Di tích lịch sử đặc biệt Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương là một phần quan trọng không thể tách rời trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt – Nhà tù Côn Đảo. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” thu hút nhiều du khách viếng thăm khi đặt chân đến Côn Đảo bằng tấm lòng thành kính tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Sơ lược về Nghĩa trang Hàng Dương

Theo giới thiệu của thuyết minh viên, có khoảng 20.000 tù nhân đã chết ở Côn Đảo. Nghĩa địa tù đầu tiên được lập ở khu vực Chuồng Bò, còn gọi là di tích Bãi Sọ người, sau dời lên Hàng Keo. Đến sau năm 1934 và nhất là giai đoạn năm 1941, chế độ khủng bố trắng sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã có hàng ngàn tù nhân ở hệ thống nhà tù Côn Đảo bị giết hại. Nghĩa địa Hàng Keo hết chỗ, thực dân Pháp phải mở thêm nghĩa địa để chôn tù. Đó chính là Nghĩa trang Hàng Dương hôm nay. Tính đến ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng (1975), ước tính có khoảng 6.000 tù nhân bị giết hại an nghỉ tại đây.

Sơ đồ Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giao cho UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư và giao cho Viện Kỹ thuật Công binh khởi công xây dựng và tôn tạo vào ngày 19 tháng 12 năm 1992. Sau đó Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tiếp tục thi công trên diện tích khoảng 20 ha, và được khởi công xây dựng và tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng các phần mộ trước đó, chia thành 4 khu A, B, C, D (riêng khu B được chia ra làm hai phần B1 và B2) theo thời kỳ với 1.922 phần mộ trong đó 714 phần mộ có tên.

Khu A: Gồm 688 ngôi mộ (có 7 mộ tập thể) trong đó 91 mộ có tên và 597 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 trở về trước. Nơi đây có mộ của liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.

Khu B: Gồm 695 ngôi mộ (có 17 mộ tập thể) trong đó 276 mộ có tên và 419 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 đến 1960. Nơi đây có mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc.

Khu C: Gồm 373 ngôi mộ (có 1 mộ tập thể) trong đó 332 mộ có tên và 41 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1960 đến 1975. Nơi đây có mộ của anh hùng Lê Văn Việt.

Khu D: Gồm 157 ngôi mộ, trong đó 14 mộ có tên và 144 mộ khuyết danh. Đặc biệt mộ khu D được quy tập các mộ từ các nghĩa trang Hòn Cau và Hàng Keo về.

Mộ Lê Hồng Phong
Mộ liệt sỹ tập thể tại khu C Nghĩa trang Hàng Dương

Hiện nay Nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo khang trang với sân hành lễ rộng, tượng đài chính giữa uy nghi cao 21,6m được thiết kế cách điệu từ hình dáng của các nấm mồ và bia mộ, ghép từ tổ hợp 144 phiến đá khối, chạm khắc những hình tượng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Bên dưới là bức phù điêu cao 2m, dài 30m khắc họa hình ảnh khắc nghiệt từng diễn ra tại nhà tù Côn Đảo trong 113 năm (1862-1975).

Sân hành lễ Nghĩa trang Hàng Dương

Từ cổng đi vào, khu vườn đá được xây dựng trên ý tưởng sự sụp đổ của mảng tường nhà tù. Trong khu vườn đá có tượng “Thủy chung” (trước đây gọi là tượng “Trao áo”) cao 4,5m thể hiện lòng trung thành, chung thủy với cách mạng của đồng chí, đồng đội và những chiến sĩ yêu nước, chết còn cởi áo trao nhau. Bên cạnh đó còn có tượng “Hy vọng” cao 4,5m mô phỏng sự lạc quan, tin vào thắng lợi, vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Trung tâm vườn đá là phù điêu “Bất khuất” cao 3,5m, dài 12,5m, một bên khắc họa hình ảnh về cuộc sống tù nhân Côn Đảo nhằm tố cáo chế độ nhà tù của thế lực thực dân xâm lược và một bên thể hiện ý chí kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cộng sản yêu nước từng bị giam cầm và đày đọa tại “địa ngục trần gian Côn Đảo”.

Điều đặc biệt có lẽ chỉ có ở nghĩa trang Hàng Dương đó là càng về đêm muộn du khách sẽ đến nghĩa trang để thắp nhang càng đông. Đèn chiếu sáng ở khắp mọi nơi và trước mỗi ngôi mộ có một ngọn đèn nhỏ như nến để làm cho nghĩa trang Hàng Dương trở nên lấp lánh. Âm nhạc nhẹ nhàng phát ra từ chiếc loa nhỏ nằm rải rác đâu như một bản giao hưởng ru ngủ ngàn đời của anh hùng, liệt sĩ, những người yêu nước tại đây.

Thời gian viếng nghĩa trang Hàng Dương

Đến thăm nghĩa trang Hàng Dương thiêng liêng về đêm được xem là hoạt động tồn tại lâu đời ở Côn Đảo do gắn liền với ngôi mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương. Người ta tin rằng, tại thời điểm vào ban đêm là cõi âm và cõi dương có thể liên kết với nhau thông qua tâm niệm. Vì vậy, mỗi đêm ở nghĩa trang Hàng Dương người dân địa phương và du khách đến đây không khác gì ngày hội.

Để đảm bảo tính tôn nghiêm, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường trong lễ viếng, dâng hương tưởng niệm tại di tích nghĩa trang Hàng Dương, Ban Quản lý Di tích Côn Đảo đã có thông báo số 103/DTCĐ-VP thông báo thời gian thăm viếng, dâng hương tưởng niệm tại di tích nghĩa trang Hàng Dương, cụ thể như sau:

Tại nghĩa trang Hàng Dương:

  • Ban ngày: Từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút
  • Ban đềm: Từ 18 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút

Thông tin liên hệ: Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo

Địa chỉ: Số 01 Lê Duẩn, huyện Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu

Điện thoại: 0254 3830 134

Quy trình đi lễ nghĩa trang Hàng Dương

Không chỉ đặc biệt bởi sự linh thiêng, Côn Đảo còn khiến du khách thấy thú vị về quy trình đi lễ, cách thức lễ bái không ở nơi đâu có được.

Theo như người dân đảo chia sẻ, đi lễ tại nghĩa trang Hàng Dương, viếng mộ cô Sáu nên đi theo quy trình ban ngày và ban đêm. Ban ngày đến Hàng Dương thắp hương tưởng niệm các anh hùng cách mạng đang nằm tại nơi đây, và ban tối là lúc đi lễ cô Sáu.

Vào ban ngày, đầu tiên du khách đi vào lễ đài tượng niệm (cột cao nhất ở Hàng Dương). Tại đây, du khách sẽ làm lễ chính cho các chiến sỹ cách mạng. Sau khi làm lễ tại đài tưởng niệm, du khách bắt đầu đi vào viếng mộ các chiến sỹ cách mạng nổi tiếng, tiêu biểu như mộ nhà yêu nước Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh nằm tại khu A nghĩa trang Hàng Dương. Du khách đi lễ lần lượt từ khu A,đến khu B, khu C, và cuối cùng là khu D. Khi đi lễ vào buổi sáng, du khách chưa tiến hành lễ tại mộ cô Sáu.

Ở Hàng Dương, khu D là nơi ít người vào thắp hương và lễ bái hơn các khu còn lại, do vị trí khu D ở sâu bên trong. Du khách có thể đi hoặc không. Tuy nhiên để việc đi lễ được trọn vẹn, du khách nên đi cả bốn khu thuộc nghĩa trang.

Sau khi đi hết các khu mộ, du khách có thể về nghỉ ngơi hoặc khám phá các địa điểm khác ở Côn Đảo, và đừng quên quay lại Hàng Dương vào buổi tối. Viếng mộ cô Sáu là phần tiếp theo của quy trình đi lễ tại Hàng Dương. Buổi tối, trước khi đến mộ cô Sáu, mọi người đi lễ tại đài tưởng niệm trước rồi mới bắt đầu vào lễ cô Sáu. Đi lễ vào giờ Tý là tốt nhất. Nếu có nhiều đồ lễ, du khách nên đến sớm một chút. Buổi tối tại phần mộ của cô Sáu rất đông, du khách hãy kiên nhẫn chờ đến lượt mình vào làm lễ, tránh chen lấn, xô đẩy.

Việc đi lễ thế nào vẫn tùy thuộc phần lớn vào cách cúng bái của mỗi người. Tuy nhiên để chuyến đi được thuận lợi nhất, mọi người nên tham khảo theo quy trình đi lễ tại Hàng Dương, viếng mộ cô Sáu được người dân đảo chia sẻ ở trên.

Những điêu khắc nổi bật tại Nghĩa trang Hàng Dương

Khu Vườn tượng nằm bên trong nghĩa trang Hàng Dương, chính giữa là phù điêu Bất Khuất. Tay trái là tượng Trao áo, bên phải là tượng người phụ nữ và chú chim bồ câu trên tay thể hiện cho sự hòa bình và hy vọng.

Sân hành lễ nằm ở trung tâm nghĩa trang với một tượng đài mang một hình tượng Trao Áo. Tượng đài cao 9m, nặng 25 tấn được khởi dựng ngày 16/7/1980. Dưới chân bức tượng có ghi hàng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”. Tượng đài được tái tạo từ câu chuyện “ Chết còn cởi áo cho nhau”. Người trao áo là ông Vũ Văn Hiếu, nguyên là bí thư đầu tiên của đặc khu mỏ Hòn Gai (tháng 10/1930). Người nhận áo nguyên là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Bức tượng Người trao áo tại Nghĩa trang Hàng Dương

Câu chuyện bừng sáng tinh thần cách mạng vô sản, tinh thần hiến dâng cách mạng đến hơi thở cuối cùng. Đó là bài ca về sự hy sinh của người cộng sản, tất cả cho tổ quốc, tất cả cho cách mạng.

Chiều xuống, tôi đến Nghĩa trang Hàng Dương, giờ đã thành một quần thể kiến trúc điêu khắc nổi bật. Bước vào Khu tưởng niệm, bắt gặp đầu tiên tác phẩm của nhà điêu khắc Đào Châu Hải, tác phẩm mang tên “Bất khuất” có chiều dài 22 m, cao 3,2 m (chưa kể bệ).

Là một dãy khối nằm ngang như một tấm bình phong phía mặt quần thể, hình tượng như một dãy núi, một bức tường nhà lao, được xếp chồng từng khối, những chi tiết điêu khắc khoét lõm sâu vào thể hiện những nhân vật bị giam cầm xiềng xích đang giúp đỡ, nương tựa nhau như đi xuyên trong những khối tường, như sự kết nối huyền thoại của tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất chống chủ nghĩa thực dân. Những lỗ thủng là điểm thú vị của tác phẩm, nó vừa đạt lý do khi nằm chính diện tiền sảnh quần thể lại vừa cho cảm giác trong ngoài của các ô cửa xà lim. Nhịp đặc, rỗng, lõm, phẳng… đã tạo toàn cho khối điêu khắc một câu chuyện dày dặn, vừa cho xúc cảm câm lặng lại vừa thấy cái cuộn dâng sức mạnh tiềm ẩn, ý chí của tinh thần quật cường, ý chí tư tưởng giải phóng dân tộc.

Chính diện, lùi xuống bên trái là tác phẩm của nhà điêu khắc Phan Gia Hương, mang tên “Hy vọng” cao 5m, tạc một khối nhân vật nữ đứng hiên ngang trong gió biển, dang tay thả chim tự do, hình ảnh đó là biểu tượng về tinh thần lạc quan, yêu đời đầy hy vọng, như hóa thân chính từ nữ anh hùng Võ Thị Sáu – một huyền sử sáng chói tinh thần cách mạng, nhân văn.

Bức tượng Hy Vọng ngay lối vào Nghĩa trang Hàng Dương

Hình ảnh Nghĩa trang Hàng Dương

Cổng chính vào Nghĩa trang Hàng Dương
Lối đi trong Nghĩa trang Hàng Dương
Mộ Nữ anh hùng Liệt sỹ Nghĩa trang Hàng Dương
Mộ Nguyễn An Ninh
Những ngôi mộ Liệt sĩ trong Nghĩa trang Hàng Dương
Những bức tượng điêu khắc trong nghĩa trang Hàng Dương
5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận