Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà má Tám Nhung

Thành phố Vũng Tàu, không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, những cung đường ven biển trải dài đầy thơ mộng, những bãi biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà mảnh đất này còn có những công trình kiến trúc độc đáo, có bề dày lịch sử cách mạng trong các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong đó có một di tích lịch sử, nơi được nhân dân thành phố Vũng Tàu thường gọi với cái tên đầy tri ân, gần gũi đậm chất miền Nam. “Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà má Tám Nhung”.

Vào khoảng những năm 1941 – 1942 tại số 42/11 đường Trần Phú nay là số 1 đường Trần Xuân Độ, phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu, nhà má Tám Nhung là một ngôi nhà nhỏ nằm khiêm nhường trong một vườn cây ăn trái xanh tốt. Tại ngôi nhà này, đêm 25/8/1945 Ủy ban Khởi nghĩa Vũng Tàu đã được thành lập và quyết định xây dựng đội cảm tử quân cách mạng, phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền trong cách mạng tháng tám năm 1945 tại Vũng Tàu. Ngôi nhà còn là cơ sở nuôi dấu cán bộ hoạt động trong nội ô của Thị ủy Vũng Tàu trong suốt 2 cuộc kháng chiến. Với giá trị và ý nghĩa lịch sử, vào năm 1989 nhà má Tám Nhung được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia. Năm 2015 ngôi nhà của má Tám Nhung đã được trùng tu, tôn tạo và trở thành điểm tham quan giáo dục truyền thống về một bà mẹ Việt Nam tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thành phố Vũng Tàu trong hai thời kỳ kháng chiến, thật giản dị, nhân hậu mà trung kiên, bất khuất…đã hết lòng ủng hộ, bí mật nuôi dấu cán bộ cách mạng an toàn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất.

Ông Nguyễn Văn Nhung sinh năm 1900, quê ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, là người có tinh thần yêu nước, căm thù thực dân Pháp và bọn địa chủ cường hào, ác bá. Sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 1930, ông tam gia cướp chính quyền tại 18 thôn Vườn Trầu. Tháng 11 năm 1940, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị thực dân Pháp bắt giam. Chúng dùng mọi thủ đoạn, tra tấn dã man nhưng ông không hề khai báo, chúng đánh đập ông đến tàn phế, rồi lưu đày biệt xứ. Khoảng năm 1941 – 1942 Ông Nguyễn Văn Nhung từ Mỹ Tho, tiền Giang đến chùa Phước Hải, Núi Lớn (Vũng Tàu) sinh sống chờ thời cơ, móc nối với cách mạng. Bà Hồ Thị Khuyên sinh năm 1905 tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang (có bí danh là Phạm Thị Tư).Trước đó bà Hồ Thị Khuyên cùng với người em là Hồ Văn Tạc đến khai phá đất đai ven sườn núi Lớn, trồng cây trái. Sau một thời gian bà Hồ Thị Khuyên và ông Nguyễn Văn Nhung xây dựng gia đình.Từ đây người trong xóm thường gọi với cái tên than mật là má Tám Nhung. Ông bà có 3 người con: anh Nguyễn Văn Xứng, chị Nguyễn Thị Cấm và anh Nguyễn văn Bông.Trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) ông bà Hồ Thị Khuyên tiếp tục hoạt động cách mạng. Gia đình má cùng nhân dân thị xã đùm bọc nuôi giấu cán bộ.

Bước vào khu di tích, ngay phía trước ngôi nhà được dựng một bức phù điêu Má Tám với gương mặt cương nghị, ánh mắt nhân hậu mà kiên cường, bất khuất của bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ngôi nhà má Tám Nhung được phục dựng nguyên gốc trên vị trí ban đầu theo kiến trúc dân gian khoảng đầu thế kỷ XX, gồm 3 gian nhà chính và 2 gian nhà phụ. Cột, vì kèo, vách thưng bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch đỏ, chân cột kê đá tảng, phía sau có giếng nước, vườn cây. Vào bên trong ngôi nhà, ngay tại gian nhà chính là Tủ thờ ông Nguyễn Văn Nhung và bà Hồ Thị Khuyên, trên bàn thờ bài trí di ảnh của ông bà, bát hương, bộ lư hương và cặp chân đèn bằng đồng. Ngoài ra còn có cây đèn tọa đăng, Má thường để cây đèn bên bàn thờ, đèn sáng báo động, đèn tắt báo yên làm ám hiệu an toàn cho cán bộ cách mạng đi về hoạt động … Phía trước bàn thờ kê bộ bàn ghế bằng gỗ để tiếp khách,…Phía bên tay trái có bàn thờ ba người con của ông bà đó là Liệt sỹ Nguyễn Văn Xứng. liệt sỹ Nguyễn Thị Cấm và anh Nguyễn Văn Bông. Bên phải có kê một bộ ván ngựa nơi ông bà nằm ngủ, phía bên trái có thêm một bộ ván ngựa, nơi má để trái cây đem ra vườn để bán.

Trong ngôi nhà còn trưng bày một nhóm tượng ma nơ canh gồm hai tên cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà trong trang phục quần trắng, áo trắng, đội mũ Kêpi trắng, một tên hung hãn vừa khám xét vừa tra hỏi và một tên khác đang ngó nghiêng lục soát phía  nhà dưới. Tương phản với sự hung hãn táo tợn của kẻ thù, ông bà Tám Nhung ngồi yên lặng với thái độ ung dung, điềm tĩnh. Má Tám trong trang phục quần đen, áo bà ba nâu, mái tóc búi cao… hai tay ngoáy trầu nhưng đôi mắt ánh lên đầy tự tin sẵn sàng đối đáp để ghìm chân kẻ thù.

Đó chính là điều đặc biệt của di tích lịch sử này. Thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phường Thắng Nhì có vị trí đặc biệt đối với Vũng Tàu là nơi tập trung đầu mối lãnh đạo của Đảng giữ liên lạc quan trọng giữa Vũng Tàu với căn cứ núi Nứa, Núi Dinh, Cần Giờ, Thị Vải, …  Bấy giờ, địch ráo riết lập thêm nhiều đồn bót, căn cứ quân sự, kiểm soát gắt gao. Nhiều cơ sở cách mạng tại Vũng Tàu phải chuyển sâu vào Rừng Sác, sang Núi Dinh, Thị Vải Bấy giờ, địch ráo riết lập thêm nhiều đồn bót, căn cứ quân sự, kiểm soát gắt gao. Nhiều cơ sở cách mạng tại Vũng Tàu phải chuyển sâu vào Rừng Sác, sang Núi Dinh, Thị Vải. Để có cán bộ lãnh đạo ở sâu trong lòng địch kịp thời chỉ đạo phong trào và nắm bắt tình hình, chuẩn bị tổng tiến công và nổi dây tết Mậu Thân(1968). Tỉnh ủy Bà Rịa Long Khánh, quyết định đưa cán bộ vào Vũng Tàu hoạt động bí mật. Nhà má Tám được giao nhiệm vụ bí mật nuối dấu các cán bộ cách mạng.  Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho anh em hoạt động má Tám nghĩ ra cách trú ẩn độc đáo bằng cách xây một căn hầm bí mật tại ngôi nhà của gia đình.

Căn hầm được xây dựng vào năm 1967, người trực tiếp xây dựng căn hầm là đồng chí Bảy Thép. Dưới hình thức là bể chứa nước gồm hai phần, một nửa làm hầm không chứa nước, nửa còn lại là bể nước mưa có máng xối. Khi có động chỉ cần đẩy vách bước xuống hầm, rồi đóng kín cửa, bên ngoài, có tủ gỗ nhỏ đựng chén đĩa để ngụy trang. Trong lúc đang tiến hành xây bể thì tên cảnh sát nằm vùng đến, nhìn đống cát gạch ngổn ngang hắn hỏi: “Dạo này bà làm ăn phát đạt quá ta, định xây nhà lầu cho Việt cộng ở chắc”. “Đâu có thưa ông, nhà bán được mấy túm nhãn mua ít xi măng về bảo thằng cháu ở dưới quê lên xây cái bể đựng nước. Quanh năm không có bể cứ phải gánh nước cực quá”. Bọn địch nhiều lần nghi ngờ chúng lục soát nhưng không tài nào phát hiện được. Có lần chúng cho quân lính đến lung sục rất kỹ nhà má Tám Nhung nhưng trước đó trên mặt bể nước má đã kịp phơi cá từ buổi sớm. Khi đến gần bể nước thấy mùi cá hôi tanh nên chúng đã vội lánh xa.

Ngôi nhà và căn hầm bí mật má Tám Nhung là cơ sở bí mật an toàn cho các đồng chí trong thành ủy Vũng Tàu hoạt động từ 1968 cho đến ngày Vũng Tàu giải phóng, tiêu biểu là đồng chí Võ Thị Dậu, đồng chí Trần Văn Khánh. Vì vậy khi quý khách đến tham quan di tích sẽ thấy một hình ảnh được phục dựng đó là: Phía sau bức tường ở ngay cửa hầm bí mật là bức tượng thể hiện một cán bộ cách mạng đang tập trung nghe tiếng động phía ngoài để chuẩn bị trườn vào trong hầm trú ẩn khi bị địch lùng bắt.  Hình ảnh này càng khẳng định được tài trí thông minh, lòng dũng cảm phi thường của má Tám – một bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Tổng quan mặt tiền Khu di tích lịch sử nhà má Tám Nhung

Ngoài ra, tại ngôi nhà phụ còn được bố trí một phòng ngủ và 1 gian bếp. Trong gian bếp có trưng bày vại đựng nước, hũ gạo nuôi quân (trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp – đế quốc Mỹ mỗi bữa gia đình Má Tám đều bớt lại 1 nắm gạo để ủng hộ cách mạng), bộ quang gánh, thúng và mẹt đựng trái cây, bếp dùng để nấu ăn cho gia đình và phục vụ cán bộ cách mạng khi về hoạt động cách mạng bí mật trong nhà thời kỳ 1969-1975; mâm nhôm má Tám Nhung dung bày đồ ăn uống hang ngày; Cối đá má Tám Nhung dùng để giã cua; bình và chén uống trà, đĩa đựng trái cây…

Di tích lịch sử cách mạng ngôi nhà và căn hầm bí mật của má Tám Nhung (Hồ Thị Khuyên) tại phường Thắng Nhì, tp Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tiêu biểu, điển hình cho một người mẹ Việt Nam chân thật, giản dị, bao dung, nhân hậu mà vô cùng trung kiên, bất khuất,… đã có công lao đóng góp trong những ngày đầu cách mạng tháng tám 1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sự cống hiến hy sinh to lớn của gia đình má Tám đã gớp phần trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tham khảo: Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch TP. Vũng Tàu

5/5 - (3 bình chọn)

Để lại một bình luận