Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của biển Đông
Biển Đông là biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km, trải rộng từ 3 độ vĩ Bắc đến 26 độ vĩ Bắc và 100 độ kinh Đông đến 121 độ kinh Đông; là một trong những biển lớn nhất trên thế giới.
Có 9 nước tiếp giáp với biển Đông là: Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapo, Thái Lan, Campuchia và một vùng lãnh thổ là Đài Loan.
Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu dân các nước và vùng lãnh thổ. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn của cả châu Á- Thái Bình Dương và châu Mỹ.
Biển Đông có nguồn tài nguyên biển dồi dào, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật, khoáng sản, du lịch. Đây là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ thì trữ lượng dầu ở biển Đông là khoảng 7 tỷ thùng với khả năng sản xuất là 2,5 triệu thùng/ ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí của biển Đông là khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng.
Theo các chuyên gia, khu vực biển Đông còn chứa đựng lượng lớn tài nguyên khí đốt đóng băng.
Vai trò của biển Đông đối với thế giới
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – Á, Trung Đông – châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng 150-200 tàu các loại qua lại biển Đông.
Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển này như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo. Hơn 90% lượng vận tải của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua biển Đông. Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa – chiến lược, an ninh quốc phòng, giao thông hàng hải và kinh tế.
Vai trò của biển Đông đối với Việt Nam
Biển Đông đóng vai trò quan trọng, là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ có ý nghĩa trong kiểm soát các tuyến đường biển qua lại biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.
Nước ta giáp với Biển Đông ở 3 phía; đông, nam, tây nam. Các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam trải dọc theo bờ biển dài khoảng 3.260km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
Việt Nam có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982; có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm giữa biển Đông và hàng nghìn đảo lớn nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ các vùng biển và thềm lục địa.
Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Đây là nơi cung cấp nguồn tài nguyên quý giá, là cửa ngõ quan hệ trực tiếp giữa các vùng miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hóa
Biển Đông tạo điều kiện để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch.
Ven biển Việt Nam có tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, thiếc, vàng, đất hiếm. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm ở trung tâm biển Đông, rất thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền… phục vụ cho tuyến đường hàng hải trên Biển Đông.
Nguyễn Thị Hiền
Phó Trưởng Ban TT Ban Tổ chức Thành ủy Bắc Ninh