Nhà truyền thống cách mạng TP. Vũng Tàu (số 1 Ba Cu, phường 1), trước đây là trụ sở Ủy ban Việt Minh tại Vũng Tàu. Trải qua các thời kỳ chiến tranh khốc liệt, đến nay, trụ sở Ủy ban Việt Minh vẫn còn vẹn nguyên đó như một minh chứng hùng hồn của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người dân Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.
Dinh quan năm Pháp nằm giữa số nhà 39 và 50 đường Quang Trung, phường Châu Thành thuộc TX. Vũng Tàu, vốn là văn phòng chỉ huy quân sự khu vực Vũng Tàu từ thập niên đầu của thế kỷ 18 đến khi Nhật đảo chính Pháp. Đó là một ngôi biệt thự xây cất đồ sộ (thường gọi là P.O ) có hai tầng thoáng mát, đủ tiện nghi, nằm sát biển ở Bãi Trước. Trong khu biệt thự còn có văn phòng tham mưu trực thuộc (gọi là ETAT MAJOR), nơi thường xuyên có sĩ quan Pháp làm việc. Ngày 25-8-1945, dinh quan năm Pháp chính thức trở thành trụ sở Ủy ban Việt Minh thị xã Vũng Tàu.
Toàn khu Ủy ban Việt Minh rộng 6580m2, nằm sát biển Bãi Trước. Đây là một công trình được thiết kế theo dáng kiến trúc công sở thời Pháp thuộc: nhà 2 tầng, bậc thềm cao, có hành lang thoáng rộng, cửa sổ bốn phía, cầu phong, ly tô và có trần vôi rơm cách nhiệt… Tầng trệt là nơi hội họp, tầng lầu là nơi ở của các đồng chí trong Ủy ban Việt Minh. Căn phòng 22m2 đầu tiên của tầng lầu là nơi ở và làm việc của bí thư Nguyễn Văn Phúc.
Khi Nhật đảo chính Pháp, phụ trách chỉ huy quân sự lúc đó là viên thiếu tướng Quillikini và toàn bộ sĩ quan Pháp dưới quyền bị bắt giải lên Sài Gòn. Trong những ngày khởi nghĩa, ủy ban khởi nghĩa Vũng Tàu bao gồm các đồng chí Nguyễn Xuân Nhật, Hồ Sĩ Nam, Nguyễn Bảo, Lê Đình Y, Bùi Cửu và nhiều đồng chí khác đã ăn ở và làm việc tại trụ sở. Lực lượng bảo vệ trung đội cảm tử quân cũng đóng trong khu vực này.
Ngày 28-8-1945, tại sân vận động Lam Sơn (cách trụ sở Ủy ban Việt Minh khoảng 300m), cuộc mitting khởi nghĩa của nhân dân Vũng Tàu giành chính quền thắng lợi, chính quyền cách mạng chính thức về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ủy Ban Việt Minh TX. Vũng Tàu.
Ủy ban Việt Minh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt sâu sắc đối với tiến trình cách mạng của địa phương. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 và sự thành lập chi bộ Đảng Vũng Tàu đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào cách mạng Vũng Tàu từ khi có Đảng. Trong hoàn cảnh gay go phức tạp rất riêng biệt ở Vũng Tàu của những ngày chính quyền cách mạng mới thành lập, Ủy ban Việt Minh là người lãnh đạo, tổ chức nhân dân Vũng Tàu gìn giữ chính quyền, xây dựng được những cơ sở vật chất và tinh thần của một chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ sắp diễn ra.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, di tích trụ sở Việt Minh do Công ty du lịch Đồng Nai (1975 – 1977) và Công ty Du lịch dịch vụ dầu khí OSC trực tiếp quản lý sử dụng. Nhằm mục đích phục vụ kinh doanh du lịch, công ty OSC đã tiến hành một số lần tu sửa nhỏ: Đục lắp điều hòa nhiệt độ, xây thêm một phòng trên tầng lầu, cải tạo mặt bằng ngoại thất, xây nhà trệt phía sau và thiết kế một số điểm vui chơi giải trí. Sau đó, di tích trở thành câu lạc bộ thanh niên thuộc khách sạn Thắng Lợi, khu du lịch Lam Sơn…
Năm 1991, trụ sở Ủy ban Việt Minh được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và đổi tên thành Nhà truyền thống cách mạng TP. Vũng Tàu (số 1 Ba Cu, TP. Vũng Tàu). Ngày nay, Nhà truyền thống cách mạng TP. Vũng Tàu là trụ sở của Trung tâm Văn hoá – Thông tin – Thể thao TP. Vũng Tàu. Bên trong hai tầng nhà truyền thống được sử dụng làm thư viện, nơi trưng bày, triển lãm, tổ chức hội họp. Phía tầng lầu là phòng trưng bày hình ảnh, tư liệu lịch sử. Nằm ở vị trí thuận lợi, ngay trung tâm TP. Vũng Tàu, sát biển, Tháng 10/2013 thư viện được chuyển về số 91 Lý Thường Kiêt, (trụ sở Thư viện tỉnh cũ) để hoạt động và UBND thành phố Vũng Tàu tiến hành các thủ tục trùng tu.
Nhà truyền thống cách mạng TP. Vũng Tàu đã tôn thêm vẻ đẹp của thành phố biển du lịch Vũng Tàu và là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch của thành phố Vũng Tàu