thắng là khu di tích cầu tàu 914 và khu di tích dinh Chúa Đảo nằm đối diện, dinh Chúa Đảo là nơi sống và làm việc của 53 đời Chúa Đảo trong suốt 113 năm người Pháp và người Mỹ cai trị nhà tù Côn Đảo từ năm 1862 – 1975, từ đây du khách mất khoảng 5 phút để đi bộ qua tham quan khu trại Phú Hải và trại Phú Sơn, đây là nơi giam cầm các lớp tù nhân từ thuở Cần Vương, Văn Thân chống Pháp như: chí sỹ Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lã Xuân Oai, Phan Chu Trinh,… đến nhiều chiến sỹ cách mạng Việt Nam như: Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng,…đến thế hệ sinh viên học sinh xuống đường chống Mỹ – Thiệu. Du khách sẽ đi theo con đường ven biển về hướng Tây Nam của đảo Côn Sơn để đến vịnh Bến Đầm, trên đường đi du khách quan sát các hòn đảo nằm ở cạnh hòn đảo Côn Sơn, mũi Cá Mập sẽ là nơi lý tưởng để quan sát các hòn Đảo, dừng chân ngắm đỉnh Tình Yêu và tắm biển ở bãi Nhát, khi thủy triều xuống Bãi Nhát để lộ ra một bãi cát trắng mịn cùng với nước biển trong xanh rất đẹp và hoang sơ, tiếp tục đi theo con đường ven biển để đến khu Bến Đầm du khách sẽ được tìm hiểu về khu hậu cần nghề cá và cảng biển của Côn Đảo. Từ cảng Bến Đầm du khách ngắm Hòn Bà chỉ cách hòn Côn Sơn một doi nước hẹp mà người dân ở đảo gọi là Cửa Tử.

Di tích dinh Chúa Đảo – cầu tàu 914 – Nhà tưởng niệm Võ Thị Sáu – Bảo Tàng – khu Chuồng Cọp Pháp – khu Chuồng Cọp Mỹ – Miếu Cậu – bãi Đầm Trầu

Trên đường Tôn Đức Thắng là khu di tích cầu tàu 914 và khu di tích dinh Chúa Đảo nằm đối diện, dinh Chúa Đảo nơi sống và làm việc của 53 đời Chúa Đảo trong suốt 113 năm người Pháp và người Mỹ cai trị nhà tù tại Côn Đảo từ năm 1862 – 1975, tiếp tục đi theo con đường ven biển về hướng Đông Bắc du khách dừng lại để thăm nhà tưởng niệm Võ Thị Sáu, tham quan Bảo tàng Côn Đảo và tham quan khu biệt lập Chuồng Cọp Pháp và Chuồng Cọp Mỹ, đây là nơi người Pháp và người Mỹ đã giam cầm, đày ải bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước Việt Nam, đồng thời là nơi thể hiện khí phách kiên cường đấu tranh của tập thể tù nhân bị giam giữ tại đây. Đến khu Cỏ Ống, du khách được chỉ dẫn vào một con đường nhỏ để đến Miếu Cậu, du khách sẽ được tìm hiểu về câu chuyện bi thương của tình mẫu tử giữa Bà Phi Yến và hoàng tử Cải (con của vua Gia Long), tiếp tục theo con đường nhỏ đến bãi Đầm Trầu (cạnh sân bay Côn Sơn), bãi biển hoang sơ và đẹp nhất Côn Đảo với bãi cát vàng.

Trung tâm Côn Đảo – nghĩa trang Hàng Dương – đền thờ Côn Đảo – di tích Chuồng Bò – miếu Bà Phi Yến – hồ An Hải – chùa Núi Một.

Từ trung tâm Côn Đảo xe đưa du khách đến viếng nghĩa trang Hàng Dương nơi có hàng vạn chí sĩ yêu nước yên nghỉ, thăm Đền thờ Côn Đảo. Du khách lên xe đi đường Võ Thị Sáu để đến khu Chuồng Bò – Bãi Sọ người, đây là nơi bọn Mỹ – Ngụy đã đưa tù chính trị chống chào cờ bị còng xiềng cầm cố lâu ngày bị teo cơ bại liệt về giam, tiếp tục đi theo đường ven núi để đến viếng nơi thờ thứ phi Hoàng Phi Yến (vợ của Vua Nguyễn Ánh) hay còn gọi là An Sơn Miếu, vào ngày 18/10 (âm lịch) hàng năm người dân Côn Đảo long trọng tổ chức lễ giỗ cho Bà. Chỉ mất một đoạn đường ngắn để du khách đến chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) được khởi công tôn tạo ngày 13/8/2010, khánh thành vào ngày 4/12/2011, di tích Vân Sơn Tự là công trình kiến trúc văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trung tâm Côn Đảo – di tích Chuồng Bò – miếu bà Phi Yến – chùa Núi Một – cửa hàng trưng bày ngọc trai Côn Đảo – siêu thị Mini Quà Tặng Côn Đảo

Du khách đi đường Võ Thị Sáu để đến khu Chuồng Bò – Bãi Sọ người là nơi bọn Mỹ – Ngụy đã đưa tù chính trị chống chào cờ bị còng xiềng cầm cố lâu ngày bị teo cơ bại liệt về giam ở đây, đi tiếp theo con đường ven núi để đến viếng nơi thờ thứ phi Hoàng Phi Yến (vợ của vua Nguyễn Ánh) hay còn gọi là An Sơn Miếu, vào ngày 18/10 (âm lịch) hàng năm người dân Côn Đảo long trọng tổ chức lễ giỗ cho Bà. Chỉ mất một đoạn đường ngắn, du khách đến chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) được khởi công tôn tạo ngày 13/8/2010, khánh thành vào ngày 4/12/2011, Vân Sơn Tự là công trình kiến trúc văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Xe đưa du khách đến khu trưng bày sản phẩm ngọc trai của Côn Đảo trên đường đi Bến Đầm, ở đây có rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ được làm từ ngọc trai nuôi tại vùng biển Côn Đảo, du khách chọn mua cho mình một sản phẩm ưng ý và điểm dừng chân cho du khách mua sắm quà lưu niệm tại siêu thị Mini Quà tặng Côn Đảo, nơi tập chung hầu hết các sản phẩm mỹ nghệ của Côn Đảo.

Trung tâm Côn Đảo – Bãi Dương – vịnh Đầm Tre

Từ trung tâm Côn Đảo xe đón du khách đến cầu tàu du lịch, du khách xuống tàu bắt đầu hành trình ra biển, trên đường đi du khách sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp của vịnh Côn Sơn và nếu may mắn sẽ bắt gặp được những đàn cá heo bơi lượn theo tàu hay cặp rùa biển (vích) đang giao phối, nổi lềnh bềnh trên biển mặc cho du khách chụp ảnh, quay phim. Tàu đưa du khách đến bãi Dương, nằm ở phía Tây Nam của hòn Bảy Cạnh, phóng tầm mắt nhìn về thị trấn Côn Sơn, dừng lại để câu cá giải trí, sau đó lên bờ để tham quan khu bảo tồn rùa biển và tìm hiểu sự đa dạng của hệ sinh thái ven biển, tiếp tục lên tàu đi về hướng Đông Bắc, ngang qua mũi Tàu Bể, vịnh Bãi Vông để đến vịnh Đầm Tre tham quan khu rừng ngập mặn với nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, hoang dã, bơi với ống thở để xem san hô và xem cá biển rất nhiều màu sắc, xem chim yến làm tổ trong mùa sinh sản và nhiều loài sinh vật biển quý, lạ…

Trung tâm Côn Đảo – hang Đức Mẹ – Đất Thắm – Bãi Bàng

Từ trung tâm Côn Đảo, du khách theo đường Võ Thị Sáu đến một con đường nhỏ để bắt đầu cho chuyến tham quan leo núi xuyên qua những cánh rừng, đây là tuyến du lịch rất thích hợp cho những du khách thích vận động leo núi. Du khách nên bắt đầu đi trước lúc bình minh để nghe được vũ điệu hót của các loài chim rừng khi bình minh vừa hé sáng. Trên đường đi du khách dừng chân để tìm hiểu thêm về di tích cầu Ma Thiên Lãnh. Từ đây đi theo bảng chỉ dẫn mất khoảng 15 phút đi lên các nấc đá, xuyên qua rừng để đến hang Đức Mẹ, một hang đá nhỏ do người Pháp tìm thấy và chọn nơi này làm nơi đặt tượng thờ Đức Mẹ Maria để đến cầu nguyện trong những năm chiếm đóng. Tiếp tục đi theo các nấc thang đá, băng qua cánh rừng mưa nhiệt đới tận hưởng một bầu không khí trong lành, mát lạnh, cùng khám phá các loài động thực vật quý hiếm của rừng nguyên sinh. Du khách mất khoảng 20 phút để đến bãi biển Đất Thắm – Bãi Bàng, tất cả những mệt nhọc vừa trải qua của du khách sẽ bị quên đi khi trước mắt hiện ra một bãi cát trắng mịn cùng với một làn nước biển trong xanh, nơi đây còn rất nổi tiếng bởi một con suối hồ, nước suối mát lạnh và trong veo chảy từ một vách đá thẳng đứng trên núi cao xuống bãi biển.

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời