Với đường bờ biển dài 72km và 3 cửa sông lớn là: Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh đổ ra biển Đông, Sóc Trăng có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển tổng hợp. Việc xây dựng cảng biển Trần Đề lúc này sẽ tạo đột phá cho toàn vùng ĐBSCL nói chung và đặc biệt là tỉnh Sóc Trăng.
Xây dựng Cảng nước sâu Trần Đề là nhiệm vụ chiến lược
Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của ĐBSCL rất lớn, ước đạt khoảng 17-18 triệu tấn/năm và không ngừng tăng cao (bình quân tăng từ 10%-15%/năm). Tuy nhiên, có đến 70% lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TPHCM và Đông Nam bộ, kéo theo chi phí vận chuyển tăng từ 10%-40%/chuyến hàng, tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp và làm giảm khả năng cạnh tranh. Còn nếu vận chuyển bằng đường thủy chỉ có 2 cách: hoặc chuyển sang Cảng Cần Thơ rồi đưa lên Cái Mép – Thị Vải, hoặc từ Cần Thơ trung chuyển sang Singapore để đưa hàng hóa đi các nước. Điều đó khiến hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng phải gánh thêm nhiều chi phí, thời gian vận chuyển kéo dài hơn.
Chính vì thế, xây dựng một cảng biển nước sâu ngay thời điểm này là vấn đề bức thiết, gỡ “nút thắt” cho toàn vùng ĐBSCL trong khâu vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa, bởi theo dự báo về tốc độ tăng trưởng của vùng trong 10-20 năm tới, thì lượng hàng hóa sẽ tăng trưởng vượt bậc. Việc triển khai đầu tư xây dựng Cảng Trần Đề không chỉ là bệ phóng cho toàn vùng ĐBSCL phát triển mà còn có vai trò là cảng trung chuyển quốc tế, đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Theo đó, cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) được đề xuất nâng quy hoạch thành cảng biển đặc biệt (loại IA), có tổng diện tích khoảng 5.750ha, với khu dịch vụ, hậu cần, logistics, cầu vượt biển từ 10-16km. Theo thiết kế quy hoạch, Cảng biển nước sâu Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tải trọng từ 50.000-160.000DWT và được đầu tư với tổng vốn dự kiến trên 40.000 tỉ đồng.
Từ vị trí xây dựng Cảng Trần Đề sẽ kết nối với mạng lưới giao thông thủy, bộ liên vùng thông qua Quốc lộ 1, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 60, Quản Lộ – Phụng Hiệp nối Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau.
Việc đầu tư xây dựng Cảng Trần Đề sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ, logistics, hạ tầng… đặc biệt là việc xuất khẩu hàng hóa, thu hút các hãng tàu tải trọng lớn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện của khu vực ĐBSCL, trong đó có Long Phú và sông Hậu, tác động đến các chiến lược, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vận tải kết nối từ ĐBSCL đến TPHCM.
Sóc Trăng đón đầu cơ hội bứt phá
Sóc Trăng không chỉ sở hữu lợi thế kinh tế biển, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền văn hóa đặc sắc mà hệ thống cơ sở hạ tầng – kỹ thuật ngày càng hoàn thiện.
Đặc biệt, khi cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng hoàn thành sẽ kết nối với Cảng biển Trần Đề, tạo liên kết cho toàn khu vực giúp thông thương hàng hóa xuyên suốt, tạo cầu nối Sóc Trăng với vùng ĐBSCL và cả nước.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của Sóc Trăng, đã có không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ về đây. Vốn là tỉnh lấy nông nghiệp là nền tảng, thì trong những năm trở lại đây tỉ trọng về công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ đều có mức tăng trưởng đáng kể. Trong đó, sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực, tăng trưởng cao nhất so với các ngành khác là 10,84%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 33.500 tỉ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 10,74% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội là 80.900 tỉ đồng, tăng 12,63%; giá trị xuất khẩu hàng hóa 830 triệu USD. Có thể thấy, công nghiệp – dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao trong năm vừa qua đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đi đúng hướng.
Ngoài ra, việc khai thác tuyến vận tải du lịch Trần Đề – Côn Đảo và quy hoạch đầu tư khu công nghiệp Trần Đề quy mô 160ha (vốn đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng) sẽ tạo hiệu ứng thúc đẩy công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch nơi đây phát triển sầm uất, trở thành bệ phóng cho tỉnh Sóc Trăng bứt phá trong trung và dài hạn.
Chính những thay đổi tích cực đó đã đưa Sóc Trăng trở thành “điểm sáng” trên bức tranh tổng thể toàn vùng ĐBSCL.
https://cafeland.vn/