Di tích Cầu Ma Thiên Lãnh Côn Đảo

Nằm trên đường ven núi của Trung tâm Côn Đảo, du khách có thể đi bộ hay di chuyển bằng xe để đến tham quan khu di tích Cầu Ma Thiên Lãnh, đây là nơi thực dân Pháp đã đưa tù nhân làm khổ sai để mở con đường phục vụ cho việc giám sát tù nhân vượt ngục và khai thác gỗ.

Ma Thiên Lãnh mang trong mình câu chuyện một cây cầu đã gãy, đúng hơn là cây cầu không bao giờ thành hình, một cây cầu dang dở. Nằm ngay phía trước cổng vào vườn quốc gia Côn Đảo, di tích ấy chẳng khác nào bờ kè đá rộng chừng dăm bảy thước, như vẫn thường thấy ở bất cứ vùng đồi núi nào. Xem kỹ, đấy là 2 mố cầu bỏ dở kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, lẽ dĩ nhiên con đường dẫn về núi Chúa không bao giờ trọn vẹn.

Di tích Lịch sử Cầu Ma Thiên Lãnh

Cầu Ma Thiên Lãnh

Di tích Cầu Ma Thiên Lãnh xây dựng năm 1930. Thực dân Pháp mở con đường từ ngã ba Núi Chúa qua Bãi Ông Đụng nhằm khai thác cây gỗ, đá phục vụ công việc xây dựng trại giam, các công sở…và lập nên những trạm kiểm soát đề phòng tù nhân vượt ngục.

Di tích cầu Ma Thiên Lãnh Côn Đảo

Tù nhân làm khổ sai ở đây, do địa thế cheo leo hiểm trở, ăn uống thiếu thốn đói khát, nước suối lại rất độc, bị đá đè cây đổ, lao dịch nặng nhọc quá sức, cai ngục trật tự đánh đập, hối thúc… Mới xây dựng xong 2 mố cầu nhẫm tính đã có 356 người chết (đây chỉ là con số ước lệ do người tù nhẫm tính).

Cái tên Ma Thiên Lãnh để gọi cho 2 mố cầu xây dang dở bằng máu xương của hàng trăm tù nhân. Từ đó người tù mới lấy tên ngọn núi Ma thiên Lãnh ở Triều Tiên với địa thế hiểm ác, khó lên xuống, phỏng theo truyện Tàu “Tiết Nhân Quý Chinh Đông” đặt tên cho cây cầu này.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, công trình bị bỏ dở cho đến ngày nay.

Di tích Cầu Ma Thiên lãnh đã được, Bộ Văn hóa – Thông Tin đã ra Quyết định số 54-VHQĐ đặc cách công nhận Khu di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia ngày 29/4/1979. Ngày 10/5/2012 Thủ Tướng chính phủ ra Quyết định 548/ QĐTTg công nhận là Di tích đặc biệt Quốc gia.

Bài hát “Cầu Ma Thiên Lãnh”

Ở góc núi ấy, giờ có tấm bia bình dị để ghi dấu. Tấm bia mang hình một phiến đá xẻ, góc nhọn như vừa được vạt, rất sắc. Tôi tình cờ nhận ra, nhiều tấm bia di tích ngoài Côn Đảo cũng mang hình phiến đá sắc cạnh như thế. Từng phiến đá, cụm đá, tường đá… nơi đây như mang thân phận và có linh hồn. Phận đá, hồn đá có lẽ đã hun đúc tinh thần để những chí sĩ, nhà yêu nước kiên gan trước đòn thù.

Thời ấy, để tố cáo chế độ thực dân Pháp đày ải tù nhân làm khổ sai cực kỳ dã man, tù nhân còn sáng tác bài hát “Cầu Ma thiên lãnh”

Ai bước qua, ai bước qua cầu Ma thiên lãnh,

Hãy dừng chân ngắm cảnh quốc hờn.

Do quân thù tàn bạo gây nên.

Ai đã trông mà lòng không hờn,

Ai nghe đến mà lòng không căm giặc Pháp.

Quân Pháp kia, quân Pháp kia là loài tham tàn,

Gây oán thù vạn thuở khôn nguôi,

Mau đứng lên, mau đứng lên người dân yêu nước,

Giết thù chung dắt dìu giống nòi

Ra khỏi cảnh bùng lầy điêu linh

Bao máu xương, bao máu xương trong lao tù còn gây oán hờn, gây mối thù vạn thuở khôn nguôi.

Hướng dẫn đi Cầu Ma Thiên Lãnh

Đi qua Khu vườn quốc gia khoảng 3km tới một con đường nhỏ, cây cối hai bên mọc um tùm, leo hết con dốc thì tới di tích cầu Ma Thiên Lãnh.

Thông tin liên hệ: Ban quản lý di tích huyện Côn Đảo

Điện thoại: 0254 3830517

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận