Cua đá ở hòn Tranh Phú Quý

Cua đá Phú Quý thường sống quanh mép, bờ đá, các vũng nước quanh khu vực hòn Tranh, ngư dân Phú Quý thường săn bắt cua vào ban đêm vì đây là thời gian cua đi tìm thức ăn. Cua đá là một trong những đặc sản quý hiếm của huyện đảo Phú Quý.

Có diện tích lớn thứ hai trong nhóm 10 đảo, hòn Tranh của huyện đảo Phú Quý, cách đảo chính khoảng 15 phút đi xuồng máy về hướng Đông Nam. Hòn Tranh hình chữ S, nơi rộng nhất 400m, dài khoảng 1.000m. Phía Nam hòn Tranh là các vũng Gần, vũng Bàn, vũng Phật… nước xanh trong nhìn thấy từng viên đá cuội… Có thể nói, cho dù hiện nay đã có một số ít chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ, cũng như ngư dân lui tới khai thác hải đặc sản, nhưng hòn Tranh vẫn còn hoang sơ với các loại cây rừng, dứa dại, cỏ tranh và gần đây là cây phong ba… Nhờ sự hoang sơ này mà nhiều loại động, thực vật phát triển, tồn tại, trong đó có cua đá, một loài cua chỉ xuất hiện ở các hoang đảo.

Cua đá ăn lá cây và các loại thức ăn xanh mà chúng tìm thấy. Ban ngày cua trốn trong hang, đêm xuống bò men theo các hòn đá, leo lên cây ăn lá. Cua đá cũng như động vật hoang dã trên rừng, khi bị ánh sáng chiếu vào mắt thì bất động. Vì vậy, để bắt cua đá chỉ cần chiếc đèn pin đủ sáng và đôi bao tay đủ dày để không bị đau khi cua kẹp, cùng đôi mắt tin tường để nhận ra màu tím than của cua khi cua bám khe đá, hoặc trên cành cây vào ban đêm. Trong thiên nhiên, cua đá sinh sản từ tháng 6 đến tháng 9. Khi đó, cua tìm những bãi đá hoang sơ, nước biển ra vào để phóng trứng. Thịt cua đá màu trắng, rất thơm ngọt và dai. Khi hấp hoặc luộc, vỏ cua vàng tươi, bóng sáng, bắt mắt. Chính vì vậy, gần đây, ngư dân huyện đảo Phú Quý thường sang hòn Tranh tìm bắt cua đá, bán cho nhà hàng, hoặc nuôi tại gia.

Mùa mưa, cua đá hòn Tranh có điều kiện phát triển. Nếu cua đá, cùng nhiều sản vật biển ở hòn Tranh được khai thác đúng mức, có tính tới yếu tố bảo tồn, Phú Quý lại có thêm những điều hấp dẫn để chào mời du khách.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận