Những người vén màn bí mật “chuồng cọp” Côn Đảo

Ngày 17-7-1970, những bức ảnh chụp tại khu “chuồng cọp” – nhà tù Côn Đảo đăng trên tạp chí Life khiến cả thế giới bàng hoàng trước một nhà tù với đủ hình thức đọa đày man rợ những tù nhân chính trị, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” đã tồn tại bí mật trong nhiều năm trời.

Đằng sau những bức ảnh gây chấn động dư luận thế giới này, là câu chuyện hết sức cảm động về tình hữu nghị của những người yêu nước Việt Nam và phản chiến Mỹ, những sứ giả đấu tranh cho hòa bình từ 2 chiến tuyến được lưu giữ suốt 47 năm qua…

Năm 1940, người Pháp đã xây dựng một khu trại giam giấu kín tại Côn Đảo với các phòng nhốt người vô cùng chật hẹp, nơi người tù ăn, ngủ, tiểu, đại tiện chung một chỗ, bên trên là song sắt và hành lang đi lại dành cho những tên cai ngục theo dõi tù nhân, được gọi là khu “chuồng cọp”. Đây là nơi biệt giam khắc nghiệt nhất. Người tù bị cùm chân và phải nằm trên nền xi măng ẩm thấp, điều kiện vệ sinh và ăn uống tồi tệ, thường xuyên bị tra tấn. Trên hành lang “chuồng cọp” luôn có những thùng vôi, nước. Nếu tù nhân la hét và chống đối sẽ bị lính canh vém vôi bột xuống mù mịt và dội nước để tra tấn.

“Chuồng cọp” ở nhà tù Côn Đảo bao gồm 120 phòng biệt giam, chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng. Nơi đây thực dân Pháp đã giam giữ những người cộng sản, những người ái quốc chống lại chính phủ thuộc địa; sau đó được Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa sử dụng để giam cầm những người tù chính trị trong cuộc chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Ngoài những tên cai ngục, không ai được biết đến bí mật của khu “chuồng cọp”. Những tù nhân được đưa vào đó, không mấy ai có cơ may sống sót trở về, vì thế trong suốt thời gian dài, thế giới bên ngoài chỉ nghe đồn về nhà ngục kiểu Trung cổ này chứ chưa ai đưa ra được bằng chứng về sự tồn tại của nó.

Những người vén màn bí mật “chuồng cọp” Côn Đảo

Nhân chứng lịch sử

Tôi may mắn được gặp ông Cao Nguyên Lợi, cựu tù chính trị Côn Đảo, nhân chứng lịch sử trong vụ việc phanh phui bí mật “chuồng cọp” nhà tù Côn Đảo đăng trên Tạp chí Life 47 năm trước tại buổi giới thiệu cuốn sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975 từ thực tiễn nhìn lại” (NXB QĐND phát hành năm 2017 – tái bản lần thứ ba) do Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam phối hợp Ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo tổ chức sáng 18-8 tại Hà Nội.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, từ một sinh viên đấu tranh mạnh mẽ cho hòa bình tại miền Nam Việt Nam bị chính quyền Sài Gòn bắt giam và đọa đày tại “chuồng cọp” Côn Đảo, giờ đây, mái tóc người cựu tù chính trị đã bạc trắng. Song trí tuệ của ông vẫn minh mẫn và đặc biệt, ông luôn truyền cảm hứng cho những người xung quanh bởi ý chí mạnh mẽ, tinh thần lạc quan và lòng nhân ái, yêu chuộng hòa bình tha thiết.

Sự xuất hiện của cựu tù chính trị Cao Nguyên Lợi với những tấm hình được đăng trên Tạp chí Life tại buổi giới thiệu cuốn sách đã khiến mọi người hết sức xúc động. Ông Lợi đã giữ và luôn mang theo những tấm hình này từ hàng chục năm nay như những kỷ vật thiêng liêng bởi đây là chứng tích phanh phui vụ “chuồng cọp” Côn Đảo trước dư luận quốc tế mà ông là người tham gia với vai trò thiết kế ý tưởng và kế hoạch hành động.

Khởi điểm của sự kiện “vén màn bí mật “chuồng cọp” nhà tù Côn Đảo” bắt đầu từ cuối năm 1969 – đầu năm 1970, ở Sài Gòn liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình yêu cầu trả tự do cho các học sinh, sinh viên đang bị giam ở Côn Đảo. Trước áp lực này, ngày 25-5-1970, nhà cầm quyền buộc phải thả một số học sinh, sinh viên bị giam ở “chuồng cọp”, trong đó có ông Cao Nguyên Lợi. Nhờ tấm bản đồ ông Lợi vẽ khi ra khỏi “chuồng cọp” mà thế giới biết được sự tồn tại ở một nơi mà ở đó con người bị tước đoạt mọi quyền làm người.

Ông Cao Nguyên Lợi dẫn dắt chúng tôi tới câu chuyện tấm bản đồ “chuồng cọp” bằng một tấm ảnh đen trắng chụp ảnh mẹ ông – bà Dương Thị Sen, một người đàn bà bán vải tại Đà Lạt vào năm 1970 đã lặn lội ra Côn Đảo thăm con khi ông Lợi đang bị giam tại khu “chuồng cọp”.

Đây là một tình huống hiếm có, liên quan đến chính trường Sài Gòn thời ấy. Mà theo ông Lợi thì đây là chuyến thăm viếng đặc biệt chưa từng có bởi con từ “chuồng cọp” lên thăm mẹ, đó là một chuyện lạ lùng bởi về nguyên tắc, những người bị kỷ luật phải ở “chuồng cọp” thì không được ai thăm cả. Vậy mà vì sao ông Lợi lại từ “chuồng cọp” được ra thăm mẹ và chuyển tin tức từ “chuồng cọp” ra ngoài?

Đầu năm 1970, trong một buổi đối thoại với nội các Việt Nam cộng hòa, chị Tô Thị Thủy – Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Sư phạm (bạn gái của Cao Nguyên Lợi – người đang bị giam giữ tại khu “chuồng cọp” Côn Đảo do tham gia phong trào chống chiến tranh của sinh viên, sau này trở thành vợ của ông Lợi) đã yêu cầu nhà cầm quyền phải thả ngay những sinh viên bị giam giữ tại “chuồng cọp”.

Thủ tướng Việt Nam cộng hòa lúc đó là Trần Thiện Khiêm tuyên bố: Ở Côn Đảo không hề giam học sinh, sinh viên, nếu các anh chị tìm thấy danh sách, chứng cứ có học sinh, sinh viên bị giam giữ tại Côn Đảo, tôi sẽ ra lệnh thả ngay lập tức.

Bắt thóp tuyên bố này của Trần Thiện Khiêm, chị Tô Thị Thủy đã vận động bà Dương Thị Sen làm đơn xin thăm con là sinh viên Cao Nguyên Lợi đang bị giam ở khu “chuồng cọp” để nắm thông tin. Vậy là không quản khó khăn, gian khổ, mặc dù lúc đó đang mùa bão nhưng vì thương con, bà Dương Thị Sen đã bằng mọi cách thu xếp chuyến ra Côn Đảo thăm con.

Để có bức hình chụp làm bằng chứng về việc Cao Nguyên Lợi đang bị giam ở “chuồng cọp” Côn Đảo, bà Dương Thị Sen đã sắp xếp một cách rất thông minh. Khu vực bà Sen được phép thăm con là nhà tiền chế, phía trước là biển có tàu neo đậu. Bà Sen đã chuẩn bị trước một chiếc máy ảnh của chị gái ông Lợi rồi nhờ một người trên tàu chụp hộ.

Theo kế hoạch, khi ông Lợi bước ra cạnh mẹ trước nhà tiền chế, người trên tàu lập tức bấm hình. Khi bà Sen lên tàu, họ giao lại chiếc máy ảnh. Theo ông Lợi, tấm hình không được nét lắm, cái máy chụp ảnh khi đó chỉ bấm được vài ba tấm mà thôi, nhưng có giá trị cực quý giá. Tấm hình này bà Sen đã mang về Sài Gòn, đưa cho chị Tô Thị Thủy và đó là một bằng chứng quan trọng để chứng minh rằng một người mẹ ra thăm con là sinh viên đang bị giam giữ ở “chuồng cọp” với bản án chỉ 3 năm.

Cũng thông qua người mẹ, Cao Nguyên Lợi nhận được thông điệp từ đất liền rằng cần phải có chứng cứ xác thực về những sinh viên đang bị giam giữ ở “chuồng cọp” Côn Đảo. Cao Nguyên Lợi đã thêu tên những học sinh, sinh viên lên một chiếc khăn gửi mẹ chuyển về, như một món quà tặng người yêu. Thêu được tên 5 người thì hết chỉ.

Chiếc khăn và bức ảnh được chuyển đến chị Tô Thị Thủy. Với chứng cứ xác thực trong tay, Hội Sinh viên Đại học Sư phạm đã gửi yêu sách đến thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Kết quả là Cao Nguyên Lợi và 4 học sinh, sinh viên khác được trả tự do sáng 25-5-1970.

Là một người rất thông minh, những lần được dẫn giải từ “chuồng cọp” ra thăm mẹ và lần đưa từ “chuồng cọp” ra ngoài để trả tự do, Cao Nguyên Lợi đã tranh thủ quan sát, ghi nhớ đường đi lối lại trong đầu, để rồi ông vẽ lại và hướng dẫn một cách chính xác cho Tom Harkin và Don Luce sau này khi họ ra Côn Đảo, vén bức màn bí mật về “chuồng cọp” – nơi được mệnh danh là nhà tù trong nhà tù, nơi địa ngục trần gian đọa đày biết bao con người đấu tranh cho hòa bình, tự do.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Lại nói về Cao Nguyên Lợi. Sau khi thoát khỏi ngục tù, ông đã ở lại Sài Gòn đấu tranh giữ thế hợp pháp, tố cáo nhà cầm quyền bắt giam mình vô cớ, tố cáo chế độ đày ải man rợ ở “chuồng cọp” Côn Đảo. Nhờ hậu thuẫn của dân biểu Đinh Văn Đệ, bản tường trình của 5 sinh viên, học sinh về một địa ngục có thật tại “chuồng cọp” Côn Đảo do Cao Nguyên Lợi viết và trình bày trước liên ủy ban nội vụ – tư pháp định chế – xây dựng nông thôn của hạ nghị viện Việt Nam cộng hòa, phiên họp ngày 19-6-1970 đã làm nóng chính trường Sài Gòn.

Bản tường trình được in rô-nê-ô, phân phát trong hội nghị và báo giới. Nhà báo Don Luce đã tiếp xúc với Cao Nguyên Lợi và biết thêm nhiều chuyện kinh khủng ở “chuồng cọp”.

Don Luce tốt nghiệp cử nhân kinh tế nông nghiệp, thạc sỹ phát triển nông nghiệp, là thư ký Hội đồng Nhà thờ thế giới, Giám đốc Cơ quan tình nguyện Quốc tế ở Việt Nam từ tháng 11-1958. Don Luce phục vụ 13 năm tại Việt Nam như một nhà thiện nguyện, một hiệp sĩ bảo vệ người yếu thế. Ngoài công việc từ thiện, ông còn viết sách, sản xuất phim truyền hình và viết báo cho New York Time, Washington post…

Sau khi gặp gỡ, Cao Nguyên Lợi và Don Luce đã thiết kế ý tưởng chuyến đi ra Côn Đảo để phanh phui sự thật “chuồng cọp”. Nhưng ai sẽ là người thu xếp được chuyến đi này?

Cơ hội đã đến khi tháng 6-1970, một ủy ban điều tra của Quốc hội Mỹ đã đến Sài Gòn để tìm hiểu việc sử dụng các khoản viện trợ của Mỹ cho Nam Việt Nam. Trợ lý đoàn là một sinh viên luật còn trẻ tên là Tom Harkin. Trong quá trình chuẩn bị tài liệu cho chuyến đi, Tom đã đọc cuốn sách của Don Luce có tựa đề “Việt Nam: Những tiếng nói chưa được biết đến” (Vietnam: The unheard voices). Khi đến Sài Gòn, Tom Harkin đã gặp Don Luce. Don Luce hỏi ngay: “Ông đã nghe về “chuồng cọp” bao giờ chưa? Ông phải gặp ngay các thủ lĩnh sinh viên vừa thoát khỏi “chuồng cọp””.

Một buổi chiều tối, Don Luce đưa Cao Nguyên Lợi đến gặp Tom ở khách sạn, nói cho Tom câu chuyện về “chuồng cọp” Côn Đảo. Đó là khởi nguồn cho những bí mật sắp được phanh phui. Cao Nguyên Lợi nói với ông Tom Harkin: Nếu ông muốn gặp các thủ lĩnh sinh viên thực sự, ông nên tìm họ trong các “chuồng cọp” ở Côn Đảo.

Lúc đầu, Tom không tin vì trước đó, một đoàn nghị sĩ Mỹ đã nghe lời đồn về “chuồng cọp” nhưng không tìm ra manh mối. Cố vấn Mỹ về nhà tù nói rằng, không có cái gọi là “chuồng cọp”. Đó là câu chuyện từ thời Pháp.

Cao Nguyên Lợi quả quyết: “Ông có thể không tin tôi, nhưng ông phải tin Don Luce. Ông phải có sứ mệnh phát hiện ra “chuồng cọp” và đăng tin đó cho cả thế giới biết”. Tom Harkin hiểu rằng đây là chuyện rất nghiêm trọng và mạo hiểm. Nếu không tìm ra được “chuồng cọp” thì rất nguy hiểm cho ông và những người liên quan.

Ông Lợi thấy những điều lo lắng của Tom Harkin là hết sức hợp lý bởi nếu không tìm ra được “chuồng cọp” thì rõ ràng ông Lợi là người nói láo và Tom Harkin cùng Don Luce cũng sẽ như vậy. Do đó, cả buổi hôm đó, ông Lợi đã bỏ ra 3 tiếng đồng hồ bằng trí nhớ của mình trong 2 lần được dẫn giải từ khu “chuồng cọp” ra ngoài (lần ra thăm mẹ và lần được trả tự do) để vẽ sơ đồ, chú dẫn ký hiệu lối vào “chuồng cọp”; cung cấp họ tên, số đính bài của 6 người đang bị giam giữ tại đây.

Ông Lợi chỉ cho Tom Harkin cách phân biệt ký hiệu đính bài của tù chính trị với đính bài của tù thường phạm, quân phạm; chỉ cách giăng bẫy của chúa đảo Nguyễn Văn Vệ và cách phá bẫy để tìm ra “chuồng cọp”.

Ông Lợi nói: “Tom, Don, ra Côn Đảo chỉ có sáng đi và chiều về. Như vậy thời gian rất hạn chế. Nếu thời gian hạn chế mà ta mắc bẫy của ông Vệ là mời để kéo dài thời gian thì có lẽ chúng ta sẽ không thấy gì hết. Như vậy, điều đầu tiên là không cà phê cà pháo, không nói chuyện kéo dài, không mua vật kỷ niệm mà nhanh chóng yêu cầu đi thăm các trại…”.

Sau cuộc gặp với Cao Nguyên Lợi, Tom Harkin tin câu chuyện về “chuồng cọp” là có thật. Ông đã đưa Cao Nguyên Lợi đến gặp và thuyết phục Nghị sĩ Augustus Hawkins, Nghị sĩ William Anderson đồng ý ra Côn Đảo điều tra về “chuồng cọp”. Tom Harkin thuê máy bay cho đoàn, chuẩn bị máy ghi âm, máy chụp hình. Don Luce được mời đi cùng trong vai phiên dịch.

“Phá bẫy” chúa đảo

Mặc dù chúa đảo Nguyễn Văn Vệ đã cố tình tìm mọi cách kéo dài thời gian nhằm ngăn việc điều tra “chuồng cọp” của đoàn nghị sĩ Mỹ nhưng do đã được Cao Nguyên Lợi cảnh báo trước, Tom Harkin và Don Luce đã lần lượt “phá bẫy” chúa đảo và tìm ra bí mật…

Cánh cổng bí mật…

Tại Côn Đảo, đúng như dự đoán của Cao Nguyên Lợi, trung tá Nguyễn Văn Vệ (chúa đảo – chúa ngục như cách gọi của tù nhân) đã đón tiếp đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ tại dinh chúa đảo theo nghi thức và cố tình kéo dài thời gian như mời đoàn dùng cà phê pha bằng phin. Vệ cho rất nhiều cà phê, nén chặt nên cà phê chảy rất chậm, giọt một, giọt một. Ngồi tới 30 phút mà cà phê vẫn chảy tách tách từng giọt, Tom và Don Luce trong lòng nóng như lửa đốt.

Nguyễn Văn Vệ thấy rõ sự sốt ruột của các vị khách nên ông ta chuyển hướng, rủ mọi người đi chơi, xem và mua đồ kỷ niệm của Côn Đảo do tù nhân làm ra. Tuy nhiên, cái bẫy này cũng đã được Cao Nguyên Lợi cảnh báo trước nên Tom và Don kiên quyết từ chối. Như vậy, cái bẫy thứ nhất được ông Lợi cảnh báo trước đã được giải quyết xong.

Tiếp đó, Tom Harkin đưa ra danh sách tên của 6 người tù, yêu cầu cho gặp. Không từ chối, Nguyễn Văn Vệ nói rằng sẽ được gặp những tù nhân này với điều kiện phải có sự đồng ý của chính quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, khi trao đổi với người đánh điện tín, Nguyễn Văn Vệ nói thêm là đừng trả lời lại.

Không ngờ Don Luce nghe được và hiểu là Nguyễn Văn Vệ cố tình không chuyển điện xin phép cho thăm gặp tù nhân về Sài Gòn. Như vậy, việc gặp những người tù này là không thể thực hiện được nên Tom Harkin và Don Luce rút ra ngoài.

Sau đó, Don và Tom xin đi thăm các nhà tù. Đoàn dân biểu được đưa đến trại VI và 2 trại tù khác không có “chuồng cọp”. Lúc này thời gian không còn nhiều, Tom yêu cầu được đến thăm trại IV. Nguyễn Văn Vệ miễn cưỡng đồng ý.

Khi đến trại IV – trại cải huấn Côn Sơn, có trong tay tấm bản đồ của Cao Nguyên Lợi, Tom nhìn vào 1 ký hiệu cho thấy đây đúng là nơi cần đến. Trên tấm bản đồ có vẽ một cánh cửa nhỏ.

Tom nhớ lại lời Cao Nguyên Lợi dặn: “Ngay khi bước qua cánh cổng thứ nhất của trại giam, ông đừng bước tiếp qua cánh cổng thứ hai vì sau cánh cổng thứ hai chỉ là nhà tù bình thường. Ông hãy đi theo lối rẽ và tìm bức tường bên vườn rau xanh có một cánh cổng nhỏ. Đó là lối dẫn vào “chuồng cọp””.

Tom lần theo bức tường nhưng không thấy cánh cửa đâu cả. Tom và Don lại đi ra ngoài cổng quan sát. Họ đã nhìn thấy “một cái cánh cửa sau cánh cửa”. Sau đó, Tom và Don tiến đến gần hành lang mà họ nhìn thấy cánh cửa nhỏ rồi quay lại gặp đoàn nghị sĩ, hướng dẫn họ hãy đi dọc theo hành lang phía sau cánh cổng.

Khi đến khu vực có trồng rau, Tom là người đi đầu tiên. Nguyễn Văn Vệ, nhà báo Don Luce và một số người đi sau. Để kéo dài thời gian, Tom hỏi Nguyễn Văn Vệ: “Giống rau này là giống rau gì?”. Vệ trả lời qua loa: “Là rau muống, thưa ngài”.

Là một kỹ sư nông nghiệp, Don Luce nhận ra đây là khoai lang chứ không phải rau muống. Don Luce nói: “Tôi là kỹ sư nông nghiệp nên tôi biết đây là khoai lang, thứ rau này có củ ăn rất ngon”. Don Luce nói rồi cúi xuống nhổ một nhánh rau lang, phát hiện rễ rau chưa bén đất, chứng tỏ mới được trồng để ngụy trang. Hai người vẫn cãi nhau xem đó là rau lang hay rau muống.

Trong lúc đó, Tom đã phát hiện ra cánh cửa sắt nhỏ khuất sau vạt rau. Tom hỏi Nguyễn Văn Vệ: “Cánh cửa này dẫn đi đâu?”. Nguyễn Văn Vệ nói: “Bên đó cũng là một trại giam thôi, nhưng ông không thể đi qua cánh cửa này được. Ông phải đi vòng đường khác vì cánh cửa này đã bị đóng vĩnh viễn”.

Sau này, Tom và Don mới biết nếu làm như Vệ nói, họ sẽ không bao giờ tìm thấy “chuồng cọp” bởi nó nằm ở ngay bên kia bức tường. Tom nói với Nguyễn Văn Vệ: “Tại sao chúng tôi không thể đi qua cánh cửa này được?”.

Nguyễn Văn Vệ trả lời: “Không thể đi qua cánh cửa đó được bởi nó bị khóa vĩnh viễn luôn rồi”. Vừa nói, ông ta vừa cầm cây ba toong đập vào cánh cửa. Không may cho Vệ, bên kia cánh cửa có tên cai ngục, nghe tiếng ba toong đập cửa và tiếng của Vệ thì nghĩ rằng chúa đảo yêu cầu mở cánh cổng nên đã đi ra mở. Thế là Tom và Don cùng mọi người chạy xông vào bên trong cánh cổng trước ánh mắt sững sờ của Nguyễn Văn Vệ.

Sau này khi trở lại Côn Đảo vào năm 2010, nhà báo Don Luce cho biết, suốt đời ông không thể nào quên những gì ông đã nhìn thấy ở phía sau cánh cổng sắt. Chỉ là một cánh cửa và vài bước chân nhưng khoảng cách là hàng trăm năm văn minh của nhân loại.

Don đã nghe nói nhiều về “chuồng cọp”, song những gì hiện ra trước mắt ông vẫn vô cùng kinh hoàng. Gần 500 con người chen chúc trong những cái chuồng nhỏ, bị cùm xiềng, đi vệ sinh trong một chiếc thùng ngay trong chuồng. Cai ngục đi dọc hành lang, kiểm soát những người tù bị nhốt trong cũi không khác gì chuồng nuôi thú. Những cây sào bịt đồng và những thùng vôi bột đặt sẵn trên nóc “chuồng cọp”, sẵn sàng trấn áp tù nhân. Những người tù bị tê liệt vì cùm quá lâu, bị bỏ đói, bỏ khát, nhưng họ vẫn kiên cường đòi công lý.

Don đã viết trong bài tường thuật trên tờ Life: “Khuôn mặt của những tù nhân trong “chuồng cọp” phía dưới đã để lại những dấu ấn không phai trong ký ức tôi. Tôi nhớ rất rõ mùi hôi thối kinh khủng do tiêu chảy và những vết thương lở loét do bị cùm xích cứa vào mắt cá nhân của tù nhân. Hãy cho tôi nước – họ nói…”.

Khi thấy phái đoàn nghị sĩ Mỹ đến, những người tù chính trị đã lên tiếng tố cáo: “Chúng tôi bị bỏ đói, chúng tôi bị bỏ khát, chúng tôi bị đánh đập, chúng tôi bị tù chỉ vì đấu tranh cho hòa bình…”. Tom Harkin ghi âm, chụp hình, Don Luce thông dịch, nghị sĩ Augustus Hawkins và nghị sĩ William Anderson quan sát, lắng nghe.

Phái đoàn đã dừng lại ở nhiều “chuồng cọp” phỏng vấn tù nhân, ghi âm, chụp hình làm chứng cứ. Thấy Tom Harkin chụp ảnh, những tên trật tự dọa rằng chúa đảo Nguyễn Văn Vệ sẽ phá cái máy ảnh nhưng không ngăn được. Chúng liền đi ra báo cáo với chúa ngục Nguyễn Văn Vệ.

Vệ nói với 2 nghị sĩ yêu cầu Tom và Don Luce phải ra ngoài nhưng 2 nghị sĩ không đồng ý. Tom Harkin và Don Luce đã đi hết 2 dãy nhà giam trong khu “chuồng cọp”. Họ đếm được có tất cả 480 tù nhân, trong đó 300 phụ nữ và 180 đàn ông.

Điều khiến Don Luce xúc động nhất là tình người trong tù. Những người tù không lo cho bản thân mà giục Don Luce cùng những người trong đoàn nên đi gặp những người tù như bà Sáu “mù”, nhà sư Thích Hành Tuệ… “Mọi người bị giam trong khu “chuồng cọp” đều rất yêu thương nhau và lo lắng cho nhau. Họ lo cho người khác chứ không lo về mình. Có người nói nhờ tôi xin ly nước uống cho bà Sáu…” – nhà báo Don Luce kể lại.

Khi đoàn sắp rời Côn Đảo, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ yêu cầu Tom giao nộp lại máy ảnh và băng ghi âm, nhưng Tom Harkin kiên quyết nói không. Nghị sĩ Augustus Hawkins và nghị sĩ William Anderson cũng ủng hộ Tom, nói: Đây là chứng cứ điều tra của Quốc hội Mỹ.

Bất lực trước vị thế của các nghị sĩ Mỹ, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ giở bài hạ sách: Yêu cầu Tom và Don lên chiếc xe Jeep ra sân bay với sự hộ tống của những tên trật tự của Vệ. Một lần nữa, nghị sĩ William Anderson lại nói: “Không. Các ông ấy đi cùng chúng tôi”.

Trên đường ra sân bay, qua những đoạn đường chênh vênh một bên là núi, một bên là biển sâu với những mũi đá lởm chởm, Tom Harkin và Don Luce không khỏi rùng mình. Nếu chúa đảo Nguyễn Văn Vệ ép 2 người ra sân bay trên chiếc xe Jeep với sự hộ tống của những tên trật tự cô hồn thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Phanh phui “chuồng cọp” ra thế giới

Trở về Mỹ, Tom Harkin biết mình phải đưa những tấm hình này ra thế giới. Ông đã được hỗ trợ đến một nơi an toàn để rửa hình. Sau đó, ông được giới thiệu đến tạp chí Life. Tom Harkin lập tức bay đến New York. Những người có trách nhiệm tại tạp chí này đã xem những tấm hình, họ muốn biết câu chuyện và Tom Harkin đã kể lại câu chuyện.

Lập tức Tom và những tấm ảnh được đưa đến nhà máy in. Kết quả là sự việc “chuồng cọp” nhà tù Côn Đảo được phanh phui trên tạp chí Life đã làm chấn động cả thế giới và những tấm hình được lan ra khắp nơi.

Ngoài Tom Harkin, Don Luce và tác giả chính trong vụ phát hiện “chuồng cọp” Côn Đảo, phải kể đến công lao của 2 nghị sĩ Augustus Hawkins, William Anderson đã đồng ý ra Côn Đảo điều tra và bảo vệ Tom Harkin được giữ những hình ảnh, tài liệu thu thập được tại “chuồng cọp”.

Nghị sĩ Anderson là Anh hùng quân đội Mỹ, từng lái tàu ngầm Nautilus đến Cực Bắc trong Thế chiến II. Tiếng nói của ông có trọng lượng trong Quốc hội Mỹ. Ông đã có những quyết định chính xác trong việc điều tra vụ “chuồng cọp”, bảo vệ những chứng cứ thu thập và quyết định bảo vệ phụ tá của mình là Tom Harkin và Don Luce.

Trở về Mỹ, ông đã lên tiếng mạnh mẽ trong Quốc hội Mỹ và dư luận Mỹ, phản đối các khoản viện trợ của Mỹ bảo trợ cho một chính quyền vô nhân tính tại Sài Gòn. Ông viết thư gửi Tổng thống Mỹ Richard Nixon, yêu cầu áp dụng những biện pháp cấp bách để ngăn chặn các hành vi trả thù những người tù chính trị đã cung cấp tư liệu cho phái đoàn.

Trong tường thuật trước báo giới, 2 nghị sĩ Mỹ là Augustus Hawkins, William Anderson khẳng định rằng các ông đã tận mắt thấy: “Khoảng 500 người bị giam vào các “chuồng cọp”. Có những tu sĩ Phật giáo… Có nhiều phụ nữ từ 15 đến 70 tuổi, có những bà già mù mắt… Họ bị giam giữ chỉ vì đấu tranh cho hòa bình… Họ bị bỏ đói, bỏ khát, bị nhốt như những con vật trong các “chuồng cọp”…

Họ bị ngạt thở vì người ta tung vôi bột vào trừng phạt họ… Trong 7 tháng, họ chỉ được ăn rau có 3 lần. Nhiều người trong số đó bị còng lâu ngày đến mức không thể đứng lên bằng đôi chân của mình được… Đó là sự đối xử kinh khủng nhất đối với con người mà chúng tôi chưa bao giờ được thấy”.

Thời điểm mà dư luận thế giới chấn động vì những tấm hình của Tom Harkin đăng trên báo chí cùng những bài báo của Don Luce khiến cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải ra lệnh dỡ bỏ “chuồng cọp” Côn Đảo thì cũng là lúc Tom phải ra điều trần trước Quốc hội, bị buộc tội “phản bội”, bị đuổi việc khỏi Văn phòng Quốc hội cùng với lời đe dọa “sẽ không bao giờ tìm được công việc ở đây”.

Ông đã kiên trì đấu tranh và trở lại Quốc hội năm 1974, với tư cách là thượng nghị sĩ. Bài học trong vụ phát hiện “chuồng cọp” Côn Đảo cho ông thêm lòng can đảm và nghị lực mạnh mẽ để dấn thân. Ông góp phần cùng Quốc hội quyết định ngăn chặn Chính phủ Mỹ cứu vớt chính quyền Sài Gòn vào thời điểm sắp tàn của chế độ.

Mạnh mẽ và kiên quyết, thượng nghị sĩ Tom Harkin tiếp tục đóng góp cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1995), thượng nghị sĩ Tom Harkin đã có mặt tại Hà Nội. Năm 2010, ông đến Việt Nam đánh giá mức độ ô nhiễm chất độc dioxin và tìm giải pháp hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam.

Tình cảnh của Don Luce sau vụ “chuồng cọp” Côn Đảo cũng không mấy dễ chịu. Don Luce bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 1971. Ông tiếp tục tham gia phong trào chống chiến tranh xâm lược, đòi hòa bình cho Việt Nam và không ít lần bị các thế lực cực đoan tấn công, dọa giết.

Ông đã đến thăm Hà Nội 3 lần, từng chứng kiến máy bay Mỹ ném bom bắn phá, từng đi thăm đường Trường Sơn huyền thoại… Mỗi lần trở lại Việt Nam, Don Luce đều cùng Cao Nguyên Lợi đi thăm những người bạn Việt Nam, chia sẻ với họ tình cảm thủy chung từ trái tim nhân hậu.

Thông điệp của những người yêu chuộng hòa bình

Những bức ảnh do Tom Harkin (sau này là thượng nghị sĩ bang Iowa) chụp tại “chuồng cọp” Côn Đảo đăng trên tạp chí Life đã đưa ra ánh sáng những bí mật khủng khiếp. Những bức ảnh chính là tấm lòng của những người bạn Mỹ đã góp phần làm thay đổi chế độ lao tù, góp phần sớm chấm dứt sự dính líu của Mỹ vào cuộc chiến tranh phi nghĩa tại miền Nam Việt Nam.

Tom Harkin, Don Luce, Cao Nguyên Lợi chính là những sứ giả đấu tranh cho hòa bình từ 2 chiến tuyến.

Sức mạnh của những bức hình chụp tại “chuồng cọp”

Những tấm hình Tom Harkin chụp tại nhà tù Côn Đảo đăng trên tạp chí Life ngày 17-7-1970 khiến dư luận quốc tế bừng bừng phẫn nộ. Hình ảnh bà Sáu “mù” 60 tuổi, mù cả 2 mắt do bị tạt vôi bột; hình ảnh nữ sinh Thiều Thị Tân 15 tuổi bị giam trong “chuồng cọp” và Đại đức Thích Hành Tuệ (Nguyễn Thới) – một tu sĩ Phật giáo yêu nước bị đày ải nghiệt ngã trong “chuồng cọp” Côn Đảo chỉ vì đấu tranh cho hòa bình đã gây xúc động lương tri loài người, thức tỉnh lương tâm người Mỹ rằng chính quyền Mỹ đang chi hàng tỷ đô la viện trợ cho một chế độ vô nhân tính, vi phạm những quyền cơ bản của con người, vi phạm Công ước Geneva về tù binh, tù chiến tranh.

Hàng chục tờ báo lớn ở 33 nước và truyền hình Mỹ đã đăng lại. Cùng với những bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chiến tranh, ảnh em bé Tây Ninh bị bom Napan đốt cháy chạy trên đường, ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan rút súng bắn tù binh đối phương trong tư thế 2 tay bị trói trên đường phố Sài Gòn trước đó, những bức ảnh “chuồng cọp” Côn Đảo đã thổi bùng lên ngọn lửa phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam lan rộng trên chính nước Mỹ và trên toàn thế giới. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa buộc phải ra lệnh dỡ bỏ “chuồng cọp” Côn Đảo.

Bà Sáu “mù” là tấm gương chiến đấu kiên trung, bất khuất tiêu biểu cho phong trào đấu tranh bảo vệ khí tiết của những người tù chính trị Côn Đảo nói chung và nữ tù chính trị ở “chuồng cọp” nói riêng. Bà Sáu “mù” tên thật là Nguyễn Thị Chỉ, quê Quảng Nam. Trong khu “chuồng cọp”, bị địch tung vôi bột đàn áp khiến đôi mắt của bà Sáu mờ dần.

Mặc dù vậy, bà vẫn đứng vững trong tập thể chiến đấu chống chào cờ, chống nội quy, chịu mọi cực hình ở “chuồng cọp”. Tóc bạc, lưng còng, mắt mờ, sức yếu, bà thường nép mình vào một xó “chuồng cọp”, đôi tay run run rờ rẫm trên đầu gối mình, lơ đãng lắng nghe mọi âm thanh đơn điệu quanh “chuồng cọp” số 27.

Tháng 6-1970, trong một lần xáo trộn phòng, bà Sáu “mù” được đưa về “chuồng cọp” số 24, nơi giam những phụ nữ đã chịu điều kiện. Họ thương bà, kính phục bà. Đến bữa ăn có đĩa rau muống và nửa quả trứng vịt luộc, bà biết là ở nơi chị em chịu điều kiện nên bỏ miếng trứng xuống, trào nước mắt, bỏ cơm, xin về lại “chuồng cọp” số 27 chung với tập thể chiến đấu, ăn cơm với tương chua, mắm ruốc nặng mùi quen thuộc của “chế độ kỷ luật”.

Sau này trong những lần trở lại Việt Nam, Don Luce và Tom Harkin đều đến thăm bà Sáu “mù”.

Đại đức Thích Hành Tuệ là tấm gương sáng về đạo pháp và lòng yêu nước giữa ngục tối Côn Đảo. Đại đức Thích Hành Tuệ sinh ra trong một gia đình yêu nước, có ông nội và cha tham gia các phong trào yêu nước dưới sự dẫn dắt của Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp.

Đại đức Thích Hành Tuệ hồi nhỏ tên là Đấu, khi đi hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Thới (SN 1935 tại xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Năm 1956, địch ráo riết truy lùng cán bộ kháng chiến cũ, nhiều người bị bắt thủ tiêu, giết bỏ trôi sông, số trốn thoát chuyển vùng hoạt động. Nguyễn Thới được cha là ông Nguyễn Hữu gửi tạm lánh vào chùa Cổ Lâm (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) làm người tu hành. Thời gian học Phật ở chùa Cổ Lâm, Nguyễn Thới tham gia hoạt động cùng với nhiều người yêu nước đóng vai tu hành nơi đây. Nguyễn Thới được gửi tu học tại chùa Phước Lâm (Hội An), lấy pháp danh Thích Hành Tuệ.

Năm 1963, phong trào Phật giáo từ miền Trung lan vào Sài Gòn, đẩy lên một bước phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Đại đức Thích Hành Tuệ tháp tùng Hòa thượng Thích Trí Quang vào Sài Gòn, giữ mối liên lạc giữa phong trào Phật giáo miền Trung và liên hệ với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khu Sài Gòn – Gia Định qua đầu mối đơn tuyến, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

Mùa Phật đản năm 1966, Phật tử chịu sự đàn áp khủng khiếp. Đại đức Thích Hành Tuệ bị bắt, bị tra tấn rất dã man, bị giam tại khám Chí Hòa. Năm 1968, Đại đức Thích Hành Tuệ cùng một số tù chính trị bị địch đày ra Côn Đảo. Ngay từ khi ra Côn Đảo, Đại đức Thích Hành Tuệ đã tham gia và đi đầu trong phong trào chống chào cờ Việt Nam Cộng hòa và bị đàn áp khốc liệt.

Tháng 7-1968, địch đưa Đại đức cùng một số tù chính trị về Chí Hòa, sau đó đến tháng 11-1968 đưa trở lại Côn Đảo và giam ở khu “chuồng cọp”.

Thời điểm Tom Harkin và Don Luce cùng đoàn nghị sĩ Mỹ ra Côn Đảo, Đại đức Thích Hành Tuệ bị giam chung với ông Đào Duy Nghệ, Hai A (tức Đỗ Văn Minh) tại “chuồng cọp” số 5 (khu “chuồng cọp” II). Đại đức nằm cạnh Hai A phía trong, Đào Duy Nghệ nằm gần cửa nghe ngóng động tĩnh, theo dõi động thái của trật tự, gác ngục, phán đoán tình hình để có biện pháp đối phó.

Khi Đào Duy Nghệ phát hiện đoàn nghị sĩ Mỹ vào “chuồng cọp”, thầy Thích Hành Tuệ mặc áo nhà tu nói lớn: “Chúng tôi đói. Chúng tôi khát. Chúng tôi bị đòn…”. Cả phái đoàn liền tập trung trên nóc “chuồng cọp” số 5. Don Luce phiên dịch, Tom Harkin ghi chép, ghi âm, chụp hình.

Đại đức dõng dạc tuyên bố: “Tôi là một nhà sư và tôi đấu tranh cho hòa bình từ năm 1966. Tôi ở đây không vì lý do gì ngoài mong muốn hòa bình. Tôi bị bắt, bị tra tấn. Nhưng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh cho hòa bình”.

Khi phái đoàn rời Côn Đảo, bọn cai ngục đánh Đại đức Thích Hành Tuệ để trả thù. Vừa đánh, chúng vừa chất vấn: “Tại sao mày đi tu mà không chịu chào cờ quốc gia? Không chịu hô đả đảo Hồ Chí Minh?”. Bị đòn roi oằn người nhưng Đại đức vẫn hiên ngang trả lời: “Cụ Hồ là vị anh hùng cứu nước của dân tộc Việt Nam, chúng tôi luôn kính trọng, làm sao mà đả đảo được. Còn lá cờ ba que không phải cờ của Tổ quốc chúng tôi”.

Trước áp lực của dư luận, chính quyền Việt Nam Cộng hòa buộc phải ra lệnh phá bỏ “chuồng cọp”. Đại đức Thích Hành Tuệ cùng số tù bại lết được chuyển về chuồng bò. Tại đây, Đại đức Thích Hành Tuệ tiếp tục dẫn đầu phong trào chống đàn áp, chống cưỡng bức tư tưởng, chống khổ sai…

Tháng 11-1971, địch đàn áp, đưa số tù bại lết giam tại khu “chuồng cọp” Mỹ mới xây dựng. “Chuồng cọp” Mỹ không có bệ nằm, tù nhân nằm sắp lớp dưới nền chuồng. Mái tôn úp sát giàn song sắt, tối tăm, ngột ngạt. Ngày nóng bức hầm hập, đêm thấm lạnh thấu xương. Ở tù trong hoàn cảnh nghiệt ngã tại “chuồng cọp” mới thấu hiểu thế nào là đói và rét. Càng đói, càng thấm cái rét đến tận xương tủy. Càng rét, càng thấy cái đói cồn cào gan ruột.

Hơn 1 năm ở “chuồng cọp” Mỹ, Đại đức Thích Hành Tuệ phát bệnh nặng, thường xuyên ho ra máu, hậu quả của những trận đòn thù từ nhiều năm trước. 7h sáng ngày 8-1-1973, Đại đức Thích Hành Tuệ đã tắt thở trên tay Đào Duy Nghệ tại bệnh xá trại VII.

Phần mộ của Đại đức Thích Hành Tuệ hiện ở khu C nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Bài vị và di ảnh của Đại đức được đưa về chùa Diệu Pháp (đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), đặt ở nơi trang trọng nhất. Ngày 19-5-1978, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Thới.

Ngày 19-8-1985, Chủ tịch nước Trường Chinh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất về những công lao của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa tên Đại đức Thích Hành Tuệ vào quỹ đặt tên đường của thành phố.

Điều còn mãi…

Năm 1995, trong dịp trở lại Việt Nam, ra thăm Côn Đảo, Tom Harkin đã trao tặng những bức hình chụp tại khu “chuồng cọp” cho Cao Nguyên Lợi, người đã giúp ông phát hiện vụ “chuồng cọp” Côn Đảo. Những bức ảnh chính là tấm lòng của những người bạn Mỹ đã góp phần làm thay đổi chế độ lao tù, góp phần sớm chấm dứt sự dính líu của Mỹ vào cuộc chiến tranh phi nghĩa tại miền Nam Việt Nam.

Tom Harkin, Don Luce, Cao Nguyên Lợi chính là những sứ giả đấu tranh cho hòa bình từ 2 chiến tuyến. Các ông là những nhà ngoại giao nhân dân, kết nối 2 dân tộc Việt Nam – Mỹ bằng trái tim, từ trái tim.

Từ đó đến nay, ông Cao Nguyên Lợi vẫn giữ mối liên lạc với Tom Harkin và Don Luce, trân trọng ân tình về những gì mà 2 người bạn Mỹ đã tranh đấu cho hòa bình ở Việt Nam, làm vơi đi nỗi đau cho những người tù chính trị Côn Đảo. Ông cùng người bạn đời thủy chung – bà Tô Thị Thủy, người đã kiên cường đấu tranh đòi trả tự do cho ông, góp phần vào việc đưa ra ánh sáng những tội ác tột cùng tại “chuồng cọp” Côn Đảo đã có dịp sang Mỹ để cảm ơn những người bạn Mỹ.

47 năm đã trôi qua, ông Cao Nguyên Lợi trầm ngâm khi nói về những người bạn tù Côn Đảo mỗi năm một thưa dần. Cuốn sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975 từ thực tiễn nhìn lại” đã được tái bản 3 lần. Với nỗ lực của ban tổ chức và các nhà tài trợ, mỗi lần tổ chức ra mắt cuốn sách cũng là dịp những cựu tù chính trị Côn Đảo từ khắp mọi miền của Tổ quốc được gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe và ôn lại những kỷ niệm một thời nơi “địa ngục trần gian”.

Không nói nhiều về bản thân, ông Lợi rưng rưng nói rằng, mơ ước lớn nhất của những cựu tù chính trị ở tuổi gần đất xa trời như ông, là cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa những người yêu nước Việt Nam và những người phản chiến Mỹ như Tom Harkin, như Don Luce vào một ngày gần nhất, bởi thời gian đối với họ giờ đây không còn nhiều nữa.

Theo Đại tá, nhà văn, nhà báo Lê Anh Dũng – người tổ chức bản thảo của cuốn sách “Cựu tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957-1975) từ thực tiễn nhìn lại”, thì cuộc gặp gỡ những con người đã đi vào lịch sử này cũng là ý tưởng của những người tham gia biên soạn cuốn sách, sẽ được lên kế hoạch kết nối và tổ chức thực hiện vào lần tái bản thứ tư tại Vũng Tàu.

Trước khi chia tay, tôi đề nghị được chụp ảnh ông Cao Nguyên Lợi làm kỷ niệm. Trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ông Cao Nguyên Lợi chủ động đứng trước một khẩu đại bác, giơ chiếc ba lô bịt họng súng với thông điệp: Yêu hòa bình, phản đối chiến tranh.

Côn Đảo giờ đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như thế giới không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ mà còn bởi mỗi địa danh nơi đây còn gắn với một câu chuyện lịch sử đậm chất sử thi như những huyền thoại. Và câu chuyện “chuồng cọp” Côn Đảo, một sự kiện lịch sử gây chấn động thế giới gần 50 năm trước, sẽ mãi mãi ghi dấu ấn về một tình hữu nghị đẹp đẽ giữa những người yêu chuộng hòa bình của Việt Nam và nước Mỹ – dù cách nửa vòng trái đất nhưng trái tim của họ luôn chung một nhịp đập.

http://antg.cand.com.vn/

 

5/5 - (7 bình chọn)

Để lại một bình luận