Nghề chế tác huyền Hà Tiên được hình thành từ thế kỷ XVIII, đây là một nghề thủ công mang đậm tính truyền thống dân gian qua dụng cụ chế biến và mẫu mã sản phẩm. Nghề chế tác huyền Hà Tiên hẳn cũng có mối quan hệ mật thiết với tiến trình thành lập đất Hà Tiên và quá trình giao lưu văn hóa.
Các nghề thủ công truyền thống ở Hà Tiên có tính độc đáo và mang đặc trưng riêng, có thể kể đến một nghề đặc sắc nhất ở đây là nghề “huyền”, theo quan niệm của người dân địa phương thì đeo các sản phẩm này có khả năng trừ được gió độc. Đặc biệt hơn, nghề này đã gắn liền với lịch sử phát triển và văn hóa của vùng đất Hà Tiên. Với sự hướng dẫn của TS. Lê Huỳnh Hoa, học viên cao học Lâm Trần Thứ, Trường đại học sư phạm TP.HCM đã có một nghiên cứu sâu về nghề này ở Hà Tiên.
Tạo ra sản phẩm độc đáo từ “tinh quang của đá đen”
Theo các tài liệu đã ghi chép, nghề “huyền”ở Hà Tiên đã có từ khoảng thế kỷ XVIII. Sách Phủ Biên Tạp Lục viết: “Loại huyền phách được sản xuất ở trấn Hà Tiên. Khối hổ phách cũng giống như khối đồng nhưng đen nhưng sắc. Người ta thường nói: đeo thứ huyền phách này vào người thể trừ được gió độc và cũng có thể dùng thứ huyền phách ấy làm chuỗi trường hạt để niệm kinh”. Sách Gia Định Thành Thông Chí đề cập đến “huyền phách” như sau: “Ở đảo Phú Quốc, trên núi có thứ huyền phách ấy là tinh quang của đá đen, sáng đẹp như đồ sơn mài dùng làm ngọc đeo, có thứ lớn đường kính đến 3 tấc, ta có thể khắc chạm làm hộp trầu và cốc đĩa rất quý giá”. Còn sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn thì nhắc đến “huyền phách, sắc óng ánh như sơn”. Tất cả các ghi chép trên đều khẳng định “huyền” là một trong số những sản vật độc đáo của trấn Hà Tiên xưa.
Không ai còn biết chính xác được nghề “huyền” ở Hà Tiên có từ khi nào, chỉ biết rằng nghề chế tác “huyền” là nghề được khởi sinh tại Hà Tiên chứ không phải do từ nơi khác đem đến. Nhưng khi được hỏi đến vị tổ sáng lập ra nghề “huyền” Hà Tiên thì không ai còn nhớ , chỉ biết “hằng năm người thợ huyền cũng có lễ cúng tổ nghề vào ngày mùng 3 tết, một ngày giỗ chung của nhiều ngành nghề khác nhân đầu năm mới”.
Chế tác “huyền” là một nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, các thao tác sản xuất đều bằng tay, dụng cụ tương đối đơn giản. Nghề thủ công này có mối quan hệ mật thiết với tiến trình thành lập đất Hà Tiên và quá trình giao lưu văn hóa ở vùng đất này.
Trong quá trình khai phá Hà Tiên xưa, phần lớn là lưu dân người Việt vùng Thuận Quảng đến đây theo đường biển, họ mang theo một số nghề truyền thống của quê nhà như: ủ nước mắm, chế tác đá và đồi mồi…ở nơi định cư mới. Khi đến vùng Phú Quốc họ bắt gặp những mẩu “đá huyền” lộ thiên nên thu nhặt và ứng dụng phương pháp chế tác đục đẽo đá vào một chất liệu mới. Với sự nhẫn nại, cần cù và đôi bàn tay khéo léo cùng với các công cụ thô sơ của người miền biển như: dao, rựa, da cá đuối phơi khô, họ đã từng bước đục đẽo, cắt gọt khối huyền thô, chế tác thành những món nữ trang xinh xắn, đơn giản như vòng đeo tay, hoa tai…Dần dần nghề chế tác “huyền” được hình thành, sản phẩm “huyền” trở thành hàng hóa có giá trị cao, đem lại nguồn thu nhập về kinh tế và nét văn hóa đặc trưng cho vùng đất này.
Ngoài nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, người làm nghề cần phải có kinh nghiệm khai thác “đá huyền”. Mỏ “huyền”phải khai thác đúng theo thời tiết, người thợ phải biết coi tuổi, coi gân, độ đen, sắc màu của khối huyền thô; nhất là phải biết phân biệt với đá đen, vì đá đen nặng và đen hơn nhưng không có độ lấp lánh. Chính nguồn nguyên liệu, kinh nghiệm chế tác và lòng yêu nghề của người dân Hà Tiên đã tạo nên một nghề thủ công truyền thống đặc biệt ở nơi này – nghề “huyền”.
Khi Hà Tiên không còn là một thương cảng phồn thịnh nữa, công cuộc mua bán với nước ngoài chuyển lên vùng Sài Gòn, Chợ Lớn; một số nghề thủ công mỹ nghệ khác, như đồi mồi đã chuyển hướng phát triển lên vùng đất mới hứa hẹn nhiều tiềm năng. Riêng giới thợ “huyền” Hà Tiên vẫn bám trụ tại quê nhà, phần lớn là vì nhu cầu nguyên liệu. Người thợ “huyền” Hà Tiên vào nghề phần lớn do nghề truyền thống gia đình, nối nghiệp tổ tông. Mỗi gia đình, mỗi nhóm thợ đều có người thợ cả thường là các gia trưởng điều hành sinh hoạt chung. Họ cũng là người kế thừa nghề nghiệp của cha ông mình. Chính đây là giai đoạn định hình để nghề huyền ở Hà Tiên thật sự trở thành một nghề truyền thống của địa phương.
Khôi phục một nghề truyền thống
Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, nghề “huyền” ở Hà Tiên có nguy cơ mai một, vì vậy cần có các giải pháp để khôi phục. Đối với nghề “huyền”, đầu ra cho sản phẩm chính là yếu tố kích cung quan trọng hàng đầu. Việc đầu tiên là tìm các đầu mối tiêu thụ mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại các khu du lịch ở Hà Tiên, sau đó mở rộng ra toàn tỉnh và cả nước. Sản phẩm “huyền” chủ yếu là đồ trang sức và vật dụng mang tính trang trí, kỷ niệm vì vậy nơi tiêu thụ thích họp nhất là các địa điểm du lịch. Từ đó, có thể tìm kiếm thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, trước hết là các quốc gia gần gũi đã từng là khách hàng quen thuộc của sản phẩm “huyền” Hà Tiên như Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản. Đồng thời cũng cần phải nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để cải tiến mẫu mã, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu và xu hướng thị trường ngày nay.
Ngoài ra, nguồn vốn phục vụ sản xuất hiện cũng là vấn đề bức xúc của các nghề sản xuất thủ công truyền thống, trong đó có nghề “huyền”. Thu hút vốn đầu tư để khôi phục nghề “huyền” không khó nhưng quan trọng là vấn đề sử dụng hiệu quả đồng vốn, muốn thế cần phải có sự đầu tư, nghiên cứu để tìm giải pháp. Nguồn vốn có thể là vốn đầu tư của tư nhân trong nước từ các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Cũng có thể là sự hỗ trợ từ phía nhà nước để đảm bảo mục đích bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Như vậy, cũng có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống hoặc quỹ phát triển các di sản văn hóa dân tộc.
Về nguyên liệu sản xuất, giới thợ “huyền” cần phải tìm kiếm nguồn “huyền” thô trong nước. Trước hết là cần phục hồi hoạt động các mỏ “huyền” sẵn có ở Phú Quốc, sau đó tìm kiếm sang các tỉnh khác. Tuy nhiên, việc tìm kiếm khai thác cũng phải tuân thủ pháp luật, chú ý bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của đất nước. Việc truyền dạy nghề cần hướng đến mục đích đào tạo đội ngũ “thợ huyền” không chỉ hoạt động sản xuất kiếm sống mà còn có ý thức bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống của địa phương nói riêng, của Việt Nam nói chung. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm mở một số lớp dạy nghề thủ công chế tác “huyền”, mời các nghệ nhân đến truyền dạy.
Quý khách có thể liên hệ địa chỉ:
1. Huyền Hà Tiên, số 59B đường Lam Sơn, phường Bình San, thành phố Hà Tiên. ĐT: 02973.952.441
2. Đồi Mồi Hà Tiên, số 18 Tuần Phủ Đạt, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên. ĐT: 02973.852195 – DĐ: 0918.124.392