4 tuyến vận tải từ bờ ra đảo được đề xuất bổ sung để thúc đẩy vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
Bộ GTVT đang tổ chức lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2019 liên quan đến việc quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam.
Tại lần sửa đổi này, 4 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo mới được đề xuất bổ sung, gồm: tuyến Đà Nẵng – Lý Sơn, tuyến Đà Nẵng – Cù Lao Chàm; tuyến TP.HCM – Côn Đảo và tuyến vận tải Cửa Tùng – Cồn Cỏ.
Nêu lý do về việc sửa đổi thông tư hiện hành, Bộ GTVT cho biết, kể từ khi có hiệu lực đến nay, Thông tư số 16/2013 và Thông tư số 36/2019 đã có những tác động nhất định đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế địa phương, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
Tuy nhiên, do yêu cầu về phát triển KT-XH, du lịch, một số tuyến vận tải mới tại các tỉnh miền Trung được đề xuất bổ sung vào danh mục các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo. Việc nghiên cứu xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2019 theo trình tự thủ tục rút gọn là cần thiết để giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Theo cảng vụ hàng hải Đà Nẵng, địa phương này không chỉ có vị trí trọng yếu về KT-XH, an ninh quốc phòng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên mà còn là điểm đến hấp dẫn được du khách trong và ngoài nước.
Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 393/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã định hướng phát triển thành phố này trở thành là trung tâm về công nghiệp, du lịch, thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, việc phát triển các tuyến vận tải thủy từ Đà Nẵng ra các đảo khu vực miền Trung rất cần thiết.
Thông tư 36/2019 của Bộ GTVT hiện đã công bố 29 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo.
Trong đó, tỉnh Kiên Giang có các tuyến: Rạch Giá – Thổ Châu, Rạch Giá – Nam Du, Rạch Giá – Phú Quốc, Kiên Lương – Phú Quốc, Hà Tiên – Phú Quốc, Phú Quốc – Thổ Châu, Nam Du – Phú Quốc.
Địa phận Cà Mau – Kiên Giang gồm các tuyến: Năm Căn – Phú Quốc, Năm Căn – Nam Du, Năm Căn – Thổ Châu, Sông Đốc – Thổ Châu, Sông Đốc – Phú Quốc, Sông Đốc – Nam Du và Khai Long – Phú Quốc.
Tỉnh Cà Mau có các tuyến: Khai Long – Hòn Khoai, Năm Căn – Hòn Khoai, Năm Căn – Hòn Chuối và Văn Thời – Hòn Chuối.
Tỉnh Khánh Hòa có các tuyến: Khánh Hòa – Trường Sa, Nha Trang – Hòn Nội.
Ngoài ra, một số tuyến vận tải thủy khác được công bố, gồm: Hải Hà – Đảo Trần – Cô Tô (Quảng Ninh), Hải Phòng – Bạch Long Vỹ (TP Hải Phòng), Cửa Việt – Cồn Cỏ (Quảng Trị), Đà Nẵng – Hoàng Sa (Đà Nẵng); Sa Kỳ – Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phan Thiết – Phú Quý (Bình Thuận), Vũng Tàu – Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Trần Đề – Côn Đảo (Sóc Trăng); Cần Thơ – Côn Đảo (địa phận Cần Thơ – Bà Rịa Vũng Tàu).