Hải đăng Bảy Cạnh được xây dựng từ năm 1884 nằm trên một hòn đảo nhỏ riêng biệt của cụm đảo Côn Đảo cách đảo Côn đảo khỏang 2km, hải đăng chính thức đi vào hoạt động năm 1885. Hải đăng Bảy Cạnh hoạt động trong tầm xa hơn 70km. Hải đăng có tác dụng chỉ vị trí hòn đảo Bảy Cạnh, quần đảo Côn Đảo. Hải đăng độc lập giúp tàu thuyền họat động trong vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng ra vào và xác định vị trí của mình.
THÔNG SỐ CHI TIẾT:
Tọa độ địa dư: 08o39’59.8”N – 106o42’22.1”E
Tầm hiệu lực (tọa độ địa lý)
- Ban ngày: 35 hải lý
- Ban đêm: 26.7 hải lý
Chiều cao
- Tháp đèn: 16m
- Tâm sáng: 212m
Đặc tính: ánh sáng
Màu sắc: ánh sáng trắng
Đăc tính chớp: Chớp nhóm 3, chu kỳ 20s
Màu sắc thân đèn: Trắng
Loại đèn
- Đèn chính: VMS-RB400.01
- Đèn phụ: TRB 220
Năm thiết lập: 1885
Để đến với hải đăng Bảy Cạnh, từ trung tâm huyện Côn Đảo, khách đi tàu hoặc ca nô ra biển theo hướng Đông Nam hơn 7km sẽ đến hòn Bảy Cạnh. Lần theo lối mòn đường rừng cây rậm rạp, đi bộ khoảng 1.300m với độ dốc khá lớn và nhiều khúc cua nguy hiểm, mất khoảng 30 phút lên đỉnh núi phía Đông sẽ đến hải đăng Bảy Cạnh.
Dọc đường đi lên hải đăng Bảy Cạnh, du khách bắt gặp nhiều loài thực vật rừng nhiệt đới, có nhiều bảng diễn giải môi trường giúp du khách tìm hiểu thêm về sự đa dạng của hệ sinh thái rừng Côn Đảo. Du khách cũng sẽ thích thú khi dễ dàng bắt gặp một số loài động vật đặc hữu ở Côn Đảo như: khỉ đuôi dài, sóc đen, gà rừng ngũ sắc… bay nhảy, chuyền cành trong đám cây rừng.
Ngọn hải đăng Bảy Cạnh còn có tên gọi khác là hải đăng Hòn Chớp, hay Đảo Đèn được xây dựng độc lập trên một ngọn núi cao hơn mặt nước biển hơn 200m của hòn Bảy Cạnh thuộc quần đảo Côn Đảo. Theo vị trí địa lý hàng hải, ngọn hải đăng Bảy Cạnh nằm ở một vị trí cực kỳ quan trọng, sát ngay với luồng hàng hải quốc tế. Do đó, ngoài việc thắp sáng, báo hiệu cho luồng tàu thuyền qua lại theo hướng Sài Gòn – Vũng Tàu – Kiên Giang, ngọn hải đăng này còn có nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế.
Trước đây, do nhu cầu vận tải bằng đường biển của quân đội Pháp, cũng như những tàu buôn của nước ngoài đến Việt Nam, người Pháp đã xây dựng hải đăng Bảy Cạnh và hoạt động vào năm 1885. Để xây dựng ngọn hải đăng Bảy Cạnh, quân đội Pháp đã bắt tù nhân Côn Đảo làm việc khổ sai, nhiều người đã phải bỏ mạng khi xây dựng công trình này.
Hải đăng Bảy Cạnh có tọa độ địa dư: 08o39’59.8”N -106o42’22.1”E. Ngọn tháp có 4 tầng, bên trong lòng tháp có cầu thang xoắn ốc với 55 bậc, một đèn phụ dự phòng trường hợp đèn chính bị hỏng. Tháp hải đăng Bảy Cạnh chỉ cao 16m, nhưng nằm trên đỉnh núi cao hơn 200m nên tầm hiệu lực chiếu sáng tới 26,7 hải lý vào ban đêm, tâm sáng 212m, cùng với tín hiệu ánh sáng trắng chớp nhóm 3 với chu kỳ 20 giây đã quét ánh sáng khắp vùng biển Côn Đảo với bán kính hơn 70km.
Hải đăng Bảy Cạnh hiện do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam Bộ (thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam) quản lý, vận hành. Anh Dương Văn Đức – cán bộ Trạm hải đăng Bảy Cạnh cho biết, ngọn hải đăng này tuy có “tuổi đời” 134 năm, nhưng vẫn hoạt động rất tốt. Khi khách đến tham quan, anh Đức tự hào giới thiệu cho khách biết về lịch sử xây dựng, nguyên lý hoạt động của ngọn hải đăng… “Các du khách rất thích nghe giới thiệu về hải đăng và khám phá nơi đây. Chính vì vậy, chúng tôi có động lực để làm việc. Bởi, trạm ở trên núi cao, đèo dốc, cách xa đảo lớn Côn Sơn, việc đi lại khó khăn nhất là mùa biển động. Tuy làm việc, sinh hoạt trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhưng vì yêu nghề nên anh em luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”, anh Đức chia sẻ.
Hàng đêm, luồng ánh sáng của hải đăng Bảy Cạnh không chỉ luôn soi rọi, làm cột mốc hoa tiêu chỉ dẫn tàu hàng lưu thông an toàn qua luồng hàng hải quốc tế, làm “điểm chuẩn” xác định vị trí cho tàu đánh cá của ngư dân hoạt động trên vùng biển Côn Đảo, mà ngọn hải đăng này còn là “mắt thần vạn dặm” phục vụ cho nhiệm vụ canh giữ biển, đảo thân thương trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.