Mật ong rừng tràm U Minh Hạ

Mật ong được ví là cao của trăm thứ hoa – là một loại thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, thường dùng làm thuốc, làm thức ăn bồi bổ cho người già yếu, phụ nữ sau khi sinh và trẻ em suy dinh dưỡng. Theo các nhà khoa học, mật ong thường – tức là ong nuôi đã tốt, mật ong thiên nhiên rừng U Minh Hạ càng tốt hơn.

Dân gian thường gọi mật ong là Bạch Hoa cao hay Bạch Hoa tinh. Riêng nhà y học dân tộc nổi tiếng của Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác coi mật ong là cao của trăm thứ hoa.

Từ nhiều thế kỷ trước, mật ong đã là “thần dược” cho làn da và mái tóc của phụ nữ. Người nổi tiếng với phương pháp tắm sữa và mật ong để duy trì nét thanh xuân là nữ hoàng Ai Cập Cleopasta.

Theo các nhà khoa học, mật ong bao gồm khoảng 70 – 80% là đường, phần còn lại là nước và các khoáng chất như: Can xi, phốt pho, ma giê, enzin và một số axít khác. Mỗi gam mật ong chứa khoảng 320 calori, nghĩa là với mỗi thìa mật ong, cơ thể của chúng ta sẽ được cung cấp từ 15 – 20 calori. Điểm đặc biệt là đường trong mật ong có kết cấu đơn giản, dễ tiêu hóa hơn đường ăn, vì thế chúng giúp cải thiện hệ tiêu hóa tốt hơn cho sức khỏe. Nhiều chuyên gia y tế còn cho rằng mật ong chữa được bệnh tiểu đường, tốt cho tim và giúp cơ thể thư giản.

Ngoài ra, mật ong còn có tác dụng an thần, giúp ngủ ngon, chữa viêm họng, viêm thanh quản, nói khàn, ho, trị các vết bỏng nhẹ, chữa viêm loét dạ dày tá tràng, làm hồi xuân chữa bất lực, chống mệt mỏi, làm tinh thần phấn chấn, sát trùng răng miệng, giúp sáng mắt, giảm béo, trị hen suyển, chống lão hóa. Riêng trong lĩnh vực thẩm mỹ, do tính chất làm ẩm và bôi trơn, nên mật ong được dùng nhiều để làm các loại mặt nạ dưỡng da, hoặc được chế thành sáp để thoa môi chống nứt nẻ, làm mất nếp nhăn ở phụ nữ, giữ độ ẩm và tẩy đi những tế bào sừng hóa ở da.

Việt Nam là quốc gia có sản lượng ong nuôi lớn và rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu từ 2.000 – 3.000 tấn sang thị trường EU.

U Minh Hạ vốn nổi tiếng với thú rừng và mật ong từ xưa đến nay. Toàn bộ rừng U Minh Hạ là một cái kho nguyên liệu khổng lồ để ong làm mật – đó là hoa tràm. Mật ong ở rừng U Minh Hạ trong và vàng như nước cam. Mật đặc, rót vào chai không cần phểu. Mật không bị pha trộn, để lâu năm không đổi màu, không biến chất và không bị đọng đường.

Rừng U Minh Hạ có diện tích khoảng 30.000 ha và theo ước tính có sản lượng mật ong khoảng 1.000 tấn/năm, trong đó người dân đã thu hoạch được khoảng 700 – 800 tấn/ năm – chủ yếu là thu hoạch từ nghề gác kèo ong.

Đầu tháng 3 tháng 4 âm lịch, rừng tràm bắt đầu lác đác trổ bông. Bông tràm nhỏ nhắn, phủ trên ngọn tràm như mái tóc vừa ngã bạc. Từng chùm, từng chùm nhụy mềm mại, mùi thơm dịu, kín đáo lan nhẹ trong không gian, quyến rủ từng đàn ong bay đi hút mật từ những kèo gác trước đó cho ong làm tổ, mà họ gọi là đi “ăn ong”. Mật ong thu hoạch từ mùa này – tức là mùa nắng được xem là thứ mật tốt nhất và giá trị nhất. Một tổ ong một năm thu hoạch được 6 lần, mỗi lần từ 3 – 4 lít mật, cá biệt có một số tổ ong cho 10 lít mật mỗi lần thu hoạch. Những người gác kèo lành nghề có mức thu nhập 12% trong tổng thu nhập gia đình mỗi năm.

Công việc gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ là cả một nghệ thuật, từ chỗ nghiên cứu tính nết, tập quán của đàn ong, dần dần người ta rút ra kinh nghiệm và đi đến thành tHạo trong việc lấy mật mà người ngoài cuộc khó tưởng tượng được. Kèo là một nhánh tràm dài hơn thước, một đầu có cái nhánh con dùng làm cái mấu. Sau khi chọn được chỗ thích hợp, người thợ rừng gác chiếc kèo chênh chếch lên cây tràm xong, phải dọn sạch cành lá xung quanh để khi lấy mật khỏi phải vướng.

Thời gian gác kèo lý tưởng nhất là vào khoảng giữa tháng 11 âm lịch, để những cơn mưa muộn cuối mùa rửa sạch mùi sắt ở chỗ 2 đầu bị dao chặt và nhánh kèo ong cũng đủ thời gian khô đi giống như những nhánh khô khác trên cây. Nếu chiếc kèo nào còn mùi sắt của con dao mới chặt thì con ong không bao giờ làm tổ.

Những người gác kèo ong mật ở rừng U Minh Hạ, tập hợp lại thành một tổ chức gọi là tập đoàn phong ngạn. Mỗi tập đoàn như vậy khoảng vài chục người, có luật lệ hẵn hoi. Theo đó, nếu ai vi phạm ( ăn trộm ong) của người khác bị phát hiện được thì căn cứ vào luật lệ mà xử: phạt tiền, phạt heo hoặc khai trừ khỏi tập đoàn. Mỗi một thành viên của tập đoàn phong ngạn gác đến vài trăm kèo và mỗi năm có thể thu hoạch hàng ngàn lít mật ong.

Ngày nay, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp do nạn cháy rừng và nhiều nguyên nhân khác, nên số lượng mật ong ngày càng giảm – người nào thu hoạch mỗi năm vài trăm lít coi như đã nhiều. Do đó, nhiều thợ rừng đã chuyển nghề và luật lệ của tập đoàn phong ngạn không còn bị ràng buộc nghiêm khắc như xưa kia. Cộng thêm mật ong ngày càng có giá trên thị trường nên nhiều người vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pha trộn mật ong với nước đường hoặc nhiều trò gian lận khác, nên người tiêu dùng muốn tìm được mật ong nguyên chất như xưa kia cũng không phải là chuyện dễ.

Mật ong rừng U Minh Hạ

Bức xúc trước tình trạng này, nhiều tổ chức và cá nhân đã và đang bắt tay xây dựng thương hiệu cho mật ong rừng U Minh Hạ để củng cố uy tín, chất lượng cho một loại đặc sản đặc biệt của Cà Mau nhằm thu hút khách du lịch, nâng cao giá trị của mật ong trên thị trường, qua đó nâng cao đời sống của người dân sống nghề rừng và góp phần bảo vệ phát triển vốn rừng, các nguồn tài nguyên của rừng.

Thương hiệu mật ong RUM.CM được đăng ký 9. 2009. Hiện đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã gạch của các cơ quan chức năng và đã được cấp nhãn hiệu độc quyền.

Ngày 10. 10. 2010, Thường trực Ban tổ chức chương trình xét thưởng – tôn vinh “Người Việt – Hàng Việt” đã đề cử thương hiệu RUM.CM là sản phẩm Việt Nam được tin dùng nhất năm 2010.

Đây là niềm tự hào, một tín hiệu đáng mừng cho một thương hiệu sản phẩm của Cà Mau được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Tuy nhiên, do vốn đầu tư còn Hạn chế nên cơ sở RUM.CM chưa đủ sức khai thác nguồn tài nguyên dồi dào của U Minh Hạ và do đó, cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Được biết hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã đăng ký độc quyền thương hiệu sản phẩm chung cho mật ong rừng U Minh Hạ Cà Mau. Còn RUM.CM chỉ là một một doanh nghiệp thành viên và chúng ta hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp thành viên để cùng cạnh tranh lành mạnh để chống hàng nhái, hàng giả, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.

Rừng U Minh Hạ với trữ lượng 1.000 tấn mật mỗi năm, lại mang thương hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới, nếu chúng ta biết tận dụng khai thác tốt lợi thế của mình thì đây sẽ là một thương hiệu mạnh góp phần làm giàu cho người dân và tăng ngân sách cho tỉnh Cà Mau.

Nguyễn Thanh Dũng

https://www.camau.gov.vn/

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận