“Tù quan to” đầu tiên ở Côn Đảo

Tuy chỉ rèn luyện ở “trường học thiên nhiên Côn Đảo” hơn 2 năm nhưng Phan Châu Trinh để lại nhiều dấu ấn. Hiện nay, khách đến thăm Côn Đảo không ai không ghé lại đọc bài thơ Đập đá Côn Lôn của ông được khắc dựng tại đây.

Người tù được Thống đốc Nam Kỳ đích thân ra thăm

Huỳnh Thúc Kháng trong cuốn “sử tù” Thi tù tùng thoại (NXB Nam Cường, Sài Gòn – 1959) cho rằng, trong thời kỳ quá độ, tù chính trị bị đày ra Côn Lôn, Phan Châu Trinh là người đầu sổ, mặc dù cụ ra sau Ngô Đức Kế một năm.

Sau khi cuộc cự sưu kháng thuế nổ ra vào năm 1908, người Pháp cho rằng, do các sĩ phu phong trào Duy Tân xúi nên mặc dù đang ở Hà Nội và không có bằng chứng gì cho thấy có liên quan đến các vị lãnh đạo phong trào cự thuế, Khâm sứ Trung Kỳ vẫn đánh điện nhờ Thống sứ Bắc Kỳ bắt Phan Châu Trinh và tức tốc giải ông về Huế.

Ngày 2-4 năm đó, Phan Châu Trinh có mặt ở Huế. Ngày 10-4, Pháp buộc Cơ mật viện xét xử và kêu án tử hình ông. Phiên xử ngày 12-4, Cơ mật viện cố ý “cứu ông” nên đã kêu án trảm giam hậu thay vì trảm quyết như ý muốn của người Pháp và vì thế ra lệnh ngay trong ngày 14-4 phải đày ngay Phan Châu Trinh ra Côn Đảo, sợ để lâu người Pháp có thể đổi ý thì ảnh hưởng đến tính mạng của ông. Hơn 4 tháng sau, ngày 28-8, các thân sĩ khác như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Tiểu La Nguyễn Thành… mới ra hòn đảo tù ngục này.

Cũng trong tác phẩm đã dẫn, Huỳnh Thúc Kháng cho biết, ở trang 42: “Nguyên lúc cụ Tây Hồ ra đảo, ăn mặc, nói năng và cử chỉ, đều khác bọn tù thường; ma tà và bọn tù kia nghe nói cụ ở ngoài triều làm quan nên gọi là “quan to”. Vì vậy nên thấy bọn tôi ra ăn nói giống cụ Tây Hồ vì thế bọn ma tà và tù khác gọi là “tụi quan to”. Từ đó lịch sử tù Côn Lôn có thêm một hạng tù: “tụi tù quan to”.

Phan Châu Trinh đúng là “tù quan to” đầu tiên của lịch sử nhà tù Côn Đảo.

Người Pháp rất nể phục Phan Châu Trinh. Vì vậy, khi ra đảo, ông chỉ bị giam một tuần rồi được cho ra sinh sống ở làng An Hải, làng thổ dân độc nhất ở Côn Lôn. Ở đó, tù nhân không phải mặc áo tù, đeo “thẻ bài” mà được tự do làm ăn, chỉ mỗi tuần vào trình diện với Gardien Chef (Trưởng ngục – ĐNCT) một lần.

Ở làng An Hải một năm, vì chống lại các hương chức của làng nên ông bị đưa lại vào khám, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì được cho ra ở một lán trại gần Sở chăn nuôi của đảo, nhờ thế đời sống không bị câu thúc như những tù nhân khác.

Đến năm 1910, theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương, Thống đốc Nam Kỳ đã ra tận Côn Đảo trao đổi với ông nhiều vấn đề. Nội dung chính vẫn là tìm hiểu quan điểm đường lối đấu tranh của Phan Châu Trinh và mối quan hệ của ông với Phan Bội Châu. Dịp này, Phan Châu Trinh khẳng định: Thứ nhất, không chống đối nước Pháp, chỉ chống đối chánh sách ngược đãi dân Việt Nam của chính quyền Bảo hộ. Thứ hai, ông chủ trương đấu tranh bất bạo động, ỷ Pháp cầu tiến bộ. Đây là chủ trương mà ông cho là không tốn nhiều xương máu mà có thể giành và bảo vệ được độc lập, tự chủ của đất nước một cách lâu dài và bền vững, lại làm cho nhân dân được hạnh phúc. Những luận điểm trình bày lần này sau đó được Phan Châu Trinh trình bày lại đầy đủ, có hệ thống trong tác phẩm Tân Việt Nam.

Cuối tháng 8-1910, Phan Châu Trinh được đưa về Sài Gòn, được xử lại trong một phiên tòa. Dù không kết tội được ông nhưng người Pháp bắt ông phải an trí tại Mỹ Tho. Một thời gian sau, ông làm đơn xin sang Pháp, người Pháp không đồng ý. Ông đã đấu tranh trực diện và đòi nếu không cho ông đi Pháp thì đưa ông ra lại Côn Đảo. Cuối cùng người Pháp phải chấp thuận và ông đã cùng con trai Phan Châu Dật sang Pháp.

Kiếp tù chung một cõi ven trời…

Khi lênh đênh trên tàu ra Côn Đảo, Huỳnh Thúc Kháng hồi hộp vì nghĩ ra đảo sẽ được gặp Phan Châu Trinh. Nhưng khi ra đến nơi, dò hỏi thì biết Phan Châu Trinh đã ra sống ở làng An Hải, Huỳnh Thúc Kháng rất buồn, nhưng bù lại: “Chúng tôi chưa được giáp mặt cụ Tây Hồ (hiệu của Phan Châu Trinh – ĐNCT) mà ngoài làng cụ đã biết chúng tôi đến lật đật đi dò hỏi cho biết tên từng người” (sđd, trang 42).

Phan Châu Trinh đã nhờ một người đầu bếp ném vào khám một mảnh giấy trong đó có lá thư viết động viên đồng đội cùng hướng dẫn “kinh nghiệm ở tù Côn Đảo”. Kèm với thư là hai bài tứ tuyệt, trong đó có hai câu được xem là “tuyệt cú”: Bất tu cánh sái Tân đình lệ/ Hồng Lạc nhị kim thử nhứt văn (Huỳnh Thúc Kháng dịch: Thôi chớ Tân đình rơi giọt lệ/ Ngàn năm sử Việt ấy chương đầu).

Hơn 3 tháng sau, hai nhà lãnh đạo của Phong trào Duy Tân mới được gặp nhau. Đây là đoạn nói về cuộc gặp cảm động giữa hai người bạn đồng hương, đồng môn, đồng khoa, đồng chí và đồng cảnh ngộ: “Một ngày nọ tôi mượn cái thẻ bài của một tên tù làm Sở rẫy, mới được gặp cụ (Phan Châu Trinh – NV) đi câu cá gần đó. Chúng tôi xin phép người cai nói chuyện với nhau mấy phút đồng hồ. Tôi thấy cụ đã rụng 2 cái răng cửa, mà cụ lại thấy tôi tóc bạc nhiều nên lấy làm lạ (tôi 30 tuổi thì tóc bạc, năm ấy 33 tuổi tóc bạc hết gần một nửa). Hai chúng tôi ngó nhau mà cười. Tôi có bài tứ tuyệt:

Khả liên cụ thị đáo Côn Lôn/ Bỉ thử sâm thương kỉ hiểu hôn/ Ngã phát thương thương quân xỉ lạc/ Tương phùng nhất tiếu lưỡng vô ngôn (Kiếp tù chung một cõi ven trời/ Hai ngã sâm thương cách mỗi nơi/ Tóc tớ bạc phơ răng bác rụng/ Gặp nhau không nói ngó nhau cười. Huỳnh Thúc Kháng tự dịch, sđd, trang 58).
Nụ cười của hai nhà cách mạng hàng đầu xứ Quảng vào một ngày đầu đông năm 1908 hình như vẫn còn đâu đó giữa giữa sóng nước trùng khơi Côn Đảo như đang nhắc nhở bao thế hệ người Quảng về một tình bạn vĩnh hằng và một tinh thần yêu nước, lạc quan tuyệt vời.

LÊ THÍ

Báo Đà Nẵng

5/5 - (4 bình chọn)

Trả lời