Chùa Núi Một hay còn gọi là Vân Sơn Tự, tọa lạc giữa lưng chừng núi Một, cách trung tâm thị trấn Côn Sơn, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 1.6km.
Lịch sử hình thành Chùa Núi Một
Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) tọa lạc trên Núi Một huyện Côn Đảo, do Mỹ ngụy xây dựng năm 1964. Nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình của những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sỹ trên đảo, bên cạnh đó còn mục đích mỵ dân, trá hình che mắt báo chí và dư luận quốc tế về sự cai trị tù nhân tàn bạo của chế độ Mỹ ngụy.
Từ năm 1960 ở nhà tù Côn Đảo, địch ra sức tăng cường mức độ bóc lột khổ sai bằng hình thức tổ chức “lao động cộng đồng” vào các ngày chủ nhật.
Tháng 4/1965, địch bắt tù nhân án chung thân bị cấm cố ở Trại 2 (Phú Hải) đi xây Chùa Núi Một, người tù phải khuân vật liệu: cát, đá, ximăng… từ dưới chân núi lên đỉnh núi. Tại hiện trường tù nhân phản đối quyết liệt, trật tự theo dõi, nhăn mặt nhưng không có phản ứng gì. Đến chiều khi về trại giam, địch không cho tù nhân tắm, cho ăn cơm như thường lệ mà bắt tù nhân chào cờ nhốt vào phòng giam, sau đó chúng thanh lọc ra 63 người cho là cốt cán, cầm đầu nhốt vào xà lim (hầm đá) Trại II, 63 người tù bị nêm chật trong 2 hầm đá xếp đứng hình như không còn chỗ cử động, không khí không đủ để thở, địch dùng bao bố bịt lổ thông hơi, hòng biến 2 hầm đá thành hai nấm mồ tập thể, nhiều người tù bị ngạt thở. Đồng chí Mai Văn Xinh quê Bến Tre đã bị chết ngạt tại hầm đá trại 2 vào ngày 01/5/1965 (hiện nay mộ đ/c yên nghỉ tại khu C Nghĩa Trang Hàng Dương Côn Đảo).
Di tích Chùa Núi Một
Sau năm 1975, chùa là nơi thờ Phật của người dân trên đảo, là công trình văn hóa nằm trong quần thể khu di tích lịch sử, danh thắng của huyện Côn Đảo, đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp tỉnh theo quyết định số 4025/QĐ-UBND ngày 04/12/2009.
Là một di tích lịch sử gắn liền với địa danh Côn Đảo. Về cơ bản, việc xây dựng, tôn tạo chùa Núi Một bằng nguồn vốn xã hội hóa để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và chính quyền địa phương có tác dụng gắn kết việc phát huy giá trị di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo với việc xây dựng, tôn tạo chùa Núi Một để địa danh này trở thành một điểm danh lam thắng cảnh phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân, đồng thời phát triển du lịch bền vững là hết sức cần thiết và có ý nghĩa.
Và trong một thời gian dài, chùa Vân Sơn không có người chăm nom, hương khói nên theo thời gian đã bị hư hại. Với sự quan tâm của Giáo hội PGVN và tổ đình Vĩnh Nghiêm sáng lập năm 1964 (TP HCM) cũng như việc thành tâm cúng dàng của các Phật tử và việc góp sức của toàn thể nhân dân, ngôi chùa Vân Sơn – Núi Một đã được khởi công xây dựng.
UBND huyện Côn Đảo và Bộ Văn Hóa Thể Thao và du lịch với sự tài trợ của Báo công an nhân dân, Quỹ thiện Tâm, cty Vicom… đã tổ chức khởi công dự án “Đầu tư xây dựng tôn tạo di tích chùa Núi Một. Sau gần một năm thi công trùng tu và tôn tạo chùa Vân Sơn đã hoàn thành 3/12/2011 với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng.
Tổng diện tích quần thể khu di tích này là 19.434 m2 được đầu tư trùng tu, nâng cấp, và xây dựng các hạng mục: Cổng chùa, Gác chuông, Tượng Phật, Miếu Địa Tạng, Miếu Sơn Thần, Nhà tổ, Nhà khách và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp điện, cấp thoát nước.
“Việc trùng tu chùa Vân Sơn – Núi Một là việc làm cần thiết và có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng cho Côn Đảo phát triển thành khu kinh tế du lịch văn hóa tâm linh theo quan điểm phát triển chung của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đến năm 2020, với quy hoạch bảo tồn Di tích Lịch sử Văn hóa Cách mạng, nhà Trường giáo dục đạo đức muôn đời cho con cháu các thế hệ mai sau. Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây cũng là một đơn vị cơ sở Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm, ổn định trong lòng dân tộc, làm tốt Đạo đẹp Đời. Như Cổ Đức đã nói:
Sớm trống tối chuông cảnh người đợi trong bể ái
Lời kinh tiếng kệ giục người thức tỉnh sau cơn mê
Sau gần một năm thi công trùng tu, tôn tạo chùa Vân Sơn – Núi Một đã được hoàn thành tốt đẹp. Từ nay, ngôi chùa Vân Sơn – Núi Một sẽ được tiếp tục tồn tại và phát triển trang nghiêm, mang một ý nghĩa giáo dục đạo đức to lớn đối với con người và xã hội hôm nay và mai sau trên huyện đảo Cách mạng, Văn hóa, Lịch sử muôn đời của dân tộc Việt Nam, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam của thời đại Hồ Chí Minh lịch sử tên vàng ngàn sao lấp lánh, cầu cho Thế giới Ta bà, vườn hoa xã hội nở hoa bốn mùa; đồng thời đã góp phần xây dựng nền văn hóa tâm linh và lịch sử cách mạng cho tất cả du khách thập phương và đồng bào trên đảo Côn Sơn này.
Đây là một di tich cấp tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư trùng tu nâng cấp tổng thể khu vực chùa và danh thắng Núi Một nhằm đưa quần thể di tích này thành một công trình kiến trúc văn hóa thể hiện được tinh thần dân tộc Việt.
Việc tổ chức công trình được thực hiện hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh kết nối với hệ thống di tích lịch sử cách mạng ở Côn Đảo.
Tham quan ngôi chùa duy nhất ở Côn Đảo
Với lối thiết kế mang đậm kiến trúc Phật giáo, vị trí tọa lạc rất đẹp với lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển vịnh Côn Sơn, thị trấn và hồ sen An Hải, đã khiến cho ai đó không ngớt lời khen ngợi ban tặng chùa Núi Một cái danh hiệu “ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam”.
Chùa có kiến trúc đậm nét Phật giáo Á Đông, chủ yếu thờ Phật và các chư vị bồ tát. Tuy không gian chùa không lớn, nhưng vị trí tọa lạc được xem vào hàng đẹp nhất ở Việt Nam. Với lưng dựa vững chắc vào núi Một, các mặt còn lại đều có view ngắm cảnh, thưởng ngoạn rất tuyệt vời. Từ đỉnh chùa phóng tầm mắt ra bốn phương, đâu đâu cũng tạo cho du khách một cảm nhận khác lạ. Nếu hướng nam ngắm núi rừng xanh bạt ngàn, hướng đông vịnh Côn Sơn trong xanh, thị trấn bình yên vương mình phát triển thì hướng bắc một cánh đồng sen An Hải bát ngát đang tỏa hương từng giờ, từng giây.
Chùa nổi bật nhất vẫn là tượng Quan Âm Bồ Tát cao 2m đứng trên đài sen, tay cầm bình nước cam lộ trước khuôn viên và kiến trúc điêu khắc được trạm trổ tinh tế, những cột gỗ to lớn, bề thế một người ôm không tài nảo xuể.
Những người dân địa phương, vị khách đất liền xa xôi với một lòng hướng thiện, cầu Phật không ngại đường xá xa xôi, vượt qua hơn 200 bậc thang dốc núi để thành tâm đứng trước cửa Phật thắp hương cầu nguyện ban phước lành cho gia đình và người thân, cũng như cầu cho vong hồn các anh hùng liệt sỹ mãi được siêu độ.
Tiếng chuông chùa ngân vang trong cõi tịnh, tiếng tụng kinh của sư thầy, lời xì xào khấn nguyện của khách thập phương hòa trong nhang khói hương lan tỏa khắp bốn bề khiến nơi đây đã tĩnh thêm càng yên lặng hơn. Một lần đến đây, ắt hẳn du khách như trút bớt muộn phiền, thoát khỏi thế tục và lòng cảm thấy tịnh tâm, thoải mái hơn.
Hương cũng đã thắp xong, cầu nguyện cũng đã khấn với thần linh, Đức Phật, Bồ Tát, du khách có thể dừng chân uống “nước mát” được các sư chùa ban tặng hoặc có thể xin quà lộc – những vòng đeo tay ở chùa để mong gặp điều may mắn, an lành.
Phía sau chùa có cấp bậc thang đi lên ngọn núi, nhưng chẳng ai biết con đường ấy dẫn đi đến đâu và bao xa, chỉ biết rằng nơi này dường như bị thống trị bởi loài khỉ. Chúng chả sợ con người, có lẽ đã quen rồi, mỗi khi có ai đến, chúng kêu hú lên và thế là nguyên bầy chạy ra như để chặn lại không cho ai quấy rầy hoặc để “xin xỏ” thức ăn. Trong bầy này có một con đầu đàn rất “ương ngạnh” và “lì lợm”, dù có hù dọa cỡ nào nó cũng mặc kệ, quyết bảo vệ đàn và không cho ai xâm phạm lãnh địa của chúng.
Chùa Núi Một nếu ban ngày “nườm nượp” du khách vào ra khấn vái, tối đêm nơi này rất yên tĩnh, bình dị, lung linh trong ánh đèn điện và thơ mộng khi hướng mắt khám phá cảnh vật xung quanh.
Ban đêm, chùa chủ yếu đón những vị khách địa phương chính gốc, do đó mỗi tối chỉ có lát đát vài ba người đến thắp hương cầu Phật rồi cũng nhanh chóng mà ra về, để lại cảnh tượng chùa khá “vắng lặng”, không tiếng nói xì xào, chẳng nghe thấy tiếng khấn nguyện của du khách nữa. Bù lại, ban đêm ngoạn cảnh chùa là một ý tưởng khá hay nếu ai đó có tâm hồn yêu thiên nhiên, nghệ thuật.
Chùa Núi Một lên đèn rất đẹp, lung linh và huyền ảo. Như thế vẫn chưa đủ, nếu hướng mắt về các phía còn lại, bạn sẽ bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho nơi này. Giữa đêm tối, nhưng bạn vẫn thấy được cánh đồn sen An Hải lên đèn, thấy từng đóa sen như đang bung nở, xa xa những chiếc thuyền ngư dân lấp lánh đèn xanh, đèn đỏ đang neo đậu trong vịnh hay một thị trấn Côn Sơn quyến rũ, thơ mộng trong đêm.
Đến Vân Sơn tự một lần, du khách sẽ cảm nhận được ở một công trình kiến trúc văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và cũng thấy được tinh thần dân tộc Việt, kiên định, vững vàng, bất khuất vượt qua mọi thử thách.
Ngôi chùa duy nhất trên đảo được tổ chức hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh, kết nối chặt chẽ với hệ thống di tích lịch sử Côn Đảo, là nơi tôn nghiêm để du khách và nhân dân địa phương gửi gắm tâm nguyện an lành và hướng thiện.