Vạn An Thạnh tọa lạc tại thôn Triều Dương (Tam Thanh, Phú Quý), được kiến lập năm 1781; tính đến nay đã trên 230 năm tuổi, với chức năng chính thờ thần Nam hải cùng chư vị Tiền hiền đã có công khai mở, kiến tạo xóm làng. Vạn đã được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vạn vẫn đứng uy nghi, sừng sững trước biển cả mênh mông, mang đậm dấu ấn đoàn kết của những lưu dân người Việt từng một thời hướng biển đi tìm sinh kế.
Phong tục này gắn liền với tín ngưỡng thờ Ông Nam Hải của ngư dân. Xưa cũng như nay, ngư dân đảo Phú Quý có niềm tin tuyệt đối vào sự hiển linh của Ông (cá voi), coi đó là vị phúc thần luôn ở bên cạnh chúng tôi trong những chuyến biển đầy hiểm nguy.
Mỗi lần có Ông lụy (chết) trôi dạt vào đảo thì nhân dân trong xã cùng đứng ra tổ chức tang lễ, mai táng. Điều này được thể hiện qua các đạo sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng và lệnh cho nhân dân ba làng Mỹ Khê, Hội An và Triều Dương phải cùng nhau hương khói, phụng thờ.
Ông Lụy
Ông hay Ông Nam Hải là tên gọi một cách thành kính mà người đi biển và cư dân vùng biển gọi những con cá voi. Cá voi chết được gọi là Ông lụy và người phát hiện đầu tiên thi thể của Ông sẽ là người đứng chủ tang, chịu tang trong 3 năm như con trai cả trong gia đình.
Cá voi từ lâu được người đi biển xem như phúc thần, vị thần độ mạng. Trong những chuyến ra khơi, trong tâm trí ngư dân luôn nghĩ đến và đặt trọn vẹn niềm tin vào cá voi. Nhiều câu chuyện cá voi cứu người được truyền miệng từ đời này qua đời khác.
Theo tài liệu khoa học, khi biển động cá voi thường lặn xuống sâu để tìm nơi yên tĩnh. Nhưng sâu quá thì không có dưỡng khí để thở nên phải trồi lên. Lên xuống liên tục như thế cá sẽ mất sức và nếu vớ được đáy thuyền của ngư dân đang chao đảo trên mặt nước sẽ là nơi ẩn nấp tránh bão lượn theo sóng để vào bờ.
Do thường gặp những hiện tượng như thế nên ngư dân luôn xem cá voi là ân nhân cứu mạng và tập trung cứu cá voi nếu cá bị mắc cạn hoặc cúng tế linh đình mỗi khi cá chết.
Giải thích tại sao khăn tang trên đầu người chủ tang cá voi màu đỏ, một cụ già ở vạn An Thạnh cho biết, màu đỏ là màu tang của vua chúa và hoàng tộc. Tục truyền cá ông đã nhiều lần được sắc phong của nhà vua như Gia long đã phong tước hiệu “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng đẳng thần”. Các vua triều Nguyễn đã xem cá voi như người của hoàng gia và được phong thần. Vì thế, mỗi khi cá ông gặp nạn tang lễ được cử hành thì chiếc khăn tang trên đầu người chủ tế là khăn màu đỏ.
Vạn An Thạnh – nơi sinh hoạt truyền thống của người Phú Quý
Bên cạnh các hoạt động nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng ngư nghiệp, vạn An Thạnh còn là nơi tổ chức những buổi sinh hoạt quan trọng của làng, xã như: hội họp, đua thuyền, tổ chức hát bội để phục vụ bà con nhân dân.
Mỗi dịp lễ hội, nhân dân về vạn rất đông; trước là dâng nén hương tạ ơn thần Nam Hải, sau gặp gỡ trao đổi việc làm ăn trong năm qua và xem hát bội. “Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần tế tự chúng tôi đều đến để phụ giúp công sức và đóng góp chút ít lòng thành của mình để góp phần tôn tạo vạn và cho lễ tế được chu toàn hơn. Năm rồi, nhờ ơn phù hộ che chở của Thần nên ghe nhà tôi làm ăn cũng kiếm được khá”, anh Ngô Văn Kịn (sinh năm 1962) ở thôn Mỹ Khê cho hay.
Từ ngôi vạn đơn sơ, ban đầu chỉ là một bộ khung gỗ lợp tranh vách lá; thì nay, cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, của các tầng lớp nhân dân góp nhiều công sức và tiền của xây dựng nên vạn đã trở nên khang trang, kiên cố, cảnh quan xung quanh thoáng mát, sạch đẹp. Các hạng mục trong Vạn thể hiện được những nét nghệ thuật độc đáo, mang đậm chất văn hóa biển của người Việt ta. Những hình đắp nổi: long phượng, cá mực, hoa lá…; cùng hệ thống hoành phi, liễn đối đã phản ánh sự quy tụ những bàn tay, khối óc tài hoa của cộng đồng cư dân trên đảo trong suốt hàng trăm năm qua, thu hút du khách thập phương mỗi khi đến đảo.
Với những giá trị nêu trên, Vạn An Thạnh từ bao đời qua là “điểm tựa tinh thần” của nhân dân trong xã và của cả huyện nhà. Đây là nơi bảo lưu những giá trị truyền thống, tạo ra những chất kết dính vô hình cố kết cộng đồng để giữ gìn và phát triển biển đảo quê hương.
Bộ xương cá voi ở vạn An Thạnh
“Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ”, câu nói của dân gian truyền miệng cho thấy, mỗi khi cá ông trôi dạt vào vùng nào thì vùng đó được ấm no và tai qua nạn khỏi.
Theo phong tục và cũng là tín ngưỡng dân gian, sau ba năm, khi cá voi đã phân hủy hết phần thịt, bộ xương sẽ được nhập làng và thờ trong vạn. Vạn An Thạnh ở thôn Triều Dương xã Tam Thanh, Phú Quý hiện đang lưu giữ và phụng thờ hơn 70 bộ xương cốt cá voi.
Vạn An Thạnh là nơi lưu giữ và thờ cúng xương cốt cá voi được xây dưng vào năm Tân Sửu – 1781. Lúc bấy giờ chưa có Ông nào “lụy” dạt vào đảo. 60 năm sau, năm 1841 mới có một Ông to lớn trôi vào bờ trên bãi cát trước vạn. Bà con tổ chức an tang chu đáo. Vì là “Ông” đầu tiên nên được gọi là “vị cố” và lấy ngày 15/10 âm lịch – ngày phát hiện vị cố lụy – làm ngày giỗ và lễ tế thu của vạn. Năm 1960 có một “cá ông” lớn khác trôi vào. Xác cá có chiều dài trên 25m. Mai táng xong, 3 năm sau đó ngư dân vùng này được mùa liên tiếp.
Trải qua 3 thế kỷ với nhiều lần trùng tu, vạn vẫn sừng sững với nắng mưa. Vạn An Thạnh được xây dựng trên một diện tích khá rộng. Mặt trước hướng ra biển. Kiến trúc của vạn hiện nay gồm chính điện để thờ “Ông” cùng các tiền hiền, hậu hiền là những người có công xây dựng đảo. Vài năm trước UBND tỉnh Bình Thuận đã đầu tư 8 tỉ để xây dựng một nhà trưng bày xương cá voi và sửa sang trung tu lại vạn.
Chúng tôi vào nhà trưng bày xương cá voi. Một bộ xương cá voi có chiều dài trên 17 mét nằm giữa gian nhà. Ở 4 góc là 4 bộ xương cá heo gồm có : cá heo lươn sóng, cá heo mõm chai, cá ông chuông và loài cá heo thường gặp. Bộ xương cá voi có 50 đốt xương sống. Cá có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới, hàm trên không có răng. Mỗi chiếc răng dài khoảng 20 cm, to như bắp tay người lớn.
Theo nhận định của các nhà khoa học, bộ xương cá voi tại vạn An Thạnh là xương cá nhà táng. Cá nhà táng là loài thú biển, thuộc loại phân bộ cá voi có răng. Đầu cá rất lớn, chiếm 1/3 chiều dài thân. Thân cá dài 20 mét, con đực nặng khoảng 70 tấn, con cái nặng 30 tấn. Trên trán có chứa khí dự trữ. Khoang hàm trên có khối mỡ đệm rất lớn. Hàm dưới dài và hẹp. Hàm trên không có răng. Cá nhà táng đực rất hung dữ, chúng ăn những loài cá lớn, mực, và khi bảo vệ đàn cái và con của chúng, có thể tấn công cả người và tàu thuyền.
Việc trưng bày bộ xương cá voi ở giữa, 4 góc có 4 bộ xương cá heo được người giữ vạn giải thích, tái hiện lai hình ảnh ở dưới biển khi cá voi di chuyển thì chung quanh có cá heo đi theo.
Vạn An Thạnh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hiện đang được UBND huyện Phú Quý bảo tồn và gìn giữ. Đây cũng là một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách khi đến thăm đảo.
Ra vạn An Thạnh xem lễ hội nghinh thần
Hàng năm, cứ đến ngày 15 – 16/10 (âm lịch), tại vạn An Thạnh (Tam Thanh – Phú Quý) lại diễn ra lễ hội nghinh thần Nam Hải và kỵ Cố. Cố được tôn xưng là thần Nam Hải (cá voi) đầu tiên được dân thờ trong vạn. Đây là nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển.
Trước khi diễn ra lễ hội rước ông Sanh (thần Nam Hải còn sống ở biển), người Liên chi trưởng của hội vạn mời tất cả ngư dân của xã Tam Thanh cùng về vạn An Thạnh. Tùy theo mỗi năm mà lễ hội diễn ra vào tối 15 hay sáng 16/10 (âm lịch).
Tham gia lễ, người có chức sắc và trưởng lão trong làng đội khăn đóng áo dài đen (màu tượng trưng cho hành Thủy – NV). Sau khi tập trung đông đủ, theo sự hướng dẫn của người chủ sự, mọi người cùng ra bờ biển Mỹ Khê. Đây là địa điểm diễn ra lễ thỉnh ông Sanh. Chủ trì lễ có 3 người đại diện gồm: một chánh chủ và hai học trò. Tất cả ba ông đều quỳ, hướng mặt ra biển. Hai học trò quỳ hướng đông – tây, chánh chủ quỳ giữa. Bàn thờ thỉnh ông Sanh quay vô đất liền, trên bàn thờ có thần vị ghi: “Cung thỉnh ngũ phương Nam Hải dương trung cự tộc Ngọc lân thủy tướng nhị thập nhất hiệu chi sanh Thần”. Bài thần vị do thầy của hội vạn An Thạnh soạn thảo. Trước khi chắp bút viết thần vị, thầy phải chay tịnh trong 15 ngày để bảo đảm thân trong sạch. Ngoài thần vị, trên bàn thờ còn có mâm trầu cau. Theo ý nghĩa trong bát quái, trầu được têm 8 đôi và đặt 8 hướng. Khay trầu là đồ chuyên dùng cho việc cúng tế trong vạn. Bên cạnh trầu cau là nhang đèn và rượu trắng. Rượu gồm 1 xị và 5 chung. Trên bàn thờ, 5 chung rượu đặt theo phương vị: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Sau khi kiểm tra lễ vật cúng tế đâu vào đó, lễ mới chính thức tiến hành.
Bắt đầu lễ thỉnh ông Sanh, học trò (người giúp việc) xướng: “Khởi chinh cổ”. Lập tức dàn nhạc nổi chiêng 3 hồi 7 tiếng. Cùng với chiêng là 3 hồi 7 tiếng trống. Học trò tiếp tục xướng: “Khởi nhạc xanh”. Liền theo đó là nhạc xanh đánh 3 hồi, 7 chặp. Phục vụ lễ hội nghinh thần Nam Hải, dàn nhạc gồm có: kèn, trống, đờn cò, mõ sừng trâu, chiêng, chập chã. Sau khi nhạc dứt, học trò xướng: “Chánh chủ tựu vị nghệ sanh thần vi tiền”. Nghe tiếng xướng, chánh chủ vô bàn (thờ) vọng bái. Bái xong lại xướng “Quỳ phần hương”, tức thì người hầu rượu đốt 3 nén nhang (tượng trưng cho thiên, địa, nhân- tam tài-NV) kính dâng lên ông chủ. Thay mặt ngư dân trong vạn An Thạnh, ông chủ chắp nhang niệm: “Mời chư vị Sanh thần về chứng giám lòng thành của ngư dân và phù hộ dân chúng bình an, được mùa”. Niệm xong, ông chủ đưa 3 nén nhang cho người hầu rượu cắm vào lư hương. Động tác đó gọi là thượng hương. Sau lễ dâng hương, học trò lại xướng: “Phủ phục hưng bình thân, nghinh Sanh thần cúc cung bái”. Nghe câu xướng, ông chủ quỳ bái và lạy 4 lạy. Bái, lạy xong đến phần châm rượu theo câu xướng: “Sơ hiến lễ chiết tửu”. Bấy giờ người hầu rượu châm vào 5 chung, mỗi chung một ít rượu. Lễ dâng rượu xong, học trò tiếp tục xướng: “Phủ phục hưng bình thân”. Sau câu xướng, ông chủ đứng dậy lạy 2 bái (hưng bái). Học trò đứng bên tây xướng: “Quỳ chuyển chúc”, học trò đứng bên đông lập tức quỳ dâng giá văn cho ông chủ. Nội dung văn nghinh Ông mỗi năm một khác, đại ý khấn vái mời chư vị thần Sanh về vạn kính tế. Nâng giá văn cao ngang mày, ông chủ lạy một lạy, say đó chuyển cho học trò phía tây đọc. Vì nội dung giá văn viết bằng chữ Nho nên có khi học trò không đọc được. Trong trường hợp này ông chánh chủ phải quỳ đọc. Đọc văn xong lại lạy hai bái và xướng: “Á hiến lễ chiết tửu phân hiến”. Học trò theo đó châm rượu lần thứ 2 vào 5 chung. Châm rượu xong, ông chủ lại lạy 2 lạy, lại xướng: “Chung hiến lễ chiết tửu phân hiến”. Học trò châm rượu lần cuối xong, ông chánh chủ quỳ lạy 2 lạy (cúc cung bái) rồi đứng dậy (phục vị).
Đến đây, phần lễ tạm dừng, nhường chỗ cho phần hội. Hội là gánh chèo bá trạo (trăm tay chèo). Trong gánh chèo có bộ múa tứ linh (long, li, quy, phụng). Bài chèo kể công đức của ngài (ông Sanh – thần Nam Hải) đã giúp dân chài trong khi gặp nạn giữa trùng khơi sóng gió; quá trình đưa ngài về lăng (vạn) thờ cúng. Bài hát chấm dứt cũng là phần hội kết thúc để nhường cho phần lễ tiếp tục.
Bấy giờ, ông chủ trở lại quỳ trước bàn thờ xướng: “Ẩm phước”. Học trò bưng rượu dâng, ông chủ nâng chung rượu ngang mày và vái 3 vái. Học trò xướng: “Thọ huệ”, ông chủ đem rượu xuống khỏi bàn thờ rồi lạy 2 lạy. Tiếp đến là phần đốt văn nghinh Ông. Để đốt văn, chủ và học trò đều quỳ lạy 4 lạy. Sau đó đứng lên xướng: “Nghệ phụng Sanh thần hồi lăng sở tế”. Đến đây xem như kết thúc lễ nghinh ông Sanh ở bờ biển. Tiếp đó, đoàn làm lễ về lại vạn An Thạnh để thực hiện lễ kỵ Cố.
Trên đường trở về vạn, gồm 300 người mang cờ ngũ hành đi trước, theo sau là gánh múa tứ linh, gánh chèo bá trạo vừa đi vừa hát. Sau gánh chèo là thầy, chủ, học trò và bàn thờ ông Sanh. Bàn thờ có 4 người khiêng, hai lọng che bàn thờ, quân sĩ mang siêu, kiếm để hầu ngài. Đi sau bàn thờ là trưởng lão và ngư dân. Đoàn đi tới đâu, dân đi theo tới đó, huyên náo cả một vùng.
Tại vạn có ban trống chờ đón đoàn nghinh ông Sanh. Thoáng thầy đoàn tới đầu vạn, chiêng trống nổi lên rộn ràng. Ban lễ ở vạn có 1 thầy, 3 chủ, 2 học trò, 2 ông chinh cổ. Chinh cổ mặc áo rộng màu xanh, viền vàng ở cổ và tay áo; mão có gương tròn ở trước và sau, hai dây tua dài xuống tới lưng trông rất đẹp. Đoàn vào vạn kính cáo với ông Cố (thần cựu) rằng đã thỉnh ông Sanh về, gọi là an vị. Nghi thức an vị được học trò xướng: “Tựu vị nghệ thần vi tiền”. Lúc bấy giờ 3 ông chủ quỳ ở 3 bàn (trong vạn có 3 bàn thờ) và lạy 4 lạy… Sau những nghi thức cúng bái và chiết rượu như xong phần an vị của ông Sanh.
Tiếp đến là phần lễ ngư, học trò xướng: “Củ soát nghinh (tế) vật”. Theo đó 3 ông chủ kiếm soát các vật phục vụ việc cúng tế. Chủ sự phải là người còn vợ, con cháu đầy đủ. Kế đến, học trò xướng: “Nghinh vật ký thành chấp sự giả các ty kỳ sự” (Ai có việc gì thì làm việc nấy cho tròn bổ phận). Chiêng, trống, xanh lại nổi lên. Ba ông chủ trước khi bước vào điều hành chính thức buổi lễ phải dùng khăn sạch lau tay, lau mặt.
Nghi thức kỵ Cố giống lễ nghinh ông Sanh, chỉ khác là xướng: “Kham thần cúc cung bái” chứ không xướng: “Nghinh thần cúc cung bái”. Bốn lạy cuối cùng xướng: “Lễ từ cúc cúng bái” chứ không xướng: “Nghệ phụng sanh thần hồi lăng sở tế”. Lễ kỵ ông Cố thần vị ghi: “Nam tế hải linh, cự tộc ngọc lân thủy tướng nương nương tôn thần nguyên tặng trạm trừng trợ tín chi thần gia tặng dực bảo trung hưng uông nhuận trung đẳng thần”. Ngoài việc đọc văn mời ông Cố (lúc này, các mâm cỗ đã được dọn lên bàn thờ), chủ sự còn mời các vị (cá voi) được thờ trong vạn. Kết thúc phần lễ là phần hát bội diễn ra thâu đêm.