Hầm xay lúa nằm bên trong Trại Phú Hải – là trại giam cổ nhất, được Pháp lập từ năm 1862 và xây dựng kiên cố từ năm 1889 đến năm 1896 thì hoàn chỉnh. Trại rộng hơn 12.000m² với 10 phòng giam tập thể, trong đó có 1 phòng tử hình, 20 hầm đá biệt giam, 2 hầm xay lúa đồng thời là phòng trừng giới và 1 khu đập đá.
Hầm xay lúa Côn Đảo
Bọn Chúa ngục Côn Đảo gọi Hầm xay lúa là khu “Trừng giới”, bởi vì trong Hầm xay lúa, ngoài việc bị bắt lao động khổ sai, phải xay lúa bằng chiếc cối xay to được làm bằng chiếc thùng tô-nô đựng rượu vang, người tù còn phải chịu nhiều cực hình thân xác, những tù nhân nào bị đưa vào đây thì chỉ đôi ba tháng là kiệt sức, toét mắt và mang bệnh lao phổi. Bởi vậy, Hầm xay lúa còn được mệnh danh là “nhà tù trong nhà tù, địa ngục trong địa ngục”. Ngoài ra, trong Hầm xay lúa còn có nạn áp bức của “cặp rằng”. Đó là những tay dao búa, lưu manh được cai ngục giao cho điều hành công việc trong tù, nhưng chủ yếu là hành hạ tù nhân “dùng tù trị tù”.
Cưỡng bức khổ sai ở hầm xay lúa là hình thức cuối cùng trong danh mục các biện pháp trấn áp ghi trong quy chế nhà tù Côn Đảo. Hầm tối om với 5 cối xay làm bằng vỏ thùng tôn cũ, trong nện đất sét. Phải 6 người tù mới quay nổi cái cối và dưới chân còn mang một quả tạ. Cứ hai người xiềng làm một, tù nhân phải làm quần quật từ 6h sáng đến 5h chiều dưới đòn roi liên tục của các cặp rằng quất vào lưng trần mỗi khi chậm trễ.
Khu đập đá khổ sai, nơi chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh cảm tác nên bài “Đập đá Côn Lôn”: Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/Lừng lẫy làm cho lở núi non…/Những kẻ vá trời khi lỡ bước/Gian nan chi kể sự con con.
Nếu khu đập đá khổ sai in khí phách hiên ngang giữa gông cùm lao tù thì hầm xay lúa rạng danh tên tuổi người chiến sĩ cách mạng kiên trung – Tôn Đức Thắng. Để đày đọa người tù, thực dân Pháp bắt lao động khổ sai trong hầm xay lúa nhưng hầm được xây kín. Đa phần tù nhân lao động trong hầm đều chết vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc bị đánh đập do không hoàn thành phần việc. Biết đồng chí Tôn Đức Thắng là một thợ sửa máy lành nghề, chúng đưa đến làm việc tại Sở Lưới chuyên sửa canô. Năm 1945, chiếc canô do bác Tôn sửa mang tên Giải Phóng được chính Bác cầm lái đưa một số đồng chí trong Ban lãnh đạo cách mạng trở về đất liền.
Bác Tôn – Người tù hầm xay lúa
Đầu năm 1932, Chi bộ Đảng Cộng sản Banh I đã được thành lập ở Khám Chỉ Tồn. Đồng chí Nguyễn Hới (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định) được cử làm Bí thư Chi bộ; đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia Chi ủy và được phân công phụ trách Hội những người tù đỏ, đồng thời có nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc với Chi bộ Banh II (tù chính trị) và liên lạc với cả đất liền. Mọi vấn đề đang được vận hành trơn tru, các mối liên lạc đã được thiết lập và hoạt động đều đặn, thì đến cuối tháng 12-1932, một mối liên lạc trong tù do đồng chí Tôn Đức Thắng phụ trách bị địch phát hiện. Ngay lập tức, tên chúa ngụ Bu-vi-e “Mặt lợn” ra lệnh phạt giam đồng chí Tôn Đức Thắng vào Hầm xay lúa – nơi hành hạ dã man đối với các tù nhân.
Chuyện rất bình thường – Nhưng hào quang chói sáng – Lòng cao thượng – đức độ con người – Anh hai Thắng – cảm hóa hồi sinh – Những người tù hung bạo trong hầm xay lúa – Không có tấm lòng yêu quê hương đất nước – Sẽ không có tấm lòng chung thuỷ sáng trong – Trời biển Côn Lôn mênh mông – Giam cầm chí lớn trên đảo nhỏ – Thời gian nung cháy quả tim đỏ – Một sáng mùa thu Hồng – Hoan hô Cách mạng thành công – (Chiếc hôn vĩnh cữu – Hoài Tâm)
Câu chuyện về người tù ở Hầm xay lúa nơi Côn Đảo là một câu chuyện ly kỳ của cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn. Nhà thơ Tố Hữu khi đi làm cách mạng, ông đã nhận ra rằng:
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa
Thời đất nước ta còn trong gông cùm nô lệ, nhân dân ta còn rên xiết dưới gót giày đô hộ, chấp nhận dấn thân vào con đường cách mạng là chấp nhận tù đày. Bác Hồ bị tù từ mùa thu năm 42 đến mùa thu năm 43 tại Quảng Tây (Trung Quốc), Tố Hữu 19 tuổi đã bị bắt. Trong nhà giam thực dân đầy ắp những vần thơ viết bằng máu.
Người tù cộng sản Hoàng Văn Thụ khi rơi vào cảnh lao tù đã viết những lời thơ khẳng khái:
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
Khi bước trên con đường cách mạng, với những nỗ lực hoạt động không mệt mỏi để đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, người cộng sản Tôn Đức Thắng biết trước thế nào cũng có ngày mình rơi vào cảnh “bốn tường vôi khắc khổ, đây sàn lim manh ván ghép sầm u”. Và ngày 3-7-1930 đã mở ra một chặng đường gian lao gập ghềnh khúc khuỷu nhất trên con đường cách mạng của Bác.
Cái thời hạn 20 năm tù khổ sai quả là thật chẳng dễ dàng gì khi nghe tòa tuyên án. Và lại bị đày ra Côn Đảo – nơi nổi tiếng là chốn địa ngục tại trần gian – thì quả là điều khủng khiếp. Đó là một trường học Cách mạng lớn thực sự cho người chiến sĩ trải nghiệm bao phong ba bão táp. Đó là nơi trui rèn trong lửa đỏ, lửa thử vàng, gian nan thử sức. Nhưng với một số người, đó cũng là nơi để họ sống những tháng ngày tuyệt vọng nhất, bi quan nhất, thậm chí vội vã rời khỏi ngọn cờ tranh đấu, tham sinh uý tử mà yếu hèn chọn lựa lối sống quỳ, đánh mất chí khí của người cộng sản.
Côn Đảo thuộc quần đảo Côn Lôn, ở phía đông nam Nam bộ nước ta, cách đất liền khoảng 83 km. Nguyễn Ánh khi nhờ thế lực Pháp chống Tây Sơn đã lấy Côn Lôn làm món quà dâng cho Pháp. Mấy chục năm sau, khi đã xâm chiếm toàn nước ta, bọn Pháp đã tìm một nơi hẻo lánh, xa cách đất liền làm nơi giam giữ những người Việt Nam yêu nước, chống lại chúng. Và chúng đã chọn Côn Đảo.
Ở đây, chúng xây ba khu vực lớn (gọi là Banh 1, Banh 2 và Banh 3). Banh 1 giam tù thường, Banh 2 giam tù chính trị. Tù đông, chúng xây thêm Banh 3. Ngoài ra, chúng cũng dùng những nơi khác để giam – thực ra là để hành hạ trừng phạt tù nhân như sở tải (làm vệ sinh), sở lưới (lấy hải sản), sở chuồng bò (lấy củi). Tù thường phạm là những giang hồ tứ chiếng, đầu trộm đuôi cướp, đầu bò đầu bướu… mang án cướp của giết người ngang ngạnh bất trị. Vào đây chúng đấu đá nhau để tranh chức anh chị (giống như kiểu “đại bàng”), ức hiếp tù nhân khác và trở thành một thế lực đen bên cạnh bọn cai ngục mất hết tính người. Bác Tôn khi bị đày ra Côn Đảo đã bị làm lệch án để giam giữ Bác chung với tù thường phạm. Một mặt để cách ly Bác với các đồng chí tù chính trị; mặt khác thâm độc hơn, bọn thực dân muốn mượn tay những người tên tù hung hãn, chuyên đâm thuê chém mướn để trừng trị Bác.
Dưới thời tên chúa ngục khát máu Buvie (Bouvier 1927-1934), nhà ngục Côn Đảo như một lò sát sinh lớn. Thật đáng sợ cho một nơi giam giữ con người mà như cầm tù những con vật, những đòn roi tan da nát thịt, những cực hình dã man tàn bạo còn nặng nề hơn thời Trung cổ… đều được điểm danh và xuất hiện thường xuyên phổ biến nơi nhà tù khổ sai đẫm máu ấy. Tháng 11 năm 1930, một trận bão lớn ập đến làm sập trại giam Sở Lưới làm 75 người tù thiệt mạng; rồi sau đó hàng mấy tháng trời, tù nhân sống cảnh “màn trời chiếu đất”, ngày phơi nắng, đêm phơi sương cùng những trận mưa bất thường ập đến, tù nhân suy kiệt rồi qua đời. Chỉ trong năm đó, nhà tù Côn Đảo thành nhà mồ cho 311 người, tỷ lệ chết là 15,6 % – cao nhất trong các nhà tù ở Đông Dương.
Cảnh ốm đau thật khốn cùng vì vẫn phải đi làm khổ sai. Báo bệnh thì bị phán là giả đò thế là thêm nhừ đòn. Tù nhân ở sở chuồng bò phải đi vào rừng leo dốc, mỗi người mỗi ngày một thước khối củi; hoặc ở sở lưới, họ phải ngâm mình suốt đêm dưới biển để mò san hô, bắt đồi mồi, bắt vích (giống rùa biển). Tù nhân vừa chết bệnh, vừa tự tử hoặc bị ức chế trở nên điên loạn; có khi giết chóc lẫn nhau. Đối với tù thường phạm, nếu “có công” giết được tù chính trị, chúng còn chóng được tha.
Và khủng khiếp và tàn khốc nhất là tù nhân – thường vào hạng “bất trị” – được đưa xuống hầm xay lúa. Hầm dài và rộng khoảng 150m2, tường đá dày xây kín ba mặt, có 5,6 cối xay lúa nặng làm bằng thùng tônô đựng rượu vang, loại 150 lít cưa ra – khoảng 5, 6 người kéo mới quay nổi một cối. Từ 5 giờ sáng đến 17 giờ chiều tù nhân phải lao động khổ sai trong một căn hầm chật chội, ầm ĩ, oi bức, ngột ngạt và đầy bụi bẩn. Cả ngày ở đây, đứng cách nhau 1 mét không nhìn rõ mặt vì bụi cám, trấu, hơi người hừng hực nóng. Quạt gió thổi ù ù, cối xay quay ầm ầm, tiếng xích sắt loảng xoảng lê dưới chân tù, tiếng thớt cối nặng nhọc nghiến vào nhau chen lẫn tiếng roi quật đen đét lên những tấm lưng trần cùng những tiếng rít chửi độc địa của bọn “cặp rằng” lưu manh làm nên một thứ tạp âm rùng rợn. Chỉ cần 15 phút đủ để ra ngoài khạc đầy đờm đen. Còn ở lâu cỡ năm, bảy bữa là đau mắt, đau tim, đau gan, ho lao, kiết lỵ… Làm nặng, ăn khổ, ốm không thuốc men, rồi đâm chém nhau thế là cầm chắc cái chết thê thảm. Tù nhân ở hầm xay lúa dao động từ 5, 6 chục đến hơn 100 người, mỗi ngày họ phải xay khoảng 35 bao mỗi bao tám, chín chục kí lô.
Bọn thực dân áp dụng chiêu thức dùng tù trị tù, nên tù nhân trực tiếp điều hành ở đây được gọi là Cặp rằng: Trong hầm có một cặp rằng chính và bốn cặp rằng phụ. Bọn này tập hợp hàng chục tên lưu manh đàn em để phục dịch cho chúng. Chúng ỷ thế lập ra vai vế, ban bệ ức hiếp tù nhân khác để ăn trên ngồi trốc, đè đầu cỡi cổ bạn tù. Chúng dùng tiền đút lót để được làm cặp rằng hòng lánh nặng tìm nhẹ. Nhưng chẳng bao lâu, có khi là một tháng, nhiều hơn cũng chỉ là sáu tháng, chúng bị tù nhân nổi loạn làm liều giết đi. Có khi bằng dùi đục sửa cối, có khi bằng kim khâu bao gạo, có khi dao búa mang lén vào hầm…
Bác Tôn của chúng ta đã có mặt ở đó. Trong hầm xay lúa tàn khốc đó, làm ngay cái “chức” cặp rằng đáng sợ đó (ngay khi cặp rằng Bảy Tốt vừa bị hai tên đàn em đập bể đầu) để làm mồi nhử cho bọn tù hung hãn liều mạng. Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Cái âm mưu đẩy Bác Tôn vào chỗ chết của bọn cai ngục nói riêng và bọn thực dân Pháp nói chung đã bị phá sản. Bằng sự chân tình, thân ái, sự cởi mở hòa đồng, sự khoan dung độ lượng cùng cái chất hào sảng rất Nam bộ; đặc biệt là cái ý thức giác ngộ quần chúng bằng chính tư tưởng chính trị của mình, người cặp rằng hầm xay lúa Tôn Đức Thắng đã cảm hóa sâu sắc, đã hoàn toàn thuyết phục tù nhân. Người cặp rằng đó rất hiền hòa, sẵn sàng xốc vai vào làm với tất cả mọi người, phân công lao động hợp lý cho tù nhân đỡ đần nhau, người mạnh chăm sóc kẻ ốm đau, bệnh tật. Họ tích lũy lương thực, học chữ để viết thư thăm nhà…Và học bài học cuộc sống ngay trong cái chết.
Nhóm tù chính trị cộng sản trở thành hạt nhân đoàn kết toàn thể tù nhân, không phân biệt tù chính trị hay thường phạm. Họ tích cực giáo dục cảm hóa tù thường. Hội cứu tế tù nhân được tổ chức ngay trong hầm xay lúa. Những người ốm đau được săn sóc chu đáo. Buổi trưa khi bọn gác ngục đã về hết, hội tù tổ chức xúc gạo nấu ăn thêm để bảo đảm sức khỏe. Buổi tối tổ chức học văn hóa, nói chuyện truyền thống, giáo dục lòng yêu nước. Không khí đoàn kết học tập và giúp đỡ lẫn nhau dần thay thế cho thù hằn chia rẽ. Hầm xay lúa không còn là nỗi kinh hoàng mà “nơi hầm tối là nơi sáng nhất, nơi … nhìn ra sức mạnh Việt Nam” (Dương Hương Ly).
Như vậy trên 15 năm giam giữ Bác, kẻ thù ắt hẳn đang đắc ý chờ đợi nhà tù thực dân sẽ chứng minh đó là nơi bóp nghẹt sự sống, thủ tiêu ý chí, bào mòn nhân cách và sức chịu đựng của con người, không cho họ cái quyền được làm một con người bình thường. 15 năm có thể không phải là thời gian dài trong đời người nhưng với cuộc sống tù đày mà Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại thì chắc chắn đó không phải là một thời gian ngắn. 15 năm đủ để một người cha ra tù ngỡ ngàng nhận ra những đứa trẻ đã trở thành người trưởng thành; đủ để cho bố mẹ của mình đã về với ông bà tổ tiên mà mồ đã xanh cỏ. Nhưng với Bác Tôn, 15 năm ngục tù đen tối đã làm bật sáng lên một nhân cách lớn, một con người đại nhân đại dũng.
Cải tạo chế độ Hầm xay lúa
Khoảng năm 1933, bọn gác dang phát hiện được đồng chí Tôn Đức Thắng liên hệ với tù chính trị Banh II và phạt giam đồng chí vào Hầm xay lúa. Hầm xay lúa vừa là một hình thức khổ sai để tận dụng lao động của tù nhân, vừa được cấu tạo một cách đặc biệt để đày đọa người tù và trớ thành một hình phạt khủng khiếp, địch gọi là “khu trừng giới” (quatier diciplinaire).
Trực tiếp điều hành trong Hầm xay lúa là một cặp rằng1 chính và 4 cặp rằng phụ do xếp banh chỉ định trong số tù lưu manh loại “anh chị”. Bọn này tập hợp hàng chục tên lưu manh đàn em để phục dịch cơm nước và đấm bóp cho chúng. Cả bọn cấu kết với nhau trút tất cả những công việc khổ sai nặng nhọc lên đầu những người tù khác.
Từ 5 giờ sáng tới 17 giờ chiều, Hầm xay lúa chật chội, ầm ĩ, bụi bặm, oi bức và ngột ngạt. Hơn 100 người tù bị xiềng xích, 200 bao thóc chất đống, 5 cối xay và 2 quạt gió đồ sộ chen chúc nhau trong một căn hầm rộng chừng 150 mét vuông. Quạt gió thổi ù ù, cối xay quay ầm ầm; tiếng xích sắt loảng xoảng lê dưới chân người tù, tiếng thớt cối nặng nhọc nghiến vào nhau chen lẫn tiếng roi quật đen đét lên những tấm lưng trần và những tiếng rít chửi độc địa của bầy cặp rằng lưu manh hòa thành một thứ âm thanh rùng rợn của Hầm xay lúa.
Khác với các sở tù khổ sai, bọn lưu manh trong Hầm xay lúa được toàn quyền hành hạ người tù, chúng hung dữ như một bày quỷ sứ. Bọn gác ngục chỉ đứng ngoài song sắt để chứng kiến lòng trung thành của đám tù tay sai đã được chúng kích động bản tính lưu manh. Bị áp bức đến cùng cực, tù nhân Hầm xay lúa trở nên hung bạo, thỉnh thoảng họ lại đập chết những tên cặp rằng hung ác.
Đồng chí Tôn Đức Thắng vào Hầm xay lúa được ít hôm thì cặp rằng Bảy Tốt bị hai người tù thường phạm đập vỡ sọ bằng một khúc gỗ lim, âm mưu dùng tay bọn tù lưu manh để sát hại đồng chí, xếp banh chỉ định ngay Tôn Đức Thắng làm cặp rằng chính. Hiểu được ý đồ thâm độc này, một số đồng chí cộng sản cùng bị đày ở Hầm xay lúa lúc ấy bàn với Tôn Đức Thắng nên nhân dịp này nắm quyền lực để cải tạo chế độ Hầm xay lúa.
Lần đầu tiên những công việc ở Hầm xay lúa được tổ chức lại. Tất cả mọi người đều làm việc. Những người yếu được bố trí vào kíp sàng gạo và đóng bao, người khỏe thì xay và khuân vác thóc. Kíp đứng cối nặng nhọc nhất được bố trí thêm người, thay nhau người làm người nghỉ. Thấy có một số tù nhân ngồi nghỉ, tên gác dang coi Hầm xay lúa chực xông vào đánh thì Tôn Đức Thắng ôn tồn bảo hắn: “Đủ gạo thì thôi, đánh đập có ích gì “Nói vậy nhưng chẳng bao giờ đủ gạo. Cặp rằng Tôn Đức Thắng không bắt tù xay nhiều thóc. Có lần tên xếp banh đích thân đến quở trách, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trả lời hắn: “Tôi có thể chỉ huy cả một đội quân Lê dương2 nhưng tôi không thể điều khiển tù nhân xay lúa theo ý các ông được”.
Đồng chí Tôn Đức Thắng khi trước làm thợ máy trong Hải quân Pháp, năm 1919 đã từng kéo lá cờ cách mạng trên biển Hắc Hải bảo vệ nước Nga Xô Viết, bọn gác ngục Pháp đều biết tiếng, ngay cả đám tù lưu manh cũng phải kiêng nể. Những người tù thường phạm đã nhiều lần bị phạt Hầm xay lúa thì hết sức ngạc nhiên. Lần đầu tiên họ thấy một ông cặp rằng không hề đánh tù mà ôn tồn chỉ bảo cho từng người cách làm việc, cách cư xử với nhau. Bọn gác ngục Pháp thì rất hậm hực vì công việc đã không chạy mà tù nhân lại đoàn kết với nhau.
Nhóm cộng sản trong Hầm xay lúa tích cực giáo dục, cảm hóa tù thường. Hội cứu tế tù nhân được tổ chức trong Hầm xay lúa. Những người ốm đau được chăm sóc chu đáo. Hội tù tổ chức cạo gió xoa bóp cho nhau, san sẻ nỗi mệt nhọc trong ngày. Buổi trưa, khi bọn gác ngục về hết, Hội tù xúc gạo nấu cơm ăn thêm để bảo đảm sức khỏe. Buổi tối, Hội tù tổ chức học văn hóa, nói chuyện truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho tù thường. Không khí đoàn kết, học tập và giúp đỡ lẫn nhau dần dần thay thế cho sự thù hằn, chia rẽ. Nhiều người tù thường phạm rất ham học văn hóa. Anh Dừ, tù án lưu (relégué) chưa biết chữ nào, nhờ học mấy tháng ở Hầm xay lúa mà viết được thư về cho vợ làm cả nhà hết sức ngạc nhiên. Đến khi nhận được thư vợ gửi ra, anh cảm động đến phát khóc.
Nhiều người tù lưu manh cảm phục những người cộng sản mà bớt hung hãn hơn. Có người giác ngộ, sau về tham gia kháng chiến. Tình hình được cải thiện trong Hầm xay lúa làm bọn gác dang không vừa lòng. Tên xếp banh quyết định thay cặp rằng chính nhưng vẫn chỉ định Tôn Đức Thắng và Tô Hiệu làm cặp rằng phụ. Hết hạn phạt, Tôn Đức Thắng trở về Sở tẩy- Có tên gác dang ngạc nhiên hỏi: “Mêcanixiêng3 còn sống đấy hả? Tưởng chết rồi chứ?”
Nhiều cặp rằng Hầm xay lúa đã bị tù nhân đập chết trước khi mãn hạn phạt, nhưng bọn thực dân không thể hiểu được rằng những người cộng sản đang từng bước cải tạo “địa ngục trần gian” này.
Sưu Tầm