12 điều cần biết khi đi tắm biển

Những điều đặc biệt cần thiết cần được trang bị để bạn có một chuyến đi an toàn, tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ tuyệt vời với biển xanh nắng vàng. Cùng đọc và ghi nhớ mỗi khi bạn chuẩn bị xuống biển nhé!

Khởi động trước khi xuống biển

Trước vẻ đẹp và sự mời gọi của biển xanh và những con sóng cuộn trào, hẳn ai cũng háo hức nóng lòng muốn nhảy ùm xuống biển ngay lập tức. Tuy nhiên, vì môi trường trên cạn và dưới nước khác nhau nên cơ thể bạn sẽ cần có thời gian thích nghi với sự thay đổi của môi trường cũng như nhiệt độ dưới nước. Do vậy, nên thực hiện một vài động tác khởi động chân tay, làm ấm cơ thể để tránh bị chuột rút khi xuống nước.

Không để bụng quá đói hoặc quá no khi xuống biển

Không nên đi tắm biển với cái bụng quá đói hoặc quá no. Bụng quá đói sẽ khiến bạn không đảm bảo thể chất tốt cho việc bơi lội. Bụng quá no xuống biển sẽ mang lại cảm giác nặng nề, tức bụng, khó chịu. Tốt nhất nên ăn chút đồ lót dạ trước khi xuống biển và mang theo bánh ngọt, hoa quả, đồ ăn sẵn để ăn sau khi bơi xong, bởi bơi sẽ khiến bạn tiêu hao kha khá năng lượng.

Không bơi ở quá xa bờ

Những con sóng ở xa bờ luôn là những con sóng lớn, đôi lúc rất dữ. Không chỉ thế, khi ra quá xa bờ, bạn có thể có nguy cơ đối mặt với cái xoáy nước và các rủi ro khó lường khác. Do vậy không nên bơi quá xa bờ, nhất là bơi một mình. Luôn chú ý quan sát về phía bờ. Không nên bơi quá bờ 15 mét và ở vùng nước sâu quá 5 mét.

Không bơi ra khỏi khu vực an toàn

Bãi biển nào cũng sẽ có biển báo và cọc cắm cảnh báo khu vực nước sâu và nguy hiểm. Bạn nên tuân thủ tuyệt đối nội quy của bãi biển, không cố tình bơi ra quá khỏi khu vực quây an toàn, tránh trường hợp gặp phải sóng dữ hoặc bị cuốn đi.

Không bơi vào những ngày sóng lớn

Nên chú ý nghe ngóng thông tin dự báo thời tiết trước mỗi chuyến đi. Không nên đi tắm biển vào những ngày sóng lớn hay mưa bão. Những con sóng lớn và dòng nước ngược rất nguy hiểm cho người bơi.

Một kinh nghiệm nhìn biển là khi đột nhiên thấy bờ biển lặng sóng bất thường, nước rút ra xa và nhiều đàn chim bay dáo dác, hãy lập tức lên bờ và tìm chỗ cao ráo.

Không phơi nắng quá lâu

Không nên phơi nắng quá lâu trước khi xuống biển, nhất là những lúc nắng gay gắt. Nắng gay gắt vừa không tốt cho sức khỏe, vừa khiến bạn có thể bị cảm lạnh khi đột ngột từ nhiệt độ cao chuyển sang nhiệt độ thấp của môi trường nước.

Tránh vùng có cột trụ, cầu cảng

Các thành phố biển thường có cầu cảng hoặc trụ neo nằm rải rác. Đây là nơi tập trung nhiều các động vật thân mềm như sứa, .. Do vậy không nên tiếp cận quá gần những khu vực này, tránh trường hợp bị sứa cắn. Khi bị sứa cắn, nên lập tức lên bờ và sát chanh vào chỗ bị cắn, rồi tắm lại bằng nước ngọt.

Tránh đi bơi một mình

Để đảm bảo an toàn, hãy luôn đi cùng 1 – 2 người khác khi đi bơi ở biển. Càng đông càng an toàn và càng dễ hỗ trợ nhau hơn khi chẳng may gặp phải sự cố.

Các trường hợp cần lập tức lên bờ

Khi cơ thể mắc phải một trong những trường hợp sau đây, bạn nên lập tức tìm cách lên bờ: cảm thấy lạnh người, mệt mỏi đột ngột, nhức đầu hoặc đau nhức sau gáy, chuột rút, ngứa ngáy cơ thể, rối loạn thị giác, đau khuỷu tay và đầu gối, có dấu hiệu bị trướng bụng.

Cách xử lý khi gặp phải xoáy nước

Các bãi tắm gần khu đô thị lấn biển thường có nhiều hố, bãi trũng và các xoáy nước bất ngờ. Nếu chẳng may bị cuốn vào xoáy nước, đừng hoảng sợ cũng đừng cố bơi ngược dòng, hãy cố bơi vuông góc với dòng chảy. Luôn nhớ các dòng chảy xa bờ không hút người xuống đáy mà chỉ đẩy bạn ra xa bờ.

Đối với những người không biết bơi hoặc đã đuối sức, hãy thả nổi mình trôi theo dòng, chờ người tới ứng cứu.

Tự cứu mình

Nếu không may gặp phải các tình huống rủi ro bất ngờ và không có ai xung quanh, bạn cần biết những điều sau đây để tự cứu mình. Không nên quá hoảng sợ quẫy đạp, cố gắng bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng và nín thở để giữ cho phổi không bị sặc nước. Dùng chân và tay để quạt nước, giúp đầu nhô lên khỏi mặt nước. Với cách này, bạn có thể tồn tại dưới nước khá lâu đủ để chờ người tới ứng cứu, hoặc lợi dụng dòng chảy để bơi vào chỗ nông hơn.

Các trường hợp không nên đi tắm biển

Những người mắc các bệnh sau đây không nên đi tắm biển: bệnh viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi, các bệnh tim mạch, viêm tai giữa, viêm thận, người có thần kinh dễ bị kích thích hoặc thường xuyên sợ lạnh.

Cùng đọc và chia sẻ tới những người thân của bạn để mọi người có thêm các kiến thức cần thiết cho mọi chuyến đi biển đều an toàn tuyệt đối, tận hưởng trọn vẹn nhé!

 

5/5 - (4 bình chọn)

Trả lời