Nhà tù Côn Đảo từ Chiến tranh Thế giới Thứ II (1939) đến Cách mạng Tháng Tám (1945)

Theo dòng lịch sử, đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8/8/1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp lăm le dựa vào phe Đồng minh hòng khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương; những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật đang âm mưu thay thầy đổi chủ, chống lại cách mạng nước ta.

Chống khủng bố trắng

Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Ngày 3-9-1939 Anh, Pháp tuyên chiến với Đức, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Bọn cầm quyền Đông Dương lập tức tước bỏ tất cả các quyền tự do dân chủ, đóng cửa các báo chí tiến bộ, mở các cuộc vây ráp, bắt bớ hàng trăm cán bộ đảng viên hoạt động bí mật và công khai của Đảng. Chúng mở các tòa án quân sự để xử những người cách mạng và lập thêm nhiều trại tập trung mới như Bá Vân, Bắc Mê, Nghĩa Lộ ở miền Bắc; Đắc Lây, Đắc Tô, Trà Kê ở miền Trung và Tài Lài, Bà Rá ở miền Đông Nam Bộ để đàn áp phong trào cách mạng.

Bọn chúa ngục Côn Đảo tước bỏ các quyền lợi mà tù nhân đã đấu tranh giành được. Chúng cấm đọc sách báo, cấm hội họp, bớt khẩu phần ăn hàng ngày… Giữa năm 1940, thực dân Pháp đày nhiều tù chính trị vừa bị bắt ra Côn Đảo. Không khí khủng bố ngày càng nặng nề. Những người tù “cứng đầu” ở Banh I bị tập trung về khám Vagông (Wagon: goòng) chuyên san cồn cát, lấp ao hồ dưới ngọn roi của những tên gác ngục thuộc loại gian ác như Tút tu (Toustou), Sốtxiđie (Chaussidière). Mỗi lần tàu chở hàng ra đảo là khám Vagông bị điều đi dọn tàu. Khám Vagông thành một nơi đày đọa khủng khiếp và là một khám đi đầu trong phong trào đấu tranh trong thời kỳ này.

Khám Vagông có khoảng 100 tù nhân thì có đến 70 tù thường phạm loại “anh chị”. Khoảng 30 tù chính trị còn lại thì quá nửa là Quốc dân đảng, anh em tù cộng sản chỉ có hơn 10 người. Nhờ quá trình hoạt động trong nhiều năm, Chi bộ đặc biệt dã giáo dục, cảm hóa được nhiều người tù thường phạm và một số đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng cho nên đã hình thành được sự hợp tác cần thiết làm chỗ dựa cho Hội tù nhân.

Hội tù nhân tổ chức ra Ban trật tự, Ban trật tự ngoài1, Ban học tập, Ban vệ sinh, Ban cứu tế… Tô Thúc Rịch, đại diện cho anh em tù cộng sản và Thanh Giang, đại diện cho anh em tù Quốc dân đảng ở khám Vagông thường gặp gỡ thảo luận với nhau về hình thức, phương pháp, mức độ đấu tranh và chỉ dạo chung trong khám. Ban trật tự lo bố trí công việc cho phù hợp với sức khỏe từng người, quy định mức độ làm việc sao cho vừa sức tù nhân và cùng với Ban trật tự ngoài đấu tranh với gác dang, ma tà, không để chúng hạch sách, đánh đập tù nhân.

Ban học tập tổ chức cho tù nhân học tập, xóa nạn mù chừ cho tù thường phạm và tổ chức học thêm các môn văn hóa, ngoại ngữ cho tất cả tù nhân trong khám. Đồng chí Tô Thúc Rịch truyền đạt lại chương trình lý luận Mác-lênin mà đồng chí đã được học tại Côn Đảo trong những năm trước đó cho cán bộ đảng viên và những quần chúng cảm tình. Đồng chí Lang Kiều sau nhiều năm nghiên cứu và chữa bệnh bằng thuốc Nam cho tù nhân đã nhờ anh em ghi chép lại nhiều bài thuốc hay và gửi về đất liền qua đường dây bí mật để trị bệnh cho đồng chí, đồng bào.

Ban vệ sinh lo việc giữ gìn vệ sinh trong khám và phổ biến kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho anh em. Ban cứu tế chăm sóc những người yếu đau, bệnh tật và giúp đờ những người có khó khăn. Tù nhân mới ra đảo đều được Ban cứu tế chăm sóc, thường nhận được khi thì một cái nón (mũ), một cuộn chỉ, có khi cả một bộ quần áo tù. Sau một thời gian thử thách, tù nhân được nghiên cứu chương trình, điều lệ của Hội tù nhân. Ai thừa nhận và tích cực hoạt động theo chương trình điều lệ sẽ được kết nạp vào hội. Tất cả các khám có tù cộng sản đều được tổ chức như vậy. Nhà bếp, Sở tẩy vẫn là trung tâm liên lạc và cứu tế cửa cả banh, thông qua đó mà chi bộ nắm tình hình và chỉ đạo hoạt động của các khám tù.

Bọn chúa ngục đánh tù nhiều hơn và tăng cường hình phạt. Chúng thiết lập chế độ “trị an” ở Banh III để khủng bố những người đứng đầu các cuộc đấu tranh. Banh III có 12 khám, được xây thành 3 dãy song song với nhau, mỗi dãy có 4 khám. Khám trị an (San de Sécurité) là các khám 5-6-7-8 có cùm đóng xuống sàn. Đó là khu cấm cố biệt lập dành cho những người tù thuộc loại “bất trị”, dưới sự giám sát của những tên gác dang hung ác. Nhiều đảng viên cộng sản đang lãnh đạo các kíp tù khổ sai đã bị đưa vào khám trị an. Họ bị tước hết sách vở và đồ dùng cá nhân, mỗi người chỉ còn một bộ quần áo mặc trên người. Suốt ngày họ bị cấm cố ở trong khám, đều bị còng cả hai chân.

Cuối năm 1939, gần chục người tù cộng sản trong khám trị an đã tuyệt thực để phản đối chế độ “trị an”, đòi trả lại quần áo, sách vở và đòi có đèn ban đêm trong khám. Mới tuyệt thực được một bữa thì xếp Banh III cho đem trả quần áo và đồ dùng cá nhân. Anh em tạm kết thúc cuộc đấu tranh vì lực lượng còn rất mỏng và đang bị cấm cố biệt lập. Ít lâu sau, 12 người tù còn lại trong khám trị an đã đấu tranh quyết liệt đòi có đèn ban đêm, đòi được đọc sách, được viết thư, đòi bãi bỏ cùm và bãi bỏ chế độ “trị an”. Cuộc tuyệt thực kéo dài đến ngày thứ 7, nhiều người hấp hối.

Quản đốc Buviê phải cho đưa hai người đi Nhà Thương cấp cứu và tiêm thuốc hồi sức, bơm sữa vào hậu môn những người còn lại. Ngày thứ 8, Buviê nhượng bộ, cho tháo cùm, anh em mới kết thúc cuộc đấu tranh. Những người tù ở khám trị an không còn bị cùm xiềng như trước. Hằng ngày họ được ra khỏi khám làm việc ở kíp may quần áo trong Banh III..Tháng 10 năm 1940, Buviê trả tất cả tù nhân khám trị an về kíp Chỉ Tồn Banh I.

Khi được tin Liên Xô ký hiệp ước không xâm phạm với phát xít Đức (23-8-1939), một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra trong chi bộ. Có người cho rằng Liên Xô ký hiệp ước đó là đúng. Những người không tán thành như vậy thì bi quan, cho rằng Liên Xô thỏa hiệp với bọn phát xít. Vì không đủ cơ sở để nhận định nên cuộc thảo luận kéo dài, nhiều người băn khoăn lo lắng cho Liên Xô. Sau cùng, chi bộ thống nhất nhận định rằng Liên Xô là thành trì của cách mạng thế giới, việc ký hiệp ước Xô – Đức là cần thiết để tránh tổn thất cho cách mạng, để có thời gian củng cố, xây dựng lực lượng…

Nhận định của chi bộ đã giải quyết một cách cơ bản tư tưởng cho cán bộ đảng viên, nhưng phải đến khi phát xít Đức bội ước tấn công Liên Xô thì mọi người mới thật sự nhất trí với nhận định của chi bộ.

Ngày 22-6-1940, Chính phủ Pêtanh (Pétain) đầu hàng phát xít Đức, để cho quân đội Đức chiếm đóng nước Pháp. Quản đốc Buviê ra lệnh xiềng toàn bộ khám tù cộng sản (khám 6 Banh I). Chi bộ đặc biệt phát động ngay một cuộc đấu tranh trong khám 6 đòi tháo xiềng, đòi ăn rau, ăn thịt đúng khẩu phần quy định. Chi ủy đề xuất một hình thức quyết liệt là nhịn ăn và nhịn uống để chặn đứng sự khủng bố của kẻ thù.

Cuộc đấu tranh kéo dài 3 ngày rưỡi thì phải ngừng lại. Nhịn ăn và nhịn uống cùng một lúc là một hình thức đấu tranh quá cao, nhất là khi kẻ thù đang đi vào con đường phát xít hóa, trong khi đó ta lại chưa tranh thủ được sự đồng tình và ủng bộ rộng rãi. Rút kinh nghiệm cuộc tuyệt thực này, chi bộ thận trọng hơn mỗi khi đưa ra khẩu hiệu tranh đấu. Các hoạt động của chi bộ cũng bí mật hơn.

Lấy lý do chiến tranh, Quản đốc Buviê cứ tăng dần từng mức khổ sai và bớt dần khẩu phần ăn của tù nhân. Trong tình hình không thuận lợi, chi bộ chủ trương về phương châm đấu tranh trong lúc này là duy trì các quyền lợi mà tù nhân đã giành được trong những năm trước đây bằng một thái độ ôn hòa hơn. Hình thức đấu tranh phổ biến trong thời kỳ này là lãn công, duy trì mức khổ sai như trước. Chi bộ hết sức chú ý theo dõi tình hình ở trong nước và tình hình thế giới để có chủ trương thích ứng kịp thời.

Mùa thu năm 1940, kíp dọn tàu nhận được tài liệu của Xứ ủy Nam Kỳ gửi ra, trong đó có bản Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 về vấn đề giải phóng dân tộc. Chi bộ đặc biệt đã tổ chức học tập ngay bản nghị quyết quan trọng này. Những vấn đề về tình hình thế giới, tình hình trong nước, những điều kiện khách quan và chủ quan để nổ ra vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền được thảo luận rất sôi nổi.

Các vấn đề thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, vấn đề sách lược phân hóa kẻ thù, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù nguy hiểm nhất là đế quốc và tay sai… cũng được thảo luận kỹ và đi đến nhất trì. Chi bộ còn dự kiến tình hình trên đảo, thảo luận sách lược đấu tranh với bọn gác ngục và phương châm hành động mới, khi tình thế cách mạng trực tiếp nổ ra ở Đông Dương.

Lợi dụng sự suy yếu của thực dân Pháp, ngày 22-9-1940, quân Nhật từ Trung Quốc đánh vào Lạng Sơn. Quân Pháp sau vài trận đụng độ đã bỏ chạy tháo thân. Bọn phản động thuộc địa đầu hàng, quỳ gối dâng Đông Dương cho phát xít Nhật. Trong lúc quân Pháp tan rã tháo chạy, đảng bộ và nhân dân Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã cướp vũ khí của địch, vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ Bắc Sơn. Thực dân Pháp sau khi đầu hàng phát xít Nhật đã quay lại đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Hội nghị Trung ương lần thứ 7 từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940 tại Đình Bảng (Bắc Ninh) đã nhận định tình hình: “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập”1.

Trong khi đó, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương phát động nhân dân võ trang khởi nghĩa. Mặc dù Trung ương đã quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nhưng khi đồng chí Phan Đăng Lưu mang chỉ thị của Trung ương về đến Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy đã phát đi khắp nơi.

Đêm 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ làm rung chuyển nhiều vùng nông thôn Nam Kỳ. Tin tức về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ làm cho những người cộng sản đang bị đày ở Côn Đảo vô cùng hồi hộp và lo lắng theo dõi. Thực dân Pháp đã dìm cuộc khởi nghĩa trong bể máu. Bọn chúa ngục Côn Đảo cũng bắt đầu một thời kỳ đàn áp man rợ đối với tù nhân.

Đầu năm 1941, thực dân Pháp đày lớp tù bị bắt trong Nam Kỳ khởi nghĩa ra Côn Đảo. Banh I, Banh II và Banh III đều nhốt chật tù. Mỗi khám trước đây giam nhiều nhất từ 80 đến 120 người, nay chúng tăng lên 150 đến 180 người, tù nhân phải nằm nghiêng sắp lớp chen chúc nhau trên sàn khám.

Vẫn chưa hết, ở Banh II bọn chúa ngục còn cho dựng sạp gỗ để giam hai tầng tù nhân trong một khám. Con số tù nhân ở Côn Đảo tăng vọt lên cao nhất trong suốt 80 năm qua kể từ khi có nhà tù1. Nhiều tên gác ngục hung ác được phái trở lại Côn Đảo chúng đánh tù luôn tay, chẳng cần phải có lý do gì. Sáng ra điểm danh đánh, trưa ra ăn cơm đánh, chiều ra ăn cơm lại đánh.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940) đã làm rung chuyển cả nến móng của chế độ thuộc dịa khiến cho bọn thực dân vừa điên cuồng khủng bố trả thù, vừa nơm nớp lo sợ. Chúng sợ cả đến những người tù đang bị chúng đày đọa, xiềng xích. Bọn gác dang đi tuần suốt đêm. Rình mò xem tù nhân có hội họp hay có ý đồ bạo động gì không.

Khoảng một, hai tháng chúng lại ập vào khám xét thấy một mảnh giấy vụn, một mẩu san hô hay gạch non là chúng đều tịch thu và đánh đập tù nhân rất tàn tệ Xét khám không thấy gì chúng cũng vu cho là mất trật tự, đánh cả khám một trận rồi mới trơ trẽn rút. Buviê cho lập lại chế độ Khám trị an ở Banh III dành cho những người tù mà chúng gọi là “bọn cứng đâu” (réfractaires). Xiềng, cấm cố, ăn uống tồi tệ, các yêu sách đều được trả lời bằng roi vọt.

Giữa năm 1941, Thống đốc Nam Kỳ cứ Bơruionnê (Brouinonnet) ra làm Quản đốc thay Buviê. Là một tên quan hai sen đầm trung thành với chính phủ Pêtanh, Bơruionnê đã gây nhiều tội ác tại Côn Đảo. Hắn cấm tù nhân không được nhận thư từ, không được đọc sách báo, không được hội họp… Bưu phẩm từ đất liền gửi ra bị kiểm soát rất kỹ, thuốc bổ, thuốc bệnh và sách báo đều bị chúng tịch thu.

Tháng 7-1941, một tên tù lưu manh đã vu cáo về các hoạt động của Chi bộ đặc biệt và chỉ bắt các đồng chí lãnh đạo trong khám 6 Banh I. Hắn còn chỉ những nơi giấu tài liệu và vu cáo tù cộng sản đang chuẩn bị bạo động vượt ngục, cướp tàu đi Xanhgapo (Singapore) gia nhập phe Đồng Minh chống phát xít, ủng hộ Liên Xô. Lúc ấy phát xít Đức đã tấn công Liên Xô và trong nội bộ bọn Pháp đã có mâu thuẫn giữa phái Pêtanh và phái Đờ Gôn (De Gaune) nên bọn Pháp tin ngay.

Một số đồng chí lãnh đạo của chi bộ bị nhốt hầm tối. Hơn 40 đồng chí ở khám 6 bị tước hết quần áo, chiếu, đồ dùng cá nhân và bị cấm cố trở lại. Bọn mật thám ở Sài Gòn ra điều tra một thời gian không khai thác được gì hơn nhưng đó là một dịp để Bơruionnê tước hết những quyền lợi mà tù nhân đã giành được trong những năm trước. Nhiều người tù thường phạm trước đây tham gia Hội tù nhân vì Hội tù bảo vệ quyền lợi thiết thực của họ, đến nay thấy chi bộ và Hội tù bị khủng bố, quyền lợi của tù nhân bị tước bỏ thì họ bất mãn và trở mặt nói xấu những người cộng sản.

Trong tình hình bất lợi, Hội tù nhân tuyên bố tự giải tán. Chi bộ đặc biệt cũng giảm bớt hai phần ba số đảng viên, chỉ tuyển lại những đồng chí trung kiên và có năng lực hoạt động trong tù. Mạng lưới cứu tế tù nhân vẫn được củng cố dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ. Chi bộ tìm mọi cách bố trí cho đảng viên vào làm ở Nhà Thương và Nhà bếp các banh để liên hệ và tiếp tế cho anh em.

Tên Quản đốc Bơruionnê đặt ra nhiều luật lệ quái ác như ra vào khám phải trần truồng, múa phượng hoàng cho chúng xem; vào khám bệnh cũng phải cởi hẳn quần áo để một nơi; mỗi lần điểm danh chúng bắt tù nhân cúi đầu và gõ hèo cồm cộp lên đầu họ. Bọn gác ngục vừa đánh tù vừa đe dọa: Mặt trận nhân dân của chúng mày chết rồi. Hãy coi chừng.

Khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, mỗi lần đánh tù chúng lại rít lên: “Hồng quân của chúng mày chết rồi, đừng có mà hy vọng (!)”. Thì ra chúng hiểu niềm tin của những người cộng sản bắt nguồn từ sức mạnh tất thắng của chủ nghĩa cộng sản mà Liên Xô là ngọn cờ tiêu biểu. Lớp tù nhân ra sau Nam Kỳ khởi nghĩa hầu hết bị cấm cố ở Banh III và Banh II. Chế độ cấm cố, chế độ khô mục và chế độ đánh đập hằng ngày của bọn gác ngục làm cho sức khỏe tù nhân suy sụp và bệnh tật phát triển rất nhanh.

Bệnh xá Côn Đảo chật, Bơruionnê cho lựa những người tù bệnh tập trung về Banh II (lúc ấy gọi là Banh Nhà Thương). Hằng ngày, thầy thuốc vào coi bệnh và phát thuốc. Căn bệnh phổ biến và nguy hiểm lúc ấy là kiết lỵ và ghẻ hợm (còn gọi là ghẻ hầm). Nhưng bất cứ bệnh gì, thấy thuốc nhà tù cũng chỉ cho có hai thứ thuốc: nước vôi và bột than. Chỉ trường hợp cấp cứu mới đưa vào Nhà Thương và được tiêm một, hai ống thuốc hồi sức. Thật ra, những tù nhân bệnh tật chẳng được chữa chạy gì. Họ chỉ được tập trung về một nơi và lần lượt chết ở dấy.

Ghẻ hợm là một loại ghẻ lớn, hay lây và phát triển rất nhanh. Ghẻ mới xuất hiện hôm trước là hôm sau đã lan khắp người. Con ghẻ đục rãnh sâu làm thối thịt da, hút cạn dinh dưỡng làm cho người bệnh đau nhức và kiệt sức. Ghẻ thường xuất hiện ở chân, lan lên đùi và lên khắp người là không cứu được nữa. Bọn thầy thuốc thực dân mỗi khi thấy người bệnh ghẻ hợm vào Nhà Thương là chúng cưa chân ngay. Có người đã bị cưa cụt cả hai chân nhưng rồi cũng chết. Cuối năm 1941, tù nhân phát bệnh chết nhiều. Các banh ngày nào cũng có người chết. Riêng Banh II có thời gian mỗi ngày hơn 20 người tù chết.

Những người kiết lỵ nặng bị tập trung về “bệnh xá kiết lỵ” phía sau Banh III, giáp chân Núi Chúa. Bệnh xá kiết lỵ là một cái lán mới dựng trong khu vực Sở Ruộng để cách ly những người kiết lỵ nặng không được cứu chữa. Những người bị đưa ra đây chỉ một, hai hôm là chết. Nói đúng hơn, đây là một nhà xác. Ở “nhà xác” này, mỗi ngày thường có trên dưới 20 người tù qua đời. Từ giữa năm 1941 đến cuối năm 1943, tù nhân chết vợi hẳn đi, chôn chật nghĩa địa Hàng Keo, bọn chúa ngục cho mở thêm nghĩa địa Hàng Dương để chôn tù .

Theo số liệu tổng kết chưa đầy đủ, có khoảng 3.000 tù nhân đã chết trong thời kỳ này bởi chế độ tù đày ải nghiệt ngã của thực dân Pháp, trong đó có nhiều nhà yêu nước như Nguyễn An Ninh, Võ Công Tồn… Mỗi người chết được bó hai chiếc bao bàng3, một chiếc trùm từ đầu xuống, một chiếc từ chân lên, sau đó được cột chặt bằng 7 nút lạt ở cổ, ở bụng và ở chân. Xế chiều, một tên ma tà đưa vài người thường phạm đến lượm xác tù nhân chất lên xe bò chở ra Hàng Dương vùi qua loa xuống cát, nhiều người còn đang hấp hối chúng cũng bắt bó lại đem chôn luôn, cảnh tượng thật là thê thảm.

Khi nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh hy sinh, những người cộng sản đã vận động Phuốchiyê (pouminier), người kỹ sư, chủ sự Nhà Đèn Côn Đảo, bỏ tiền mua cho ông một cỗ áo quan bằng gỗ nhưng chúa đảo đã lạnh lùng bác bỏ, bắt bó bao bàng đem chôn như hàng ngàn người tù đã chết. Những người tù chính trị và tù thường, mỗi lần đi làm khổ sai qua Hàng Dương lại nhặt đá đắp lên ngôi mộ của ông và mộ đồng chí Lê Hồng Phong, bất chấp sự đánh dập của bọn gác ngục.

Mở rộng mạng lưới cứu tế

Mặc dù nhiều đồng chí bị cấm cố, Chi bộ đặc biệt vẫn tích cực chỉ đạo chống khủng bố. Thông qua những đảng viên làm ở Nhà bếp, Sở tẩy và các sở tù ngoài, chi bộ đã liên hệ được với các đoàn tù mới ra để nắm bắt tin tức và thông báo tình hình trên đảo, phổ biến kinh nghiệm đấu tranh chống khủng bố, kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe, chống bệnh tật trong tù.

Trong tình hình địch khủng bố ác liệt và bệnh tật phát sinh nhiều, chi bộ đã đặt công tác cứu tế tù nhân lên hàng đầu. Chi bộ chỉ thị cho tất cả các trại giam, các sở tù, những nơi có tù chính trị đều phải lập các tổ cứu tế, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, bằng mọi giá phải báo vệ mạng sống của tù nhân, bảo vệ cán bộ của Đảng.

Các đồng chí đảng viên, qua nhiều năm được chi bộ trong tù rèn luyện đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng tổ chức cứu tế tù nhân và triển khai các chủ trương chống khủng bố của chi bộ. Nhờ mạng lưới đảng viên ở các sở tù bên ngoài, chi bộ đã tổ chức việc tìm kiếm và chế biến thuốc nam chữa bệnh cho tù nhân. Chi bộ còn tổ chức làm kinh tế để đóng góp vào quỹ cứu tế.

Những đồng chí có tay nghề được phân công làm các loại kim khâu, kim máy may, tiện các hộp thuốc lá bằng gỗ găng, làm tẩu thuốc lá bằng cây dương nước, làm cúc áo vòng, lược, bằng đồi mồi, v.v… để bán cho gác dang, ma tà và thủy thủ. Các sản phẩm được tập trung về một đầu mối, tiền bán được đem về nộp cả vào qũy cứu tế.

Qua các cơ sở ở Nhà Thương và Nhà bếp các banh, chi bộ đã gửi đến các khám tù cấm cố từng nhúm muối để ăn thay khô mục, từng trái ớt tươi, từng ngọn rau xanh đến lọ dầu xoa, viên thuốc bệnh. Các khám tù cộng sản thường tổ chức theo hình thức phổ biến lúc đó là Ban trật tự để lãnh đạo mọi hoạt động của tù nhân.

Phần lớn những người bị bắt trong cuộn khởi nghĩa Nam Kỳ là quần chúng cách mạng, ít được rèn luyện thử thách trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. Ban trật tự phân công những đảng viên trung kiên phụ trách từng mâm cơm (mười người) để quản lý, động viên và bồi dường ý chí cách mạng cho anh em. Cơm tù ngày càng ít đi, đồng chí trưởng mâm phải chia cơm cho từng người, có khi đến phần mình chỉ còn những hạt cơm cuối cùng ít ỏi.

Có đồng chí còn bớt cả phần cơm của mình lén đưa vào trong khám nghiền ra nấu cháo cho những người ốm nặng. Cháo nấu trong lon sữa bò, chụm bằng những mảnh áo tù xé ra, ống tay áo và ống quần của nhiều đồng chí cứ cụt dần đi sau mỗi lần chăm sóc người bệnh. Bọn gác dang mà xét thấy một hạt cơm, một đốm lửa trong khám là nhiều người đổ máu với chúng.

Khu vực gần cửa thoáng mát được ưu tiên dành cho những người già yếu. Một vài tia nắng lọt vào qua kẽ ngói rọi vào trong khám cũng được nhường cho các đồng chí bệnh lao sưởi ấm lá phổi trong khoảnh khắc. Mỗi lần bọn gác dang vào khủng bố thì lập tức anh em lại chuyển những người đau yếu vào phía trong. Cá đồng chí trung kiên lập thành một hàng rào bên ngoài để đỡ đòn cho những anh em khác. Những người tù cộng sản luôn sẵn lòng chia nhau từng muỗng cơm tù, từng tấm áo tù và chia sẻ với nhau cả những trận đòn đổ máu. Thương người hơn cả thương thân là phẩm chất cao quý của người cộng sản trong tù.

Trước ngưỡng cửa của thần chết và sự đày đọa nghiệt ngã nhất của kẻ thù thì đức độ của những người cộng sản càng sáng ngời. Nhiều đồng chí đã nhường nhau một vệt nắng trong khám tối, một viên thuốc khi lâm bệnh, một miếng cháo khi đói lòng… Có những lúc, tổ chức phải phân xử cho ai được nhận phần nhường nhịn ấy.

Đồng chí Vu Văn Hiếu, người bí thư đầu tiên của Đặc khu mỏ Hòn Gai, khi bị bắt cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn, đã nhận hết các chứng cớ về mình để cho đồng chí khác nhẹ án. Đến khi ra Côn Đảo bị bệnh nặng, biết không sống nổi, đồng chí đã trao chiếc áo cuối cùng của mình cho đồng chí Lê Duẩn và dặn lại: “Ráng sống phục vụ cho cách mạng!”.

Đồng chí Trần Xuân Độ, một đồng chí lớn tuổi, bị đày ra Côn Đảo từ năm 1930 đã tận tình chăm sóc, giúp đỡ và giáo dục động viên các đồng chí mới ra. Lúc đồng chí Độ lâm bệnh nặng, Ban cứu tế gửi cho mấy quả trứng gà thì đồng chí lại đem chia hết cho những anh em cùng bị bệnh. Khi có người trách thì đồng chí trả lời rằng: “Tôi bệnh nặng quá, ăn chưa chắc đã sống, nên nhường cho các đồng chí trẻ ăn dưỡng sức để sống về hoạt động cho cách mạng”.

Có hàng trăm tấm gương như vậy. Người cộng sản sống để phấn đấu cho lý tưởng cách mạng nhưng sẵn sàng chết cho sự nghiệp cách mạng. Ngay cả khi biết không sống nổi nửa, họ cũng chọn một cái chết có ích nhất cho cách mạng.

Nhiều đồng chí được đưa ra ngoài làm đã tranh thủ gài bẫy bắt từng con chim sẻ về góp cho Ban cứu tế để nấu cháo cho những người yếu, bệnh. Đồng chí Tôn Đức Thắng trở lại Sở Lưới lái canh, mỗi lần đi đánh cá đều lượm những con cá nhỏ giắt vào kẽ áo tơi, về ngang qua Bản Chế gỡ ra để anh em kho nấu và chuyển vào cho khám tù cấm cố. Chi bộ bố trí cho Lang Kiều ra ngoài làm thuốc nam, chữa bệnh ho anh em.

Lang Kiều được xếp vào “phần tử nguy hiểm”. Mười năm ở đảo, Lang Kiều tổ chức vượt ngục hơn 10 lần, có lần về đến đất liền lại bị bắt đày ra đảo. Mỗi lần vượt ngục không thành, bị Toustou săn đuổi bắt được là một lần bị phạt. Bọn gác ngục rất ngán, nhưng phục tài Lang Kiều chữa bệnh. Lần này, nhờ sự vận động của chi bộ, chính Toustou, Chủ sở Recherche đưa Lang Kiều từ hầm cấm cố ra chữa bệnh cho Sở Truy tầm tù trốn.

Toustou chẳng thiện cảm gì, nhưng hắn cần Lang Kiều ra chữa bệnh cho nhân tình của hắn, vợ của một tên gác ngục khác, đang có vấn đề phụ khoa mà thầy thuốc Tây bó tay, nhân thể, sử dụng Lang Kiều chữa bệnh cho đám nhân viên Recherche.

Tương kế tựu kế, Lang Kiều tranh thủ cơ hội này kiếm thuốc chữa bệnh cho anh em. Lang Kiều đề xuất, Toustou đồng ý điều thêm người, cho lập tổ bào chế thuốc Nam, cứu sống hàng trăm sinh mạng tù chính trị. Lang Kiều thạo chữ Hán, đọc nhiều sách thuốc, rành y lý phương Đông, giỏi về Nam dược. Trong hoàn cảnh lao tù anh sử dụng nhiều bài thuốc đặc trị như dùng huyết heo chữa bệnh đường ruột, dùng cơm cháy chữa bệnh bao tử, dùng cỏ tranh chữa bệnh đái đường, dùng chuối hột, cám gạo chữa bệnh kiết lỵ, thương hàn, dùng hồ tiêu hành củ, ngải rừng chữa bệnh sốt rét…

Đối với bọn nhân viên Recherche gian ác, anh cũng có luật chơi. Anh bốc thuốc công hiệu nhanh nhưng công phạt mạnh để hành hạ chúng. Lang Kiều còn hướng dẫn cho anh em ở các sở tù khổ sai chú ý tìm kiếm và chế biến các loại thuốc Nam ở Côn Đảo. Hàng trăm gói thuốc Nam do đồng chí bào chế đã được gửi đến Ban cứu tế ở các banh, cứu sống được nhiều người.

Theo lời kêu gọi của Đảng, đồng bào ta ở trong nước, bất chấp sự theo dõi và đe dọa của mật thám, đã quyên góp tiền, mua đồ tiếp tế cho tù chính trị. Hằng trăm gói bưu phẩm, trong đó có rất nhiều gói hàng quý của quần chúng cách mạng gửi ra Côn Đảo. Anh em tù chính trị nhận được nhiều gói quà của những người chưa hề quen biết. Đồng chí Dương Bạch Mai có lúc nhận được 40 gói quà, chia cho anh em cùng sử dụng. Một số công chức tiến bộ cũng nhận hộ tiền và quà rồi chuyển cho anh em tù chính trị.

Tình đồng chí, nghĩa đồng bào đã tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc đấu tranh chống khủng bố cửa tù chính trị ở Côn Đảo. Các lớp lý luận, chính trị tiếp tục được mở dưới nhiều hình thức. Có lớp học được tổ chức dưới dạng giải thích các khái niệm lý luận như giai cấp, giai cấp vô sản, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, vấn đề dân tộc, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Có lớp chuyên dạy về cách mạng dân tộc dân chủ và nhiều lớp dạy các môn văn hóa, dạy ngoại ngữ và các tác phẩm ưu tú của nền văn học Việt Nam.

Trong các khám tù cấm cố, các lớp lý luận, chính trị thường học vào buổi sáng, các lớp văn hóa thường mở vào,buổi chiều. Buổi tối anh em sinh hoạt văn hóa nghệ thuật bằng các hình thức diễn kịch miệng, ngâm thơ, bình luận các tác phẩm văn học mà anh em còn giữ được lúc đó như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Người mẹ của Mácxim Goócki (Gorki), Ximăng của Gơlátcốp (Gladkov), Tam Quốc chí của La Quán Trung…

Các buổi sinh hoạt và học tập đã thu hút được đông đảo quần chúng cách mạng và tù thường. Nhiều người ham học đến mức bệnh nặng vẫn không rời cuốn sách, với một lời tâm niệm: “có chết làm ma biết chữ vẫn hơn”. Bọn gác ngục vẫn thường rình rập nhưng Ban trật tự đã cắt cử người canh gác và có kinh nghiệm đối phó. Các khám tù cộng sản còn bí mật kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1-5), ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12-9), ngày sinh Lênin (22-4), ngày Cách mạng tháng Mười Nga (7- 11) dưới nhiều hình thức.

Khám 8 Banh III là nơi tập trung nhiều tên Tơrốtkít đầu sỏ. Bọn Tơrốtkít thường xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản, nói xấu Liên Xô và Quốc tế cộng sản. Các đồng chí ở khám 8 phải kiên trì đấu tranh với chúng và giác ngộ quần chúng, lôi kéo họ ra khỏi ảnh hường của Tơrốtkít. Bọn này là những tên hay lý sự, chống cộng có kinh nghiệm nên đấu tranh với chúng rất căng thẳng.

Từng giờ, từng phút trong lao tù, những người cộng sản Việt Nam hồi hộp và lo lắng theo dõi cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Căn cứ vào các tài liệu về Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế cộng sản (7-1935), tổ chức Đảng ở Côn Đảo đã phân tích rõ thế yếu của chủ nghĩa phát xít, giáo dục lòng tin tất thắng và sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Liên Xô và các lực lượng tiến bộ chống chủ nghĩa phát xít. Mặc dầu bọn Pháp tìm mọi cách bơng bít tình hình nhưng tin tức về những trận chiến đấu của Hồng quân Liên Xô ở Xmôlenxcơ và Xtalingơrát vẫn truyền đến tận nhà ngục Côn Đảo làm nức lòng những người cộng sản Việt Nạm trong lao tù.

Đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Lã Vĩnh Lợi đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chính trị để giới thiệu những thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hói ở Liên Xô để củng cố niềm tin tất thắng cho mọi người. Tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã làm một bài thơ 8 câu vẽ nên viễn cảnh đất nước sẽ được giải phóng, “địa ngục trần gian” Côn Đảo sẽ được xóa bỏ, Côn Đảo sẽ trở thành một thắng cảnh rất đẹp, trên bến dưới thuyền, thành nơi nghỉ mát của những người lao động. Đồng chí còn dạy cho anh em bài Cô gái Nga mà đồng chí sáng tác trong thời gian học ở Liên Xô. Trước khi hy sinh, đống chí còn nhắn các đồng chí ở khu cấm cố biệt lập: Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng.

Phân hóa kẻ thù, tranh thủ gác ngục

Ngày 2-2-1943, Hồng quân Liên Xô thắng lớn ở Xtalingrát, tạo ra bước ngoặt căn bản của cuộc chiến, tranh chống phát xít và sau đó lại giành những thắng lợi vang dội ở Cuốcxcơ trong mùa hè năm 1943 khiến cho toàn thể thế giới phải kinh ngạc và khâm phục.

Ngày 8-12-1943, Đờ Gôn đang lưu vong ở An giê (Angiêri) tuyên bố “sẽ giải phóng Đông Dương” để chuẩn bị cho mưu đồ theo gót quân đội Đồng Minh vào chiếm lại Đông Dương1. Mâu thuẫn giữa Pháp và Nhật ở Đông Dương, cũng như mâu thuẫn giữa Pháp Pêtanh và Pháp Đờ Gôn ngày càng trở nên sâu sắc.

Nắm được tình hình trên, Chi bộ đặc biệt chủ trương tích cực phân hóa bọn gác dang, tranh thủ những tên thuộc phái Đờ Gôn, tuyên truyền chủ trương của những người cộng sản liên hiệp với các lực lượng dân chủ, tiến bộ chống phát xít, giải thích cho họ hiểu về Đảng cộng sản Pháp liên minh với Đờ Gôn chống phát xít… Gác dang Pháp rất phục những người cộng sản Việt Nam trong việc phân tích tình hình. Họ thường lặng im nghe, không phản ứng gì. Mỗi khi có điều thắc mắc không giải thích được là họ lại đến hỏi anh em tù cộng sản.

Chủ trương liên minh với phái Đờ Gôn là một đề tài gây nhiều tranh luận. Một quan điểm cho rằng muốn thực hiện được sự liên minh, cần phải có sự nhân nhượng quốc tế, bằng cách thừa nhận chủ quyền Pháp ở, Đông Dương. Quan điểm thứ hai kiên quyết phản đối việc thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương.

Những người theo quan điểm này đã xác định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân Đông Dương, phối hợp với cuộc chiến đấu của nhân dân Liên Xô và các lực lượng chống chủ nghĩa. Việc liên minh với phái Đờ Gôn là nhằm tranh thủ một lực lượng chống phát xít, cô lập cao độ kẻ thù chủ yếu để đánh đổ chúng. Sách lược liên minh chỉ được thực hiện trên nguyên tắc bớt đổ máu cho cách mạng nhưng không được thủ tiêu mục tiêu cơ bản của cách mạng là giải phóng dân tộc.

Quan điểm thứ hai đã trở thành ý kiến chỉ đạo ở Côn Đảo lúc ấy.

Từ giữa năm 1943, quân Nhật ở Đông Dương bắt đầu khốn đốn vì vòng vây của Đồng Minh ngày càng siết chặt. Ở Côn Đảo trước đây mỗi tháng có từ một đến hai chuyến tàu ra tiếp tế, nay 6 tháng mới có một chuyến tàu. Lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men thiếu nghiêm trọng. Các bệnh kiết lỵ, ghẻ hợm, lao phổi tiếp tục hoành hành, giết hại những người tù đã kiệt sức.

Tên quan tơ Tít xe (Tisseyre) ra nhậm chức Quản đốc quyết định giảm khẩu phần ăn của tù nhân xuống 350 gam gạo mỗi ngày. Hắn còn bắt “tù Côn Lôn tự túc” nhằm huy động sức tù để giải quyết những khó khăn trên đảo. Nhiều khám tù cấm cố cũng được đưa ra đập xơ dừa, tước chỉ dứa, xe chỉ, dệt vải, thuộc da… Các Sở Rẫy, Sở Ruộng, Sở Chuồng Bò, Sở Bản Chế đều được bổ sung thêm tù nhân. Các công việc kéo lưới và câu cá mập cũng được đẩy mạnh.

Nhân dịp này chi bộ vận động cho nhiều anh em cộng sản ra ngoài làm việc. Những người tù thường phạm làm thư ký ở Văn phòng Xếp chánh và Văn phòng Quản đốc đã được giác ngộ cũng góp phần đưa các đồng chí cộng sản ra khỏi cấm cố. Nhiều đồng chí lãnh đạo Chi bộ đặc biệt lâu nay bị cấm cố đã được đưa ra ngoài làm. Các đồng chí có trình độ lãnh đạo của Đảng cũng được chi bộ chú ý vận động đưa ra những nơi mà công việc khổ sai đỡ khắc nghiệt hơn.

Sau những năm bị khủng bố ác liệt và bị phân tán ở nhiều nơi, Chi bộ đặc biệt đã hình thành được Trung tâm lãnh đạo bên ngoài trại giam. Hầu hết đảng viên trong chi bộ và nhiều cán bộ có năng lực của Đảng lúc ấy đã được bố trí về Sở Lưới, Bản Chế, Nhà Đèn, Nhà Thương, Văn phòng Xếp chánh, Văn phòng Quản đốc, v. v. .. Một số đồng chí còn ở trong Banh III cũng được liên lạc thường xuyên. Chi bộ đã bố trí được một số đảng viên vào làm ở Sở dây thép và Sở dây thép gió. (T.S.F) để nắm tin tức, tình hình.

Kiên định tư tưởng, đấu tranh chống Tơrốtkít và chống phái thân Nhật

Tháng 1-1944, Hồng quân Liên Xô quét sạch phát xít Đức ra khỏi Lêningrát sau 900 ngày chiến đấu anh dũng. Tháng 4-1944, Hồng quân lại thắng lớn ở Ucờraina và đuổi bọn phát xít đến tận biên giới. Việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo đà chiến thắng của quân đội Đồng Minh, phái Pháp Đờ Gôn ở Côn Đảo hoạt động mạnh hơn. Họ thường kể cho anh em cộng sản nhiều tin tức về cuộc chiến tranh, cả những thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và nghe anh em cộng sản phân tích tình hình. Đó là những dịp thuận lợi để anh em tuyên truyền chủ trương liên minh với các lực lượng dân chủ chống phát xít của những người cộng sản.

Mùa hè năm 1944, thực dân Pháp đày 140 tù chính trị án nặng (trên 15 năm) ở Sơn La và Hỏa Lò (Hà Nội) ra Côn Đảo. Đây là chuyến tù cuối cùng bị đày ra Côn đảo trước Cách mạng tháng Tám (1945), trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp Trung ương, Xứ ủy và tỉnh ủy.

Theo đúng lệ, bọn gác dang đánh cả đoàn tù một trận phủ đầu ngay tại cầu tàu rồi đưa về Banh III cấm cố ở dãy khám 9-10-11-12. Đây là khu cấm cố biệt lập, có tường ngăn cách với hai dãy khám của Banh III, dành cho những người tù thuộc loại cực kỳ nguy hiểm. Tù nhân ở dãy khám này bị phạt theo chế độ cấm cố hầm, vì thế mà dãy khám còn có tên là hầm cấm cố Banh III. Chi ủy đoàn tù Sơn La, Hỏa Lò tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo trong khu cấm cố Banh III và liên lạc với Trung tâm lãnh đạo1.

Qua bộ phận Nhà bếp, Trung tâm lãnh đạo đã gửi thực phẩm thuốc men cho đoàn tù Sơn La – Hỏa Lò và Các đoàn tù mới ra đều tìm cách bắt liên lạc. báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo, xem như Đảo uỷ. thông báo tình hình trên đảo, phổ biến kinh nghiệm chống khủng bố và chỉ đạo phương châm đấu tranh.

Chi ủy đoàn tù Sơn La – Hỏa Lò đã bố trí một số đồng chí ra khám bệnh ở nhà thương, báo cáo với Trung tâm lãnh đạo nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941), Mười chính sách của Việt Minh, tình hình chuẩn bị võ trang giành chính quyền và 8 tháng đánh du kích ở Bắc Sơn – Võ Nhai (1941-1942). Chi ủy còn báo cáo tình hình nội bộ đoàn tù và xin ý kiến chỉ đạo.

Ngay từ khi còn ở Hỏa Lò (Hà Nội), trong lúc thảo luận về sách lược liên minh với phái Pháp Đờ Gôn đã có một vài đồng chí nêu ý kiến rút bỏ khẩu hiệu Độc lập trong cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh và thay bằng khẩu hiệu Tự trị, tức là thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Mặc dù chi bộ đã kiên quyết đấu tranh bác bỏ nhưng các đồng chí này vẫn giữ ý kiến và tiếp tục nêu lại vấn đề này khi mới ra Côn Đảo.

Cuộc thảo luận gây không khí căng thẳng, không lợi cho sự đoàn kết nhất trí. Chi ủy đã báo cáo với Trung tâm lãnh đạo và nhận được sự chỉ đạo kịp thời. Trung tâm lãnh đạo kết luận việc rút bỏ khẩu hiệu “độc lập” là hữu khuynh. Cần phải tích cực phân hóa và tranh thủ phái Pháp Đờ Gôn để hình thành mặt trận chống phát xít, song trong lúc liên minh không được quên mục tiêu cơ bản của cách mạng là giải phóng dân tộc, giành độc lập, chủ quyền.

Nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Trung tâm lãnh đạo, vấn đề sách lược liên minh với phái Pháp Đờ Gôn đã được sáng tỏ. Chi bộ khu cấm cố Banh III được củng cố lại tăng cường sự đoàn kết nhất trí. Quá trình đấu tranh về quan điểm trong việc liên minh với phái Đờ Gôn đã làm cho những người cộng sản trong tù nhận thức một cách sâu sắc về bản chất thực dân và mưu đồ của bọn phàn động Pháp đối với thuộc địa Đông Dương.

Sau này, trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, những người cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị cả tinh thần và lực lượng, chống cuộc chiến tranh xâm lược trở lại của thực dân Pháp, ngay trong lúc chuẩn bị giành chính quyền từ tay Nhật.

Tranh thủ thời gian trong cấm cố, chi bộ tổ chức tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, kinh nghiệm công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận và biên soạn chương trình lý luận Mác-lênin huấn luyện cho anh em. Ít lâu sau, phần lớn anh em bị điều ra làm ở kíp xe chỉ, tước chỉ trong Banh III, một số bị điều ra các sở ngoài, một số đồng chí vẫn còn bị cấm cố. Chi bộ vân duy trì các lớp học, bố trí giảng viên theo từng kíp công việc để huấn luyện cho nhau. Tối về khám, Ban tuyên huấn khu cấm cố còn làm báo miệng đọc cho nhau nghe, gây không khí lạc quan tin tưởng.

Trong đoàn tù Sơn La – Hỏa Lò có nhiều đồng chí đã tham gia làm báo bí mật và công khai của Đảng. Anh em tập hợp hơn 20 người, mở lớp huấn luyện cán bộ làm báo. Lớp học không có thầy, anh em tự nghiên cứu xây dựng chương trình và thảo luận với nhau, trọng tâm là hai phần: Nghiên cứu học tập và Nghiệp vụ báo chí. Lớp học nghiên cứu tổng quát lịch sứ văn học thế giới chú ý phân tích đặc điểm văn hóa của các chế độ xã hội. Những nét lớn của lịch sử văn học Việt Nam cũng được nghiên cứu và thảo luận sôi nổi.

Sau khi nghiên cứu kỹ phần văn họe, các học viên thảo luận về nghiệp vụ báo chí từ các thể loại, cách trình bày cho đến việc tổ chức in ấn, phát hành… Có người từng học ở Liên Xô về, có người là học trò trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, có người học ở trong các nhà tù, có người trường thành trong cuộc đấu tranh cách mạng; mỗi người góp vào một ý, vận dụng tất cả kinh nghiệm làm báo bí mật và công khai trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) để xây dựng chương trình. Nhiều đồng chí dự lớp huấn luyện này đã trở thành những cây bút của báo Đảng sau Cách mạng tháng Tám (1945).

Ở Banh III lúc ấy còn có 12 binh sĩ yêu nước tham gia cuộc khởi nghĩa Đô Lương (31-1-1941) do Đội Cung lãnh đạo. Ban lãnh đạo đã giao cho tổ chức cứu tế ở Banh III phải tìm mọi cách giúp đỡ và phân công một đảng viên trực tiếp giác ngộ chủ nghĩa cộng sản cho anh em. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nhà tù Côn Đảo, những người bị giặc bắt trong ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940), Nam Kỳ (23-n-1940) và Đô Lương (31-1 1941) đã sát cánh bên nhau chống chế độ khủng bố dã man của thực dân Pháp.

Banh III lúc ấy còn có một số tù người Khơme tham gia các phong trào chống Pháp của sư sãi Phnôm Pênh (Campuchia). Chi bộ khu cấm cố giáo dục cho cán bộ đảng viên tinh thần đoàn kết các dân tộc Đông Dương chống Pháp. Nhiều đồng chí được phân công gần gũi giúp đỡ anh em tù Khơme. Các đồng chí đã nhờ anh em dạy tiếng Khơme và dạy cho anh em tiếng Việt. Nhiều cuộc nói chuyện về đất nước, con người và phong trào cách mạng của hai dân tộc Việt Nam – Khơme đã tăng cường tình đoàn kết giữa những người tù trong khu cấm cố. Chi bộ giới thiệu về cương lĩnh Mặt trận Việt Minh và đường lối đoàn kết các dân tộc Đông Dương trong một Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc của Đảng cộng sản Đông Dương cho anh em.

Mặc dù phong tục tập quán và trình độ giác ngộ có khác nhau, những người tù Khơme trong khu cấm cố đều có thiện cảm với những người cộng sản Việt Nam. Sau khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, những người tù Khơme đều được đưa về đất liền và được tạo điều kiện trở về quê quán. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Pátsuôn (Patchhoeun) đã được cử làm Chủ tịch ủy ban dân tộc giải phóng người Khơme ở Châu Đốc. Sau này làm việc cho Xihanúc, ông vẫn giữ mối thiện cảm với cách mạng Việt Nam.

Ở Banh III lúc này còn có một số tù thuộc các đảng phái thân Nhật Bọn này ra sức ca tụng chủ nghĩa phát xít chống Liên Xô và tuyên truyền cho chính sách Đại Đông Á của Nhật. Chúng đe dọa bọn gác dang Pháp và đả kích những người cộng sản. Anh em cộng sản rất bất bình nhưng vẫn giữ thái độ ôn hòa với chúng. Một số tên quá khích như tên Bể, tên Thu chửi cộng sản suốt ngày. Một lần tên Thu xuyên tạc lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh một cách rất bỉ ổi, anh em kíp xe chỉ phẫn nộ đã đánh y một trận để cảnh cáo.

Bọn Tờrốtkít hùa vào một phía với đám thân Nhật để xuyên tạc cộng sản. Đảng bộ Côn Đảo chủ trương cô lập bọn đầu sỏ, phân hóa những phần tử trung gian và lôi kéo giác ngộ những người ngộ nhận. Anh em cộng sản đã bố trí những đồng chí có trình độ kèm chặt những tên đầu sỏ để kiềm chế và và có thể bác bỏ ngay những luận điệu xuyên tạc của chúng. Tên Thu có lần viết thư cho chúa đảo tố cáo những người tù cộng sản có tổ chức bí mật, có quan hệ với bọn Pháp Đờ Gôn, có âm mưu vượt ngục và chỉ điểm những đồng chí tích cực. Anh em cảnh giác lấy được thư và giáo dục y. Một số quần chúng thân Nhật có chuyển biến, một vài người sau trở về tham gia kháng chiến. Một số nhân viên y tá ở Nhà thương Côn Đảo cũng được giác ngộ và giúp nhiều việc đắc lực cho Đảng bộ Côn Đảo, có người sau này trở thành đảng viên cộng sản.

Những tin tức về cuộc chiến tranh và thắng lợi của Hồng quân Liên Xô làm cho bọn Pháp ở Côn Đảo hết sức lo lắng. Thỉnh thoảng chúa đảo Tít xe lại cho bọn lính hành quân, tập trận trên các đường phố xung quanh trại giam để tự trấn an tinh thần và đe dọa tù nhân. Đảng ủy Côn Đảo vẫn theo dõi sát tình hình và chỉ đạo hoạt động của các kíp tù, đấu tranh với những yêu sách thích hợp như đòi nới rộng chế độ nhà tù và hạn chế bóc lột khổ sai.

Kíp xe chỉ dứa trong Banh III đã đấu tranh dai dẳng trong gần một tháng trời bằng hình thức ngầm lãn công chống việc tăng định mức xe chỉ. Tên gác dang ôbênăng (Obénans) giám sát rất kỹ tù nhân làm việc suốt ngày vẫn không tăng được mét chỉ nào. Ôbênăng quyết định bắt tù nhân làm việc một ngày căng thẳng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính hắn. Anh em vẫn lặng lẽ làm việc nhưng có cách làm cho xa quay mà chỉ không quấn. Cuối buổi chiều, mức chỉ vẫn y nguyên như cũ Ôbênăng bắt làm thêm một tiếng đồng hồ nữa mà kết quả cũng không nhích lên được chút nào. Tức điên người, hắn phạt cả kíp xe chỉ 7 ngày ăn cơm nhạt, uống nước lã, nhưng đành phải chấp nhận mức chỉ như cũ.

Kíp vận chuyển đá từ Núi Chúa về Cầu Tàu lãn công một buổi sáng và phẫn nộ phản đối tên gác dang Pháp đã thúc ép tù làm, để đá đè gãy chân một người tù. Trước sự đoàn kết nhất trí của tù nhân, tên gác dang hung ác cũng phải chùn bước.

Chuyến tù Sơn La – Hỏa Lò ra đầu năm 1944 còn có 2 người bị bắt oan là cộng sản. Anh Mẫn một lần cùng gánh xiếc lên biểu diễn ở Đền Hùng (Phú Thọ), gặp ngày hội đông người, Việt Minh rải truyền đơn cách mạng. Mật thám Pháp nghi anh Mẫn lợi dụng gánh xiếc để rải truyền đơn nên bắt anh và khép vào tội “tuyên truyền cộng sản”. Không chịu được đòn, anh phải nhận bừa là cộng sản và khai người đứng đầu tổ chức là ông Khuê, một trạng sơ có tiếng trong vùng với hy vọng được ông cãi cho khỏi tội.

Đến lượt ông Khuê cũng không chịu được đòn, đành phải nhận bừa là cộng sản. Thế rồi mỗi người lãnh một án chung thân khổ sai và bị đày ra Côn Đảo. Ngay từ thời bị giam ở Hỏa Lò, chi bộ Đảng trong tù đã hết sức giúp đỡ và giác ngộ ý thức cách mạng cho hai người. Ra Côn Đảo, chi bộ khu cấm cố Banh III phân công người kèm cặp và giúp đỡ. Mẫn “xiếc sớm được giác ngộ đã huấn luyện cho anh em Banh III làm một “gánh xiếc” với nhiều tiết mục và những động tác nghệ thuật điêu luyện. Sau Mẫn “xiếc” được kết nạp vào Đảng và tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp.

Riêng trạng sư Khuê thì luôn miệng oán trách cộng sản, rằng vì cộng sản mà ông bị tù tội, mất nghiệp, mất gia tài. Đau khổ và không chịu nổi sự đày ải khắc nghiệt, ông lâm bệnh kiết lỵ, người quắt lại chỉ còn da bọc xương, khó qua khỏi. Nỗi oán hận của ông tăng lên gấp bội. Những người cộng sản đã huy động mọi khả năng tìm kiếm thuốc, cứu sống ông. Ông rất cảm phục và thôi không oán trách cộng sản nữa. Sau Cách mạng tháng Tám 1945), Đảng bộ Côn Đảo dã đưa ông về đất liền và sau đó Xứ ủy Nam Kỳ tạo điều kiện cho ông trở về quê quán.

Tết âm lịch 1945, chi bộ khu cấm cố Banh III đã tổ chức một chương trình văn nghệ để bồi dường tinh thần lạc quan cách mạng. Tấu ông Táo về trời phê phán thói cẩu thả lười biếng, mất vệ sinh. Kịch vui một màn Bóc lột tố cáo chế độ thực dân và phong kiến bóc lột đến tận xương, tận tủy những người lao động. “Gánh xiếc” Banh III biểu diễn 28 tiết mục luyện tập công phu làm cho bọn gác dang hết sức ngạc nhiên, tưởng như “cả gánh xiếc bị bắt vào tù”.

Đặc biệt là vở kịch thơ Chiến sĩ và Hằng Nga có tác dụng giáo dục sâu sắc. Vở kịch do đồng chí Vương Gia Hương biên soạn và trình diễn ở Hỏa Lò (Hà Nội) gồm 2 màn ca ngợi ý chí chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ và cám dỗ để chiến đấu cho cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Ra Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh biên soạn thêm 2 màn nữa, đưa vở kịch đến một kết thúc hùng tráng. Người chiến sĩ chiến đấu và hy sinh, vợ chiến sĩ ở nhà nuôi con khôn lớn để tiếp tục cuộc chiến đấu. Chất thơ và nội dung tư tưởng vở kịch có sức cảm hóa sâu sắc đối với những chiến sĩ cách mạng đang bị tù đày, thôi thúc họ kiên trì, vững chí.

Ở sở Bản Chế, anh em tù cộng sản cũng tổ chức diễn kịch của Môlie và Coóchây. Một số anh em Quốc dân đảng đã từng tham gia đóng kịch ở Banh II trong những năm trước có kinh nghiệm làm mũ áo, râu tóc đúng mốt, mấy người thường phạm bị tù vì làm bạc giả cũng hăng hái tham gia trang trí, vẽ phông màn. Anh em tập kịch bằng tiếng Pháp và tổ chức diễn công khai để tranh thủ bọn gác dang. Tên quan tư Tít xe rất thích xem kịch. Tít xe bắt thợ mộc làm sân khấu ngay tại dinh, bắt tù nhân diễn đêm kịch đầu tiên cho riêng hắn và người thân xem rồi đêm sau mới cho diễn công khai ở Bản Chế.

Nghe tin tù nhân diễn kịch Tây, bọn gác dang và lính Pháp kéo cả vợ con đến xem chật bãi. Họ trầm trồ thán phục sự hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật của những người tù cộng sản, họ ngạc nhiên không thể hiểu được vì sao mà trên hòn đảo tù này, những nạn nhân của nước Pháp thực dân lại có thể thưởng thức và truyền bá những giá trị của nền văn hóa Pháp. Nghệ thuật đã thức tỉnh nhân cách con người văn hóa trong những người gác ngục. Gác ngục Pháp bớt hung ác hơn và đề nghị tù chính thức tiếp tục diễn kịch.

Đầu năm 1945 anh em dựng vở kịch tiếng Việt Tội của ai tố cáo chế độ cũ chà đạp lên hạnh phúc con người. Vở kịch đã gây ấn tượng tốt cho số ma tà và công chức người Việt. Nhân dịp đó, anh em vận động cho một số đồng chí lãnh đạo trong cấm cố ra Bản Chế.

Giải phóng Nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất (1945)

Từ năm 1942 bọn Nhật đã đổ quân lên Côn Đảo nhưng ít lâu sau chúng rút về. Ngày 6-2-1945, tàu chiến Nhật đã đổ lên đảo một toán lính khoảng 20 tên và đóng lại, bất chấp sự phản đối của lính Pháp. Lính Nhật chiếm ngay đài vô tuyến điện (T.S.F), tước hết rađiô của những nhân viên Pháp, khống chế khu nhà ở của chúa đảo và sĩ quan Pháp.

Tên sĩ quan Nhật hằng ngày ra vào dinh Tham biện, trại lính Pháp và các trại giam tù chính trị để điều tra tình hình. Bọn Pháp hoang mang, lo sợ. Chúa đảo Tít xe ra lệnh cấm cố tất cả tù nhân thân Nhật đang làm khổ sai ở các nơi trên đảo vào Banh III. Những tên tù thân Nhật đầu sỏ lồng lộn trong Banh III, chúng đe dọa và luôn miệng chửi rủa bọn gác ngục Pháp.

Đảng ủy Côn Đảo nhận định mâu thuẫn giữa Pháp và Nhật đã đến mức quyết liệt, sắp bùng nổ và có thể xuất hiện tình thế cách mạng. Đảng ủy đã chỉ thị cho tất cả đảng viên phải hết sức tỉnh táo, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra. Anh em ở các banh phải cảnh giác cao đó với bọn tù nhân Nhật, cất giấu kỹ sách báo tài liệu và giữ vững nguyên tắc hoạt động bí mật.

Đảng ủy còn chỉ thị cho tất cả các cơ sở Đảng phải tích cực chuẩn bị vượt ngục, đưa cán bộ về đất liền tăng cường lực lượng cho Đảng ta đón thời cơ lãnh đạo võ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Nhiều chuyến vượt ngục được chuẩn bị ngay trong tháng 2-1945. Các cơ sở ở Bản Chế và Nhà Đèn đã cung cấp cưa, đinh, dây đồng, sơn, dầu hắc, vải bạt… Một số đồng chí ở các sở tù ngoài được lệnh chọn địa điểm, hạ gỗ, đóng thuyền, đảng ủy khẩn trương bố trí cho một số đồng chí có năng lực lãnh đạo chuẩn bị vượt ngục. Đồng chí Phạm Hùng sau nhiều năm bị cấm cố cũng được anh em vận động đưa ra làm ở Bán Chế.

Đêm 9-3-1945, Nhật làm đảo chính, hất cẳng Pháp để trừ hậu họa và độc chiếm Đông Dương. Hội nghị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngay trong đêm ấy tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh) đã ra chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Bản chỉ thị là một cương lĩnh hành động nhằm gấp rút chuẩn bị mọi mặt tiến tới tổng khởi nghĩa.

Rạng sáng ngày 10-3-1945, hai tàu chiến Nhật đã đổ thêm một trung đội lính lên Côn Đảo. Không đầy một giờ sau, toàn bộ đại đội bộ binh thuộc địa và mấy chục gác dang Pháp bị tước hết vũ khí. Quản đốc Tít xe và tên sĩ quan chỉ huy đơn vị lính Pháp bị bắt giải về Sài Gòn sau đó mấy ngày. Lính Pháp cũng bị bắt giam, công chức Pháp bị quản thúc tại nhà, còn bộ máy trị tù vẫn được sử dụng dưới quyền chỉ huy của Lê Văn Trà, một công chức thân Nhật.

Bọn gác ngục người Việt (ma tà) được trọng dụng, được trang bị súng ngắn thay cho súng trường. Bọn tù thân Nhật được ra khỏi trại giam, nhảy vào làm thư ký, công chức các công sở trên đảo. Nhiều tên cũng mang súng ngắn vào sục sạo các trại giam, soi mói bọn gác ngục và rình mò tù cộng sản. Bọn thân Nhật chia nhau giám sát tất cả gác dang Pháp, nhất là phái Pháp Đờ Gôn. Chúng đã lôi Tút tu, Lăngtali và nhiều tên gác dang trước đây hung ác ra đánh đập, trả thù. Bọn gác dang Pháp bị thất thế, lo sợ, bi quan và thờ ơ trong việc coi tù.

Được sự giáo dục của Đảng bộ Nhà tù Côn Đảo, những người tù cộng sản đã tỏ thái độ đúng mực với gác dang Pháp. Anh em đã giải thích cho họ đường lối của Mặt trận Việt Minh là chống thực dân, chống phát xít và tay sai để giành độc lập dân tộc, giống như cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp chống phát xít Đức, giải thích cho họ hiểu về chủ trương liên minh giữa những người cộng sản và những người Pháp dân chủ chống phát xít ở Pháp cũng như ở Đông Dương.

Anh em còn khẳng định thắng lợi tất yếu của Liên Xô và các lực lượng dân chủ, tiến bộ chống phát xít đang tới gần và chỉ cho gác dang Pháp cách đối phó với bọn thân Nhật. Cơrítsơchiani, một gác dang đã từng gây nhiều tội ác đã cảm phục mà nói với những người tù cộng sản rằng:

– Có trái tim như các anh thì không cảnh ngộ nào làm cho đau khổ được.

Tút tu, một gác dang trước đây khét tiếng hung ác cũng bộc lộ thái độ thiện cảm với tù cộng sản:

– Trước đây tôi ghét cộng sản, bây giờ tôi mới thấy người cộng sản đứng đắn, không thù oán cá nhân.

Bọn thân Nhật không để cho tù cộng sản được yên. Sục sạo mãi không tìm thấy chứng cớ gì, chúng mạo thư chửi phát xít Nhật và ca tụng Liên Xô đem nộp cho quan Nhật, nói là bắt được tài liệu của cộng sản, nhưng quan thầy chúng đang rầu rĩ vì những thất bại liên tiếp của quân đội Nhật trên các chiến trường nên không có phản ứng gì. Chúng lại tiếp tục bày mưu bắt tù cộng sản ra chào cờ Nhật nhằm hạ uy thế của của những người tù cộng sản và khủng bố những người chống đối. Anh em cộng sản hết sức phẫn nộ và kiên quyết chống, nếu chúng bắt chào cờ Nhật.

Bọn Nhật đang lo lắng cho số phận của chúng trên ác chiến trường nên không để ý gì đến hành động của đám tay chân. Vẫn không chịu từ bỏ ý đồ đen tối, bọn thân Nhật xoay sang lập danh sách những người tù cộng sản mà chúng liệt vào loại “nguy hiểm, đề nghị bọn Nhật thủ tiêu, nhưng rốt cuốc vẫn không thành.

Qua tin tức của những gác dang Pháp thuộc phái Đờ Gôn và những công chức tiến bộ ở Sở dây thép và Sở dây thép gió, anh em tù cộng sản nắm được tin tức về phong trào kháng Nhật của ta ở Cao – Bắc – Lạng. Nhận định tình hình cách mạng đang đứng trước thời cơ lớn, Đảng ủy Côn Đảo chỉ thị cho các cơ sở Đảng gấp rút tổ chức vượt ngục trở về hoạt động. Các công việc đóng thuyền, tích trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men… được tiến hành rất khẩn trương.

Giữa tháng 4 năm 1945, Đảng ủy bố trí cho các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng về tham gia lãnh đạo cướp chính quyền, cùng đi có Lang Kiều, Cẩm Tài, Văn Viên. Toustou, Chủ sở Rờsẹc lờ đi nhưng tên Quản Liễn dã cho quân vây bắt lại để tâng công với quân Nhật. Toustou không đánh, không phạt, chỉ bắt phơi nắng chiếu lệ rồi cho về khám.

Nghe tin tù cộng sản vượt ngục, bọn thân Nhật lồng lộn lên. Nhiều gác dang Pháp mà chúng nghi ngờ cũng bị đánh đập dã man. Từ đó bọn thân Nhật càng tăng cường theo dõi cả gác dang Pháp và tù cộng sản.

Vòng vây của Đồng Minh ngày càng siết chặt Đông Dương, thỉnh thoảng lại có một chiếc tàu Nhật thất trận dạt vào Côn Đảo. Máy bay Đồng Minh nhiều lần sà xuống nhằm các tàu Nhật bắn phá. Máy bay Mỹ đã bắn hỏng Hải Đăng – Côn Đảo, bắn phá cả Sở Lưới, Bản Chế, Nhà Đèn, làm chết một số tù nhân. Máy bay Mỹ còn rải truyền đơn vận động việc cứu giúp các nhân viên phi hành của Đồng Minh khi bị nạn và giúp đờ khi quân Đồng Minh đổ bộ lên.

Đảng ủy Côn Đảo ra một chỉ thị phân tích tình bình và xác định nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên. Chỉ thị đã nhận định: ở Đông Âu, Hồng quân Liên Xô đang tiêu diệt phát xít Hít le tận sào huyệt của chúng; ở mặt trận phương Đông, quân Đồng Minh đang thắng Nhật và có thể nhảy vào Đông Dương. Bọn Pháp Đờ Gôn sẽ theo gót chúng mà trở lại đặt ách đô hộ. Vì thế những người cộng sản phải hết sức cảnh giác, không những với bọn Pháp Đờ Gôn mà với cả quân Anh – Mỹ; chỉ có dựa vào nhân dân mới có thể giành được thắng lợi chân chính; phải quyết tâm vượt ngục trở về để chớp lấy thời cơ giành chính quyền… Bản chỉ thị được phổ biến đến các cơ sở Đảng trên toàn đảo.

Trước thất bại không thể tránh khỏi, bọn Nhật tổ chức “Lễ trao trả độc lập” giả hiệu tại sân banh (bãi đá bóng) Côn Đảo. Bọn thân Nhật dựng khán đài quay mặt về phía đông, kẻ khẩu hiệu và hô hào rùm beng. Trước mật gần 2.000 chính trị phạm, Lê Văn Trà đọc đạo dụ của chính phủ Trần Trọng Kim, tuyên bố phóng thích tất cả tù chính trị. Đạo dụ có đoạn viết: “Các chính trị phạm kể từ ngày này được chính phủ Việt Nam (tức chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim) trả lợi quyền tự do và coi như mọi người dân khác trong nước”.

Nhưng mỉa mai thay, sau cuộc mít tinh, chúng lại xua ngay tù vào trong banh, sập cứa lại và cho bọn gác ngục tiếp tục canh giữ. Chỉ có 150 tù thân Nhật được phóng thích sau đó vài tháng.

Theo sự chỉ đạo của Đảng ủy Côn Đảo, tù nhân Banh II, Banh III đã đấu tranh đòi được ra ngoài làm, đòi được mở cửa banh và trả lại tự do cho tù chính trị. Sau nhiều lần đấu tranh với lý lẽ đanh thép, Lê Văn Trà phải nhượng bộ một bước, cho phần lớn tù nhân ra ngoài làm và mở cửa trại giam từ 6 giờ sáng đến 21 giờ.

Sau khi tiêu diệt hoàn toàn phát xít Đức, ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và nhanh chóng đánh bại đạo quân Quan Đông gồm hơn một triệu quân tinh nhuệ nhất của Nhật. Ngày 15-8-1945, phát xít Đức chính thức đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng Minh không điều kiện. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Bọn Nhật ở Côn Đảo cho tàu chở súng đạn ra biển đổ. Chúng phá trạm vô tuyến điện, đập phá tất cả rađiô, không cho ai nghe tin tức nữa. Chuyến tàu ngày 25-8-1945 chở những tên lính Nhật cuối cùng và số tù thân Nhật về đất (trên chuyến tàu ấy còn có 5 đảng viên cộng sản được trả lại tự do). Binh lính và gác dang Pháp cũng được đưa về Sài Gòn để giao lại cho Đồng Minh. Côn Đảo hết Nhật, hết Tây, chỉ còn lại khoảng ba ngàn tù nhân do Lê Văn Trà cùng bọn ma tà cai quản. Một đơn vị linh bảo an được phái ra đảo làm nhiệm vụ giữ trật tự trị an.

Một số binh lính bảo an vốn là những quần chúng yêu nước. Người sĩ quan chỉ huy đơn vị bảo an lại là cơ sở của Xứ ủy Nam Kỳ, được Xứ ủy bố trí ra Côn Đảo để liên lạc và hỗ trợ anh em tù chính trị. Nhờ đó Đảng ủy Côn Đảo nắm chắc tình hình Đức – Nhật bại trận, Đảng ta phát động tổng khởi nghĩa và đã giành chính quyền ở hầu hết các tỉnh từ Bắc chí Nam.

Được biết Xứ ủy Nam kỳ sẽ ra đón tù chính trị ở Côn Đảo về, Đảng ủy Côn Đảo chủ trương đoàn kết các lực lượng tù chính trị trên đảo giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình, đồng thời nắm chắc lực lượng bảo an làm hậu thuẫn, khi cần sẽ sử dụng làm áp lực tước vũ khí của bọn gác ngục.

Đảng ủy phân công người đi các banh và các sở tù phổ biến chủ trương cho các cơ sở Đảng. Hầu hết anh em tù chính trị đều nhất trí với chủ trương của Đảng ủy, nhưng có một số đồng chí trẻ ở Banh III cứ yêu cầu bạo động cướp chính quyền, nhất là khi nghe tin bọn Pháp đã nhảy dù xuống nhiều nơi ở Đông Dương thì anh em càng thôi thúc đòi giành chính quyền ngay và tổ chức vượt biển về đánh Pháp.

Đảng ủy cứ người giải thích cho anh em Banh III rằng cách mạng trong nước đã thành công, nhất định Đảng và Chính phủ sẽ đưa tàu ra đón tù chính trị; mỗi một đảng viên còn sống đến hôm nay đều là vốn quý của Đảng mà Đảng bộ Côn Đảo có trách nhiệm phải bảo vệ bằng được, vì vậy cần tránh nôn nóng để khỏi đổ máu vô ích. Ý kiến của Đảng ủy được chấp hành một cách nghiêm túc, nhưng một số đồng chí vẫn ấm ức đến ứa nước mắt.

Thực hiện chủ trương giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình, Trung tâm lãnh đạo đã cử một đoàn đại biểu đến gặp Quản đốc Lê Văn Trà yêu cầu:

– Mở cửa trại giam suốt đêm ngày. Tù nhân được tự do đi lại.

– Bãi bỏ hết sự kiểm soát của ma tà.

– Trao trả chính quyền trên đảo cho tù chính trị vì chính quyền trong đất đã về tay Việt Minh.

Lấy lý do là chưa có lệnh của Chính phủ, Trà không chịu bàn giao chính quyền. Tuy nhiên trước áp lực của tù chính trị, hắn buộc phải đồng ý cho tù nhân tự do đi lại ban ngày, ban đêm vẫn phải vào khám, khóa cửa lại; đồng ý tổ chức chính quyền liên hiệp trên đảo, có sự tham gia của tù chính trị; đồng ý tổ chức sửa chữa vô tuyến điện, sưa rađiô để nghe tin tức; sửa canh để đưa đoàn đại biểu về đất liền xin ý kiến của Chính phủ.

Sau mấy phiên họp bàn giữa Quản đốc Lê Văn Trà và đại diện tù chính trị, việc cử đại biểu tham gia bầu cử chính quyền liên hiệp được ấn định một cách rất chênh lệch: Quản đốc là một đại biểu; công chức 3 người một đại biểu; giám thị 5 người một đại biểu; còn tù chính trị thì 50 người một đại biểu; tù thường không được tham gia.

Đảng ủy tăng cường công tác tuyên truyền việc giành chính quyền của Việt Minh ở trong nước và vạch mặt bọn bù nhìn thân Nhật. Nhiều công chức có cảm tình đã bỏ phiếu cho đại biểu tù cộng sản, nhiều ma tà đã từng bị bọn thân Nhật hành hạ cũng bỏ phiếu cho tù cộng sản, vì vậy những người cộng sản đã thắng phiếu. Hội đồng liên hiệp quốc dân Côn Đảo ra đời với phần lớn là tù cộng sản.

Bị lép vế và trơ trẽn trong cuộc bầu cử, Lê Văn Trà và bọn tay sai rút súng đe dọa những người cộng sản, định xóa bỏ kết quả cuộc bầu cử. Tình thế hết sức căng thẳng, nhưng lực lượng bảo an yêu nước đã được bố trí án ngữ tất cả cứa ra vào và cứa sổ phòng bầu cử. Theo hiệu lệnh của đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Đảng ủy, anh em đồng loạt lên đạn và chĩa súng vào Lê Văn Trà cùng đồng bọn.

Tình thế được xoay chuyển hẳn, đã đến lúc không thể cưỡng lại nữa, Lê Văn Trà đành hạ súng nộp cho những người cộng sản. Bọn tay chân cũng ngoan ngoãn làn theo hắn. Chính quyền thực tế ở trên đảo đã thuộc về những người cộng sản. Lê Văn Trà vẫn được sử dụng để điều hành công việc hành chính dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Côn Đảo. Đồng chí Lã Vĩnh Lợi, thành viên trong Hội đồng được cử làm đại diện của tù chính trị trực tiếp làm việc với Lê Văn Trà để giải quyết mọi việc.

Đảng ủy quyết định tổ chức lực lượng vũ trang để củng cố thực lực của cách mạng và chiến đấu bảo vệ đảo trong tình huống quân Pháp đổ bộ xâm lược trở lại. Đoàn phòng thủ Côn Đảo ra đời vào những ngày cuối tháng Tám 1945 với khoảng 300 đội viên, do đồng chí phạm Hùng, Bí thư Đảo ủy trực tiếp phụ trách. Ban chỉ huy còn có các đồng chí Phan Trọng Tuệ, Quỳnh Tây (Ngô Ngọc Du), Văn Viên và Thành Ngọc Quản. Vũ khí lúc đầu có vài chục khẩu súng lục tước được của Lê Văn Trà và hơn chục khẩu súng trường “mượn” của anh em bảo an. Anh em công xưởng (Bản Chế) ngày đêm rèn giáo mác, mã tấu để trang bị cho Đoàn phòng thủ. Một số đồng chí đã từng là du kích Bắc Sơn được cử ra huấn luyện quân sự. Anh em bảo an cũng giúp việc huấn luyện. Hàng ngày Đoàn phòng thu luyện tập, đi lại rầm rập trên các khu phố. Khí thế cách mạng bừng bừng, xua tan bầu không khí ảm đạm bao trùm Côn Đảo trong hơn 80 năm qua.

Đồng chí Tôn Đức Thắng cùng với một số anh em thợ giỏi đi làm việc suốt đêm ngày, quyết tâm sửa bằng được chiếc rađiô để nghe tin tức và sửa chiếc canh để liên lạc với đất liền. Tổ thợ máy chế tạo nhiều phụ tùng thay thế, trong vòng một tuần đã đại tu xong chiếc canô bị hư hỏng nặng.

Một buổi sáng đẹp trời, Côn Đảo bừng lên một tin vui: chiếc rađiô đã được sửa xong. Hàng chục mái đầu tù hồi hộp chụm quanh chiếc rađiô đang thu sóng điện. Tất cả lặng đi khi bắt gặp làn sóng điện một đài nước ngoài đang phát lại nội dung bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 và công bố danh sách Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiếng nói của một dân tộc đã thực sự giành được tự do, độc lập như một luồng điện lan truyền trong những người tù Côn Đảo. Những giọt nước mắt nóng bỏng tuôn trào trên gò má sạm nắng của người thợ máy Tôn Đức Thắng.

Đảng ủy Côn Đảo tổ chức ngay một cuộc mít tinh chào lá cờ đỏ sao vàng, mừng nước nhà độc lập, sau đó chia thành nhiều đoàn tuần hành biểu dương lực lượng trên các ngả đường Côn Đáo. Lời thề bảo vệ độc lập tự do đã khắc sâu trong lòng các chiến sĩ Côn Đảo.

Tình huống thực dân Pháp quay trở lại đặt nền thống trị đã được dự kiến với quyết tám chiến đấu đến cùng. Có lần một máy bay B.26 của Pháp sà xuống rất thấp phía mé biển Côn Đảo, lập tức hàng trăm chiến sĩ mang gậy gộc, giáo mác ào ào xông ra chuẩn bị chiến đấu đánh quân đổ bộ với lời thề: “Thà chết, quyết không chịu ở tù lần nữa!”

Đảng ủy chỉ đạo tổ chức các đoàn thể quần chúng như Thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc nhằm giáo dục vận động số công chức, gác ngục và gia đình họ theo đường lối của Mặt trận Việt Minh. Một số em thiếu nhi, con của những công chức tiến bộ đã được Đảng ủy sớm chú ý giáo dục lòng yêu nước, giáo dục thái độ đúng đắn với tù chính trì và tổ chức các em vào Thiếu thi cứu quốc.

Đảng ủy chủ trương dẩy mạnh công tác tuyên truyền và huấn luyện nhằm đào tạo gấp một đội ngũ cán bộ cho Đảng. Ban tuyên huấn Đảo ủy biên soạn chương trình Việt Minh, chương trình quân sự và chính trị cơ bản huấn luyện cho anh em. Rút kinh nghiệm sau nhiều năm đào tạo và hoạt động, Đảng ủy đã chú trọng đào tạo những cán bộ vừa có lý luận, vừa có năng lực hoạt động thực tiễn, biết cách tổ chức và vận động quần chúng. Đó là một bước tiến trong việc huấn luyện và đào tạo cán bộ trong tù.

Đồng chí Lê Văn Lương, Đảo ủy viên được phân công trực tiếp chỉ đạo xuất bản tờ báo Độc Lập để góp phần phổ biến đường lối chính sách của Đảng ta và của Mặt trận Việt Minh. Ban biên tập có các đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Đình Trọng, Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Mạnh Hoan, Sư Thiện Chiếu… Báo in thạch được khoảng 20 bản. Vì không có giấy khổ lớn nên phải in trên nhiều trang giấy học trò, khổ nhỏ như cuốn tạp chí; trang đầu in hai chữ Độc lập thật to, tiếp theo là bài xã luận nhan đề: Kiên quyết bảo vệ Độc lập – Tự do của Tổ quốc.

Rước chính trị phạm về đất liền

Ngay sau khi giành được chính quyền ở Sài Gòn, Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập cuộc họp ngay trong đêm 25-8-1945 để bàn việc tổ chức chính quyền cách mạng. Quyết định đầu tiên của Xứ ủy là phải lập tức giải phóng Nhà tù Côn Đảo và tổ chức đón các chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo trở về. Hai đồng chí Đào Duy Kỳ và Nguyễn Công Trung vừa ở Côn Đảo về trong chuyến tàu ngày 25-8-1945 được giao nhiệm vụ này. Một ủy ban ủng hộ chính trị phạm được thành lập tại trụ sở báo Dân Chúng.

Bọn Pháp ở Sài Gòn đã câu kết với bọn Nhật đang đóng quân chờ giải giáp phá hoại việc tìm kiếm tàu thuyền. Chúng xui bọn Nhật tịch thu mất chiếc tàu Đờ Lanétxăng (De Lanessan) mà anh em công nhân Cảng Sài Gòn đã kéo về sửa chữa để đón tù chính trị. Được sự chỉ đạo trực tiếp của ủy ban hành chánh Nam Bộ và sự giúp đỡ tận tình của chính quyền cách mạng tỉnh Gò Công, ủy ban ủng hộ chính trị phạm đã huy động được chiếc tàu Phú Quốc cùng 32 chiếc ghe bầu chuyên đi biển. Đồng chí Chủ tịch ủy ban hành chánh Nam Bộ Trần Văn Giàu còn ký quyết định huy động 2 chiếc tàu kéo để nhanh chóng đưa đoàn ghe về địa điểm tập kết. Anh em công nhân Cảng Sài Gòn đã làm việc đêm ngày, tu sửa thật tốt con tàu Phú Quốc để sớm ra đón tù chính trị.

Ngày 12-9-1945, hai chiếc tàu kéo rời bến đưa đoàn ghe từ Vàm Láng (Gò Công) về tập kết tại cửa biển Đại Ngãi (Sóc Trăng), nơi thuận gió để giong buồm ra Côn Đảo. Anh Lý Văn Chương, một quần chúng cảm tình, ủy viên ủy ban ủng hộ chính trị phạm được cử phụ trách đoàn ghe. Đồng chí Tương Dân Bảo là đặc phái viên của ủy ban hành chánh Nam bộ ra rước anh em tù chính trị đi trên tàu Phú Quốc. Biết tin có đoàn ghe đi rước chính trị phạm, ủy ban hành chánh tỉnh Mỹ Tho và ủy ban hành chánh huyện Trà Ôn (Cần Thơ) đã mua trên 10 tấn gạo và thực phẩm gửi ra tiếp tế cho các đồng chí ở Côn Đảo.

Được sự hướng dẫn của đồng bào đánh cá vùng này, 5 giờ sáng ngày 16-9-1945, đoàn ghe nhổ neo, căng buồm ra Côn Đảo. Gần trưa, một cơn giông lớn ập đến, sóng gió dữ dội đánh tan đội hình đoàn ghe, có chiếc lạc đến tận cù lao Nam Sa, có chiếc dạt về Cồn Nốc. Anh em thủy thủ phải hạ buồm, lựa theo con sóng mà lái. Một thủy thủ bị cánh buồm gạt phăng xuống biển, sóng cuốn đi mất tích. Trận giông lớn làm lạc mất 7 chiếc ghe và làm các thủy thủ đều say sóng mệt lả nhưng 25 chiếc ghe còn lại đều quyết tâm ra Côn Đảo. 19 giờ ngày 16-9-1945, hai chiếc ghe đi đầu đã cập bãi Cỏ Ống – Côn Đảo. Tàu Phú Quốc cũng đến Cỏ Ống trong đêm ấy. Một số ghe bị dạt về Cồn Nốc nhờ đồng bào cư dân ở đây giúp đỡ đã sửa lại neo buồm và tiếp tục trở ra Côn Đảo trong những ngày sau đó.

Thấy tàu lạ, tổ quan sát ở Cỏ Ống lập tức cử người băng rừng về Côn Đảo báo cáo ngay trong đêm. Đoàn phòng thủ Côn Lôn được lệnh triển khai lực lượng chiến đấu. Suốt đêm hôm ấy Ban chỉ huy lo bố trí lực lượng theo phương án đánh quân đổ bộ trên 3 tuyến phòng thủ. Trong khi đó, tổ quan sát ở Cỏ Ống cử một số chiến sĩ dùng thuyền thúng áp sát tàu để điều tra mới biết là tàu của Chính phủ ra đón tù chính trị.

Tổ quan sát cứ người về ngay Côn Đảo báo cáo lúc rạng sáng ngày 17-9-1945. Đồng chí Tôn Đức Thắng cùng cùng đồng chí Lã Vĩnh Lợi được Đảo ủy cử sang Cỏ Ống đưa đoàn tàu thuyền và phái đoàn của Chính phủ về cầu tàu trong tiếng hò reo vang dậy. Cờ, khẩu hiệu và người chen nhau chật cầu tàu Côn Đảo. Cuộc mít tinh diễn ra ngay tại chỗ, nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu của Chính phủ. Đồng chí Tưởng Dân Bảo gặp lại những người bạn tù năm xưa, ôm nhau mừng đến rơi nước mắt.

Buổi chiều ngày 17-9-1945, cuộc mít tinh chính thức được tổ chức trọng thể tại sân banh Côn Đảo. Lễ đài được dựng trang nghiêm hướng về phương Bắc. Đồng chí Tưởng Dân Bảo đọc quyết định của ủy ban hành chánh Nam Bộ về việc đón chính trị phạm Côn Đảo và tuyên bố: Từ giờ phút này, Côn Đảo là một mảnh đất hoàn toàn tự do và độc lập. Tham tá Lê Văn Trà nộp ấn tín của nhà ngục Côn Đảo lên vị đại diện của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Một loạt súng nổ vang cùng những tiếng hò reo như sấm rền trên Côn Đảo giải phóng.

Các đại biểu của Đảo ủy, của Đoàn phòng thủ Côn Lôn, đại diện Thanh niên cứu quốc và Thiếu thi cứu quốc Côn Đảo đã phát biểu trong cuộc mít tinh. Trên 2.000 người dự mít tinh và chia thành nhiều đoàn tuần hành qua cát ngả đường và hò vang các khấu hiệu cách mạng. Những đảng viên người Hoa và những người tù chính trị Campuchia cũng hân hoan hát những bài ca bằng tiếng Trung Hoa và tiếng Thơm.

Trong giây phút thiêng liêng của tự do và độc lập, mọi người đều ngậm ngùi tưởng nhớ đến hàng ngàn người con ưu tú đã hy sinh trong những năm tháng khủng bố ác liệt của kẻ thù. Anh em tù chính trị chia nhau đi viếng mộ và tạc bia cho các đồng chí của mình. Lối chôn tù vô nhân đạo của bọn chúa ngục làm cho việc tìm mộ từng người rất khó khăn. Gió cát đã xóa đi dấu vết riêng biệt của từng ngôi mộ. Hàng ngàn nấm mộ chỉ còn là những mô cát nhấp nhô. Nhiều gò cát bị mưa gió làm xói lở để lộ ra từng mảng xương trắng xám. Đoàn đại biểu của Chính phủ cùng với các thủy thủ đã kính cẩn đặt vòng hoa trên mộ nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh và mộ đồng chí Lê Hồng Phong. Không ai cầm được nước mắt khi đứng trước hàng ngàn nấm mồ vô danh của nhiều thế hệ, giữa một vùng cát vàng, xương trắng mênh mông.

Được tin Chính phủ ra sắc lệnh xây dựng Quỹ độc lập và tổ chức Tuần lễ vàng (4-9-1945), Đảo ủy đã thành lập Ban vận động quyên góp tiền và vàng đóng góp cho nước nhà. Các đoàn thể Thanh nên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc cũng tích cực tuyên truyền vận động. Nhiều công chức, ma tà vừa được trở thành công dân của một nước độc lập đã tháo cả nhẫn vàng, dây chuyền ra đóng góp cho cách mạng. Chỉ trong mấy ngày, Ban vận đóng đã thu được một số tiền và vàng trị giá 2.000 đồng (tiền Đông Dương) đem về góp cho Chính phủ.

Đảo ủy lập danh sách toàn bộ tù chính trị để đưa về đất liền. Những người tù chính trị người Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan cùng một số tù tường phạm và công chức đã giác ngộ cũng được bố trí đưa về đất liền. Đảo ủy còn lập một danh sách những đảng viên trung kiên, đã được thử thách trong tù để giới thiệu với Đảng. Anh em thủy thủ tích cực tu sửa thuyền buồm cho chắc chắn.

Rạng sáng 23-9-1945, tàu Phú Quốc cùng 25 chiếc ghe bầu đá nhổ neo đưa 1.800 tù chính trị trở về đất liền. Chiếc canô mà anh em tù chính trị đã chữa lại được mang tên Giải phóng, do chính tay người thợ máy Tôn Đức Thắng lái đưa một số đồng chí trong Ban lãnh đạo trở về. Đảo ủy phân công một đồng chí ở lại lãnh đạo những anh em tù còn chờ chuyến tàu sau. Tháng 9 biển thường nổi giông, đoàn ghe lại bị một trận sóng to gió lớn giữa biển như để thử thách cả đoàn thủy thủ và đoàn tù chính thức trên đường trở về. Chiếc canh Giải phóng bị đánh văng mất một thùng dầu.

Toàn bộ danh sách Đảo ủy bố trí đưa về khoảng 2.300 người. Tàu Phú Quốc chỉ chở được hơn 400, môi ghe chở được từ 40 đến 60 người, chiếc canh chở 13 người. Còn lại khoảng 500 người, tàu Phú Quốc phải ra chuyến nứa mới chở hết. và làm vỡ chiếc la bàn mà đồng chí Tôn Đức Thắng tự chế. Sóng lớn nhồi lắc làm nước cặn trong đáy thùng dầu nổi lên, khiến máy bị chết nhiều lần. Tổ thợ máy vừa lái canh vừa thay nhau xả cặn nước trong máy và chăm sóc các đồng chí say sóng ói mứa. Từ khi vỡ la bàn, đồng chí Tôn Đức Thắng không rời tay lái, nhằm bướng gió mà cắt sóng trở về phía đất liền.

Chiều 23-9-1945, tàu Phú Quốc và những chuyến ghe đầu tiên đã cập bến Đại Ngãi (Sóc Trăng) trong sự tiếp đón nồng nhiệt của Đảng bộ và nhân dân địa phương. Chiếc canô Giải phóng sau nhiều lần trục trặc trên biển đã được đồng chí Tôn Đức Thắng điều khiển chạy vào cửa biển Mỹ Thanh. Bác Tôn là người cầm lái vĩ đại không phải chỉ trên chiếc canh này mà trong suốt 15 năm trong ngục Côn Đảo. Bên cạnh Bác là hai chàng trai trẻ Lê Văn Lương – Phạm Hùng đầu đội án ghém, gan góc và thông minh khiến cả dám gác ngục Tây – ma tà đều kính nể, nhưng với đồng chí mình thì rát đỗi thân thương. Lê Văn Lương nắm chặt tay Phạm Hùng, ngắm nhìn gió biển lướt trên mái tóc bạc bồng bềnh của Bác Tôn trong bình minh của Tự do – Độc lập.

Đồng bào ở các cửa biển được chính quyền cách mạng thông báo trước đã căng cờ, khẩu hiệu đón tù chính trị từ nhiều ngày. Canh còn cách bờ hơn một cây số, ghe xuồng ở trong đất đã lao ra vây quanh đón anh em tù chính trị. Nhiều đồng chí lả đi trên tay đồng bào. Các bà má và các chị phụ nữ không ai cầm được nước mắt.

Đêm hôm ấy được tin từ Sài Gòn báo về, bọn Pháp phản động đã nổ súng đánh phiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai. Đồng chí Phạm Hùng và một số đồng chí trong Đảo ủy vội lên xe về ngay Sóc Trăng để gặp Xứ ủy nhận nhiệm vụ. Đồng chí Tôn Đức Thắng cùng hai người thợ máy là Nguyễn Hùng Minh và Nguyễn Hồng Phước cũng lên canô về Cần Thơ ngay trong đêm.

Theo đề nghị của Đảo ủy Côn Đảo, những đồng chí ở Nam Bộ được bố trí trở về quê và được Xứ ủy giới thiệu với chính quyền địa phương để tham gia công tác. Hàng trăm đồng chí quê ở miền Bắc dều tình nguyện ở lại tham gia cuộc kháng chiến theo lời kêu gọi của Xứ ủy và ủy ban hành chánh Nam Bộ.

Đồng chí Tôn Đức Thắng cũng nhận nhiệm vụ ngay, không kịp ghé thăm người vợ yêu quý và hai người con gái lúc ấy đang ở cách Cần Thơ chỉ vài chục cây số. Mười bảy năm ở tù, từng ngày từng giờ đấu tranh chống lại cùm xiềng và đày ải đồng chí hiểu hơn hết giá trị của độc lập, tự do, cần phải bảo vệ bằng “tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” của mình, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập.

Tàu Phú Quốc trở ra đảo một chuyến nữa đón ngay các đồng chí còn ở lại Côn Đảo. Do tình hình trong đất đang phức tạp, những người tù thường phạm chưa được đón về, nhưng họ được coi như những công dân tự do giống như những người công chức, ma tà trên hòn đảo này. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đại diện của Việt Minh ra lần này hướng dẫn những người tù thường phạm và công chức, ma tà còn ở lại tổ chức chính quyền trên đảo. lviặc dầu chính quyền mới còn nhiều hạn chế, ủy ban hành chánh Côn Đảo đã được bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu thay thế cho bộ máy trị tù của thực dân Pháp trước đây.

Gần 2.000 tù chính trị ở Côn Đảo trở về đã tăng cường một lượng cán bộ lãnh đạo rất to lớn cho Đảng ta. Hàng trăm đồng chí được cử vào cương vị lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy, Khu ủy, Tỉnh ủy, ủy ban hành chánh kháng chiến các cấp và trong lực lượng vũ trang trong hí”ng ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở sam Bộ. Cũng chính những người tù này không đầy 9 năm sau đã cùng với quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động dịa cầu, đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp ở Đông Dương.

Nguồn: Lịch sử nhà tù Côn Đảo 1862 – 1975

Xem thêm:

Nhà tù Côn Đảo từ 1862 đến 1930

Nhà tù Côn Đảo từ năm 1930 đến trước Chiến tranh Thế giới Thứ Hai (1939)

Rate this post

Để lại một bình luận