Di tích chuồng cọp Mỹ

Chuồng cọp Mỹ, tên gọi đầu tiên là trại VII, sau đó gọi là trại Phú Bình. Bao gồm 4 khu: AB, CD, EF, GH, mỗi khu có 2 dãy, mỗi dãy 48 phòng biệt lập. Tổng diện tích: 25.768m2. Một trại giam điển hình kiểu Mỹ, do chuyên gia Mỹ thiết kế xây dựng (hãng thầu RMK). Trên có song sắt tương tự như Chuồng cọp Pháp nhưng không có hành lang bên trên, mái lợp bằng tôn fibroximăng rất thấp, trời nắng hắt xuống như thiêu như đốt. Trong phòng giam không có bệ , tù nhân nằm dưới nền nhà hứng chịu khí ẩm ướt, khí đất xông lên khi chuyển về khuya. Tù nhân phải tiểu tiện vào thùng gỗ, mỗi khi đấu tranh sẽ bị phạt không cho đổ thùng vệ sinh, vài hôm hay kéo dài hàng tuần lễ hoặc lâu hơn nữa…Phân và nước tiểu bê bết trên mình của 8 đến 10 người tù trong một phòng biệt giam khoảng 5m2. Chưa kể buổi trưa nắng oi bức với mùi ô uế xông lên, bọn trật tự mở cánh cửa sắt ra kiểm tra rồi đóng dập lại thật mạnh, tiếng vang dội lên đinh tai nhức óc khi lần lượt 48 phòng giam trong 1dãy, và liên tiếp 8 dãy với 384 lần dội vào đầu vào lồng ngực của tù nhân, kể cả yếu tố bất lợi của thiên nhiên để đày ải con người. Chưa cần đến đòn roi, tù nhân cũng chết dần chết mòn bởi lối kiến trúc rất Mỹ nên còn được gọi là Chuồng cọp Mỹ.

Đây là nơi khởi đầu cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo, khi nghe tin tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, ngụy quân ngụy quyền Côn Đảo hoang mang tháo chạy. Tù nhân ở Trại VII đã quyết định hành động, chớp thời cơ giải phóng khỏang 1 giờ sáng ngày 01/5/1975. Đảo Ủy lâm thời đã được thành lập tại đây. Đến 8 giờ sáng ngày 1/5/1975 tù chính trị hòan toàn làm chủ Côn Đảo, chấm dứt “Địa ngục trần gian” sau 113 năm (1862-1975).

Di tích trại Phú Bình đã được, Bộ Văn Hóa – Thông Tin đã ra quyết định số 54-VHQĐ Đặc cách công nhận Khu di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia ngày 29/4/1979. Ngày 10/5/2012 Thủ Tướng chính phủ ra quyết định 548/ QĐTTg công nhận là Di tích Đặc biệt Quốc gia.

Rate this post

Để lại một bình luận