Côn Đảo có nhiều món hải sản được người dân đánh bắt tự nhiên rất ngon nhưng khách du lịch các địa phương khi tham quan không thể bỏ qua món ghẹ, ốc, hàu Côn Đảo.
Du khách đến Côn Đảo nên đến các nhà hàng Cánh Buồm, Tri Kỷ, Thu Tâm, Cây Bàng, nằm trên trục đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Đức Thuận, Nhà Hàng Thu Ba nằm trên đường Võ Thị Sáu, Quán ốc nằm trên đường Phạm Văn Đồng Côn Đảo thưởng thức các loại hải sản như ghẹ, hàu, các loài ốc Côn Đảo được các Nhà hàng chế biến nhiều món rất phong phú.
Ghẹ
Tứ bề là biển, Côn Đảo được thiên nhiên ban tặng nguồn hải sản dồi dào, trong đó con ghẹ là đặc sản không thể bỏ qua nếu bạn có dịp đến hòn đảo này.
Hầu như mùa nào Côn Đảo cũng có ghẹ. Tuy vậy, sản lượng đánh bắt của ngư dân cũng tùy theo mùa. Nếu bạn lượn qua một vòng ở chợ Côn Đảo thấy người ta bán lèo tèo vài khay ghẹ, thì có nghĩa đó là mùa thấp điểm, giá cả dĩ nhiên sẽ nhỉnh hơn mùa cao điểm. Còn thông thường, đi từ đầu chợ đến cuối chợ, du khách sẽ thấy con ghẹ có mặt khắp mọi nơi.
Ghẹ ở Côn Đảo đại đa số tươi sống nên nếu chế biến và xơi liền thì sẽ rất ngon. Ngoài ghẹ luộc, nếu có điều kiện về bếp núc, du khách có thể chế biến món lẩu ghẹ. Do con ghẹ còn tươi sống nên nó tạo ra một thứ nước lẩu ngọt ngào và đậm đà hương vị biển, khỏi cần nêm đường hay bột ngọt gì ráo.
Nếu có dịp đi du lịch Côn Đảo, bạn nhớ đừng bao giờ bỏ qua món ghẹ. Vì sao ư? Không phải vì nó ngon mà phải nói là… quá ngon!
Cua Mặt trăng Côn Đảo
Cua mặt trăng thường sống ở độ sâu 3 đến 4m ở các bãi đá san hô và có cả tại Côn Đảo. Thịt của loại cua này ăn rất ngon, vừa thơm lại săn chắc. Loại cua này có thể chế biến theo nhiều cách quen thuộc như: Luộc, Hấp, Xào me, …
Theo kinh nghiệm của ngư dân Côn Đảo, thịt cua mặt trăng ngon nhất vào tuần trăng mọc, trong khi những loài cua khác cứ đến tuần trăng thì thịt xốp và nhạt, nhiều nước, kém chất lượng. Cua mặt trăng quen sống ở các khe đá, trong các rạn san hô xung quanh những hòn đảo nhỏ. Để săn bắt cua mặt trăng, ngư dân phải lặn xuống biển vào ban đêm, trườn theo những rạn san hô. Cua mặt trăng di chuyển chậm, lại có những đốm tròn trên lưng giống như mặt trăng nên rất dễ bị phát hiện.
Thịt cua mặt trăng thơm, ngọt, săn chắc, giàu chất khoáng, chứa lượng lớn khoáng chất cần thiết cho cơ thể như kẽm, đồng, kali, sắt. Ngoài ra, thịt cua mặt trăng còn chứa chất béo, omega 3, canxi, là những dưỡng chất rất tốt cho tim mạch. Đặc biệt, lượng đạm trong thịt cua mặt trăng ở Côn Đảo vô cùng lớn, cao hơn hẳn các loại cua thông thường, có thể sánh ngang với cua huỳnh đế.
Cua mặt trăng thường được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như luộc, hấp, nướng, xào me, xào chua ngọt… Nhưng cách chế biến truyền thống mà ngư dân vùng biển Côn Đảo thường làm là hấp hoặc nướng với gia vị chấm là muối tiêu, chanh, ớt. Cách chế biến này đơn giản và dân dã, nhưng ai đã thưởng thức món ăn này một lần thì nhớ mãi không quên.
Ốc vú nàng Côn Đảo
Ốc vú nàng là một loại đặc sản biển quý hiếm, có hình chóp lệch, trên đỉnh có một cái núm nhỏ, vỏ ngoài màu đen xám, mặt trong lấp lánh xà cừ.
Thông thường mỗi con ốc vú nàng chỉ to bằng ba ngón tay người lớn, nhưng ốc vú nàng Côn Đảo có con to gần bằng bàn tay. Con ốc vú nàng càng lớn, vỏ có màu hồng càng đậm.
Theo các nhà nghiên cứu đa dạng sinh học, biển Côn Đảo đặc biệt thích hợp với sự phát triển của ốc vú nàng. Tại Côn Đảo, ốc vú nàng có quanh năm, nhưng chỉ xuất hiện nhiều vào những ngày trăng tròn.
Ốc vú nàng đều thơm ngon khi được luộc, nướng hoặc làm món trộn, làm gỏi. Món ốc vú nàng luộc được coi là món thông dụng nhất vì dễ làm. Với món này, ốc sau khi được rửa sạch, xếp vào nồi có ít nước hoặc chẳng cần cho nước rồi đặt lên bếp luộc chín. Theo người sành ăn, luộc ốc vú nàng không cần cho một chút nước nào bởi bản thân ốc vú nàng đã có khá nhiều nước. Trong khi luộc, đôi khi phải mở nồi, dùng đũa đảo ốc để cho thịt chín đều, sau đó vớt ra để nguội. Sau khi luộc chín, dùng mũi dao nhỏ nạy nhẹ lấy được thịt ốc ra khỏi vỏ, rửa sạch ốc rồi tưới thêm một lần nước sôi. Thịt ốc vú nàng từ màu trắng ngà chuyển sang màu vàng.
Đặc biệt, ốc vú nàng được mệnh danh là “thần dược tình yêu”, “viagra của biển cả”… bởi có thể giúp gắn kết tình cảm, phục hồi sức khỏe nhanh, tăng cường sinh lực và là một phương thuốc giã rượu vô cùng hữu hiệu.
Mực một nắng Côn Đảo
Thưởng thức mực một nắng Côn Đảo, du khách như cảm nhận vị mặn mòi từ nắng và gió biển, thấm sâu vào từng thớ thịt và lưu lại vị giác nơi biển trời và vùng hải đảo Côn Đảo.
Mực là một trong những món quà mà thiên nhiên ưu ái dành tặng cho vùng biển của nước ta. Trong số những “biến tấu” từ mực thì “mực một nắng” được người ta ưa chuộng nhiều hơn cả. Nói đến mực một nắng, ta nghĩ ngay về một vùng “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”.
Tại nơi đây, du khách chỉ cần một lần thưởng thức món mực tại không gian bao la thoáng đãng của miền biển, hẳn sẽ khắc ghi mãi về một chuyện đi đáng nhớ. Dấu ấn về món đặc sản vừa ngon, vừa bổ, lại đậm đà hương vị của biển cả biển khiến ai trở về cũng mong có một ngày quay trở lại…
Khác với những loại khô mực mà bạn thường biết, mực một nắng là loại mực nguyên chất được phơi qua đúng một lần nắng giòn. Những con mực được mang về, rửa cho giảm bớt nước biển rồi đem phơi. Nắng đúng “chuẩn” phải là nắng to, nắng càng nhiều thì mực càng ngon, và quan trọng là chỉ phơi đủ một nắng mà thôi!
Cá bò hòm Côn Đảo
Sở dĩ được gọi là “cá bò hòm” bởi vì hình dạng bên ngoài vuông vắn trong giống hòm gỗ, lớp da bên ngoài thì dày, nhám như da bò. Cá bò hòm rất hiếm vì chúng hay sống ở các vùng đầm, vịnh tại Côn Đảo và phải chờ đến mùa mới có, nhưng đến mùa thì lại không có với số lượng nhiều.
Ngoài tên “cá bò hòm” thì loài cá này còn được ưu ái cho cái tên : “gà nước mặn” vì thịt dai, ngọt như thịt gà. Trọng lượng của loại cá này cũng không lớn, chỉ dao động từ 0.3-2.5kg/con.
Cá bò hòm thịt trắng và dai ngon thường được khách ưa chuộng dành cho món nướng mọi hay nướng mỡ hành chấm cùng muối ớt xanh là ngon hết ý.
Tôm mũ ni Côn Đảo
Tôm mũ ni phân bố rải rác ở nhiều vùng biển Việt Nam nhưng Côn Đảo được đánh giá là một trong những nơi có loài tôm này ngon nhất. Lý giải về cái tên lạ này, nhiều ngư dân giải thích, do phần đầu của loại tôm đặc biệt này to và bè ra giống như chiếc mũ ni thường hay sử dụng để che tai nên nó được đặt tên là tôm mũ ni. Ngoài ra, loại tôm này còn được gọi là tôm vỗ bởi khi bắt lên, phần đuôi tôm thường xòe ra và đập vào thân rất mạnh, làm người cầm giật mình. Có nhiều loại tôm mũ ni và tất cả đều có thể ăn được, trong đó thường thấy sẽ là tôm mũ ni trắng và tôm mũ ni đỏ, hai loại có giá trị dinh dưỡng rất cao. Tôm mũ ni thường sống ở vùng nước cạn, nơi có rạn san hô phát triển, ở các vùng biển và đại dương ấm. Ban ngày, loài tôm này vùi mình xuống cát hoặc treo mình trên các vách đá, ẩn trong hang hốc. Đêm xuống, chúng mới đi kiếm ăn. Theo các ngư dân ở Côn Đảo, đây chính là thời điểm để đánh bắt.
Để thưởng thức tôm mũ ni ở Côn Đảo, cách lý tưởng nhất là thuê thuyền đi ra bè ngoài biển. Người dân Côn Đảo dùng bè nuôi hải sản để “tàng trữ” tôm mũ ni đánh bắt được. Lên bè, du khách có thể lựa chọn chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ. Cách khác là ra chợ Côn Đảo mua tôm mũ ni về và thưởng thức. Ở chợ Côn Đảo có đầy đủ các loại hải sản tươi sống với mức giá hợp lý. Nếu không muốn tốn thời gian và công sức chế biến, du khách cũng có thể thưởng thức món đặc sản này tại các nhà hàng chuyên về hải sản ở Côn Đảo, như: Nhà hàng Tri Kỷ, nhà hàng Thu Ba, nhà hàng Phương Hạnh…
Tôm mũ ni có thể chế biến thành rất nhiều món như: Nướng mọi, nướng ớt, nướng sa tế, hấp bia, nướng bơ tỏi, nướng phô mai… Trong đó, món hấp giúp thực khách thưởng thức được vị ngọt tự nhiên nhất của loại tôm này. Tuy nhiên, hấp dẫn nhất có lẽ là món tôm nướng mọi. Chỉ cần một lò than hoa, thực khách nhẩn nha đặt con tôm tươi rói lên vỉ, đợi tôm chín tỏa hương thơm lừng. Tách vỏ tôm ra, thịt bên trong trắng muốt, dai, giòn, chấm với muối tiêu chanh là ngon không tả hết.
Hiện tại, tôm mũ ni vẫn hoàn toàn được đánh bắt tự nhiên nên số lượng không nhiều. Chính vì số lượng có hạn mà loại tôm này luôn được du khách đến Côn Đảo săn tìm.