Huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi

Nằm cách TP Quảng Ngãi khoảng 18 hải lý, ở quãng giữa đường biển từ Móng Cái đến Cà Mau, huyện đảo Lý Sơn giữ một vị trí chiến lược trọng yếu trên vùng biển Đông, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, có nhiều tiềm năng về du lịch; phát triển kinh tế và chứa đựng nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa, Lý Sơn mặc nhiên có sự độc đáo và hấp dẫn rất riêng của hòn đảo được mệnh danh là đảo Tiên.

Lịch sử hình thành đảo Lý Sơn

Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Là huyện đảo duy nhất của Quãng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý.

Huyện đảo Lý Sơn Quảng Ngãi

Vào cuối kỷ Neogen (là một kỷ địa chất của đại Tân Sinh) đầu đệ tứ, cách ngày nay khoảng 25-30 triệu năm, đảo Lý Sơn được hình thành di sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa. Hiện nay trên đảo có 5 hòn núi đều là chứng tích của núi lửa đã phun trào. Sự phun trào và tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo. Chúng còn trải trên bề mặt đảo ở phía nam một lớp đất bazan màu mỡ thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đồng thời còn tạo nên những rạng đá ngầm là điều kiện tốt cho các loài thủy tộc sinh sống.

Kết quả khai quật, nghiên cứ khảo cổ gần đây cho thấy cách đây khoảng 3000 năm, cư dân thời tiền sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã cư trú trên đảo Lý Sơn. Họ sống quần cư dọc theo hai dòng suối nước ngọt cổ (suối Ốc và suối Chình). Kinh tế chủ yếu của họ là khai thác biển, món ăn truyền thống là sò ốc và cá.

Kế tục văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa Chăm pa – phát triển từ những thế kỷ đầu công nguyên. Vết tích văn hóa vật chất của họ được để lại qua các dấu tích chứa trong tầng văn hóa lớp trên của di chỉ Xóm Ốc và Suối Chình.

Cư dân Việt đến khai khẩn làng mạc trên đảo vào khoảng cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII. Họ là những ngư dân vùng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Bao gồm 15 ông tiền hiền của 15 dòng họ lớn, họ di cư ra đảo phần chia khu vực cư trú ở phía đông và phía tây đảo Lý Sơn. Trong buổi đầu ấy, người Việt trong công cuộc khai phá lập làng đã gặp không ít khó khăn về thời tiết, khí hậu và nạn giặc Tàu Ô. Đến nay, một số di tích còn lưu lại đã phản ánh sự chống chọi kiên cường với giặc Tàu Ô để bảo vệ đảo của người dân Lý Sơn: miếu Nàng Roi, chùa Hang, sự tích đánh giặc Tàu Ô của ông Nguyễn Văn Tuất,…

Lịch sử đảo Lý Sơn còn gắn liền với các khối cộng đồng cư dân khác đã sinh sống trên đảo từ hàng nghìn năm trước. Ba lớp cư dân Sa Huỳnh – Chăm pa – Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đảo Lý Sơn. Họ đã bảo vệ chủ quyền hòn đảo và để lại nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy.

Vào những năm đầu thập kỷ 90, các thế lực thù địch ngoài nước và bọn phản động trong nước tập trung đánh phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta quyết liệt. Trong bối cảnh đó Đảng và Chính Phủ ta nghiêm túc phân tích và đánh giá đầy đủ vị trí chiến lược quan trọng của Đảo Lý Sơn trên vùng biển Việt Nam và chủ trương tách Lý Sơn ra khỏi huyện Bình Sơn để thành lập một huyện mới thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 01/01/1993 huyện Đảo Lý Sơn chính thức được thành lập theo Quyết Định số 337/HĐBT của Hội Đồng Bộ Trưởng (nay là Chính Phủ).

Vai trò quan trọng đặc biệt của Hải Đảo Lý Sơn về Kinh Tế – Xã Hội và chiến lược an ninh quốc phòng đuợc khẳng định. Đó là sự kiện đánh dấu một mốc son lịch sử đối với Lý Sơn. Từ đây, mở ra cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lý Sơn một giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn xây dựng và bảo vệ Huyện Đảo Tiền Tuyến của Tổ Quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên huyện đảo Lý Sơn

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý (tính từ cảng Sa Kỳ ra). Toàn huyện có 02 đảo: Đảo Lớn (còn gọi là Cù Lao Ré) và Đảo Bé (Cù Lao Bờ Bãi), gồm 03 xã: An Vĩnh, An Hải và An Bình (Đảo Bé). Diện tích tự nhiên gần 10km2. Dân số trên 21.000 nguời, có khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề biển, 30% hộ dân sống bằng nghề nông (chủ yếu là trồng hành, tỏi, ngô) và 10% hộ dân sống bằng các ngành nghề khác.

Cổng Tò Vò – địa điểm check-in đã trở thành biểu tượng của đảo Lý Sơn.

Lý Sơn nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam và nằm ngay cửa ngõ của Khu Kinh Tế Dung Quất cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Vị thế này của Lý Sơn đã đưa huyện đảo trở thành đơn vị hành chính tiền tiêu của đất nước, có vai trò đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời có nhiều điều kiện để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội trong những năm tới.

Địa hình

Địa hình của Lý Sơn nhình chung tương đối bằng phẳng, không có sông ngòi lớn (chỉ có một số suối nhỏ được hình thành vào mùa mưa) và có độ cao trung bình từ 20-30m so với mực nước biển.

Trên địa bàn huyện có 5 hòn núi dạng bát úp được hình thành do hoạt động của núi lửa trong đó cao nhất là núi Thới Lới (169m). Xung quanh các chân núi, địa hình có dạng bậc thềm, độ dốc từ 8° đến 15°. Dạng địa hình nguồn gốc núi lửa chiếm tới 70% diện tích đảo. Theo địa hình thái nguồn gốc được chia thành: sườn vòm núi lửa, sườn họng núi lửa, đáy họng núi lửa và bề mặt lớp phủ bazan. Đây là những đối tượng quan trọng để bố trí các công trình xây dựng, đồng thời là những điểm tham quan thiên nhiên rấn ngoạn mục của các tuyến du lịch biển – đảo Lý Sơn.

Nhóm dạng địa hình nguồn gốc biển gồm các dạng: vách mái vòm – bóc mòn, vách mái mòn, bãi biển mài mòn, bãi biễn mài mòn – tích tụ. Bãi biễn mài mòn tích tụ và thềm tích tụ làm thành một đồng bằng bằng phẳng, nghiên thoải, hơi lượn sóng, độ dốc dưới 8°, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp và bố trí dân cư. Đây chính là những vùng tập trung dân cư và là địa bàn sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện.

Địa hình bờ biển của huyện phần lớn là các vách và hốc sóng vỗ bờ tạo nên các hốc hang khá đẹp (Hang Câu, Chùa Hang…) Chính những địa hình vách dốc này đã tạo cho đảo những nét hùng vĩ có giá trị về tham quan, du lịch. Huyện đảo Lý Sơn nằm trên thềm lục địa có độ sâu trung bình dao động 50-60m.

Về mặt địa hình là đồng bằng tích tụ – mài mòn nghiên thoải bị chia cắt bởi các máng trũng với độ sâu khác nhau. Điểm sâu nhất trong lãnh thổ huyện là 120m, ở phía Đông. Địa hình đáy biển phân bậc rõ ràng, do vậy có thể sử dụng làm cầu cảng và tổ chức các hoạt động thể thao mạo hiểm trên biển.

Khí hậu

Lý Sơn chịu tác động chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa trên vùng biển nhiệt đới nóng, ẩm và có chế độ mưa trái mùa (từ tháng VIII – tháng II năm sau). Do Lý Sơn là huyện đảo trên biển Đông, lại có vĩ độ thấp, nên chế độ nắng thuộc loại dồi dào nhất trong hệ thống các đảo ven bờ nước ta với tổng số giờ nắng trung bình năm khoảng 2430,3giờ/năm. Nguồn nhiệt cao và độ nắng lớn trên phạm vi huyện đảo Lý Sơn có thể tiến hành khai tác cho các hoạt động du lịch nghĩ dưỡng quanh năm, đồng thời có thể sử dụng nguồn quang năng này để bố trí các trạm điện mặt trời phục vụ nhu cầu năng lượng của cư dân trên đảo.

Huyện đảo Lý Sơn có mùa mưa lệch pha kéo dài từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, lượng mưa tập trung trong mùa mưa khoảng 71%. Tổng lượng mưa khá lớn vào khoảng 2.260 mm/năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, thời tiết khô và nóng do chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Độ ẩm không khí trung bình trên khu vực huyện đảo khoảng 85%.

Tốc độ gió trung bình trên vùng huyện đảo tương đối thấp so với các hải đảo khác, trung bình khoảng 1,5m/s, cao nhất là thời kỳ gió mùa Đông Bắc (tháng X – VI) 5-10m/s, tuy nhiên cũng có lúc lên đến 30-40m/s, chủ yếu trong tháng X. Do vậy việc sử dụng năng lượng gió so với các huyện đảo khác cần được nghiên cứu kỹ để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khí hậu cho phát triển kinh tế – xã hội.

Điều kiện khí hậu ở Lý sơn rất phù hợp với các cây đặc sản như hành, tỏi, cho phép phát triển một số loại cây ăn quả như đu đủ, chuối, na, dưa hấu,… và một số loại rau quả xanh. Ngoài ra khí hậu nơi đây cũng thuận lợi cho sức khỏe con nguời nhất là cho các hoạt động du lịch, nghĩ dưỡng, tắm biển…

Tài nguyên nước

Do địa hình tương đối đơn giản, đồng nhất, ít phân cắt, cộng với việc diện tích đảo nhỏ nên mạng suối trên đảo kém phát triển, chỉ có một số con suối nhỏ chảy tạm thời vào mùa mưa ở phía Nam đảo với lưu lượng rất thấp. Trên đảo chưa có hồ chứa nước ngọt. Đây là khó khăn lớn nhất cho đời sống dân sinh và sản xuất của huyện. Hiện tại, được sự quan tâm của UBND Tỉnh, hồ chứa nước ngọt núi Thới Lới đang được khẩn trương xây dựng để phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân.

Tài nguyên đất và hiện trạng sử dụng đất

Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng cho thấy huyện đảo Lý Sơn có các loại đất sau:

  • Đất cát bằng ven biển (Cb): có diện tích 42,0ha, chiếm 2,1% diện tích tự nhiên, phân bố viền quanh đảo tiếp giáp với mép ven biển. Loại đất này chủ yếu thích hợp với việc phát triển lâm nghiệp (trồng rừng phòng hộ).
  • Đất cát biển (C): có diện tích 110,0ha, chiếm 11,03% diện tích tự nhiên, phần lớn tập trung ở xã An Vĩnh. Diện tích đất này đã được sử dụng chủ yếu làm khu dân cư và cải tạo để sản xuất nông nghiệp.
  • Đất nâu đỏ trên đá Bazan (Fk): có diện tích 845,0ha, chiếm 84,76% diện tích tự nhiên. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng của huyện đảo. Trong diện tích này có 558,0ha (chiếm 64,51%) có tầng dày trên 100cm, độ dốc dưới 8º, độ màu mỡ khá, hàm lượng các chất dinh dưỡng từ trung bình trở lên, thích hợp cho phát triển nhiều cây trồng khác nhau.

Hiện trạng sử dụng đất

Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện là 997ha. Trong đó đất sử dụng được cho nông nghiệp là 579,6ha, chiếm 54% bình quân đất nông nghiệp là 490m2/nguời (thấp nhất trong toàn tỉnh). Đất nông nghiệp Lý Sơn thích hợp cho việc trồng hành, tỏi (có khả năng cho phát triển hành tỏi hàng hóa đặc sản thuộc mô hình sản xuất hiện đại), ngoài ra có thể trồng ngô (đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi trên đảo), đậu xanh, mè, dưa hấu và một số cây ăn quả khác như đu đủ, na, chuối… nhưng với quy mô nhỏ chỉ phục vụ cho nhu cầu nhân dân trên đảo khó có khả năng phát triển thành nông sản hàng hóa. Đặc biệt, đất nông nghiệp của Lý Sơn không thể trồng lúa (Lý Sơn là huyện duy nhất của cả tỉnh không trồng lúa).

Đối với đất lâm nghiệp, hiện có khoảng 150ha dùng cho việc phát triển lâm nghiệp, chiếm khoảng 15% tổng diện tích của huyện, ngoài ra còn có 180ha đất đồi núi và 75ha đất núi đá không có rừng cây có thể phục vụ việc trồng cây gây rừng. Trong những năm qua huyện đã tích cực chỉ đạo công tác trồng rừng tuy nhiên đến nay mới chỉ phủ xanh dưới 10ha.

Theo các tài liệu nghiên cứu, cách đây khoảng trên dưới 100 năm diện tích rừng trên huyện đảo khá lớn, chiếm trên 70% diện tích huyện đảo với hệ thực vật khá phong phú, đa dạng, song do quá trình khai thác của con nguời đến nay diện tích rừng của huyện không còn, tuy nhiên nếu có quy hoạch cụ thể, có đầu tư và có các biện pháp thích hợp, hoàn toàn có thể phục hồi diện tích rừng và có thể đưa vào phục vụ phát triển du lịch sinh thái trên đảo trong những năm tới.

Nhóm đất chưa sử dụng còn khoảng 239ha, chiếm 24% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, chủ yếu là đất đồi núi trọc, có khả năng phát triển rừng, xây dựng một số công trình thủy lợi và mở rộng các công trình công cộng, phúc lợi…

Tài nguyên biển và khả năng nuôi trồng thủy sản

Do được bao bọc xung quanh là biển nên Lý Sơn là huyện có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều so với các huyện khác của tỉnh trong lĩnh vực khai thác sử dụng nguồn tài nguyên biển. Đây là lĩnh vực có thế mạnh nhất của huyện. Theo tài liệu của Viện Nghiên Cứu Biển và Trường Đại Học Thủy Sản Nha Trang, khả năng khai thác hải sản của huyện hàng năm có thể đạt khoảng 28,000 tấn, chiếm gần 30% khả năng khai thác thủy sản của toàn tỉnh. Khả năng nuôi trồng thủy sản tại vùng biển Lý Sơn khá lớn với tổng diện tích có thể phát triển lên tới 250ha.

Các điều kiện thủy lý, thủy hóa lý tưởng cho nuôi trồng các loại đặc sản như cá mú, tôm hùm, cua biển… bằng lồng. Vùng triều xã An Hải giáp hòn Mù Cu diện tích khoảng 50ha, kín gió, nồng độ muối >30‰, nhiệt độ nước từ 26-30ºC, mức triều cao nhất 2,5m, thấp nhất 1,2m, nền đáy là cát lẫn sỏi đá, san hô,… có khả năng cải tạo thành hồ nuôi trồng thủy sản thuận lợi. Ngoài ra đặc điểm sinh thái, khí hậu, nguồn nước ở Lý Sơn còn phù hợp cho việc phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản trên cát với diện tích khoảng 20ha ở Hang Câu, vùng Đồng Hộ, trước Ủy Ban Nhân Dân xã An Hải…

Du lịch đảo Lý Sơn

Lý Sơn trước đây còn gọi là cù lao Ré cách cảng Sa Kỳ khoảng 15 hải lý về phía đông bắc. Do ít bị chiến tranh tàn phá và ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân nên Lý Sơn bảo lưu được hàng trăm di tích lịch sử có kiến trúc mỹ thuật đa dạng, phân bổ dày đặc, đặt biệt là các di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa được thiết lập từ thời chúa Nguyễn và Triều Nguyễn sau này, như: Âm Linh Tự, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, nhà thờ Võ Văn Khiết,… Nơi đây còn có dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh (qua các cuộc khai quật ở xóm ốc, suối Chình), và sự dung hòa giữa nền văn hóa Chăm pa vào nền văn hóa Đại Việt. Nhờ sự kiến tạo của tự nhiên mà Lý Sơn cũng là nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Chùa Hang, chùa Đục, Mù Cu, Miệng núi lửa giếng Tiền,…

Đứng trên đỉnh núi Thới Lới, một trong 5 ngọn núi ở Lý Sơn nhìn xuống, toàn cảnh huyện đảo hiện ra như một bức tranh đầy màu sắc của biển xanh thẫm mênh mông, của những vách đá xám nâu trầm mặc, của những cánh rừng xanh non mới trồng đan xen đại ngàn nguyên sinh và nhiều sắc xanh tươi của hành, tỏi, đậu, bắp trên bình nguyên rộng lớn.

Ngay dưới chân Trạm radar 550 là một hồ chứa nước ngọt bình lặng, có đập chắn bằng bê tông dài hàng trăm mét, là một trong những nguồn cung cấp nước quan trọng cho đảo. Lòng hồ chính là vết tích của một trong 5 miệng núi lửa đã tắt, nét độc đáo độc nhất ở Lý Sơn…

Lý Sơn có hệ sinh thái biển đảo, nhiệt đới đa dạng; cộng đồng cư dân đông đúc, quần tụ và tổ chức thành thôn, vạn vừa theo văn hóa làng xã, lại có bản sắc riêng của hải đảo. Huyện đảo còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa Việt có giá trị, gắn liền với quá trình dựng và giữ đảo; khai thác và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.

Dưới biển có rặng san hô nhiều màu sắc, quý nhất là san hô đen dùng làm thuốc, có giá trị kinh tế cao. Biển có nhiều hải sản quý đủ chủng loại đa dạng, tạo ra những đặc sản nổi tiếng của Lý Sơn. Bờ biển dài với nhiều bãi cát trắng mịn, liền kề các thắng cảnh thiên nhiên, tạo thành những bãi tắm tuyệt đep.

Lý Sơn có số lượng di tích lịch sử – văn hóa lớn, dày đặc, hầu như còn nguyên bản, bố trí rộng khắp, bao gồm đình, chùa, nhà thờ, dinh, miếu, lăng cổ kính…bên các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi rợp bóng mát với phong cách kiến trúc đặc sắc, nghệ thuật chạm khắc tinh vi. Nhiều di tích được công nhận cấp quốc gia như thắng cảnh chùa Hang, đình làng An Vĩnh, đình làng An Hải, Âm Linh tự và cấp tỉnh như dinh Tam Tòa, đền thờ cá Ông Lân Chánh, đền thờ Thiên Y A Na, lăng cá Ông Đông Hải, mộ và đền thờ Võ Văn Khiết…

Tất cả tạo nên sự khác biệt, độc đáo, hấp dẫn của bức tranh du lịch biển đảo với đầy ắp tài nguyên du lịch nhân văn, du lịch tự nhiên. Lý Sơn đang sở hữu và khai thác nhiều sản phẩm du lịch từ sinh thái biển đảo tới du lịch tâm linh và tìm hiểu văn hóa, cả du lịch cộng đồng và tham quan nghiên cứu.

Cây tỏi Lý Sơn

Hiện nay, trong nhiều loại hành – tỏi có mặt trên thị trường thì hành – tỏi Lý Sơn được xem là đặc sản quý hiếm, kích thước nhỏ, củ tròn trịa, có mùi thơm, vị cay nhưng vẫn dịu ngọt. Không những thế, hàm lượng tinh dầu có trong hành – tỏi Lý Sơn khá cao nên chẳng những được người tiêu dùng ưa chuộng dùng làm gia vị chế biến thực phẩm mà còn là nguồn dược liệu vô cùng quý giá chữa được nhiều bệnh nhất là về tiêu hóa và tim mạch.

Một ruộng tỏi trồng theo phương pháp hữu cơ tại Lý Sơn

Cây Tỏi là cây trồng đặc trưng và là cây trồng chủ lực của huyện đảo Lý Sơn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn trong sản xuất do điều kiện tự nhiên, thiếu đất, cát sản xuất, giá cả biến động nhưng việc trồng tỏi vẫn được đảm bảo và có chiều hướng phát triển tích cực. Diện tích gieo trồng bình quân hàng năm khoảng 290ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 1.650 tấn.

Tháng 4/2009 Huyện đã tổ chức lễ công bố Quyết định của Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam về công nhận nhãn hiệu hành, tỏi Lý Sơn. Hiện nay, Lý Sơn đã được nhiều người biết đến với tên gọi “Vương Quốc Tỏi”, thương hiệu Tỏi Lý Sơn đã được quảng bá rộng rãi trên thị trường cả nước.

 

 

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận