Đến với vùng đất Côn Đảo, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức lại hương vị thân thuộc trong kiểu chế biến hấp dẫn hơn, đó là mứt hạt bàng. Cây bàng là hình ảnh quen thuộc của hòn đảo này và với lượng hạt phong phú như thế thì người dân đã tận dụng để tạo nên đặc sản cho vùng đất mình.
Cây bàng Côn Đảo
Nếu ai từng đặt chân tới Côn Đảo, ắt hẳn đều có những cảm xúc riêng khi khám phá hòn đảo lịch sử này. Một trong những nét rất đặc trưng của Côn Đảo là những cây bàng cổ thụ hiện diện ở khắp nơi.
Không chỉ có ý nghĩa với người tù cách mạng, cây bàng còn hiện hữu rất nhiều trong đời sống người dân Côn Đảo. Bất kỳ một con đường, ngõ nhỏ nào ở đây đều có sự xuất hiện của loài cây này.
Ngày trước, cây bàng cùng tù nhân Côn Đảo vượt qua những năm tháng đấu tranh cách mạng ở chốn “địa ngục trần gian”. Bị bắt, bị tra tấn, bị bỏ đói nhưng các chiến sĩ vẫn không nản lòng, họ nhiều khi phải ăn lá bàng non để duy trì sự sống. Vì thế, trong các hệ thống trại giam, nhà tù Côn Đảo đến nay vẫn còn rất nhiều cây bàng cổ thụ, như một nhân chứng lịch sử bi hùng của dân tộc.
Bàng ở Côn Đảo tuy hứng chịu nắng gió, mưa bão khắc nghiệt nhưng vẫn dẻo dai, vững chãi và xanh tốt. Theo người dân địa phương thì khí hậu, thời tiết, môi trường đặc trưng ở Côn Đảo tác động nên cây bàng ở đây có gốc rộng hơn, vỏ cây xù xì, gân guốc hơn bàng trồng ở đất liền.
Ngoài việc tỏa bóng mát, bàng còn đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân nơi đây. Với lượng hạt phong phú thì người dân đã tận dụng để tạo nên đặc sản cho vùng đất mình.
Mứt hạt bàng
Hạt bàng khi thu về phải được phơi qua nhiều lần nắng để vỏ khô lại rồi mới đem đi chế biến. Người ta phải dùng phương pháp thủ công và thật khéo léo mới có thể giữ nguyên hình dáng của hạt. Khi chặt đôi quả, dao không được sâu quá mà chỉ cắt một phần rồi dùng tay để lấy từng hạt ra.
Nhân hạt bàng mới tách ra có màu nâu giống như màu gỗ. Sẽ có hai cách để chế biến thành mứt là rang muối hoặc ngào đường gừng. Nếu như kiểu rang muối chỉ đơn giản là xào hạt bàng cùng lượng muối vừa phải để ướm chút mằn mặn bên ngoài vỏ thì cách ngào đường có phần công phu hơn. Nước, đường và gừng xắt sợi sẽ là gia vị chính, người ta thả hạt bàng vào để xào thật nhanh tay giúp chúng không dính lại với nhau. Sau khi bên ngoài áo đều một màu nâu óng ánh thì thêm một lớp đường mỏng bọc thêm quanh hạt nữa mới hoàn thành.
Hạt bàng ở Côn Đảo có độ săn chắc và đầy thịt hơn hẳn. Khi nhai, ngoài cái giòn giòn, bùi bùi thì đọng lại vị giác của bạn sẽ là chút béo thơm dễ chịu. Lớp vỏ óng ánh mang đến cái ngòn ngọt cay the tinh tế khi ngào đường hay mằn mặn kích thích của kiểu rang muối. Chỉ cần một lần nhâm nhi, bạn sẽ trót mê mẩn mà không thể ngừng miệng.
Mứt hạt bàng dân dã, bình dị nhưng lại rất nhọc công khi thu nhặt và chế biến. Thêm vào đó, chỉ khi vào mùa thì lượng hạt mới có nhiều nên chúng thường được bán với mức giá tương đối cao. Hiện nay, nếu ở Côn Đảo thì mức giá có thể dao động từ 450k – 500k/kg và khi về thành phố thì có thể “nhỉnh” hơn đôi chút. Tuy có đắt nhưng với những ai sành ăn thì đây lại là món quà vặt vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng, ăn mãi không chán.
Mua mứt hạt bàng ở đâu?
Dạo quanh huyện đảo, mứt bàng có mặt ở hầu hết các sạp hàng bán đồ lưu niệm và đặc sản Côn Đảo. Nhắc đến mứt bàng là người dân đảo và du khách hầu như ai cũng đã từng nghe.
Hiện nay, trên mảnh đất Côn Đảo, bên cạnh những cây bàng cổ thụ đã hiện diện hàng trăm năm qua, còn có rất nhiều cây bàng được trồng trên các tuyến đường, công sở, trường học, ven biển… Đây là nguồn nguyên liệu để người dân đảo nhặt về chế biến món mứt bàng.