Tiết Thanh Minh của người Hoa Hà Tiên

Thanh minh xuất phát từ người Hoa, mang ý nghĩa sâu sắc nói lên ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” phản ánh được nét đẹp tâm linh của người Phương Đông. Ông bà ta xưa chọn Tiết Thanh Minh là ngày tảo mộ. Thường diễn ra trong suốt tháng 3 âm lịch, năm nay lễ chính vào những ngày giữa tháng 3. Trên thực tế Thanh minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời, thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5 của tháng Tư dương lịch.

Nguyễn Du trong Truyện Kiều có câu:

“Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”

Công việc chính của tảo mộ là chỉnh trang, sơn sửa các ngôi mộ của tổ tiên. Người ta mang theo những dụng cụ như xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc xung quanh mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo điều đó có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Không khí không thua kém gì ngày Tết, Tiết Thanh minh- Tết dành cho những người đã khuất. Khu nghĩa địa không còn buồn lạnh lẻo nữa, thay vào đó là một không khí thật sự ấm áp, đông đúc cho kẻ đến và người yên nghĩ nơi đây. Và dường như những cây hoa huệ – tượng trưng cho sự tinh khiết, cũng đồng cảm và chờ đến mỗi mùa Thanh minh về khoe sắc trên mỗi mộ phần.

Người Hoa ở Hà Tiên nghi thức cúng khá cầu kì, trong ngày Thanh minh, người ta đã chuẩn bị một bộ tam sanh, giấy ngũ sắc, nhang, đèn,… và các loại bánh trái, thức ăn. Khi các thức ăn được bày ra là lúc các cụ già hoặc người nam lớn đại diện trong gia đình chuẩn bị một bài văn tế để cúng Sơn Thần Thổ Phủ và khấn vái mời tổ tiên nơi phần mộ về nhận và mong ước Tổ tiên có được một cuộc sống đầy đủ,. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên, sum họp gia đình và ngồi quây quần bên mộ dùng tiệc.

Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi tảo mộ không khỏi mủi lòng thường thắp một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này.

Tết Thanh minh nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Phảng phất trong bóng dáng mỗi con người là dấu ấn quê hương không dễ phai mờ theo năm tháng. Quê hương, nguồn cội chính là tài sản tinh thần vô giá đối với mỗi cá nhân chúng ta:

“Cây có cội mới sinh chồi nảy lộc.

Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu.

Người ta nguồn gốc từ đâu.

Có tổ tiên, cha mẹ rồi sau có mình”

Chính vì những ý nghĩa thiện mỹ như thế, mà mọi người dân Hà Tiên đã cảm nhận sâu sắc, giữ gìn duy trì tháng Thanh Minh – về một truyền thống hiếu hạnh – là tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất. Mà một lần ai có dịp đến để ngắm nhìn và chiêm nghiệm sẽ yêu mến người con đất Hà Tiên.- vùng đất của sự yêu thương và nhiệt thành./.

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời