Chùa Tam Bảo tọa lạc trên một khu đất rộng gần 4.000m² ở đường Sư Thiền Ân, TP.Rạch Giá (Kiên Giang). Chùa có lối kiến trúc tổng thể độc đáo, bố cục gọn gàng, kết hợp hài hòa các chất liệu gạch, gỗ, đá.
Đây là nơi được vua Gia Long ban sắc phong, cũng là nơi hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Rạch Giá trước năm 1945. Nơi đây ra đời của “Tạp chí Tiến hoá” một trong những tờ báo tiên phong của phong trào cách mạng Việt Nam. Chùa còn là một trong những nơi sản xuất và cất dấu vũ khí cho cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ.
Trong quá trình hoạt động cách mạng tại đây đã ghi nhận những tấm gương khí tiết sáng ngời của những chiến sỹ cộng sản mặc áo cà sa, góp phần viết nên truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân Kiên Giang thời kỳ tiền khởi nghĩa. Chùa vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ và đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1998.
Truyền thuyết chùa Tam Bảo
Tương truyền : Khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định , Nguyễn Anh sống sót dẫn một toán quân đi lánh nạn ở vùng biển Hòn Tre (huyện Kiên Hải). Trong lúc quân lính đói khát thì Bà Hoặng (tức Dương Thị Can) là người phụ nữ không có chồng con, nhưng là người giàu có ở trên đảo đã tiếp ứng cho chúa Nguyễn một ghe chở đầy gạo, muối và tơ tằm để quan quân họ Nguyễn qua cơn nguy khốn. Khi Nguyễn Anh lên ngôi Hoàng đế, đã cho người đi tìm Bà Hoặng ở Hòn Tre để báo ơn. Lúc này Bà đã vào đất liền, dựng một ngôi chùa nhỏ mái tranh vách đất vào năm 1802 ở Rạch Giá thờ đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Quá trình tu, bà Hoặng luôn hướng về “tam bảo” mà theo bà đó là công đức quan trọng nhất của mọi nhà tu, cho nên bà đặt tên chùa là Tam Bảo. Tam Bảo chính là ba ngôi báu: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo: Phật bảo là người giác ngộ không đam mê dục vọng thấp hèn, không tham lam trục lợi, không si mê mọi sự cám dỗ của vật chất, từ đó là có lòng vị tha, bao dung cao cả, mọi sự cám dỗ không làm lay chuyển được mình. Đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Pháp Bảo là những lời dạy của đức Phật cho chư tăng được thể hiện ra trong kinh, luật và luận. Trong đó Phật đã tổng hợp mọi điều mà các tu sỹ phải làm theo. Tăng Bảo là một đoàn thể tăng già hoà hợp từ bốn vị trở lên, đi theo con đường chân lý của Phật, là những vị sư đứng giữa Phật và chúng sinh.
Sau khi bà Hoặng qua đời, Vua Gia Long (1802 – 1820) đã sắc phong cho ngôi chùa của bà là “Sắc Tứ Tam Bảo Tự”. Trong đó chữ “Sắc” : nghĩa là lệnh của Vua ban cho thần dân, đó là một loại giấy tờ cao nhất của triều đình do Vua ký và đóng dấu. Chữ “Tứ” : nghĩa là ban cho. Chữ “Tam Bảo” là ba ngôi báu: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo. Chữ “Tự” có nghĩa là chùa. Rất tiếc là tấm sắc phong này đã bị mất trong thời kỳ bị giặc Pháp bố ráp những năm 30-40 của thế kỷ trước. Sắc phong của chùa trước đây là một loại văn bản bằng chữ nho có ấn tín của nhà vua viết trên nền giấy in nổi hoa văn rồng phượng màu vàng (kích thước khoảng 0,5 x1,2 m).
Nét đẹp không gian kiến trúc chùa Tam Bảo
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chùa Tam Bảo được trùng tu tôn tạo nhiều lần với nhiều thế hệ nhà sư trụ trì. Đây là ngôi chùa có nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc khá đẹp với một không gian yên tĩnh, trang nghiêm. Năm 1913 Hoà thượng Nguyễn Văn Đồng, Pháp danh Thích Trí Thiện hiệu Hồng Nguyện, đời thứ 39 dòng Lâm Tế về đây trụ trì cho xây dựng lại chùa, đến năm 1917 thì khánh thành. Gỗ xây chùa, gỗ tạc tượng đều được mua về từ Campuchia. Lần trùng tu gần đây nhất là năm 2000 chùa được xây dựng lại sạch đẹp, khang trang.
Từ ngoài lộ du khách bước vào cổng chùa được xây theo lối kiến trúc mái Tam Quan, lợp ngói ống, các họa tiết trang trí như chữ “Vạn”, bông sen tượng trưng cho Phật pháp được đắp bằng vữa. Trong sân có cây bồ đề cổ thụ bốn mùa xanh tươi. Phật thoại có ghi rằng : “Khi đức Phật Thích Ca thành đạo, ngài ngồi thiền dưới cội bồ đề”. Dưới cội bồ đề, người nghệ nhân đã khéo léo tạo tác bằng chất liệu xi măng hình tượng đức Phật A Di Đà đang ngồi thiền định, trên đầu là 7 con rồng che chở cho ngài. Hình tượng trên gắn liền với tích truyện của Phật giáo, đó là xa xưa khi đức Phật “nhập định” dưới Thủy Cung đã được Long Vương tình nguyện hóa thân thành 7 con rồng để làm ngai đỡ cho Phật ngồi. Trong sân chùa có ngọn Tam Bảo Tháp được xây ba tầng. Tầng trên cùng là để thờ Phật. Tầng giữa thờ kinh và tầng dưới thờ tro cốt của các Hoà thượng đã trụ trì chùa Tam Bảo như Hòa thượng Thích Trí Thiện, hòa thượng Thích Bảo Châu vv…
Từ sân chùa, du khách vào Tây Lang là dãy nhà phía trước, bên phải Chánh điện. Nhà Tây Lang gồm 3 gian, mái lợp ngói, nền lót gạch Tàu dùng để làm Phòng thuốc nam miễn phí gọi là “Tuệ Tĩnh Đường”.
Từ Tây Lang có cửa thông ra một hồ sen trồng toàn sen trắng. Hoa sen là hiện thân của sự thanh cao trong sáng, thường gắn với đạo Phật. Phật ngồi trên đài sen đã trở thành một hình ảnh quen thuộc, trong hoa sen đã có quả, tượng trưng cho ý nghĩa nhân –quả của Phật pháp. Một cây cầu nhỏ, cong cong được bắc ngang hồ sen tạo lối dẫn lên bậc tam cấp đặt bức tượng Quan Thế Nam Hải cao khoảng 2 mét, đang đứng trên một toà sen. Hai bên cầu trang trí hình bánh xe tròn tượng trưng cho vòng luân hồi của tạo hóa. Ý nghĩa của cây cầu tượng trưng cho điểm cao của sự giác ngộ, còn hồ sen là tượng trưng cho chiều sâu của sự giải thoát. Xung quanh hồ sen là đủ các loại cây kiểng, nào là Hải Đường, nào là Thược Dược, Thiết Mộc Lan …… Hương thơm từ hoa cỏ quyện lẫn trong mùi hương trầm ngan ngát khiến du khách cảm thấy sảng khoái, quên hết mọi ưu phiền. Nếu có thời gian du khách hãy nán lại bên những khóm hoa, bởi ở đó nhà chùa có treo những tấm bảng nhỏ xinh ghi lại cảm xúc của các vị hòa thượng cũng như du khách có thi hứng khi viếng cảnh chùa).
Đối diện với Tây Lang là Đông Lang. Đây là dãy nhà được dùng làm Trụ sở Văn phòng thường trực của Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang. Trong dãy nhà Đông Lang còn dành ra một gian làm phòng truyền thống trưng bày nhiều hình ảnh truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Trong đó có những hình ảnh nổi bật như các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước về thăm chùa qua các thời kỳ. Anh chân dung các vị Hòa thượng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng chùa Tam Bảo như các vị: Thích Trí Thiện, Thích Thiện An, Thích Thiện Chiếu, Pháp Linh…
Tòa Chánh Điện là dãy nhà tường xây, nền tôn cao 70 cm. Trên các vách tường, riềm cửa, người ta lắp vào đó những khuôn bông có hoa văn trổ thủng thay thế cho những cửa sổ. Chùa có ba tầng mái ngói, được lợp bằng ngói ống. Những hàng cột gỗ đen to, thân cột phình ra được đục đẽo thành hình bát giác trông có vẻ vững chắc hơn. Chánh điện được chia làm ba gian, mỗi gian đều có bàn thờ. Các bao lam bằng gỗ được chạm hình nổi, sơn son thếp vàng các hình rồng phượng, hoa lá, chim muông, đầy tính nghệ thuật tạo ấn tượng linh thiêng cho người xem. Trong đó hình tượng con rồng được sử dụng nhiều nhất. Xa xưa đã trở thành một biểu tượng nhất nguyên về vũ trụ, vừa ở dưới nước, vừa ở trên trời. Trong các thư tịch cổ và truyền thuyết dân gian, con rồng thường xuất hiện để nói lên vận mệnh của đế vương hoặc là hiện thân của thần nước.
Nhà Hậu Tổ là dãy nhà ba gian lợp ngói ống dùng làm nơi thờ vị tổ phái thiền dòng Lâm Tế và các vị Hòa thượng trụ trì chùa Tam Bảo qua các thời kỳ. Điểm độc đáo nhất của nhà Hậu Tổ là hai cánh cửa bằng gỗ lim dày khoảng 10 cm được biến thành một tác phẩm điêu khắc tinh xảo tuyệt đẹp với hình tượng thần Kim Cang gác cửa.
Hệ thống tượng phật và nét đẹp tín ngưỡng
Chùa Tam Bảo có nhiều pho tượng rất đẹp và thể hiện trình độ cao về kỹ thuật điêu khắc.
Tại Chánh điện, theo hướng từ ngoài cửa chính đi vào thì dãy Bàn thờ thứ nhất đặt tượng thờ Đức Phật Chuẩn Đề bằng gỗ 18 tay ngồi xếp bằng trên lưng con khổng tước cao 1.85 thước. Mặt tượng mang vẻ đẹp hiền từ. Những bàn tay có nét mềm mại uyển chuyển như đang múa. Đây chỉ là một loại hình của tượng Quan Âm (còn gọi là Quan Thế Âm – Avalokitecvara). Sự tích về Quan Âm có từ đời nhà Nguyên bên Trung Quốc được truyền vào Việt Nam từ thế kỷ XV rồi từ từ được “Việt hóa”. Tích truyện kể rằng : Công chúa Diệu Thiện là con thứ ba của vua Diệu Trang. Nàng đã từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý chốn cung đình để tu hành. Quá trình tu hành khổ hạnh gặp phải biết bao ngăn trở, kể cả sự cấm đoán của vua cha. Khi vua cha bị loạn đảng đoạt ngôi, bị mắc chứng bệnh kỳ lạ, công chúa đã dâng hiến đôi tay đôi mắt của mình để chữa trị cho cha. Với tấm lòng bồ tát bao dung cao cả như vậy, cuối cùng công chúa cũng tu thành chính quả tại chùa Hương Tích và trở thành phật bà ngàn mắt ngàn tay. Con số “ngàn” ở đây không phải là một con số toán học mà chỉ là đại từ phiếm chỉ năng lực cứu độ vô biên của Phật Quan Âm.
Những mặt tường bên trong chánh điện có vẽ các bức tranh theo điển tích của đức Phật. Chẳng hạn như bức tranh thứ nhất Thái tử Tất Đạt Đa cùng với người hầu rời bỏ hoàng cung, cưỡi ngựa vượt sông Anôma vào rừng tìm lối tu hành. Bức tranh Thái tử Tất Đạt Đa tu luyện dưới gốc cây bồ đề trở thành Phậtvv
Ngay tại cửa chánh điện chùa Tam Bảo có bức tranh vẽ cảnh Thập Điện Diêm Vương. Nó giáo dục đạo lý “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. Thập Điện Diêm Vương là mười vị vua cai quản các miền âm ty, mỗi vị đứng đầu một điện để xét công, luận tội những người mới chết, trên cơ sở ấy mà ban thưởn ay trừng phạt, sau đó cho đầu thai ở kiếp tương ứng. Những cảnh vẽ trong Thập Điện Diêm Vương thực chất là 10 bức tranh liên hoàn miêu tả những cảnh rùng rợn mà linh hồn những tội nhân khi chết đi bị đày xuống 10 cửa điện ở âm ty để chịu các hình phạt khác nhau.
Chùa Tam Bảo hàng năm tổ chức những ngày đại lễ như : Lễ Cầu An được tổ chức từ ngày mùng 8 đến rằm tháng Giêng âm lịch. Lễ Phật Đản được tổ chức long trọng vào ngày rằm tháng Tư âm lịch, kỷ niệm ngày đức Phật ra đời. Lễ Vu Lan (rằm tháng Bảy vào rằm tháng Bảy âm lịch).
Chùa Tam Bảo – những dấu ấn lịch sử
Thời kỳ tiền khởi nghĩa ở Rạch Giá.
Thời kỳ 1936 -1939 ở nước Pháp lực lượng dân chủ và tiến bộ dành được thắng lợi trong cuộc bầu cử. Chính phủ Pháp có nhiều cải cách đối với các nước thuộc địa. Đảng ta có chủ trương chuyển hướng hoạt động công khai. Tại chùa Tam Bảo, ta tranh thủ những người có cảm tình với cách mạng đứng ra thành lập hội Phật học kiêm tế Rạch Giá. Ban đầu chỉ có 3 vị sư là Hoà thượng Thích Trí Thiện, Thích Thiện Chiếu và nhà sư Pháp Linh chủ động làm nòng cốt thành lập Hội để biến chùa Tam Bảo trở thành một căn cứ kháng chiến bí mật. Danh từ “Hội Phật Học Kiêm tế” nghĩa là hội không chỉ nghiên cứu Phật học mà còn để thực hành “kinh bang tế thế”, dùng tôn giáo để hoạt động chính trị, lãnh đạo phong trào yêu nước tại địa phương.
Tháng 1 năm 1938 Hội ra tạp chí Tiến Hoá làm cơ quan ngôn luận. Thông qua tạp chí Tiến Hoá quần chúng nhân dân sẽ được giác ngộ cách mạng, từ đó mạnh dạn đứng lên đoàn kết thành một lực lượng cách mạng hùng hậu đấu tranh chống Thực dân Pháp xâm lược. Ngày 1/1/1938 Tạp chí Tiến Hoá đã ra mắt số đầu tiên. Nội dung Tạp chí gồm các phần như: thông luận, diễn đàn, phê bình nghiên cứu, bách khoa thưởng thức, thời cuộc. Đây là tờ tạp chí có nội dung phong phú lành mạnh nhất so với các báo chí Phật giáo lúc bấy giờ. Mục triết học thường thức bàn về duy tâm luận và duy vật luận để quần chúng biết thế nào là duy vật biện chứng. Mục bách khoa thường thức để truyền bá khoa học. Mục y học hướng dẫn trị các chứng bệnh thông thường. Mục tin tức thường đưa tin về nước Pháp để quần chúng hiểu được nước Pháp không phải là cường quốc, nước Pháp không có gì đáng sợ.
Tạp chí Tiến Hóa nghiên cứu về Phật giáo nhưng có tư tưởng rất tiến bộ. Tư tưởng đó thể hiện như : Chống lại chính sách ngu dân, mị dân của thực dân Pháp, chống lại chính sách ru ngủ quần chúng bằng kinh sách, bằng mê tín dị đoan, Tạp chí tiến hóa còn đề cập đến vấn đề xã hội như mở trường học, lập cô nhi viện, lập phòng khám bệnh và phát thuốc, vận động tập thể dục vv….
Tạp chí Tiến Hóa là tạp chí cách mạng, tuyên truyền tinh thần yêu nước chống Thực dân Pháp và truyền bá chủ nghĩa Mác Lên nin. Báo ra được 15 số (1938-1939) thì phải đóng cửa trước sự bố ráp của kẻ thù.
Trạm giao liên của Tỉnh uỷ Rạch Giá
Trong thời kỳ Đảng còn hoạt động bí mật, nhiều cuộc họp bí mật của Đảng diễn ra tại chùa. Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị thất bại, Tỉnh uỷ lâm thời Rạch Giá chọn chùa Tam Bảo làm đầu mối giao thông liên lạc, đồng thời làm nơi cất dấu vũ khí từ rừng U Minh Thượng đưa về. Công việc đang tiến hành trôi chảy thì đầu tháng 6 năm 1941, cơ sở bị lộ.
Đêm 14/6/1941 lính mật thám Sa Đéc cùng Sở mật thám Rạch Giá bao vây chùa Tam Bảo, rồi một toán ập vào chùa lục soát, bắt người. Đồng chí Trương Minh Cụ có mặt trong chùa nhưng tẩu thoát. Đồng chí Cụ gặp đồng chí Lâm Xuyến là thợ điện ở nhà máy đèn Rạch Giá, hai người đi báo cho đồng chí Trần Văn Thâu chuyển số lựu đạn ra khỏi chùa Tam Bảo nhưng không kịp. Nhiều người đã chạy thoát. Trong chùa đêm đó chỉ còn Hòa thượng Thích Trí Thiện (tức Nguyễn Văn Đồng), Hoà thượng Thích Thiện Ân ( tức Trần Văn Thâu) thầy giáo Tất và một vài cô vãi.
Bọn lính lục soát từ Chánh điện, đến nhà Hậu tổ và các Liêu. Khi xét trong nơi ở của hoà thượng Thích Thiện Ân bắt gặp nhiều lon sữa bò, chão bể, cọ sơn, dầu hắc, những ống tre đựng tài liệu mật, những truyền đơn …. Vì không khai, hoà thượng bị giặc đánh đập tra tấn rất tàn nhẫn. Khi chúng đào từ vườn chùa phát hiện được một cái khạp trong đó đựng 61 quả lựu đạn. Địch tiếp tục tra tấn, trói Hoà thượng treo lên nóc chùa. Một lúc sau Hoà thượng dụ địch rằng, vẫn còn một vài chỗ cất dấu vũ khí. Chúng bèn hạ Hoà thượng xuống và cởi trói để người chỉ nơi còn vũ khí. Khi đi ngang qua chiếc bàn chứa đầy lựu đạn, Hoà thượng nói: “Đồ này không xài bây giờ thì còn xài lúc nào nữa”. Nói đoạn, Hoà thượng liền xô mạnh chiếc bàn, một tên mật thám đỡ bàn lại, chỉ có một quả lựu đạn rơi xuống gạch nổ tung, làm cho vài tên mật thám bị thương. Chúng lại tiếp tục treo thầy Thiện An lên cao, đánh đập tra khảo.
Cuối cùng bọn lính mật thám rút ra khỏi chùa, chúng bắt hết người, vơ vét tài sản. Những người bị bắt, chúng giải đi Sa Đéc (Đồng Tháp) rồi đi tòa đại hình ở Sài Gòn. Chúng tuyên án tám Đảng viên bị kết án tử hình là : Trần Văn Thâu, Tám Lọ, Ninh thợ bạc, Râu lớn, Râu nhỏ, Phan Văn Bảy …. Chị Hồng, chị Bé, chị Bưởi án chung thân khổ sai, Bảy Đà 15 năm tù ở. Hòa thượng Thích Trí Thiện (Nguyễn Văn Đồng) 5 năm tù biệt xứ, thầy giáo Tất được tha bổng.
Tiếng bom nổ tại chùa Tam Bảo chứng minh ngọn lửa cách mạng của nhân dân Kiên Giang vẫn rực cháy và sắp bùng lên đốt sạch quân xâm lược. Đó là bước chuẩn bị tất yếu góp phần vào thắng lợi lịch sử của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho cả dân tộc ta.
Đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm
Sau sự kiện đêm 14/6/1941, chùa Tam Bảo bị chính quyền thực dân đóng cửa. Chùa trở nên hoang vắng đìu hiu. Trong chùa chỉ còn lại một vài bà vãi già chăm lo việc nhang khói. Phật tử cũng không dám bước chân đến chùa vì hàng ngày chùa luôn bị bọn mật thám canh gác. Cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công thì bọn thực dân mới run sợ, chúng cho mở cửa chùa để làm dịu bớt tình hình. Nhân đó tăng ni Phật tử mở một Đại trai đàn cầu siêu cho Hoà thượng Thích Trí Thiện, Thiền sư Thích Thiện Ân cùng các đồng chí đã hy sinh. Năm 1951 Hội Phật Học Nam Việt tỉnh Kiên Giang tiếp quản chùa và đặt trụ sở tại đây. Chùa dần trở lại sinh hoạt tín ngưỡng thu hút Phật tử trong tỉnh đến chiêm bái ngày càng đông. Hội hoạt động mạnh từ năm 1955 -1968 tham gia vào cuộc đấu tranh của Phật Giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Mặc dù chùa luôn đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của mật vụ, nhưng lực lượng đấu tranh vẫn thành công trong việc rải truyền đơn và phát tờ tin kêu gọi nhân dân vùng lên chống ách kìm kẹp của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
“Sắc Tứ Tam Bảo Tự”là ngôi chùa cổ kính có niên đại từ thế kỷ 18, trải qua những bước thăng trầm lịch sử, chùa đã có đóng góp nhất định vào phong trào giải phóng dân tộc. Chùa là một cơ sở bí mật để vận động phong trào yêu nước trong giới tôn giáo giai đoạn 1930 -1945 và đấu tranh chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm nhưng năm 50 -60 của thế kỷ trước. Đây là trụ sở của Hội Phật Học Kiêm Tế, xuất bản tạp chí Tiến Hoá, phát triển các hoạt động từ thiện xã hội như: mở phòng thuốc miễn phí, mở lớp học bình dân, cô nhi viện vv…Đó chính là “Đoá hoa sen đỏ rực” ánh hào quang bác ái của đức Phật tỏa hương giữa đời thường. Chùa Tam Bảo còn là nơi ghi dấu chiến tích anh hùng thời kỳ chống Thực dân Pháp xâm lược, đây là nơi chế tạo và tàng trữ vũ khí, nơi in truyền đơn, là đầu mối giao liên giữa Xứ uỷ Nam kỳ và Tỉnh uỷ Rạch Giá. Sự hy sinh cao đẹp của Thiền sư Thích Thiện Ân và các nhà sư yêu nước của chùa Tam Bảo đã góp phần viết nên trang sử anh hùng của Đảng bộ và nhân dân Kiên Giang. Năm tháng đi qua nhưng hình ảnh của các nhà sư yêu nước sống mãi trong tâm hồn các Phật tử và nhân dân Kiên Giang.
https://dulich.petrotimes.vn/
Bùi Công Ba