Nhà tù và Người tù thời Mỹ – Ngụy

Thời Mỹ – Ngụy tiếp tục chế độ lao tù của thực dân Pháp đã đổi tên gọi thành Hải đảo Côn Sơn. Ngày 22.10.1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập tỉnh Côn Sơn, một tỉnh ở trên một hòn đảo không có dân cư, chỉ có người tù và bộ máy trị tù.

Bộ máy cai trị tù nhân thời Mỹ – ngụy

Tháng 3-1955, thiếu tá A.Blanck bàn giao chức Giám đốc quần đảo và đề lao Côn Đảo cho Bạch Văn Bốn, thiếu tá quân đội Sài Gòn, chấm dứt gần một thế kỉ cai trị của thực dân Pháp. Nửa năm sau, Bạch Văn Bốn trở về Phân khu Đông, tham gia đàn áp các phe phái đối lập và phong trào cách mạng, chức Giám đốc nhà tù về tay Trần Văn Thiều, một viên chức hành chính. Trần Văn Thiều chỉ là giải pháp tạm thời. Theo xu hướng quân sự hóa bộ máy hành chính, ngày 6-5- 1956, ngụy quyền Sài Gòn đưa Đại úy bảo an Hồ Chí Thiền ra nhận chức Giám đốc quần đảo và đề lao Côn Đảo, kiêm chỉ huy trưởng liên đội bảo an.

Tháng 10-1956, ngụy quyền Sài Gòn phân chia lại lãnh thổ Nam Việt Nam, nâng cấp Hải đảo Côn Sơn thành tỉnh Côn Sơn (Sắc lệnh 147-NV ngày 24-10-1956). Thiếu tá Bạch Văn Bốn được cử làm Tỉnh trưởng đầu tiên của “tỉnh tù”. Tỉnh không có quận, huyện, phường, xã, không có các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, chỉ có tù nhân và bộ máy trị tù. Tỉnh trưởng kiêm Chỉ huy trưởng Tiểu khu quân sự. Quản đốc Trung tâm Huấn chính do đại úy bảo an Bùi Văn Năm đảm trách. Từ tháng 9 năm 1958, Tỉnh trưởng kiêm chức Quản đốc Trung tâm Huấn chính.

Tháng 4 năm 1965 ngụy quyền Sài Gòn ra sắc lệnh 75-NV, bãi bỏ tỉnh Côn Sơn, thiết lập trên quần đảo này một cơ sở hành chính trực thuộc Trung ương, đứng đầu là một sĩ quan quân đội ngụy với chức danh Đặc phái viên hành chánh kiêm Quản đốc trung tâm cải huấn Côn Sơn, chức danh này tồn tại đến ngày cáo chung của ngụy quyền Sài Gòn. Từ tháng 3-1955 đến tháng 4-1975, có 14 đời chúa đảo.

Tòa hành chánh tỉnh gồm: Văn phòng Tỉnh trưởng, Phòng Nội an, Phòng Hành chánh tổng quát, Phòng Bút toán. Nhiệm vụ của tòa Hành chánh là thảo các văn bản hành chánh, dự trù ngân sách, kế toán, kiểm soát lương bổng, vật liệu, văn phòng phẩm, hộ tịch, an ninh, quốc phòng trên quần đảo.

Tỉnh có các ty, sở và cơ sở trực thuộc như sau: Ty Ngân khô, Ty Thanh niên, Ty Tiểu học, Trường Trung học, Ty Thông tin, Ty Y tế, Ty Khí tượng, Ty Thủy vận, Ty Kiến thiết, Hạt Nông nghiệp, Nhà máy điện, Hợp tác xã tiêu thụ, Đài Vô tuyến điện, Phòng Viễn thông, Phi trường Cỏ Ống, Ty Công an, Tiểu khu Côn Sơn.

Thời Pháp, Côn Đảo chỉ có một tên cò (Commissaire de police) làm nhiệm vụ Cảnh sát tư pháp. Tháng 8-1958, Nha Cảnh sát và Công an Nam phần biệt phái 18 nhân viên công an ra giúp việc tại Trung tâm Huấn chính Côn Sơn. Tố chức Công an Côn Sơn lúc đầu gọi là Chi Công an, tháng 6-1960 nâng cấp thành Ty Công an, năm 1971 đổi lại thành Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Côn Sơn, Trưởng ty được gọi là Chỉ huy trưởng.

Dưới Chỉ huy trưởng có trưởng các phòng: Phòng cảnh sát đặc biệt, Phòng quản trị, Phòng tư pháp, Phòng kỳ thuật, Phòng an ninh cảnh lực, Phòng tâm lý chiến, Cuộc cảnh sát Bến Đầm, Cuộc cảnh sát Cỏ Ống. Nhân viên công an có 16 tên vào tháng 8-1958 đã tăng lên 70 tên vào năm 1971. Khi cần tăng cường lực lượng đàn áp, ngụy quyền Sài Gòn điều động Cảnh sát dã chiến thuộc biệt đoàn 222 từ Sài Gòn ra.

Việc phòng thủ Côn Đảo sau khi thực dân Pháp rút đi do Bảo an đoàn của ngụy quyền Sài Gòn đảm nhiệm, lúc đầu có một liên đội. Tháng 8-1957, quân số tăng lên một đại đội, 144 tên, có 4 sĩ quan. Năm 1960 lực lượng phòng thủ Côn Sơn có 2 đại đội, quân số 223 tên. Từ năm 1961, quân số trực thuộc Tiểu khu Côn Sơn lên đến một tiểu đoàn gồm Bộ chỉ huy tiểu đoàn 8 tên, một đại đội chỉ huy 60 tên và 3 đại đội chiến đấu, quân số mỗi đại đội là 164 tên. Khi cần tăng cường lực lượng phòng thủ hoặc làm áp lực với tù nhân, ngụy quyền Sài Gòn điều động lực lượng lính dù từ Sài Gòn.

Ngoài lực lượng của Tiểu khu Côn Sơn còn có một bộ phận gần 30 tên ở Đài kiểm báo (Đài 303) trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân ngụy đóng trên núi An Hải, 40 tên Mỹ và chư hầu hoạt động ở Đài LORAN Cỏ Ống trực thuộc Hải quản Mỹ, Đài LORAN làm nhiệm vụ liên lạc với căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Đài Kiểm báo kiểm soát toàn bộ hoạt động của tàu thuyền từ ngoài khơi vào Vùng 3, Vùng 4 Duyên Hải. Ngụy quyền chia Côn Đảo thành 3 khu vực phòng thủ:

– Chi khu A phòng thủ toàn bộ thị xã.

– Chi khu B phòng thủ từ Cỏ Ống đến Bảy Cạnh.

– Chi khu c phòng thủ từ Bến Đầm đến ông Đụng.

Mỗi chi khu có một đại đội. Riêng chi khu A có thêm Bộ chỉ huy tiểu đoàn và đại đội chỉ huy. Tiểu khu Côn Sơn trực thuộc Bộ tư lệnh quân khu 5 (đóng tại cần Thơ). Năm 1961, phong trào đấu tranh vũ trang phát triển mạnh, địch ráo riết phòng thủ Côn Đảo nhằm ngăn chặn cuộc tập kích từ hai hướng: hướng của Quân giải phóng miền Nam xuất phát từ cửa Đại Ngãi bằng ghe bầu và hướng của Hải quân Việt Nam từ Bắc vào, ngụy trang bằng ghe ngư phủ. Địch nhận xét: “Đối với Việt Cộng, Côn Sơn chưa phải là một mục tiêu quân sự, vì thế Việt Cộng không chiếm Côn Sơn làm căn cứ chiến lược hoặc dùng làm bàn đạp tấn công nội địa. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lý do thúc đẩy Việt Cộng đột kích Côn Sơn như: gây tiếng vang trên chính trường thế giới, gieo hoang mang trong đầu óc dân chúng miền Nam, trấn an tinh thần của cán bộ nằm vùng và giải thoát cho 5.000 can phạm”.

Vì lẽ đó, Tiểu khu Côn Sơn được chuyển thành chế độ Biệt khu trực thuộc Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ tư lệnh Hải quân ngụy đảm nhiệm tuần tiểu bảo vệ, liên đoàn dù được huy động ứng cứu Côn Đảo khi có sự biến. Ngày 15-11-1961, đại đội 3 thuộc tiểu đoàn 3, liên đoàn dù đã tiến hành tập trận nhảy dù tiếp ứng toạ độ XQ. 708.615 gần thị xã Côn Sơn.

Sau khi tiếp quản từ tay thực dân Pháp, ngụy quyền Sài Gòn đặt tất cả các đề lao và nhân viên giám thị trực thuộc Bộ Tư pháp (Sắc lệnh 111-NV ngày 21-8- 1956). Sau 2 vụ bạo dộng của tù nhân ở Chí hòa và Tân Hiệp (1956) phải sử dụng lực lượng an ninh quân đội đàn áp, chính quyền Diệm đã giao cho quân đội tiếp nhận các nhà lao cùng toàn bộ nhân viên. Tháng 11- 1958 ngụy quyền Sài Gòn đặt tất cả các nhà lao cùng toàn bộ nhân viên giám thị trở lại thuộc quyền quản trị của Bộ Nội vụ (Sắc lệnh 535-TP). Các nhà lao lúc đó được mang tên khá mị dân là Trung tâm huấn chính Ban đầu, Trung tâm huấn chính Côn Sơn được tổ chức theo hai cấp:

– Ban Quản đốc Trung tâm Huấn chính là bộ máy cai trị của ngụy quyền gồm Quản đốc, Ban hướng dẫn học tập và tác động tinh thần, Ban Giám thị và Ban khai thác.

– Ban chấp hành đoàn là tổ chức tự quản của tù nhân, gồm những người tù cam chịu làm tay sai cho địch. Dưới Ban chấp hành đoàn còn có Ban chấp hành toán ở mỗi phòng. Mỗi toán lại được chia thành nhiều nhóm, môi nhóm chia thành nhiều tổ dể quản lí đến từng người tù.

Năm 1960, ngụy quyền thành lập Trung tâm cải huấn Côn Sơn trực thuộc Nha tổng quản đốc các Trung tâm cải huấn với 2 trung tâm: Trung tâm cải huấn I giam tù câu lưu (không án) và Trung tâm cải huấn II giam tù án. Trung tâm cải huấn I do tên Phạm Sau, Trưởng đoàn cán bộ cải huấn của Nha Tổng Quản đốc các Trung tâm cải huấn biệt phái làm Trưởng trung tâm. Trưởng các trại là hạ sĩ quan quân đội và nhân viên công an biệt phái. Có thời gian, mỗi trại tù câu lưu chúng bố trí cả 3 tên làm đồng trưởng trại (quân đội, công an và cải huấn) để trực tiếp phụ trách các mặt: quản trị tù nhân, duy trì an ninh và cải tạo tư tưởng. Năm 1961, Phạm Sau bị cách chức. Trưởng trung tâm cải huấn I do một sĩ quan quân đội đảm trách.

Trung tâm cải huấn II do Nguyễn Văn Thà làm Giám thị trưởng, dưới quyền có 62 giám thị cải huấn (số liệu ngày 16-7-1963), trong đó có những tên khét tiếng ác ôn như Lê Văn Khương – Phó giám thị, Lê Văn Tốt – Trường ban an ninh trung tâm cải huấn II, Đỗ Văn Phục – Phó ban an ninh trung tâm cải huấn II…

Thực dân Pháp rút đi, để lại 3 trại giam chính: Lao I, Lao II, Lao III và nhiều lao phụ. Riêng Lao III có một lao chính, một lao phụ (Annexe du Bagne III), và 2 dãy biệt lập (Chuồng Cọp Pháp). Lao III chính được sửa chửa và sử dụng vào tháng 7-1959 mang tên Lao IV. Năm 1960, ngụy quyền đặt lại tên các lao: Lao I là Trại Cộng hòa, Lao II là Trại Nhân Vị, Lao III và Lao IV là Trại Bác Ái và chi nhánh Trại Bác Ái. Sau khi Ngô Đình Diệm đổ, các trại lại mang tên theo số hiệu: Trại I, Trại II, Trại III, Trại IV.

Trại V được xây dựng từ năm 1962, cùng một kiểu cấu trúc như như 4 trại trước. Trại VI, Trại VII và Trại VIII được Mỹ chi tiền, thiết kế và thầu xây cất. Ba trại này được xây dựng vào năm 1968, hòan thành cơ bản vào năm 1970-1971. Trại IX và Trại X đã được đố móng, đúc cột, xây vài bức tường rồi bỏ dở sau Hiệp định Paris 1973.

Ngoài các trại giam chính được xây dựng kiên cố, Côn Đảo còn có nhiều trại giam phụ, xây dựng tại các sở tù, nơi bóc lột lao động khổ sai của tù nhân. Trại giam phụ được xây dựng tương đối kiên cố ở các sở tù có công việc chuyên môn cố định như Sở Lưới, Công Xưởng, Nhà Đèn, Lò Than, Lò Vôi, Chuồng Bò. Một số cơ sở khác có trại dựng bằng gỗ lá như Sở ruộng Quang Trung, Sở rẫy An Hải, Sở Muối, Cỏ Ống, Bến Đầm.

Nhằm triệt để tận dụng lao động khổ sai của tù nhân, ngụy quyền Côn Đảo củng cố và mở rộng quy mô tất cả các sở tù, kể cả các sở mà thực dân Pháp đã bỏ hoang hóa từ lâu. Chúng còn mở thêm nhiều sở mới như Sở Chăn nuôi, Sở rẫy Đông Phong, Sơ rẫy Thiên Thu…

Số lượng và cơ cấu tù nhân

Trước năm 1957, Côn Đảo chỉ có một loại tù án tư pháp (hình sự) do thực dân Pháp bàn giao lại, tính đến ngày 26-12-1956, con số tù tư pháp còn lại là 674 người. Tháng 1-1957, ngụy quyền Sài Gòn chỉ thị cho các địa phương thanh lọc số tù chính trị ngoan cố nhất đưa ra an trí tại Côn Đảo. Phần lớn tù chính trị trong thời kì I này là tù không có án tiết, dược gọi là tù chính trị câu 1 lưu (câu thúc, giam giữ, lưu giữ). Tháng 12-1959, số tù câu lưu tăng lên mức cao nhất là 4.061 rồi giảm dần từ 1 năm 1960 do chuyển về đất liền và trả tự do, đến tháng 7-1963 chỉ còn lại 519 người.

Trong khi đó thì tù án ngày càng tăng lên, nhất là án chính trị cộng sản. Cuối năm 1960, số lượng tù án là 2.415 người. Tháng 7-1963, số tù án hiện hữu tại Trung tâm Cải huấn II là 3355 người. Con số tù nhân thời chống Mỹ lên cao nhất (trong khoảng 1969-1972) xấp xỉ 10.000 người. Vào tháng 7-1972, Côn Đảo có 9.667 tù nhân, trong đó, tù án: 4237 (4 nữ); câu lưu: 2.924 (313 nữ); nghi can: 1226. Số nghi can (1.226) phần đông là thường dân ở Quảng Trị-Thừa Thiên vừa bị dịch bắt trong các cuộc hành quân mùa hè năm 1972. Ngoài ra có 53 trẻ em từ 1 đến 9 tháng tuổi bị bắt theo mẹ.

Năm 1973, con số tù nhân Côn Đảo có biến động lớn, do việc trao trả tù nhân theo Hiệp định Paris. Trong số 5.081 nhân viên dân sự toàn miền Nam được trao trả, có 4.075 người ở nhà tù Côn Đảo. Sau đợt trao trả, số tù nhân Côn Đảo tiếp tục tăng lên do tiếp nhận từ các nhà lao trong đất liền. Trước ngày hòan toàn giải phóng (30-4-1975), Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó 4.234 là tù chính trị (có 494 phụ nữ) và 3.214 là tù thường phạm, quân phạm các loại.

Tù nhân, trước hết được phân loại theo án tiết, thành tù có án và tù không án (câu lưu). Tù có án còn được phân theo loại án (án tù giam, án khổ sai hữu hạn, khổ sai chung thân, tử hình) và phân theo màu sắc chính trị (Chính trị cộng sản, Chính trị quốc gia, Thường án, Quân phạm thường án, Quân phạm chính trị). Những đặc điểm phân loại được cụ thể hóa bằng màu sắc, kí hiệu, số hiệu ghi trên thẻ bài của mỗi tù nhân để chúng dễ kiểm soát. Có 5 loại thẻ bài tương ứng với 5 loại án tù:

– Vàng ròng là thường án.

– Xanh vàng là quân phạm thường án.

– Xanh đỏ là quân phạm chính trị.

– Vàng đỏ là chính trị quốc gia.

– Đỏ ròng là chính trị cộng sản.

Có thời địch đã làm thẻ bài cho tù chính trị câu lưu, mang ký hiệu H.c. Tuy nhiên, tù chính trị câu lưu đấu tranh chống mang thẻ bài rất quyết liệt.

Sự phân biệt giữa tù án và tù câu lưu chỉ là tương đôi. Tù câu lưu theo luật, bị câu lưu tối đa là 2 năm, song chúng có thể gia tăng nhiều lần đến vô thời hạn chẳng khác gì một án chung thân, đày ải và đánh đập đến chết như một án tử hình hoặc bị truy tố ra tòa vì bất cứ tội gì mà chúng muôn gán ghép. Tù án cũng có thể bị câu lưu ngay khi mãn án.

Vấn đề khí tiết của người tù dưới thời Mỹ ngụy bao giờ cũng hệ trọng hơn án tiết. Người mang án tử hình vẫn có thể giảm xuống chung thân, dưới mức chung thân và trả tự do trước mỗi biến động chính trị. Ngược lại đã có nhiều người bị câu lưu cho đến chết, hàng ngàn người bị câu lưu suốt đời nếu không có ngày giải phóng mùa xuân năm 1975 vì họ chống ly khai, chống chào cờ, chống nội quy nhà tù, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

Trong hồ sơ, báo cáo của nhà tù, mỗi thời kì đều có những cách khác nhau để phân loại tù nhân, song phân loại theo “hạnh kiểm” là cơ bản nhất (chống đối hay chấp hành nội quy).

Thủ đoạn cai trị tù nhân

Tiếp tục thủ đoạn và các cơ sở lao động khổ sai do thực dân Pháp để lại, ngụy quyền Côn Đảo ra sức bóc lột tù nhân, phục vụ bộ máy trị tù, lấy tù nuôi tù, xây dựng trại giam, làm đường sá, sân bay và các công trình quân sự. Qua các bản phúc trình của Quản đốc nhà tù, có thể thấy được âm mưu của địch bắt tù nhân ngày phải lao động cật lực, tối phải học tố cộng để không còn thời gian và sức lực để tổ chức và đấu tranh.

Tuy nhiên, chế độ khổ sai ở bất cứ nơi nào cũng dễ chịu hơn là cấm cố. Âm mưu sâu xa của địch trong việc bóc lột khổ sai thời Mỹ – ngụy nhằm phân hóa tù nhân. Những tên quản đốc lọc lõi như Nguyễn Văn Vệ, Cao Minh Tiếp, trong lúc đàn áp và đày ải những người chống đối ở các trại cấm cố đến vô hạn độ thì chúng lại nới rộng chế độ khổ sai (cho hưởng hoa lợi 40%, có lúc đến 60% rồi 100%) để lôi kéo tù nhân từ bỏ mục tiêu đấu tranh chính trị.

Theo bài bản của Mỹ, Trung tâm Cải huấn Côn Sơn tổ chức hướng nghiệp một số ngành nghề, song thực chất chỉ là thủ đoạn lừa mị, bóc lột và phân hóa tù nhân. Số người được chọn hướng nghiệp phải có “hạnh kiểm tốt” hoặc là những đối tượng chúng đang tập trung chiêu dụ theo mục tiêu của chế độ cải huấn.

Thực chất của chế độ cải huấn là tiến hành tố cộng trong tù. Có thể nói đây là thủ đoạn nguy hiểm nhất, đồng thời cũng là mục đích cao nhất của Mỹ – ngụy đối với tù nhân Côn Đảo. Từ năm 1957 đến năm 1963, đối với tù chính trị câu lưu, bọn chúa ngục Côn Đảo tiến hành đồng thời hai bước:

– Cưỡng bức ly khai cộng sản, từng bước thanh lọc số tù chính trị ngoan cố để có những biện pháp đàn áp ngày càng khốc liệt hơn.

– Tổ chức học tố cộng triền miên, nhằm cải tạo tư tưởng, triệt hạ khí tiết, biến những người tù chính trị thành kẻ phản bội, làm tay sai cho chúng.

Từ năm 1960, tù án chính trị cũng buộc phải học tố cộng buổi tối, sau ngày lao động khổ sai. Từ khi chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm sụp đổ, ngụy quyền Sài Gòn mới bỏ học tố cộng trong tù, chuyển sang hình thức tâm lý chiến tinh vi.

Chào cờ vừa là nội quy bắt buộc của nhà tù, vừa là một biện pháp trong thủ đoạn tố cộng. Khi chào cờ, chúng buộc tù nhân phải hô hai khẩu hiệu phản động: “ủng hộ Ngô Tổng thống”, “Đả đảo Hồ Chí Minh”, sau khi Ngô Đình Diệm đổ thì đổi là “ủng hộ Việt Nam Cộng hòa”, “Đả đảo cộng sản xâm lược” nhằm hạ nhục và bôi dấu vết phản động lên phẩm chất những người tù chính trị. Bằng thủ đoạn này, ngụy quyền hi vọng sẽ triệt hạ sinh mạng chính trị của người tù, để khi trả tự do, họ không thể trở lại đội ngũ chiến đấu được nữa.

Những người tù chính trị từng chống li khai, chống chào cờ mà không chịu được gian khổ, ác liệt, phải chịu điều kiện, bị chúng hạ nhục bằng cách bắt kí giấy li khai, bôi nhọ cộng sản, hoặc bắt tập hợp biểu tình, hô những khẩu hiệu phản động.

Những người tham gia các tổ chức trong tù bị bể bạc, không chịu được đòn, đã khai báo bị chúng truy bức đến cùng, buộc phải khai lại hồ sơ, khai báo từ đầu toàn bộ tổ chức trong tù, tổ chức bên ngoài, buộc phải phản tỉnh bằng cách vạch ra những phương án giúp chúng đánh phá hữu hiệu các tổ chức cách mạng.

Từ năm 1968, dược sự chỉ đạo trực tiếp của cố vấn Mỹ, ngụy quyền Côn Đảo tiến hành các thủ đoạn tâm lí chiến, điển hình là “Chương trình tâm lý chiến thí điểm Côn Sơn” (1968-1972). Đây cũng là thời kỳ chúng sử dụng những tên sĩ quan tình báo học ở Mĩ, Đài Loan về làm chúa đảo.

Đối với những tù nhân chống ly khai, lúc đầu, ngụy quyền dùng thủ đoạn phổ biến là xiết bóp đời sống (nhốt chật, cấm cố, đóng cửa cây, bớt cơm, cúp nước tắm, bớt nước uống, bệnh đau không thuốc chữa trị) nhằm đẩy người tù đến chỗ suy kiệt dinh dưỡng, mòn mỏi tinh thần, chịu đựng không nổi, phải chịu ly khai.

Từ năm 1959 trở đi, chúng còn cho công an, trật tự tra tấn, khủng bố bằng những ngón đòn tàn bạo, truy bức trường kì cả thế xác lẫn tinh thần, về chế độ ăn uống, đặc biệt là tù chính trị ở các lao cấm cố, có thế dẫn ra đây một đoạn trong Luận án Tiến sĩ y khoa của bác sĩ Nguyễn Minh Triết mang tên Nhận xét về bệnh lý tại một nhà lao:

“Thức ăn chính (của tù nhân) gồm:

– Gạo: xấu, lẫn nhiều tấm, thóc, sạn.

– Khô: thường là khô củ, mục đắng, gọi là khô kyninh.

– Mắm sặc: tương đối được ưa chuộng.

– Cá hộp: nội hóa, có khi bị hư, 5 người một hộp trong mỗi bữa ăn, nhưng không phải là 5 món mà chỉ là gạo với một trong 5 thứ ấy.

– Cá tươi: hiếm, gần đây có một tàu đánh cá, lâu lâu cung cấp cho tù nhân một số cá Xà, cá Mập, gây nhiều bệnh biến chứng, đặc biệt là bệnh suyễn, nhưng tàu lại hay bị nằm ụ.

– Thịt: thật là hiếm, kể từ tháng 7-1968 đến tháng 11-1971 (40 tháng) được ăn thịt có 6 lần.

– Rau: ít ỏi, chính là rau muống bón bằng phân người tươi, ở các lao cấm cố, trước đây không được ăn rau, và chuyện bứt cỏ (cỏ thỏ, sam đất, mần trầu) hay lá cây (lá bàng, lá phượng) để ăn là chuyện bình thường.

– Cầu tiêu: trong góc khám, lúc nhúc dòỉ. Trại nữ trước đây ở biệt lập I và II, đi cầu vào thùng cây, đầy lại đổ ra các hố lộ thiên, ruồi nhặng khủng khiếp. Muỗi rất nhiều”.

Ngoài việc đánh đập, tra tấn, hành hạ tại trại giam, tại nơi làm khố sai hay ở Ban chuyên môn với những ngón đòn hiểm độc gấp nhiều lần thời Pháp, Mỹ ngụy còn tổ chức những chiến dịch lớn, đưa lực lượng chống cộng sừng sỏ và cảnh sát dã chiến ở Sài Gòn ra, sử dụng lựu đạn cay và các phương tiện chống bạo động để đàn áp tù nhân khi cần thiết.

Việc phân loại tù nhân, áp dụng các chế độ giam giữ, chế độ kỷ luật, cưỡng bức khổ sai, đàn áp và khủng bố nhằm mục đích đày đọa, làm kiệt quệ về thể xác, mòn mỏi về tinh thần triệt hạ khí tiết cách mạng, biến người tù chính trị thành kẻ phản bội, trở thành tay sai cho chúng. Không làm được như vậy, chúng đánh đập, đày ải đến tàn phế, để khi mãn hạn tù, họ sẽ thành kẻ tật nguyền, không còn khả năng hoạt động.

Kế thừa kinh nghiệm của thực dân Pháp, ngụy quyền Sài Gòn đã đưa thủ đoạn “dùng tù trị tù” lên một trình độ mới, tinh vi và thâm hiểm vượt xa quan thầy. Thủ đoạn phổ biến của chúng là dùng tù thường phạm, tù giáo phái, tù quân phạm lưu manh làm trật tự, an ninh để đàn áp tù chính trị. Địch đặc biệt chú ý đến những phần tử đầu hàng, phản bội. Bọn này hầu như đã mất hết nhân tính, chúng lấy việc đánh giết tù nhân làm trò tiêu khiển và để tiến thân.

Bọn trật tự được tổ chức thành “Hệ thống nổi”. Bên cạnh đó có mạng lưới an ninh được tố chức thành “Hệ thống chìm”, theo mô hình từ Trung tâm đến trại, phòng, toán, tố. Ngoài hai loại trật tự an ninh nói trên, địch còn tổ chức những toán trật tự bãi để kiểm soát tù vượt ngục, trật tự lưu động để kiểm soát các toán tù làm khổ sai, trật tự an ninh tăng phái, tăng cường không chế tù nhân ở những “điểm nóng”.

Năm 1960, Ban an ninh được đổi thành Ban điều tra, trực thuộc từng trung tâm, ít lâu sau đổi lại là Ban an ninh. Tháng 9-1963, Lê Văn Khương được đề bạt chức Phó giám thị phụ trách an ninh Trung tâm cải huấn II, Khương đổi thành Ban an ninh nội trại. Thiếu tá Nguyễn Văn Sáu là Tỉnh trưởng kiêm Quản đốc trung tâm cải huấn. Sáu vốn là sĩ quan Cao Đài theo Diệm, biết “trở cờ” đúng lúc nên sau đảo chính (1-11-1963) vẫn không mất chức. Sáu có thái độ hòa hoãn với tù nhân, chấp nhận việc tù chính trị câu lưu chống chào cờ, học chống tố cộng. Lê Văn Khương vào phe đối lập, tố cáo thiếu tá Sáu về tận Sài Gòn.

Nguyễn Văn Sáu đổ (6-1964), Tăng Tư lên thay. Nhờ thành tích đàn áp tù nhân và góp phần hạ bệ Nguyễn Văn Sáu, Lê Văn Khương được tin dùng. Theo đề nghị của Khương, Tăng Tư thống nhất tổ chức trật tự trung tâm cải huấn I và trung tâm cải huấn II thành Phòng chuyên môn, do thiếu úy Nguyễn Văn Diệp, nguyên là Trưởng ban an ninh Trung tâm cải huấn I làm Trưởng phòng. Lê Văn Khương là đệ nhất Phó phòng đặc trách Hệ thống chìm (mật báo). Giám thị Nguyễn Văn Đàng là đệ nhị Phó phòng, đặc trách Hệ thống nổi (trật tự). Giám thị Phạm Văn Long làm Trưởng Ban Hoạt vụ, đặc trách về điều tra khai thác.

Do mâu thuẫn với thiếu úy Diệp, đầu năm 1965, Lê Văn Khương xin đổi về Phòng nội an (tòa hành chánh). Giữa năm 1965, Diệp đề cử thiếu úy Nguyễn Văn Dũng thay thế, trước khi đổi về đất liền. Phòng chuyên môn lúc ấy quyền hành trùm cả Trung tâm cải huấn, lấn át Phó quản đốc, Phó tỉnh trường phụ trách Nội an.

Cùng thời gian đó, Tăng Tư mất chức, Nguyễn Thế Tỵ giữ quyền Tỉnh trưởng. Đại úy Trần Hữu khỏe giải tán Phòng chuyên môn, lập lại Ban chuyên môn và Ban an ninh. Lê Văn Khương được cử làm Trưởng ban chuyên môn. Phụ tá cho Khương có giám thị Phạm Văn Long đặc trách về SƯU tra, Trần Minh Tâm, đặc trách về thư tín. Ban chuyên môn đảm nhiệm hệ thống chìm, lo việc khai thác, SƯU tra, nắm vững nhân số, xây dựng tình báo, mật báo trong nội bộ tù nhân, kiểm duyệt thư tín, thu thập tin tức. Ban an ninh do giám thị Nguyễn Văn Tốt làm Trưởng ban cùng hai phụ tá là Lục Văn Keo và Nguyễn Văn Tý. Ban an ninh có nhiệm vụ canh gác tất cả các chòi bãi, ruộng rẫy, cửa rừng, đề phòng tù vượt ngục.

Cuối năm 1965, thiếu tá Nguyễn Văn Vệ ra làm chúa đảo. Vệ đặc biệt tin dùng Khương, giao cho Khương trọn quyền sắp xếp bộ máy an ninh trật tự. Lê Văn Khương sinh năm 1929 tại Long Xuyên, có biệt tài về tổ chức, có năng lực chỉ huy, giỏi nghề tình báo, hám danh, chống cộng triệt để. Bộ máy mật vụ do Khương tuyển chọn và huấn luyện thật sự là những con thú dữ say máu, cắn xé đồng loại không biết ghê rợn, gây nhiều tội ác đẫm máu với tù nhân Côn Đảo.

Bộ máy an ninh trật tự là công cụ chủ yếu để quản trị và đàn áp tù nhân. Đây cũng là dấu ấn đậm nét nhất trong thủ đoạn dùng tù trị tù của Mỹ – ngụy.

Khác hẳn thời Pháp, người tù chính trị thời Mỹ ngụy không bao giờ được yên phận tù. Bóc lột khổ sai, cấm cố, đày ải, khủng bố với mức độ tàn bạo vượt xa thực dân Pháp, nhưng việc hành xác và giết hại người tù vẫn chưa phải mục đích cuối cùng của chúng. Tất cả các thủ đoạn tinh vi, thâm độc và tàn bạo nhất của Mỹ – ngụy đều nhằm tiêu diệt sinh mạng chính trị người tù, vô hiệu hóa cán bộ cộng sản.

Phương châm của Mỹ – ngụy là “muốn giữ tù yên thì không bao giờ để cho tù được yên”. Đã cưỡng bức được họ ly khai cộng sản thì phải tiếp tục bắt học tố cộng, chào cờ “quốc gia” hô khẩu hiệu phản động, ký kiến nghị ủng hộ Ngô Đình Diệm, đả đảo Hồ Chí Minh, nhằm gột rửa tư tưởng cộng sản, biến người cách mạng thành kẻ phản bội lý tưởng của mình, phản bội tổ chức và lãnh tụ mình, làm tha hóa phẩm chất, nhân cách đến mức có được trả tự do cũng không thể dung nạp vào đội ngũ chiến đấu được nữa.

Cuộc đấu tranh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thời Mỹ – ngụy trước khi có Hiệp định Paris (27-1-1973) đã diễn ra vô cùng quyết liệt và có sự phân biệt rõ nét của 2 thời kỳ: chống tố cộng, diệt cộng rất cực đoan theo kiểu Ngô Đình Diệm và chống các thủ đoạn tâm lý chiến, chiêu hồi thời kỳ sau Ngô Đình Diệm với sự gia tăng của cố vấn Mỹ, viện trợ Mỹ phương thức quản trị tù nhân và phương tiện đàn áp kiểu Mỹ.

Rate this post

Để lại một bình luận