10 cảnh đẹp trong “Hà Tiên Thập Cảnh”

“Hà Tiên Thập Cảnh” – Vùng đất biên thùy cực nam Tổ quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, đã được biết đến khi nơi đây hội tụ 10 danh lam thắng cảnh hoang sơ đầy hấp dẫn tiêu biểu của Nam bộ.

Tiêu Tự Thần Chung

Theo sách Mạc Thị Gia Phả, sau khi triều đình nhà Thanh được thành lập tại Trung Hoa, một vị quan trung thành với nhà Minh là Mạc Cửu đã rời bỏ quê hương trôi dạt xuống vùng Đông Nam Á. Năm 1695, ông thần Phục vua Chân Lạp và xin được đến làm ăn tại Mang Khảm. Đến năm 1714, Mạc Cửu xin sát nhập Mang Khảm vào xứ Đàng Trong. Chúa Hiển tông Nguyễn Phúc Chu đồng ý phong cho Mạc Cửu chức Tổng binh, sau phong Cửu Lộc hầu. Vùng Mang Khảm được đổi thành trấn Hà Tiên.

Một thời gian sau, thân mẫu của Ngài Mạc Cửu là Thái Thái phu nhân cũng được đưa đến đây. Để có nơi chốn cho mẹ tu hành trong những năm cuối đời, Khai trấn Cửu Lộc Hầu Mạc Cửu đã cho xây dựng chùa Tam Bảo sau khi Thái Thái phu nhân quy y với Hòa thượng Ấn Hạ thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35. Tu hành được một thời gian, Thái Thái phu nhân tọa hóa trước Phật Đài. Mạc Cửu cho đúc kim thân của mẹ để thờ, đúc một Đại hồng chung để cúng và nghe tiếng chuông mà tưởng niệm mẹ hiền. Năm 1735, Mạc Cửu qua đời, con ông là Mạc Thiên Tứ (hay Mạc Thiên Tích) thay cha làm Đô đốc Tổng binh. Nổi tiếng là một người có tài làm thơ. Mạc Thiên Tích sáng tác 10 bài thơ Nôm lấy tựa chung là “Hà Tiên thập cảnh ngâm khúc” là mười bài vịnh 10 cảnh đẹp Hà Tiên, trong đó có bài “Tiêu tự thần chung” (Tiếng chuông sáng sớm ngân vang ở cảnh chùa tịch mịch) :

Rừng thiền xít xát án ngoài tào

Chuông gióng chùa Tiêu tiếng tiếng cao

Chà thỏ bạt vang muôn khóm sóng

Oai kình tan tác mấy cung sao

Não phiền kẻ nấu sôi như vạc

Trí huệ người mài sắc tựa đao

Mở mịt gẫm dường say mới tỉnh

Phù sanh trong một giấc chiêm bao

Sắc tứ Tam Bảo

Đời trụ trì đầu tiên của chùa Tam Bảo là Hòa thượng Ấn Hạ cũng là vị Hòa thượng khai nguyên cho Phật giáo xứ Hà Tiên. Đến nay, chùa Tam Bảo đã trải qua 19 đời trụ trì là những vị chân tăng như Hòa thượng Hòa Quang, Thiền sư Nhất Đới, Thiền sư Trí Tàng, Thiền sư Hoằng Ân, Thiền sư Hải Huệ, Thiền sư Giác Ngạn, Thiền sư Như Đức, Thiền sư Như Khả, Thiền sư Phước Chơn, Hòa thượng Thuần Hạnh, Yết ma Phước Thành, Hòa thượng Phước Ân (1920 – 1946), Hòa thượng Phước Quang, Hòa thượng Quảng Đức, Hòa thượng Vĩnh Đạt, Hòa thượng Chánh Định, Thượng tọa Thiện Giác (1960 – 1974) và từ năm 1974 đến nay là Ni sư Thích Nữ Như Hải (thế danh Huỳnh Thị Phước).

Sinh năm 1944 tại xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, mẹ mất sớm, cha đi làm ăn xa, thủa nhỏ sống trong tình thương của ngoại và dì , năm 15 tuổi, Ni sư xuất gia tại Quan Âm tu viện vừa tu học vừa dạy trẻ từ lớp 1 đến lớp 5. Năm 1962, Ni sư được Bổn sư đưa đến Diệu Ấn ni tự tại thị xã Phan Rang tu học và sau đó, tiếp tục học thế pháp tại trường Bồ Đề Phan Rang. Đến năm 1963, Ni sư lại được đưa về tu học tại chùa Dược Sư suốt trong 11 năm vừa học thế pháp, vừa học Phật học. Năm 1974, Ni sư được Hòa thượng Thích Huyền Vi và Hòa thượng Thích Thanh Từ cử về trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo Hà Tiên cho đến nay.

Chùa Tam Bảo Hà Tiên trong những năm 1960

Từ ngày thành lập đến nay, chùa Tam Bảo đã được nhiều lần trùng tu lớn và nhỏ. Hai lần trùng tu được xem là lớn nhất là trong thời gian trụ trì của Hòa thượng Phước Ân (1920 – 1946) và trong thời gian trụ trì của Ni sư Như Hải từ 1974. Trong lần trùng tu lớn thứ 1, Hòa thượng Hồng Ân đã cho xây dựng lại chùa Tam Bảo với dáng vẻ khang trang uy nghiêm như ngày nay và cho trồng một số cây sao đến nay đã trở thành cổ thụ. Lần thứ 2, sau khi được cử về trụ trì chùa Tam Bảo, Ni sư Như Hải đã bắt đầu cho kiến tạo và trùng tu một số công trình như An vị Đức Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao 5 m, nặng 7 tấn (1974), Lợp lại mái ngói Chánh điện và Nhà Tổ (1979), An vị tôn tượng Thiên Thủ Thiên Nhản (1987), An vị Đức Bổn sư Thích Ca ngồi dưới cội Bồ đề (1983), xây dựng cổng Tam quan, phục chế bức tường đã sụp đổ và chỉnh trang cảnh quan xung quanh chùa (1992).

Vốn xuất thân từ một Đoàn sinh Gia đình Phật tử nên Ni sư rất quan tâm đến tổ chức này. Năm 1985, Gia đình Phật tử chùa Tam Bảo được thành lập đã hướng dẫn thanh thiếu niên tu học tốt, thực hành Bi Trí Dũng trong đời sống. Ngoài ra, chùa Tam Bảo còn tổ chức thọ Bát Quan Trai mỗi tháng, được đặt tên là Đạo tràng Tuệ Giải, không những hướng dẫn Phật tử tu học còn thực hành hạnh từ bi thường tham gia công tác từ thiện xã hội kết hợp với Chữ Thập Đỏ Hà Tiên để luôn luôn thực hiện phương châm “tốt đạo, đẹp đời”.

Kim Dự Lan Đào

Theo tài liệu do nhà chụp hình nỗi tiếng ở Hà Tiên ngày xưa, ông Quách Ngọc Bá viết trong quyển sách du lịch « HATIEN PHOTO »: Pháo Đài là một trái núi nhỏ ở ngay cửa sông Hà Tiên, cách chợ 600 m. Từ hồi Nam Triều đến thời Pháp thuộc vẫn là cứ điểm quân sự trấn giử biển cả, trên có bố trí trọng pháo nên tên gọi là Pháo Đài.

Pháo Đài của thời xưa là những trang lịch sử oai hùng, từng làm kinh khủng giặc Thái Lan bằng những thần công, đại bác, đã phá kỷ lục tên tre lẩy nỏ.

Kim Dự Lan Đào

Thời họ Mạc, vị trí Pháo Đài ở ngay giữa hải cảng Hà Tiên, ngó ra vịnh Thái Lan, hình thể ví như cửa thành thiên nhiên để che chở nội địa. Mạc Thiên Tích đã so sánh với nhiệm vụ, với địa vị mình là tướng lảnh trọng yếu trấn giử biên cương qua bài thơ « Kim Dự Lan Đào » (Kim: vàng, Dự: hòn đảo nhỏ, Lan: ngăn chận, Đào: sóng to, « Kim Dự Lan Đào: Hòn đảo vàng nhỏ ngăn chận sóng to):

Kim Dự nầy là núi chốt then,

Xanh xanh dành trấn cửa Hà Tiên,

Ngăn ngừa nước dữ khôn vùng vẩy,

Che chở dân lành khỏi ngửa nghiêng,

Thế vững kình càng trên Bắc hải,

Công cao đồ sộ giữa Nam thiên,

Nước an chẳng chút lông thu động,

Rộng bủa nhơn xa tiếp bá xuyên.

(Trích Thơ Nôm của Mạc Thiên Tích)

Cách đây hơn một thế kỷ, hòn đảo Pháo Đài còn tách rời khỏi đất liền. Do có thủy triều lên cao thấp, nước lớn nước rồng, khoảng cách giữa hòn đảo nầy và đất liền xa gần khác nhau nên dân gian có đặt truyền thuyết là hòn Kim Dự là một hòn đảo nổi trôi ra trôi vô theo con nước….Cũng có một truyền thuyết khác nói rằng Kim Dự là một hòn đảo nổi, dưới hòn đảo đó có một con Giao Long nằm ẩn mình tu lâu đời. Thỉnh thoảng con Giao Long cựa mình thì làm cho hòn đảo lay chuyển, khi trôi ra xa, khi dạt vào gần bờ. Trong thời Pháp chiếm Hà Tiên, do công sức của các tù nhân, họ xây đắp một con đường nối liền đảo Pháo Đài với chợ Hà Tiên, gọi là đường Cầu Đá, dần dần con đường trở thành đường đất, rộng rải đủ cho xe cộ lưu thông. Bây giờ con đường trở thành một đại lộ đã tráng nhựa. Con đường nầy nối từ khu Chùa Quan Thánh (tên đúng là Miếu Quan Thánh Đế) chạy thẳng đến dưới chân núi Pháo Đài, ngày nay chính là đại lộ Mạc Thiên Tích. Xóm nhà hai bên con đường nầy còn có tên là xóm Cầu Đá.

Về địa hình, trên đỉnh Pháo Đài có dạng trái xoan, có công sự phòng thủ hình chữ U, chu vi khoảng 84,5 m và cao gần 3 m, công sự phòng thủ nầy được xây dựng trên đỉnh núi Pháo Đài (còn gọi là núi Đại Kim Dự), núi cao khoảng 25 m. Thời vua Minh Mạng thứ 15 (1834) Pháo Đài được thành lập để trở thành căn cứ quân sự phòng thủ, nhà Nguyễn cho đắp đồn lũy trên đồi, đặt súng thần công nên từ đó có tên là Pháo Đài. Ngày nay tên Pháo Đài cũng được dùng để đặt tên cho Phường Pháo Đài thuộc thị xả Hà Tiên. Thời Pháp chiếm Hà Tiên trên Pháo Đài có lập một ngọn Hải Đăng và có nhân viên người Pháp quản lý. Trong thời kỳ chiến tranh 1960 -1970 ngọc Hải Đăng bị bỏ hoang phế, ngày nay đã được phục hồi. Trong thời gian Hà Tiên chưa có bệnh viện, người Pháp dùng mặt bằng trên Pháo Đài để làm trạm y tế. Đến khi bệnh viện Hà Tiên được cất lên, người Pháp xây dựng một nhà nghỉ mát trên mặt bằng Pháo Đài, gọi là Bungalow. Suốt những năm chiến tranh 60 – 70 Pháo Đài trở thành căn cứ quân sự, có tiểu đoàn 528 Địa Phương Quân đóng trên đó, lúc đó Đại Úy Trần Văn Thiệt là tiểu đoàn trưởng, dân chúng không được lui tới. Hiện nay Pháo Đài đã được phát triển thành một nơi ngắm cảnh, nghỉ ngơi, có khách sạn, hồ bơi, hoàn toàn được xem như một nơi tự do du lịch và dạo chơi rất lý thú.

Lộc Trĩ Thôn Cư

“Lộc trĩ thôn cư” – một trong mười danh thắng của Hà Tiên thập cảnh, cách thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) chừng 5km và giáp với đất bạn Campuchia.

Tích xưa kể rằng thuở sơ khai, nơi đây trời nước mênh mông, có một chú nai con trên rừng thường tìm xuống bãi uống nước. Một ngày kia, nai con mải vui, say mê với cảnh đẹp nên lạc đường về. Đang mùa dông bão, sóng dữ xô đập vào bờ, chú nai con tội nghiệp đói khát, kiệt sức đã chết gục bên bờ cát… Nơi ấy trở thành Mũi Nai và ngày nay nếu đứng ở đỉnh đồi đối diện hoặc đi trên thuyền từ biển nhìn vào bờ, bạn sẽ thấy ngọn núi phía xa trông giống như hình một chú nai đang vục đầu uống nước.

Biển Mũi Nai hoang sơ

Xóm quê “Lộc trĩ thôn cư” dựa lưng vào vách núi, nằm dưới những rặng dừa quanh năm hứng gió biển khơi nay trở thành một điểm du lịch sinh thái nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nam Phố Trừng Ba

Bãi biển Nam Phố nay thuộc xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Bãi biển này nằm cạnh quốc lộ 80 từ thành phố Rạch Giá đi Hà Tiên. Từ trung tâm thị xã Hà Tiên xuôi về phía Nam khoảng 10 km, du khách sẽ thấy một vùng trời nước mênh mông sóng lặng như tờ.

Nam Phố có nghĩa là bãi ở phía Nam, trừng ba tức là sóng lặng, nước yên. Cái tên này đã nói lên phần nào vẻ đẹp của thắng cảnh.

Bãi biển Nam Phố

Nam Phố được nhắc đến qua bài thơ “Nam Phố trừng ba” trong cuốn “Hà Tiên thập cảnh vịnh” của Mạc Thiên Tứ.

Nam phố trừng ba

Nhất phiến thương mang nhất phiến thanh,

Trừng liên giáp phố lão thu tình.

Thiên hà đới vũ yên quang kiết,

Trạch quốc vô phong lãng mạt bình.

Hướng hiểu cô phàm phân thuỷ cấp,

Xu triều dung phảng tải vân khinh.

Tha tri nhập hải ngư long nặc,

Nguyệt lãng ba quang tự tại minh.

Thạch Động Thôn Vân

Thạch Động thuộc địa phận xã biên giới Mỹ Đức, cách trung tâm thành phố Hà Tiên khoảng 4km. Do nằm bên quốc lộ 80 và cách biên giới nước bạn Campuchia chỉ khoảng 3km nên nơi đây rất thuận tiện đến trải nghiệm dụ lịch, khám phá kết hợp.

Đứng xa xa từ phía quốc lộ 80 nhìn lên, Thạch Động nhô lên như đầu vị tướng oai dũng sừng sững hướng mặt nhìn về phía biển. Còn đứng theo hướng từ phía biên giới nhìn lại, khu vực núi Thạch Động hiện lên yên bình một màu xanh của cây rừng, phía dưới chân núi là ngồi nhà dân đơn sơ giản dị, xa xa là cánh đồng lúa chín vàng bạt ngàn, cùng những cây thốt nốt lẻ loi vươn mình cao vút. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ của Thạch Động, mang một vẻ đẹp đặc trưng của xứ Hà Tiên.

Đến phía trước, bên trái lối lên Thạch Động là tấm bia đá căm thù, được dựng lên nhằm kỉ niệm về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam của thế kỷ trước, và Thạch Động là một dấu tích lịch sử, là địa điểm phòng thủ chiến lược quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ biên cương oai hùng ngày ấy.

Bước vào Thạch Động là những hang đá lớn nhỏ được hình thành do sự biến đổi của địa chất. Một ngôi chùa có tên Tiên Sơn được xây trong một hang động lớn nhất của Thạch Động, được cho là xây vào cuối thế kỷ 18, thờ phật Thích Ca và bồ tát Quan Thế Âm. Ngôi chùa được làm bằng tường gạch cùng những cột gỗ đen bóng không trạm chỗ, nằm lọt trong hang động đã tạo nên sự tò mò cho du khách tham quan.

Cửa hang chính rộng lớn, có bậc đá để đón khách ra vào, ba cửa hang nhỏ thông lên cao và một cửa hang nhỏ thông xuống lòng đất mà người dân thường gọi là ngõ “xuống âm phủ”. Trên vách của các hang động với những hốc đá nhô ra lọt vào hiện tại đang là nơi trú ngụ của hàng trăm con chim bồ câu.

Trong hang có nhiều thạch nhũ tạo thành từ quá trình biến đổi địa chất, ngày nay đã trở thành những hình thù kỳ thú, kích thích trí tượng tượng của khách tham quan. Đặc biệt, một khối thạch nhủ ở cửa hang phía trước dài tầm 3m, được nhiều người hình dung là cánh bên phải của một con đại bàng.

Đến với Thạch Động, du khách sẽ được nghe kể rất nhiều những câu chuyện bí ẩn về những vách đá có hình thù kỳ lạ, là nơi phát tích truyện cổ tích Thạch Sanh. Tương truyền, phía Đông của động có một cửa hang thông thiên nên khi ánh sáng rọi xuống người xưa gọi là “đường lên trời”. Theo truyền thuyết xưa, Thạch Sanh đã theo cửa miệng hang này để vào bên trong động giết đại bàng tinh, cứu công chúa Quỳnh Nga và con trai vua Thủy Tề.

Đông Hồ Ấn Nguyệt

Đông Hồ là một đầm nước mặn có diện tích 1.384,36 ha nằm ở phía đông của thị xã Hà Tiên, phía hữu ngạn có núi Ngũ Hổ, còn tả ngạn là dãy núi Tô Châu sừng sững soi bóng xuống mặt hồ. Đây là nơi giao thoa giữa sông Giang Thành, kênh Rạch Giá – Hà Tiên và chảy ra biển Tây (vịnh Thái Lan). Từ lâu, Đông Hồ là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của Hà Tiên, được du khách trong và ngoài nước biết đến. Đông Hồ đẹp nhất vào những đêm trăng sáng, nền trời không một gợn mây, gió thoảng nhẹ, mặt trăng lên cao in bóng xuống mặt hồ lung linh, huyền ảo.

Ngược dòng lịch sử, cách đây gần 300 năm, vào ngày rằm, tháng giêng, năm Bính Thìn 1736, Mạc Thiên Tích, vị tổng trấn lúc bấy giờ mở hội hoa đăng thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các đã giới thiệu sách “Hà Tiên Thập Vịnh Cảnh” trong đó có bài “Đông Hồ Ấn Nguyệt”, nghĩa là trăng in xuống hồ đông nổi tiếng đến ngày nay, được 31 thi nhân của thi phái Chiêu Anh Các cùng các danh sĩ cùng thời họa lại với 31 bài thơ. Bài thơ luật nôm trong Hà Tiên Thập Khúc Vịnh của Mạc Thiên Tích như sau:

“Một hồ lẻo lẻo tiết thu quang.

Giữa có vầng trăng nổi rõ ràng.

Đáy nước chân mây in một sắc;

Ả Hằng nàng Tố lố đôi phương.

Rạng thanh đã hứng thuyền Tô Tử.

Lạnh lẽo càng đau kiếng Nhạc Xương.

Cảnh một mà tình người dễ một.

Kẻ thì ngả ngớn kẻ sầu thương.”

Đông Hồ không chỉ nổi tiếng là một thắng cảnh thiên nhiên đẹp mà còn ẩn chứa nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, dễ nhận ra nhất là thế mạnh về du lịch, dịch vụ và nuôi trồng nông – lâm – thủy sản.

Đông Hồ còn là bút hiệu của thi sĩ Lâm Tấn Phác, người con của đất Hà Tiên, một thi nhân tài hoa đã để lại nhiều tác phẩm văn học quý giá cho đời. Thi sĩ Đông Hồ còn là người đầu tiên có công sưu tầm, chú thích và giới thiệu Hà Tiên Thập cảnh Khúc Vịnh của Mạc Thiên Tích đến với công chúng qua sách Văn học Hà Tiên.

Hiện nay, đầm Đông Hồ đã được chính quyền địa phương và người dân sở tại đầu tư để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp với tham quan tìm hiểu về cuộc sống cư dân địa phương với nghề chằm lá truyền thống và đánh bắt thủy sản, cùng với thưởng thức các món ăn dân dã rất đổi bình dị. Chắc hẳn sau một chuyến tham quan thú vị như thế sẽ mang lại những cảm xúc nhẹ nhàng, an nhiên, thư thái cho du khách khi đến với xứ thơ miền đất biên thùy cuối trời Tây Nam của Tổ quốc.

Giang Thành Dạ Cổ

Giang Thành có nghĩa là thành luỹ đóng ở ven sông. Dạ có nghĩa là ban đêm. Cổ là tiếng trống. Giang Thành dạ cổ là tiếng trống canh về đêm của đồn thú ở bên sông. Bây giờ không rõ thành này ở nơi nào.

Dòng sông nhỏ bắt nguồn từ vùng Sài Mạt, Lình Quỳnh thuộc địa phận Chân Lạp chảy về phía Hà Tiên có tên là Giang Thành, do trên bờ có luỹ Giang Thành.

Vào thời Mạc Thiên Tích, Giang thành có thể ở chổ đầu luỹ Thị Vạn, khoảng Vàm Hàn ngày nay. Còn quận Giang Thành là chổ ngã ba tiếp giáp kênh Vĩnh Tế ở Châu Đốc chảy sang, liền với thương lưu sông Giang Thành.

Thời họ Mạc khai thác Hà Tiên chưa có Kênh Vĩnh Tế. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) mới có bảo Giang Thành, cách trấn Ly Hà Tiên đến khoảng 20km. Mạc Thiên Tích không thể vừa nghe tiếng chuông vừa nghe tiếng trống sớm tối mà xúc động được.

Vì thế Giang Thành Dạ cổ trong 10 cảnh của Mạc Thiên Tích đề vịnh ngày xưa phải ở chổ vàm sông Giang Thành, là nơi đầu dãy Trúc bằng Thành Bờ Đồn lớn, theo nhận định của thị sỹ Đông Hồ.

Lư Khê Ngư Bạc

Rạch Vược bây giờ thuộc ấp Thuận Yên, cách TX.Hà Tiên khoảng 5 km, chạy xe ngang qua đoạn này có ai ngờ nơi ấy từng được ca tụng là Hà Tiên thập cảnh.

Rạch Vược ngày xưa là xóm ngư dân yên bình, vì rạch ấy có lắm cá vược nên gọi tên là Rạch Vược. Rạch Vược có hai nhánh: một thông với vàm Đông Hồ và một thông ra biển. Tại con rạch này, Mạc Thiên Tích cho dựng một điếu đình làm chỗ buông câu, hưởng thú nhàn hạ núi trăng. Cá nặng trên 5 – 10 kg mới gọi là cá vược, còn cá dưới 5 kg gọi là cá chẽm. Cá vược là loài cá ngon có tiếng, trong văn học ca tụng nhiều. Cá nấu chưng với sả nghệ hay hấp dầu ăn rất ngon. Những phụ nữ đảm đang xưa hay trổ tài nấu nướng đãi món cá vược trong ngày giỗ, lễ làm người ăn khen nức lòng. Ngày nay, cá vược ít lắm nên công thức chế biến cá ngon giới trẻ ít người biết đến

Đây là loài cá bí ẩn vì cho đến nay các loài cá có tên trong Sách đỏ vẫn lộ diện trên sông rạch nhưng cá cháy thì bặt tăm. Ngay cả Trung tâm giống quốc gia thủy sản nước ngọt Nam bộ là nơi nuôi dưỡng nhiều loài cá quý hiếm, nhưng khi đề cập đến cá cháy nhiều chuyên gia thủy sản cũng lắc đầu. Họ nói do chưa nắm rõ về chúng nên chưa thể nói gì.

Thời Pháp đã cho xây cầu sắt bắc qua Rạch Vược, tới năm 1943 Pháp phá cầu đắp thành con lộ lớn. Năm 1944, vua Bảo Đại tới dự lễ khánh thành con lộ này. Pháp đắp lộ chủ đích cho xe cơ giới qua mau hơn, sau này Việt Minh đào phá con lộ chặn xe cơ giới giặc khó chạy qua. Sau giải phóng, con lộ được đắp lại và nay nằm trong đoạn quốc lộ 80. Con rạch bị quốc lộ chắn ngang không còn thông với biển, chỉ còn một ngọn thông với Đông Hồ, cá vược không còn bơi qua được nên hiếm dần.

Lư Khê Ngư Bạc là một trong mười bài thơ tả mười cảnh tuyệt đẹp của Hà Tiên do Mạc Thiên Tích sáng tác. Cố thi sĩ Đông Hồ giải thích Lư là loài cá vược, Khê là khe, là rạch, còn Ngư là thuyền chài, người lưới cá, câu cá, Bạc là thuyền đỗ bến. Lư Khê Ngư Bạc là cảnh Rạch Vược, nơi thuyền ngư đỗ bến. Thi sĩ Đông Hồ dịch nghĩa bài thơ ấy như sau: Bóng chiều nắng ngả dòng sông thẳm/Rạch Vược đèn ngư khói chập chùng/Bến cũ nhấp nhô thuyền đỗ sóng/Bờ xa san sát lưới phơi trăng/Cánh tơi sáo thấm sương pha buốt/Mái trúc chèo khua nước sáng trưng/Lồng lộng vời trông cười thử hỏi/Cá rồng vùng vẫy chốn này chăng.

Bình San Điệp Thúy

Núi Bình San còn gọi là núi Lăng nằm cách nội ô Thị xã Hà Tiên khoảng hơn 1km về hướng tây bắc. Như tên gọi “Bình San Điệp Thúy”, một trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên được mô tả trong Hà Tiên thập vịnh.

Đây là nơi yên nghĩ của dòng họ Mạc mà đứng đầu là Mạc Cữu (1655-1735), người đã có công khai phá và xây dựng đất Phương Thành ( Hà Tiên ngày nay ) và các thành phố khác ở biển Tây chạy dài từ Kiên Giang đến Siêm Rệp của Campuchia hiện nay.

Nơi an nghỉ của dòng họ Mạc
Nơi an nghỉ của dòng họ Mạc

Đền thờ Mạc Cửu nằm dưới chân núi Bình San, có lối kiến trúc theo hình chữ quốc, xung quanh tường đá dày bao bọc, ở giữa là điện thờ. Bước vào cổng là con đường nhỏ lát gạch tàu, dẫn đến tiểu sảnh. Trước chánh điện có một biển thờ đề “Khai Trấn Trụ Quốc” và bức hoành phi “Nghị Võ Công” – đó là hai tước hiệu, danh phong mà chúa Nguyễn Phúc Chu phong tặng cho Mạc Cửu. Phía trước khu đền thờ là hai ao sen, tương truyền do Mạc Thiên Tứ sai đào để chứa nước ngọt. Ngôi đền có bố cục hài hòa với những mảng chạm trổ, điêu khắc tinh xảo trên cột, liễn, diềm, hoành phi, bình phong. Đền được đánh giá là công trình văn hóa, lịch sử có tính nghệ thuật cao.

Tháng 8 mùa thu năm thứ 18 Mậu Tý (1708), chúa Nguyễn Phúc Chu, chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu. Mạc Cửu lo xây dựng dinh ngũ và đóng binh tại Phương Thành (Hà Tiên), từ đó dân càng qui tụ đông đúc.

Tháng 4 mùa hạ năm thứ 21, Tân Măo (1711), Tổng binh trấn Hà Tiên Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu đến cửa khuyết tạ ơn.”

Nếu như Mạc Cửu có công lớn khai phá, mở mang vùng Hà Tiên trở nên phồn thịnh thì người kế thừa là con ông – Đô đốc Tổng binh Mạc Thiên Tứ là một anh hùng văn võ song toàn. Mạc Thiên Tứ đã đánh bại, tiêu diệt nhiều đám quân nổi loạn, cướp biển ở vịnh Thái Lan. Ông được Chúa Nguyễn rất mực tin dùng và đãi ngộ. Cụ thể, vào năm 1739, Mạc Thiên Tứ chỉ huy quân binh đánh tan quân Chân Lạp xâm lược Hà Tiên. Nhờ chiến công này, Mạc Thiên Tứ được đặc cách phong làm Đô đốc tướng quân, vợ của ông cũng được phong tước hiệu Hiếu Túc Thái Phu Nhân do có công đốc chiến, tiếp tế hậu cần. Đến năm 1747, giặc biển Đức Bụng quấy phá vùng ven biển đạo Long Xuyên (Cà Mau), Mạc Thiên Tứ một lần nữa đánh đuổi, giữ bình yên cho vùng đất mới… Mạc Thiên Tứ còn là chủ soái của Tao đàn Chiêu Anh Các lừng lẫy phương Nam.

Người xưa ví núi Bình San như bức bình phong che chắn phía sau thành Hà Tiên lúc ấy. Núi này còn có tên gọi là núi Lăng, vì trên núi có lăng mộ Mạc Cửu cùng các phu nhân và tướng quân họ Mạc, những người đã có công khai mở xứ này. Tổng cộng nơi đây có 66 lăng mộ cổ, thuộc 7 đời họ Mạc đã được công nhận là Di tích quốc gia, bao gồm 4 khu vực, được sắp xếp trật tự từ trên xuống theo thứ bậc và công lao (Khu 1 là các tiểu vương, Khu 2 dành cho các phu nhân của các tiểu vương, Khu 3 gồm quan tướng và Khu 4 dành cho dân chúng).

Ngoài ra, trên núi Bình San còn hai di chỉ của nền Sơn Xuyên và Xã Tắc. Nền Sơn Xuyên nằm trên đỉnh núi cao nhất, nhìn ra núi Pháo Đài, là nơi tế thần núi thần sông. Nền Xã tắc nằm lưng chừng trên núi, là nơi tế hậu thổ và thần nông.

Châu Nham Lạc lộ

Châu Nham tục danh là Bãi Ớt, cách phía đông trấn 22 dặm rưỡi, đỉnh núi tròn xoe, sườn đá chênh vênh chạy thẳng đến bờ biển, có những ghềnh rạng gồ ghề, vũng sâu bùn cát bao bọc hai bên tả hữu. Trong vũng có đá tinh quang, ở dưới có nhiều con sò sọc đỏ. Tương truyền khi Mạc Cửu còn nhỏ đi đến dưới nham ấy bắt được ngọc châu kính thốn quý báu vô giá. Cửu đem dâng cho vua…”. Địa chí Hà Tiên ghi vắn tắt “Đồi Châu Nham trong cụm núi Bãi Ớt, xưa che giấu một viên ngọc trai quý vô giá”.

Vào thời Minh Mạng ở đó có lập một đồn binh, cử ra 50 người đi xuống khu vực Bình An – Hòn Chông để mở rộng sản xuất, cung cấp lương thực cho đồn Châu Nham. Sách Đại Nam thực lục chính biên có ghi lại việc Trần Chấn chọn được vùng thôn Bình An, gần đồn Châu Nham có đất bỏ không, có thể cày cấy được, bèn liệu định thế rộng hẹp, xin 50 người giữ đồn Châu Nham, 100 người đến đó cày cấy, lập đồn điền Bình An, nay thuộc khu vực xã (Bình An) và Dương Hòa. Đây đích thực là Châu Nham trong bài thơ Châu Nham lạc lộ của Mạc Thiên Tích.

Toàn cảnh Núi đá dựng Hà Tiên

Trong sách Minh Mạng chính yếu có một câu ý nói Châu Nham ở núi Đá Dựng. Ý đó khiến người đời sau làm căn cứ khẳng định Châu Nham là Đá Dựng. Sự lầm lẫn này kéo dài rồi tiếp tục được củng cố bởi các bài báo trong những năm đầu thế kỷ 20. Chẳng hạn trong bài ký Chơi Châu Nham của Đông Hồ, đăng trên Đông Pháp thời báo năm 1926, có đoạn mở đầu rằng Châu Nham lạc lộ tục gọi là núi Đá Dựng, là một cảnh trong Hà Tiên thập cảnh vịnh của Mạc Thiên Tích. Bài viết này có nhiều sai lạc cả về vị trí của núi Đá Dựng và ý nghĩa của hai chữ Châu Nham.

Hà Tiên có 2 Thạch Động, một Thạch Động nằm cạnh đường lên cửa khẩu Xà Xía và hai là núi Đá Dựng. Núi Đá Dựng có nhiều hang động, xưa có một nhà sư trụ trì chùa Tiên Sơn đã liên tưởng các hang động và hình thù cây đàn đá rồi gán ghép vào câu chuyện Thạch Sanh – Lý Thông cho ra một dị bản “Thạch Sanh chém chằn”, hấp dẫn không kém bản Thạch Sanh – Lý Thông ở các tỉnh phía bắc.

5/5 - (3 bình chọn)

1 những suy nghĩ trên “10 cảnh đẹp trong “Hà Tiên Thập Cảnh”

  1. Pingback: Tóm lược quá trình hình thành trấn Hà Tiên

Để lại một bình luận