Nấm tràm Phú Quốc

Không chỉ được biết đến là một địa điểm du lịch hấp dẫn, Phú Quốc còn hấp dẫn thực khách với những món ngon dân dã. Trong đó có nấm tràm, đây là loại nấm ngon không thua kém gì với nấm rơm, nấm kim chi hay nấm bào ngư.

Nấm tràm – hương vị miền Tây

Nấm tràm có từ đầu mùa mưa, kéo dài khoảng 1 tháng thì hết mùa. Cây tràm thường được trồng nhiều ở những khu rừng ngập mặn, loại cây này thường rụng lá tạo thành lớp mùn, khi những cơn mưa đầu mùa về, từ lớp mùn đó xuất hiện những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út, còn gọi là nấm búp nhô ra khỏi lớp vỏ và lá tràm.

Những cái nấm màu tím thẫm dễ lẫn với màu lá sẫm của cây tràm nên cũng phải tinh mắt lắm mới phát hiện ra

Nấm tràm có màu tím như màu quả măng cụt, bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn 1 tháng của đầu mùa mưa, từ khi mọc đến lúc tàn, vòng đời của nấm tràm chỉ trong vòng 5 đến 7 ngày. Vì vòng đời phát triển của loại nấm này rất ngắn nên chúng ít có mặt trên thị trường như những loại nấm khác.

Không những mọc dưới lớp mùn của lá tràm, nấm tràm còn mọc lên dưới những cây tràm có tuổi đời từ 3 năm trở lên. Tai nấm tràm phía trên có màu sẫm tím, phía dưới và thân có màu trắng tinh. Đặc biệt, nấm tràm chỉ mọc khi trời ẩm ướt, khi có những cơn mưa giông lớn sau tháng ngày nắng hạn.

Đây là loại nấm tự nhiên nên người dân trên đảo Phú Quốc phải đi vào những khu đồng tràm để hái mang về đem chế biến.

Săn lượm nấm tràm tại Phú Quốc

Nấm tràm thường mọc ở những khu rừng tràm nước hoặc tràm bông vàng, vùng đất ẩm thấp có lớp lá không quá dày, lá tràm rụng che gần kín mặt đất, chỉ cần cầm một cành cây cào nhẹ lớp lá sẽ phát hiện những búp nấm đang nấp bên dưới.

Có khi chúng mọc rải rác từng búp, lúc lại mọc từng chùm trong gốc cây, trong lùm cỏ um tùm. Nếu không ai phát hiện và nhổ, những búp nấm sẽ bắt đầu bung mũ và nở to ra, màu tím nhạt dần. Từ lúc mới nhú khỏi mặt đất, nấm chỉ sống được 1 – 2 ngày, nên sau đợt mưa là người dân phải tranh thủ đi hái để không phải bỏ lỡ món quà tuyệt vời của thiên nhiên.

Khí hậu và thổ nhưỡng của Phú Quốc rất thích hợp cho nấm tràm sinh sôi

Săn nấm tràm, khi phát hiện 1 cây nấm, nên ngồi xuống dùng móc cào lá xung quanh, móc trong các gốc cây gần đó, vì nấm thường mọc gần nhau, có khi cả vạt đất toàn nấm, nấm mọc thành từng chùm, nấm mọc riêng từng cây, nấm nở có, nấm búp có… Gặp được vài vạt nấm là rất mau đầy giỏ.

Đặc điểm, công dụng và cách chế biến Nấm tràm

Đặc điểm: Nấm tràm có tai màu tím nhạt, tròn và béo múp, có hình dạng đa dạng. Khi mới nhú sẽ giống như búp tròn, khi lớn có hình như cái ô màu tím. Nói chung, nấm tràm bên ngoài màu tím nâu, bên trong màu trắng, hình dáng dễ thượng, vị đắng.

Cách làm nấm tràm hết đắng: Nấm tràm có vị đắng nên chỉ cần gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch lại, luộc chín rồi ngâm nước lạnh là có thể khử được vị đắng.

Món canh nấm sẽ mang lại một buổi ăn thật thú vị và đầy chất dinh dưỡng làm bạn sẽ không sao quên được Phú Quốc

Cách chế biến món ăn từ nấm tràm cũng đơn sơ, mộc mạc. Nấm tươi được nấu với hải sản như tôm, cá, mực. Nấm khô thì xào với bào ngư hoặc hải sâm. Có thể nấu nấm tràm với thịt gà, thịt lợn và trứng. Ví như món gà giò luộc vừa chín tới, cho nấm tươi mới hái vào. Nồi nước luộc gà sẽ trở thành món súp nấm thơm lừng.

Thịt gà thì được xé nhỏ chấm muối ớt ngon ngọt. Nhưng ngon nhất lại là những chén nước súp nấm nóng hổi. Nấm vừa chín ăn giòn, xốp càng nhai càng thấy vị ngăm ngăm đắng. Uống nước súp vị của nấm và gà lúc này mới thấy hết được cái đắng của nấm tràm.

5/5 - (3 bình chọn)

Để lại một bình luận