Nhà lưu niệm Đông Hồ Hà Tiên

Nhà lưu niệm Đông Hồ lưu giữ rất nhiều bút tích, tác phẩm và di vật gắn liền với cuộc đời của Nhà thơ – Nhà văn hóa Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết. “Núi Mộng”, “gương Hồ” là cách gọi ví von cho đôi tài tử giai nhân Mộng Tuyết – Đông Hồ một thời làm rạng rỡ nền văn học đất Phương Thành xưa, nay là thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Những ai yêu thơ văn, đến Hà Tiên cũng phải ghé lại “ngôi nhà thơ” bên dòng Đông Hồ thơ mộng…

Về nhà thơ Đông Hồ

Đông Hồ tên thật là Lâm Tấn Phác, tự Trác Chi, sinh năm 1906 tại Hà Tiên. Gia tộc ông vốn gốc người Phúc Kiến sang Việt Nam đã bảy đời – có lẽ cùng lúc với Mạc Cửu. Mấy đời đều sống ở ven Đông Hồ Ẩn Nguyệt, một trong Hà Tiên thập cảnh trong thơ Mạc Thiên Tích. Và khi chết đều được chôn trên núi Tô Châu, cạnh Đông hồ.Cả thi sĩ Đông Hồ, khi chết ở Sài Gòn được chôn ở Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, đến sau năm 1975 nghĩa trang này giải tỏa, hài cốt thi sĩ cũng được đưa về cải táng trên lưng chừng núi Tô Châu! Vì vậy khi bắt đầu làm thơ, Lâm Tấn Phác lấy bút hiệu Đông Hồ. Ông còn ký các bút hiệu Đại Ẩn Am, Thủy Cổ Nguyệt, Nhị Liễu Tiên Sinh (nhà ông lúc nào cũng trồng hai cây liễu trước cổng.

Ảnh kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Bính – Đông Hồ – Mộng Tuyết

Bây giờ trước nhà lưu niệm ông cũng có hai cây liễu). Lâm Tấn Phác mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bác là Lâm Hữu Lân nuôi dạy và lo chuyện vợ con. Người vợ đầu – Linh Phượng do người bác dâu chủ động tác hợp cho ông, chết khi mới vừa 20, để lại cho ông một con gái. Trong bài Lệ ký Linh Phượng, Đông Hồ khóc vợ với những câu thống thiết, cùng với bài Giọt lệ thu của nữ sĩ Tương Phố khóc chồng đăng cách nhau mấy số trên Nam Phong tạp chí năm 1928 đều là những áng thơ văn đặc sắc, cực kỳ nổi tiếng trước thời kỳ Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn. “Hai giọt lệ” này đã làm xao động biết bao con tim, lấy bao nước mắt nữ độc giả và đã trở thành giai thoại văn chương bấy giờ. Một thời gian ngắn sau, Đông Hồ đã vâng lời ông bác tái giá với người chị thứ năm của Mộng Tuyết tên Nhàn Liên.

Nhưng chỉ mấy năm sau, bà Nhàn Liên lại mang bạo bệnh và mất khi tuổi đời cũng còn rất trẻ, để lại hai đứa trẻ thơ cùng với đứa con gái lớn của Linh Phượng cho một tay Thất Tiểu Muội chăm sóc. Và chuyện gì đến đã đến: Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, người học trò yêu, người bạn thơ trẻ trở thành Đông Hồ phu nhân.

Nhà lưu niệm Đông Hồ

Đi dọc theo bờ sông Đông Hồ, du khách sẽ thấy một ngôi nhà có chiếc cổng lạ mắt. Cánh cửa luôn khép hờ. Bên trong là khu vườn nhỏ trồng các loài hoa. Có cây liễu rủ mơ màng, che khuất tầm từ cổng vào nhà. Nhiều người gọi đó là “ngôi nhà thơ” – hiện là nhà lưu niệm thi sĩ Đông Hồ-Huỳnh Tấn Phác, ở số 46 đường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên. Ngôi nhà được xây dựng trên nền của Trường Trí Đức học xá ngày xưa.

Nhà lưu niệm có diện tích 350,8m2, được xây dựng trên khu vực “Trí Đức học xá” – khu đất của gia đình Đông Hồ trước đây (vốn có tổng diện tích là 6.600m2); phần còn lại đã được trưng dụng xây dựng nhà mẫu giáo. Trí Đức học xá là ngôi trường do ông Huỳnh Tấn Phác (Đông Hồ) xây dựng vào những năm 1926-1934 để dạy chữ và truyền đạt lòng yêu nước cho trẻ em ở địa phương.

Nhà lưu niệm hoàn thành vào năm 1995, đã trở thành một điểm đến tham quan, nghiên cứu “văn hóa Hà Tiên”, được cả nước và nhiều du khách nước ngoài tìm đến khi đến Hà Tiên. “Trí Đức học xá” là ngôi trường dạy chữ quốc ngữ tư thục đầu tiên của tỉnh Kiên Giang do Đông Hồ thành lập và điều hành. Đây cũng là nơi nhà thơ Nguyễn Bính, nguyên Trưởng ty Thông tin và Tuyên truyền tỉnh Rạch Giá (thủ trưởng đầu tiên và là ty tiền thân của Sở Văn hóa và Thể thao ngày nay) từng sinh sống trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Nhà lưu niệm Đông Hồ Hà Tiên

Trước nhà lưu niệm là vũng Đông Hồ thơ mộng – ngày trước đã từng đi vào thơ trong “Hà Tiên Thập Cảnh vịnh” với bài “Đông Hồ ấn nguyệt”. Vào đêm trăng, Đông Hồ càng thêm thơ mộng, lãng mạn. Có những lúc, mặt hồ phẳng lặng, bóng trăng in xuống dòng nước trong vắt, gợi bao cảm hứng cho khách yêu thơ suốt hàng thế kỷ. Bên kia sông là ngọn Tô Châu không cao lắm nhưng là điểm nhấn của phong cảnh đất Hà Tiên. Buổi chiều tà, Tô Châu in bóng Đông Hồ với những chuyến đò muộn gợi cảm giác như bức tranh thủy mặc. Hiện nay các di bút, tài liệu sách báo quý, di vật và ngôi nhà của thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết đang xuống cấp, hư hỏng cần được gấp rút đầu tư để xử lý, bảo quản tài liệu và sửa chữa nâng cấp.

Bên trong nhà lưu niệm Đông Hồ

Trước đây, Nhà lưu niệm do nữ sĩ Mộng Tuyết trực tiếp quản lý. Năm 2007, nữ sĩ qua đời, có di chúc để lại toàn bộ cho cô Phạm Thị Thanh Hoa (sinh năm 1947) giữ gìn và toàn quyền quản lý, phục vụ khách tham quan. Thời gian gần đây, cô Hoa sức khỏe đã kém, không có điều kiện về kinh tế để tiếp tục duy trì hoạt động và không đủ trình độ chuyên môn để bảo quản các hiện vật. Cô Hoa có trực tiếp gặp lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tiên, đề xuất nguyện vọng: Hiến tặng toàn bộ Nhà lưu niệm và di vật cho Nhà nước.

Ngôi nhà thơ Đông Hồ

Du khách đến “ngôi nhà thơ” được thỏa lòng tìm hiểu về cuộc đời, thân thế của đôi trai tài-gái sắc đất Phương Thành xưa. Du khách có thể ngồi trò chuyện, đọc sách suốt cả ngày, thậm chí vài ngày tại ngôi nhà này. Cô Hoa, cháu của nữ sĩ Mộng Tuyết, người trông giữ ngôi nhà này – vốn là một giáo viên dạy Văn đã về hưu- có thể tiếp chuyện với du khách bất cứ lúc nào. Cô nói: “Bà mất đi, ngôi nhà trống vắng lắm. Những lúc có khách viếng thăm, ngôi nhà như cũng đang có sự hiện diện của ông bà…”. Có những đoàn vài chục người từ nhiều nơi đến thăm chỉ để nhìn lại gian phòng nơi nữ sĩ Mộng Tuyết thường ngồi bên cạnh bàn thờ của thi sĩ Đông Hồ. Đó là một gian phòng nhỏ, trưng bày các bút tích, di ảnh, tác phẩm của đôi thi sĩ. Thơ văn của ông bà gắn với vùng đất quê hương của tao đàn Chiêu Anh Các nên rất hấp dẫn du khách yêu thích thơ. Lúc sinh thời, Mộng Tuyết-Thất Tiểu Muội thường tiếp khách yêu văn thơ tại đây. Nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Vũ Hạnh, Hoàng Trung Thông… thỉnh thoảng lại đến thăm “bà già thơ” rồi trò chuyện, tranh luận… Nhà lưu niệm hiện còn lưu giữ nhiều quyển sách quý, có những quyển xuất bản ở Pháp… phục vụ cho khách đến đọc, nghiên cứu tại chỗ.

Những kỷ vật trong nhà lưu niệm

Trước nhà là dòng sông Đông Hồ thơ mộng chảy từ biển đổ vào đầm Đông Hồ – ngày trước đã từng đi vào thơ trong “Hà Tiên Thập Cảnh vịnh” với bài “Đông Hồ ấn nguyệt”. Đêm trăng, Đông Hồ càng thêm thơ mộng, lãng mạn. Có những lúc, mặt hồ phẳng lặng, bóng trăng in xuống dòng nước trong vắt, gợi bao cảm hứng cho khách yêu thơ suốt hàng thế kỷ. Đến bây giờ, dòng sông ấy, mặt hồ ấy vẫn là niềm cảm hứng dồi dào cho thi nhân mặc khách. Bên kia sông là ngọn Tô Châu không cao lắm nhưng là điểm nhấn của phong cảnh đất Hà Tiên. Buổi chiều tà, Tô Châu in bóng Đông Hồ với những chuyến đò muộn gợi cảm giác như bức tranh thủy mặc. Đất Hà Tiên vẫn còn lưu câu chuyện truyền miệng về những nàng tiên từ trời cao xuống tắm trên dòng nước này.

5/5 - (4 bình chọn)

Để lại một bình luận