Khô cá sặc bổi U Minh

Xưa kia, dưới tán rừng U Minh vốn có rất nhiều loại cá, sản lượng dồi dào, không thể ăn hết. Để trữ cá ăn lâu dài người dân đem làm khô hoặc làm mắm; trong đó, khô cá sặc bổi (hay còn gọi là cá sặc rằn) là một trong những loại cá khô ngon xếp hạng nhất nhì.

Cá bổi là loài sống là một trong những lại cá đồng, sống trong môi trường nước ngọt, nhưng thuộc nhóm cá đen, tập trung nhiều nhất ở hai khu vực: vùng rừng tràm U Minh Hạ và các huyện thuộc vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau.

Cá bổi có mặt ở nhiều vùng, nhưng con cá bổi của vùng rừng tràm U Minh thì ngon hơn hẳn, do con cá bổi chỉ ăn được phiêu sinh và rong tảo trong nước, mà U Minh là vùng đất phù sa, phần lớn mặt đất còn chìm ngập dưới mặt nước, lại được che phủ bởi rừng tràm trầm thuỷ, là môi sinh lý tưởng cho phù du, rong tảo phát triển.

Ông bà ta từ xa xưa đã phát hiện ra con cá bổi chỉ có thể đem làm khô mới thành món ngon và độc đáo. Nếu đem kho nấu bình thường như các loài cá khác, thịt chúng lại nhạt nhẽo.

Cá bổi U Minh Hạ thường được khai thác và chế biến vào mùa khô, khi con cá đồng về đìa, người dân chụp đìa hoặc tát đìa để bắt, số lượng cá rất nhiều. Để làm được con cá khô ngon, con cá bổi phải lớn, còn tươi sống, làm sạch vẩy và ruột, ngâm trong nước muối (vừa mặn) khoảng 1 giờ thì đem phơi. Bên cạnh đó, cá phải phơi được nắng, nhiều nhất là hai nắng, nếu kéo dài hơn thịt cá khô sẽ bủn bở, mất mùi thơm đặc trưng.

Người xưa trữ khô sặc bổi để ăn quanh năm bằng cách đem vùi vào trong bồ lúa, lúa sẽ hút ẩm và chống lên men (chống mốc) cho con khô, khi nào cần ăn thì moi ra nướng, thịt vẫn đỏ au và không hề giảm chất lượng.

Gỏi xoài khô bổi tuyệt vời. Hoặc đơn giản hơn, chỉ cần nướng chín, xé ăn với cơm nguội, cùng với nước dừa xiêm cũng rất tuyệt, có thể ăn no hồi nào cũng không biết.

Muốn ăn khô cá bổi chính hiệu phải về U Minh mới có. Nhưng giờ đây rừng tràm bị tàn phá cùng với đồng đất chuyển sang lấy nước mặn để nuôi tôm, nên ngay ở U Minh, khô cá bổi cũng trở nên quý hiếm. Hiện tại, cá bổi được nuôi nhiều ở các xã: Khánh Hưng, Trần Hợi, Khánh Bình Tây và thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời). Nghề làm khô bổi và sản phẩm cá khô bổi từ lâu đã trở thành đặc sản của địa phương. Quy trình để làm thành phẩm khô cá bổi không khó, nhưng người làm khô cần có sự cần mẫn và chịu khó.

Ngày 22 – 12 – 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận sản phẩm cá khô bổi U Minh là nhãn hiệu tập thể, do Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời làm chủ sở hữu. Đây là điều kiện tốt để quảng bá thương hiệu, đưa kinh tế của huyện phát triển, góp phần nâng cao đời sống và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Đặc sản khô bổi U Minh trở thành món quà tặng cho bạn bè, người thân vào dịp lễ tết hoặc sau chuyến đi khám phá vùng đất Cà Mau./.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận