Các món ăn chế biến từ hải sản luôn hấp dẫn thực khách đến du lịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và Côn Đảo nói riêng. Đây còn là nguồn thực phẩm dồi dào dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dù vậy, hải sản cần được lựa chọn và chế biến, sử dụng đúng, để loại bỏ những nguy cơ gây dị ứng, ngộ độc, nhiễm ký sinh trùng có hại cho người dùng.
CÓ NÊN ĂN HẢI SẢN TÁI, SỐNG?
Hiện nay có khá nhiều món hải sản chế biến theo kiểu ăn sống hoặc tái như hào tái chanh, gỏi cá mú, gỏi cá ngừ, sushi…; đây đều là những món ăn ngon, lạ hấp dẫn thực khách. Dù vậy, các chuyên gia ATTP đều khuyên người tiêu dùng không nên ăn những thực phẩm này vì rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng gây hại cho sức khỏe. Ký sinh trùng thường có trong hải sản sống hoặc nấu chưa chín, bao gồm: giun tròn, sán dây, sán lá gan… Giun tròn, sống ký sinh trong ruột cá voi, hải cẩu. Trứng của loài ký sinh này theo phân cá voi, hải cẩu thải ra ngoài, trôi nổi dật dờ trên biển và bám vào các loại cá, mực nhỏ hơn như: Cá bơn, cá đá, cá hồi, cá ngừ, tôm… Sau đó, chúng phát triển thành ấu trùng. Các loại tôm, cá này lại là hải sản được ưa thích, vì vậy ăn sống dễ nhiễm giun. Ngoài ra, ăn cua, ốc, hào chưa được nấu chín kĩ, nhiều người đã bị các loại sán chui vào phổi, não, mật gây bệnh nguy hiểm tới tính mạng.
Theo bác sĩ Tiêu Văn Linh, hải sản mới chỉ chín tái thì nguy cơ mắc bệnh còn nguyên. Cũng không nên ăn hải sản đã chế biến từ lâu, mà chỉ ăn món ăn mới nấu chín, còn nóng sốt. Khi mua hải sản, không nên mua tôm, cua, sò, ốc, hến… đã chết. Bởi hải sản chết càng lâu, lượng histamin sinh ra càng nhiều, khi ăn vào càng dễ bị dị ứng, ngộ độc, rất nguy hiểm. Khi ăn hải sản ở quán, nên lựa chọn những quán hàng uy tín, bảo đảm ATVSTP. Nên đề nghị nhân viên quán chế biến lại nếu thấy món hải sản nướng, hấp chưa chín kỹ.
Để thưởng thức được những món tái, sống an toàn thì điều kiện chế biến, bảo quản và lựa chọn nguyên liệu phải được yêu cầu nghiêm ngặt. Nguyên liệu để làm món tái, sống phải bảo đảm tươi sống, được nuôi trồng, đánh bắt ở vùng nước không bị ô nhiễm và phải được chế biến, bảo quản tốt, giữ lạnh đủ lâu (cấp đông) trước khi ăn; có như vậy các ký sinh trùng, vi khuẩn có trong hải sản mới có thể bị tiêu diệt phần lớn. Tuy vậy, nấu chín vẫn là biện pháp an toàn nhất.
CẨN TRỌNG VỚI ĐỘC TỐ TỪ HẢI SẢN
Bên cạnh đó, một số loài hải sản mặc dù vẫn được sử dụng trong thực phẩm nhưng lại có chứa độc tố gây ngộ độc cho người ăn như cá nóc, sam lông. Một số vụ ngộ độc dẫn đến tử vong do ăn phải hải sản có chứa độc tố; nguyên nhân chính là do sự thiếu hiểu biết của người sử dụng.
Theo bác sĩ Tiêu Văn Linh, độc tố ở một số loại hải sản thì không thể loại bỏ bằng biện pháp đun sôi thông thường. Do đó, cách tốt nhất là tránh ăn các loại hải sản chứa độc tố như đã kể trên. Thực khách cũng không nên ăn hải sản ở vùng có thủy triều đỏ, bởi hải sản nơi này dễ nhiễm phải tảo độc và gây ngộ độc, nhất là nghêu, sò, trai, ngao… Biểu hiện ngộ độc là: đau quặn ruột, vã mồ hôi, tiêu chảy, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chân yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu; nếu nặng bị liệt toàn thân, da tím tái, thân nhiệt giảm, khó thở, liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong.
Ngoài ra, nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng cho người có cơ địa không hợp với chúng từ các loại tôm, cua, ghẹ, cá nhám, cá ngừ… Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng và thường xảy ra rất nhanh, chỉ sau khi ăn vài phút hay vài giờ. Nhẹ thì nổi mề đay khắp người, gây ngứa ngáy… Nặng thì ngoài nổi mề đay còn phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy… Có khi nguy kịch đến tính mạng do sốc phản vệ. Vì vậy, đối với một loại hải sản lạ, chưa từng ăn lần nào thì bạn phải rất thận trọng vì có thể sẽ bị ngộ độc hay dị ứng với nó. Do đó, bạn phải cẩn trọng, nên ăn thử một chút bữa đầu, nếu an toàn mới tiếp tục ăn. Nếu bạn đã bị dị ứng với một loại hải sản nào thì đừng bao giờ thử ăn lại món đó.
MINH THIÊN
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu