Khác xa với hình ảnh Côn Đảo tươi đẹp, thanh bình ngày nay. Côn Đảo trước kia vốn nổi tiếng nhờ biệt danh “ Địa ngục trần gian” với một hệ thống nhà tù kiên cố như: Chuồng Cọp, Chuồng Bò, trại Phú Hải, cầu Ma Thiên Lãnh, sở Lò Vôi, sở Muối …. Và tại đây áp dụng những cách thức tra tấn hết sức dã man bằng nhiều hình thức, với những công cụ tra tấn rùng rợn nhất, phi nhân tính nhất, và còn kinh khủng hơn chính là hình thức tra tấn đó lại được sử dụng để hành hạ con người bởi chính con người. Nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất và thuộc loại lâu đời nhất ở Việt Nam. Trong suốt 113 năm tồn tại (1862-1975), nơi đây đã giam cầm, đày đọa hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam và Nhà tù Côn Đảo cũng được ví như “trường đại học” lớn nhất của những người cộng sản đào tạo về ý chí ngoan cường , sức chịu đựng bền bỉ và tinh thần đoàn kết.
Chuồng Cọp kiểu Pháp: Tổng diện tích 5.475 m2, gồm 120 phòng giam, có chắn song sắt bên trên, 60 phòng tắm nắng (không có mái che) là nơi dùng để hành hạ, tra tấn, đàn áp gần 2.000 tù chính trị. Nếu tù nhân nào bị nhốt trong chuồng cọp mà phản kháng thì bị cai ngục ở trên dùng cây sào chọc, đổ vôi, tạt nước tra tấn.
Những người nữ cách mạng của ta bị nhốt vào chuồng Cọp, không được tắm rửa, bị đổ vôi và chất thải vào người từ phía trên chuồng cọp. Vì quá phẫn nộ với cách hành hạ dã man của bọn cai ngục có chiến sĩ đã dùng dao tự làm tự mổ bụng, cắt ruột và ném vào mặt cai ngục.
Biệt lập Chuồng Bò: Vốn xây dựng với mục đích để nuôi bò nhưng sau này chuyển đổi một phần để làm trại tù, nhưng vẫn có một phần tiếp tục để nuôi súc vật ngụy trang cho những kiểu tra tấn rùng rợn.
Hầm phân bò:Người ta nói rằng mãi đến năm 1975, khi giải phóng Côn Đảo người dân ở đây nghe có tiếng kêu dưới hầm phân bò và phát hiện ra có người đang bị ngâm ở dưới, hầm phân có chiều sâu 3m, chứa phân và nước rửa từ chuồng bò dùng để ngâm những người tù, khi được cứu người tù đó đã bị giòi ăn đến xương, trên đường đưa vào đất liền cấp cứu thì chết vì sức yếu. Đây là cách tra tấn rùng rợn được phát hiện sau cùng.
Trại Phú Tường: Trại có bãi trồng rau, khi có đoàn giám sát nhân quyền của quốc tế đến, bọn cai ngục dẫn ra bãi rau này nói là các tù nhân được cho đi trồng rau để cải tạo bữa ăn. Đó là một trong số hàng ngàn chiêu thức đối phó với dư luận của bọn cai ngục. Thực tế, đằng sau bãi rau này là một hệ thống nhà giam theo kiểu chuồng cọp với những buồng giam và buồng tra tấn hết sức dã man.
Khu đập đá: Đây là khổ sai này nằm ở chân Núi Chúa. Nơi đây thực dân Pháp dùng để đày ải những người tù lao động khổ sai đập đá tại chỗ bằng cốt mìn và các dụng cụ thủ công để đập thành đá hộc, đá dăm làm đường. Năm 1908, cụ Phan Chu Trinh đã bị phạt lao động khổ sai ở khu đập đá này. Tại đây, cụ đã sáng tác bài thơ “Đập đá Côn Lôn” nổi tiếng.
Ngày nay, Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng vượt trên mọi thời đại, là điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà cả nhiều du khách nước ngoài. Tìm về nơi đây để tìm về cội nguồn, nhớ về truyền thống cách mạng thế hệ cha anh, mãi mãi biết ơn những hy sinh xương máu của một thời dân tộc bị xiềng xích.
TTTTXTDL