Vườn quốc gia ven biển và hải đảo tại Việt Nam là khu vực bao gồm cả phần đất liền hoặc vùng đất ngập nước ven biển, hải đảo và phải có diện tích đủ lớn, được Chính phủ ra quyết định công nhận.
Đây là khu vực được xác lập nhằm bảo tồn một hay nhiều hệ sinh thái đặc trưng hoặc đại diện không bị tác động hay chỉ bị tác động rất ít từ bên ngoài; bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu hoặc đang nguy cấp; phục vụ việc bảo tồn rừng và hệ sinh thái rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch sinh thái. Trong đó, đáng chú ý là bảo tồn nguồn gen động, thực vật quý hiếm và các sinh cảnh rừng tự nhiên độc đáo; duy trì, phát triển độ che phủ của thảm thực vật rừng; đảm bảo chức năng phòng hộ để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho hoạt động phòng thủ đất nước từ hướng biển, v.v.
Hiện nay, nước ta có 32 vườn quốc gia đã được Chính phủ công nhận, với tổng diện tích khoảng 10.455,74km2; trong đó, có 08 vườn nằm ở ven biển và hải đảo. Đó là: Bái Tử Long, Cát Bà, Núi Chúa, Mũi Cà Mau, U Minh Hạ, U Minh Thượng, Phú Quốc và Côn Đảo, với 620,10km² là mặt biển, chiếm khoảng 3% diện tích lãnh thổ đất liền. Hệ thống vườn quốc gia ven biển và hải đảo này đã, đang và sẽ là những khu vực rất có giá trị về môi trường sinh thái và phát triển kinh tế – xã hội bền vững đối với từng khu vực, địa bàn và cả nước.
Thực tế nhiều năm qua, vườn quốc gia ven biển và hải đảo cùng với các vườn quốc gia khác ở nước ta đã mở ra hướng phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho nhiều người dân trong khu vực, đóng góp một phần quan trọng vào xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, các địa phương đã tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh từ các khu rừng đó để tiến hành khai thác về du lịch sinh thái. Chỉ tính riêng năm 2017, các khu bảo tồn thiên nhiên (trong đó có vườn quốc gia ven biển, đảo) nước ta đã có hơn 02 triệu lượt khách đến du lịch, tăng 178% so với năm 2016; tổng doanh thu từ hoạt động này ước đạt hơn 114 tỷ đồng. Tuy nhiên, các hoạt động đó cũng đã gây ra những tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, v.v.
Để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp lý để quản lý, duy trì hoạt động của các khu vực bảo tồn sinh thái, trong đó có các vườn quốc gia ven biển, hải đảo. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này; trong đó, vấn đề phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học được quan tâm và bước đầu thực hiện có hiệu quả. Cùng với đẩy mạnh nghiên cứu, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm du lịch sinh thái, các cấp, ngành, địa phương đã coi trọng đầu tư, phát triển hệ thống vườn quốc gia ven biển và hải đảo; tăng cường sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng địa phương trong lĩnh vực này, nhất là từ sự phát triển sản phẩm du lịch sinh thái. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân, làm cho họ nhận thức rõ rằng, chính sự can thiệp thô bạo, ý thức kém của con người không những hủy hoại môi trường, ảnh hưởng đến việc giữ gìn hệ sinh thái, mà còn làm mất đi nguồn thu một cách bền vững từ hoạt động du lịch sinh thái biển. Đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của Đảng, Nhà nước và toàn dân, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị bền vững của các vườn quốc gia nói chung, vườn quốc gia ven biển và hải đảo nói riêng, xứng đáng với vị thế của một trong những quốc gia hàng đầu về đa dạng sinh học trên thế giới.
Tạp chí Quốc phòng toàn dân