Món lịch um lá nhàu phải chấm với nước mắm thấm (được làm từ tương vàng, sả băm nhuyễn, ớt, nước cốt dừa, đường và đậu phộng). Gắp một miếng lịch kèm với lá nhàu chấm nước mắm thấm và ăn từ từ, khi đó vị nhân nhẫn của lá nhàu nhưng có hậu ngọt, vị béo của nước cốt dừa, đậu phộng, thêm vị cay nồng của ớt, mùi thơm của sả, nghệ sẽ đánh thức vị giác của người thưởng thức. Đó là mùi vị đặc biệt mà người ăn sẽ không thể nào quên được.
Còn nhớ vào thời những con kênh, con rạch chưa được nạo vét, hễ vào mùa nước mặn (tức là mùa khô, vào khoảng tháng 01 đến tháng 4 hàng năm), người dân vùng nông thôn hay đi dọc theo hai bên bờ sông để thụt lịch (móc lịch, bắt lịch) và đem về chế biến những món ăn thật hấp dẫn như: nướng, xào sả ớt, nấu canh chua…Nhưng có lẽ ngon nhất, hấp dẫn vẫn là món lịch um lá nhàu.
Con lịch có hình dáng giống như con lươn, da trơn rất khó bắt. Có người nói, con lịch bỏ trong thau nước còn khó bắt chứ đừng nói chi đến việc đi thụt lịch dưới bùn. Vì vậy, người thụt lịch phải có nghề.
Muốn thụt được lịch phải đợi khi nước ròng, lúc đó ở bãi bùn hai bên mé sông sẽ hiện ra những cái hang. Người thụt lịch có thể quan sát xem trên miệng hang nào có lớp bùn non mới trào ra tức là ở hang đó có lịch và lấy tay lần nhẹ theo hang để móc lịch. Khi đụng phải lịch thì dùng ngón tay giữa ngoéo chặt ở giữa lưng để con lịch không bị tuột khỏi tay. Nếu người có kinh nghiệm thì chỉ trong một giờ có thể bắt được vài ký lịch là chuyện rất bình thường.
Khi bắt được lịch thì đem về dùng tro bếp hoặc dùng nước giấm, nước chanh để vuột sạch nhớt. Nhưng nếu là người sành ăn lịch thì sẽ không dùng nước giấm để vuột nhớt, vì làm vậy lịch sẽ bị tróc da và mất hương vị của lịch, ăn không ngon. Bởi lẽ, nhiều người cho rằng, thịt lịch ngon hơn thịt lươn vì nó béo, thơm và dai.
Để chế biến món lịch um lá nhàu không khó nhưng cũng rất kỳ công, bởi gia vị gồm nhiều loại; đặc biệt, phải hái được là nhàu vừa ăn, không quá già mà cũng không quá non. Nếu lá nhàu quá non thì sẽ bị mềm và chưa đủ chất để trở thành vị thuốc, còn nếu quá già thì có vị thuốc nhưng lại bị dai, rất khó ăn. Ngoài ra, còn phải có thêm các gia vị khác như: nghệ đâm giập, sả băm nhuyễn và sả cây đập giập, nước cốt dừa, tương vàng, ớt, dầu ăn, tỏi…
Sau khi lịch đã làm sạch, bỏ ruột và để ráo nước, chúng ta có thể để nguyên con lịch cuộn tròn lại hoặc cũng có thể cắt lịch ra thành từng khúc và cho vào nồi để um. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ, nên cắt lịch ra thành từng khúc, vì nếu để nguyên con khi um xong thịt lịch sẽ bị vỡ vụn ra, ăn không ngon.
Trước tiên, chúng ta có thể dùng ít dầu ăn và tỏi sấy cho vàng để chiên sơ qua cho thịt lịch thơm và săn chắc lại. Sau đó, cho một ít sả cây đập giập và một ít lá nhàu lót dưới đáy nồi rồi đặt lịch vào rồi cho vào một ít tương vàng, nghệ, ớt. Đặc biệt, phải có sả băm nhuyễn, tiếp tục lấy lá nhàu phủ lên trên một lớp nữa và cho nước cốt dừa vào, bỏ thêm ít gia vị sao cho vừa ăn thì bắt nồi lên bếp, đậy nắp lại và để nhỏ lửa, um lịch khoảng 30 phút thì có thể ăn được.
Món lịch um lá nhàu phải chấm với nước mắm thấm (được làm từ tương vàng, sả băm nhuyễn, ớt, nước cốt dừa, đường và đậu phộng). Gắp một miếng lịch kèm với lá nhàu chấm nước mắm thấm và ăn từ từ, khi đó vị nhân nhẫn của lá nhàu nhưng có hậu ngọt và vị béo của nước cốt dừa, đậu phộng, thêm vị cay nồng của ớt, mùi thơm của sả, nghệ sẽ đánh thức vị giác của người thưởng thức. Đó là mùi vị đặc biệt mà người ăn sẽ không thể nào quên được.
Có thể nói, lịch um lá nhàu là món ăn bổ dưỡng, thích hợp cho người cao tuổi, vì đây là món ăn, một bài thuốc nam trị đau lưng, nhức mỏi cũng rất tốt.