Lẩu (canh) chua là món ăn quen thuộc, ưa thích của người dân Nam Bộ nói chung và Cà Mau nói riêng. Lẩu chua thường nấu với cá lóc, cá rô, cá bông lau, cá trê trắng, cá dứa, cá ngát, cá kèo… Tuy nhiên, lẩu chua mà nấu với lươn thì khó có món gì sánh bằng.
Lươn nấu canh chua phải chọn lươn đồng, còn sống, mập, không lớn quá và cũng không nhỏ quá (khoảng 500gam/con là vừa). Lươn được vuột bằng trấu, tro bếp hoặc ít muối cho hết nhớt, mổ bỏ hết nội tạng. Sau đó rửa lại với nước muối hoặc một ít nước cốt chanh để khử mùi tanh rồi rửa lại bằng nước lã để ráo nước và ướp với một ít gia vị như bột ngọt, nước mắm. Lươn nấu lẩu chua chỉ mổ bụng, bỏ nội tạng và để nguyên con không được cắt khúc. Vì khi cắt khúc lươn sẽ cứng và không ngon. Đến khi ăn chỉ dùng đũa bẻ từng khúc lươn ra cho vừa ăn.
Tùy theo điều kiện nguyên liệu và sở thích của mỗi người có thể nấu nước lẩu với me chua, cơm mẻ, giấm, lá giấm tùy ý. Tuy nhiên, nấu lẩu lươn với trái giác (một loại dây leo ngoài vườn ruộng) thì mới đúng hương vị dân dã, đồng quê và phong cách của người Cà Mau. Hơn nữa, lẩu lươn nấu với trái giác có vị chua dịu và hậu ngọt thì khó có món nào hơn được.
Khi nước lẩu sôi, thả những con lươn đã ướp gia vị vào nước lẩu. Ở Cà Mau thông thường lươn không chiên trước khi nấu lẩu. Cũng có một số ít người, chiên sơ qua cho lươn săn vàng rồi mới nấu. Đến khi lươn vừa chín tới nêm nếm gia vị cho vừa ăn, để thêm một ít ớt, quế, ngò gai, ngò om và phi thơm một ít mỡ sả cho vào nước lẩu.
Lẩu lươn thường nhúng kèm với các loại rau như đậu bắp, bạc hà, cà chua, rau nhút, rau muống, chuối ghém, bông so đũa, bông điên điển… Riêng món lẩu lươn nấu trái giác thì không gì ngon bằng khi nhúng với bông súng đồng, nêm với ngò om và rau tần dầy lá.
Thịt lươn rất mềm. Do đó, khi ăn trên lẩu nên để nhỏ lửa để thịt lươn không bị mềm và rả.
Lẩu lươn thường chấm với muối ớt, nước mắm mặn, ăn với cơm, bún và kèm theo một ơ cá rô hoặc cá lóc kho tộ thì mới “đúng bài”.
Diễm Phương
https://www.camau.gov.vn/