16 hòn đảo lớn, nhỏ tạo nên một Côn Đảo đầy bí ẩn

Côn Đảo hay còn có tên gọi khác là Côn Lôn, Côn Sơn, là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo có diện tích khoảng 76km2 gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ.

Đảo Côn Lôn

Từ đông sang tây dài 15km, chỗ rộng nhất 9km, chỗ hẹp nhất khoảng 1km. Với diện tích 51,250 km², đảo Côn Lôn chiếm gần 2/3 tổng diện tích quần đảo. Trên đảo có thị trấn Côn Sơn nằm ở tọa độ 8o 40’57’’ vĩ độ bắc, 106o 36’10’’ kinh độ đông. Nói đến quần đảo Côn Lôn là nói đến hòn đảo này, vì đời sống kinh tế , chính trị và xã hội của cả quần đảo tập trung ở đây.

Hòn Bà (Phú Sơn; Côn Lôn nhỏ)

Hòn Bà có diện tích tự nhiên là 576 ha, là đảo lớn thứ ba trong quần đảo Côn Sơn. Hòn Bà nối liền với hòn Côn Sơn bằng Cửa Tử, tạo thành vịnh Bến Đầm. Đây là vịnh kín gió, rộng là nơi neo đậu trú bão của tàu thuyền ngư dân trên biển.

Tài nguyên rừng trên Hòn Bà đa dạng và phong phú có nhiều cây gỗ quý, hiếm và nhiều loài động vật quý, hiếm đặc hữu như Khỉ đuôi dài, Sóc đen Côn Đảo, Heo rừng, Kỳ đà, chim rừng…

Khi đến Trạm kiểm lâm Hòn Bà, du khách đi bộ xuyên rừng khoảng 20 phút về phía Tây sẽ đến được bãi Đầm Quốc để khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh, tắm biển, bơi lội có kiếng lặn và ống thở xem san hô và sinh vật biển; hoặc du khách có thể leo núi chinh phục Đỉnh Tình Yêu, với độ cao 352m và các đỉnh núi lân cận quan sát toàn bộ vịnh Bến Đầm và các đảo xung quanh.

Theo truyền thuyết, khi được biết chúa Nguyễn Ánh muốn sang cầu cứu quân xâm lược Pháp, và nhất là ý muốn gửi Hoàng tử Cải sang làm con tin cho việc cầu viện bên Pháp, bà Phi Yến đã lựa lời khuyên can nhưng chẳng những Chúa Nguyễn Ánh không nghe mà còn khép cho Bà tội thông đồng với quân Tây Sơn nên đã đem giam Bà vào một hang đá trên đảo nên gọi là Hòn Bà ngày nay.

Hòn Bảy Cạnh

Hòn Bảy Cạnh (Phú Cường) diện tích 5,500km² nằm trước mặt thị trấn Côn Sơn. Trên đảo có ngọn Hải Đăng xây năm 1884 rọi đường cho tàu bè quốc tế qua lại.

Nằm ở phía Đông quần đảo Côn Đảo, Hòn Bảy Cạnh được che phủ bởi rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn thuộc hệ sinh thái nhiệt đới hải đảo với 882 loài thực vật và gần 150 loài động vật. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội lặn biển để ngắm san hô, cá và các loài sinh vật biển khác sống trên các rặng san hô. San hô ở đây rất đa dạng chủng loại với san hô dạng phiến, dạng bàn, dạng cành, dạng khối đều thuộc Sách đỏ của Việt Nam. Ngoài ra, Hòn Bảy Cạnh còn có tài nguyên sinh vật biển phong phú với cá heo, rùa xanh, bò biển, ốc đá, trai tai tượng vảy, hải sâm, cá bướm, san hô não…

Rừng ngập mặn Hòn Bảy Cạnh Côn Đảo

Một đặc trưng của Hòn Bảy Cạnh chính là hệ sinh thái rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn Côn Đảo phân bố chủ yếu trên nền thổ nhưỡng san hô chết, cát, sét mềm. Đây cũng là điểm khác biệt của rừng ngập mặn Côn Đảo nên khi nước thủy triều rút, du khách vẫn có thể đi lại dễ dàng trong rừng, không bị sình lầy như các nơi khác.

Đêm xuống, du khách còn được tìm hiểu về đời sống của một loài cua chỉ có ở Côn Đảo mà người dân quen gọi là cua xe tăng. Loài cua này rất nhát người, chỉ cần nghe tiếng chân khách xào xạc trên thảm lá là chúng trốn biệt.

Tham quan hòn Bảy Cạnh, du khách còn được ngắm rùa biển đẻ trứng (từ tháng 4 – 9) , tắm biển ở bãi Cát Lớn với nước biển trong xanh và cát trắng mịn màng và đi theo đường mòn ven núi lên ngọn Hải Đăng để ngắm nhìn cảnh quan bao la và hùng vĩ của trời và biển Côn Đảo.

Hòn Cau

Hòn Cau khá nổi tiếng bởi trước đây là một làng cổ thời vua Gia Long với tên “Xóm Bà Thiết”. Hòn Cau là một trong hai đảo thuộc quần đảo Côn Sơn có nguồn nước ngầm. Phía trước Hòn Cau có bãi Cát trắng trải dài dọc theo dãy núi hình cánh cung, xen lẫn hàng dừa và cây Phong Ba sừng sững chắn gió xanh bất tận, sâu lắng tiếng sóng vỗ rì rào, từng làn sóng tung bọt trắng xóa, kéo du khách hòa vào không gian tuyệt vời của đất, trời và biển. Hòn Cau cũng là một địa ngục trần gian khác nữa, giam giữ những nhà họat động Cách Mạng mà nổi tiếng nhất phải kể đến Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào khoảng thời gian 1930 – 1931.

Đến với Hòn Cau, du khách thăm di tích lịch sử giam giữ nhà hoạt động cách mạng nỗi tiếng Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1930 – 1931; tham quan rừng dừa, vườn cây ăn trái, tìm hiểu công tác bảo tồn thiên nhiên, bơi lội xem san hô… là những khoảnh khắc, những trải nghiệm đầy thú vị khó quên và tận hưởng cảnh đẹp hoang sơ và môi trường trong lành.

Hòn Trác Lớn

Hòn Trác Lớn (Phú Hưng) diện tích 0,250km², nằm kế Mũi Cá Mập.

Hòn Trác Lớn cũng nằm ngay cạnh mũi Cá Mập, giữa đảo Côn Sơn với hòn Tài Lớn, hòn Tài Nhỏ. Hòn đảo này có diện tích 14 ha. Từ cầu tàu 914, du khách có thể nhìn thấy rất rõ cảnh quan trên hòn Trác Lớn với cây cối xanh tốt quanh năm, rất nhiều loài động vật quý hiếm như chim biển, rùa biển…

Trên Hòn Trác Lớn có một bãi tắm siêu đẹp, nước trong vắt màu ngọc bích nên rất thích hợp để tắm biển hoặc lặn ngắm san hô.

Hòn Trác Nhỏ

Hòn Trác Nhỏ (Phú Thịnh) diện tích 0,100km², nằm kế Hòn Trác Lớn

Hòn Trác Nhỏ nằm ngay cạnh Hòn Trác Lớn, có hình dáng giống như hình oval. Hòn Trác Nhỏ cũng là nơi tập hợp của rùa biển vào mùa sinh sản và xung quanh đảo có rất nhiều rặng san hô đủ màu sắc, hình dáng cho du khách khám phá.

Hòn Tài Lớn

Hòn Tài Lớn (Phú Bình) diện tích 0,380km², nằm kế Hòn Trác Nhỏ

Hòn Tài Lớn nằm về phía Đông Nam của đảo Côn Sơn. Nhìn trên bản đồ vệ tinh, hòn Tài Lớn có hình dáng giống một hình thoi khổng lồ xanh ngắt với diện tích lên tới 34 ha. Hòn Tài Lớn nằm cách mũi Cá Mập chỉ khoảng 1km nên di chuyển tới đây rất dễ dàng. Du khách tới đây thường lựa chọn tắm biển, nghỉ ngơi bên bãi biển cát trắng mịn, cùng với đó là đi khám phá thiên nhiên hoang dã và thăm rùa đẻ trứng, xe khỉ mặt đỏ, lặn ngắm san hô.

Ngoài ra đây còn là một ngư trường nuôi ngọc trai lớn ở Côn Đảo. Nếu muốn, bạn có thể đăng ký tour đi khám phá quy trình sản xuất ngọc trai thiên nhiên vô cùng thú vị.

Hòn Tài Nhỏ

Hòn Tài Nhỏ (Phú An), còn gọi là hòn Thỏ, diện tích 0,100km².

Truyền thuyết kể lại rằng, có hai anh em sinh đôi, người anh là Đặng Phong Tài, em là Đặng Trác Vân, ứng lệnh vua Hàm Nghi đứng lên chống Pháp. Sau đó thất bại, hai anh em lần lượt bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Trong thời gian ở đảo, người anh cưới một cô vợ người địa phương tên là Đào Minh Nguyệt. Vì hai anh em sinh đôi rất giống nhau, lại chung sống trong một gia đình, nên nhiều lần người chị dâu xinh đẹp luôn nhầm lẫn giữa chồng và chú em chồng mà mình cảm mến. Để tránh sự hiểu lầm đáng tiếc xảy ra và không muốn làm anh trai bị tổn thương, nên Đặng Trác Vân đã bỏ sang một hòn đảo nhỏ. Người anh rất thương em, nên có ý đi tìm. Nhưng khi sang tới nơi thì người em lại bỏ trốn sang hòn đảo khác. Cứ như thế hai anh em đuổi nhau trên mấy hòn đảo, nhưng không gặp được nhau. Về sau mỗi người chết trên một hòn đảo. Hòn Trác – Hòn Tài có tên từ đó.

Hòn Trọc

Hòn Trọc (Phú Nghĩa) còn gọi là hòn Trai. Diện tích 0,400km².

Hòn Trọc nằm về phía tây đảo Côn Sơn, và chỉ cách hòn đảo chính này khoảng vài trăm mét. Đảo có diện tích khá nhỏ, chỉ khoảng 0,4km² nhưng lại là nơi sinh sống của rất nhiều loài trai, ốc, trong đó có loài trai làm ngọc quý hiếm mang lại giá trị cao.

Hòn Bông Lan

Hòn Bông Lan (Phú Phong) từ xa trông giống như một nửa chiếc bánh bông lan. Diện tích 0, 200km².

Hòn Bông Lan là một hòn đảo nhỏ nằm về phía Nam của hòn Bảy Cạnh. Hòn Bông Lan có hình dáng tròn dài giống như một chiếc bánh bông lan nên người dân lấy tên này đặt cho hòn đảo luôn.

Trên đảo chủ yếu chỉ có đá, phần đỉnh là một thảm thực vật xanh mướt với rất nhiều loài thực vật lạ. Hòn Bông Lan không có bãi biển và cảnh đẹp nên có rất ít người tới đây khám phá, du lịch. Những người ghé thăm hòn Bông Lan chủ yếu là những nhà khám phá thiên nhiên hoặc du khách tò mò muốn xem rùa đẻ trứng.

Hòn Tre Lớn

Hòn Tre Lớn (Phú Hòa) diện tích 0,750km², nẳm ở phía tây đảo Côn Lôn, cách cảng Bến Đầm 5km. Tài nguyên rừng có nhiều loài thực vật đặc trưng như: Bàng biển, Bàng vuông, Phong ba,… Động vật rừng có Sóc mun, kỳ đà, trăn, rắn, một số loài chim biển, Yến hàng, Bồ câu Nicoba, chim Gầm ghì trắng,..

Tài nguyên biển rất đa dạng và phong phú như: các loài cá sống trong rạn san hô, trai tai tượng ốc bàn tay, rùa biển,… nên không gian biển khu vực quanh đảo Hòn Tre Lớn được quy hoạch là phân khu phục hồi sinh thái.

Hòn Tre Lớn có bãi cát nhỏ, trắng, mịn, là bãi có nhiều rùa biển lên đẻ trứng xếp thứ hai (sau bãi Cát Lớn, Hòn Bảy Cạnh) của rùa biển Côn Đảo. Mỗi năm có hàng trăm cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng. Để đến được Hòn Tre Lớn, du khách có thể đi tàu hoặc ca nô từ cảng Bến Đầm hoặc từ bãi Ông Đụng.

Hòn Tre Nhỏ

Hòn Tre Nhỏ (Phú Hội) diện tích 0,250km². Hòn Tre này có những bụi tre dày, thân trắng. Nằm về phía Tây đảo Côn Sơn, cách bãi Ông Đụng 2 km. Thực vật phân bố trên đảo chủ yếu là cây tre nên gọi là Hòn Tre Nhỏ. Hòn Tre Nhỏ là sân chim trên biển, hàng năm từ tháng 5 – 9 có hàng ngàn lượt chim di cư từ phương Bắc về đây làm tổ và đẻ trứng như: Nhàn mào, Hải âu, các loài Nhạn biển…

Hòn Trứng

Hòn Trứng (Phú Thọ; hòn Đá Bạc) hình dáng gần giống như trái trứng màu trắng, do phân chim bao phủ trắng xóa cả hòn đảo. Đây là một trong những “sân chim” của miền Nam nước ta. Diện tích 0,100km².

Hòn Vung

Hòn Vung (Phú Vinh) diện tích 0,150km². Giống như chiếc vung nồi úp chụp xuống mặt biển xanh. Nằm cạnh hòn Bà.

Hòn Vung là một hòn đảo nhỏ nằm ngay sát phía Nam của đảo Hòn Bà. Đảo Hòn Vung có cảnh quan thiên nhiên không quá đặc biệt nên thường có ít du khách tới ghé thăm hòn đảo này.

Hòn Anh – Hòn Trứng Lớn

Hòn Trứng Lớn (hòn Anh thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cách cửa biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) khoảng 80km về hướng Tây Nam. Nhìn trên hải đồ, hòn đảo này nằm gần Bạc Liêu nhiều hơn so với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mùa gió Nam là mùa câu mực, ngư dân Bạc Liêu đa số đánh lưới nên không ở khu vực hòn mà đi xa hơn nữa. Nhìn từ xa, nó giống hình dáng con hà mã đang trầm mình trong nước biển. Khi chạy quanh mới thấy hòn gồm 2 phần, một chỏm đá nhỏ có cột đá dựng đứng và một đảo đá có cây mọc, vách đá khá nhẵn, hơi nghiêng, trên đỉnh có những tảng đá nằm meo ra hướng biển như sắp rơi xuống.

Hòn Trứng Lớn không có người ở, thực vật ở đây phần nhiều là dứa gai, nhàu, các loại dây leo, cỏ. Trên đỉnh có một khe nước ngọt, có thể vốc tay uống.

Hòn Em

Hòn Em hay còn gọi là Hòn Trứng Nhỏ là một hòn đảo nhỏ, cách Côn Lôn lớn 50km về phía Tây Nam.

Côn Đảo là một vùng đất thiêng liêng, chứa đựng trong đó những giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc. Côn Đảo được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tự nhiên xinh đẹp, thơ mộng. Mỗi rừng cây, bãi cát, suối nguồn…đều mang đậm dấu tích văn hóa của người xưa. Đó là những di sản văn hóa quí báu, truyền lại cho các thế hệ mai sau. Người Côn Đảo hiền hòa, mến khách, giàu tình cảm. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần tạo nên một vùng đất du lịch hấp dẫn, và không ngừng khám phá qua những địa danh tuy đã nghe quen nhưng vẫn luôn mới mẻ.

 

 

 

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời