Sức hút của ẩm thực Phú Quý

Đảo Phú Quý không chỉ có núi Cấm, núi Cao Cát, Hòn Tranh, Hòn Đỏ, Hòn Đen, bãi Triều Dương, bãi Nhỏ và những cảnh đẹp mê hồn khác, không chỉ có tấm lòng người dân đảo quý khách để lại bao thương nhớ, đặc sản đảo Phú Quý còn có sức hút rất ấn tượng với du khách gần xa.

Tôi không thể nào quên những bữa ăn hải sản và nghĩ mình đã nhận được những quà tặng đặc biệt của biển đảo. Hải sâm, cá mú, cua huỳnh đế, nhum, vú nàng và rất nhiều loài ốc…, tất cả đều quá ngon, quá rẻ, tất cả đều là những món dành để tiến vua ngày trước.

Mú bông, mú đỏ và chuyện của “Linh khùng”

Điểm đến trong buổi trưa đầu tiên chúng tôi ở đảo Phú Quý là Mộ Thầy Sài Nại, khu di tích văn hóa cấp tỉnh và tất nhiên để thuận tiện chúng tôi dùng bữa trưa ngay nhà hàng Long Vỹ gần đó. Nhà hàng này nổi tiếng với những món cá mú nên chúng tôi gọi ngay một con các mú bông lớn hấp gừng, trong đoàn ai cũng xuýt xoa với mùi vị tự nhiên của biển khi cô tiếp viên đặt dĩa cá lên bàn. Lớp da béo giòn và những thớ thịt trắng phau thơm lừng của đĩa cá mú đã ngay lập tức chinh phục những thực khách khó tính trong đoàn chúng tôi. Cô tiếp viên trẻ trung, nhiệt tình giới thiệu thêm với chúng tôi về món cá mú đỏ chiên sốt me cũng là niềm tự hào của nhà hàng. Dù rất thích nhưng chúng tôi còn phải “để bụng” cho những món ốc thơm ngon mà có người nói: “Đến đảo chưa thưởng thức các món ốc thì xem như mới chỉ đứng trên tàu mà nhìn đảo thôi”. Trên bàn ăn chúng tôi có nhiều món ốc: Gỏi ốc giác con to, ốc bàn tay hấp, ốc nón luộc, vú nàng chấm sốt mù tạt xanh… Món ốc nào cũng mang lại những hương vị đặc biệt.

Câu chuyện của người chủ nhà hàng Long Vỹ, Dương Phùng Linh, cũng thú vị không kém bữa trưa với vô vàn món ngon vật lạ. Linh gốc dân Ngũ Phụng, Phú Quý. Linh trải qua nhiều nghề từ đi biển, đúc chậu, bán kiểng, kế toán đến buôn bán vật liệu xây dựng và cú đột phá làm cho người dân đảo gọi anh là Linh khùng mà cũng nể phục Linh khùng sát đất đó là cú đột phá xây hồ trên biển nuôi cá mú. Lúc bấy giờ, chuyện xây hồ trên biển là chuyện không tưởng nhưng Linh khùng quyết tâm thực hiện ý tưởng “khùng” của mình, anh xây ngay bằng đá quánh đục ra trên nền biển, chừa lỗ cho nước biển vào ra mỗi khi thủy triều lên xuống. Sau cơn bão Chanchu 2005, “hồ” của Linh khùng không hề hấn gì và lần thu nhập 200 triệu đồng tiền bán cá mú đầu tiên của Linh đã kéo theo nhiều người đến học tập mô hình nuôi cá này, ai cũng thừa nhận cú đột phá này thật ngoạn mục.

Cua huỳnh đế, nhum sọ và lòng nhiệt tình của nhóm homestay

Nếu như bữa trưa cũng được kết lại với món cháo nhum nhẹ bụng mà “thập toàn đại bổ” thì buổi chiều chúng tôi lại theo nhóm du lịch homestay có những trải nghiệm thú vị với việc ngụp lặn bắt nhum sọ, nhím biển ở bãi Nhỏ, mộ Thầy. Cũng nên nói thêm homestay là một loại hình “du lịch xanh” lý tưởng đối với các bạn trẻ quốc tế yêu thích khám phá văn hóa. Thay vì ở khách sạn, nhà nghỉ, du khách ở ngay tại nhà của dân địa phương để từ đó có góc nhìn thực tế, gần gũi với cách sống, phong tục tập quán và văn hóa địa phương. Khách được xem như một thành viên của gia đình và tham gia vào các sinh hoạt đời thường như ăn cơm chung mâm và trò chuyện trao đổi với các thành viên. Tình cảm này có thể được duy trì bền vững ngay cả sau chuyến đi du lịch.

Trở lại với câu chuyện ẩm thực bằng bữa chiều thịnh soạn mà rất rẻ tiền của chúng tôi ở quán ăn Lan Hương tại xã Tam Thanh. Dù phải đợi hơn 15 phút vì ghe giao hàng hải sản cập bến muộn, nhưng được thưởng thức món cua huỳnh đế của đảo Phú Quý thật đáng đồng tiền bát gạo. Đó là chưa nói chuyện ăn mà được lời, vì cứ tính mà xem, 1kg cua huỳnh đế trong đất liền giá từ 900.000 – 1 triệu đồng trong khi ở ngay tại đảo cua tươi mới được quán ăn nấu nướng phục vụ giá chỉ 580.000 đồng, ăn mà được lời gần nửa tiền rồi còn gì. Tương truyền ngày xưa, vua đi tuần thú dọc vùng biển miền Trung và thấy ngư dân nơi đây đánh bắt được loại cua lạ, vỏ màu đỏ hồng như chiến bào nên ăn thử và thấy ngon miệng. Từ đó vua đã truyền lên cho khắp các địa hạt miền duyên hải hàng năm phải dâng con vật này lên tiến vua nên mới có tên gọi cua hoàng đế hoặc huỳnh đế (gọi trại đi vì kỵ húy) là vậy.

Nướng nhum ở Phú Quý

Cua huỳnh đế sống ở tầng nước sâu, ở vùng biển sạch, có đáy cát vàng và nguồn nước trong xanh nên thịt đặc biệt thơm ngon, nhất là gạch cua, thưởng thức một lần không thể nào quên.

Món thứ hai là món sò điệp láng và sò điệp bay. Sò điệp có phần cồi trắng ngà, dai và ngọt, rất tốt cho sức khỏe. Hai loại sò điệp này khác nhau một chút về bề mặt vỏ nhưng thịt thì ngon như nhau. Sò điệp bay hấp suông ăn với rau răm, xì dầu trộn mù tạt. Món sò điệp láng nướng mỡ hành thì cầu kỳ hơn một chút, đặc biệt là phải chấm nước mắm chua ngọt. Gọi là cầu kỳ hơn các món mộc thôi nhưng cũng chỉ mấy thao tác: Cho sò điệp lên bếp than nướng đến khi sò tiết ra nước thì cho mỡ hành phủ lên. Nướng tới khi sò điệp chín thì rắc đậu phộng vào. Khi mùi sò nướng thơm lừng khắp mặt bàn thì mọi người trong đoàn đều nâng ly, vừa vì niềm vui đi cùng bạn bè mà cũng vừa bởi sức hút của món ăn hấp dẫn này vậy.

Cô Trang, chủ quán, đích thân mang món rau câu tráng miệng ra và chào mời chúng tôi các đặc sản khác cho ngày mai. Vâng, ngày mai, bạch tuộc, mực, ốc nhảy và cua mặt trăng…

Trong thời kỳ mà ai ai cũng lo lắng cho sự an toàn thực phẩm thì quả thật các món hải sản tự nhiên chế biến mộc giữa trời biển bao la này là một lựa chọn khôn ngoan. Hơn thế, sức hút ẩm thực đảo Phú Quý vốn là thứ để nhớ, để ghiền và để thương trong lòng du khách gần xa.

Tân Hải

Báo Bình Thuận

Rate this post

Để lại một bình luận