Cồn Cỏ là hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam XHCN thuộc vùng biển Quảng Trị. Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt: Là điểm phân chia Vịnh Bắc Bộ – Cửa ngỏ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ – là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Đảo Cồn Cỏ nguồn gốc núi lửa bazan, dạng đồi đẳng thước rộng 2,3 km2, cao 63 m, nằm cách xa bờ 24 km. Đảo có vị trí lẻ loi ở cửa vịnh Bắc Bộ và khá gần bờ Việt Nam. Mặc dù diện tích đảo nhỏ, nhưng các đặc điểm về hình thể và cấu trúc không gian, cấu tạo địa chất; diện tích, độ cao và cảnh quan sinh thái; động lực và tính ổn định… đã tạo ra giá trị lớn cho đảo về tài nguyên địa – tự nhiên và môi trường sinh cư thuận lợi cho các loài sinh vật và con người. Về giá trị vị thế địa – kinh tế, Cồn Cỏ thuộc đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Trị, là vị trí ưu tiên đối với phát triển kinh tế biển – đảo của đất nước; là vị trí trung tâm của không gian kinh tế khu cửa vịnh Bắc Bộ. Đây là một địa bàn thuận lợi cho phát triển các lĩnh vực kinh tế biển như thủy sản, bảo tồn biển, dịch vụ – du lịch cùng với các loại hình dịch vụ khác. Về giá trị vị thế địa – chính trị, đảo Cồn Cỏ có giá trị to lớn đối với việc bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển. Là đảo tiền tiêu nằm trong vùng địa – chính trị nhạy cảm cao, đảo có giá trị lớn về phòng thủ, là một cứ điểm quân sự vững chắc ở vùng cửa vịnh Bắc Bộ và mắt xích quan trọng nhất trong phòng tuyến các đảo ven bờ Bắc Trung Bộ. Cồn Cỏ có các giá trị di sản văn hoá biển đảo, đặc biệt là những chiến tích anh hùng trong thời chiến tranh chống Mỹ.
Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Thảo phù, Con Hổ, hay Hòn Mệ (theo cách gọi của ngư dân Vĩnh Linh – tỉnh Quảng Trị). Đứng trên cao nhìn xuống đảo như một con rùa khổng lồ hướng đầu về phía Tây Nam. Những ngày đẹp trời, từ Cửa Tùng có thể nhìn thấy đảo rất rõ với sự nhô lên 2 điểm cao làm nỗi bật màu xanh sẩm của đảo trên nền trời trong nước biếc.
Vị trí đảo Cồn Cỏ
Nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, có toạ độ 17008’15’’ – 17010’05’’ vĩ độ Bắc; 1070,19’50” – 107020’40” kinh độ Đông. Cồn Cỏ có ưu thế gần bờ, chỉ cách Mũi Lay 24 km về phía tây tây nam (TTN), nơi có địa đạo Vịnh Mốc nổi tiếng; cách Cửa Tùng khoảng 28 km về phía tây nam (TN); cách Cửa Việt khoảng 32 km về phía nam tây nam (NTN), cách Tp. Đông Hà 45 km về phía TN. Vì vậy, đảo thuận lợi về liên lạc với đất liền, dễ dàng tiếp nhận cung ứng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị cho dân dụng và quốc phòng. Với khoảng cách này, có thể trực tiếp cấp điện, nước từ đất liền, hỗ trợ đảo khi khẩn cấp và tổ chức các hoạt động dịch vụ liên kết đảo – đất liền. Đảo cách cảng Đà Nẵng 155 km về phía ĐN (xa hơn một chút so với khoảng cách Bạch Long Vĩ – cảng Hải Phòng 135 km), đảm bảo hỗ trợ kịp thời trong những trường hợp cấp bách.
Từ đảo nhìn về phía Tây, sẽ thấy rừ màu xanh của vựng ven biển Cửa Tùng, Vịnh Mốc, Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, phía Tây Nam là dải bờ Nam sông Bến Hải. Với diện tích tự nhiên 230,39ha.
Cồn Cỏ là một trung tâm dịch vụ nghề cá quan trọng cho Quảng Trị và các hoạt động đánh bắt xa bờ của các tỉnh lân cận ở ngư trường khu vực cửa VBB. Các khu neo đậu tàu thuyền tránh gió bão cần được xây kè chắn sóng, âu tầu và luông vào nạo vét sâu thêm, nâng cấp khu cảng cá để có thể tiếp nhận tất cả các loại tầu đánh cá trên vùng biển đảo vào cập cảng; mở rộng khâu tiêu thụ và bảo quản để phát huy hơn nữa lợi thế dịch vụ nghề cá.
Cồn Cỏ có triển vọng còn là một trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng đảo – biển. Với các di tích lịch sử hào hùng, cảnh quan đảo núi lửa đặc sắc, đa dạng sinh học cao, không khí trong lành, đảo có tiềm năng lớn trở thành một quần thể du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần, tham quan thắng cảnh và di tích chiến tranh, du lịch sinh thái và tắm – lặn biển. Tương tự Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ còn có thể là điểm đến của các tàu du lịch viễn dương. Tuy nhiên, do sức chứa có hạn, du lịch biển – đảo cần có những phương án tổ chức thành ‘Cụm du lịch biển, ven biển – đảo’ trên cơ sở nối kết với các địa điểm du lịch ven bờ để giảm tải cho đảo, như: địa đạo Vịnh Mốc, Rú Linh, Cửa Tùng, cầu Hiền Lương,…
Đảo nằm khá gần đường hàng hải quốc tế, liên hệ với đất liền qua Cửa Tùng, nhưng có quan hệ không gian kinh tế với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình ở phía trong và từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi, ở phía ngoài cửa VBB. Cho nên, Cồn Cỏ là một trong những vị trí cửa ngõ, có kết nối đặc biệt trong không gian kinh tế của hành lang Đông – Tây, hành lang kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ (BTB) và các tuyến kinh tế theo các trục lộ BTB, nếu thiết lập được cầu nối trực tiếp với Đông Hà qua Cửa Việt.
Từ vị trí địa lý đó, trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Cồn Cỏ có vị trí quan trọng về quân sự, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, là con mắt thần án ngữ biển đông, cảnh giới miền bắc XHCN, là điểm chốt phía nam Vịnh Bắc bộ suốt 50 năm qua.
Dân số tại Cồn Cỏ
Huyện đảo Cồn Cỏ với dân số đảo hiện có 600 người. Trong đó chiếm phần lớn là quân đội đang đồn trú trên đảo và có khoảng hơn 20 hộ dân sinh sống lâu dài tại đảo Cồn Cỏ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn chặt với đảm bảo an ninh của địa phương.
Đa số hộ gia đình ra đảo Cồn Cỏ đều lứa thanh niên xung phong hai xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch thuộc huyện Vĩnh Linh trong số 43 thanh niên của Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Trị tình nguyện ra đây xây dựng đảo theo mô hình “Đảo thanh niên”. Những bước chân tình nguyện của lớp thanh niên này đã đặt những dấu mốc đầu tiên trong việc xây dựng Cồn Cỏ trở thành địa bàn có kinh tế – xã hội phát triển, quốc phòng – an ninh vững chắc. Từ đây đảo đã có những cư dân đầu tiên đến định cư, mở ra một hướng mới trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội trên Cồn Cỏ.
Những hộ dân ra đảo Cồn Cỏ sinh sống đều được hưởng chế độ như những hộ từng ra đảo trước đó khi được cấp 1 ngôi nhà rộng 42 m2 trên nền đất 200 m2, được hỗ trợ lương thực bằng tiền mặt trong 18 tháng đầu tiên. Ngoài ra, các hộ dân còn được hỗ trợ sinh hoạt phí, giống vật nuôi và cấp vốn vay 100 triệu đồng không cần thế chấp…Vì thế, các hộ gia đình phần nào an tâm và có kế hoạch, phương hướng xác định nghề nghiệp cụ thể, tổ chức sinh sống, định cư lâu dài tại huyện đảo Cồn Cỏ. Cuộc sống gia đình đã thật sự ổn định…Trong các gia đình, chủ hộp là đàn ông, tuổi từ 26 đến 37, đều là ngư dân thạo nghề biển, có phương tiện đánh bắt thủy sản, vợ là lao động phổ thông.
Từ ngày có những hộ thanh niên đầu tiên ra lập nghiệp đến nay đảo đã có hơn 30 cháu được sinh ra trên hòn đảo lịch sử này. Bà con cô bác sinh sống trên đảo đều thật sự gắn bó, coi Cồn Cỏ là quê hương. Cuộc sống mới của người dân trên đảo tiền tiêu hôm nay so với buổi đầu, cơ sở vật chất, giao thông ở đảo cũng thuận lợi hơn nhiều. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, chung lưng đấu cật xây dựng mà đảo Cồn Cỏ nay đã thật sự đổi mới; đời sống bà con đã được cải thiện, hệ thống đường giao thông đã được rải nhựa. Vấn đề thiết yếu nhất là nước ngọt đã được giải quyết với hệ thống giếng bơm trải đều. Giữa trung tâm huyện có hồ chứa nước ngọt, là nguồn nước dự trữ vừa tạo cảnh quan môi trường..
Kinh tế biển Cồn Cỏ
Khai thác hải sản: Vùng biển quanh đảo là một ngư trường thuận lợi, rộng lớn khoảng 9.000 km2 với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Có tới hơn 1.000 loài sinh vật biển sống trong 4 – 5 hệ sinh thái biển ven đảo, trong đó có nhiều loài quí hiếm như rùa biển, vú nàng, tôm hùm, trai ngọc, cua đá,… Trong 267 loài cá biển, có 49 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng các loại động vật đáy cỡ lớn ven đảo gồm trai, ốc, tôm, cua, hải sâm,… khoảng 2.670 tấn. Sản lượng khai thác mực đạt 356,8 tấn/năm và tôm hùm đạt 4,8 tấn/năm3. Hiện nay, đánh bắt đến độ sâu 10 – 15 m quanh đảo có khoảng 100 thuyền nhỏ công suất dưới 45 CV và khoảng 200 tàu nhỡ 50 – 100 CV chuyên nghề đánh lưới cá dìa, cá mó, câu mực, lặn bắt hải sâm, ốc nón, cá mú, tôm hùm, cùm đá,… Nhóm tàu đánh bắt đến khoảng độ sâu 30 m có khoảng 100 chiếc trên 150 CV của các ngư dân chủ yếu từ Bình – Trị – Thiên, thường xuyên khai thác các loại cá cơm, cá nục, mực, cá hố theo mùa vụ. Sản lượng khai thác các loại cá cơm, cá nục, cá hố ở ngư trường ven đảo khoảng 40.000 tấn/năm, động vật đáy 460 tấn/năm (2013-2014). Tổng doanh thu từ khai thác thủy sản đảo Cồn Cỏ 505.393 triệu đồng/năm, trong đó trên rạn san hô và đáy mềm: 493.800 triệu đồng/năm và vùng triều: 11.593 triệu đồng/năm.
Dịch vụ biển: Cồn Cỏ có thể phát triển nhiều loại hình dịch vụ khác như giao thông, tìm kiếm và cứu hộ trên biển, báo bão, hướng dẫn đánh cá, thông tin liên lạc, dịch vụ ngân hàng (vay vốn, thanh toán, chuyển khoản, ký gửi…) y tế,… Đây là nơi trú gió bão, trạm trung chuyển cung cấp nước ngọt cho ngư dân, tàu thuyền qua lại. Ngành thủy sản từ nam Quảng Bình đến Quảng Trị phát triển khá mạnh là một lợi thế cho dịch vụ nghề cá ở Cồn Cỏ. Tương lai đây sẽ là trạm trung chuyển khi khai thác dầu khí ở thềm lục địa miền Trung. Khó khăn hiện nay là thiếu nước ngọt và nguồn điện. Nguồn nước ngọt trên đảo khan hiếm, chủ yếu tích trữ từ nước mưa. Nước ngầm trữ lượng không lớn, ở dạng các túi chứa, phân bố tập trung ở phía nam đảo (khoảng 45 ha), chiều sâu ranh giới nhạt/mặn trung bình 30 m, trữ lượng khai thác tiềm năng đạt 894,01 m3/ngày [20]. Trên đảo đã có 3 giếng khoan tổng khai thác 10 – 15 m3/ngày phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Năm 2009 huyện đảo đã xây dựng 1 trạm cấp điện diezel với 2 máy, công suất mỗi máy 66 kVA, nhưng giá thành rất cao. Bên cạnh nguồn điện gió và mặt trời cần phát triển, nguồn điện cáp ngầm từ đất liền nếu được giải quyết như trường hợp các huyện đảo Cô Tô và Phú Quốc thì kinh tế Cồn Cỏ mới thực sự phát triển.
Du lịch biển: Là một đảo núi lửa, xanh tốt, thanh bình và yên tĩnh, nằm không quá xa đất liền, môi trường trong sạch, có rừng và biển, bãi biển cát trắng và rạn san hô đẹp, thủy sản phong phú, Cồn Cỏ hội tụ nhiều điều kiện để phát triển thành một tâm điểm du lịch hấp dẫn. Ở đây, có thể phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái và văn hóa: Nghỉ dưỡng, ẩm thực, câu cá giải trí và bắt hải sản, tắm biển, lặn biển, du thuyền, du ngoạn xuyên rừng, thăm xem các di sản núi lửa bazan, các di tích lịch sử,… Tuy nhiên, du lịch đảo chỉ có thể khởi sắc khi kết nối được với du lịch Quảng Trị và các điểm đầu mối của hành lang kinh tế Đông – Tây (Huế, Đà Nẵng, Hội An,…), nổi tiếng với chuỗi di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như hàng rào điện tử Mc Namara, Thành Cổ, địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, nghĩa trang Trường Sơn,… Hiện nay có khá nhiều dự án du lịch đăng ký đầu tư vào vùng biển thuộc huyện Gio Linh (Quảng Trị) bao gồm hệ thống khách sạn, sân golf, dịch vụ giải trí… có tầm quốc tế.
Bảo tồn tự nhiên biển – đảo: Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 45/QĐ-TTg năm 2014 về quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến 2020, định hướng đến 2030, khu bảo tồn biển Cồn Cỏ có diện tích 4.000 ha. Thảm rừng trên đảo xanh tốt, đa dạng sinh học biển ở đây khá cao và mức độ bảo tồn còn khá tốt. Các hệ sinh thái (HST) vùng triều có tổng số 307 loài: Thực vật phù du 160, rong biển 40, động vật phù du 54, động vật đáy 53 loài. Các HST dưới triều có tổng số 1.068 loài, gồm: thực vật phù du 219, rong biển 71, động vật phù 134, động vật đáy 173, san hô cứng 150, san hô mềm 31, cá biển 200; cá san hô 90 loài. Diện tích san hô cứng còn 150 ha (hình 11). Tổng giá trị kinh tế (TEV) của các HST biển vùng đảo ước tính thấp nhất 267,52 tỷ đồng/năm, cao nhất 367 tỷ đồng/năm (12 – 16,31 triệu USD/năm), khoảng 307 – 421 triệu đồng/ha/năm, gồm nhóm giá trị sử dụng trực tiếp 62,19%, gián tiếp 36,9% và phi sử dụng khoảng 1%.
Cồn Cỏ có cảnh quan đảo núi lửa hấp dẫn với di tích chóp nón phun trào, dòng chảy dung nham, các cột đá hình trụ, các vách cao (đến 20 m) dựng đứng như tường thành, có các bãi đá với những tảng tròn cạnh khổng lồ đen xẫm chồng chất lên nhau, có mặt cắt đá tuf Neogen điển hình,… là những di sản địa chất quý cần được bảo tồn cùng đa dạng sinh học.
Lịch sử hình thành đảo Cồn Cỏ
Đảo Cồn Cỏ gắn với huyền thoại về Ông Thồ Lô (Ông Khổng Lồ) gánh đất đắp nên dải Trường Sơn ở Quảng Trị. Một hôm đòn gánh gẫy, đất văng ra biển thành Cồn Cỏ và văng lên bờ thành Dốc Miếu – Cồn Tiên. Tại Bến Nghè, Bến Tranh ở phía đông và TN đảo, đã tìm thấy nhiều di tích, di vật cuối thời Đá cũ thuộc về văn hóa cuội gia công từ hàng vạn năm trước. Tại đảo cũng đã tìm thấy rìu đá tứ giác mài nhẵn cuối thời Đá mới, khoảng 4 – 5 nghìn năm trước. Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, đảo đã từng là nơi sinh cư của người Chămpa. Các lớp văn hóa chứa nhiều mảnh vỡ gốm sứ niên đại cuối thế kỷ 17 – đầu 18, nguồn gốc từ Đàng Ngoài và từ Trung Quốc tìm thấy ở Bến Tranh, cho thấy Cồn Cỏ là một điểm dừng trên con đường giao lưu buôn bán trên biển
Theo sử sách thì từ thế kỷ thứ XVII – XVIII, trên con đường giao lưu buôn bán, cư dân Đại Việt đã coi Cồn Cỏ là một điểm dừng.
Tương truyền dưới thời nhà Nguyễn đây là nơi đày ải những người có tội. Theo các nhà khảo cổ, trong thời gian của những thế kỷ đầu công nguyên Cồn Cỏ đã từng có nhiều cư dân đặt chân đến và để lại nhiều dấu tích. Như vậy, đã từ lâu Cồn Cỏ được người Việt khám phá và đặt nền móng cho sự xác lập quyền quản lý đảo này. Cồn Cỏ là đảo ven bờ, nằm ngoài khơi biển đông có độ cao trung bình từ 7 – 10 m so với mực nước biển. Trên đảo có 2 điểm cao: điểm phía Đông đảo 37m (vì vậy có tên điểm cao 37), điểm phía Tây – gần chính giữa đảo – là điểm cao 63,4m đây là điểm cao nhất đảo.
Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Thảo phù, Con Hổ, hay Hòn Mệ (theo cách gọi của ngư dân Vĩnh Linh – tỉnh Quảng Trị).
Đứng trên cao nhìn xuống đảo như một con rùa khổng lồ hướng đầu về phía Tây Nam. Những ngày đẹp trời, từ Cửa Tùng có thể nhìn thấy đảo rất rõ với sự nhô lên 2 điểm cao làm nỗi bật màu xanh sẩm của đảo trên nền trời trong nước biếc.
Sau hiệp định Giơnevơ (1954) một thời gian dài đảo chưa có người ở. Mùa thu năm 1959, trước âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn lăm le chiếm đảo, chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh và Chính uỷ E270 thuộc đặc Khu Vĩnh Linh, một trung đội 127 ly của Trung đoàn 270 quân đội nhân dân Việt Nam do thiếu uý Dương Đức Thiện chỉ huy vượt sóng gió trùng dương ra đảo; đúng 11h ngày 08/8/1959 lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đảo, một lần nữa khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.
Những dấu tích hầm hào và công sự của một “chiến hạm” không thể chìm chính là những di sản văn hóa và lịch sử của cuộc chiến tranh chống Mỹ hào hùng và oanh liệt “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần chiến đấu ngoan cường trong chiến tranh khốc liệt là những di sản văn hóa phi vật thể quý giá của đảo. Những giá trị văn hóa tinh thần sống mãi cùng năm tháng với các ca khúc: “Gửi Cồn Cỏ anh hùng” của Trọng Loan, “Con cua đá” của Ngọc Cừ, “Thái Văn A đứng đó” của Văn An,… Cồn Cỏ cùng với Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Phú Quốc,… đã nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam, là biểu tượng ý chí chiến đấu kiên cường vì độc lập tự do và nay là ý chí phát triển phồn vinh cho đất nước.
Trải qua hơn 50 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành. Ra đời trong những ngày đầu xây dựng CNXH và lớn lên dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Cùng với quân và dân Vĩnh Linh luỹ thép, Cồn Cỏ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Tượng đài bất khuất sừng sững giữa biển khơi làm nức lòng bạn bè trong nước và thế giới.
Du lịch đảo Cồn Cỏ
Du lịch Cồn Cỏ, du khách có thể tắm biển, lặn ngắm san hô, thăm nhà truyền thống đảo Cồn Cỏ, cột cờ Tổ quốc, ngắm toàn cảnh đảo Cồn Cỏ từ Ngọn hải đăng trên đỉnh đồi cao nhất đảo, viếng đài tưởng niệm nơi các chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ đảo, Đài quan sát Thái Văn A, hầm quân y, bến đò tiếp tế Cồn Cỏ, tham quan dã ngoại rừng nguyên sinh Cồn Cỏ, đường đi dạo và ngắm cảnh ở Bến tranh, Công viên cây xanh… đặc biệt là khách có thể lặn đêm bắt cá cùng người dân trên đảo, bắt ốc vú nàng, đôi lúc may mắn còn bắt được cả tôm hùm luôn.
Ngoài ra, còn có một số dịch vụ giải trí, các hoạt động thể thao dưới nước như bơi lặn, chèo thuyền, ngắm san hô…; du lịch ẩm thực thưởng thức các đặc sản biển miền Trung; du lịch sinh thái câu cá, câu mực…; du lịch thể thao biển, nghiên cứu hải dương học, lặn biển, đi thuyền đáy kính xem san hô; các dịch vụ, các ngành nghề bổ trợ cho du lịch như ăn uống, giải khát, hàng lưu niệm, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản… với các sản phẩm phong phú và hấp dẫn được cung cấp trực tiếp từ người dân trên đảo. Việc phát triển du lịch đảo Cồn Cỏ bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với xây dựng củng cố thế trận quốc phòng trên địa bàn một cách bền vững.
Về dịch vụ lưu trú nâng cấp sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất nhà khách của UBND huyện (30 giường) và nhà khách của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (40 giường) phục vụ hoạt động du lịch. Đồng thời, tổ chức hợp lý các nhà dân trên đảo cho khách du lịch lưu trú theo hình thức homestay. Vận động người dân chỉnh trang lại nhà ở, khuôn viên sạch sẽ, an toàn, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của du khách, kết hợp tổ chức các sinh hoạt của người dân mà khách có thể tham gia.
Tổ chức khu vực đất trống cắm trại và dịch vụ cho thuê lều bạt các trang thiết bị ngủ ngoài trời, phục vụ cắm trại. Về ẩm thực, tổ chức bếp và nhà hàng ăn uống đạt tiêu chuẩn tại 2 nhà khách của UBND huyện và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Xây dựng nhà hàng hải sản tươi sống. Tổ chức cho người dân làm các dịch vụ ăn uống mang tính đặc sản địa phương như cháo cá nhảy nấu với rau mứt, cháo khởi, khởi rang me, các loại gỏi cá doái, ngừ, trích, mú, cá duội…
Cồn Cỏ được đánh giá là một trong những hòn đảo đẹp của miền Trung với hệ sinh thái phong phú. Đảo Cồn Cỏ nằm ở phía đông huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), án ngữ phía nam vịnh Bắc Bộ, là điểm phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cửa ngõ hàng không, hàng hải quốc tế quan trọng. Do nằm ở vị trí trọng yếu nên Cồn Cỏ được xem là “vọng gác tiền tiêu” của đất liền. Huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập từ tháng 10/2004 với diện tích khoảng 2,3 km2 và cách đất liền 15-17 hải lý (khoảng 30 km). Hiện người dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy hải sản và dịch vụ.
Tàu cao tốc ra đảo Cồn Cỏ
Để du lịch Cồn Cỏ, các bạn cần có mặt tại Thành phố Đông Hà, Quảng Trị và đi taxi hay xe ôm ra cảng Cửa Việt. Các chuyến tàu đi và đến đảo đều sẽ xuất phát tại đây vào khoảng 7h30 sáng. Tàu cao tốc đi thẳng ra đảo Cồn Cỏ với thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng.
Tàu Cồn Cỏ Tourist
Từ cảng Cửa Việt, đi ra đảo Cồn Cỏ vào 7:30 sáng thứ 2, 4, 6, 7 và trở về đất liền vào thứ 3, 5, 7, Chủ nhật hằng tuần. Ngoài lịch chạy cố định trên, Tàu Con Co tourist còn chạy dịch vụ theo nhu cầu của khách. Giá thuê nguyên chuyến: 16 triệu đồng đối với những đoàn khách dưới 40 người. Thu 400.000đ/người/chuyến (ra và vào) đối với những đoàn khách trên 40 người. Lịch tàu khởi hành theo yêu cầu của khách.
Ngoài ra, quý khách có thể liên hệ với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị. ĐC: Số 45 Hùng Vương,TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị ĐT: (0233) 3720777 – 3681777. Chuyên viên phụ trách du lịch: 0888345529 (Mr.Sơn) để hỏi trước lịch tàu cụ thể.
Tàu Chín Nghĩa Quảng Trị
Tàu cao tốc Chín Nghĩa Quảng Trị là tàu vỏ thép đằm, chắc chịu sóng tốt với sức chở 156 hành khách và gần 30 tấn hàng hóa hoạt động trên tuyến Cửa Việt đi đảo Cồn Cỏ với thời gian mỗi chuyến hành trình là 1 giờ 10 phút.
TÀU KHÁCH CHÍN NGHĨA QUẢNG TRỊ tự hào là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành vận tải hành khách – hàng hóa tuyến Cửa Việt – Cồn Cỏ. Mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch độc đáo và đáng nhớ trên đảo Cồn Cỏ, đồng thời cam kết thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ môi trường biển và du lịch bền vững trên đảo.
Trước đó, Chín Nghĩa đã đưa tàu Chín Nghĩa 01 ra hoạt động trên tuyến này và sau đó là Tàu Chín Nghĩa 02 được đổi tên là tàu khách Chín Nghĩa Quảng Trị. Đây là một trong những con tàu đầu tiên hoạt động trên tuyến Cửa Việt – Cồn Cỏ, trong điều kiện địa phương chưa có tàu chuyên dụng vận chuyển hành khách ra vào đảo Cồn Cỏ, việc phối hợp với doanh nghiệp đầu tư phương tiện có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.