Đến thành phố biển Bà Rịa – Vũng Tàu, du khách dễ dàng tìm thấy món bánh khọt Vũng Tàu từ quán cóc bình dân đến nhà hàng cao cấp. Dù quán ăn bình dân hay nhà hàng sang trọng thì người làm bánh khọt vẫn giữ cách làm cũng như hương vị đặc trưng riêng để rồi một lần nếm thử sẽ thật khó quên và lòng sẽ hẹn lòng lần sau trở lại Vũng Tàu…
Lịch sử ra đời món Bánh Khọt Vũng Tàu
Theo những người gắn bó lâu năm với nghề làm bánh khọt, nguồn gốc của loại bánh này xuất phát từ bánh căn của vùng Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.
Khi người dân di cư vào vùng đất mới đã đem theo món ăn truyền thống của cha ông rồi dần thay đổi cách làm, hương vị cho phù hợp với nguồn nguyên liệu, phong vị của người bản địa. Còn cái tên bánh “khọt”, theo giải thích của nhiều người là do khi đổ bánh, để lóc bánh ra khỏi khuôn, người ta phải dùng muỗng khẩy lên, khi muỗng va chạm vào thành khuôn phát ra tiếng kêu “khọt khọt”, tên gọi của bánh cũng bắt đầu từ đấy. Nhưng cũng có cách lý giải tên bánh theo một ý nghĩa khác. Đó là ngày xưa, những người nghèo, cơ cực, không đủ tiền ăn cao lương mỹ vị mà chỉ ăn loại bánh làm toàn bằng bột chứ không có thịt thà gì. Vì vậy, người ta đặt tên cho loại bánh ấy là “khộp”, nghĩa là nghèo khổ (theo từ cổ). Lâu dần, cái tên “khộp” ấy được đọc trại thành “khọt”.
Trước đây, món ăn này chủ yếu được các bà, các mẹ làm vào những ngày nghỉ, các dịp gia đình sum họp tạo không khí quây quần, vui tươi, đầm ấm vì mọi người cùng giúp nhau xay bột, nhặt rau, đổ bánh… sau đó thưởng thức hương vị món ăn để nhớ về quê hương bản xứ. Thời gian lâu dần, món ăn ấy không còn là riêng của những người dân xứ Nam Trung bộ mà trở thành món ăn chung được cư dân bản địa ưa thích. Dần dà, quá trình phát triển du lịch mạnh mẽ của thành phố Vũng Tàu đã tạo điều kiện thuận lợi giúp bánh khọt đến dần với du khách và trở thành món ăn danh tiếng của địa phương. Đến bây giờ, chẳng ai còn nhớ thời điểm cũng như nhân vật đầu tiên đưa bánh khọt đến Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng những tên như bánh khọt Gốc Vú Sữa, Cây Sung, Cô Ba Vũng Tàu, cô Hai… trở thành điểm hẹn ẩm thực hàng ngày của người dân địa phương và du khách thập phương mỗi khi đến với phố biển.
Nguyên liệu chế biến món Bánh Khọt Vũng Tàu
Vỏ bánh được làm từ hỗn hợp bột gạo, trứng gà, nước cốt dừa. Nhân bánh khá đa dạng có thể là sò điệp, tôm tươi, thịt bằm, chả cá, nhưng ưa chuộng nhất vẫn là tôm tươi. Vì là món ăn dân giã nên cách làm bánh khọt cũng khá đơn giản: Gạo đem ngâm nước khoảng 2-3 tiếng cho hơi mềm, sau đó đem xay, ủ qua đêm, khi chế biến hòa bột gạo với nước cốt dừa, trứng gà, hành lá xắt nhỏ, bột nghệ… Khuôn bánh khọt bắc lên bếp cho nóng, tráng một lớp dầu mỏng rồi đổ bột vào đợi bánh gần chín cho tôm lên trên mặt bánh, đậy nắp khuôn lại và đợi đến khi bánh chín cho một ít dầu vào để dễ lấy bánh khỏi khuôn.
Công thức chung như thế nhưng để tạo dấu ấn riêng hấp dẫn khách hàng, mỗi quán đều có bí quyết riêng trong khâu pha chế, sáng tạo nhân và trang trí làm đẹp chiếc bánh. Ngoài món bánh khọt được đổ theo cách truyền thống sử dụng nguyên liệu chính từ gạo, để thay đổi khẩu vị, màu sắc cho bánh nhiều hàng quán cải tiến cách làm bánh, có bánh đậu xanh, bánh chay, nhân cũng đủ loại theo sở thích của khách hàng. Bánh khọt ngon phải là những chiếc bánh vừa giòn vừa dai, vị béo của bột gạo, nước dừa và gạch tôm hòa quyện, vàng ruộm và thơm lừng, được ăn kèm với nước chấm và các loại rau sống. Nhiều người cho rằng, nước chấm và các loại rau sống ăn kèm góp 50% giúp miếng bánh khọt thêm ngon miệng. Đặc biệt, trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm được hết sức chú trọng, có quán bánh khọt còn trang bị máy rửa rau sạch công nghệ ozon, giúp rau luôn tươi ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh.
Ngày nay, đến thành phố Vũng Tàu, du khách dễ dàng tìm thấy món bánh khọt từ quán cóc bình dân đến nhà hàng cao cấp. Tuy nhiên, dù quán ăn bình dân hay nhà hàng sang trọng thì người làm bánh khọt vẫn giữ cách làm cũng như hương vị đặc trưng riêng để rồi một lần nếm thử sẽ thật khó quên và lòng sẽ hẹn lòng lần sau trở lại Vũng Tàu phải tìm đến thưởng thức món ăn đạt kỷ lục châu Á của phố biển.
Ăn bánh khọt Vũng Tàu ở đâu ngon?
Bánh khọt Vũng Tàu từng được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là 1 trong 12 món ăn của Việt Nam đặc sắc nhất châu Á; Top các món ngon nhất thế giới trong cuộc bình chọn tại lễ hội ẩm thực đường phố quốc tế diễn ra tại Singapore năm 2013…
12 thành viên là chủ các quán bánh khọt trên địa bàn TP. Vũng Tàu được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bánh khọt Vũng Tàu” gồm: Phạm Thị Hiền (56 Lê Lợi, phường 4); Đoàn Thị Loan (67 Bà Triệu, phường 4); Dư Thị Xuân Nga và Nguyễn Thị Xuân Dung (19 Hoàng Hoa Thám, phường 3); Lưu Thị Thanh Trâm (19/5/24 Hoàng Văn Thụ, phường 7); Phạm Thị Kiều (59 Bà Triệu, phường 4); Nguyễn Thị Hòa (14 Nguyễn Trường Tộ, phường 2); Nguyễn Thị Minh Diện (164/3 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam); Phạm Ngọc Hưng (14 Hoàng Hoa Thám, phường 3); Trần Thị Thu Thủy (48/37 Nguyễn Trường Tộ, phường 2); Phạm Đức Dục (201/2 Lê Lợi, phường Thắng Nhì); Trần Thị Hương (B1102 chung cư Lakeside khu đô thị Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh).
Bánh khọt Miền Đông
Địa chỉ: 59 Bà Triệu, phường 4, TP. Vũng Tàu
Tại đây nguyên liệu để làm bánh khọt khá đơn giản, dễ kiếm như: bột gạo, trứng gà, nước cốt dừa, bột nghệ, hành lá, đậu xanh và tôm. Nhưng để có được những chiếc bánh khọt giòn, ngon và ngọt thì phải có bí quyết riêng, từ khâu chọn gạo, ủ bột, chọn tôm đến tỷ lệ muối, tiêu, trứng gà và cả cách pha nước mắm, cách chọn rau ăn kèm. Bánh khi ăn có màu vàng tươi, giòn rụm, thơm mùi gạo, vị ngọt của tôm…
Bánh khọt gốc vú sữa
Địa chỉ: 14 Nguyễn Trường Tộ, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Bánh khọt là một món ngon Vũng Tàu khá phổ biến, cũng như có rất nhiều tiệm bánh nằm rải rác trong thành phố. Riêng với tiệm bánh khọt Gốc vú sữa, lúc nào cũng đông đúc thực khách từ sáng đến tối, luôn ồn ào, náo nhiệt cả một góc đường. Quán nằm gần cuối đường Nguyễn Trường Tộ, xung quanh có rất nhiều quán khác cũng phục vụ món bánh khọt nhưng lại không đắt khách bằng. Chiếc bánh nhỏ tròn tròn có bề mặt màu trắng tinh, điểm xuyết lên đó là màu đỏ gạch của tôm, màu xanh của hành thái nhỏ và màu vàng ươm của trứng gà. Bánh khọt của người Vũng Tàu khá giống bánh căn của người miền Trung, cũng được làm từ bột gạo và có thêm nhưng tôm tươi đã được bóc vỏ và cả tôm khô đã được giã nhuyễn, mằn mặn, đậm đà.
Một phần bánh khọt gồm khoảng từ 8 đến 10 cái, bánh nóng hổi vừa chín tới được gắp ra đĩa và xếp thành từng cặp, rắc lên bề mặt một ít tôm cháy, mỡ hành nữa là đã có được món ăn tuyệt hảo. Đặc biệt, những chiếc bánh khọt tại Gốc vú sữa có phần lớn hơn và chất lượng hơn so với những tiệm khác, còn có thêm mực tươi mang lại hương vị đặc biệt hơn. Phần rau sống tại quán cũng có phần tươi ngon, sạch sẽ và phong phú hơn, góp phần nâng niu khẩu vị của người ăn. Cuốn một chiếc bánh khọt vào rau xà lách thêm vài lá rau tía tô, kinh giới, diếp cá, chấm vào nước mắm ớt và cắn một miếng, cảm giác vô cùng thi vị và ấn tượng.
Bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu
Địa chỉ: số 01 Hoàng Hoa Thám, Phường 3, TP.Vũng Tàu
Bánh khọt từ lâu đã không còn xa lạ đối với mỗi người dân miền sông nước. Là điểm hẹn cho những món đặc sản dân dã, thương hiệu Bánh Khọt Cô Ba Vũng Tàu đã đi vào lòng thực khách với bí quyết chế biến đặc trưng mang đậm chất Nam Bộ.
Trong chợ Vũng Tàu ngày xưa có một hàng bánh khọt nổi tiếng một thời, mang thương hiệu “Cô Ba”. Trải qua năm tháng, món bánh khọt Vũng Tàu ngày càng được đông đảo thực khách yêu thích, đặc biệt là khách Sài Gòn. Đáp lại sự yêu mến của du khách, Cô Ba đã mang tinh túy ẩm thực Vũng Tàu về Sài Gòn khai sinh thương hiệu Bánh Khọt Cô Ba Vũng Tàu như một lời tri ân.
Còn gì tuyệt vời hơn trong những buổi chiều lộng gió ở thành phố Vũng Tàu, được ngồi bên đĩa bánh khọt nóng hổi, vừa thưởng thức hương vị thơm ngon, đậm đà của món ăn, vừa ngắm cảnh đẹp của thành phố biển khi chiều xuống.
Hãy đến hệ thống Bánh Khọt Cô Ba Vũng Tàu để thử và cảm nhận bạn nhé!
Bánh khọt cây sung
Địa chỉ: 19 Hoàng Hoa Thám, Phường 3, Tp. Vũng Tàu
Dù không phổ biến với nhiều du khách nhưng đây là quán bánh khọt được người dân Vũng Tàu chính hiệu đặc biệt yêu thích. Bánh Khọt Cây Sung ngon ở vị tôm tươi đi cùng lớp vỏ vàng bông bắt mắt. Rau sống, nước chấm và gỏi đu đủ kết hợp hương vị hài hòa, vì thế không có cảm giác ngấy.