Đình thờ Nguyễn Trung Trực luôn là điểm dừng chân để du khách viếng thăm và chiêm bái người anh hùng dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đây là ngôi đền lớn nhất trong số chín ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ngôi đền nằm đối diện dòng sông êm đềm, ngay sát cửa biển, rợp mát bóng cây bồ đề xanh tốt. Mặt đền quay ra cửa biển và cách biển khoảng 100 m nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Bước qua cổng đền là bức tượng Nguyễn Trung Trực đúc bằng đồng trông oai nghiêm, sống động với khí thế trung nghĩa, bất khuất. Trong khuôn viên, ngoài bức tượng còn có ngôi mộ của ông được xây vào năm 1986.
Về mặt kiến trúc, đền Nguyễn Trung Trực được khởi dựng năm 1869 sau khi cụ mất, lúc đầu chỉ là ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá, do dân chài dựng lên để thờ Thần Nam Hải (Cá voi). Đền được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm Chính điện, Đông lang và Tây lang. Cột kèo bằng bê tông, mái lợp ngói. Được xây dựng theo phong cách truyền thống, mái đình cong lợp ngói âm dương, trên nóc đắp hình lưỡng long tranh châu, sơn màu đỏ ngời lên vẻ tôn nghiêm. Điện thờ chính có những vật dụng thường thấy trong các ngôi đình Nam bộ. Những giá đặt binh khí ánh lên sắc đồng mạnh mẽ.
Đến đền thờ Nguyễn Trung Trực, cảm giác đầu tiên của du khách là không gian thanh tịnh, tạo cảm giác tôn nghiêm, thành kính. Bên cạnh đền thờ Nguyễn Trung Trực còn có phòng thuốc nam với các lương y giỏi bắt mạch, kê toa, châm cứu miễn phí. Hàng ngày đền nhộn nhịp người ra vào để chữa bệnh, bốc thuốc, làm công đức. Với những việc làm y đức chữa bệnh cứu người, phòng thuốc nam đã được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi thư khen ngợi.
Đền và mộ Nguyễn Trung Trực đã được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Năm 2012, tỉnh Kiên Giang tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Trung Trực để xứng tầm là điểm du lịch không thể thiếu khi đến Kiên Giang. Đây là nơi lưu giữ những chiến tích, kỷ vật, hiện vật về thân thế sự nghiệp, chiến công lừng lẫy của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, đồng thời cũng là điều kiện tốt trong việc giáo dục lịch sử lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về vị Anh hùng yêu nước trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Hàng năm, vào ngày 27, 28, 29 tháng 8 âm lịch, Kiên Giang tổ chức Lễ hội AHDT Nguyễn Trung Trực thu hút đông nhân dân trong khu vực về dâng hương. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội có các hoạt động sân khấu hóa tái hiện sinh động những chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam và Cụ Nguyễn Trung Trực, các trò chơi dân gian, các hoạt động thương mại, du lịch, văn hóa ẩm thực sông nước Nam bộ và nhiều hoạt động khác phục vụ nhân dân trẩy hội.
Nét độc đáo và riêng biệt của Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là những người đến đình cúng, viếng, chiêm bái không chỉ được ăn, uống, xem văn nghệ miễn phí, mà còn được ngủ nghỉ, khám bệnh bốc thuốc miễn phí.