05 lễ hội dân gian diễn ra hằng năm trên đảo Phú Quốc

Phú Quốc không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp của những bãi biển hoang sơ, những khu rừng nguyên sinh, những món ăn độc đáo hay những hoạt động thú vị. Phú Quốc còn có một nền tảng giá trị văn hóa dân gian lâu đời thông qua các lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ thường niên.

Lễ hội Dinh Bà Ông Lang

Lễ hội Dinh Bà Ông Lang được tổ chức vào ngày 18,19 tháng giêng âm lịch hàng năm, tưởng nhớ Bà Kim Giao – người vợ của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với mong muốn cầu mong mọi điều tốt lành mưa thuận gió hòa, cũng có một số người xin lộc về làm ăn và các cặp đôi đến đây hành hương cầu mong sống trọn đời bên nhau.

Dinh Bà Ông Lang cách trung tâm thị trấn Dương Đông 7km, tọa lạc tại ấp Ông Lang – xã Cửa Dương – huyện đảo Phú Quốc. Du khách đến với lễ hội những năm gần đây ngày càng đông, người dân ở đảo Phú Quốc cứ mỗi lần gần đến ngày diễn ra lễ hội lại náo nức chuẩn bị rất náo nhiệt. Lễ hội được tổ chức khá quy mô, vì thế đến với lễ hội ngoài hành hương ra du khách còn có thể vui chơi hay thưởng thức những món ăn dân gian, mang đặc trưng biển đảo.

Lễ hội Nghinh Ông

Ðây là một lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức nhằm tôn vinh “Ðức ngài Cá Ông”, hay còn gọi là Nam Hải tướng quân. Lễ hội đã thu hút được sự chú ý của nhiều người dân và du khách đến tham dự.

Lễ hội nghinh Ông là tục thờ cá “Ông”, là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân. Lễ hội được tổ chức hàng năm để tỏ lòng tôn kính với biểu tượng tín ngưỡng thiêng liêng của người dân biển với mong muốn cầu cho biển lặng, gió hoà, thuyền đầy cá,…

Lễ hội Nguyễn Trung Trực

Lễ hội Nguyễn Trung trực được tổ chức thường năm vào ngày 27/8 âm lịch đến 3/10 âm lịch và bắt đầu từ năm 1996 trở lại đây từ khi đền thờ Nguyễn Trung Trực được xây dựng trên địa bàn xã Gành Dầu, cách trung tâm huyện đảo Phú Quốc khoảng 40km.

Lễ hội được tổ chức để thể hiện đạo lý nhân văn uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống Cách mạng cho thế hệ hiện tại và mai sau… Vì thế lễ hội có một vai trò đặc biệt trong đời sống của người dân địa phương, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tôn vinh, ghi nhận công lao của các vị anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ sự trường tồn cho non sông đất nước.

Lễ hội Dinh Cậu

Vào ngày 15/10 âm lịch hàng năm ngư dân trên đảo cũng như những du khách đều về Dinh Cậu thắp hương cầu mong mọi điều tốt lành. Lễ hội Dinh Cậu hay còn gọi là lễ cúng kỳ yên Dinh Cậu.

Phần đặc sắc của lễ hội Dinh Cậu chính là phần lễ được tổ chức rất trang trọng ngay trong khuôn viên Dinh Cậu và các chủ tế tiến hành những nghi lễ như: nghinh cậu, lễ chánh tế, lễ yết cậu…

Dinh Cậu thực sự là một điểm đến tâm linh khi ghé thăm Phú Quốc

Ngoài những nghi lễ quan trọng lễ hội còn có nhiều cuộc thi trò chơi hấp dẫn như: bắt vịt trên biển, đi cà kheo, đập nồi,… Và để khám phá hết các trò chơi du khách hãy tham gia tour Phú Quốc giá rẻ ngay hôm nay.

Lễ hội đua thuyền Phú Quốc

Lễ hội được diễn ra vô cùng sôi động, thu hút rất đông người tham gia. Và hoạt động du lịch Phú Quốc đã giúp cho lễ hội ngày càng phát triển, nhiều người biết đến.

Cuộc thi được tổ chức tại bãi biển Dinh Cậu với nhiều đội đua đến từ các khu vực khác nhau trên đảo cùng với sự cổ vũ náo nhiệt của những người xem đã làm cho cuộc thi sôi động hơn. Không chỉ người dân đảo mà khách du lịch cũng bị hấp dẫn bởi không khí sôi động của lễ hội này. Điều này không những giúp Phú Quốc phát huy phong trào truyền thống mà còn là cơ hội quảng bá cho du lịch biển đảo.

Ngoài ra, Phú Quốc còn được biết đến với nhiều lễ hội lớn nhỏ khác như: Lễ hội Đình Thần Cửa Cạn (17/01 âm lịch), Lễ hội Thủy Long Thánh Mẫu (20-21/02 âm lịch), Lễ hội Đình Ô Bổn (27/02 âm lịch), Lễ hội Đình thần An Thới (19/01 âm lịch), Lễ hội Đình Ô Nam Hải (21/03 âm lịch), … Có thể nhận thấy rằng, Phú Quốc là hòn đảo mang đậm bản sắc dân tộc, gìn giữ nhiều các lễ hội truyền thống, những giá trị văn hóa đáng trân trọng.

Trích dulichdaophuquoc.org

5/5 - (3 bình chọn)

Để lại một bình luận